Trước khi đọc bài viết này của tôi, hãy bạn hãy trả lời câu hỏi phía tiêu đề trước đã nhé.
Sao rồi? Bạn có thể trả lời được không? Nếu có thì xin chúc mừng vì bạn đã biết rõ mục tiêu và định hướng của mình. Còn nếu câu trả lời là không hoặc vẫn còn mơ hồ, tôi khuyến khích bạn nên đọc Sống Như Ngày Mai Sẽ Chết của tác giả Phi Tuyết để có thêm động lực tìm kiếm trọng tâm cuộc sống bạn muốn hướng tới. Theo tôi cuốn sách này phù hợp với mọi thành phần trong giới trẻ Việt Nam: từ sinh viên đang đi học đại học, đến người đã đi làm nhưng vẫn đang đặt dấu hỏi to tướng cho cuộc đời mình, rằng “vì sao mình lại đến Trái Đất?” Đặc biệt, những người đã chai lì với các câu khuyên răn tuổi trẻ nên làm cái nọ cái kia nhưng vẫn chưa chịu đứng dậy tạo sự thay đổi cho bản thân thì càng nên đọc những lời Phi Tuyết viết trong cuốn sách này.
Như thường lệ, hãy tìm hiểu về tác giả trước. Phi Tuyết là “một cô gái có những tư tưởng nổi loạn” sinh năm 1990. Cô tự nhận mình là “một Song Tử điển hình với những tính cách tương phản nhau chan chat ngay trong cùng một bản thể” và “Một người đang cố gắng để sống được thật nhiều cuộc đời chỉ trong kiếp này.”
Sống Như Ngày Mai Sẽ Chết được xuất bản tháng Sáu năm 2017 và đã được tái bản lần hai với số lượng 5000 bản.
Những điều tôi học được
Sống Như Ngày Mai Sẽ Chết được mô tả là một cuốn cẩm nang “triết học đường phố dành cho tuổi trẻ”. Hiểu một cách đơn giản, qua cuốn sách này, tác giả Phi Tuyết đã đưa ra những lời khuyên (theo tôi là) hữu ích và đáng suy ngẫm cho bất cứ ai đang ở trong giai đoạn đẹp nhất và đủ đầy nhất đời người.
Hãy tưởng tượng đây là một cuốn sách hướng dẫn làm vườn, bạn chính là người nông dân, bạn đang thiết kế và gieo hạt cho khu vườn của bạn, khu vườn cuộc đời của bạn. Bạn là người phải bỏ sức lao động và cũng chính bạn là người hưởng mọi thành quả từ khu vườn ấy, không ai khác cả.
Vậy bạn muốn thu gặt được gì từ cuộc đời mình?
Cuốn sách này được chia thành bốn chương lớn, tương ứng với bốn bước trong quá trình trồng cây và tạo nên mảnh vườn của riêng mình: Làm đất, Chọn hạt giống – gieo hạt, Chờ đợi và Gặt thành quả.
Ở giai đoạn Làm Đất, hãy chắc chắn rằng bạn hiểu thấu ba điều tiên quyết để có một mảnh vườn xinh đẹp và đáng tự hào.
Đầu tiên, cuộc đời của bạn là một bộ phim. Hẳn có không ít lần bạn xem phim và ước gì mình cũng giống một (vài) nhân vật trong đó nhỉ? Và hãy để ý xem bạn có “vô tình” nhìn vào thần tượng, những người thành đạt và hạnh phúc xung quanh mình rồi ước được giống như họ không? Những cuộc đời đó không phải của bạn, bạn nhìn chúng với con mắt của kẻ ngoài cuộc. Như vậy có nghĩa là bạn đang xem phim của người khác. Nhưng khác với việc xem phim theo đúng nghĩa đen, không phải lúc nào bạn cũng biết rõ được quá khứ hay những khó khăn họ gặp phải. Hầu như bạn chỉ nhìn thấy vẻ ngoài hào nhoáng và thành đạt của họ. Hầu như bạn quên mất rằng họ cũng là con người và có thể họ đã gặp phải những khó khăn y như bạn. Vì thế mà bạn cứ ước được giống họ mà không nhận ra chính cuộc đời mình cũng là một bộ phim – nơi bạn là nhân vật chính và mọi thứ xảy ra đều xoay quanh bạn. Bạn không nhận ra mình cũng có thể trở nên tốt đẹp, thành đạt và hào nhoáng y như những người bạn ngưỡng mộ (hoặc theo dõi).
