Bạn đã bao giờ cảm thấy tiếng gào thét của thế giới đang lấn át bạn? Có bao giờ bạn bị nhận xét là quá rụt rè và ít nói? Bạn thích đi chơi cùng một nhóm bạn thân ở đâu đó yên tĩnh hơn là tham gia những bữa tiệc sôi động? Nếu bạn đã từng như vậy thì Quiet là cuốn sách dành cho bạn.

Quiet của Susan Cain cũng giống như những con người trong bên trong nó, khác biệt so với những cuốn sách cùng mảng kĩ năng hiện nay. Khó có thể tìm thấy ở đây những lời khẳng định đầy tự tin thường xuất hiện trong các cuốn sách kĩ năng, thay vào đó, Quiet thuyết phục người đọc bằng những dẫn chứng khoa học, bằng những con người thật mà tác giả đã gặp trong hành trình nghiên cứu để viết cuốn sách.

Trong phần mở đầu, tác giả giới thiệu về khái niệm hướng nội và hướng ngoại, theo quan điểm của nhiều nhà tâm lí học. Người hướng nội thích ở trong thế giới riêng của họ, nạp năng lượng bằng cách ở một mình, họ cũng làm việc chậm hơn và tập trung hơn. Trong khi đó người hướng ngoại thích tham gia vào thế giới bên ngoài, họ thích mạo hiểm và cần được ở cùng với nhiều người. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần cẩn trọng khi xem xét hai khái niệm này vì con người là vô cùng phức tạp, ta không thể dễ dàng chia thế giới thành hai nửa đơn thuần, và không phải người hướng nội hay hướng ngoại nào cũng giống nhau

.

Phần 1: The extrovert ideal – Lí tưởng hướng ngoại

Hướng ngoại thường được nhắc đến với những nét tính cách như năng nổ, thu hút, tự tin. Hình ảnh lí tưởng của một người hướng ngoại là một nhà kinh doanh đầy sức thuyết phục, một người có thể bán tất cả những gì họ muốn. Hình mẫu này xuất hiện rất nhiều trong những cuốn sách kĩ năng hay những lớp học thuyết trình, đánh thức tiềm năng… Susan Cain đưa người đọc lên chuyến hành trình theo chân cô khám phá sức ảnh hưởng của hình mẫu hướng ngoại này lên xã hội, bắt đầu từ câu chuyện thiếu thời của Dale Carnergie – người tiên phong trong mảng sách kĩ năng, đến Tony Robbins – nhà kinh doanh truyền cảm hứng, trường kinh doanh Harvard – nơi đào tạo CEO hàng đầu của nước Mĩ và thậm chí cả tôn giáo với nhà thờ Phúc âm Saddleback. Trên cuộc hành trình này, người đọc cùng Susan Cain nhìn nhận các hình mẫu hướng ngoại trở nên lí tưởng, chứng kiến sự dịch chuyển từ một xã hội nơi sách kĩ năng ca ngợi những người khiêm tốn và có đạo đức đến một xã hội nơi mọi người mua những cuốn sách trả lời những câu hỏi như “Làm thế nào để người khác sẵn sàng làm những điều bạn muốn?” hay “Làm thế nào để mọi người thích bạn ngay lập tức?”

Đó là sự dịch chuyển mối quan tâm từ những phẩm chất bên trong sang những biểu hiện bên ngoài. Sự dịch chuyển đó bắt đầu từ đầu thế kỉ 20, sau hơn 100 năm, đến ngày nay, hình mẫu hướng ngoại đã trở thành một chuẩn mực để mọi người vươn tới, không chỉ để trở nên thành công mà còn vì họ tin rằng điều đó sẽ tốt cho mọi người. Phong cách lãnh đạo cũng thường được gắn với những nét tính cách hướng ngoại như khả năng ăn nói, thuyết phục, quyết đoán… Ngay cả tôn giáo cũng được gắn với hình mẫu này, trong miêu tả của Susan Cain về nhà thờ Phúc âm, nơi các con chiên cần tham gia càng nhiều càng tốt vào các hoạt động tập thể.

