“Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hót bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đánh đổi bằng cả tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại..” Đây chính là thông điệp xuyên suốt của tác phẩm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của nhà văn Colleen McMcullough.

Bằng ngòi bút hiện thực lãng mạn của mình, nhà văn Colleen đã vẽ ra một giai đoạn lịch sử của sự phát triển của xã hội phương Tây trong thế kỉ 19, thời điểm mà những định kiến và truyền thống gia đình đang còn tác động rất sâu sắc lên suy nghĩ cũng như nhận thức của mỗi người và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đang ngày một rõ rệt thông qua sự phân biệt giai cấp. Colleen đã khéo léo thu nhỏ những giai đoạn lịch sử đó lên ba thế hệ xuyên suốt trong gia đình nhà Krili.

Không khô khan và cứng nhắc như một cuốn giáo trình lịch sử, nhà văn đã kết nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, vẽ nên một bức tranh tương lai tươi sáng khi mà “cái mới” dần thay thế “cái cũ”, và “cái mới” cũng mang sự kế thừa có tính chọn lọc từ “cái cũ”.

Bà Fiona chính là một biểu trưng cho “cái cũ”, bà cam chịu cuộc sống trong thân phận “phụ nữ”, bà gai góc chấp nhận sự sắp đặt của số phận, cái sự sắp đặt mà vốn là bất công cho người phụ nữ trong xã hội ngày ấy. Chấp nhận buông xuôi theo sự sắp đặt bất công của gia đình khi biết bà mang thai, chấp nhận từ bỏ cuộc sống nhung lụa của mình để chung sống cùng người chồng Paddy mà bà không yêu, chỉ là để đối chọi với cái sự nghiệt ngã trong con mắt xã hội nhìn vào đứa con trai không bố của mình – Frank . Đó là cả một sự “hóa đá” trong tâm hồn người phụ nữ ấy. Nhưng bà vẫn chấp nhận điều đó, một phần cũng là từ tình mẫu tử của một người mẹ, bà không muốn Frank trở thành một đứa trẻ không có bố.  Về phần Paddy, mặc dù ông chỉ là một gã làm thuê với thân phận thấp hèn so với vợ mình nhưng ông vẫn đầy tình thương yêu với bà, ông vẫn cố gắng để có thể yêu thương Frank như con đẻ của mình. Frank thì khác, anh yêu mẹ sâu sắc, cái tình yêu đó khác biệt với chúng ta, anh thậm chí tôn thờ mẹ anh như một cái gì đó trong sáng, thánh thiện. Và vì lẽ đó, cái tình yêu ấy vô tình giết chết tình yêu của anh dành cho dượng mình, anh căm hận Paddy, đau đớn khi nghĩ rằng người anh trong sáng, thánh thượng như mẹ lại có thể “ngủ” với người đàn ông đó. Anh mơ hồ cảm thấy cái xiềng xích vô hình đang buộc chặt những người phụ nữ mà anh yêu thương và căm phẫn rằng anh không thể làm bất cứ điều gì cho họ. Điều đó làm anh điên tiết và anh chuốc thù hận lên những nắm đấm, lên những lần đánh nhau với người ta như để khẳng định bản thân anh là “nhiều hơn” khi người ta chế giễu cái thân hình nhỏ bé của anh.

Giai đoạn tiếp sau của lịch sử là Meggie - đứa con gái duy nhất của bà Fiona.

Chúng ta có thể thấy rằng mặc dù xã hội thời đó không dành nhiều chỗ cho phụ nữ lắm nhưng trong tác phẩm của mình, Colleen đã rất “ưu ái” cho người phụ nữ. Họ đóng vai trò là mạch xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm. Đặc biệt là Meggie, cô là khởi nguồn của những điểm nhấn trong tác phẩm. Meggie được nhà văn miêu tả chân thực và sâu sắc từ khi cô chỉ mới bốn tuổi. Khi Meggie đủ tuổi đến trường, thông qua hình ảnh của em nhà văn lại khắc họa lên sự khắc nghiệt của chủ nghĩa “tôn thờ đồng tiền” trong trường dòng giáo xứ và có cả sự phân biệt chủng tộc ở phương Tây thời đó. Quá trình trưởng thành của Meggie đã cho thấy sự ảnh hưởng của người lớn lên hình thành nhân cách ở trẻ em, từ một đứa trẻ hồn nhiên trải qua nhiều sự cay đắng và khi nhận thức được những nghiệt ngã, bất công của xã hội, em đã trở nên “sỏi đá”, một chút gì đó ở đây là sự thừa hưởng từ gia đình. Nhưng nếu như bà Fiona cam chịu, buông xuôi theo số phận thì Meggie đã liều lĩnh dâng hiến trái tim của cho với linh mục Ralph. Ralph là người đàn ông đầu tiên chạm tới đáy tâm hồn cô, người đầu tiên thậm chí dạy cô cả những “bí mật” của phụ nữ, cũng là yêu đàn ông duy nhất đối xử với cô chân thành và thương yêu sâu sắc. Để rồi khi cô lớn lên, tình thương “chú – cháu” ấy phát triển thành tình yêu thuần khiết, trong sáng. Cả hai đều là những bổ sung cho tâm hồn của nửa kia, cả hai bù đắp cho những thiếu thốn tình cảm của nửa kia, cả hai như là một sự sắp đặt nghiệt ngã của Chúa trời.

