“Không gì là không thể nếu chúng ta biết biến ước mơ thành hành động. Tôi đã làm được thì chắc chắc các em sẽ làm được và sẽ làm tốt hơn”.
Đó chính là lời nhắn nhủ, sự khích lệ, động viên của một cựu du học sinh,một tấm gương sáng trong hành trình tìm kiếm,nỗ lực không ngừng thực hiện ước mơ du học cháy bỏng của mình. Với những ai đang khao khát,đang mang trong mình ước mơ được khám phá,được đặt chân đến những vùng trời mới,để học tập,để mở mang kiến thức,để thay đổi cuộc sống thì tác giả,lời khích lệ ấy sẽ là động lực to lớn thúc đẩy mục tiêu du học của bạn. Là tác giả của cuốn sách “Hành trang du học”, Chu Đình Tới đã tổng hợp,chiêm nghiệm,đúc kết những kiến thức,kỹ năng thiết yếu rất cần thiết cho các bạn đang ấp ủ ước mơ du học. Sau sự thành công của “Hành trang du học” cùng những giá trị sâu sắc và thiết thực,anh viết tiếp câu chuyện du học của mình bằng cuốn sách “Tôi đã đi du học bằng học bổng như thế nào?”. Cuốn sách viết về hành trình gian lan của chính tác giả để chinh phục học bổng ở nhiều nước trên thế giới,cũng như quá trình thay đổi bản thân,thích nghi được với mọi hoàn cảnh,môi trường,văn hóa khác nhau như Hàn Quốc,Ba Lan,Nhật Bản,..
Tôi viết ra câu chuyện này,ngoài việc gửi lời cảm ơn đến gia đình,thầy cô,đồng nghiệp và bạn bè,còn là lời tri ân đến cuộc sống. Tôi hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ là nguồn động lực,sự cổ vũ và khích lệ cho hàng triệu học sinh,sinh viên Việt Nam nói chung và các em có điều kiện khó khăn ở những vùng nông thôn nói riêng cố gắng học tập để thực hiện giấc mơ du học của mình,nhất là du học bằng học bổng toàn phần. Sự cố gắng và say mê học tập,học tập thật tốt là con đường tối ưu nhất giúp các em thoát nghèo và vươn ra thế giới.
Những chia sẻ chân thực được tác giả viết từ xuất phát điểm thấp đến những thành tựu của tác giả trong việc học đại học trong nước,giành học bổng du học thạc sỹ,tiến sỹ rồi trở thành một trong 25 người trên thế giới nhận được học bổng sau tiến sĩ Marie Curie về Y học của Liên minh châu Âu.
Chương 1: Xuất phát điểm thấp.
Ở chương này,người đọc sẽ thấy được xuất phát điểm của tác giả. Chắc chắn,khi mới chỉ đọc đến profile của anh ở phần bìa sách,ai cũng sẽ nghĩ rằng anh đã được học tập trong một môi trường rất tốt ngay từ nhỏ. Bởi những thành tích đáng nể mà anh đạt được khiến đọc giả không thể nào nghĩ đến một hoàn cảnh khó khăn,một điểm xuất phát rất thấp của tác giả:
Giống như phần lớn học sinh ở nông thôn Việt Nam,trong suốt giai đoạn phổ thông từ cấp một đến cấp ba tôi đều học trường làng. Những ngôi trường gắn bó với tuổi thơ của tôi đều năm trong xã,khi nhắc đến tên,chắc chỉ có những học sinh cũ của trường mới biết như trường Tiểu học Sơn Đà,trường Trung học cơ sở Sơn Đà,và trường Phổ thông trung học Bất Bạt. Ít người biết vì những trường này đều có địa chỉ tại xã Sơn Đà,huyện Ba Vì-một huyện miền núi thuộc diện nghèo nhất của tỉnh Hà Tây trước kia,nay đã sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Ít người biết còn vì theo chất lượng đào tạo( dựa vào số học sinh giỏi,đỗ đại học,giáo viên giỏi..) những trường này thường nằm cuối sổ trong huyện Ba Vì khi đó.