Susan Cain – một người hướng nội, đã cất tiếng nói của mình giữa cơn lốc hướng ngoại này để bảo vệ cho những phẩm chất hướng nội. Cô đưa ra một số dẫn chứng về sự thất bại của cách lãnh đạo hướng ngoại , cách lãnh đạo quá quả quyết, đến mức thiếu suy xét và các ví dụ về những người lãnh đạo hướng nội thành công vì họ biết lắng nghe và suy nghĩ kĩ. Susan Cain cũng tin rằng sẽ luôn có chỗ cho những tín đồ hướng nội trong nhà thờ Saddleback, mặc dù sự thay đổi để giúp nhà thờ trở nên phù hợp với họ hơn có thể sẽ tốn nhiều thời gian.


Cô tiếp tục lên tiếng bảo vệ cách làm việc của người hướng nội trước sự phát triển của mô hình làm việc nhóm. Người hướng nội thích được làm việc và suy nghĩ độc lập, vì vậy họ gặp bất lợi trong trường học và công việc, khi mà càng ngày mô hình làm việc nhóm càng được ưu tiên. Tuy nhiên, từ trước đến nay, những người sáng tạo thường là những người thích làm việc đơn độc, những người giỏi cũng thường dành thời gian suy nghĩ và tập luyện một mình. Họ cần giao tiếp với đồng nghiệp, nhưng không phải luôn luôn bàn luận và lên ý tưởng cùng nhóm. Một câu chuyện điển hình về những người làm việc độc lập như vậy là quá trình Steve Wozniak -nhà đồng sáng lập Apple - thiết kế ra máy tính cá nhân đầu tiên. Susan Cain cũng đưa ra một số mô hình gợi ý để các công ti vừa có thể giúp nhân viên làm việc nhóm dễ dàng, vừa cho họ không gian để làm việc độc lập.

Phần 2: Your biology, yourself? – Gen có quyết định bạn?

Trong phần này, Susan Cain tìm hiểu sâu hơn về tính cách hướng nội, không chỉ là những biểu hiện bên ngoài mà còn là cách hoạt động, phản ứng của não bộ người hướng nội. Cuốn sách đưa chúng ta đến với những nghiên cứu của nhà tâm lí học Jerome Sagan, nhà thần kinh học Carl Schwartz và nhà tâm lí học Elaine Aron. Những nghiên cứu của họ chỉ ra rằng, sự khác biệt giữa người hướng ngoại và người hướng nội không chỉ nằm ở hành vi bên ngoài mà thực sự xuất phát từ bên trong. Sagan đã nghiên cứu một nhóm trẻ, từ khi sơ sinh đến khi vị thành niên và phát hiện ra một mối liên kết. Những đứa trẻ phản ứng mạnh hơn trước các nhân tố lạ có xu hướng trở thành người hướng nội, chúng có hệ thần kinh dễ bị kích thích hơn và chúng cảm nhận những cảm xúc như lo lắng, tội lỗi mạnh mẽ hơn những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, không thể khẳng định hướng nội là kết quả trực tiếp của một hệ thần kinh nhạy cảm, chính Sagan đã nói rằng tính cách là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có cả môi trường sống, cách nuôi dạy…

Schwartz tiếp tục nghiên cứu của Sagan với người trưởng thành và sử dụng công nghệ mới để đi sâu vào hoạt động của não bộ. Theo nghiên cứu của Schwartz, người hướng nội phản ứng mạnh hơn với các kích thích như gặp gỡ người lạ hay diễn thuyết trước đám đông.Từ kết quả đó, Susan Cain tìm ra một số cách để cuộc sống của những người hướng nội tốt hơn như chọn nhà ở và công việc phù hợp hay luyện tập nói trước đám đông để học cách chế ngự nỗi sợ tự nhiên…


