Khang Hy được mệnh danh là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc, nhưng cuộc sống chốn thâm cung lại hoàn toàn trái ngược. Là một người ham mê tửu sắc, ông có hàng nghìn cung tần mĩ nữ, và có đến hơn ba mươi bảy người con. Còn Khang Hy dưới ngòi bút sắc sảo, giọng văn chất chứa đầy tâm sự của nhà văn Phỉ Ngã Tư Tồn không những đa tình mà còn rất chung tình...

Tịch mịch gần như là một trong những tác phẩm đời đầu của Phỉ Ngã Tư Tồn, và cũng là tác phẩm được ra đời trong hoàn cảnh gần như không được thuận lợi. Bởi lẽ trong suốt quá trình nhào nặn nên tác phẩm, tác giả có chia sẻ gần như không lên kế hoạch trước mà cứ viết để mặc cho cảm xúc tuôn trào. Nhưng không vì thế mà Tịch mịch mất đi độ liền mạch và chất văn của Phỉ Ngã Tư Tổn. Câu chuyện trong “Tịch mịch” được vẽ nên cứ như một bức tranh xuân đầy ai oán, cô đơn và buồn khổ mà chẳng thể nói thành lời.

Có một bức tranh xuân mang tên “Tịch mịch”

“Con đường của đế vương là con đường tịch mịch nhất thế gian. Và tình yêu của bậc đế vương cũng vô cùng tịch mịch...”

Tiểu thuyết Tịch mịch lấy bối cảnh Triều đại Mãn Thanh, kể về cuộc tình đầy ngang trái giữa vua Khang Hy và cung nữ Vệ thị Lâm Lang (về sau được sắc phong Lương phi). Nàng là Lâm Lang, vốn xuất thân trong gia tộc họ Vệ, nhưng lại là một tội thần của triều đình bấy giờ. Lâm Lang được đưa về nhà ngoại, phủ đệ Nạp Lan Minh Châu, về sau nàng được đưa vào cung và làm việc ở Tứ Chấp Khố. Cuộc đời của nàng vẫn sẽ chỉ trôi qua đầy bình lặng nếu như hôm đó nàng không được đi Tây Uyển, cũng sẽ không gặp Khang Hy ở bên bờ suối và có thể mãi sẽ chẳng lọt vào mắt xanh của Khang Hy. Về sau nàng được chuyển đến cung Càn Thanh làm việc để hầu hạ Khang Hy và một cuộc tình về vị hoàng đế và một nàng Lâm Lam đã được vẽ nên đầy nhẹ nhàng và tinh tế, hệt như bức tranh xuân sơn mài. Nàng thân làm nô tì, nhưng những kiến thức và cách ứng xử của nàng lại hoàn toàn hút hồn Khang Hy. Nàng biết viết chữ, biết rất nhiều, nàng còn biết làm thơ, biết thêu thùa, may vá, và chỉ một cái nhìn thoáng qua là nàng có thể dễ dàng nhận ra người đối diện là ai và cần phải cung kính với họ ra sao. Chính những điều này đã khiến cho Khang Hy si mê nàng vô cùng. Nhưng rồi mối tình của họ chẳng kéo dài bao lâu, vì cái lẽ y là Hoàng đế còn nàng chỉ là một cung nữ thấp hèn. Y chẳng thể vứt bỏ giang sơn Đại Thanh để dành chọn một tình yêu cho nàng, y đang dần gạt nàng ra khỏi tâm trí, và để nàng một mình ở Trữ Tú Cung. Trầm mặc và lặng lẽ, biết bao mùa tuyết đã qua đi, nàng vẫn một mình cô quạnh nơi vườn vắng. Trong tiểu thuyết, vì lấy bối cảnh trong cung nên cũng có xây dựng thêm khá nhiều tình tiết tranh đấu các phi tần như Đoan Tần, Vinh Tần, Đông Quý phi, Nghi Tần,... Còn về kết thúc của truyện thì cũng không thể nói rõ là kết vui hay buồn, vì kết thúc truyện nó vẫn cứ lửng lơ, để lại trong lòng người đọc nỗi buồn da diết khó tả.

Nỗi khổ hạnh của nàng Vệ Lâm Lang

Nàng là Lâm Lang, là con của tội thần, từ nhỏ nàng đã phải sống bên nhà ngoại Nạp Lan Minh Châu, nhưng số phận trớ trêu, nàng buộc phải nhập cung. Trong tiểu thuyết, Phỉ Ngã Tư Tồn không quá đi sâu vào việc tại sao nàng phải nhập cung và gia tộc của nàng mắc phải tội gì, những hình ảnh một nàng Lâm Lang làm việc ở Tứ Chấp Khố hiện lên thật đáng thương. Lẽ ra, với tài sắc của nàng, nàng xứng đáng được hưởng hạnh phúc chứ không phải quanh năm vùi mình vào những công việc khổ cực nơi đây. Hình ảnh ba người tỉ muội Lâm Lang, Vân Sơ, và Họa Châu cùng nhau cười đùa vui vẻ trong gian phòng nhỏ ở Tứ Chấp Khố hiện lên thật giản dị và gần gũi ở ngay mở đầu cuốn sách. Vô ưu – đó là điều mà ắt hẳn ai trong mỗi người đọc đều có thể cảm nhận được ở họ. Mặc dù phải làm việc rất vất vả, phải sống trong cung cấm cho đến tận năm hai mươi lăm tuổi, nhưng họ vẫn luôn gắng vui vẻ, và chưa một lần oán thán. Ở Tứ Chấp Khố, sự thông minh, nét tinh tế vốn có của nàng Lâm Lang chẳng thể che giấu được. Nàng càng cố che giấu thì vẻ đẹp của nàng càng thể hiện rõ hơn. Từ ngoại hình cho đến nét tài hoa ẩn sâu bên trong dáng vẻ nhẹ nhàng của Lâm Lang. Với chủ nhân, nàng quan sát mọi thứ từ trang phục cho đến cách nói chuyện của mọi người, từ đó có thể đưa ra cách ứng xử sao cho hợp lễ nghi, trước giờ điều này, nàng luôn làm tốt. Với những tỉ muội đồng cảnh ngộ hay với sư phụ Ngọc Trợ, trước giờ nàng luôn tốt bụng giúp đỡ, trong công việc giặt là, nàng luôn thể hiện là người khéo léo, gắng sức hoàn thành thật tốt công việc mà bề trên giao phó. Nàng chưa một lần có ý muốn tiếp cận Hoàng đế, nhằm được sắc phong làm phi tần, có lẽ cũng vì nàng là con người trước giờ không màng hư danh, chỉ vì số phận mà buộc phải nhập cung.