      

Nhưng tình yêu ấy không thể lọt qua con mắt cáo già tráo trở của bà Carson – chị gái Paddy. Với gia tài đồ sộ của mình, bà cảm thấy thú vị khi được “chơi” với Ralph bởi bà cũng yêu Ralph như tình yêu đối với một thứ đồ chơi thông minh ngang tầm. Bà để lại hai bức di chức, bức đầu là nhường hết gia tài 13 triệu bảng cho Paddy, nhưng bức thứ hai lại để cho Ralph quyết định số gia tài đó và bức thứ hai có giá trị hơn bức đầu. Bà cố tình đặt linh mục Ralph vào một cán cân, một bên là tình yêu với Meggie và một bên là danh chức và quyền lực mà cha Ralph có thể có được với số tiền ấy. Và Ralph đã lựa chọn bức di chúc thứ hai nhưng chia thêm cho mỗi người trong gia đình Paddy một phần nhỏ của gia tài đó, và để họ cai quản mọi lợi nhuận có được ở Drogheda. Tất nhiên, ở Ralph quyền lực và danh phận trong Giáo hội là lên trên tất cả mọi thứ, lên trên tình yêu của ông đối với Meggie. Thực ra, cái tình yêu của ông đối với Chúa thực ra chỉ là cái cớ cho ham muốn quyền lực của ông, và ông cần tiền để tạo ra cái quyền lực đó.

Một xã hội của chủ nghĩa tư bản trong tác phẩm của Colleen đang dần hình thành, sức mạnh của đồng tiền chi phối mọi thứ, xâm lấn cả trong nơi uy nghiêm nhất của Chúa là nhà thờ. Nhà thờ là một sản phẩm của con người.  Cũng vì lẽ đó, nó tuân theo những gì thuộc về con người.

Giống như bài học đầu tiên mà linh mục nói với Đen :

“Đừng thất vọng về những người vĩ đại của thế giới này, con ạ. Họ cũng có chỗ yếu của họ, để cho thuận tiện đôi khi họ cũng dùng đến sự nói dối vô hại để giải thoát. Con vừa nhận được một bài học có ích, tuy rằng chưa chắc con đã có dịp nào phải dùng đến. Song con nên hiểu rằng chúng ta, những đức ông áo đỏ, là những nhà ngoại giao đến tận xương tủy. Hãy tin ta, con của ta ạ, chỉ là vì ta chăm lo cho con. Sự hằn học và ghen tị không chỉ lởn vởn trong các trường đại học thế lực, mà cả trong các chủng viện. Con sẽ phải chịu sự ganh ghét của các bạn cùng học, vì họ coi Ralph là bác con, anh của mẹ con, nhưng con sẽ còn phải chịu đựng nhiều hơn nữa nếu họ nghĩ rằng giữa hai người không có mối quan hệ ruột thịt. Tất cả chúng ta trước hết là người, ở đây cũng như ở bất kì môi trường nào khác quanh ta, con sẽ tiếp xúc với những con người”.

Ngòi bút thương cảm nhưng đầy tính nghiêm khắc của Colleen trong hình tượng Meggie.

Lại nói về Meggie, cô yêu linh mục tha thiết, yêu đến mức sau khi Ralph rời đi, cô chấp nhận lấy một người con trai – Liuc với khuôn mặt tương tự như Ralph. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của cô và Liuc là một sự đổ vỡ, Liuc không hề quan tâm đến vợ con, anh phó mặc Meggie và đứa con Jaxtina. Có thể thấy ở đây, nhà văn đã khá nhẫn tâm khi vẽ nên hình ảnh Meggie với một tình yêu dù chân thành, sâu sắc nhưng khá mù quáng. Tình yêu mù quáng của cô và linh mục được thể hiện qua cuộc hôn nhân của cô và Liuc, cuộc hôn nhân mà nguyên do chỉ vì Liuc có khuôn mặt tương tự như Ralph.  Nhưng khác với mẹ mình, sau khi nhận ra cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cô đã dám bỏ qua những định kiến để quyết định li dị với Liuc một mình nuôi đứa con gái duy nhất của họ - Jaxtina. Và đặc biệt nhất, cô đã gan dạ chống lại Chúa trời, chống lại quy luật của tôn giáo, bạo gan cướp đứa con trai - Den trong cuộc tình vung trộm với linh mục sau khi đã li dị với chồng.

