Các bạn có còn nhớ về những kỉ niệm hồi còn thơ bé hay không? Mình chắc hẳn mỗi bạn đều cất giữ đâu đó trong lồng ngực mình một khoảng trời không thể thay thế, một chỗ dành riêng cho tuổi thơ, cho những vui buồn, những ngây ngô và bồng bột hồi bé. Thức dậy trên mái nhà của Minh Mẫn khắc hoạ chân thực tuổi thơ của những đứa trẻ vùng thôn quê, cho chúng ta sống lại cùng năm tháng bé nhỏ bên cái giếng làng và màu khói trắng quen thuộc. Cũng không quên gửi gắm những thông điệp về tình bạn, tình yêu, cuộc sống, những mất mát mà tưởng chừng trẻ nhỏ chưa đủ hiểu hết để vượt qua.

Nhân cách và tâm hồn

Mở đầu là câu chuyện về những đứa trẻ lần đầu được tiếp xúc với chiếc điện thoại được một bé gái ở thành phố mang về. Chúng dự định sẽ dùng nó để quay lại cảnh một người đàn ông đang đánh đập chính mẹ của mình, là câu chuyện về những đứa trẻ tuy còn nhỏ nhưng lại đầy tình thương. Chúng không muốn ngày ngày chứng kiến cảnh người con đánh đập mẹ đẻ, nên đã quyết định lên kế hoạch để cho ông ta vào tù. Nhưng chưa kịp hoàn thành dự định, chúng lại chứng kiến sự ra đi của bà lão, còn làm gì được nữa, chúng chỉ biết khóc. Có lẽ, chúng buồn vì chưa kịp giúp bà, chưa kịp khiến cho công lý được thực thi.

Đan xen vào đó là câu chuyện về tình mến thương của mấy đứa nhỏ, là sự rụt rè, ngại ngùng của trẻ nhỏ khi cảm thấy có ai đó quan trọng với mình, thứ tình cảm hồn nhiên và không toan tính.



Là sự thay đổi dù nhỏ bé nhưng lại lớn lao với một cậu bé bước vào ngưỡng cửa của tuổi 16, là mong muốn giúp đỡ người khác nhưng lại vì sự nhát gan mà chẳng dám ngỏ lời. Lần đầu tiên giúp đỡ được bà lão đi đường cảm giác như trái tim muốn vỡ tung ra, lần đầu tiên cản nhận được chính bản thân mình đang đẩy nhân cách đến gần ngưỡng cửa của sự trưởng thành. Một cậu bé lần đầu nhận ra rằng trưởng thành là cách để tiếp thêm sức mạnh cho nhân cách, sự dũng cảm bé nhỏ phải mất 16 năm để chạm vào. Cười với người lạ, dám đấu tranh cho cái đúng, dám giúp đỡ, bênh vực người khác chỗ đông người sẽ là những bài học đầu tiên để cậu phát triển nhân cách.

Một điểm mình thấy khá ấn tượng trong Thức dậy trên mái nhà là khi tác giả nói về một cậu bé không đơn độc, cậu có “nhân cách” và “tâm hồn” là bạn.

NHÂN CÁCH à, hôm nay cậu tiến bộ hơn tớ. TÂM HỒN à, hôm nay cậu thấu đáo hơn tớ, nhưng tớ mới là người thực hiện nụ cười, là nguồn sống của chúng ta, là thách thức thời gian vô định.

Cái hay chính là tác giả xây dựng được một cậu bé hiểu bản thân mình, hiểu rõ dù mình còn bé nhưng nhân cách và tâm hồn đang lớn dần, cậu bé đang nhận thấy sự lớn dần trong bản thân mình, là cậu bé biết nhắc nhở bản thân thời gian sẽ chẳng đợi ai trong ba đứa mình, hãy cầm tay nhau và cùng đi. Là cách mà cậu bé động viên chính mình trên con đường trưởng thành đang gần tới “Dũng cảm lên nhé NHÂN CÁCH và TÂM HỒN!”

