Tại sao em ít nói thế? - Mình nghĩ không ít người từng nghe người khác nói như vậy với mình, trong đó có cả mình. Có thể bạn từng nghe nhiều đến 2 kiểu người thiên mạnh về não trái hay não phải và bạn sắp biết thêm rằng tất cả chúng ta cũng có thể chia thành 2 kiểu khác: hướng ngoại hay hướng nội. Cuốn sách này sẽ cho bạn biết nhiều hơn về người hướng nội, giúp người hướng nội hiểu hơn về chính mình và tìm được những lời khuyên hữu ích để cải thiện kỹ năng giao tiếp cũng như phát triển bản thân.

Trong thời gian vừa qua, cụm từ “Người hướng nội” được nhắc đến rất nhiều lần cũng như có nhiều hơn những bài viết về chủ đề này. Với cá nhân mình khi đọc cuốn Tại sao em ít nói thế?, mình phải khâm phục tác giả Huy Đức khi anh đã tìm hiểu và đọc rất nhiều tài liệu tham khảo để cho ra đời cuốn sách hoàn chỉnh. Đó là sự kết hợp giữa việc tổng hợp từ các tài liệu nước ngoài, từ những chia sẻ của chính những người hướng nội và cả của bản thân tác giả nữa.

Có gần hai mươi khía cạnh xung quanh cuộc sống của người hướng nội được đề cập trong cuốn sách được tác giả tổng hợp và chia thành các chủ đề lớn như: “Bạn có phải là người hướng nội?”, “Người hướng nội trong các mối quan hệ xã hội”, “Tính hướng nội trong công việc” và “Tình yêu của người hướng nội”.

Cảm tưởng như mỗi phần có thể được viết riêng thành những quyển khác nhau vậy. Mình đánh giá cao về sự phong phú, đa dạng trong nội dung của cuốn sách hơn là cách viết của tác giả vì nhiều chỗ còn lan man, lặp ý. Mình đã từng đọc qua nhiều bài viết về người hướng nội nên nhiều chi tiết trong cuốn sách không khiến mình bất ngờ lắm nhưng đối với những bạn chưa từng nghe hay biết đến chủ đề này thì rất nên đọc thử. Dưới đây là một số phần của cuốn sách mà mình thích cũng như muốn chia sẻ với mọi người.




Bạn có phải là một người hướng nội?

Nhiều người không biết người hướng nội là như thế nào và cũng có nhiều hướng nội không hiểu về mình. Để giúp người đọc tự xem xem mình có phải là hướng nội hay không thì cuốn sách đã có một phần trắc nghiệm nho nhỏ. Mình đã làm thử và kết quả thật bất ngờ. Trước đây mình nghĩ mình hướng nội nhưng đôi khi so sánh bản thân với những đặc điểm của người hướng nội thì lại có vài điểm không giống lắm.

Làm xong trắc nghiệm thì mình ra kết quả là người “ambivert” tức là người có tình cách “hai mặt” vừa hướng nội vừa hướng ngoại, lúc thế này lúc thế kia với tỉ lệ hướng nội – hướng ngoại là 50/50 hoặc chênh lệch không nhiều. Nếu bạn ra kết quả là người hướng nội hay người hướng ngoại thì cũng chưa chắc là bạn hướng nội, hướng ngoại hoàn toàn. Cũng giống như người thiên về não trái hoặc não phải, chúng ta chỉ là thiên về một hướng nào đó nhiều hơn thôi chứ không thể là 100% được.

Người hướng nội là người có thiên hướng tìm kiếm và thu nạp nguồn năng lượng từ chính bản thân mình. Họ thường thích những nơi yên tĩnh hay ở một mình để dành thời gian cho bản thân. Nhưng như vậy không có nghĩa là họ không thích những nơi đông vui hay người hướng ngoại không thích ở một mình. Chỉ là người hướng nội dễ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức hơn khi ở chỗ đông người nhộn nhịp, sôi động hơn thôi. Người hướng nội ít nói? Đúng là vậy. Do đó nên họ bị đánh đồng là nhút nhát, trầm tính. Thật sự là không phải người hướng nội nào cũng ít nói và ngại giao tiếp. Họ thích những cuộc đối thoại 1-1, trong nhóm nhỏ từ 3-4 người hơn là những bữa tiệc, cuộc thảo luận có quá nhiều người. Họ có thể ngại ngùng và ít chia sẻ với người lạ nhưng khi họ tìm thấy chủ đề phù hợp với mình thì họ có thể nói rất nhiều và nhiệt tình. Tác giả đã dành một phần riêng để so sánh người hướng nội với người nhút nhát và đưa những giải pháp khắc phục sự rụt rè, thiếu tự tin đối với ai còn ngại hay sợ phải giao tiếp với nhóm xã hội.

Bạn thuộc kiểu hướng nội nào?

Ồ, chia thành hướng nội, hướng ngoại đã đủ gây đau đầu rồi, đã thế lại còn nhiểu kiểu hướng nội nữa ư? Nhiều người nhận thấy mình có vẻ là người hướng nội, nhưng đôi lúc lại thấy hoang mang vì thấy mình không có những đặc điểm này nọ kia. Vì hướng nội cũng có nhiều kiểu khác nhau đấy. Có thể kể ra một vài kiểu như: Hướng nội lo lắng, hướng nội suy nghĩ, hướng nội chậm rãi và hướng nội xã hội.