Thế hệ thứ ba của nhà Krili xoay xung quanh Jaxtina – con gái của Meggie với Liuc và Den – con trai của Meggie và linh mục.  

Nếu đem so sánh Meggie như là bước tiến mới trong sự phát triển mang tính khởi đầu của xã hội thời đó thì Jaxtina – con gái của Meggie như một bước “đại nhảy vọt”. Cô là một cái gì đó hoàn toàn khác, một cái gì đó rất gần với chúng ta bây giờ, thậm chí còn mới mẻ hơn chúng ta bây giờ. Cô tự tìm con đường cho riêng mình, cô tự ý thức được rằng mặc dù cô có năng khiếu về hội họa nhưng cô không thể kiếm sống với nó qua cách cô nói với Meggie khi Meggie cố năn nỉ cô theo nghiệp họa sĩ :

“Thực quả mẹ là người rất không thực tế, mẹ ạ. Bởi thế mới cho rằng con cái khi chọn nghề thường không nghĩ đến mặt thực tế. Vậy thì xin mẹ nhớ cho rằng con không có ý định chết đói ở một chỗ nào trên gác trang và chỉ nổi tiếng sau khi chết. Con định nếm mùi vinh quang hay khi còn sống và sống không thiếu thốn gì hết. Thành thử hội họa là dành cho tâm hồn, còn sân khấu là để kiếm tiền. Mẹ rõ chứ ?”

Một cô gái dám đưa ra ý kiến của riêng mình, dám nói rằng mẹ cô là người không thực tế mà Colleen khắc họa nên đã thổi vào tác phẩm một không khí hoàn toàn trẻ trung, làm tan biến đi màu “tro của hoa hồng” cũ kĩ xưa kia. Không những thế, khác với mẹ của mình, Jaxtina đã là một cô gái tự chủ độc lập trong tình yêu. Cô bĩu môi trước những quan điểm truyền thống lạc hậu trong hôn nhân:

“Suốt đời lau chùi những cái mũi thò lò và những nửa mình dưới bẩn thỉu ư? Và cúi rạp xuống tận chân một thằng ngốc nào đó không đáng giá bằng cái gót giầy con, vậy mà lại tưởng mình là ông chủ và chúa tể của con ư? Đừng hòng, cái trò đó không xứng đáng với con!”  

Không giống như sự cam chịu trong hôn nhân của bà mình, không giống như sự quỵ lụy trong tình yêu của mẹ mình, ở Jaxtina làm một xu hướng mới trong tình yêu. Xu hướng nữ quyền

Jaxtina đã phản đối gay gắt cái nề nếp truyền thống, và thậm chí cô còn không muốn lấy chồng nếu như phải tuân thủ cái nề nếp đó. Cho đến khi cô gặp Lion, trái tim kiêu hãnh vốn thừa hưởng từ dòng máu quý tộc của cô mới bắt đầu tan rã. Lion là một người đàn ông có dung mạo bình thường nhưng bằng sự bao dung, trí thông minh và đặc biệt là tính nhẫn nại mà anh đã thuần hóa được con ngựa non hoang dại đến mức ngông cuồng như Jaxtina. Trải qua nhiều cuộc đấu trí, cuối cùng cô cũng hiểu ra được tình yêu của Lion và tự tìm đến với tình yêu đó. Và nhiều năm sau đó, cô chính thức thành bà Lion Harthaway dưới sự ban phước của Giáo hoàng Vatican

Những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại. Những gì đã chiếm đoạt được rồi đến lúc cũng phải trả về nơi nó sinh ra.

Den là đứa con trai duy nhất mà Meggie đã cướp đoạt từ mối tình với Ralph, đứa con mà cô dày công mưu tính để không cho Ralph được sở hữu nó, đứa con mà cô xem như một báu vật thách thức Chúa trời. Nhưng Meggie cũng không thể ngăn cản được quy luật của tạo hóa khi mà năm 18 tuổi, Den quyết tâm sẽ phụng sự nhà thờ, quyết tâm trở thành một linh mục. Den mơ hồ hiểu ra rằng ở bản thân mình là những gì tốt đẹp nhất mà một con người có thể có, một sự ưu ái kì lạ mà Chúa ban phát thì tất sẽ có cái giá của nó .