Và rồi cuộc đời của Lâm Lang đã bước sang một trang mới, khi nàng được ghi tên vào đoàn hộ tống Khang Hy đi săn ở Tây Uyển. Tại đó, nàng đã nên duyên với Khang Hy. Nàng nhanh chóng được chuyển tới Càn Thanh cung để hầu hạ Khang Hy. Khó giấu nổi sự thông minh và nét lanh lợi vốn có, vị Hoàng đế chẳng bao lâu đã bị nàng hớp hồn. Có lẽ phần nhiều là do nàng hoàn toàn khác với những nữ tử mà Khang Hy đã từng gặp trước đây. Nàng mang cái dáng vẻ yêu kiều, sự tài hoa của những tú nữ con nhà quyền quý, đáng lí ra nàng chẳng nên đứng trước mặt Khang Hy với thân phận là một nô tỳ hèn kém. Cũng chính nàng đã khiến Khang Hy dần trở nên đa sầu đa cảm tự bao giờ. Nhưng trước giờ, với Lâm Lang, nàng luôn nói với y rằng: “Thân phận nô tỳ thấp kém, không xứng Hoàng thượng quan tâm.” Rõ ràng, như rất nhiều người khác, khi được Hoàng đế để mắt đến, dường như là cơ hội ngàn vàng, và ai cũng đều mong muốn có được cơ hội này, với nàng thì khác, nàng không hề mong muốn có một tình yêu như vậy! Phải nhập cung với một thân phận hèn kém, với nàng, cung cấm như một chiếc lồng giam khổng lồ, nàng chỉ có một mong ước, đó là mau chóng được xuất cung, trở về với cuộc sống yên bình trước kia, không xô bồ, không phải để ý sắc mặt của từng người mà sống. Nàng biết rằng, tình yêu của vị Hoàng đế ấy dành cho nàng là quá xa xỉ, nàng chẳng hề muốn có một tình yêu mà tình yêu ấy còn phải san sẻ với hàng nghìn cung tần mĩ nữ khác. Chẳng bao lâu sau, trên dưới trong cung, ai ai cũng nhìn ra nàng được Huyền Diệp hết mực sủng ái và quan tâm, mọi ánh mắt đều dồn vào nàng. Nàng nhanh chóng được phong làm đáp ứng (một phi tần của vua). Nhưng những hiểu lầm và oan trái chốn thâm cung hiểm độc cứ kéo đến với nàng, khiến cho niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của nàng chẳng mấy chốc đã bị dập tắt. Khang Hy hiểu lầm nàng vẫn tình chàng ý thiếp với Nạp Lan Dung Nhược, anh họ bên nhà ngoại nàng và cũng là thanh mai trúc mã của nàng. Y cực chẳng đã, vô cùng tức giận, nhưng trong đấy, y cũng vẫn yêu và thương Lâm Lang, trong một khoảnh khắc nào đấy, y vẫn luôn dành cho Lâm Lang một thứ tình cảm khó nói vô cùng. Và rồi những rối ren chốn cung cấm buộc y phải lựa chọn, giang sơn hoặc nàng, và y buộc phải chọn giang sơn.

“Lòng đã quyết, không thay đổi.”

Nàng mất đi đứa con đầu tiên nhưng nàng không có ai ở bên, mà ngược lại, trên dưới chẳng có ai quan tâm nàng. Nàng kiệt sức đến chết đi sống lại, và từ đó nàng mãi cô quạnh ở Trữ Tú cung. Nơi đó cũng chẳng khác lãnh cung là mấy, nàng và y thực sự đã mãi bị một bức tường cao chắn lại rồi. Ngay từ đầu, nàng đã sớm biết, rồi sẽ có một ngày nàng sẽ mãi chẳng còn nhìn thấy ánh mặt trời, sẽ mãi chẳng còn được nằm trong vòng tay ấm áp của y nữa, nhưng thánh chỉ có cưỡng cầu, số phận đã sớm chẳng còn nằm trong tay nàng nữa rồi. Biết bao mùa tuyết cứ dần qua đi, cuộc đời nàng cứ lặng lẽ như tờ mà trôi qua. Cho đến lễ mừng thọ của Khang Hy, nàng chỉ dâng lên y vài dòng tranh chữ, cũng hệt như nỗi lòng mà nàng muốn gửi gắm đến y. Lòng nàng đã đau đến nhường nào khi cứ từng chút, từng chút một bị những toan tính chốn thâm cung kia cướp đi người đàn ông của nàng?



“Ta muốn có một đứa con.”

Nhiều ý kiến cho rằng nàng đối với Khang Hy chỉ là lợi dụng, nàng trước giờ với Khang Hy chưa hề vượt quá ranh giới chủ tớ, chỉ nhất mực chung tình với thanh mai trúc mã của nàng khi xưa là Nạp Lan Dung Nhược. Nhưng với tôi Lâm Lang yêu Khang Hy sâu đậm lắm chứ. Nếu không yêu, sao nàng luôn đỏ mặt mỗi lần Huyền Diệp bày tỏ tình cảm với nàng. Nếu không yêu, sao nàng lại đau khổ đến cùng cực khi không có Khang Hy ở bên vào cái khoảnh khắc mất đi đứa con đầu tiên. Nếu không yêu, sao nàng lại gửi hết tấm chân tình vào trong tranh chữ: “...Phu quân nếu nhận thiếp, thiếp cam chịu trăm roi. Nếu không xin nguyện chết, để chôn trên đất quân. Hóa thành đoạn trường hoa, cũng sẽ mọc đất này.” Từng câu từng chữ như thể muốn giãi bày lòng mình với Khang Hy, rằng với nàng, trước giờ nàng luôn dành cho y một tình cảm đặc biệt, mong y hiểu thấu. Và nếu không yêu, sao nàng lại chợt hạnh phúc khi được y đưa đi cùng trong chuyến vi hành? Rõ ràng trong tim của nàng, hình bóng của Huyền Diệp đã sớm chiếm lấy một vị trí không thể thay thế được, dù cho đó có là Nạp Lan Dung Nhược hay bất kì một ai khác. Nhưng lòng người hiểm ác, y lại là một vị Hoàng đế, rõ ràng, tình cảm ấy càng lớn dần lên, lại càng trở nên cay đắng. Đã từng được sủng hạnh đến như vậy nhưng đến cuối cùng, tình yêu của Lâm Lang dành cho Khang Hy, cũng như Khang Hy dành cho nàng chẳng còn vẹn nguyên. Nếu được sinh ra trong một hoàn cảnh khác, nếu nàng chẳng phải sinh ra trong gia đình A Bối Nãi Vệ thị, y không phải là Ái La Giác Tân Huyền Diệp, Hoàng đế Khang Hy, thì có lẽ tình yêu của họ sẽ chẳng gặp nhiều sóng gió và trắc trở đến như vậy. Mãi cho đến về sau, nàng hạ sinh được cho y Ái La Giác Tân Dận Tự, được mọi người gọi là Bát A Ca, nhưng cuộc đời nàng, tuổi xuân và tình yêu của nàng đã mãi bị chôn vùi ở Trữ Tú cung từ sau cái đêm cuối cùng Khang Hy ở bên nàng.

“Tịch mịch không đình xuân dục vãn”



Năm ấy có một Khang Hy đa tình mà cũng hết mực chung tình...