Đọc đến đây,chắc hẳn nhiều bạn sẽ thấy được mình trong đó, sinh ra và lớn lên từ một vùng quê nghèo,học tập cũng từ những trường làng xã,cuộc sống chỉ biết đến với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay,những đồi núi xanh nghìn trùng,những con đường đất đá đầy những “ổ gà, ổ vịt”. Vào thời ấy, để duy trì việc học thôi cũng đã là một sự quyết tâm lớn,và ước mơ du học có lẽ là một khái niệm gì đó rất lạ lẫm và xa xỉ. Vậy mà giờ đây,chính người học trò nghèo của làng xã ấy đã đi khắp năm châu bốn bể,chinh phục đỉnh cao của tri thức nhân loại. Từ những chia sẻ chân thật,mộc mạc ấy của anh,sẽ là nguồn động viên tinh thần,sự khích lệ mạnh mẽ đến những thế hệ học sinh, sinh viên nói chung và học sinh nghèo nói riêng. Anh chia sẻ: “Bản thân tôi tự nhận thấy,mình không xuất sắc trong giai đoạn phổ thông,bằng chứng là trong suốt 12 năm học,chỉ có vài năm tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi,còn lại đều chỉ là học sinh tiên tiến”. Việc học tập ở giai đoạn phổ thông không quan trọng bằng việc chúng ta nỗ lực ra sao khi thực sự tìm thấy đam mê của mình. Anh tuy không thật xuất sắc ở giai đoạn ấy,nhưng sau khi bước chân vào đại học,tìm được tình yêu nghề của mình,anh đã luôn cố gắng phấn đấu để trở thành người có chuyên môn giỏi. Đó cũng là lý do vì sao sau này anh liên tục tìm kiếm những học bổng,những cơ hội giúp mình hoàn thiện chuyên môn,nâng cao hiểu biết về lĩnh vực mình quan tâm.
Về điều kiện gia đình,xuất phát từ quê nghèo của tỉnh Hà Tây cũ “Kinh tế gia đình tôi chỉ ở mức bình thường,nhiều khi khó khăn. Cha tôi là bộ đội về hưu,mẹ tôi khi đó làm nông,nên thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lương hưu của cha và nghề nông của mẹ.” Với gia đình Việt Nam xưa thì chủ yếu là lao động nông nghiệp,quanh năm hai sương một nắng cũng chỉ mong sao cuộc sống đủ no,đủ ấm,và việc nuôi con cái ăn học đã là một sự cố gắng rất lớn từ cha mẹ. Và tác giả thật may mắn khi có được người bố người mẹ biết nhìn xa trông rộng,làm tất cả vì con,vì tương lai con cái được ăn học đến nơi đến chốn.
Cha mẹ luôn dành tất cả để anh em tôi học tập,cả về thời gian và vật chất. Trong khi các bạn đồng trang lứa với tôi phần lớn đều phải chăn trâu,chăn bò,làm nông,bán hàng,..để phụ giúp kinh tế gia đình,anh em tôi không phải làm việc gì cả,chỉ tập chung vào học tập. Tôi còn nhớ khi tôi đang học cấp ba,trưa nắng mẹ một mình đi gặt,một mình suốt lúa ngoài sân,cha tôi là thương binh nên không đủ sức khỏe phụ giúp mẹ,mồ hôi mẹ ướt áo nhưng mẹ không cho tôi giúp,mẹ bắt tôi ngồi học. Tôi thương mẹ,muốn đi nấu cơm đỡ mẹ,mẹ cũng không đồng ý,mẹ bảo: ”việc của con là cố gắng học,suốt lúa xong mẹ sẽ đi nấu cơm...”
Cha mẹ tác giả là người luôn hy sinh vì con cái,giống như bao người cha người mẹ khác. Tuy nhiên,họ là những người có tư tưởng tiến bộ,vào thời đó kinh tế còn khó khăn,hơn nữa lại là thôn nghèo của xã,ít người có thể để con cái học tập như vậy,họ thường sẽ để con nghỉ học và đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Phải nói rằng,tác giả là người may mắn khi có cha mẹ biết động viên con cái học tập,tạo mọi điều kiện cho con được học hành. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi,việc cha mẹ tác giả đã không để anh phụ giúp bất cứ việc gì,kể cả nấu cơm,trong khi mình làm hết việc đồng áng lại đến việc nhà thì cũng không nên. Ít nhất cha mẹ cũng nên để con phụ giúp việc nhà,như vậy con cái sẽ cảm thấy mình đã giúp đỡ được cha mẹ trong lúc cha mẹ làm việc vất vả. Có như vậy sự cân bằng giữa việc học và việc nhà sẽ giúp con cái trưởng thành hơn trong cuộc sống. Việc cha mẹ tác giả chỉ để anh tập trung học tập cũng có điểm tốt,bởi anh sẽ chuyên tâm học hơn,tập trung học hỏi và tìm tòi nhiều hơn. Cũng chính vì vậy mà anh đã cố gắng tự học nhiều hơn,chỉ học thêm môn Hóa vì sợ tốn kém,anh thương cha mẹ và các em nên cố gắng học tập,phấn đấu để làm vui lòng và đền đáp công ơn của cha mẹ. Bằng sự nỗ lực của bản thân,anh đã đỗ hai trường đại học,đó là trường Kinh tế Quốc dân và trường ĐH Nông nghiệp,việc anh đỗ hai trường là niềm vui,niềm tự hào,sự động viên lớn cho con em của các thôn trong xã,bởi thôn anh chưa bao giờ có người đỗ đại học chính quy từ trước đến nay. Anh là người đầu tiên và là tấm gương sáng cho thế hệ học sinh của thôn của xã phấn đấu noi theo.
