“Ta ba lô trên đất Á” là những lời chia sẻ chân thành của một con người dám thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân, dấn thân vào những con đường và hiện đã tạo dựng cho mình những thành công nhất định: chị Rosie Nguyễn. Chắc ít nhiều trong chúng ta ai cũng từng biết đến cái tên Rosie với “ Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”, một cuốn sách rất nổi tiếng trong giới trẻ hiện nay. Và nếu “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” là những trăn trở về muôn mặt của lứa tuổi đôi mươi cùng những lời khuyên vô cùng đáng giá thì “Ta ba lô trên đất Á” lại là một cuốn sách ý nghĩa về những cuộc hành trình.
“Chào bạn, bạn đang cầm trên tay cuốn sách hướng dẫn về du lịch bụi đầu tiên của Việt Nam. Có thể bạn là một người trẻ, khao khát mơ về chuyến đi đầu tiên của mình nhưng không biết cách nào để bắt đầu? Hoặc bạn là một người đã đi nhiều nơi, nhưng chỉ đi theo tour và đang tìm hiểu về du lịch bụi? Hay bạn là một phượt tử đã đi được kha khá nơi, nhưng vãn muốn biết xem quyển sách này có gì hay ho mới mẻ? Nếu vậy, thì đây là cuốn sách dành cho bạn.”
(Lời mở đầu)
Và cứ như thế, sau khi đọc xong phần mở đầu của “Ta ba lô trên đất Á”, tôi đã nghĩ ngay rằng, đây chính là cuốn sách dành cho mình, dành cho những đôi chân thích bay nhảy.
Phượt không chỉ là rong ruổi.
Hãy tưởng tượng vào một ngày nọ, khi cuộc sống bí bách quanh những bức tường làm bạn mệt mỏi và gần như kiệt sức. Tại sao ta không dành cho bản thân một khoảng nghỉ, để nạp thêm năng lượng và hiểu thêm về bản thân mình? Có lẽ không phải ai cũng thích phượt, bởi điều này có nghĩa là bạn phải lo liệu tất cả mọi thứ, từ chỗ ăn, nơi ở, và tất nhiên còn có những sự cố ngoài mong đợi nữa. Tại sao ta cần phải làm điều đó? Cực thân! Chỉ cần đặt một tour du lịch và mọi thứ đã sẵn sàng cho bạn, những khách sạn với quang cảnh đẹp, thức ăn ngon, được phục vụ từ A đến Z. Tất nhiên, đó là quan điểm của mỗi người, nhưng, lời khuyên được dành cho bạn là : Hãy thử đi. Vì phượt không chỉ là đi chơi, là thăm thú thiên nhiên và tận hưởng, đó còn là những lớp học đặc biệt mà ở đó, ta nhận ra được nhiều bài học quý giá mà trong cuộc sống bận rộn đã vô tình lướt qua:
“Đi là một cách học. Khi đi, ta nhìn những vùng đất mới với ánh mắt rộng mở, đầy háo hức quan sát của kẻ phiêu lưu, nên ta luôn học được nhiều.”
“Du lịch bụi là để rèn giũa những kỹ năng của mình. Ta rèn được cách tìm kiếm thông tin, cách tổ chức và lên kế hoạch, cách giao tiếp với người khác, cách sống tự lập và bảo vệ bản thân. Những bài học trên đường lữ hành là vô giá, những người ta gặp, những chuyện ta nghe, những điều mà cuộc sống dạy ta còn sinh động hơn bất kì sách vở nào.
Đi là một cách để vượt qua sức ỳ bản thân. Vì rằng thân thể và bộ óc của chúng ta đều là những cơ bắp, chúng sẽ không phát triển nếu ta không sử dụng. Nên mỗi chuyến đi là cơ hội để tận dụng mọi khả năng của mình, phát hiện thêm sự kì diệu của năng lực con người. Khi đi, ta hiểu rõ thêm về mình và tiến xa hơn trên hành trình tinh thần.”