Y là một trong những vị Hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc, nhưng vào mùa xuân năm ấy, vào cái độ mà tuyết vẫn còn đương rơi phủ kín bốn bề Đại Thanh. Y có trong tay tất cả, giang sơn này là của y, những tú nữ, giai nhân đẹp nhất cũng là của y, chỉ riêng có mình nàng, y cũng không rõ, liệu nàng có phải là của y hay chăng? Khang Hy không dám khẳng định tình cảm của Lâm Lang dành cho mình liệu có như mình không. Y dùng cái uy của một vị Hoàng đế để đưa nàng đến bên mình, nhưng tận sâu trong tim y, y vẫn khao khát có một tình yêu chân thật, giản dị từ phía nàng. Lâm Lang, nàng ấy khác với những nữ tử khác! Nàng cái gì cũng tường, nàng biết chữ, còn biết làm thơ là đằng khác, ấy mà thuở mới ban đầu, y còn cầm tay nàng, toan dạy nàng viết lên hai chữ: “Huyền Diệp”! Y sẵn sàng vì nàng mà chống đối tất cả mọi người. Những chuyện chốn lục cung, cũng là y ra tay giúp đỡ nàng. Y sủng ái Vinh Tần, Nghi phi, giao ấn hoàng hậu cho Đông Quý phi hay về sau là vượt cấp phong cho Họa Châu, tỉ muội thân thiết nhất của nàng làm Ninh Quý phi. Nhưng nàng đâu biết rằng, tất cả những điều y làm đều là vì trong mắt y chỉ có nàng. Y không muốn Thái hoàng Thái hậu làm khó nàng, y lại càng không muốn những thủ đoạn tàn độc của chốn hậu cung nhắm đến nàng, y chỉ có thể làm những điều đó cho nàng, vì y chẳng thể trút bỏ trách nhiệm của một vị Hoàng đế, còn phải gánh vác trên vai cả một giang sơn to lớn. Trước sau như một, tình cảm của y vẫn vẹn nguyên như ngày mà y chót rơi vào lưới tình của nàng. Y nguyện đánh đổi tất cả để giành lấy những tháng ngày bình yên cho nàng và con. Thực ra ở phần ngoại truyện, Phỉ Ngã Tư Tồn có viết thêm những đoạn Khang Hy và Lâm Lang gặp lại nhau sau một khoảng thời gian xa cách, nhưng bằng một cách nào đấy, phần ngoại truyện càng khiến cho độc giả thấy luyến tiếc hơn cho mối tình đầy ngang trái của hai người.



Về sau, Phỉ Ngã Tư Tồn có xuất bản một cuốn sách, là tái bản của Tịch mịch, với tưa “Tịch mịch không đình xuân dục vãn”, có thêm khá nhiều chi tiết, nhưng về căn bản thì nội dung vẫn không hề thay đổi quá nhiều so với bản ban đầu của cuốn tiểu thuyết. Duy chỉ có chi tiết, được thêm vào, và để lại cảm xúc khá mạnh với tôi, đó hình ảnh Hòa phi, một phi tần được Khang Hy hết mực sủng ái, nhưng chung quy cũng là vì nàng ta quá giống Lâm Lang khi xưa, và mãi về sau, nàng ta mới nhận ra điều này. Chi tiết này được Phỉ Ngã Tư Tồn thêm vào như thể càng khẳng định được rõ nét hơn tấm chân tình mà Khang Hy dành cho Lâm Lang vẫn vẹn nguyên như năm nào.

“Hóa ra là nàng ta...

Sủng ái hơn hai mươi năm của nàng... hóa ra lại là của nàng ta.”

Trước sau như một, đến sau cùng, hẳn bất kì một phi tần nào của Khang Hy bấy giờ sẽ đều thấy ganh tị với tình cảm mà y dành cho Lâm Lang. Nhất mực chung tình, trước sau như một.

Phỉ Ngã Tư Tồn và những nét chấm phá vào bức tranh xuân quạnh hiu

Rõ ràng, mặc dù, đây gần như chỉ là một trong những tác phẩm đầu tay của Phỉ Ngã Tư Tồn nhưng thành công mà nó mang lại dường như lại vô cùng lớn. Lâm Lang theo lịch sử Trung Quốc chính là Lương phi, nàng đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều tác giả, và đã đi vào khá nhiều những trang tiểu thuyết cũng như những thước phim nói về nàng. Theo lịch sử, đúng là Khang Hy rất coi trọng nàng, nhưng chưa có một tác phẩm nào đào sâu được nhiều khía cạnh về mặt tình cảm của chuyện tình Khang Hy và Vệ Lâm Lang đến như vậy. Tịch mịch, lặng lẽ, u sầu! Lối viết không ào ạt, từng câu từng chữ như khứa vào tâm can người đọc.



Hình ảnh mọi thứ trong Tử Cấm Thành cho đến lục cung đều hiện lên đầy sống động. Nhất là cái cách mà Phỉ Ngã Tư Tồn để các nhân vật khoác lên mình những bộ trang phục đầy trang nhã, chỉ qua vài câu chữ. Chỉ đọc đến đây thôi, đã đủ thấy được nét tinh tế mà Phỉ Ngã Tư Tồn muốn thổi vào tác phẩm. Nữ tác giả hiểu khá rõ về những nhân vật trong lịch sử, từ đó tác giả xây dựng nên những nét tính cách đậm chất văn của mình. Mẹ Phỉ biết cách nắm bắt những tình tiết trong lịch sử để rồi khi những tình tiết đó được đưa vào trong một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh triều đại nhà Thanh trở nên hấp dẫn vô cùng. Một điều mà tôi tin rằng ắt hẳn ai cũng đều có thể dễ dàng nhận ra khi đọc Tịch mịch đó chính là, cách hành văn chưa bao giờ dễ hiểu và mượt mà đến thế. Nó nhẹ nhàng và thanh thoát hệt như một bài thơ, nhưng lại để lại dấu ấn khó quên trong lòng mỗi chúng ta. Hy vọng rằng, trong tương lai gần, lịch sử sẽ bước vào trang văn học đầy tinh tế như cách mà Phỉ Ngã Tư Tồn và Tịch mịch đã làm được.