Mỗi người đều là nhân vật chính trong cuộc đời của chính họ, nhưng là nhân vật phụ (hay thậm chí chỉ đảm nhận vai quần chúng) trong cuộc đời người khác. Vậy bạn muốn làm diễn viên chính hay chân lon ton?
Điều may mắn là cuộc đời chúng ta không khác gì những bộ phim truyền hình Ấn Độ và Đài Loan dài tập. Ý tôi là những bộ có nhiều phần và mỗi phần hơn 100 tập ấy. Dù bạn có chán ngấy chúng thì cũng phải đồng ý rằng như vậy mới khiến bạn có cơ hội thay đổi bản thân. Giả dụ giờ bạn đang hai mươi tuổi và bạn sẽ sống đến năm sáu mươi nhé. Nhưng trong hai mươi năm đầu đời bạn đã sống trong phí hoài và nhàm chán thì bạn vẫn còn thời gian biến đời mình trở nên có ích. Nếu bạn hành động ngay hôm nay thì bốn mươi năm còn lại sẽ là khoảng thời gian bạn gặt được thành tựu và tận hưởng chúng.
Bạn sinh ra không chỉ để xem cuộc sống của người khác hay sống cho người khác xem. Bạn được sinh ra để tự viết câu chuyện của mình, tự mình hoàn thành các vai trò trong câu chuyện đó và sau cùng là thưởng thức chúng với tất cả tấm lòng.
Thứ hai, hãy bỏ ngay ý nghĩ toán học chẳng giúp được gì cho đời sống của bạn. Nếu không có toán học, bạn sẽ khó mà hiểu được những phân số cuộc đời được đề cập trong cuốn sách này. Nếu không hiểu được chúng, làm sao bạn nhận ra quy luật và sống tốt hơn được? Những phân số này bao gồm:
- 1/10 – Ta chỉ đang sử dụng 1/10 tiềm năng não bộ của mình.
- 1/4 - Câu chuyện những góc phần tư tính cách.
- 1/2 – Tất cả những gì chúng ta biết về mình và mọi người chỉ bằng 1/2.
- 2/3 – Bí kíp duy trì các mối quan hệ.
- 1/3 – Bí kíp cho một cuộc đời vui vẻ.
Thứ ba, sức mạnh của sự thay đổi mãnh liệt hơn bạn nghĩ rất nhiều. Mặc dù thay đổi là một quy luật tất yếu của cuộc sống nhưng nhiều người lại không có đủ dũng cảm để vượt qua nỗi sợ hãi thay đổi của mình.
Sẽ thật ngu ngốc khi chúng ta quên đi khả năng đặc biệt của loài người: khả năng thay đổi. Hãy tận dụng và trân trọng khả năng ấy. Bạn có đang chán cuộc sống hiện tại của mình không? Tính cách của bạn? Những mối quan hệ quanh bạn? Công việc bạn đang làm? Nơi bạn đang ở? Hãy tự hỏi câu đó mỗi sáng thức dậy và mỗi tối trước khi đi ngủ, sau khi tự hỏi hãy tự trả lời. Nếu câu trả lời là “Có”, đừng chần chừ nữa, bạn cần thay đổi ngay. Nếu câu trả lời là “Có” liên tục trong nhiều ngày thì sự thay đổi không còn là một lựa chọn nữa, nó trở thành trách nhiệm, thành điều bạn nhất định phải làm.
Tuy nhiên, hãy thay đổi bản thân dựa trên trọng tâm cuộc đời bạn. Tức là, hãy tìm cho bản thân những mục tiêu muốn đạt được trong tương lai, sau đó chỉ nên đưa ra những quyết định xoay quanh mục tiêu đó mà thôi.
Bước tiếp theo trong quá trình làm vườn là bước Chọn Hạt Giống – Gieo Hạt. Trong đó, hai món bảo bối giúp bạn làm chủ số phận là mục tiêu và kế hoạch.