Trong đó những người hướng nội xã hội thích hoạt động trong những nhóm bạn thân, đồng nghiệp với số lượng không nhiều. Họ cũng thích tham gia các hoạt động, sự kiện về lĩnh vực mà họ thích thậm chí khi nhìn vào không nhiều người nghĩ họ là người hướng nội. Tuy nhiên họ lại có xu hướng từ chối những buổi đi chơi xa hay tiệc tùng linh đình vì họ thích những hoạt động nhẹ nhàng, không tiêu tốn nhiều sức lực hơn. Những ai thuộc các kiểu hướng nội kia thì sẽ trầm tư và ít thể hiện mình ở ngoài xã hội hơn. Tất nhiên là kiểu chia thành các loại này chỉ mang tính chất tương đối, mỗi người chúng ta sẽ thấy mình có vài đặc điểm của kiểu này, vài đặc điểm của kiểu kia tùy thuộc vào hoàn cảnh của mình.


Người hướng nội trong các mối quan hệ xã hội

Người hướng nội ưa thích những nơi yên tĩnh, muốn ở một mình để có thể suy nghĩ về bản thân, về thế giới xung quanh, dành thời gian cho những gì họ thích, họ quan tâm. Họ có vẻ như trốn tránh khi phải gặp người lạ, một trăm lần mời đi chơi thì kiểu gì cũng phải chín mươi chín lần từ chối. Do đó bạn có thể nghĩ họ ghét giao tiếp với xã hội, có chút kì quặc, khó hiểu. Thật sự thì nếu bạn tìm hiểu nhiều hơn về người hướng nội bạn sẽ thấy họ sẽ những người bạn, người đồng nghiệp tuyệt vời, đáng mến.

Dù bạn hướng nội hay hướng ngoại thì sẽ cần có những người hướng ngoại có thể cùng bạn quậy hết mình, gặp gỡ và khám phá nhiều người bạn mới, nhiều điều lạ kỳ. Và bạn cũng cần một vài người bạn hướng nội sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu mọi tâm tình của bạn. Lắng nghe chính là một thế mạnh trời phú dành cho người hướng nội. Làm bạn với người hướng nội không hề khó. Đề tìm hiểu họ, hãy dùng các cuộc đối thoại 1-1 vì người hướng nội rất muốn tập trung quan tâm đến dòng suy nghĩ, cảm nhận và ý tưởng của đối phương. Họ sẽ luôn sẵn lòng nghe những lời chia sẻ của bạn, chỉ cần bạn thể hiện được sự chân thành, thiện chí và nếu như bạn bắt đúng mạch chủ đề yêu thích của họ thì cuộc trò chuyện sẽ cực kỳ thú vị, thậm chí kéo dài không dứt. Nhưng đôi khi bạn sẽ thấy họ mất tích một cách bất ngờ hay tự tách mình ra khỏi đám đông. Đừng thấy như vậy là kì lạ nhé mà hãy tôn trọng sự riêng tư của họ và họ sẽ quay trở lại sớm thôi.

Tuy vậy, người hướng nội lại dễ mắc những hiểu nhầm như thiếu lễ phép, thiếu thiện chí khi chào hỏi gặp gỡ vì sự im lặng, ít nói của mình. Ở phần này tác giả có một mục tên: Người hướng nội và ác mộng mang tên “lời chào hỏi”. Thật sự với tư cách là một người hướng nội mình nghĩ “lời chào hỏi” không phải là một cơn ác mộng khủng khiếp như tác giả viết. Trước đây mình cũng gặp chút khó khăn khi phải gặp người lạ nhưng nếu như nói người hướng nội không chào hỏi hay lẩn tránh ai. Việc mình gặp khó khăn ở đây là không biết sẽ nói gì tiếp theo sau lời chào hỏi đó vì mình không giỏi cách hỏi thăm chuyện người khác, mỗi lần cố gắng hỏi thì lại thấy thật nhạt nhẽo và gượng gạo. Mặc dù mình không thích cách viết của tác giả phần này lắm vì nó có cảm giác như người hướng nội thật là kì quặc nhưng mình lại rất đồng ý với quan điểm của tác giả là dù hướng nội là tính cách nhưng kĩ năng giao tiếp thì ai cũng cần phải học. Và thật sự mình đang từng ngày từng ngày cải thiện kĩ năng của mình trong cuộc sống.

Tác giả đã dành một phần riêng tên: Người hướng nội và cách cải thiện kỹ năng giao tiếp để đưa ra một vài lời khuyên dành cho những bạn hướng nội đang gặp khó khăn ở vấn đề này. Ngoài ra tác giả còn đề cập một số mục như: Người hướng nội bên trong lớp học, Người hướng nội và gu yêu thích âm nhạc, Người hướng nội và ngày sinh nhật của bản thân, Người hướng nội và niềm vui ngày Tết,…. nhưng mình không đánh giá cao lắm vì nó hơi lan man, dài dòng không đúng trọng tâm người đọc cần.



