Ở bên kia những cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có cái gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi…
Câu chuyện mở ra trong không khí ảm đạm của nghề giáo, trong tâm trạng ngao ngán của một thầy đồ Tây, Thứ. Thứ học cao, hiểu rộng, đã vượt khỏi lũy tre làng, thoát li khỏi vùng trũng của làng quê, để lại người mẹ già, người vợ trẻ và đứa con thơ, để lên Hà Nội, dạy học trong trường tư của Đích - anh họ Thứ. Ở đó, Thứ đã phải trải qua những uất ức, khó khăn, những đớn đau, dằn vặt. Chuyện nhà trọ, chuyện tiền lương, chuyện bị đối xử ích kỉ, hẹp hòi. Ở đó, Thứ đã tiếp xúc với biết bao loại người trong xã hội. Đó là ông chủ nhà trọ không ngày nào không cọ rửa sân nhà, chuồng lợn, nhưng lại chẳng bao giờ nghĩ đến sự giội nước cho hai đứa con trai của mình và cho chính bản thân mình; là anh chàng kéo xe nhà mỗi tháng làm ra được hai đồng mà “dám lấy những hai vợ”. Đó là người mẹ trẻ, nghèo, một mình nuôi nấng hai đứa con, đến thuê trọ trong một căn nhà lá, nhẫn nhục, chịu đựng người chồng ngày qua ngày quấn quýt bên người vợ thứ hai. Đó, là những con người sống dựa vào nhau dưới những mái nhà thấp lè tè, mấp mô và cáu bẩn. Từng con người, với từng câu chuyện cuộc đời khác nhau…
Những cuộc đời bị bủa vây trong cái nghèo
Cái nghèo chẳng có ích cho ai. Nó làm tiêu mòn sức lực, héo hắt tâm hồn. Nó khiến người ta thành bủn xỉn, nhỏ nhen, ích kỉ, sát bờ đất. Nó tạo nên thành những con người nô lệ.
Cái nghèo khiến Oanh, một phụ nữ có học đàng hoàng, trở thành một con người quá quắt, nhỏ nhen và bủn xỉn, một con người sẵn sàng ăn vội vàng mỗi bữa ba lượt xới rồi ngồi đếm từng bát cơm mỗi người ăn, để họ thấy ngượng mà không ăn được. Oanh nghèo tới mức, khi vị hôn thê của y đang trong cơn hấp hối, nguy kịch, chính bản thân y đã sợ rằng mình sẽ là người phải đứng ra lo thuốc thang, ma chay cho người chồng sắp cưới. Và y thì không có tiền làm điều đó.
Cái nghèo làm dân mình đói, đói trong cam chịu và bất lực. Cái nghèo sinh ra những sự ghen tức, những lời kêu ca, day dứt, những nỗi bủn xỉn, cay nghiệt của con người. Với Thứ, hình ảnh một đoàn người xanh xao, rách rưới và lôi thôi luôn là nỗi ám ảnh lớn nhất suốt cuộc đời mình. Bởi đoàn người đó, có mẹ già, có vợ, có đứa con yêu dấu của anh. Bởi đoàn người đó, có những bà cụ nuốt nước bọt thầm, hay một đứa em lấm lét nhìn trộm nồi cơm để ước lượng xem nó còn hy vọng gì được thêm một lượt xới nữa không….
Và cũng chính cái nghèo, đã chia cắt đôi vợ chồng son Liên và Thứ. Đã có biết bao giọt nước mắt, bao nụ cười chua chát và buồn rầu trước cảnh hai vợ chồng hai ngả suốt cuộc đời, cũng là nguồn cơn cho biết bao những nghi hoặc, hiểu nhầm, những đau đớn, tổn thương….
Liên đã bảo y vào buổi chiều cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, nắng ráo vừa rồi: “Thật, trăm tội chẳng tội gì bằng cái tội nghèo. Chỉ vì nghèo mà vợ chồng mình cứ kẻ một nơi, người một nẻo suốt đời. Có hơn gì vợ chồng ngâu. Chúng mình lấy nhau sáu năm rồi, mà tính gộp tất cả từ năm ngày, ba ngày, tất cả những ngày chúng mình được gần nhau, tôi chắc chưa đầy ba tháng. Thế thì có khổ không? Người ta thì chỉ phải sẻn ăn, sẻn mặc, chứ tôi thì đến chồng cũng phải sẻn!...”