Cuốn sách kể về tuổi thơ của nhiều đứa trẻ với nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng chúng có cùng một điểm chung đó là nghèo. Là câu chuyện của đứa trẻ với đủ các trò đùa nghịch, quậy phá. Là câu chuyện về cậu bé có bố bị nhiễn HIV bỏ làng đi, câu chuyện về cậu bé không có bố chỉ có mẹ, câu chuyện về cậu bé chứng kiến sự đổ vỡ trong hôn nhân của bố mẹ và vì mải chạy theo mẹ với mong muốn mẹ đừng bỏ đi mà gặp tai nạn và vĩnh viên ra đi. Tất cả những gì chúng phải trải qua, may mắn thay lại có thể dựa vào nhau để được an ủi, để được sẻ chia.


Cuốn sách đã lấy đi nước mắt của người đọc, câu chuyện về sự ra đi vĩnh viễn của cậu bạn ngày ngày cùng mình chơi đùa bên giếng làng, câu chuyện về sự mất mát của cậu bé khi người cha mãi mãi ra đi, về những em bé tuy tuổi còn nhỏ nhưng tâm hồn và nhân cách lại thật cao đẹp, chúng chơi với nhau, trải qua mất mát, cảm nhận nỗi đau của bạn bè, cùng nhau chia sẻ và an ủi nhau đi qua những ngày tháng khó khăn đó.

Người lớn có việc của người lớn, trẻ em cũng có việc của trẻ em, bên ngoài cái dáng vẻ bé nhỏ đó là một tâm hồn thơ dại, phải trải qua bao nhiêu những bão bùng so với sức chịu đựng của một đứa trẻ. Phải chăng, người lớn cho chúng tình thương nhưng lại quên mất cách dạy chúng đi qua những nỗi buồn, vượt qua khó khăn và đau đớn, quên mất bên trong thân hình nhỏ bé đó một tâm hồn đang độ lớn dần lên.

Hãy yêu thương khi còn có thể

Trẻ rồi cũng đến lúc lớn. Đến một ngày cậu bé chợt nhận ra người thân yêu nhất chính là mẹ của cậu giờ đây sắp 50 tuổi rồi, tai mẹ đã không còn nghe rõ như trước nữa, mắt cũng không thể nhìn rõ được như ban đầu. Cậu sực tỉnh, sợ hãi, chân như muốn nhũn ra.

Là một cậu bé tượng trưng cho vô vàn những cậu bé khác bỗng một ngày nhận ra những đứa con không bao giờ yêu mẹ đủ được như lời chúng nói. Khi cậu nhận ra mẹ mình cũng cần có mẹ, mẹ cũng dụi đầu vào lòng bà để được trở che, chỉ hơi tiếc là khi đó mẹ cậu cũng đã có tuổi.



Có những đứa trẻ 11 tuổi không có ý niệm về quần áo, 11 tuổi ngày ăn hai bữa với vài mẩu bánh mì, gạt vội bụi bặm để nhét cho trôi xuống cổ, phải làm việc cật lực để được nhận mấy đồng tiền rẻ mạt, để cả gia đình không bị đói.

Tuổi thơ của chúng không phải là bóng bay, là hồn nhiên, là học hành, là yêu thương trong vòng tay của người lớn. Là trẻ em, nhưng nhiệm vụ của chúng là nghĩ cho người lớn.

Có những tuổi thơ tràn đầy hạnh phúc, ngập tràn sắc màu, dư thừa tới mức các em vứt bỏ đi. Nhưng lại có những tuổi thơ, vất vả và u ám, đớn đau và vô vọng.