Tính hướng nội trong công việc

Trong một xã hội có vẻ như ưa chuộng người hướng nội hơn vì sự linh hoạt, sôi nổi, nhiệt tình của họ thì người hướng nội lắm lúc sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn. Nhưng người hướng nội có những điểm mạnh riêng trong công việc. Một người lãnh đạo hướng nội cũng thành công không kém gì người lãnh đạo hướng ngoại. Tác giả đã chỉ ra một số phẩm chất của người lãnh đạo hướng nội như:

- Khả năng lắng nghe: Họ quan sát, thu thập ý kiến khá tốt. Họ thích trò chuyện, trao đổi ý kiến riêng với nhân viên của mình nên dễ gây cảm tình và tạo được sự liên kết. Mặc dù họ không phải là mẫu người hay tổ chức những cuộc vui chơi, hoạt động tập thể để củng cố team-building nhưng họ sẽ là người sẵn sàng lắng nghe tâm tư, giải quyết vấn đề của cấp dưới .

- Sự tự do: Người hướng nội luôn cố gắng hòa hợp suy nghĩ của mình với những đồng nghiệp, trong khi người sếp bình thường sẽ cố gắng dẫn những suy nghĩ của cấp dưới theo suy nghĩ của họ.

- Sự chân thật: Giống như tình bạn bình thường, những người lãnh đạo hướng nội có thể không quảng giao rộng, có nhiều đối tác ở mọi lĩnh vực nhưng họ lại có những đối tác, những người bạn thật sự chân thành.

- Sự chính xác: Có thể trong suốt quá trình tạm thời tách biệt ra khỏi xã hội, người hướng nội thường phát triển kỹ năng suy nghĩ và phản biện bởi nó giúp họ xử lý mọi thông tin mà họ thu nhận được trong ngày một cách chính xác hơn.

Những công việc phù hợp với người hướng nội có một vài điểm chung như: đòi hỏi sự sáng tạo, tính độc lập trong công việc, những công việc đòi hỏi sự tính toán, chính xác cao,… Người hướng nội cũng không hẳn không phù hợp với những công việc đòi hỏi sự giao tiếp. Họ tuy có chút ít nói nhưng khi có sự chuẩn bị, cộng với khả năng thuyết phục, khả năng lắng nghe của mình thì những công việc như luật sư, sales,…vẫn có thể phù hợp.

Tình yêu của người hướng nội

Những cô gái, chàng trai người hướng nội thường giàu cảm xúc và họ có thể không thường thể hiện sự chủ động trong chuyện tình cảm. Họ đòi hỏi nhiều thời gian của bạn hơn để có thể thực sự hiểu họ. Nhưng khi bạn quan tâm đến suy nghĩ, tình cảm, tính cách của họ hơn thì bạn sẽ thấy họ không hề khó hiểu như bạn nghĩ. Họ là những người nhạy cảm, tinh tế và hết mực yêu thương người khác. Sự im lặng trong mối quan hệ với người hướng nội cần có một cách phù hợp, hãy để cho họ có không gian riêng và tạo được cảm giác an toàn đối với họ.



 Kết luận:

Mặc dù cuốn sách còn có nhiều điểm mình không hài lòng lắm như cách viết còn dài dòng, lan man, các giải pháp được thể hiện thành các bước khiến cho lời khuyên đưa ra hơi bị cứng nhắc. Một số đoạn tác giả viết lại khiến cho người đọc cảm thấy người hướng nội thật kì quặc và có vấn đề. Nhưng trên hết đây vẫn là một cuốn sách cung cấp một cách bao quát cho người đọc những khía cạnh khác nhau của người hướng nội. Một câu nói của tác giả mà cực kỳ tâm đắc:

Hướng nội hay hướng ngoại đều không quan trọng bằng hướng thiện.

Để rồi khi gấp cuốn sách lại, chúng ta sẽ nhận ra rằng: Thế giới của người hướng nội nếu như ta nhìn từ ngoài vào tưởng chừng như thật bí hiểm nhưng nếu bạn biết cách khám phá, giúp họ mở lòng thì đó thực sự là như một Wonderland muôn sắc màu.


Review chi tiết bởi Tuyết Ngân - Bookademy

Deal mua sách giá tốt hiện có: https://goo.gl/HdkfH1 hoặc  https://goo.gl/6AQwHf

-----------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3


Xem thêm

Khi đọc cuốn sách tại sao em ít nói thế đã khiến tôi ngộ ra nhiêu điều. Sau khi trải qua một mối tình chóng vánh như những gì đã xảy ra, tôi nhận ra nhiều điểm tốt ở bản thân, trân trọng bản thân hơn là những gì tôi học được trong cuốn sách này. Những tính cách của tôi, những hành động những suy nghĩ của tôi dường như khác với mọi người xung quanh. Tôi đã quá quen với câu hỏi của những người ở quê của tôi hay những người mới gặp tôi lần đầu. Họ hỏi rằng "tại sao không nói gì?", hay "tại sao hiền thế?", thậm chí khi tôi nói chuyện họ không quan tâm đến điều tôi đang nói. Nếu như khoảng 1-2 năm về trước tôi luôn bị stress bởi lời nói của người khác. Tôi cố thay đổi bản thân, khiến bản thân mệt mỏi. Việc gắng gượng nói chuyện, hòa đồng khi bản thân không muốn khiến tôi mệt mỏi. Tôi loay hoay tìm kiếm điều mình thích, và tôi đã tìm được nó. Giờ đây tôi tự hào về bản thân mình tôi không quan ngại tới lời nói của những người xung quanh, tôi cố gắng hoàn thiện bản thân tôi biết mình có nhiều khuyết điểm và đang cố gắng hoàn thiện chúng. Hãy dừng quan tâm đến việc người không biết bạn là ai nghĩa gì về bạn.