Cậu thở dài, vân vê lá cỏ Drogheda nom như chiếc lông vàng óng ánh:

“Con phải chứng tỏ với Chúa rằng con hiểu tại sao khi con ra đời, Chúa ban phát cho con nhiều đến thế. Con phải chứng tỏ rằng con biết rõ đời con không có Chúa ít có ý nghĩa như thế nào”

Không thể tưởng tượng nổi, Meggie đã đau đớn như thế nào như cậu con trai duy nhất của mình nói lên những điều đó , cô ngửa đầu lên và cười vang, không sao nén lại được :

“Không! Cái trò giễu cợt tai ác làm sao! Tro của hoa hồng. Tro bụi. Là cát bụi thì lại trở về cát bụi. Ngươi là của nhà thờ và sẽ được hiến dâng cho nhà thờ. Tuyệt vời, không chê vào đâu được! Đáng nguyền rủa thay Chúa trời, Chúa trời bỉ ổi, đê tiện! Kẻ thù độc ác nhất của tất cả phụ nữ, ông ta là như thế đấy! Chúng ta cố gắng sáng tạo nên một cái gì, còn ông ta chỉ biết phá hoại!”

Nén những chua xót và cơn giận dữ lại vì không muốn Den phải đau khổ, cô đành giao phó Den cho Ralph nhưng không may mảy cho Ralph biết rằng đó chính là con ông. Và chỉ cho đến khi Den ra đi trong một lần kiệt sức  vì cứu người chết đuối ở Hi Lạp , cô mới cho Ralph biết rằng Den chính là đứa con oan nghiệt của ông. Nếu như Meggie đã cướp đi của Chúa một linh mục Ralph thì giờ đây cô phải trả giá bằng chính đứa con của mình. Den đã là của Chúa từ trước khi ý nghĩ điên cuồng cướp đoạt một Ralph nhỏ bé của Meggie hình thành. Cái chết của Den chính là bản án cuối cùng dành cho Meggie, là một sự kết thúc bi kịch của cả tác phẩm. Đen cuối cùng đã thực sự trở thành người của Chúa, dâng hiến cả thể xác để mãi mãi phụng sự bên Chúa như tâm nguyện của em.

Tác phẩm là sự đan xen nhuần nhuyễn của tính hiện thực và tính lãng mạn, làm sống lên một chuỗi sự kiện lịch sử trong cuộc sống gia đình thường ngày của mỗi nhân vật. Lối hành văn chậm chạp, chi tiết, đều đều mang đậm phong cách viết của tiểu thuyết ở thế kỉ 19. Tác giả cho ta cảm giác giống như đang được chứng kiến toàn bộ sự phát triển bùng nổ của chủ nghĩa tư bản, sự thay đổi mang chiều hướng tích cực trong suy nghĩ và nhận thức của xã hội thời đó. Có điều, chỉ qua ba thế hệ trong một gia đình thì khá là gấp rút trong bản tóm tắt của lịch sử nhân loại này, nhưng  không vì thế mà Colleen bị lúng túng. Bà đã thể hiện được giọng văn rất nhuần nhuyễn, mềm mại đan xen cả những triết lí cuộc sống, những quy luật tự nhiên, thổi vào xã hội thời đó một luồng gió mới tràn trề sức sống, hứa hẹn những thay đổi trong tương lai. Có thể nói, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng, đã làm nên tên tuổi của một tác giả không chuyên như Colleen, một tác phẩm vĩ đại có giá trị trường tồn trong cộng đồng người đọc

     

 

Tác giả : Thuy Dunning – Bookademy

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy , gửi CV ( tiếng Anh hoặc Việt ) về : [email protected]

Theo dõi  fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link:http://www.facebook.com/bookademy.vn/

Xem thêm

Ngay từ lời tựa của tác phẩm, độc giả đã có ấn tượng về một câu chuyện bi thương sẽ được viết ra. Phải, có bi thương, song tất cả những gì đọng lại vẫn là cái đẹp trường tồn vĩnh hằng. Cũng giống như tiếng chim chỉ được cất lên duy nhất một lần trong đời được đánh đổi bằng tính mạng, song lại khiến người ta mê đắm cả một đời, Meggie và cha Ralp đã chấp nhận hi sinh để giữ lại tình yêu của mình dành cho đối phương. Cả hai, đều đã phải trải qua sự trả giá, không ai biết bên nào bị bụi mận gai đâm nhiều hơn, song, sự hi sinh của họ là cần có. Cần cho nỗ lực vượt biên khỏi lằn răn định kiến xã hội. Cần cho khao khát giữ gìn cái đẹp bị che khuất trong tội ác. Cần cho những khát khao tình yêu cháy bỏng của chính các nhân vật, và của cả xã hội nói chung. Meggie đã vì cha Ralp mà nguyện một đời chung thủy, cô đơn đến già; cha Ralp vì Meggie mà nguyện đi ngược lại ý trời.


