Cuộc sống ngày càng bận rộn, mệt mỏi. Có quá nhiều chi tiết phải quan tâm, xử lý. Giữa những bộn bề ngổn ngang ấy, dường như những điều nhẹ nhàng đơn giản lại khiến cuộc sống chúng ta thảnh thơi nhẹ nhõm hơn. Sống đơn giản cho mình thanh thản sẽ đem đến cho bạn những lời khuyên giản dị, chân thành để trút bỏ bớt đi những gánh nặng không cần thiết trong mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày.
Sống đơn giản là sống như thế nào? Để có một cuộc sống đơn giản thì phải như thế nào? Nó không đơn giản như việc sắp xếp, dọn dẹp, bày biện lại một đống đồ vật. Nó cũng chẳng phải là sự bằng lòng với cuộc sống bình dị mà bạn đang có. Sống đơn giản là nhìn thấu được những điều quan trọng với bản thân mình.
Bây giờ điều quan trọng nhất bạn muốn làm cho chính mình là gì? Điều gì là thực sự cần thiết trong cuộc sống hiện tại của bạn? Chính bản thân mỗi người cần khám phá ra điều gì là quan trọng với mình, cả về vật chất lẫn tinh thần. Chẳng phải khi bạn nhận ra những điều đó rồi, thì cuộc sống hay suy nghĩ đều rất đơn giản hay sao?
Hãy tự trò chuyện với bản thân. Đôi khi hãy dừng lại và tự hỏi xem “rốt cuộc bản thân mình là gì nhỉ?”. Nếu có được những lúc như vậy trong cuộc sống, thì chắc chắn bạn sẽ khám phá ra một tâm hồn phong phú trong con người mình.
Chương 1: Sống đơn giản
Đặt mình vào thiên nhiên
Thử đi tản bộ ở công viên vào những ngày nghỉ và ngắm những chuyển động của thiên nhiên xung quanh. Những chuyển biến của thiên nhiên đất trời không bao giờ bị ngưng trệ. Mùa xuân đến khi đất trời trở nên ấm áp, những nụ hoa bắt đầu bung nở. Mùi hương mời mọc, rủ rê lũ chim sâu tìm đến. Chẳng có sự sắp đặt nào ở đó cả. Rồi khi mùa thu đến, những cánh hoa bắt đầu rơi rụng, cành cây cũng trở nên khô giòn, gãy rụng. Chính những chuyển biến rất đỗi giản đơn đó lại chứa đựng chân lý của vạn vật vũ trụ, như thiền đã dạy.
Chúng ta cần phải biết rằng, mình là một thành viên của ngôi nhà thiên nhiên rộng lớn.
Khi cảm nhận được thiên nhiên cũng như chính ngôi nhà của mình, bạn sẽ không còn nghĩ rằng mình phải đi đến một nơi xa xôi. Bạn có thể quan sát thiên nhiên thay đổi ngay tại công viên nơi bạn đi qua mỗi ngày. Khi mùa xuân đến, đâu đó quanh góc công viên, những đóa hoa lại bắt đầu nở rộ. Có thể, nhìn những đóa hoa ấy, bạn sẽ nghĩ “năm nào cũng vẫn những bông hoa này nhỉ?!”.
Nhưng những bông hoa ấy lại không giống hoa của năm ngoái. Bởi những bông hoa của năm trước đã rụng hết rồi.
Nếu bạn làm việc ở một công ty trong một khoảng thời gian dài, hẳn cũng có lúc bạn cảm giác rằng công việc mình làm cứ đang lặp đi lặp lại suốt, phải không? Bạn thấy rằng mình cũng đang làm công việc giống như khoảng thời gian này của năm ngoái. Thử suy nghĩ thì thấy đó chỉ là sự lặp lại của một công việc năm này qua năm khác. Thế nhưng khách hàng mà bạn tiếp xúc, cái người đang ở công ty đó chắc chắn không phải là bạn của một năm trước. Hầu như chẳng có chuyện lặp đi lặp lại một công việc vì bản thân mỗi người thay đổi từng ngày. Con người của ngày hôm qua và ngày hôm nay chắc chắn không giống nhau.