Đây là cuốn sách đã làm mình cảm thấy khá ấn tượng ngay lần đầu nhìn thấy bởi tên và bìa của cuốn sách. Nhưng gần đây mình mới quyết định đọc vì mình muốn có thể hiểu thêm được về một cô gái ít nói. Liệu cô ấy có phải thực sự là một người hướng nội hay chỉ là do tôi cảm thấy như vậy? Trong cuốn sách tác giả đã giúp ta phần nào hiểu rõ hơn về chân dung một người hướng nội là như nào, và đề cập đến nhiều khía cạnh của hướng nội. Đưa ra những lời khuyên giúp người hướng nội có thể giao tiếp tốt hơn và cách ứng xử khi có người thân là người hướng nội. Cuốn sách cũng cho mình biết thêm những điều mới lạ mà trước giờ chưa biết đến. Hướng nội hay hướng ngoại thì cũng đều không thể nhìn bên ngoài để đánh giá được. Hướng nội cũng có rất nhiều kiểu, không phải người hướng nội nào cũng ít nói, thích sự lặng lẽ, yên tĩnh, muốn ở riêng một mình .Có những người cũng là hướng nội nhưng sẽ rất năng động, hoạt ngôn, dễ dàng hòa mình vào đám đông. Tác giả còn đưa ra khá nhiều những trích dẫn, tài liệu, ví dụ xoay quanh về một người hướng nội nhưng đôi chỗ mình cảm thấy hơi lan man, chưa được vào trọng tâm. Còn điểm mình thích nhất ở cuốn sách này là đã giúp mình thỏa mãn được những câu hỏi: Cưa đổ một người hướng nội khó hay dễ, làm sao để có thể hiểu và yêu một cô gái hướng nội.

Thú thật là lúc ban đầu khi mua cuốn sách này tôi đã bị tên tựa của nó thu hút và đứa em của tôi còn tưởng đây là sách ngôn tình( hi hi). Sách gồm ba trăm hai mươi bảy trang, chia làm sáu phần, mỗi phần nói về từng khía cạnh riêng biệt liên quan đến người hướng nội trong các mối quan hệ xã hội, công việc, tình yêu, có cả phần tham khảo thêm nữa ... Phần mở đầu là lời của tác giả nói về chính bản thân mình, lý do tại sao anh ấy lại viết cuốn sách này, quá trình viết như thế nào, lời cảm ơn và lời nhắn nhủ của tác giả Huy Đức gửi đến các độc giả. Phần tiếp theo là phần xác định xem ta có phải là người hướng nội không bằng một bài trắc nghiệm nho nhỏ, sau đó là tiếp tục nói nhiều hơn về vấn đề này...Tiếp tục sang phần sau nói về những đặc tính của người hướng nội trong các mối quan hệ xung quanh...Rất nhiều nội dung được đề cập, hàng loạt thông tin được đưa vào nhằm mục đích giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về những người hướng nội. Thú thật là ban đầu tôi đọc khá nhanh vì tác giả viết khá đơn giản và hình thức trình bày khá hợp ý tôi nhưng càng về sau càng đề cập nhiều thứ hơn khiến tôi cảm thấy cực kỳ nặng đầu. Vì là sách tâm lý nên lối hành văn khô khan thì không nói nhưng thật may là tác giả là người Việt Nam nên văn phong dễ nuốt hơn tác giả nước ngoài chứ nếu không chắc tôi đã bỏ cuộc rồi. Cuốn sách này thực sự hữu ích.

Quyển này mình mua vì tựa đề khá ấn tượng và mấy lời giới thiệu nghe có vẻ hay ho của Sky Books. Bắt đầu đọc cũng thấy có vẻ thú vị, cũng hiểu hơn một tí về tính hướng nội và chấp nhận bản thân hơn. Nhưng càng đọc càng thấy chán và đọc được hơn một phần ba thì mình ngưng không đọc nữa, vì có một điểm mà mình không đồng tình với tác giả. Tác giả có câu (mình không nhớ rõ vì đọc cũng lâu rồi) đại ý là mọi người hãy thông cảm và hiểu cho người hướng nội vì bản tính họ. Bản thân mình cũng hướng nội, nhưng mình nghĩ thay vì ngồi đó và mong người khác thông cảm cho mình vì mình kém hòa đồng thì tại sao không tự thay đổi bản thân trước. Càng đọc bản thân mình càng cảm thấy quyển sách là tập hợp của những bài than vãn. Mỗi bài viết của các nhân vật kể câu chuyện của chình họ và mình tôn trọng điều đó nhưng mình có cảm giác như họ hơi có xu hướng tự kỉ hơn là hướng nội. Thực sự mình cũng không biết dùng từ "tự kỉ" đúng không nữa (mình xin lỗi nếu từ này làm bạn khó chịu), nhưng mình có cảm giác như tác giả đang cường điệu hóa sự cô đơn lên. Tóm lại mình thấy không thích quyển này lắm.