Tác phẩm là khúc ca của cái đẹp trong ngần trong tâm hồn con người, không sợ cái chết mà từ bỏ quyền được sống thật sự. Tuy còn rất nhiều tranh cãi về tình yêu giữa hai nhân vật chính, song không thể phủ nhận họ đã yêu nhau bằng cả niềm tin và khối óc, bằng cả trái tim và tâm hồn. Cả hai đều là những hình tượng được vẽ để ca ngợi và thúc đẩy con người đi tìm số phận của chính mình. Phá bỏ mọi rào chắn, thứ duy nhất còn tồn tại được sau những đớn đau chính là tình yêu đích thực. Tiếng chim hót trong bụi mận gai là tác phẩm mà khi độc giả gấp lại, vẫn còn đau đáu mãi về sự hi sinh mà các nhân vật dành cho nhau. Rốt cuộc tình yêu của nhân vật đúng hay sai, lại tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Xin được bỏ qua phân biệt giai cấp, xin được bỏ qua những tranh cãi về tình yêu, cái tác giả muốn bảo về nói cho cùng cũng là cái đẹp.

Với tất cả những ai đang muốn tìm một quyển sách kinh điển về tình yêu, Tiếng chim hót trong bụi mận gai là tác phẩm không thể bỏ lỡ trong đủ sách của mỗi người.

Câu chuyện tình giữa Meggie và cha xứ Ralph trong "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" thật sự có thể được ví như một phiên bản đượm buồn của truyền thuyết về loài chim sinh ra chỉ để hót một lần duy nhất trong đời. Tình yêu của họ không chỉ là một mối quan hệ đơn thuần mà còn là một sự hy sinh, một sự chọn lựa đầy nghịch lý giữa lý trí và cảm xúc, giữa trách nhiệm và khát khao. Meggie và Ralph đều biết rằng mối tình này không thể có kết cục trọn vẹn, nhưng họ vẫn không thể cưỡng lại sự thôi thúc đó, vẫn cứ lao vào một cách say mê và đầy bi thương.

Cũng giống như loài chim trong truyền thuyết, họ biết rằng sự hy sinh sẽ mang lại sự đau đớn, nhưng cũng chính sự đau đớn ấy lại khiến cho tình yêu của họ trở nên thánh thiện và vô cùng tuyệt vời. Cái đẹp của tiếng hót, dù là vỡ vụn trong khoảnh khắc cuối cùng, chính là cái đẹp của sự dâng hiến, của khát khao cháy bỏng mà không thể thỏa mãn.

Đọc "Tiếng chim hót trong bụi mận gai", mình cảm thấy như đang chứng kiến một cuộc đấu tranh vô cùng đau đớn giữa sự khát khao yêu thương và những ràng buộc vô hình của đạo đức, của xã hội. Cả Meggie và Ralph đều phải đối diện với những lựa chọn mà không có con đường nào hoàn toàn đúng đắn, không có lối thoát dễ dàng. Họ đều nhận thức được sự vô vọng của tình yêu ấy, nhưng cũng không thể từ bỏ, như những chú chim chấp nhận lao vào gai nhọn dù biết mình sẽ tan vỡ.

Cái hay của việc đọc 1 cuốn tiểu thuyết đó là tùy vào từng thời điểm, có thể là cùng 1 nội dung nhưng bản thân lại có những cảm nhận, những góc nhìn khác nhau và cuốn tiểu thuyết này là một trong những những cuốn khiến bản thân mình có những trải nghiệm như thế.

Nếu như lần đầu đọc cuốn sách này với mình Meggie là một cô bé đáng thương khi phải chịu những đau khổ, phải trải qua những đau khổ tột bậc và sự cô đơn cùng cực. Còn cha Ralph với riêng bản thân lúc đó là 1 kẻ đáng khinh bỉ, đáng hận và không đáng nhận được sự tha thứ. 