Hệ thần kinh dễ bị kích thích của người hướng nội khiến họ có nhiều lo lắng, nỗi sợ mạnh mẽ hơn người hướng ngoại, một điều dường như bất lợi cho sự sinh tồn. Nhưng nếu quả thực là như vậy thì tính cách hướng nội đã phải biến mất theo sự chọn lọc tự nhiên. Đây là lúc nghiên cứu của Elaine Aron bước vào. Aron gọi sự dễ bị kích ứng này là nhạy cảm và đi kèm với đó là những đức tính tốt như nhân hậu, vị tha và có lương tâm. Theo Aron, hướng nội được chọn lọc tự nhiên giữ lại vì những đức tính này. Hai ví dụ điển hình của những người hướng nội với những đức tính này đã có đóng góp lớn là Eleanor Roosevelt – phu nhân của tổng thống Franklin.D.Roosevelt và Al Gore – phó tổng thống Mĩ.

Một điểm khác biệt nữa giữa người hướng nội và người hướng ngoại là cách não họ xử lí dopamine, hay cụ thể hơn là cách họ phản ứng với những điều đem lại sự hưng phấn.  Người hướng ngoại phản ứng mạnh mẽ hơn với sự hưng phấn, vì vậy họ thường có khao khát có được những phần thưởng và chiến thắng hơn người hướng nội. Mặc dù điều này kích thích họ trở nên cầu tiến hơn, họ thường có xu hướng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo trên đường theo đuổi mục tiêu, khiến họ gặp phải thất bại.

Phần 3: Do all cultures have an extrovert ideal? – Có phải mọi nền văn hóa đều lí tưởng hóa hướng ngoại?

Trong phần này, Susan Cain khám phá cuộc sống của cộng đồng người Châu Á ở Mĩ. Cô đưa người đọc đến Cupertino, nơi nhiều gia đình gốc Á sinh sống. Các học sinh trung học ở đây không giống như phần lớn học sinh trung học khác ở Mĩ. Họ thích lắng nghe trên lớp, thích đến thư viện hơn là trung tâm mua sắm và đặt việc học lên trên việc xã giao. Kết quả học tập của học sinh Cupertino rất tốt, nhiều người được nhận vào các trường đại học danh tiếng. Susan Cain lí giả điều này là do quan niệm của cha mẹ gốc Á, những người đến từ các nền văn hóa coi trọng sự khiêm nhường và trầm tĩnh.

Bên ngoài Cupertino, nhiều người gốc Á khác lại chật vật để hòa nhập với cách sống của người Mĩ. Sinh viên không muốn bàn luận trên lớp vì họ quan niệm rằng ý kiến của họ làm mất thời gian của người khác. Nhiều người không quen với cách xã giao và làm việc trong công ti ở Mĩ. Theo Susan Cain, các nền văn hóa Châu Á, đặc biệt là khu vực chịu ảnh hưởng của Nho giáo như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam, là những nơi các nét tính cách hướng nội được coi trọng hơn. Mặc dù những người gốc Á mang nét tính cách này cảm thấy khó hòa nhập ở Mĩ, chính chúng lại giúp họ đạt được thành công.


Phần 4: How to love, how to work? – Làm sao để yêu và làm việc?

Đây là phần mà Susan Cain đưa ra những gợi ý để giúp người hướng nội và người hướng ngoại có thể sống với nhau một cách tốt nhất. Đôi khi người hướng nội cũng cần học tập một số nét tính cách của người hướng ngoại và ngược lại để thành công. Susan Cain còn đưa ra giải pháp cho những vấn đề trong giao tiếp giữa người hướng nội và người hướng ngoại, đặc biệt là trong xung đột. Bên cạnh đó còn có một phần dành cho các bậc cha mẹ có con hướng nội, với những hướng dẫn giúp họ cùng con vượt qua các vấn đề ở trường lớp và nỗi sợ cái mới.