Đến với cuổn sách này, tôi hiểu hơn về con người mình - một Introvert. Từng bước giải đáp cho bạn những thắc mắc chưa khi nào được làm sáng tỏ về còn người bạn và vì sao bạn lại vậy. Nó nói cho bạn nghe vì sao bạn có những tính cách ấy, cho bạn những lý do và chỉ bạn cách khắc phục. Câu nói tôi yêu thích nhất khi đọc cuốn sách này là "Hướng nội là bản chất, còn giao tiếp là kỹ năng." Bản chất thì không thể thay đổi được nhưng kỹ năng thì có thể. Nó làm cho những ai còn đang vịn vào cái cớ vì tôi là Introvert nên tôi chẳng thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài kia như bao người khác phải suy nghĩ lại và tự hỏi mình rằng "mình có phải là người nhút nhát hay không?". Nó khai thông, mở lối cho bạn về những vấn đề mà lâu nay bạn vẫn hay mắc phải.Xuyên xuốt cuốn sách là sự giải thích khá tỉ mỉ và nêu ra cho bạn những cách giải quyết tốt.Tuy nhiên có điêu tôi không thích ở đây là nó lặp lại thông tin khá nhiều và còn hơi ít ví dụ.Tuy nhiên nếu bạn muốn được một lần mở ra cách cửa để hiểu mình hơn và hiểu người khác hơn thì đây là cuốn sách đáng để đọc. Nó không chỉ dành riêng cho Introvert mà dành cho mọi người, những ai có người yêu, người thân, bạn bè là Introvert.

Ngay từ khi nhìn vào tiêu đề cuốn sách, mình đã tự nhủ, nhất định nó sẽ rất thú vị bởi nó cũng bàn về một chủ đề thú vị không kém: hướng nội hay hướng ngoại và mình đã rất thích thú khi đọc nó. Dường như thế giới chia ra làm 3 nửa, hướng nội, hướng ngoại, nửa hướng nội và nửa hướng ngoại. Nhưng dù sao, đối với mình, những người hướng nội có điều gì đó rất thú vị và thu hút. Ở trong cuốn sách, tác giả đưa đến cho chúng ta những góc nhìn rất mới về người hướng nội, điều đó bao gồm các khía cạnh trong mối quan hệ xã hội, trong công việc và trong tình yêu. Ngoài ra, chúng ta còn có thể làm một bài trắc nghiệm để biết mình thuộc tuýp người nào. Trong cuốn sách, tác giả cũng đưa ra rất nhiều lời khuyên hữu ích, ở đó, có một câu mình vô cùng thích thú: " Hướng nội hay hướng ngoại đều không quan trọng bằng hướng thiện". Cho dù thế giới này có những kiểu người hướng nội hay hướng ngoại đi nữa, điều đó là không hề xấu mà trái lại rất tốt, bởi nó tạo ra một cuộc sống và xã hội đa dạng sắc màu hơn và thế giới của người hướng nội cũng là một điều rất thú vị đáng để ta chào đón họ mở lòng, chia sẻ và khám phá.

Tại sao em ít nói thế là một cuốn sách có nội dung chủ yếu nói về người hướng nội. Trong suốt thời gian chủ đề “hướng nội- hướng ngoại” được bàn luận rất nhiều, nhưng tất cả chỉ ở dừng ở “người hướng nội có tính sáng tạo” hoặc “người hướng nội có kỹ năng lắng nghe” và chưa có gì nổi bật thêm. Các câu chuyện chia sẻ có thật rất ít hoặc bị chìm đâu đó ở những comment. Cuốn sách này vừa sẽ là dạng sẻ chia xuất phát từ những tâm sự có thật của các bạn hướng nội : ngày sinh nhật, các bữa tiệc, các tiết học trong lớp…vv… nhưng đồng thời cũng sẽ là sự hướng dẫn để giúp cho các bạn hướng nội làm thế nào để có thể vượt qua sự trở ngại, ví dụ như giao tiếp hay kỹ năng làm việc chẳng hạn. Bạn đã nghe qua người hướng nội sáng tạo, người hướng nội có kỹ năng lắng nghe? Vậy thực sự chúng là những gì mà được nhắc nhiều đến vậy? Và thực sự có phải bạn hướng nội nào cũng giỏi lắng nghe? Thực chất, lắng nghe cũng là một dạng kỹ năng cần phải học. Có thể người hướng nội bẩm sinh biết, nhưng cũng cần phải trau dồi thêm, để từ đó kết hợp với khả năng quan sát của mình, phục vụ cho công việc, sự nghiệp và tình yêu của bản thân trở nên hài hòa hơn. Đó là lý do vì sao trong phần Tình yêu của cuốn sách, mình có biên soạn và tổng hợp dựa trên kiến thức tâm lý của vài nguồn đáng tinh cậy về phần tình cảm của người hướng nội với nhau sẽ thế nào và tình yêu hướng nội- hướng ngoại thực sự có phải là cặp đôi hoàn hảo hay không? “Tại sao em ít nói thế?” chính là cuốn sách dành cho những người muốn hiểu hơn về chính mình, dành cho những trái tim đa sầu đa cảm, những trái tim vốn cô đơn muốn được thấu hiểu và sẻ chia… Các đoạn trích hay: - Đừng nhầm lẫn giữa tính cách của tôi và thái độ của tôi. Tính cách của tôi nói lên con người của tôi còn thái độ của tôi thì tùy thuộc vào con người của bạn. - Có người nói ghét tôi, tôi liền bật cười. Tôi sống chẳng lẽ chỉ vì để lấy lòng mấy người sao? - Bạn tỏ ra rất vui vẻ. Bạn tỏ ra rất mạnh mẽ. Nhưng khi bạn đột nhiên im lặng, chẳng ai nhận ra là bạn đang buồn. - Có vài người xuất hiện trong cuộc đời bạn là để nói cho bạn biết, bạn thật dễ bị lừa. - Tôi có thể tự mình chống đỡ, tự lau nước mắt, nghe nhạc một mình, nói chuyện một mình, viết chữ một mình, tổn thương cũng chịu đựng một mình. Vậy nên cứ yên tâm, tôi sống rất tốt.