Chú trọng cuộc sống giản đơn
Sống đơn giản có nghĩa là giảm bớt hoàn toàn sự lãng phí, chỉ sử dụng những món đồ thực sự cần thiết.
Hai từ giản đơn và giản dị thoạt nghe thì có vẻ mang ý nghĩa giống nhau, nhưng đây lại là hai từ hoàn toàn khác nhau. Giản đơn có nghĩa là bỏ hết những thứ đồ vô ích, không cần thiết. Mặt khác, giản dị có nghĩa là dùng hàng hóa với giá trị thấp hơn. Nếu bản thân không mong muốn, yêu cầu giá trị thì một thứ giản dị là được rồi.
Chương 2: Vứt bỏ, sắp xếp
Có nhiều người hay than vãn: “Ôi bận quá, ôi bận quá”. Tất cả đều vội vã tiến về phía trước. Dường như họ đã rơi vào trạng thái vô thần.
Có hai loại bận rộn. Một là bận rộn khi phải hoàn thành công việc trong khoảng thời gian cố định. Loại bận rộn còn lại nguy hiểm hơn, đó là cảm giác luôn bị một việc gì đó chi phối đầu óc rằng phải làm cái này, phải làm cái kia.
Có một phương pháp để giải tỏa tinh thần khỏi sự bận rộn ấy, đó là tạo ra khoảng thời gian không làm gì cả.
Trong một ngày bạn có thể rút ra một khoảng thời gian, chỉ cần 10 phút để không làm gì cả. 10 phút ấy so với thời gian bạn có trong một ngày, có thể nói là không hề ảnh hưởng quá lớn và làm chậm trễ đến công việc của bạn.
Hãy tạo ra khoảng thời gian cho riêng mình chỉ để thả lỏng toàn thân, quên đi bận rộn và giữ cho tâm hồn thật an yên.
Chương 3: Hạnh phúc là biết đủ
Có một từ rất nổi tiếng trong Phật giáo là “tri túc”. Nghĩa là tự biết đủ, nó khuyên người ta hài lòng với những gì mình có, không nên đòi hỏi gì hơn. Người có tâm như thế là người sống sung túc.
Sống hết mình mỗi ngày
Công việc mỗi ngày giống hay khác nhau không quan trọng. Quan trọng là bạn có thể nỗ lực hết mình, đừng bận tâm đến kết quả mà hãy tập trung cho những việc mình làm mỗi ngày. Chỉ có điều đó mới giúp bạn thấy hài lòng với cuộc sống của bản thân. Cảm giác hài lòng ấy sinh ra ở quá trình chứ không phải kết quả của việc ta làm.
Không phải cứ lúc nào nỗ lực hết sức cũng nhất định phải đi đến kết quả như mong muốn. Trên đời này đã có không biết bao nhiêu trường hợp điển hình về việc nỗ lực nhưng vẫn thất bại. Thế nhưng chính sự nỗi lực ấy để lại trong bạn sự thoải mái và thành tựu khi nhớ lại.
Nếu hiện tại bạn không cảm thấy hài lòng, mãn nguyện với cuộc sống hiện tại của chính mình, thì hãy tự hỏi lại bản thân và tập trung làm tốt những việc mà bạn phải thực hiện mỗi ngày.
Không từ bỏ ước mơ
Trong tương lai tôi muốn trở thành người…
Chắc hẳn ai trong chúng ta đều đã có những suy nghĩ như vậy. Trong số đó có những người thành công, nhưng có những người ngày càng xa cách ước mơ của mình. Vậy, rốt cuộc sự khác biệt ấy từ đâu mà có?
Những người đến gần được ước mơ của mình là những người xác định được rõ ràng điều mình muốn làm là gì. Và họ biết được từng bước tiến đến mục tiêu đó. Trong khi đó, những người ngày càng đi xa so với ước mơ, họ thường rất mơ hồ về hình ảnh bản thân trong tương lai. Họ vẫn nghĩ mình muốn làm một điều gì đó, nếu giấc mơ thành hiện thực thì thật tuyệt vời. Tuy vậy, dù có nghĩ như thế nhưng họ chỉ đứng im một chỗ và mơ về giấc mơ ấy.