Nỗi day dứt của cậu bé khi vô tình lượm được mìn, và không may khiến bạn mình chết, sự dằn vặt trong tầm hồn trẻ thơ, ám ảnh đó làm sao em gạt bỏ đi được để tiếp tục sống. Em ốm, nhưng buồn thay, với một vùng quê nghèo quanh quanh chỉ toàn là các cụ giả, những người có sức khoẻ đều lên thành phố để đi làm, trong lúc đó con trẻ cần tình thương của bố mẹ chúng nhưng thật buồn, cạnh em lúc này chỉ có bà, bố mẹ em còn đi làm xa chưa về.

Câu chuyện về cô gái hay chàng trai nào đó nếu trượt đại học sẽ nhảy sông Hồng để tự tử, họ thấy cô đơn và trống trải, mọi người không ai quan tâm đến họ, không ai còn tin vào họ nữa, hụt hẫng, xoay vòng, niềm tin tự nhiên trở thành một thứ gì đó quá xa xỉ. May mắn là bên cạnh họ lúc đấy còn bạn bè, một người bạn tốt theo đúng nghĩa, một người bạn đưa ra lời khuyên đúng lúc, một người bạn sẵn sàng chia sẻ và lắng nghe, một người bạn cứu lấy một người bạn.

Là câu chuyện về những đứa trẻ mấp mé giữa lớn và bé, những đứa trẻ cười toe toét ngay khi nhìn thấy nhau dù trước đó bị ăn đòn, những đứa trẻ không biết yêu đúng nghĩa là gì, những đứa trẻ vừa đánh nhau xong lại đi mua kem ngay để dỗ đứa kia.

Đại học có phải là con đường duy nhất không? Không, nhưng nó là con đường an toàn nhất. Tác giả không phải muốn khuyến khích các bạn ngừng học, nhưng muốn nói với chúng ta rằng, khi bước chân vào được cách cửa an toàn đó rồi, các bạn sẽ lại vỡ mộng một lần nữa. Nhưng đừng vì thế mà khóc nhiều làm gì, đừng tự trách bản thân mình vô dụng. Tuổi trẻ nào mà không có thất bại, ngày mới thực ra ban đầu vẫn tối đen như điểm cuối của ngày cũ nhưng khác ở một chỗ, chúng ta có thức dậy hay không.



Bạn không đi con đường này, thì sẽ có con đường khác để bạn đi.

Hãy yêu thương khi còn có thể, một cô gái quá mạnh mẽ không tốt đâu.  Là con gái không nên quá yếu đuối, nhưng mạnh mẽ quá cũng chỉ làm bạn với nỗi buồn. Con gái mạnh mẽ trước người mình yêu, là cướp đi của nhau cả hai cơ hội. Người con trai ấy có thể thích bạn mạnh mẽ, nhưng anh ấy sẽ lại ở bên người mà anh ấy có thể chở che.

Thế hệ chúng tôi là một thế hệ lạ lùng. Đứa trẻ nào cũng thấy mình cô độc. Đứa trẻ nào cũng thấy mình bất hạnh và thiếu thốn tình yêu hơn người khác. Đứa trẻ nào cũng bất mãn với thứ gia đình ban cho. Đứa trẻ nào cũng loay hoay không biết làm thế nào cho mình đỡ khổ. Đứa trẻ nào cũng tin tưởng vào những người dưng chưa bao giờ thấy mặt hơn là những khuôn mặt thân quen bên cạnh mình.

Đó là những đứa trẻ ở độ tuổi từ 13 đến hơn 20. Mọi thế hệ đều mất mát bởi một cái gì đó, luôn như thế và sẽ luôn như vậy.

Tất cả những kí ức còn lại trong tác giả chỉ là những hoài niệm mà thôi, cái thời muốn gặp nhau là mở cửa chạy ra ngoài thay vì mở máy tính và điện thoại chỉ là những kí ức xa vời còn in hằn lên trái tim tác giả.