Chàng trai/cô gái hướng nội sẽ như thế nào? Cưa đổ một người hướng nội khó hay dễ?,…tất cả câu hỏi sẽ được tác giả trả lời chi tiết trong phần 5 của cuốn sách Tại sao em ít nói thế?. Chân dung một chàng trai hướng nội sẽ sao nhỉ ?. Điều đầu tiên chắc có nhiều bạn đoán được đó là anh ta vô cùng ít nói, bạn sẽ khó mà đoán được họ nghĩ gì về bạn, tình cảm của bạn có lay động họ hay không. Chàng trai hướng nội không giỏi thể hiện tình cảm trước các cô gái nhưng nếu bạn chúy ý thì tình cảm của họ sẽ được thể hiện qua những hành động rất ấm áp. Khi yêu một chàng trai hướng nội sẽ không có chuyện họ nặng lời với bạn đâu, bởi các chàng trai hướng nội chỉ biết im lặng lắng nghe rồi suy nghĩ thật kỹ và phản hồi mâu thuẫn một cách rất từ tốn. Cuộc sống hôn nhân hay trong tình yêu của chàng trai hướng nội đôi khi khiến bạn cảm thấy mình bị “bỏ rơi” vì họ luôn cần “khoảng thời gian cá nhân” để tận hưởng thế giới nội tâm của riêng mình, thay vì ra ngoài gặp gỡ mọi người cùng bạn anh ta sẽ dành thời gian đọc sách, nghe nhạc một mình,… Đôi lúc bạn khó chấp nhận tính khí kỳ quặc đó nhưng nếu bạn thật sự muốn duy trì tình cảm với một anh chàng hướng nội thì bạn nên cho anh ta thêm thời gian để cả hai cùng giải quyết các vấn đề, đôi khi cũng chính các chàng trai hướng nội đang âm thầm giải quyết các mâu thuẫn đó trong lúc bạn không để ý. Chân dung một cô gái hướng nội. Cô ấy là một người giàu cảm xúc, luôn nghỉ cho người khác mà đôi khi quên luôn cả lợi ích của bản thân. Cô gái hướng nội luôn lắng nghe và quan tâm chăm sóc người mình yêu rất chu đáo. Nhưng cô là người vô cùng nhạy cảm, bạn mà lơ là không quan tâm cô ấy thì cô ấy sẽ bắt đầu suy diễn lung tung và đôi khi ghen tuông một cách vô lý. Chính vì nhạy cảm và giàu cảm xúc nên nếu bị phản bội thì cô ấy rất đâu khổ. Có được người yêu như cô ấy phải nên trân trọng nhé ! Cưa đổ một người hướng nội khó hay dễ ?. Nếu bạn hiểu được đặc điểm tính cách và nhu cầu của họ thì bạn sẽ giảm bớt được độ khó của quá trình cưa đổ họ đấy. Họ sẽ yêu bằng mắt nên bất cứ cử chỉ quan tâm nào của bạn họ sẽ ghi nhớ rất lâu, bạn phải là người tinh tế luôn chú ý trong từng hành động mới có thể ghi điểm trong lòng họ. Hãy quan tâm họ một cách im lặng và cả sự chân thành, yên tâm họ biết hết đấy nhưng họ sẽ cho bạn biết khi họ thấy chân thành của bạn dành cho họ đã đủ và họ cảm thấy được an toàn khi bên cạnh bạn.