Còn bây giờ khi đọc lại, vẫn câu chuyện tuy nhiên cảm nhận lại có chút khác. Meggie có thể đã sinh ra và lớn lên trong 1 hoàn cảnh khắc nghiệt tuy nhiên bên cạnh cô luôn có những người thân, dù cô có trải qua chuyện gì vẫn luôn có những người thân và những người khác bên cạnh giúp đỡ. Dù con đường cô chọn là sai trái tuy nhiên cô được sống thật với cảm xúc, được đi con đường mà cô chọn dù cô biết rằng nó gian nan và gập ghềnh. Cha Ralph bây giờ lại trở thành 1 kẻ đáng thương, suốt đời theo đuổi 1 thứ để rồi cuối cùng nhận lại chỉ là 2 chữ giá như. Giá như ông biết được, giá như ông từ bỏ. Với hầu hết tất cả mọi người ông dường như có được tất cả nhưng với riêng ông cuối cùng ông đã đánh mất tất cả. Mọi nút thắt cơ bản cũng bắt đầu từ ông, từ những quyết định, từ những hành động và tình cảm dành cho Meggie, từ những lần đấu tranh tư tưởng không thành công, từ những quyết định không dứt khoát của ông mà kéo theo biết bao nhiêu là hệ lụy để rồi khi biết rõ mọi thứ ông chỉ còn hối tiếc. Tuy nhiên thật lòng mà nói, những cảm nhận ban đầu đối với hình tượng cha Ralph vẫn không thay đổi gì.

Cũng may kết thúc câu chuyện là một kết thúc có hậu dành cho con gái của Meggie. Thật sự lần trước đọc không tập trung đoạn này lắm. Chỉ quan tâm đến Meggie cơ mà lần này đọc kỹ hơn mới thấy. Cũng may là cô kịp suy nghĩ lại, vừa đọc vừa sợ lại một vòng luẩn quẩn giống như mẹ và bà của cô thì thật sự là đáng tiếc. Cũng may là mọi chuyện đã không như những gì tưởng tượng ra.

Tối chuẩn bị hành lí, mình đi tìm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” để mang đi mà một lúc chưa tìm ra. Hồi xưa, có thể nói đây là tiểu thuyết mà mình thích nhất. Thích đến mức mình thuộc lòng một số đoạn, và cái đoạn đầu tiên “Có một con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng nó đã hót hay nhất thế gian…" thì được mình chép đi chép lại trong nhiều cuốn sổ. Đến những năm đại học, mình còn treo trước mặt câu “Bởi vì tất cả những điều tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”. (Thuở trẻ, có vẻ hay thích sự sầu muộn).

Và khi đến nước Úc, mình lại nhớ những câu văn diễm lệ, nỗi buồn lung linh, cả sự xót xa của mình thuở xưa khi đọc tiểu thuyết ấy. 

"Tiếng chim hót trong bụi mận gai" là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nữ văn sĩ người Úc Colleen McCullough, được xuất bản năm 1977. Ngay khi vừa ra mắt, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được xếp ngang hàng với tác phẩm văn học kinh điển "Cuốn theo chiều gió". Thời điểm tác phẩm ra đời, viết văn chỉ là nghề tay trái của Colleen McCollough, nhân viên y tế là nghề chính của bà. Colleen McCullough không phải là nhà văn chuyên nghiệp, trước đó hầu như không ai biết tiếng, bà là một người phụ nữ bình thường. Bà sinh ra và lớn lên ở bang New South Wales (Úc) trong gia đình một công nhân xây dựng. Thuở nhỏ, Colleen mơ ước trở thành bác sĩ nhưng không có điều kiện để theo học trường đại học y. Bà đã thử làm một số nghề như thư viện, làm báo, công tác thư viện, dạy dỗ để tìm kiếm cơ hội trở lại nghề y. Và cuối cùng, bà nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết. Và mình đọc nó vào năm 1994, sau khi bà viết 17 năm! Không biết là mình có thể đến ngắm nơi bà từng sống hay không đây, nhưng dù sao, mình cũng đã đến được nơi cùng múi giờ với bà!

"Tiếng chim hót trong bụi mận gai" của Colleen McCullough quả thật là một cuốn sách rất sâu sắc và cảm động, với một câu chuyện đầy những mâu thuẫn nội tâm và những vấn đề đạo đức khó khăn. Mối tình giữa Meggie và cha xứ Ralph vừa đẹp đẽ, vừa bi kịch, thể hiện sự giằng xé giữa tình cảm cá nhân và nghĩa vụ tôn giáo, giữa những khát khao cháy bỏng và những giá trị đạo đức, luân lý xã hội.

Câu chuyện về Meggie không chỉ là câu chuyện tình yêu mà còn là sự đối mặt với những lựa chọn không thể tránh khỏi trong cuộc sống, những hi sinh và mất mát. Cuốn sách này còn khắc họa rõ nét cảnh sống của người phụ nữ trong một xã hội truyền thống, với những khao khát và khổ đau mà họ phải chịu đựng trong cái bóng của những chuẩn mực xã hội.