Chương 2: Nền tảng từ sự bứt phá trong giai đoạn đại học
Ở chương này,tác giả sẽ chia sẻ với bạn đọc quá trình học đại học của mình và việc cố gắng học tập ra sao để học tốt tất cả các môn ở đại học. Như đã nói ở trên,việc đỗ hai trường đại học sẽ tạo ra sự lựa chọn cho tác giả,đầu tiên anh chọn học trường kinh tế vì thích kế toán,thế nhưng vì lý do “ngô nghê” mà anh đã chọn lại,có lẽ việc học trường nông nghiệp là một cái “duyên” đối với anh. Bước chân vào nông nghiệp,khi không có sự định hướng từ trước,lúc làm hồ sơ đăng ký thi,anh chỉ nghĩ đây là một trường “chống cháy” nên chọn bừa vào khoa “Chăn nuôi-Thú y” và thế là anh bắt đầu nghiệp học để trở thành anh “Bác sĩ hoạn lợn”.
Bước chân vào cánh cửa đại học đồng nghĩa với việc bạn phải tự lập hơn,học cách thích nghi với cuộc sống mới,không còn sinh sống với những người thân yêu như trước mà thay vào đó là những người bạn học,bạn cùng phòng,.. Với tác giả,anh chọn ở trong ký túc xá,phần vì tiện đường đến trường,phần vì rẻ,để tiết kiệm tiền cho gia đình. Nhưng ở ký túc xá cũng có điểm bất tiện đó là việc đông người cùng sống một phòng sẽ khiến cho sinh hoạt cá nhân,học tập của bạn bị ảnh hưởng. Không thể mười mấy con người cùng học,cùng chơi,cùng ngủ một khung giờ cố định được,có lúc mình học bài các bạn lại nghe nhạc,xem phim,lúc mình ngủ thì các bạn học,…Vậy là anh tìm ra giải pháp cho mình cũng như cho những bạn ở KTX,đó là chỉ về KTX để nghỉ ngơi,sinh hoạt cá nhân,còn việc học thì chủ yếu là trên thư viện và ở giảng đường. Như vậy,vừa đảm bảo được việc học hành,lại vừa có chỗ ở tiện.
Về học tập ở đại học,anh không coi môn nào là chính là phụ,học tất cả các môn. Với tiếng anh,anh mò mẫm từ những thứ cơ bản nhất,trong sách giáo khoa,học hằng ngày chủ yếu là ngữ pháp,từ vựng và dịch. Với những môn học khác,anh lúc nào cũng cố gắng đọc bài trước khi nghe giảng,cố gắng ghi chép tất cả những gì thầy cô giảng. Hết thời gian học trên lớp anh lại tự học,đọc trước bài hôm sau,xem lại bài hôm trước,lập đề cương cho từng môn bằng cách kết hợp giữa giáo trình,tập bài giảng của thầy cô và những kiến thức học được từ bên ngoài. Anh đặc biệt chú ý đến việc làm đề cương sau mỗi bài học,và đưa ra các lợi ích như:
- Thứ nhất,bởi không vội nên mình có nhiều thời gian để suy nghĩ về từng câu,từng ý,kết hợp được kiến thức từ nhiều nguồn,dó đó sẽ có câu trả lời tốt nhất ,trau chuốt nhất cho từng câu hỏi.