Quiet là một cuốn sách hấp dẫn, với sự kết hợp hài hòa của khoa học và các mẩu chuyện. Khi viết về các dẫn chứng khoa học, tác giả không khô khan mà lồng ghép những kết quả nghiên cứu vào những câu chuyện gặp gỡ giữa cô và các nhà khoa học. Những mẩu chuyện được kể trong cuốn sách cũng rất phong phú, từ chuyện về những nhân vật nổi tiếng như Dale Carnergie, Eleanor Roosevelt… đến chuyện của những người bình thường mà tác giả gặp trong quá trình tìm hiểu viết sách và trong công việc tư vấn của mình. Khác với suy nghĩ thông thường của chúng ta rằng trong những cuốn sách phi giả tưởng, nhân vật người viết thường ít xuất hiện, khi đọc “Quiet”, ta gần như đi trên một chuyến hành trình cùng với Susan Cain. Bản thân cô là một người hướng nội nên cuốn sách có cảm giác như một hành trình tìm hiểu bản thân của cô, và trên hành trình đó người đọc cũng tự tìm thấy chính mình hay hình ảnh của những người xung quanh.

Bản gốc bằng tiếng Anh của “Quiet” được viết khá dễ hiểu, cách lập luận mạch lạc, rõ ràng, với sự kết hợp giữa cách viết khoa học và tự sự. Cuốn sách rất thích hợp với những người muốn luyện đọc tiếng Anh ở trình độ khá trở lên, đăc biệt những người đang luyện thi chứng chỉ quốc tế. Bên cạnh đó thì cuốn này cũng tốt cho việc học viết luận tiếng Anh, người đọc có thể học cách viết trôi chảy, tự nhiên của tác giả và thu nhặt nhiều từ mới bổ ích.

Tuy nhiên, khi đọc “Quiet”, có một số điểm cần phải lưu ý. Giống như mọi cuốn sách trong mảng tâm lí – xã hội được viết bởi tác giả nước ngoài, “Quiet” tập trung phân tích các hiện tượng ở đất nước của tác giả - nước Mĩ. Vì vậy mà không phải mọi thứ tác giả đề cập tới đều giống như thực trạng xã hội Việt Nam. Như chính tác giả đã nhận xét, nước Mĩ là một trong những quốc gia hướng ngoại nhất trên thế giới, vì vậy mức độ ảnh hưởng của hình mẫu hướng ngoại ở Mĩ chắc chắn lớn hơn ở Việt Nam.Thế nhưng, chúng ta vẫn có thể thấy được một số điểm tương đồng như các buổi hội thảo đánh thức tiềm năng theo kiểu hướng ngoại hay mô hình làm việc nhóm ngày càng được đề cao ở trường học và công sở… mặc dù ở quy mô nhỏ hơn.

Bên cạnh đó, trong phần ba khi tác giả nói về việc hình mẫu hướng nội được coi trọng hơn ở các quốc gia Nho giáo, trong đó có Việt Nam, điều này có thể không còn thực sự sát với thực tế. Đúng là trong quá khứ, nét tính cách trầm lặng được ông cha ta coi trọng với những câu tục ngữ kiểu như “Thùng rỗng kêu to”, nhưng Việt Nam ngày nay cũng không hẳn là một thiên đường cho người hướng nội. Chúng ta cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, các trường học và công ti cũng bắt đầu đề cao những người có tài diễn thuyết, làm việc nhóm…Cha mẹ muốn con cái mình cởi mở và giáo viên thường hay phản ánh tiêu cực về những đứa trẻ ít nói và thích ở một mình. Có lẽ vì vậy mà Quiet lại là một cuốn sách đáng đọc ở Việt Nam.


Quiet có thể nói là một cuốn sách đến đúng thời điểm, khi mà hình mẫu hướng ngoại đang trở thành một lí tưởng. Nó là tiếng nói cứu cánh cho những hướng nội, đem đến cho họ một cách nhìn nhận bản thân mới.  Cuối cùng thì, dù chúng ta hướng nội hay hướng ngoại hay ở đâu đó giữa vùng ranh giới, chúng ta đều có những điểm mạnh riêng cần nắm bắt và đều có thể thành công theo cách riêng của mình.