Hẳn các bạn đã nghe ra rả suốt ngày những câu dạng như hãy sống với đam mê và ước mơ của mình rồi nhỉ? Thế nhưng trên đời này vẫn xảy ra những tình huống không phải ai cũng đạt được điều mình muốn. Tuy nhiên, tại sao bạn vẫn nên có một ước mơ? Cuộc khảo sát của đại học Yale sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.
Năm 1953, trường Đại học Yale (Mỹ) đã tiến hành một cuộc nghiên cứu khảo sát dài tới 25 năm về vấn đề ảnh hưởng của mục tiêu đối với cuộc đời. Đối tượng nghiên cứu là những sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường tương đương về học lực, trí tuệ. Một câu hỏi chung được đặt ra cho họ: “Mục tiêu cuộc đời của bạn là gì?” Chỉ có 3% trong số các sinh viên tham gia khảo sát có mục tiêu rõ ràng và viết nó ra giấy, 13% có mục tiêu nhưng còn mơ hồ và không viết ra, 84% còn lại không có mục tiêu gì. 25 năm sau, Đại học Yale tiếp tục khảo sát tình hình thu nhập của cả ba nhóm trên. Kết quả là người thuộc nhóm 13% có thu nhập bình quân gấp đôi người thuộc nhóm 84%; nhóm 3% có thu nhập bình quân gấp 10 lần so với 97% còn lại. Chi tiết hơn, người trong nhóm không có mục tiêu đang có một cuộc sống không như mong muốn, nếu không muốn nói là tồi tệ. Người trong nhóm có mục tiêu mơ hồ đang sống ở tầng lớp trung lưu. Còn người trong nhóm có mục tiêu cụ thể, rõ ràng và dài hạn đã trở thành những người tiên phong trong lĩnh vực họ theo đuổi.
Khi đã có mục tiêu rồi, hãy lập một bản kế hoạch để mô tả và định hướng nó. Kế hoạch sẽ giúp bạn tập trung vào dự định của mình và đạt được thành công dễ hơn. Tuy nhiên bạn không cần tuân thủ quá cứng nhắc bởi có một sự thật là không phải lúc nào kế hoạch cũng diễn ra theo ý bạn. Chắc chắn biến cố sẽ đến và buộc bạn phải thay đổi một hoặc nhiều phần trong bản kế hoạch tưởng như đã hoàn hảo.
Tiếp theo, hãy thử điều khiển cuộc sống của mình bằng cách kiểm soát cảm xúc của bản thân. Tự tạo ra và duy trì cảm xúc tích cực, đồng thời hạn chế cảm xúc tiêu cực mỗi ngày không chỉ là cách bạn kiểm soát cuộc sống mà còn là cách yêu thương bản thân mình nhiều hơn nữa đấy.
Bên cạnh đó, để ý đến cả những hành động nhỏ giúp nâng cao giá trị bản thân nữa nhé. Một vài hành động được tác giả Phi Tuyết gợi ý trong cuốn sách này là chủ động trong mọi tình huống, luôn đúng giờ, cố gắng giữ lời hứa, ngừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác, sử dụng tiền một cách khôn ngoan và thuần thục tiếng Việt.
Nếu bạn thường cảm thấy 24 giờ đã trôi qua mà bạn vẫn chưa hoàn thành được bất cứ dự định nào trong ngày của mình (như tôi) thì bạn sẽ cần đến những việc làm đơn giản để mỗi ngày không trôi qua vô nghĩa. Tác giả gợi ý bạn nên đem theo bên người một cuốn sổ tay và một cây bút để ghi lại những thứ cần thiết. Đó có thể là kế hoạch cho chuyến du lịch sắp tới, danh sách những việc nên làm vào hôm sau hay thậm chí là những ý tưởng bất chợt nảy ra trong đầu bạn. Tôi cũng từng đọc được cách làm này trong cuốn sách Tư Duy Có Hệ Thống nên hẳn nó sẽ có ích rất nhiều. Không những thế, bạn cũng có thể thử những việc sau: tìm hiểu về những vấn đề bạn quan tâm thay vì chỉ lướt Facebook cả ngày, tham gia tranh luận để tăng cường trí óc và chia sẻ kiến thức của mình.