- Thứ hai,khi làm đề cương,mình sẽ viết theo ý của mình,kiến thức vì thế trở nên dễ hiểu,dễ nhớ hơn là chỉ đọc sách giáo khoa.
- Thứ ba,làm đề cương sớm nên cuối kỳ thi,nhiều môn thi dồn dập đến,mình chỉ cần đọc lại,ôn lại là đi thi,không phải “nhồi nhét”,học gấp,hiệu quả sẽ cao hơn.
- Thứ tư,khi làm đề cương,mình chú ý đưa các kiến thức mở rộng của thầy cô vào,bài làm vì thế sẽ được đánh giá cao và cho điểm cao
Bằng cách học như vậy,tập trung ngay từ đầu,chứ không để đến gần kỳ thi mới ôn bài,kết quả là sau ba kỳ đại cương,điểm số của anh cao nhất lớp,kỳ nào cũng được học bồng mà không phải thi lại bất cứ môn học nào. Cũng từ đó,anh dần cảm thấy mình đã yêu nông nghiệp,muốn có tay nghề thật tốt,trở thành một bác sĩ thú y giỏi. Không chỉ có vậy,mới học năm ba,anh đã được một thầy giáo nhận đỡ đầu hướng dẫn tốt nghiệp đại học và sau này giới thiệu sang Viện Thú y Quốc gia để làm việc. Đối với mỗi sinh viên,được thực hành,nghiên cứu sớm về lĩnh vực mình theo học sẽ là một lợi thế lớn,hơn nữa lại được làm việc trong một Viện nghiên cứu tầm cơ quốc gia quả thật là một may mắn lớn. Có lẽ đó là một tiền đề,một bước đệm giúp cho việc xin học bổng du học sau này của tác giả trở nên dễ dàng hơn,và việc nghiên cứu chuyên ngành đã trở thành đam mê của anh. Nhưng trong suốt thời gian học đại học,anh vẫn hoàn toàn không nghĩ đến việc du học,vậy thời điểm đó là khi nào? Anh cũng không tự tin về trình độ tiếng anh của mình,cũng không có sự định hướng của người đi trước,lại nghĩ rằng du học tốn kém như vậy lấy tiền đâu ra mà đi,vả lại giành được một suất học bổng đi cũng rất khó khăn.
Tuy nhiên, trong quá trình học đại học,anh không năng động và sôi nổi,rất ít khi tham gia các hoạt động dã ngoại,liên hoan vì sợ ảnh hưởng đến kết quả học tập,và tốn kém tiền của bố mẹ. Anh cũng không đi làm thêm vì thấy rằng nhiều bạn đi làm thêm kiến được tiền nhưng kết quả học tập lại giảm sút,thi lại,rồi lại đóng tiền học lại,..vậy nên anh quyết định không đi làm thêm mà thay vào đó cố gắng học tốt để kiếm học bổng hàng tháng,giúp đỡ phần nào cho cha mẹ. Nhưng theo tôi,việc quá tập trung vào việc học cũng không hẳn là tốt,đặc biệt là với những bạn muốn có ý định apply học bổng du học,xin việc thì việc tham gia các hoạt động xã hội sẽ là một điểm cộng rất tốt. Liệu không có điểm cộng ấy, anh đã apply học bổng du học như thế nào? anh đã tăng điểm cộng cho mình bằng cách nào?
Chương 3:Cú rẽ ngang và “hai năm vật vã” để giành được học bổng thạc sỹ toàn phần
Sau khi tốt nghiệp đại học,tác giả đã vào làm việc với vị trí Kỹ sư chăn nuôi của một công ty liên doanh nước ngoài do Thái Lan đầu tư vào Việt Nam. Nhưng sau đó,có lẽ là một nhân duyên đã đưa anh đến với trường Đại học Sư phạm Hà Nội,làm giảng viên khoa Sinh. Tại đây,anh đã có được rất nhiều cơ hội cũng như những thử thách. Cơ hội được làm việc trong một môi trường sư phạm,chuyên nghiệp,được nâng cao trình độ bản thân ,kỹ năng nghề nghiệp. Nhưng cũng chính từ nơi này,anh đòi hỏi mình cần phải rèn luyện hơn nữa,nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để làm tốt công việc sư phạm.