Tình yêu cứu rỗi tâm hồn
Bởi tình yêu sẽ vượt qua mọi rào cản của hoàn cảnh, tiền bạc và địa vị xã hội, để nhú mầm và trỗi dậy mạnh mẽ trong trái tim mỗi người. Tình yêu không ngoại trừ một ai, cho dù đó có là những con người nghèo khổ, bần hàn, có là “những thằng nhỏ, những con sen, những anh phu đổ rác, những chị phu hồ, những con người lam lũ và dốt nát, rách rưới và đen thui, phần nhiều bẩn thỉu, hôi hám, thô kệch, xấu xí”, thì họ cũng cần phải yêu đương, yêu một cách cao và đẹp.
...Ấy thế mà cao và đẹp biết bao cái tình của vợ chồng Mô đối với nhau. Chúng hi sinh, tuy chưa bao giờ nghe nói đến hai chữ hi sinh. Kẻ thì biết hi sinh cái hạnh phúc được lấy người yêu, chỉ vì nghĩ đến yêu. Kẻ thì biết khinh hẳn sự sống của mình để mà yêu, có lẽ vì cũng lờ mờ nhận thấy rằng tình yêu còn đáng quý gấp mười lần sự sống. Còn một cái tình yêu nào mạnh và đẹp hơn thế nữa.
Tình yêu cũng mang đến cho con người ta những cảm xúc thật lạ lùng, những ganh ghét, đố kị, những nỗi ngờ vực, ghen tuông, hờn giận chẳng căn cứ vào đâu. Thứ và Liên xa nhau biết bao lâu, cũng là bao lâu cái kim nhoi nhói trồi ra trong cái bọc nhung tình cảm của Thứ. Nó làm tình yêu của Thứ bao giờ cũng pha lẫn chua cay. Nó khiến anh yêu một cách đau khổ vô cùng. Nó khiến anh mù quáng tin vào những lời đồn thổi, để rồi quặn đau suốt những tháng ngày dài, để rồi đay nghiến Liên, chì chiết Liên, khiến Liên, và chính mình đau khổ.
Đó chính là tình yêu, khi bị cái nghèo, cái khổ, cái cách xa tàn phá. Nhưng không, niềm tin tưởng, tình thương yêu sẽ luôn là giá trị vững bền không thể bị phá vỡ. Không khó khăn nào, không hoàn cảnh nào, không cám dỗ nào có thể ngăn cản những con người đang yêu đương và đáng được yêu đương, đến với nhau, về bên nhau, gắn kết cùng nhau.
Và học thức là thứ không thể đánh đổi
Truyện của Nam Cao luôn dành một vị trí đặc biệt cho những người trí thức nghèo trong xã hội đương thời trước 1945, những "giáo khổ trường tư", những nhà văn nghèo, những viên chức nhỏ. Họ là những trí thức có ý thức sâu sắc về giá trị sự sống và nhân phẩm, có hoài bão, tâm huyết và tài năng, muốn xây dựng một sự nghiệp tinh thần cao quý; nhưng lại bị gánh nặng áo cơm và hoàn cảnh xã hội bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn.
Thứ không phải là một ngoại lệ.
Đối với Thứ, học thức là điều quan trọng nhất. Thứ sẽ không chấp nhận đánh đổi học thức để lấy bất cứ điều gì, tiền bạc, hay địa vị cao sang. Cuộc đời có thể không cho anh thăng tiến làm quan, cuộc sống của anh có thể sẽ còn nghèo dài, đói mãi, vợ chồng anh có thể còn xa cách dài lâu, nghề giáo mà anh lựa chọn có thể còn bao bấp bênh, khó nhọc đang đợi chờ phía trước. Thứ thất nghiệp, và sẽ thất nghiệp nhiều lần trong cuộc đời, nhưng anh sẽ không bao giờ từ bỏ cái “học thức” đáng quý của mình, cái “học thức” anh đã phải bỏ lại tất cả mọi thứ, gia đình và làng xóm, để theo đuổi, để chinh phục, để thỏa lòng ước mơ. Với anh, “học thức” là vô giá!
Sống mòn, hay Chết mòn?
Thực chất, ban đầu, Sống mòn có tên là Chết mòn. Chết mòn, có lẽ Nam Cao muốn trực tiếp nhấn mạnh tới những bi kịch mà những người trí thức nghèo như Thứ phải trải qua. Cuộc đời chà đạp lên Thứ, vùi dập Thứ, khiến Thứ không ngóc đầu lên được, và tâm hồn anh sẽ bị mài mòn, sẽ chết héo, trong chính cuộc đời mà anh đã lựa chọn.