Mình cảm thấy, có lẽ điều khiến người đọc dễ dàng đồng cảm với nhân vật Meggie chính là sự yếu đuối, nhưng cũng đầy kiên cường và mạnh mẽ khi đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. Cái đẹp và cái buồn trong câu chuyện này là không thể phủ nhận. Những mâu thuẫn không thể giải quyết, tình yêu không thể trọn vẹn, lại càng làm cho cuốn sách trở thành một tác phẩm vừa gây ám ảnh, vừa lay động lòng người.

1 cuốn sách với giọng văn vô cùng cuốn hút, cách miêu tả sâu sắc, đầy màu sắc, các tình tiết phát sinh bất ngờ, khó đoán.

Cuốn sách viết về câu chuyện tình yêu ngang trái với 2 nhân vật chính là Meggie và cha Ralph, nhưng do những định kiến xã hội, giai cấp, sự đánh đổi giữa sự nghiệp và tình yêu đặc biệt là khoảng cách tuổi tác và những quan điểm tôn giáo mà khiến câu chuyện đó vừa đẹp vừa ai oán.

Bên cạnh tình yêu của 2 nhân vật chính, cuốn sách còn khắc hoạ những tình yêu khác, trong gia đình 3 thế hệ của Meggie. Đó là tình yêu của bà mẹ Fiona vì lỡ có bầu trước hôn nhân, đã giết chết 1 người phụ nữ trẻ trung, mơn mởn để bà trở thành 1 người phụ nữ gai góc, kiên cường hơn. Đó là tình yêu của người phụ nữ mạnh mẽ, hiện đại của Justine, của 1 người không tin tưởng vào tình yêu nhưng vẫn bị số phận đó đánh quật. Đó là tình yêu lúc xế chiều, không thể bị mua chuộc bởi tiền bạc của bà Mary Carson.

Cuốn sách như một tuyên ngôn về nữ quyền vì cánh đàn ông có phần mờ nhạt so với những người phụ nữ. Phụ nữ cũng có thể chăn cừu như cánh đàn ông trong nhà, ngoài ra họ có thể quán xuyến việc nhà, chi tiêu,…

Cuốn sách còn ẩn chứa thông điệp về gia đình, các vấn đề xã hội muôn thuở như chiến tranh, di cư,…

Cái hay của cuốn sách chính là không chỉ nhân vật chính mà bất cứ nhân vật nào trong cuốn sách cũng có màu sắc riêng, cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc, không ai hoàn hảo tột độ, ai cũng có phần con và phần người trong đó.

Cuốn sách bất ngờ nhưng cái sự bất ngờ của cuốn sách đôi khi lại làm tác phẩm thiếu tính logic. Có những chi tiết không hiểu vì sao lại xảy ra như thế, ý nghĩa ẩn giấu sau chi tiết đó là gì.

0 điểm

Gấp lại cuốn tiểu thuyết là đóng lại câu chuyện tình yêu đầy bi thương của cô gái xinh đẹp, dũng cảm Meggie và vị cha xứ Ralph. Tuy rằng còn nhiều tranh cãi về thân phận của 2 nhân vật chính trong chuyện tình này, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng tình yêu của họ đã chạm tới trái tim ấm nóng của vô vàn độc giả trên khắp thế giới.

Giá trị mà “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” mang lại không đơn thuần là tình yêu lứa đôi mà trên hết đó là sự dũng cảm của con người để đấu tranh với rào cản thân phận, rào cản xã hội, bước đến bên cạnh người mình yêu nhất, thương nhất. Rất khó để bàn về việc đúng sai với bối cảnh và thân phận 2 nhân vật trong truyện. Tuy nhiên, độc giả vốn không cần quan tâm nhiều tới thế. Điều mà chúng ta rút ra là nếu gặp được người mình thực sự yêu, hãy thử hết lòng vì bản thân một lần.

“Tiếng chim hót trong bụi mận gai” quả thực xứng đáng là tác phẩm văn học kinh điển của thế giới với bài học giá trị về tình yêu lãng mạn cùng hiện thực tàn khốc của cuộc sống. Và phải thực sự đọc từng câu từng chữ mới có thấm được cái hay, cái đẹp và cái hiện thực mà tác giả cũng như tác phẩm đem lại cho người đọc. Vì vậy, còn chần chờ gì nữa hỡi các bạn yêu sách, ghé truongvietnam.com để thưởng thức câu chuyện kinh điển này ngay hôm nay nào.