Nói đến việc học thạc sỹ trong nước,tôi đi học với mong muốn nâng cao trình độ và đáp ứng yêu cầu công việc,đồng thời cũng tận dụng được những lợi thế mình đang có về thành tích tốt trong học tập và rèn luyện chuyên môn trước đó. Nhưng trong quá trình học,tôi thấy kiến thức và kỹ năng của khóa học chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của mình và yêu cầu công việc trong thời kỳ đất nước hội nhập. Điều đó dẫn tôi đến suy nghĩ cần phải đi nước ngoài học tập,có như thế tôi mới mở mang được tầm nhìn,nâng cao được trình độ chuyên môn,tiếp cận và hội nhập với những kiến thức tiên tiến của nhân loại. Do vậy vừa đi học cao học,vừa nghiên cứu và giảng dạy,vừa cải thiện tiếng anh,tôi bắt đầu tìm hiểu cách thức đi du học...
Anh tìm hiểu tất cả các loại học bổng toàn phần khác nhau: học bổng của chính phủ Việt Nam như 322 (nay là 911) hay học bổng Hiệp định,học bổng của các tổ chức quốc tế như Liên minh Châu Âu,của Asian,của Liên Hiệp Quốc,của Ngân hàng thế giới;học bổng của Chính phủ các nước như của Đức, Hàn, Nhật, Mỹ,.. hay học bổng của các giáo sư. Sau đó lập một danh sách,liệt kê nguồn,điều kiện,giá trị học bổng,hình thức thời gian ứng cứ và đánh giá sự phù hợp đối với bản thân. Đây là một bí kíp nhỏ giúp các bạn đang có ý định tìm kiếm học bổng du học có thể làm,việc đánh giá như vậy sẽ giúp mục tiêu được cụ thể hơn.
Cũng như chương trước,chương này tôi thấy tâm đắc nhất là những chia sẻ thực tế của tác giả trong quá trình anh tìm kiếm học bổng du học. Đầu tiên phải kể đến là kinh nghiệm viết e-mail lần đầu cho các giáo sư nói riêng và những người khác nói chung,đó là:
- Viết thư cần phải có tiêu đề (title) để học biết rằng đó là thư chứ không phải virus;
- Nên sử dụng email công vụ (email có tên miền của cơ quan với người đi làm;email có tên miền của trường với sinh viên) để tránh thư rơi vào Spam;
- Bên cạnh bức thư ngắn khoảng nửa trang A4 cần đính kèm một CV rút gọn để người đọc nắm được những thông tin cơ bản nhất của mình;
- Văn phong thư cần mạch lạc,trong sáng,nội dung thể hiện sự cầu thị,tôn trọng,cung cấp thông tin thiết yếu:người gửi là ai,khả năng ra sao,vì sao lại gửi thư cho họ,nguyện vọng là gì,kèm theo một câu nói rằng: “Để biết thêm về tôi,xin ông/bà vui lòng mở CV trong file đính kèm
Tiếp theo phải kể đến,đó là điều kiện tiếng Anh,thông thường phần lớn học bổng đòi hỏi phải có “TOEFL IBL trên 80,IELTS trên 6.0 hoặc tương đương”. Nhưng ít ai để ý về cụm từ “tương đương”, đó có nghĩa là nếu bạn dùng được tiếng Anh được chứng minh qua các hình thức khác như:sinh sống ở những nước nói tiếng Anh,tốt nghiệp đại học hoặc thạc sỹ,.. trong một chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh,hoặc qua hình thức phỏng vấn mà hội đồng xét tuyển học bổng hoặc giáo sư thấy bạn có thể học tập và làm việc được bằng tiếng Anh thì bạn hoàn toàn có thể nhận được học bổng mà không cần có chứng chỉ điều kiện trên.
Cuối chương là những yếu tố khiến tác giả thành công trong việc ứng cử học bổng mà anh đã đúc kết lại. Bạn đọc có thể lấy đó làm “khung mẫu” để tích lũy cho mình những yếu tố cần thiết đó,thậm chí là tốt hơn,nhiều điểm cộng hơn.
Chương 4: Dừng lại ở Hàn Quốc với bằng Thạc sĩ và giành học bổng tiến sĩ của Liên Minh châu Âu
Trong chương này,tác giả sẽ chia sẻ về cuộc sống học tập,sinh sống bên Hàn Quốc,những khó khăn vất vả khi sống xa xứ và những lý do vì sao anh chỉ dừng lại ở Hàn Quốc với tấm bằng Thạc sĩ (lẽ ra anh học chương trình thẳng lên Tiến sĩ bên Hàn),đến việc nỗ lực giành học bổng tiến sĩ của EU.