(Cảm hứng lên đường)
Không chỉ dừng lại ở đó, cuốn sách còn đem lại cho bạn một cái nhìn khách quan và toàn diện về du lịch bụi, về những khó khăn và những ý kiến trái chiều về nó. Rosie Nguyễn mượn lời của những con người trong nghề để cho ta thấy những sự thật mà phượt tử phải đối mặt:
“Liz Carsol (htpp://youngadventuress.com), một traveler khác, kể rằng khi trở về sau chuyến du hành vài năm, cô thấy nhiều người vốn là bạn thân bỗng quay lưng lại với cô. Cô bảo: “Lựa chọn một cuộc sống lữ hành có thể khiến bạn bị xa lánh.” Không chỉ có thế, người lữ hành thường xuyên phải đối diện với những khó khăn trên đường, những cô đơn thất vọng khi kiệt sức, và phải làm việc cật lực để có thể đi tiếp.”
(Cảm hứng lên đường)
Tác giả còn giúp độc giả trả lời những câu hỏi rất thực tế, về du học và du lịch, về đời sống của những lữ hành và cách lí giải rất dí dỏm cho câu hỏi:” What the phượt” ?!
Trước giờ phượt: Những hành trang thiết thực.
Là một cuốn sách dành cho những cuộc hành trình, tất nhiên, “Ta ba lô trên đất Á” trước hết phải là một cuốn cẩm nang hữu ích cho những con người đã, đang và sẽ trở thành một lữ hành. Mặc dù chủ yếu chia sẻ những kinh nghiệm của tác giả Rosie Nguyễn trên những con đường châu Á như: Mianma, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Hong Kong… Nhưng bên cạnh đó, dân lữ hành cũng có thể tìm thấy cho mình những kiến thức bỏ túi cơ bản về chuyện tiền bạc ( vấn đề nhạy cảm muôn thuở), cách săn vé máy bay, tìm nơi ở, cách tự bảo vệ và chăm sóc bản thân, các vật dụng tất yếu nhất,…
“Một lần, khi được tôi giúp chuẩn bị cho chuyến đi du lịch bụi đầu đời, em tôi đã hỏi một câu làm tôi muốn bật ngửa: “Ủa đi Thái Lan đâu có cần passport đâu hen. Mà passport là gì vậy chị?” Nếu bạn cũng chưa rõ như em tôi lúc đó, thì hộ chiếu (hay passport trong tiếng Anh) là tấm giấy thông hành cho mỗi người khi vượt qua biên giới quốc gia, xác nhận nhân dạng, quốc tịch của họ. Đây là giấy tờ không thể thiếu để ra khỏi biên giới Việt Nam, nên cũng là điều đầu tiên mà mỗi người đi du lịch nước ngoài cần phải có.”
(Những hướng dẫn cơ bản)
Đó là những lời hướng dẫn hết sức cặn kẽ và tận tình mà qua cuốn sách “Ta ba lô trên đất Á”, tác giả Rosie muốn gửi đến người đọc của mình. Bên cạnh đó, để giúp mọi người có những giây phút rong ruổi tuyệt vời nhất, Rosie Nguyễn còn gợi ý cho mọi người trong việc tìm hiểu về văn hóa, đất nước và con người ở quốc gia bạn muốn đặt chân đến, tránh việc sốc văn hóa hoặc có những hiểu lầm, mâu thuẫn không đáng có. Dưới mỗi một lời khuyên, một kinh nghiệm mà tác giả chia sẻ lại luôn có những cái tên gợi ý, giúp bạn đọc thuận tiện hơn trong việc tìm kiếm và tiết kiệm thời gian của bản thân:
“...Các sách hướng dẫn du lịch như Lonely Planet, Rough Guides, Fodor’s, Insight Guides...Đặc điểm của các sách dạng cẩm nang như vậy là đưa ra thông tin cực kì đầy đủ và chi tiết về mỗi địa danh, từ lịch sử, địa lí, khí hậu, hệ sinh thái, văn hóa, dân số, giáo dục… cho đến những điều cần lưu ý như khi đi du lịch tại nơi đó, cùng những gợi ý và nhận xét về khách sạn, nhà hàng ở từng địa điểm.”
(Những hướng dẫn cơ bản)
Bằng những ý kiến mang tính chủ quan, Rosie đã chia sẻ thẳng thắn những quan điểm của mình, chỉ ra những điều lợi cũng như bất lợi trong từng gợi ý mà mình đã đề cập. Chính điều này đã khiến độc giả yêu quý “Ta ba lô trên đất Á” hơn, bởi nó cho họ một cái nhìn rất chân thực, giúp họ có những lựa chọn hợp lí hơn.