Tác già: Nguyễn Minh Nguyệt - Bookademy

-----

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật những thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

Xem thêm

Giống như những tác phẩm khác của Phỉ Ngã Tư Tồn, Tịch mịch tuyệt đối không phải một tác phẩm tươi sáng và tràn đầy hạnh phúc. Tịch mịch, đúng như cái tên của nó, lặng lẽ mà đau đớn xé lòng. Truyện kể về tình yêu giữa vị hoàng đế Khanh Hy, lúc nào cũng phải sống lý trí và sáng suốt, với cô cung nữ Lâm Lang thông minh, kiên cường và mạnh mẽ. Giữa chốn hoàng cung đầy cạm bẫy và toan tính, tình yêu giữa hai kẻ ấy, rốt cuộc sẽ đi đến đâu? Người đời vẫn thường nói Khang Hy là một hoàng đế đa tình, vì trong hậu cung của Khang Hy có đến hàng nghìn mỹ nữ. Nhưng thiết nghĩ, thân mang hai chữ hoàng đế, gánh lấy trên vai sức mạnh to lớn mà cũng nặng nề của quyền lực tối cao, đa tình sẽ tốt hơn chung tình. Bởi vì có hoàng đế nào, có thể chắc chắn cùng người yêu sống đến đầu bạc răng long mà chẳng cần phải bận tâm bất cứ điều gì khác. Hẳn là không có. Thế nhưng, trong Tịch mịch, PNTT đã xây dựng nên một hoàng đế Khang Hy chung tình. Khang Hy yêu Lâm Lang, có lẽ là ngay từ lần đầu tiên vô tình gặp nàng khẽ ngâm nga câu hát bê bờ sông sáng trăng. Nếu khi đó, ngay chính hắn cũng chưa rõ tình cảm của mình, thì đến khi nàng trở thành cung nữ hầu hạ ngự tiền bên cạnh hắn, hắn cũng đã hiểu ra, rằng hắn lỡ yêu nàng mất rồi. Nhưng hắn không lập tức đoạt nàng về cạnh hắn, cho dù hắn là hoàng đế, nắm quyền lực trong tay, muốn có nàng đâu có gì khó khăn. Hắn nhẹ nhàng và dịu dàng đến bên nàng, từ từ bước vào cuộc sống của nàng với ước muốn làm cho nàng thật sự rung động, thật lòng yêu hắn. Từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy, đã có thể thấy được sự chân thành từ trong trái tim hắn, dành cho nàng. Rồi khi Lâm Lang chấp nhận đến bên cạnh hắn, hắn đã hạnh phúc và trân trọng những giây phút này đến thế nào. Hắn luôn chỉ muốn ở bên cạnh nàng, hơn 20 đêm liền, hắn không đến cung của phi tần nào, khi đến Nam Uyển, cũng có nàng đi cùng. Và hắn từng nói với nàng "nhất định sẽ nghĩ cách cho sự lâu dài của chúng ta", hắn cũng hứa "ngã tâm phỉ thạch, bất khả chuyển dã", dù cho thế nào, cũng không thay lòng đổi dạ. Một hoàng đế có vô vàn mỹ nhân bên cạnh, lại nói ra những lời như vậy, như lời thề ước trọn đời trọn kiếp, vĩnh viễn không thay đổi. Thật chân thành và cảm động. Và cũng chính vì tình yêu sâu sắc ấy, khi biết nàng đã từng yêu Dung Nhược, hắn ghen tuông đến mờ mắt. Một hoàng đế lý trí và tài giỏi, một hoàng đế sáng suốt và minh mẫn, lúc này, lại ghen với thần tử của mình. Hắn tuyệt vọng và đau khổ, hắn hận nàng, nên rời xa nàng, cố tỏ ra lạnh nhạt, không quan tâm đến nàng. Nhưng càng hận thì lại càng yêu. Đêm nàng bị sảy thai, hắn đã mặc kệ tất cả, phóng như bay về kinh thành với nàng. Nàng đối hắn là tính mạng, là tất cả những gì tốt đẹp nhất. Hắn yêu nàng, cả đời này, chỉ yêu một mình nàng. Một tình yêu khắc cốt ghi tâm. Còn nàng, đối với hắn, có là tình yêu không? Nhiều người cho rằng, Lâm Lang chỉ yêu một mình Dung Nhược, trong lòng chẳng hề có Khang Hy. Nhưng tôi nghĩ, nàng đã yêu hắn, yêu thật lòng. Nàng không phải muốn dựa vào hắn để sống yên ổn, mà là nàng vì yêu hắn mới đến bên cạnh hắn. Nếu không phải là tình yêu, tại sao khi gặp hắn, nàng bối rối đỏ mặt? Nếu không phải tình yêu, tại sao lại thêu túi cho hắn? Nếu không yêu hắn, tại sao lại kết tóc thề ước trong đêm hôm ấy? Và ở đoạn cuối truyện, khi nàng nói "sẽ không đến nữa", chỉ vẻn vẹn vài chữ, nhưng đã làm bừng sáng nỗi đau buồn trong thâm tâm nàng và cả tình yêu sâu sắc nàng dành cho hắn. Nàng yêu hắn đấy, nhưng tình yêu đó quá lặng lẽ, đến mức như mơ hồ, không thật. Nhưng mà tại sao lại như vậy? Tại sao Lâm Lang yêu Khang Hy, nhưng lại cứ âm thầm và lặng như thế? Phải chăng vì nàng đã biết trước kết cục ngày hôm nay, biết trước rằng tình yêu này sẽ chẳng thể nở hoa. Thế nên nàng, giả vờ như không yêu, giả vở như đang tính kế với hắn, để hắn sau này không còn phải day dứt vì nàng, không còn cần phải nghĩ đến kẻ bạc tình như nàng. Ngay từ đầu, nàng đã dứt khoát với mối tình này, dứt khoát là sẽ chặt đứt. Và dường như cũng để cho chính bản thân nàng, sẽ không phải đau khổ, khi không còn bên nhau. Nhưng mà tình yêu, làm sao ngăn chặn nổi đây? Nàng như vậy đã đành, đến ngay Khang Hy, đường đường là bậc chí tôn, cũng chẳng thể làm theo ý mình. Hắn không thể ở bên cạnh nàng, cùng nàng chung sống những tháng ngày hạnh phúc. Hắn vì bảo vệ nàng mà phải rời xa nàng, vĩnh viễn không gặp lại. Hắn và nàng, cùng ở trong hoàng cung, gần như vậy mà xa đến thế. Nhìn người ngay trước mắt, nhưng chẳng dám giơ tay chạm vào. Nhìn người ngay trước mắt, mà chẳng thể trao yêu thương đang chực tràn trong trái tim. Kết cục như vậy, mặc dù đã đoán trước nhưng vẫn không thể không đau lòng, không xót xa. "Cuộc đời dài như vậy, cuối cùng cũng kết thúc rồi." Tình yêu ấy héo tàn, cũng đặt luôn dấu chấm hết cho cuộc đời nàng, và cả cuộc đời hắn. Trái tim của nàng và hắn, đã chết từ đây rồi. Con đường mà bậc đế vương phải đi, lúc nào cũng tịch mịch đến đau đớn.