Nếu bạn thành công trong quá trình học tập ở Hàn Quốc thì cái được lớn nhất đó là tính tự lập,sự độc lập trong cuộc sống và nghiên cứu khoa học. Đồng thời do sức ép bài báo khoa học ở Hàn là rất lớn,nên sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ,phần lớn mọi người thường có tên trong ít nhất vài bài báo quốc tế,có người có cả chục bài….
Nhược điểm rõ ràng mà tôi thấy trong các phòng thí nghiệm ở Hàn đó là sự thiếu định hướng và trao đổi nghiên cứu rõ ràng của giáo sư hướng dẫn với học viên,giáo sư ôm đồm quá nhiều việc và thường để học viên tự bơi….
Nói về cách ứng cử học bổng Tiến sĩ ở giai đoạn này:
Những bộ hồ sơ được tôi chỉnh sửa và hoàn thiện lại từ bộ hồ sơ chung cho phù hợp với yêu cầu của từng học bổng cụ thể…Bên cạnh những điều họ yêu cầu,tôi gửi thêm một danh sách tóm tắt các bài báo khoa học đã công bố,danh sách ảnh bìa sách tôi đã viết,đương nhiên tên bài báo và sách nào bằng tiếng Việt thì được tôi dịch sang tiếng Anh. Đồng thời tôi cũng gửi kèm vào bộ hồ sơ một loạt các chứng chỉ tham gia hội thảo và các khóa tập huấn về Sinh-Y quốc tế… Về thư giới thiệu,tôi xin được thư giới thiệu rất tích cực từ sáu giáo sư khác nhau,ba giáo sư Hàn và ba giáo sư Việt Nam…
“Để có được thư giới thiệu tốt từ các giáo sư,ngoài việc học tốt,nghiên cứu tốt,chúng ta cũng cần có mối quan hệ tốt với họ. Với tôi,tôi luôn làm việc có trước có sau,biết ơn những thầy cô đã dạy dỗ mình cả về kiến thức khoa học lẫn kinh nghiệm sống,tôi luôn nhớ và quan tâm đến thầy cô bằng những tình cảm chân thành nhất,không lợi dụng,không vụ lợi
Trong học tập cũng như trong cuộc sống cũng vậy,muốn người khác giúp đỡ mình một cách chân thành thì bản thân mình cũng phải có cách cư xử đúng mực. Không thể “quên” bẵng đi một thời gian,không thăm hỏi,không tin tức,không quan tâm rồi quay lại nhờ họ giúp đỡ mình được. Đặc biệt là trong việc ứng cứ học bổng thì có được thư giới thiệu tốt từ các giáo sư,thầy cô đã dạy dỗ mình là một lợi thế rất tốt.
Chương 5: Sự nỗ lực vươn lên trong học tập và nghiên cứu khoa học-giành nhiều cơ hội nghiên cứu sau Tiến sĩ
Ở chương cuối cùng này,đọc giả sẽ thấy được một môi trường học tập rất mới mẻ,rất khác biệt so với các quốc gia châu Á thông qua chia sẻ của tác giả,từ cảm nhận,suy nghĩ cho đến những kinh nghiệm. Đồng thời,bạn đọc sẽ thấy được một anh chàng Chu Đình Tới của Việt Nam tuy bé nhỏ nhưng tài năng và ý chí nghị lực thì hoàn toàn ngược lại. Anh đã mang trí tuệ,mang vinh danh của quê hương đến những quốc gia phát triển nhất trên thế giới. Trở thành một trong 25 người trên thế giới nhận được học bổng sau Tiến sĩ Marie Curie về Y học của Liên minh châu Âu.
Những cảm nhận đầu tiên khi anh đặt chân đến một nước châu Âu:
Lần đầu tiên đến một nước châu Âu,tôi đã thấy có nhiều điểm khác so với Việt Nam,Hàn Quốc và những nước châu Á mà tôi từng đến. Trước tiên là đường xá không đông đúc,ngay cả ở Thủ đô Warsaw khi ấy cũng rất vắng người,khác hẳn cảnh náo nhiệt,đông đúc,có khi hỗn loạn ở các đường phố của những nước châu Á. Hầu như không có xe máy,chủ yếu là ô tô và các phương tiện công cộng như xe bus,tàu điện và xe đạp. Không hề thấy có tiếng còi xe như ở Việt Nam...