Thực tế rất tàn khốc. Dù bạn có mơ ước, có nỗ lực bao nhiêu thì cũng chỉ có vài người là có thể hiện thực hóa ước mơ của mình. Dù vậy, nếu bạn từ bỏ nó thì khả năng thành công của bạn vào thời điểm ấy chính bằng không.
Dẫu sao thì hãy tiếp tục cố gắng và tiến lên phía trước, cho dù bạn có tới đích hay không thì cũng đã đi được một chặng đường dài.
Chương 4: Không để bị chi phối, không để bị cuốn vào
Tận hưởng sự cô đơn
Khi ở một mình, tự nhiên bạn sẽ nhìn lại bản thân. Bạn sẽ ngẫm nghĩ lại một ngày mình đã trải qua. Đôi khi có những chuyện khiến bạn tức giận, nhưng cũng có những chuyện lại khiến bạn vui mừng.
Chỉ một ngày nhưng tim ta lại nảy sinh ra biết bao nhiêu tình cảm khác nhau. Ngồi lặng yên nhìn lại chính mình, xem xét lại bản thân cũng là cách giúp ta điều chỉnh lại tâm lý.
Thế nhưng, trong thời đại ngày nay, người ta hiếm khi tạo ra những khoảng thời gian một mình như thế nữa. Ngay cả trên đường từ công ty về nhà, ta cũng có thể liên lạc công việc bằng điện thoại di động, hay vào buổi tối khi ta định đi ngủ thì lại nhận được tin nhắn từ bạn bè. Và như thế, ngày càng có nhiều người phải sầu não vì cảm giác bị một cái gì đó thúc ép bản thân.
Có người còn nói rằng: “Tôi luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu nếu không liên lạc với ai đó”. Thế nhưng chuyện này phải ngược lại mới đúng. Chính vì lúc nào cũng liên hệ với một ai đó nên mới tạo ra cảm giác bất an không cần thiết ấy.
Bạn tâm giao là lúc nào cũng đặt đối phương trong tim mình. Dù không thường xuyên gặp mặt nhưng người đó luôn có một chỗ trong lòng mình. Chính mối liên kết như vậy mới tạo ra cảm giác an tâm cho chúng ta.
Hãy đặt bản thân vào khoảng thời gian không gian cô độc và đối diện với chính mình trong tĩnh lặng. Bạn sẽ thấy bản thân mạnh mẽ hơn nhiều. Đó là vì chính sự cô độc ấy, ta mới nhận ra con người thực sự sâu kín trong lòng mình.
Bài học: “SỐNG ĐƠN GIẢN CHO ĐỜI THANH THẢN” – BÍ QUYẾT SỐNG HẠNH PHÚC GIỐNG NGƯỜI NHẬT
(Nguồn: Washingtonpost)
Phong cách sống tối giản đã trở thành hiện tượng ở Nhật Bản, còn được biết đến với tên gọi Danshari đang dần len lỏi vào cuộc sống của một số bạn trẻ ở Việt Nam. Rất nhiều người tán đồng và mong muốn được trải nghiệm triết lý tối thiểu hóa nhu cầu để sống hạnh phúc hơn của tinh thần Danshari, nhưng phần lớn mọi người đều cho rằng họ chỉ có thể thực hiện được nếu còn độc thân hay sống một mình.
Ngôi nhà của bạn sẽ chẳng thể ngăn nắp nổi chứ đừng nói là tối giản khi con bạn luôn có một đống đồ chơi lộn xộn và bạn luôn phải tất bật chăm lo cho bé mà chẳng còn thời gian để dọn nhà. Nhưng đó chỉ là quan niệm cố hữu, gia đình anh Naoki Numahata đã có một cuộc sống hạnh phúc nhờ Danshari.
Phong cách sống tối giản Danshari bắt đầu được nói nhiều đến vào khoảng năm 2010-2011 ở Nhật, đặc biệt sau khi thảm họa động đất sóng thần đột ngột cướp đi hàng ngàn sinh mạng, khiến nhiều người đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống.