Khi đọc truyện và xem phim Bộ bộ kinh tâm, có một chi tiết khá ấn tượng. Sau khi Lương phi qua đời, Nhược Hy quỳ trước cửa cung của bà vái tạ thì gặp Khang Hy đang bước tới với một đoàn thái giám, thị vệ. Đột nhiên, hoàng đế dừng bước, ngoảnh nhìn về phía cửa cung. Rồi chỉ chốc lát sau, lại phẩy tay ra lệnh khởi giá. Nhược Hy lúc ấy có cảm thán một câu “Thì ra đây là tình yêu của đế vương, cũng chỉ là ngoái đầu nhìn lại trong nháy mắt!” Vị Hoàng đế ấy, hoá ra lại bạc tình đến vậy.Đến khi hạ chỉ trừng phạt Bát a ca, cũng chính vị Hoàng đế ấy đã đay nghiến xuất thân hèn kém của mẹ chàng – Lương phi, “tiện phụ Tân giả khố”. Vô cùng tuyệt tình. Trong lịch sử, hậu cung Khang Hy có tới hơn hai nghìn mỹ nữ, sinh cho Khang Hy những 37 người con, trong đó có 25 nam và 12 nữ. Con số hậu phi chính thức cũng ngót nghét 20 người. Vì thế, người đời vẫn gán cho ông cái mỹ danh Hoàng đế đa tình bậc nhất.Nhưng thân là quân vương, dù có đa tình, rồi bạc tình hay tuyệt tình đi chăng nữa, có lẽ vẫn tốt hơn chung tình. Vì đã gánh số kiếp Hoàng đế, thì mấy ai kề cận được với người mình yêu, sớm tối bên nhau đến đầu bạc răng long?Khang Hy dưới ngòi bút của Phỉ Ngã Tư Tồn, tiếc thay, lại là một vị Hoàng đế chung tình. Và câu chuyện Sân không vắng vẻ tàn xuân đã mang đến một cái nhìn rất khác về vị Hoàng đế tài ba này, cũng như về mối tình với Lương phi.Huyền Diệp đối với Lâm Lang, có thể nói là vừa gặp đã yêu. Lần đầu tiên nhìn thấy nàng đang đứng trong làn nước sông, khẽ hát bài Du xa ca, đến khi nàng lên phục vụ trà nước ở ngự tiền, hắn biết mình động lòng với nàng mất rồi. Hắn là vua, là Thiên tử, đã muốn gì ắt sẽ có được. Vậy mà hắn âm thầm tiếp cận nàng, dịu dàng chăm sóc nàng từng li từng tí chứ chẳng hề ép buộc. Cùng nàng luyện chữ, cùng nàng đi dạo. Đến khi ngỏ lời với nàng, thì lại bị cự tuyệt “Thân phận nô tì thấp hèn, không xứng Vạn Tuế gia quan tâm.” Bao nhiêu tâm ý đổ sông đổ bể, đâm ra phản ứng có phần trẻ con khi sai thái giám… đuổi bắt hết ve trong sân vườn Đông Noãn Các, chỉ vì “Vạn Tuế gia nghe tiếng ve, đang buồn bực cả người.”Đến khi nàng chấp nhận theo hắn, thì hắn ngày đêm quấn quýt lấy nàng không rời, khiến các hậu phi không ngừng thắc mắc, rằng không biết có phải long thể của hắn không ổn hay không mà suốt “hai mươi ngày gần đây, Vạn Tuế gia đều nói “Lui!” khi thái giám mang khay đựng thẻ bài tới.Nhưng hắn là Hoàng đế. “Mặc dù Trẫm có cả giang sơn nhưng cũng không thể làm theo cảm tính được.” Khi nghe nói nàng bị Thái hậu gây khó dễ, hắn cũng chỉ có thể nói với nàng, “nhất định sẽ nghĩ cách cho sự lâu dài của chúng ta.” Tối hôm ấy, hắn dù không đành lòng, vẫn phải lật thẻ bài, sau nhìn bóng dáng nàng lui ra, lại không nỡ, lại hứa, rằng “Ngã tâm phỉ thạch, bất khả chuyển dã”, dù có thế nào cũng không thay lòng đổi dạ. Một thân hoàng bào, lời nói ra lại chân thành đến thế, đủ để biết hắn yêu nàng đến mức nào.Chỉ vì yêu, nên mới tuyệt vọng khi phát hiện ra, trong tim nàng từ lâu đã có bóng hình kẻ khác. “Hoá ra là sai rồi. Bản thân đã sai lầm ngay từ đầu mất rồi.” Chỉ vì yêu, nên mới ghen đến mờ mắt với thần tử, chỉ vì đó là kẻ có được tình yêu của nàng.Nhưng cũng chính vì yêu, mà vờ quên đi sự thật ấy, vẫn tự lừa mình dối người, rằng nàng toàn tâm toàn ý với hắn. Vì cái đêm nàng bị sảy thai, hắn phóng ngựa như bay từ Củng Hoa về kinh, lòng đau như chết lặng khi biết nàng ở sau cánh cửa kia, biết nàng đang khóc, biết nàng cần hắn hơn lúc nào hết, nhưng quy định trong cung không cho phép hắn được bước qua ngưỡng cửa ấy, hắn đã biết rằng hắn không thể thiếu nàng.Hắn lại hết mực sủng ái nàng như trước, thậm chí còn ân cần, dịu dàng hơn, nhất là khi nàng mang thai lần nữa. “Trên thế gian này nàng không phải sợ gì cả. Tất cả Trẫm đều gánh vác thay nàng.” “Trẫm muốn thử xem ai dám tính kế với người của Trẫm.”Thế nhưng, nếu đó là Thái hoàng Thái hậu? Người bà hết mực yêu thương hắn, dốc lòng dạy dỗ hắn thành một đấng minh quân được người đời ca tụng. Thiên tử Đại Thanh không thể có nhược điểm. Hắn quá si mê nàng, không chịu chấp nhận sự thật rằng trong lòng nàng không có hắn, vì bảo vệ nàng mà không tiếc tay giết người diệt khẩu. Nhược điểm ấy, nhất định phải loại trừ.Vì thế, dù Hoàng đế đã phải quỳ trước mặt Thái hoàng Thái hậu, đau đớn mà nói rằng “nàng là tính mạng của Huyền Diệp, Hoàng tổ mẫu tuyệt đối không thể lấy đi cái mạng này của tôn nhi được.”, bà vẫn nhất quyết bắt hắn phải rời xa nàng.Cuối cùng, hắn chấp nhận. Rời xa nàng để bảo vệ nàng. Nàng hạ sinh Dận Tự được một trăm ngày, hắn không hề đến thăm. Suốt mười năm sau đó, cũng chẳng hề gặp mặt. “Đau cũng không đè xuống được, cho nên mới không chạm vào nữa.”Khi được tin nàng mất, hắn ho ra máu. Hắn sủng ái Hoà phi, vì Hoà phi giống nàng. Đến khi Hoà phi sảy mất đứa con duy nhất, hắn kề cận an ủi, như muốn bù đắp cho chính nàng năm xưa, cách một cánh cửa mà không thể bước qua. “Chỉ có hắn biết được, thật ra, cả một đời này đều luôn nhìn người khác thành nàng. Chỉ có nàng, mười năm nay đều là nàng, cả đời này chỉ sợ cũng là nàng.”Trong phần Đôi lời tác giả, Phỉ Ngã Tư Tồn có nói một câu thế này: “Rõ ràng biết người ta không tốt, trái tim người đó không ở đây, nhưng yêu thì cũng yêu rồi, chẳng thể nào thay đổi được, như Khang Hy nói với Hiếu Trang “Hoàng tổ mẫu à, tôn nhi cũng chẳng còn cách nào.” Vì vậy, có rất nhiều độc giả càng thêm khẳng định rằng từ đầu chí cuối, trong lòng Lâm Lang vẫn chỉ có một mình Dung Nhược, chứ chẳng có Huyền Diệp. Nàng biết không thể từ chối hắn, vì hắn là vua. Nàng muốn xin hắn một đứa con để có chỗ dựa trong chốn hoàng cung nhiều âm mưu, thủ đoạn, chứ chẳng phải nàng yêu nên muốn có con với hắn.Nhưng tớ nghĩ rằng, Lâm Lang có yêu Huyền Diệp. Đó không phải mối tình đầu thanh mai trúc mã, sau tuyệt vọng đến mức gần nhau trong gang tấc mà biển trời cách mặt. Nhưng đó cũng là tình yêu. Nếu không yêu, vì sao lại thêu túi cho hắn? Nếu không yêu, vì sao mỗi lần gần hắn, mặt lại không tự giác mà đỏ, chân tay thêm phần luống cuống? Nếu không yêu, vì sao lại kết tóc thề hẹn trong đêm đó? Tình yêu ấy không day dứt đến hết đời như mối tình đầu bị ngăn trở với Dung Nhược, tình yêu ấy đa phần là cảm động trước tấm chân tình của Huyền Diệp. Nhưng đó chắc chắn là tình yêu. Và Huyền Diệp ngốc nghếch kia, trên triều thì là Hoàng đế uy phong lừng lẫy, nhưng trong tình yêu thì vẫn mãi mãi mang mặc cảm của người đến sau, thế nào cũng không tin là trong lòng nàng có hắn.Giọng văn nhẹ nhàng như nước chảy, kết cục tuy buồn, nhưng những mảnh vỡ phần ngoại truyện cũng kéo lại được một vài tháng ngày hạnh phúc. Trong những truyện của Phỉ Ngã Tư Tồn từ trước đến nay, có lẽ đây là truyện hay nhất.(*) Review được viết dựa trên bản dịch "Sân không vắng vẻ tàn xuân" của bạn Vô Danh.