Sau khi đã gieo hạt, công việc hiện giờ của bạn là Chờ Đợi. Tất nhiên một cái cây không thể tự dưng lớn lên như thế được, nó cần được chăm sóc với ánh sáng, nước, không khí và tình yêu. Hãy dành giai đoạn chờ gặt thành quả này để “chăm sóc” cuộc đời của bạn với nhiều nỗ lực và thương yêu nhất có thể.
Trong Cuộc đời dài bao lâu mà cứ dành những gì ngọt ngào nhất cho giây phút sau cùng, Phi Tuyết tự thấy mình là một người “nghiện tặng quà”. Cô thú thực rằng “không biết vì sao mình lại thích tặng quà cho người khác đến như vậy.” Nhưng có lẽ đúng như cô nói, tặng quà là một hành động rất dễ thương, dù người được tặng là bạn bè, bố mẹ, người thân trong gia đình, người yêu, người mới gặp một hai lần hay thậm chí là người lạ mặt. Đó là cách chúng ta thể hiện tình thương yêu, để người khác biết ta quan tâm đến họ và “lan truyền những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, khiến người khác phải nhớ đến mình hoặc ghi điểm trong lòng người khác.”
Thời gian chính là vật liệu của cuộc sống, xin đừng lãng phí!
“Nếu mỗi ngày bạn để ba giờ trôi qua lãng phí, hãy nhân nó lên một năm, bạn đã lãng phí 1.095 giờ. Giả sử tính từ lúc này về sau, bạn còn 50 năm nữa để sống, tổng số giờ lãng phí của bạn là 54.750 giờ, tương đương với 2.281 ngày hay 6,25 năm. Gần 1/10 cuộc đời bạn trôi trong vô nghĩa, đấy là coi như thời gian ngủ vẫn tính là thời gian sử dụng.”
Tôi của trước đây hẳn sẽ giãy nảy lên vì câu nhận xét thẳng thừng Không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu này của tác giả lắm. Tôi cũng từng nghĩ rằng học hành là đủ rồi, cần gì phải tham gia cái nọ cái kia hay đi tình nguyện. Nhưng từ ngày lân la đăng kí vài dự án, tôi mới nhận ra quả thật tuổi trẻ rất cần sự trải nghiệm. Tôi là sinh viên, và tôi có hầu như đủ đầy mọi thứ (sức khỏe, tự do, thời gian). Vậy tại sao tôi lại để bản thân mình chìm đắm vào guồng quay trường lớp – nhà – Internet nhàm chán đến như thế? Nếu tôi chủ động giỡ bỏ vùng an toàn của mình, dần bước ra thế giới bên ngoài thì tôi sẽ nhận được nhiều thứ hơn là mất. “Không một ai trên đời phải hối hận vì trải nghiệm quá nhiều.” Hãy cứ trải nghiệm đi, bởi nó là món quà vô giá giúp bạn khẳng định giá trị bản thân và tìm thấy chính mình.
Nhắc đến sinh viên, hẳn bạn cũng biết đợt tuyển sinh đại học 2017 có rất nhiều học sinh chuyển nguyện vọng từ trường đại học sang trường dạy nghề vì “học đại học xong cũng chưa chắc làm được việc”. Tôi đã nghe rất nhiều những câu dạng như thế, rằng là “học bốn năm xong cũng có ra làm đúng ngành đúng nghề được đâu”, “học đại học vẫn thất nghiệp kìa”. Đồng ý là giờ ai cũng có thể đi học đại học và đa số cử nhân tốt nghiệp ra trường không làm đúng chuyên ngành được đào tạo. Tuy nhiên, hãy nghĩ ở một góc độ khác. Có rất nhiều sinh viên bước vào cánh cửa đại học với tâm lý không biết vì sao mình chọn ngành học như thế này, tức là các bạn ấy vẫn đang trong quá trình tìm kiếm chính mình. Bên cạnh đó, không ít sinh viên lên đại học chỉ chơi bời cho bõ mười hai năm đèn sách, không học hành, không đến lớp, không tham gia hoạt động ngoại khóa. Số lượng cử nhân thì ngày một tăng, nếu các bạn không tự khiến bản thân mình thật nổi trội trong mắt nhà tuyển dụng thì làm sao đòi hỏi một công việc tốt, đúng ý nguyện? Có một thế giới rất tuyệt vời đằng sau cánh cổng đại học, nơi bạn có thể thoải mái dành thời gian cho những mục tiêu quan trọng của đời mình, nhưng có bao nhiêu người làm được điều đó và bao nhiêu người mặc kệ sự đời rồi cuối cùng lại đổ lỗi cho đất nước, cho bộ giáo dục?