Tinh thần của Danshari gói gọn trong chính 3 từ viết tắt tạo thành cái tên của lối sống này: Dan – nghĩa là từ chối (đem về nhà những vật dụng không cần thiết), Sha – nghĩa là vứt bỏ (những thứ lỉnh kỉnh vướng víu trong nhà) và Ri – là tránh xa (cám dỗ mua sắm vật chất).
Tuy vậy những người theo lối sống Danshari không sùng bái của cải, vật chất, nhưng cũng không phải là họ không tôn trọng đồ vật, sẵn sàng vứt bỏ những thứ không cần thiết để nhà cửa gọn gàng hơn. Có rất nhiều cách để bạn “tạm biệt” các món đồ đã từng gắn bó với mình như cho, tặng, trao đổi. Thậm chí Danshari chính là biểu hiện cao hơn của việc trân quý đồ vật và vật chất phục vụ cuộc sống. Bởi khi bạn từ chối mua những thứ mình không thật sự cần, nghĩa là bạn sẽ không có cơ hội biến chúng trở thành thừa thãi và bị bỏ xó (thậm chí từ chối cả những mặt hàng miễn phí nếu mình không thật sự cần đến), đó chẳng phải là cách tôn trọng đồ vật và muốn chúng có ích hơn hay sao?
Ngay từ khi ra đời, phong cách này đã được giới trẻ hết sức ủng hộ vì phù hợp với khát khao trải nghiệm và mong muốn có cuộc sống tự do phóng khoáng, muốn giải phóng mình khỏi tất cả những vướng bận đời thường. Tuy nhiên, những người có gia đình vốn đã mệt mỏi với việc nhà dồn đống hàng ngày, dù rất muốn áp dụng lối sống này nhưng vẫn khó có thể biến nó thành hiện thực bởi nhiều trách nhiệm ràng buộc với con cái. Quan niệm cho rằng “trẻ con luôn đồng hành cùng sự lộn xộn” đã khiến họ bỏ cuộc ngay từ khi chưa bắt đầu.
Tuy nhiên, anh Naoki Numahata, một người cha 42 tuổi ở Nhật đã chứng minh, vợ chồng anh hoàn toàn có thể cũng sống tối giản cùng với con gái nhỏ 4 tuổi Ei trong căn hộ nhỏ rộng 39 m2 của gia đình.
Khi bé Ei muốn chơi đồ chơi, em sẽ không đi đến phòng chơi và cũng chẳng cần góc chơi nào trong căn hộ. Thay vào đó, cô bé nhận được một chiếc giỏ nhỏ chứa tất cả tài sản quý báu nhất của mình – một con búp bê, một con Thỏ Minions với một số xe hơi, một đồ chơi yoyo… và chơi ngay trên sàn gỗ trắng sạch sẽ trong căn hộ của mình.
Căn hộ gần như trống rỗng, không có gì trên quầy bếp. Trong ngăn kéo chỉ có ba bộ đũa, hai bộ dao kéo của trẻ em. Ngăn tủ đựng bữa ăn sáng chứa một ổ bánh mì và một lọ mật ong.
Anh Numahata chỉ có hai cặp quần âu, bốn cái áo sơ mi và bốn cái áo phông, năm cặp đồ lót và bốn cặp vớ trong tủ quần áo. Ei có hai bộ đồng phục trên treo giá và hai ngăn kéo nhỏ cho quần áo thường xuyên của cô bé. Anh Numahata nói rằng vợ anh không phải là người theo chủ nghĩa tối giản nên cô có có năm ngăn kéo cho tất cả quần áo, mùa đông và mùa hè.
Anh Numahata đã có được cảm hứng từ một bức ảnh trong cuốn tạp chí về ngôi nhà Nhật Bản gần như trống không. Anh cũng đã viết một cuốn sách cùng với một người yêu thích lối Danshari, Fumio Sasaki.
Kết: Cứ hồn nhiên rồi sẽ bình yên !!!
Tác giả: Phương Anh - Bookademy
------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link:
https://www.facebook.com/bookademy.vn
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]