Những bài trắc nghiệm tham khảo sẽ giúp bạn biết mình thiên về tính cách nào. Tuy nhiên tác giả đã có những dẫn chứng cho rằng không ai có thể hướng nội 100% hay hướng ngoại 100% được. Bạn không thể cho rằng do mình có tính cách hướng nội vì vây mình rất kém về giao tiếp, đó là do tính cách không phải điểm yếu của mình. Bạn cần phải biết cách ứng biến lúc nào cần hướng ngoại lúc nên hướng nội. Tính cách hướng nội sẽ có 2 kiểu người : một là hướng nội điềm tĩnh, một là hướng nội nhút nhát. Hướng nội điềm tĩnh họ im lặng là do họ mất nhiều năng lượng trong giao tiếp chứ không phải thiếu tự tin về bản thân. Đôi khi họ vẫn thích các hoạt động giao tiếp xã hội như các cuộc trò chuyện 1-1 nhưng không thích cuộc trò chuyện nhóm quá nhiều người. Hướng nội điềm tĩnh có khả năng sáng tạo cao và có suy nghĩ một cách độc lập. Ngược lại, hướng nội nhút nhát im lặng là do họ luôn tự ti về bản thân. Họ không thích các cuộc trò chuyện 1-1 và đương nhiên các cuộc thảo luận nhóm cũng không ngoại lệ. Người hướng nội hoạt ngôn là những người nói nhiều nhất trong một số hoàn cảnh nhất định. Người hướng nội luôn có những suy nghĩ ý nghĩa nhưng họ chỉ luôn cất giữ cho riêng mình nhưng nếu chủ đề nói chuyện là một chủ đề thú vị với họ hoặc trong một hoàn cảnh bắt buộc họ phải nói thì có lẽ họ không khác gì một người hướng ngoại. Vượt qua trở ngại nhút nhát. Nhút nhát là một phần tính cách tiêu cực cần được nhìn nhận và thay đổi. Nếu tính nhút nhác được khắc phục thì sẽ thành 2 kiểu người : hướng nội hoặc hướng ngoại. Nếu nắm rõ được những kỹ năng cần thiết bạn sẽ có thể nâng cao khả năng giao tiếp của mình, khắc phục được tính tiêu cực của bản thân. Kiểu người hướng nội có 4 đặc điểm tính cách: hướng nội xã hội, hướng nội suy nghĩ, hướng nội lo lắng , hướng nội chậm rãi và có thể phân hóa thành rất nhiều kiểu tính cách khác nhau vì vậy sẽ không có những người hướng nội có tính cách hoàn toàn giống nhau được. Để có thể xác định cho mình thuộc kiểu hướng nội nào trong 4 đặc điểm cơ bản vừa nên tác giả sẽ có một bài trắc nghiệm tham khảo nhỏ để bạn có thể tự nhận biết mình là ai. Bạn sẽ thiên về kiểu hướng nội nào? Cách trả lời câu hỏi: “tại sao em ít nói thế?”. Nếu bạn là một người hướng nội nếu được hỏi câu hỏi như vậy thay vì im lặng để phòng thủ trước mọi người thì bạn hãy có gắng giao tiếp bằng cách trả lời một số câu ngắn gọn mà tác giả gợi ý cho bạn. Tác giả còn bày ra những phương pháp để bạn có thể cải thiện khả năng giao tiếp của mình. Ở phần “Hướng nội & tối giản” đọc giả sẽ được nghe câu chuyện của một bạn hướng nội chia sẻ về cách kiểm soát cảm xúc của bản thân và mọi thứ xung quanh bằng lối sống tối giản.