Trở thành người làm chủ cuộc đời mình. “Trên đời có hai loại người: người tin vào thuyết số phận và người không tin.”
Chúng ta là những đấng sáng tạo có khả năng tạo ra mọi thứ: những cỗ máy biết bay, biết nói, biết suy nghĩ; những lời cây lớn lên không cần đất; những loài động vật được ra đời nhờ thụ tinh nhân đạo… Cũng chính chúng ta đã tạo nên những thứ tích cực như các công nghệ kéo thế giới lại gần nhau cho tới những thứ tiêu cực như các loại vũ khí có khả năng hủy diệt toàn bộ Trái Đất trong nháy mắt. Thế giới ngày nay như hiện tại là do con người đã sáng tạo ra. Không chỉ dừng ở đó, rất nhiều ý tưởng khác có thể thay đổi hiện tại và tương lai vẫn đang được sáng tạo ra mỗi ngày… Ấy thế mà bạn lại không tin chúng ta có thể tự tạo nên cuộc đời của chính mình sao?
Cuối cùng, công việc quan trọng trong quá trình chăm sóc bản thân chính là đọc sách. Tác giả đã đưa ra 9 lý do bất ngờ và thú vị khiến bạn muốn đọc sách ngay.
- Đọc sách là việc duy nhất trên đời không khiến bạn phải hối hận.
- Sách mang đến thứ còn quan trọng hơn cả kiến thức là trí tưởng tượng.
- Nhiều người đã thay đổi cuộc đời bởi một cuốn sách và bạn cũng sẽ vậy.
- Sách là thứ rẻ nhất khiến cho bản thân bạn trở nên đáng giá.
- Sách giết mọi khoảng thời gian trống vô nghĩa để cuộc sống ý nghĩa hơn.
- Luôn mang theo một cuốn sách bên mình, bạn sẽ không đơn độc.
- Sách giúp bạn trở nên thân thiện, dễ gần hơn.
- Sách là kho báu bạn dễ dàng gây dựng và truyền lại cho thế hệ sau.
- Đọc sách là việc đơn giản, dễ thực hiện nhất… trong tất cả những việc nên làm.
(thực ra trong sách ghi là 10 nhưng tôi không nghĩ tiêu đề cuối cùng “Hãy đọc sách đi” là một lý do bất ngờ và thú vị khiến bạn phải cầm sách lên và đọc.)
Sau khi đã hoàn thành tất cả những quá trình trên, bạn chỉ việc Gặt Thành Quả và tận hưởng mà thôi.
Điểm mạnh và điểm yếu
Điểm cộng đầu tiên cho Sống Như Ngày Mai Sẽ Chết chính là phần bìa. Không biết là do tôi vốn có thiện cảm với màu vàng hay thế nào nhưng phần bìa hài hòa và bắt mắt này thực sự đã cuốn hút tôi. Hình minh họa trông cũng rất thú vị. Tôi mường tượng đó là ba sợi dây thép gai màu đen, một vài chỗ nút thắt bứt khỏi dây lại giống như những chú chim đang tung cánh bay lên trời vậy. Nếu so với nội dung cuốn sách thì phần hình minh họa này dễ truyền những cảm hứng đầu tiên nhất, trước khi người đọc mở cuốn sách này ra.
Bên cạnh đó, tựa đề Sống Như Ngày Mai Sẽ Chết mặc dù không mới nhưng vẫn đủ mạnh mẽ và ấn tượng để tác động đến tâm lý độc giả. Thành thật mà nói thì tôi cũng chọn cuốn sách chính vì tựa đề này.
Cách chia các phần dựa theo các bước làm vườn cũng là một hướng đi mới lạ và gây hứng thú. Nó biến một vấn đề lớn lao như cách sống để không phí hoài tuổi trẻ trở nên dễ hiểu và thân thiện như một công việc gần gũi vậy.