Nội dung thì vẫn đậm phong cách Phỉ Ngã Tư Tồn. Buồn man mác suốt từ trang đầu đến trang cuối. Mối tình của Lâm Lang và Khang Hy nổi bật lên giữa những tranh đấu, âm mưu và cả sự cô đơn giữa chốn thâm cung. Tình yêu của bậc Đế Vương vốn rất khó chạm đến, nhưng nếu đã nhận được tình yêu đó thì sẽ phải sống một cuộc sống chẳng mấy dễ chịu. Đó là sự sợ hãi, khi chẳng biết đến khi nào, bậc Cửu ngũ chí tôn kia sẽ thay đổi khi xung quanh có biết bao nhiêu người bất chấp thủ đoạn chỉ được gần vua lấy một lần. Đó còn là cảm xúc thấp thỏm, đề phòng khi không biết xung quanh sẽ phải đối phó với những âm mưu gì từ chốn hậu cung âm hiểm. Nhưng với Lâm Lang, sẽ còn nhiều nỗi sợ hơn thế, khi mà trong tim cô vẫn còn chưa dứt được bóng hình Nạp Lan Dung Nhược. Nếu cô gái này cũng sử dụng những âm mưu, mánh khóe như những nữ tử khác ở chốn hậu cung của Khang Hy, thì có lẽ cô đã không ở cái vị trí thường tại nhỏ bé. Nhưng chắc chắn nếu cô cũng lao vào cuộc chiến hậu cung ấy thì sẽ không bao giờ có thể chạm tới một góc trong trái tim nhà vua. Kẻ vô tình lại làm người hữu tình. Câu chuyện kết thúc mở, và đó là cái kết hoàn hảo nhất cho cả hai nhân vật chính. Để bảo vệ Lâm Lang, Khang Hy chấp nhận dời xa tình yêu của mình. Nhưng sự xuất hiện của đứa con, Bát hoàng tử Dận Tự, cũng phần nào bớt đi sự âm u cho những chặng đường còn lại trong cung cấm. Nhưng liệu tình yêu có thể chấm dứt đơn giản vậy, khi cả thiên hạ đều nằm trong tay Khang Hy? Phỉ Ngã Tư Tồn cũng thành công khi khắc họa sự dằng xé, đau đớn đến tan nát của nhân vật Dung Nhược, không rõ ràng kể về mối tình của chàng thị vệ và Lâm Lang nhưng người đọc ai cũng hiểu được, mối tình đó sâu đậm, khắc cốt ghi tâm đến mức nào.

Quả đúng với cái tên Tịch mịch, trầm lắng, không ồn ào, truyện cũng thật nhẹ nhàng, không quá cao trào. Tịch mịch là thế, nhẹ nhàng là vậy, kết thúc cũng âm thầm đến nỗi ta chưa kịp hay biết. Đồng thời chính vì vậy mà khiến tôi có phần cảm thấy hơi hoang mang, bởi vì không ngờ kết thúc truyện lại đến nhanh như vậy. Ở khúc gần cuối, tôi cứ tưởng nó sẽ là một diễn biến cao trào nhưng rồi hóa ra đó lại chính là lí do để tác giả kết thúc truyện. Phải chăng tác giả muốn có một cái kết đúng trong lịch sử, nên mới tạo ra kết thúc gượng ép như thế? Vì cái kết nên làm tôi chưa hiểu rõ được tình cảm thật sự của Lâm Lang. Nếu nói nàng không có tình cảm với Huyền Diệp ( Khang Hy ) thì không đúng, mà nếu nói nàng yêu hắn cũng chẳng xong. Bởi vì trong khi tình cảm giữa Lâm Lang và Huyền Diệp còn đang tiến chuyển thì tác giả lại nhắc và làm rõ quá nhiều chuyện tình quá khứ của Lâm Lang với Nạp Lan Dung Nhược. Để rồi khi chạm mặt nhau trong ngư hoa viên, rốt cuộc Lâm Lang và Dung Nhược đã xảy ra chuyện gì mà Huyền Diệp lại tỏ thái độ lạnh lùng như vậy? Chính tình tiết này, tôi cứ tưởng sẽ trở nên thật cao trào và kỳ vọng sự giải đáp của tác giả. Nhưng kết cục không như mơ,Huyền Diệp và Lâm Lang hai người kể từ giây phút đó không hề gặp lại. Tôi thấy ghét Huyền Diệp, nếu chàng thật sự yêu Lâm Lang đến vậy, thế tại sao không tin tưởng nàng, không hỏi nàng, không yêu cầu nàng giải thích?