Người ta vẫn thường nói như thế này, ở những xã hội được cho là tân tiến nhất, hạnh phúc nhất thì đồng tiền vẫn luôn có khả năng sai khiến lương tâm và đặt nền tảng cho sự phân biệt giai cấp. Tình yêu hay hạnh phúc của cả một đời người, niềm tin hay hi vọng, khát vọng cá nhân hay vòng tay che chở của gia đình; tất cả những giá trị được coi là trân quý nhất, thiêng liêng nhất đều phải dừng lại ở lằn ranh của sự phân biệt giai cấp và sự sai khiến của đồng tiền. "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" đã khắc họa rất thành công những định kiến xã hội đó, giày vò suốt ba thế hệ.

Bắt đầu từ Fiona, mẹ của Meggie vì có thai với người yêu nên bị bắt phải lấy người chăn cừu. Bố của Meggie vì áp lực của cơm áo gạo tiền phải làm thuê cho người chị gái giàu có. Đến thời của Meggie, vì đem lòng yêu vị cha xứ, người thuộc về chúa mãi mãi chẳng thể đáp lại được tình cảm thuần khiết của nàng, đành trao mình cho một kẻ ích kỉ, tằn tiện. Con của Meggie, một người phải trải qua muôn ngàn khó khăn mới đến được với người mình yêu, một phải ra đi mãi mãi, như một lời khẳng định kết quả của một tình yêu không được chấp nhận không bao giờ được tồn tại. Thời gian đi qua những thế hệ, dẫu có sự khác biệt trong tính cách và kết thúc, song đều gặp nhau ở số phận bi thương, không ai trong số họ được hạnh phúc một cách trọn vẹn, tư duy vô hình buộc chặt lấy họ, khiến họ không còn khao khát mưu cầu hạnh phúc. Và ngay cả gia đình của họ cũng không cho phép ranh giới vô hình đó được phá bỏ. Đau đớn thay khi hạnh phúc của con người trở nên rẻ mạt. Xót xa thay khi tình yêu, thứ thiêng liêng nhất trên thế gian này lại phải quỳ gối trước những định kiến con người tự tạo ra.

 Cái hay của  Coleen McCullough là làm nổi bật những định kiến xã hội xuyên suốt cả ba thế hệ, thông qua câu chuyện tình yêu đầy bi thương của họ. Những nét vẽ khắc họa rất tới, không hời hợt qua loa. Độc giả khi đọc tác phẩm có thể nhận thấy rất rõ tác giả như sống cùng nhân vật, khóc thương cùng nhân vật, khát khao thay họ và đau đớn thay họ.

Một trong những hình ảnh khiến tôi không thể nào quên được trong tiểu thuyết đó chính là “tro của hoa hồng” . Đám bụi tro đó không chỉ có màu sắc ảm đạm buồn thương mà ở đó còn thấp thoáng những sắc hồng kiêu sa. Với trí tưởng tượng tài tình, tác giả đã sáng tạo ra “tro của hoa hồng” , đó là màu trên chiếc váy Meggie mặc trong buổi tiệc sinh nhật lần thứ mười bảy “bộ áo không bóng, màu xám nhạt có ánh hồng dịu dàng – trong những năm ấy, màu đó được gọi là “tro của hoa hồng” .” “Hoa hồng” và “tro của hoa hồng” đã chứng giám cho tình yêu giữa Meggie và Ralph “Hoa hồng. Tro của hoa hồng. Hoa hồng, hoa hồng khắp mọi nơi. Cánh hoa rải rác trên cỏ. Hoa hồng mùa hè: hồng trắng, hồng đỏ thắm, hồng vàng. Hương thơm ngọt ngào nồng đượm trong đêm. Những bông hoa hồng dịu, bợt màu dưới ánh trăng, nom gần như màu tro. Tro của hoa hồng, tro của hoa hồng”. Hình ảnh ấy đã khắc sâu trong tâm trí Ralph sau này khi mỗi lần nhớ đến Meggie “một bông hồng phơn phớt màu tro nhợt nhạt...để cha giữ làm kỉ niệm về con”. “Tro của hoa hồng” phải chăng là sắc màu tình yêu của hai người? Một tình yêu đẹp như hoa hồng nhưng cũng buồn thương như màu của tro? 

“Tiếng chim hót trong bụi mận gai” là bản nhạc buồn thương, là viên ngọc quý trong kho tàng văn học thế giới. Sau khi khép trang sách lại, tôi đã nhận ra được nhiều cái đẹp, đặc biệt là nét đẹp tình yêu như Gacxia Marquez đã nói :“Từ khi mới nhen nhóm sự sống trên trái đất, phải trải qua 380 triệu năm con bướm mới bay được, rồi 180 triệu năm nữa bông hồng mới nở, chỉ để làm đẹp mà thôi. Cũng đã phải trải qua 4 kỷ địa chất, con người mới hát hay hơn chim và mới chết vì yêu.”