Tuy nhiên, cá nhân tôi lại không thực sự thích cuốn sách này mặc dù phần nội dung của nó khá ổn. Trước hết là văn phong. Tôi cứ có cảm tưởng đây giống như sách dịch hơn là sách do người Việt viết. Một vài đoạn mang hướng nặng nề hơn là truyền cảm hứng. Nhưng biết đâu với những người đã chai lì thì nó lại khiến họ đứng dậy và làm gì đó được cho bản thân.
Tiếp đến là về cách viết. Còn rất nhiều câu vụng về, bị ngắt vô lý, dấu câu không đúng và thậm chí còn thiếu từ. Ban biên tập không phải nên đọc thật kỹ bản thảo trước khi đem vào nhà in hay sao? Dưới đây là một vài ví dụ để bạn tự cảm nhận.
- Đoạn 3, trang 57: “Nhưng nếu bạn có thể viết những gì mình muốn ra giấy và đọc nó. Lúc này não bộ sẽ trong trạng thái tiếp nhận thông tin, từ đó dễ dàng xử lý các thông tin và thực hiện.”
- Đoạn 1 trang 114: “Không biết số tiền đó có khiến bạn sống tốt hơn không nhưng nếu bạn gom nó và cho người thu mua ve chai, không lấy tiền. Chỗ bạn cho họ đáng giá vài nghìn đồng thôi nhưng hãy nhìn nét mặt hân hoan của họ.”
- Đoạn cuối trang 153: “Hãy tưởng tượng về một thế giới hay dễ dàng hơn: về một Việt Nam hoàn toàn khác.”
- Đoạn cuối trang 158: “Khi các bạn đang dùng những năm tháng tuyệt vời nhất cuộc đời chỉ để chơi bời, ngủ nghỉ và kể cả… học hành. Trường học cho bạn nhiều thứ hơn là kiến thức.”
- Đoạn 1 trang 159: “Còn tôi, nếu được quay lại làm sinh viên, tôi không hứa sẽ chăm học hơn nhưng nhất định, tôi sẽ làm cho đời sinh viên rực rỡ hơn nữa bởi vì sao tôi sẽ lý giải dưới đây.”
Thứ ba, chèn các câu nói nổi tiếng vào cuốn sách là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, khi bạn in nó với kiểu chữ mảnh, màu trắng trên nền đen thì lại vô tình gây khó đọc. Nhất là với những đứa cận thị nặng như tôi nhìn thấy phần này chỉ muốn bỏ qua ngay vì nó chỉ khiến mắt bọn tôi tăng thêm độ mà thôi.
Nếu các bạn đã quyết định lựa chọn Sống Như Ngày Mai Sẽ Chết của Phi Tuyết, tôi hi vọng các bạn sẽ đọc nó với tâm thái rộng mở nhất, để rút ra được những điều có ích cho bản thân mình và áp dụng nó thay vì xếp nó chung vào những lời các bạn thấy trên mạng hàng ngày. Ít ra thì cũng hãy bắt đầu nghĩ xem mình muốn gặt hái được những gì từ bộ phim cuộc đời mình. Có thể là giải thưởng diễn viên xuất sắc nhất? Hay là đạo diễn xuất sắc nhất? Kịch bản xuất sắc nhất?
Mọi thứ đều có thể, miễn là bạn hành động.
Tác giả: Thu Trang – Bookademy.
---
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
"Sống Như Ngày Mai Sẽ Chết" của Phi Tuyết có thể tạo ra áp lực cho người đọc phải sống một cuộc đời hoàn hảo. Thông điệp mạnh mẽ về việc tận hưởng từng khoảnh khắc dễ khiến nhiều người cảm thấy không đủ khả năng đáp ứng kỳ vọng cao. Họ có thể lo lắng về việc không thể sống hết mình hoặc không đạt được những tiêu chuẩn mà họ tự đặt ra. Sự tự chỉ trích này có thể dẫn đến cảm giác thất bại, khiến họ không thể tận hưởng cuộc sống mà thay vào đó rơi vào trạng thái căng thẳng và lo âu.