Tác giả: Hân Bùi - Bookademy

-----

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật những thông tin thú vị về sách tại link:  https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link:  https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

 

Xem thêm

Cách tiếp cận của Cain nhẹ nhàng và gián tiếp, nhưng cô ấy chắc chắn đã thành công trong việc cho thấy nước Mỹ đã trở nên lệch lạc một cách kỳ cục như thế nào. Khi một thành viên của một nhà thờ Tin lành nói rằng anh ta chỉ quan tâm đến việc tuyển dụng những người hướng ngoại và nói thêm rằng anh ta chắc chắn rằng Chúa Giê-xu là người hướng ngoại, tôi không thể không cảm thấy rằng có điều gì đó đã sai lầm khủng khiếp. Thậm chí còn đáng nhớ và có tính tiên tri hơn (cuốn sách được xuất bản năm 2012), Cain đã có lúc đặt câu hỏi làm thế nào mà nước Mỹ có thể có ý tưởng rằng kiểu tính cách lý tưởng là kiểu người bán bất động sản thành công. Thực sự như thế nào?___________________[Cập nhật, ngày 31 tháng 5 năm 2018] Một đoạn đáng chú ý mà tôi vừa đọc trong bài báo được trích dẫn rộng rãi của Gwendolyn Seidman "Tự thể hiện và thuộc về Facebook: Tính cách ảnh hưởng đến việc sử dụng và động cơ truyền thông xã hội như thế nào" (2012): Hướng ngoại có liên quan đến một số cấu trúc liên quan đến thuộc tính. Người hướng ngoại có nhiều bạn bè hơn, tình bạn chất lượng hơn (Asendorpf & Wilpers, 1998) và các mối quan hệ lãng mạn viên mãn hơn người hướng nội (White, Hendrick, & Hendrick, 2004). Do đó, không có gì ngạc nhiên khi tính hướng ngoại có liên quan đến việc sử dụng Facebook nhiều hơn (Gosling, Augustine, Vazire, Holtzman, & Gaddis, 2011; Wilson, Fornasier, & White, 2010) và nhiều bạn bè hơn (Amichai-Hamburger & Vinitzky, 2010; Moore & McElroy, 2012; Ryan & Xenos, 2011).

Một trong những lý do là hầu hết những người hướng nội viết tốt hơn những người nói. Các ví dụ khác từ thế giới kinh doanh đưa ra các mẹo về cách các nhà lãnh đạo hướng nội và hướng ngoại có thể làm việc tốt nhất với cấp dưới của họ thuộc từng loại. Hãy tận dụng từng thế mạnh của họ. Chẳng hạn như cách các nghiên cứu chỉ ra rằng người hướng nội “kiểm tra” và người hướng ngoại “phản ứng”. Không nên coi tính từ là xúc phạm mà thay vào đó là sức mạnh. Cho phép người hướng nội thời gian để kiểm tra và giải quyết. Các nghiên cứu cho thấy họ kiên trì hơn trong việc cố gắng giải quyết các vấn đề nan giải. Người hướng nội nổi tiếng, Albert Einstein đã nói, “Không phải tôi quá thông minh, chỉ là tôi ở lại với các vấn đề lâu hơn.” Anh hùng của tôi. Lời cuối cùng trong bài tường thuật—tuyệt vời. Nếu bạn có cơ hội nghe hơn là đọc cuốn sách này, tôi thực sự khuyên bạn nên sử dụng định dạng âm thanh. Kathe Mazur thực hiện một bài tường thuật “Quiet” một cách hoàn hảo với giọng đọc điềm tĩnh, nhẹ nhàng. Rất thích hợp “trong một thế giới ồn ào không ngừng nói chuyện”.