ai chữ ‘tịch mịch’ này đã xuyên suốt từ đầu cho tới cuối tác phẩm, không có một cái kết thê lương nào hết, chỉ là tịch mịch. Thật sự, đọc truyện rồi cũng thấy cô đơn như nhân vật trong truyện vậy. Tôi không biết viết thế nào, đã lâu rồi kể từ ngày tôi viết bài review cuối cùng, cảm xúc cũng khó mà nắm giữ để có thể viết ra như ngày trước. Hôm nay tôi ngồi viết bài cảm nhận này, cũng chỉ là muốn lưu lại chút tịch mịch mà thôi.Trước đây tôi từng nghĩ, nội dung truyện của Phỉ Ngã Tư Tồn luôn là tuyệt vời, chỉ trừ văn phong, nhất là tác phẩm hiện đại. Nhưng giờ tôi biết tôi sai rồi, Tịch Mịch Không Đình Xuân Dục Vãn chính là bằng chứng xác thực nhất. Hình như đây là một trong những tác phẩm đời đầu của mợ Phỉ, tác phẩm có cái kết lửng lơ mà tác giả tâm đắc nhất. Đó là một chuyện tình giữa Khang Hi và Vệ Lâm Lang, nhưng nỗi cô đơn của tình yêu ấy lại được vẽ lên bởi thơ của nam phụ Nạp Lan Dung Nhược. Điều này tuyệt thật đấy! Mỗi chương đều được mở đầu bởi những dòng thơ tình của Nạp Lan, tuy dài nhưng lúc nào tôi cũng đọc hết, dù chưa thể cảm nhận được chất thơ tuyệt đẹp cổ xưa truyền lại này. Ban đầu còn cứ ngỡ nam chính là anh nhà thơ này cơ, hóa ra không phải, bởi người xưa, không có quyền lực hơn người thì không có tư cách tranh giành tình yêu với người. Tôi cũng đi tìm hiểu về vua Khang Hi, phát hiện Vệ cô nương này đúng là phi tần hậu cung của Hoàng đế, đúng là ngạch nương của Bát a ca Dận Tự, đúng là cung nữ được phong lên thường tại rồi phi tần. Chỉ có câu chuyện tình yêu này, có lẽ chưa từng tồn tại mà thôi. Vừa đọc lại chương mở đầu của truyện, đó là câu chuyện của Hòa phi – sủng phi của Hoàng đế. Nếu nói toàn bộ cuốn truyện này là một vẻ tịch mịch, thì nên nói chương mở đầu là một vẻ buồn đau. Bởi sủng ái cả đời mà Hòa phi có được lại chỉ là do thế thân người khác. Khi đó Lương phi Vệ Lâm Lang còn sống, Bát a ca đã lớn, nhưng Hoàng đế lại chỉ sủng ái nàng, quan tâm mọi phi tần hậu cung, chỉ lạnh nhạt với mình Lương phi. Khi đó nàng thích mặc sắc hồng, thích náo nhiệt, nhưng vì Hoàng đế thích sắc xanh và sự tĩnh lặng mà nàng ép mình theo đó. Khi đó Hoàng đế muốn vẽ nàng nhưng đặt bút lại không nhìn nàng vẫn vẽ ra được một khuôn mặt xinh đẹp, nữ tử trong tranh có vài phần giống nàng nhưng lại chẳng phải nàng. Khi đó Hoàng đế gặp ác mộng bất chợt tỉnh dậy, dù ôm lấy nàng nhưng miệng lại gọi ‘Lâm lang’. Nàng không biết Lâm lang là ai, nàng cũng chẳng quan tâm nhiều, vì nàng hiểu rõ điều nàng cần là được Hoàng đế yêu thương. Nhưng rồi khi hưởng hết sủng ái của Hoàng đế, đến khi Hoàng đế đã rời xa rồi, nàng mới biết Lâm lang là người nào, mới biết bản thân là ai, mới hiểu tình yêu của Hoàng đế là như thế nào. Hóa ra, nàng vẫn chỉ tự mình đa tình suốt mấy chục năm, hóa ra kẻ hèn mọn mới chính là nàng… Tôi thích chương này lắm, còn thích hơn nội dung truyện nữa. Bởi ở đây có đủ ngược, đủ đau lòng mà tôi muốn. Tất cả các nhân vật, chẳng ai đạt được điều mình muốn, chính Hoàng đế cũng vậy, chính nàng cũng vậy, chính các phi tần cũng vậy, chính con trai của nhân vật chính Bát a ca cũng vậy, và kể cả kẻ được làm vua Tứ a ca kia cũng chẳng khác. Thế mà câu chuyện chính lại không đau lòng đến thế… Nói Vệ Lâm lang đáng thương, tôi không đồng ý. Con đường này là do nàng chọn, nàng cũng thoải mái chấp nhận rồi thì còn có gì đáng thương hại? Phải nói rằng nàng may mắn, may mắn vì gia đình phạm tội mà vẫn được trực tiếp hầu ngự tiền, may mắn vì người nàng yêu cũng yêu nàng, may mắn vì lọt vào mắt vua, may mắn vì được vua yêu, may mắn khi vua biết nàng giả dối nhưng vẫn lựa chọn tin yêu nàng, càng may mắn vì có đứa con có hiếu. Cả đời nàng có mấy khi phải tranh đấu, chẳng phải luôn được vua bảo vệ hay sao? Càng nói càng thấy được Vệ Lâm lang là nhân vật sung sướng nhất trong tất cả các truyện của mợ Phỉ rồi! Truyện tên là Tịch Mịch, nhân vật trong truyện tịch mịch, tình yêu trong truyện cũng tịch mịch, mà kết thúc truyện cũng tịch mịch nốt. Chỉ trừ mấy ngoại truyện kia, tịch mịch bớt đi nhiều rồi, còn lại là rất nhiều vui vẻ và hạnh phúc của 2 con người yêu nhau. À mà nói người đáng thương, trừ nhân vật ở chương mở đầu, người cần nhận sự thương hại nhất là Đông lang, yêu mà chẳng thể nói, còn bị đánh ghen suýt chết mà vẫn không hiểu lý do, khổ thân anh. Về tình yêu của các nhân vật, tôi chỉ nhận thấy tình yêu của Khang Hi và Nạp Lan Dung Nhược dành cho nữ chính và một chút tình cảm của nữ chính dành cho Nạp Lan, còn tình cảm dành cho Khang Hi có lẽ chưa thể gọi là tình yêu được. Truyện khắc họa Lâm lang là một người trầm tính, tốt bụng và cực kỳ an phận, nàng hiểu nàng không có khả năng đấu đá cùng hậu cung nên không dám tham gia, nhưng sự thông minh của nàng lại lợi dụng tình cảm mà Khang Hi dành cho nàng. Nàng cũng biết thế nào là đủ và đâu là điểm dừng, vì thế mới lựa chọn hơn hai mươi năm tịch mịch trong hậu cung và đành để con trai cho người khác nuôi dưỡng. Cho đến cuối cùng, tình cảm nàng dành cho Khang Hi có lẽ đã là tình yêu, nhưng không sâu đậm mà chủ yếu là thói quen, sùng bái và có ỷ lại dựa dẫm. Riêng cái này thì tôi thích, bởi mục đích của nàng chỉ là yên ổn một đời. Tình yêu của Nạp Lan thì giống như dấu phẩy trong truyện, chỉ là thêm vào, trở thành nút thắt cho tình yêu của đôi chính, vì hầu như anh này chẳng có tí uy hiếp nào, phải nói là dù có cho thì anh này cũng chẳng dám tranh giành tí nào ấy chứ. Đây thì là chuẩn thực tế, ai mà dám tranh với cửu ngũ chí tôn, tru di cửu tộc còn là nhẹ nhàng đấy! Còn tình yêu của nam chính Khang Hi thì không cần phải nói. Sự xuất hiện của Lâm lang giống như cơn gió mát thổi vào cuộc đời khô khan nóng nảy của bậc đế vương, hai người còn hợp cạ, nàng còn có thể đối thơ, khác hẳn nữ nhi hoàng cung. Yêu đến sâu đậm mới hiểu cách bảo vệ nàng là không quan tâm nàng, tuy đổi lại bằng cả đời tịch mịch nhưng vẫn cam lòng. Một tình yêu sâu đậm đầy thực tế với cuộc đời đế vương, mà sự ngăn cản của Thái hoàng thái hậu càng làm nổi bật lên tình yêu này.