Sự khác biệt giữa cách làm việc ở Hàn Quốc và Ba Lan:
- Ở Ba Lan: mọi thứ đều được chuyên môn hóa,từ giấy tờ,thủ tục,thẻ ngân hàng do quản lý phòng thí nghiệm lo;những thứ liên quan đến hóa chất,sinh phẩm,thiết bị thí nghiệm do trợ lý nghiên cứu lo;việc hấp vô trùng dụng cụ do bộ phận sấy lo; việc quét dọn phòng thí nghiệm,giặt áo blouse có bộ phận vệ sinh của viện làm hàng ngày...học viên sau đại học,Postdoc và nghiên cứu viên chỉ việc chuyên tâm nghiên cứu.
- Ở Hàn Quốc: nếu là học viên cao học hay nghiên cứu sinh,bạn phải làm mọi việc, ngoài công việc nghiên cứu, phải trực nhật hàng tuần,lau dọn phòng thí nghiệm, chỗ ngồi giáo sư, tự nuôi chuột,thay chuồng,rửa khay,bưng bê,...
Ngoài ra,trong quá trình nghiên cứu tại Ba Lan anh cũng gặp không ít khó khăn,từ những người cũng nhóm nghiên cứu,họ cho rằng anh xuất phát điểm thấp hơn họ,không được học trong nền giáo dục phát triển như học,nên họ tìm mọi cách cô lập anh,nói xấu anh với giáo sư,thậm chí tỏ thái độ với anh ngay trước mặt giáo sư để chứng minh rằng anh “chẳng được việc gì cả”... Nhưng nhờ những gì đã trải qua bên Hàn Quốc,anh đủ bản lĩnh để chống chọi với những khó khăn đó,vẫn cần cù,miệt mài nghiên cứu học tập để có được những kết quả tốt. Bằng chứng là,anh là người đầu tiên trong nhóm có bài báo cáo khoa học quốc tế với Impact Factor cao của tạp chí đó,anh cũng là người đầu tiên đủ điều kiện(thực tế là thừa rất nhiều) bảo vệ luận án Tiến sĩ chỉ sau hai năm học…
Không chỉ có vậy,việc đạt được học bổng du học toàn phần đã là một thành công lớn,tuy nhiên việc chọn được một giáo sư,một người hướng dẫn tốt cho mình sẽ là một lợi thể rất tốt.
Phải nói rằng việc được học tập,nghiên cứu tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của một giáo sư tốt và có tầm ảnh hưởng là điều rất quan trọng với mỗi nghiên cứu sinh. Bạn phải nhớ rằng,tiến sĩ là một bậc học nghiên cứu,khá dài và nhiều thử thách,nếu giáo sư hướng dẫn bạn không đủ giỏi và không tốt thì bạn sẽ rất vất vả,khó tốt nghiệp,có khi còn không tốt nghiệp được. Do vậy,từ bài học bản thân mình và những điều thu lượm được,tôi luôn khuyên các bạn nghiên cứu sinh sau này là khi chọn nơi học tiến sĩ,đừng quan tâm quá đến quốc gia,đến tên trường mà hãy quan tâm đến giáo sư và phòng thí nghiệm.
Những chia sẻ thực tế của tác giả chắc chắn sẽ là một nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các bạn đã,đang và sẽ có ý định “săn” học bổng du học. Tuổi trẻ chỉ có một lần trong đời,hãy mạnh dạn thực hiện ước mơ và khao khát của chính mình. Phải đến những nơi xa lạ để biết bầu trời rộng lớn ra sao. Đi để biết,đi để học và đi để trải nghiệm!
Tác giả: Nguyễn Bích Ngọc - Bookademy
-------------
Bài viết cộng tác cùng Bookademy xin gửi về: [email protected]
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: http://www.facebook.com/bookademy.vn
Cuốn sách còn mang đến cảm giác kết nối và cộng đồng cho những ai có ước mơ du học. Tác giả chia sẻ về các mối quan hệ và kết nối mà ông đã xây dựng trong suốt hành trình của mình, từ bạn bè đến thầy cô. Điều này không chỉ tạo ra một mạng lưới hỗ trợ mà còn làm phong phú thêm trải nghiệm du học. Những ai đọc sách sẽ cảm nhận được rằng họ không đơn độc trong hành trình này, và có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người cùng chí hướng.