Tất cả mọi người, bạn bè, thầy cô, những người quen biết hoặc những người tôi mới gặp lần đầu đều hỏi tôi câu này. Có lẽ là họ đang muốn hỏi thăm liệu tôi có đang cảm thấy ổn không hoặc chí ít tìm ra một lý do lúc đó vì sao tôi lại đang “thu mình” như con ốc sên như thế. Đôi lúc câu hỏi này được lặp đi lặp lại nhiều lần đến nỗi tôi không biết nói gì hơn và chỉ muốn đứng dậy đi về. Thực sự khó có thể giải thích sự im lặng của tôi kéo dài như vậy. Đôi lúc tôi im lặng chỉ vì đang mải mê quan sát gì đó hoặc đang có dòng suy tưởng trong đầu cứ chạy hoài mà không chịu dừng lại. Đôi lúc tôi thích nhìn mọi người nói chuyện với nhau, cười đùa với nhau hơn là nói, vì e rằng nếu có nói ra sẽ là những thứ gì đó hơi tối nghĩa. Hoặc đơn giản, tôi im lặng chỉ vì tính cách sinh ra đã thế. Im lặng. Càng lớn lên và đọc nhiều tài liệu sách báo, tôi mới hiểu thêm rằng sự im lặng này cũng có liên quan đến hướng nội ( tôi không có ý cho rằng người hướng nội thì họ phải hay im lặng). Và kể từ khi biết rằng tôi hay im lặng, tôi là người thiên về hướng nội thì tôi mới hiểu vì sao khi còn nhỏ tôi lại có những cách cư xử có phần “lạ lùng” và nó khiến cho những người khác tại thời điểm đó muốn “uốn nắn” lại tính cách của tôi. Chỉ có điều họ không thể nào chỉnh sửa tính hướng nội của tôi khi ấy. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn ít nói, vẫn thích lặng lẽ quan sát mọi sự kiện diễn ra hàng ngày. Đó là khi nhìn thấy mọi người nói chuyện, cười đùa vui vẻ với nhau; đó là khi tôi nhìn thấy những bức ảnh của bạn bè chia sẻ cập nhật trên Facebook, Instagram, Zalo nhưng không like hay comment mà chỉ gửi tin nhắn cho họ nếu là dịp gì đó đặc biệt với họ; đó là khi tôi chỉ xem các comment chứ không comment hay thực hiện các tương tác như : Like, Love, Haha mặc dù khi đó tôi cũng có đang cảm xúc tương tự như vậy. Tôi ít nói khi tôi chăm chú lắng nghe nhưng tôi cũng nói rất nhiều, rất nhiều khi được “gãi đúng chỗ ngứa”, trái lại với tính hướng nội cố hữu của bản thân ít-nói đấy. Tại sao tôi lại viết cuốn sách này ? Từ khoảng vài năm trở lại đây, chủ đề hướng nội- hướng ngoại được bàn luận rất nhiều và sôi nổi trên những trang web, mạng xã hội nhất là Facebook. Ở đó tôi tìm thấy được “đồng minh” cũng ít nói và thấy vui khi cũng có người cư xử lạ lùng giống tôi. Nhiều bài viết rất hay như “Thế giới kỳ bí của người hướng nội” của bạn Trang PS Blog hay “Người hướng nội – Vũ khí bí mật của các công ty hiện đại” của Cafebiz hoặc bài viết “Là người hướng nội: Món quà hay lời nguyền?” của bạn Lập Chí bên kenh14 và cùng rất nhiều tiêu đề khác là những bài viết điển hình khắc họa rõ nét hơn về người hướng nội. Khi đọc xong tất cả, soi xét lại bản thân và cũng nhận ra rằng mình đang nằm trong số đó và thực lòng cũng rất vui vì đang phát huy ưu điểm ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng chưa phải là tất cả. Có nhiều bài viết về người hướng nội hay và ý nghĩa nhưng cũng có xuất hiện một số bài về người hướng nội mang hơi hướng tiêu cực và mang màu sắc khá ảm đạm dù cho phân tích rất đúng. Nhưng thực tế nói lên rằng rất nhiều người ngoài kia, bao gồm cả người hướng nội, tự mặc định những tính chất “loser” như thế dành cho mình bao gồm các câu hỏi như : Nào là “không phải là người biết “cư xử khéo léo”, “biết ‘gần gũi’ cấp trên”, “quá ít nói và không biết bày tỏ sự thân thiện”, hay thậm chí “tin rằng tình yêu nhẫn nại và bao dung của mình có thể cảm hóa được người kia”… >”Tại sao mình cống hiến như vậy, mà cuối cùng họ lại âm thầm chơi xấu sau lưng?” >”Tại sao mình đã cho đi chân thành, để rồi cái nhận lại là phản bội?” >”Tại sao mình không thể sống “khéo” hơn, trong khi dường như mọi người đều có thể?” >Bất kỳ ai có những suy nghĩ như vậy về người hướng nội, xin hãy tỉnh lại giùm! ( Trích từ “Introvert không phải là loser – Lien Anh Nguyen , một beauty blogger ) Tôi đã từng được đọc cuốn Hướng Nội- Sức mạnh của yên lặng trong thế giới không ngừng, bản gốc là Quiet của Susan Cain được hai dịch giả là chị Uông Xuân Vy và chị Nguyễn Hoàng Phước Diễm thực hiện. Cuốn sách đó phải nói là rất hay và miêu tả đầy đủ và chính xác về chân dung người hướng nội trong thế giới chuộng hướng ngoại như thế nào. Những gì được viết trong đó phần nào đã khiến tôi cảm thấy thỏa mãn hơn và hiểu hơn về con người mình rất nhiều. Chỉ là tôi lại có tính đòi hỏi hơn chút, dù đã tham khảo, đọc nhiều nhiều sách báo và tài liệu nhưng bản thân tôi lại muốn được nhìn người hướng nội trong đời thường như thế nào, tôi muốn được nghe các chia sẻ thật sự của những bạn hướng nội trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Tôi vẫn rất muốn mong chờ có một tác giả nào đó có thể viết ra cuốn sách ấy để tôi, những người hướng nội có thể đọc nhưng rồi vẫn chưa thấy ai. Thêm vào đó, cách đây không lâu khi được đọc bài viết “Dân Hướng Nội à, làm ơn ngừng gõ phím đi được không” của tác giả Đoản Tăng trên Spiderum. Ban đầu thì tôi hơi nóng mặt, nhưng cố gắng đọc kỹ rồi mới thấy rằng, dù cho bài viết đó còn nhiều yếu tố chưa được khách quan, nhưng tôi cũng hiểu rằng người hướng nội không nên chìm đắm vào cảm xúc quá nhiều, không nên gây sự chú ý của mình chỉ vì mình là hướng nội. Có lần dạo lang thang trên FB, vài người trong số họ là introvert, nhưng status của họ lại so-deep quá. Lướt từ trên xuống, toàn ảnh và caption có phần hư ảo mang tính chất chìm đắm cảm xúc quá nhiều, không thực tế. Tôi không dám phán xét, vì đấy là cách sử dụng mạng xã hội của riêng họ. Lâu lâu thì không sao, chứ ngày nào cũng deep quá mức thì bấm unfollow vì tôi không muốn bị ảnh hưởng thứ cảm xúc kia. Và tôi luôn cho rằng chính sự muốn được chú ý của họ lại gây ra sự ác cảm không nhỏ đến người hướng nội. Từ đó tôi quyết tâm viết sao cho khách quan nhất, thực tế nhất có thể. Tất nhiên những gì viết trong cuốn sách này có thể chưa được đầy đủ lắm và còn nhiều thiếu sót. Dù đã tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau và cố gắng khách quan nhất nhưng không thể nào tránh khỏi những ý kiến cá nhân còn tồn tại bên trong. Nếu như các bạn đọc thấy được sự đồng cảm thì tôi cùng chia vui, còn nếu các bạn đọc xong mà thấy “Sách này viết sai về người hướng nội” hết cả rồi thì tôi rất lấy làm tiếc và chúng ta cùng hi vọng chờ một tác giả khác có thể viết về chủ đề này sao cho khách quan hơn. Vì vậy tôi viết cuốn sách này với dạng chỉ để chia sẻ góc nhìn của tôi và tâm sự có thật của những bạn hướng nội khác. Những phần mục trong cuốn sách đều là dạng chia sẻ và có những cách thức làm sao đó để vượt qua vài trở ngại trong đời sống. Các bạn tự đọc, tự nghiệm và rút ra bài học cho chính mình, tất nhiên là không phải bạn đọc hết sách là sẽ hết ngay đâu mà còn phải thực tế bên ngoài nữa.