Đông Nam Á : Thân quen và xa lạ
Làm một cuộc hành trình trải dài qua các nước Đông Nam Á, Rosie Nguyễn gắn cho từng quốc gia những tính từ khác nhau theo cái nhìn và sự cảm nhận của mình: Đó là Campuchia- Chân chất với nụ cười hiền của người dân cùng điệu múa Apsara nổi tiếng, là Myanmar-Hoang sơ với những mảnh rừng nhiệt đới cùng với hệ động, thực vật phong phú, là Philippines- Nhiệt thành với câu nói cửa miệng “Live for the moment” và những ngọn núi lửa nổi tiếng,… Ở mỗi một quốc gia, mỗi một chặng đường, “Ta ba lô trên đất Á” cung cấp cho ta những thông tin chung về lịch sử, địa lí, kinh tế, văn hóa và con người, tạo điều kiện cho người đọc bổ sung kiến thức, tạo cầu nối để thấu hiểu và dễ dàng hòa nhập, chung sống với những con người trong môi trường mới.
Tôi ấn tượng với một Campuchia với truyền thuyết về sự ra dời của đất nước hay và độc đáo không kém với “Con rồng cháu Tiên” mà dân ta luôn tự hào. Một Campuchia với một lịch sử cũng không ít thăng trầm, cùng Angkor Wat và Angkor Thom trải qua bao cuộc chiến tranh mà đến bây giờ những vết thương vẫn còn in dấu. Biết rằng nước láng giềng của ta cũng là một quốc gia thuần nông đang dần cải cách và phát triển, họ cũng có những cánh rừng xanh tươi đang kêu gào vì nạn buôn bán gỗ, những con người chân chất hiền lành với những lễ hội Bom Om Thook, Tết Âm lịch người Khmer tưng bừng náo nhiệt.
“Hầu hết người dân ở xứ sở chùa tháp đều cực kì thân thiện và hiếu khách. Cái vẻ thật thà, chân chất của họ là vẻ chân chất của những người nông dân nghèo nàn lam lũ vừa rời mảnh ruộng cái cày ra thành phố lập nghiệp. Con người Campuchia thoáng một vẻ e lệ dịu dàng và lặng lẽ của những người đã từng kinh qua thăng trầm. Ngay cả ở những địa điểm rất thương mại, du khách cũng ít bị chém đẹp vì phần lớn người dân thật thà có bao nhiêu nói bấy nhiêu…”
(Campuchia- Chân chất)
Hay xa hơn một tí nữa, đến những mảnh đất hiện đại hơn: Singapore với những con đường không một hạt bụi, với tượng Merlion và những con người tài năng, thành đạt.
Bạn sẽ đắm mình trong “đất nước của những nụ cười” Thái Lan vui với những buổi chợ cuối tuần náo nhiệt, khám phá Nam Thái với vô số các bãi biển đẹp thuộc hàng top thế giới như Ko Pha Ngan, Ko Samui, Krabi hay đến Bắc Thái để hòa mình vào lịch sử với những cố đô cũ.
Hoặc bạn muốn tìm đến một địa điểm khác, nơi có thiên nhiên tuyệt đẹp với một không khí lành mạnh, an nhiên thì hãy tìm đến với Indonesia. Có thể là đảo Bali với “Seminyak thanh bình để nghỉ ngơi và tắm nắng, Ubub- trung tâm văn hóa nghệ thuật của đảo với các làng nghề điêu khắc và những vũ điệu mê hoặc, vùng Munduk với thác nước xinh đẹp nơi người ta trồng cà phê và các loại hoa…”, hay Sulawesi với “ruộng bậc thang xanh ngắt bao quanh vùng Tanah Toraja, các trận đấu bò trong dịp lễ người chết, và ngôi làng của những thổ dân Toraja với những mái dài vươn thẳng lên cao ấn tượng”… Indonesia đang mời chào bạn bằng sự thân thiện, nhiệt tình và “loại nhạc dị kỳ của các vì tinh tú” Gamelan. Càng đi, càng trải nghiệm ta càng thấy yêu hơn, thấm thía hơn cái niềm vui của một con người sinh ra là để gắn bó với những chuyến đi.