Một vị vua dẹp loạn tam phiên, bình định thiên hạ, chưa có gì là khó khăn với hắn, nhưng đối với nàng hắn lại nói “chẳng còn cách nào cả” , hắn thua nàng, thua cái thứ tình cảm này của hắn. Hắn biết nàng thích Nạp Lan Dung Nhược, hắn cũng biết nàng chưa từng thích hắn nhưng hắn vẫn chọn mù quáng tin nàng, “chỉ cần là nàng nói, trẫm sẽ tin”. Hắn cũng có những lúc yếu mềm như thế, hắn không muốn tìm hiểu sự thật là gì, hắn chỉ cần nàng ở bên cạnh hắn, chỉ cần cho hắn thỉnh thoảng được nhìn nàng, chỉ cần nàng sống tốt, hắn đều có thể hy sinh tất cả. Hắn rời xa nàng, hắn sủng ái Ninh quý nhân, hắn đưa Đông quý phi lên đầu sóng ngọn gió tất cả đều vì nàng, hắn ở bên cạnh Nghi phi chỉ vì “nhìn nàng mà ra nàng ấy”. Hắn vì nàng mà sống một cuộc đời tĩnh mịch. “Ngã tâm phỉ thạch, bất khả chuyển dã”. Lời hứa của hắn năm đó, Lâm Lang luôn nhớ rõ, nàng cũng biết tại sao hắn lại rời xa nàng, tại sao hắn lại sủng ái Họa Châu, tại sao Đông Quý Phi lại hiền hòa với nàng hơn, cũng biết tại sao 10 năm nay nàng lại sống tốt… Bởi vậy nàng chưa từng hận hắn, nàng biết tất cả mọi chuyện hắn làm tất thảy đều vì muốn nàng có một cuộc đời bình an. 10 năm sau gặp lại, hắn nhìn nàng mà nói “Chỉ có nàng, mười năm nay đều là nàng, cả đời này chỉ sợ cũng là nàng.” Cuộc đời đế vương tịch mịch lại cô đơn, người con gái đó từ lúc nào xuất hiện bên cạnh hắn, lại từ lúc nào đi vào trong tim hắn, từ lúc nào lại trở thành duy nhất của hắn. Suốt đời này Huyền Diệp ta yêu nhất chỉ có thể là Lâm Lang nàng. Một đời, một kiếp, một đôi người. Đau thương thay cho vị đế vương si tình. Tiếc nuối thay cho đoạn tình duyên vốn đã nở rộ nhưng chẳng thể khoe sắc.

Dưới ngòi bút của Phỉ Ngã Tư Tồn, Khang Hy là vị hoàng đế nhất kiến chung tình. Hắn yêu nàng, yêu đến khắc cốt ghi tâm. Nhưng chữ “tình” đối với một vị đế vương thật khó vẹn toàn. Lâm Lang là một nữ tử thông minh lại nhanh nhẹn, nàng có một chuyện tình đẹp với biểu ca Nạp Lan Dung Nhược của nàng, vì hoàn cảnh mà chia xa, mỗi lần gặp gỡ tim liền đau thắt. Mối quan hệ của Nạp Lan và Lâm Lang có thể được hình dung bằng một câu “gần trong gang tấc mà biển trời cách biệt”. Nhưng không rõ là từ khi nào, bỗng nhiên xuất hiện hắn trong cuộc sống của nàng, hắn từ từ mà chiếm lấy hết tâm tư của nàng, chiếm lấy hết thứ tình cảm mà nàng dành cho biểu ca của nàng. Hắn yêu thương nàng, lo lắng cho nàng, hắn lo đủ mọi cách sợ Thái hậu làm khó nàng, sợ phi tần của hắn chèn ép khinh dễ nàng hắn liều sủng ái Ninh quý nhân, hắn đưa Ninh quý nhân ra làm tấm bia đỡ cho nàng, tâm tư của vị đế vương này có ai sẽ hiểu thấu đây? Tam cung lục viện là của hắn, phi tử của hắn ai ai cũng nhan sắc xinh đẹp, thông minh sắc sảo, và ai ai cũng nhìn hắn với ánh mắt ngưỡng mộ, nhưng biết phải làm sao khi tất cả thương nhớ, tất cả tâm tư của vị đại đế này đều đặt trên người con gái ấy. “Nhiều người như vậy, nàng không phải đẹp nhất, cũng không phải giỏi nhất, thậm chí nàng chưa từng chân thành với con, thậm chí nàng tính kế với con, nhưng hoàng tổ mẫu à, tôn nhi cũng chẳng còn cách nào…”

Cả đời này, người ta yêu nhất chính là nàng, người ta muốn xin lỗi nhất cũng chính là nàng. —— Tịch mịch nhất, chính là tình yêu của bậc đế vương. Rời xa nàng, chính là muốn nàng sống thật tốt. Lạnh nhạt nàng, chính là muốn nàng hạnh phúc. Rõ ràng là nắm trong tay quyền lực tối cao, nhưng nàng ở đó, gần ngay trước mắt, lại chẳng dám ôm lấy nàng vào lòng, nói với nàng rằng đã yêu nàng đến khắc cốt ghi tâm. Cả đời này, người ta yêu nhất chính là nàng, người ta muốn xin lỗi nhất cũng chính là nàng. Đoạn tâm tư mà ta cất giấu này, nàng hiểu mà, phải không? “Tịch mịch” lấy bối cảnh thời nhà Thanh, vào thời Khang Hy đại đế – người được ca ngợi là đệ nhất đại đế thời Thanh. Khang Hy là người sách lược tài ba, tâm tư thâm trầm, không chỉ nổi tiếng là vị vua ưu tú nhất, ông còn nổi tiếng vì là vị vua có nhiều phi tần thê thiếp nhất của Trung Quốc. Nhưng chưa có một tài liệu nào chứng thực rằng ông yêu ai trong ba vạn mĩ nhân đó. Có hay không, một tình yêu thầm kín của một vị cữu ngũ chí tôn? “Tịch mịch” đã mở ra một câu chuyện tình đẹp, của một vị đế vương anh tài và một vị phi tần không quá ưu tú. “Con đường của đế vương là con đường tịch mịch nhất thế gian. Và tình yêu của bậc đế vương cũng vô cùng tịch mịch…”.