Kết:

Với giọng văn chân thực nhẹ nhàng, lối dẫn dắt tự nhiên Thức dậy trên mái nhà của Minh Mẫn cho ta trở lại thời trẻ con ngây ngô hồn nhiên, có vui có buồn, có yêu thương và mất mát. Một thời thơ bé mà ta mãi mãi chẳng thể khứ hồi quay lại. Cùng với đó, giúp ta thêm quý trọng những gì đang có, sẵn sàng yêu thương sẵn sàng ước mơ.


Review chi tiết bởi Cẩm Lệ - Bookademy 
 

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

Xem thêm

Đến tận bây giờ, "Thức dậy trên mái nhà" vẫn luôn là cuốn sách để lại cho mình nhiều ấn tượng, xúc cảm nhất sau khi khép lại trang cuối cùng. Cuốn sách tựa như một thế giới nhỏ trong đó có tiếng cười, nước mắt và cả những hoài niệm đầy thương nhớ.

"Thức dậy trên mái nhà" thoạt tiên như một vé xe tốc hành ghé ngang qua tuổi thơ của mỗi người. Ở đó, có những câu vè, có thơ ca, có mấy trò chơi nấu ăn, làm bếp, có cảnh con gái, con trai giành nhau rồi cùng khóc nhè,... Tuổi thơ của những đứa "choai choai" còn có cả những lần thấy nhộn nhạo trong lòng khi đứa con gái hay chơi với mình lại thân với đứa con trai kia hơn. Đọc rồi mình mới nhận ra, à, thì ra tuổi thơ của ai cũng đều gần như giống nhau cả.

Không chỉ có những câu chuyện về tuổi ấu thơ quá đỗi hồn nhiên, trong trẻo, hai nữ tác giả trẻ còn đem đến cho độc giả nhiều cảm xúc, trải nghiệm khác nhau qua từng trang sách. Minh Mẫn viết “một mà nhiều”. Một, là chỉ một vùng quê, một thằng Thu, một con Ún, một thằng Long, một tuổi thơ, một cảm xúc dịu dàng mà chạm đến từng góc khuất trong tim mỗi người. Và nhiều, là biết bao cảm xúc khác nhau tác giả mang lại, cùng là tuổi thơ nhưng đâu phải lúc nào cũng có “dải ruy băng vàng” của niềm vui con trẻ, mà bên cạnh đó là những nỗi buồn, cha mẹ lìa xa, người lớn vô tình để “trên đôi vai bé nhỏ một gánh nặng gia đình” nặng nề đến bi kịch. Từ câu chuyện về những đứa trẻ, Minh Mẫn đánh thức những thứ mà người ta đã vô tình lãng quên trong cuộc sống hiện đại lắm xô bồ. Rằng chúng ta lớn lên trong cái vỏ bọc tưởng rằng là đẹp đẽ, để rồi có bao nhiêu thứ mình đánh mất, có bao nhiêu thứ mình thờ ơ, vứt bỏ, đến lúc cần lại thì thời gian không đi ngược đường được nữa rồi.

Xuyên suốt những mẩu chuyện nhỏ, có nhiều niềm đau, nỗi buồn, mất mát hiện ra theo một cách rất hiển nhiên như là lẽ thường tình của cuộc sống. Dù là vậy nhưng không có nghĩa "Thức dậy trên mái nhà" chỉ toàn bi kịch. Qua cách kể chuyện dịu dàng, dung dị, Minh Mẫn như dùng lời văn của mình để xoa dịu những tâm hồn, trái tim từng phải trải qua những tổn thương, nỗi đau không thể nói thành lời.

Hơn cả một cuốn sách về tuổi thơ, “Thức dậy trên mái nhà” còn gửi gắm những thông điệp về tình bạn, tình yêu, ước mơ, về sự hàn gắn sau những tổn thương, mất mát. Để rồi từ đó, chúng ta có thể bước tiếp, bỏ lại những niềm đau trong quá khứ, đón nhận những điều mới mẻ ở phía trước và rồi thêm một lần ta lại sẵn sàng yêu thương, sẵn sàng mơ ước.