“Khuya muộn, du khách dập dìu ra về trong ánh trăng mờ ảo. Tôi hít thở một hơi thật sâu cái không gian đầy chất thơ. Trở về căn nhà nhỏ giữa khu vườn xanh tươi, giờ đã phủ đầy ánh trăng bàng bạc. Bắc chiếc ghế ra ngồi ngoài thềm, tôi cùng người bạn đường ngắm đêm trôi qua trên một cánh đồng lúa yên tĩnh. Và thế đó, ngày của tôi kết thúc. Một ngày có hai mươi bốn tiếng đồng hồ như bao ngày khác trong cuộc đời. Nhưng nó như vô tận, vì đó là một trong những ngày tuyệt vời nhất trong đời. Cho đến sau này, những khoảnh khắc của cái ngày tuyệt diệu đó vẫn không ngừng trở lại, bao trùm lấy tôi, ôm ấp tôi, đem lại hạnh phúc cho tôi, giúp tôi bước qua một ngày buồn chán nào đó trong đời.”
(Indonesia- Hiền hòa)
Bên cạnh việc cung cấp những thông tin bao quát về các điểm đến, đằng sau một quốc gia mà “Ta ba lô trên đất Á” đề cập, luôn có phần “Thông tin du lịch”, nơi đề cập cho bạn một lịch trình, những địa điểm nên tới, khoảng thời gian thích hợp để khởi hành và các loại phương tiện cụ thể. Tất nhiên tất cả chỉ là những thông tin cho bạn tham khảo, rút ngắn thời gian soạn thảo một kế hoạch cho riêng bản thân mình. “Ta ba lô trên đất Á” là một cuốn sách giúp con người dũng cảm bước đi trên đôi chân của mình, nên việc chính bạn vạch ra cho chính mình một lộ trình riêng, là điều tuyệt vời nhất!
Xa hơn Đông Nam Á
Đây chỉ là một phần nhỏ được gói gọn ở những trang cuối của cuốn sách, nhưng như thế không đồng nghĩa với việc nó kém phần đặc sắc. Hong Kong và Nhật Bản là hai đất nước được tác giả nói đến trong phần này. Qua những nét bút của Rosie Nguyễn, Hong Kong không chỉ hiện lên với vẻ phồn hoa, xinh đẹp với những ánh đèn lộng lẫy, những ga tàu tấp nập người mà đó còn là “những chung cư cũ nát với những căn hộ san sát bé như tổ chim cúc cu, những con hẻm vắng đọng rác mờ tối trong đêm khuya vẳng bước chân người đi làm về muộn”,”những tòa nhà trọc trời sáng rực phản chiếu trong ánh mắt mờ đục của người vô gia cư, vừa ngước lên nhìn khách qua đường vừa phủ chiếc chăn rách che đôi chân lạnh cóng trong tiết trời sương giá”. Nét tương phản của con người trong xã hội đã được tác giả khắc họa một cách ngắn gọn nhưng rất đậm nét, để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc.
Cạnh một Hong Kong phồn hoa là một Nhật Bản khiến tác giả ngại ngùng vì sự “hai lúa” của mình. Tập yoga dưới những tán anh đào nức tiếng trong lòng bao kẻ lữ hành và câu chuyện hiểu lầm về lớp yoga miễn phí, cầu nguyện ở đền Meji và ngượng chín người vì không để ý kê luôn miệng vào gáo nước trong khi trên bảng hướng dẫn có ghi dòng chữ rất to: “Hãy đổ nước vào lòng bàn tay rồi lấy nước đó để xúc miệng. Xin vui lòng không uống nước trực tiếp từ gáo”. Từ những rắc rối nhỏ khiến bản thân khó xử trong khi ở Nhật, Rosie đã chia sẻ:
“Đi ra khỏi vùng sống quen thuộc của mình, nhất lại là tiếp xúc với những nền văn hóa lạ, không khỏi có những tình huống trắc trở, làm mình ngượng ngùng, xấu hổ. Nhưng có đi mới biết rằng những thói quen, cách ứng xử của mình còn mang phong cách lúa nước, có đi mới biết người ta khác mình ra sao và những khác biệt về văn hóa giữa các dân tộc ra sao. Nhưng không vì những khó khăn trên đường đi, những tình huống dở cười dở mếu ấy ngăn tôi đi tiếp. Càng đi càng biết mình cần học nhiều, biết Trái Đất tươi đẹp bao nhiêu, biết rằng thế gian này là một phép màu mà mình may mắn được tận hưởng.”
(Hai lúa đến Nhật Bản)
Có như thế mới thấy được người lữ hành mạnh mẽ như thế nào, ham học hỏi và mang trong mình những mục tiêu, hoài bão ra sao.