Quyết định đổi tên Chết mòn thành Sống mòn, Nam Cao đã nâng cuốn tiểu thuyết của mình lên một tầm cao mới.
Về Hà Nội, y sống rụt rè hơn, sẻn so hơn, sống còm ròm. Y chỉ còn dám nghĩ đến chuyện để dành, chuyện mua vườn, chuyện làm nhà, chuyện nuôi sống y với vợ con y. Nhưng cũng chưa đến nỗi hỏng cả mười phần. Ít ra, y cũng còn làm được một việc gì, còn kiếm nổi bát cơm của mình ăn. Nhưng nay mai, mới thật buồn. Y sẽ chẳng có việc gì làm, y sẽ ăn bám vợ! Đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra, ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!...
Sống mà như đã chết. Sống không bằng chết. Chết ngay trong từng giây phút sống. Đó là sống mòn, là cuộc sống vô nghĩa, cuộc sống đáng nguyền rủa và đáng từ bỏ. Không ai muốn sống của một cuộc đời như thế. Không ai đáng phải sống một cuộc đời đầy bi kịch như thế. Nhưng sự thật là họ đã sống cuộc đời như thế, và hơn thế.
Họ có ước mơ, hoài bão, có khao khát bỏng cháy muốn thay đổi cuộc đời, bởi họ có tri thức, họ được học hành tử tế, và sẽ còn thăng tiến hơn nữa nếu cuộc đời không trở nên khắc nghiệt đến vậy, nếu xã hội không đè nén, dồn ép họ đến thế, nếu cái nghèo không tước đi những hạnh phúc giản dị, những giây phút bình yên bên gia đình của những người như Thứ, như San….Người đọc có lẽ sẽ không thể nào quên giây phút Thứ rời xa Hà Nội, để lại sự nghiệp, hoài bão trở thành một người có tầm ảnh hưởng đến cuộc đời, để trở về quê nhà, trở về với cuộc sống nông thôn thuần túy. Ở đó có gia đình, nhưng cũng có cả cái nghèo, cái đói, cái buồn khổ, và đặc biệt, ở đó, Thứ sẽ không còn được là chính mình, không còn có thể theo đuổi mục đích cao đẹp của cuộc đời. Cuộc đời Thứ sẽ mai một đi, mòn đi, và trở nên vô nghĩa.
Lấy tên Sống mòn, Nam Cao đã thể hiện được nghệ thuật triết lý trữ tình sắc lạnh của mình. Giọng văn “riêng, buồn thương, chua chát”, đặc tả tâm lý nhân vật, đặc tả tấn bi kịch, khổ đau của số phận con người. Một lần nữa, và luôn luôn, tâm lý nhân vật trở thành trung tâm của sự chú ý, là đối tượng trực tiếp của ngòi bút Nam Cao. Và một lần nữa, Sống mòn lại trở thành điểm sáng trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao, cũng như là một trong những cuốn tiểu thuyết đáng ngưỡng mộ và đề cao nhất của nền văn học hiện thực phê phán nước nhà.
Tác giả: Thúy Hạnh - Bookademy
------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
Nam Cao đã xây dựng một không gian sống chật chội, tăm tối và bế tắc, nơi mà các nhân vật như Thứ bị giam cầm cả về thể chất lẫn tinh thần. Căn phòng chật hẹp, ẩm thấp, những mối lo về cơm áo hàng ngày, cùng với công việc dạy học đơn điệu, tẻ nhạt – tất cả đều như một cái lồng sắt bóp nghẹt ước mơ và khát vọng của Thứ. Sự "sống mòn" mà Nam Cao mô tả không chỉ là trạng thái sống kéo dài không mục đích, mà còn là sự mất mát dần dần của ý nghĩa cuộc sống, của niềm tin và khát vọng. Qua nhân vật Thứ, Nam Cao cũng phản ánh bi kịch chung của tầng lớp trí thức nghèo trong xã hội thực dân nửa phong kiến thời bấy giờ. Những người trí thức như Thứ không chỉ phải đối mặt với sự đói khổ về vật chất mà còn bị tổn thương sâu sắc về tinh thần. Họ bị tước đi cơ hội để cống hiến, để phát huy tài năng và trí tuệ của mình, và cuối cùng, họ trở nên lạc lối trong cuộc sống tầm thường, bị xã hội dồn ép vào ngõ cụt của sự tồn tại vô nghĩa.