Câu chuyện của những chuyến đi
“Ta ba lô trên đất Á” còn khiến tôi yêu mến vì những mẩu chuyện trên đường đi mà tác giả Rosie Nguyễn chia sẻ sau mỗi một đất nước mà chị giới thiệu. Đó là lần bị “chém” khi gọi gọi xe ( Campuchia- Hoa nụ cười nở trên vùng đất chết) hay thưởng thức món súp tom yum và gỏi đu đủ xanh som tam ngon chết người (Pattaya- Tóc dài buông nắng), phút ngẩn ngơ khi nhìn thấy cánh đại bàng giang rộng trên nền trời xanh (Cánh đại bàng trên biển Penang), tận hưởng thiên nhiên tuyệt đẹp trong không gian thanh bình trên đảo Bali (Một ngày trên thiên đường)… Những trải nghiệm, những khoảnh khắc vô giá đó gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi, cho mọi độc giả, và nó thôi thúc mọi người phải lên đường và trải nghiệm.
“Mãi mãi về sau có lẽ tôi sẽ không quên được cái khoảnh khắc ấy. Khoảnh khắc vui tươi của một đêm hè mát mẻ, bên người bạn thân và bên Bintang. Khoảnh khắc mà mọi khán giả từ năm châu thoáng chốc đã trở thành bạn bè, cùng bá vai hát vang: “No woman, no cry. No woman, no cry”. Khoảnh khắc khi tôi thấy mình như muốn vươn cánh vaf nhẹ nhàng lướt trong không trung. Một đêm hè của tuổi trẻ căng đầy nhựa sống, của những hy vọng vui tươi về tương lai, của những cung đường mới lạ đang mở ra trước mắt.”
(Một ngày trên thiên đường)
Lời kết
Nếu bạn tìm một cuốn sách nói về du lịch, “Ta ba lô trên đất Á” chính là sự lựa chọn hoàn hảo. Nếu bạn muốn tìm hiểu về một đất nước trong khu vực Đông Nam Á, “Ta ba lô trên đất Á” cũng là một sự lựa chọn hữu ích dành cho bạn. Tôi xin mượn lời của Đinh Hằng, một travel blogger nổi tiếng, tác giả cuốn “Quá trẻ để chết- Hành trình nước Mỹ”, người tôi rất hâm mộ để kết thúc bài viết của mình:
“...tất cả những gì bạn cần để lên đường, là ba lô trên lưng, nhiệt huyết trong tim và cuốn sách “Ta ba lô trên đất Á” của Rosie Nguyễn.”
Tác giả: Đậu - Bookademy
-----
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Đây là một cuốn sách trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết cho một đôi chân lần đầu dám đi ra thế giới.
Tôi có thể khẳng định như vậy vì cuốn sách hầu như đề cập đến các vấn đề mà một dân du lịch bụi cần biết. Những kiến thức này chẳng khô khan, giáo điều hay xa rời thực tế. Tất cả các thông tin và câu chuyện ở đây đều dựa trên nhiều năm lữ hành của chị Rosie Nguyễn, điều này sẽ giúp bạn giảm thiểu những rủi ro và tận hưởng hết mình niềm vui du lịch bụi.
"Theo chiều dài lịch sử loài người, văn minh thuộc về kẻ chinh phục".
Thế nên trong toàn bộ cuốn sách, tinh thần chủ động, xông pha được tác giả thể hiện rõ ràng trong từng câu chữ. Từ hướng dẫn ban đầu cho việc lập kế hoạch , tìm hiểu thông tin, cho đến việc ăn mặc khi nhập cảnh , passport, visa đều được viết rõ ràng chi tiết.Tuyệt vời hơn là tác giả còn ghi rõ các đường link để tìm chỗ ở như Couchsurfing, agoda.com, booking.com, hostelworld.com và còn giới thiệu thêm nhiều trang web hữu ích khác để cho việc du lịch và trải nghiệm cuộc sống bản địa của bạn được thuận tiện nhất.
Phần II của cuốn sách viết về các nước Đông Nam Á cung cấp nhiều thông tin về lịch sử , địa lí, kinh tế, dân số, con người, các địa điểm du lịch nổi tiếng, kèm theo sau đó là những trải nghiệm thực tế của tác giả.
Đối với một đôi chân muốn đi thì cuốn sách này như một người bạn đồng hành cũng là nguồn động lực to lớn giúp bạn mạnh dạn và tự tin hơn trên con đường "phượt khắp thế gian" của mình.