Bạn hình dung thế nào về cuộc sống con người thời chiến tranh đặc biệt là những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh ấy? Bạn đã bao giờ được nghe kể về thời bao cấp, một đề án in sâu vào kí ức mỗi con người thời ấy chỉ sau chiến tranh? Bạn đã biết gì về “quân khu Nam Đồng’’ lẫy lừng một thời chưa?
Tác
phẩm “ Quân khu Nam Đồng’’
Là một câu chuyện kể về thời chiến, ở giai đoạn cuối chiến tranh Việt Nam chống đế quốc Mỹ- những năm đầu 72 cho tới tận giải phóng đất nước. Thời chống Mỹ, cả nước ta chỉ có 6 quân khu do Bác Hồ kí sắc lệnh thành lập: Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc, Tả Ngạn, Hữu Ngạn và Quân khu 4. Nói đến đây chắc các bạn thắc mắc vậy “ Quân khu Nam Đồng’’ trời ơi đất hỡi ở đâu mà ra ? Các thanh niên choai choai Hà Nội thời bấy giờ, đặc biệt là lứa con em nhà cán bộ thích khoác lên mình bộ đồ lính. Khi gặp các anh này mà sinh sự gây chuyện, chỉ cần động vào một anh thôi là cả bọn nón cối xuất hiện tả xung hữu đột bảo vệ anh em không khác nào bộ đội trong quân khu. Từ đây cái tên “ Quân khu Nam Đồng’’ xuất hiện để các bạn trẻ xưng hùng xưng bá với tụi cùng lứa ở các khu khác. Đó còn là khu tập thể gia binh lớn nhất thủ đô Hà Nội được hình thành cách đây hơn 50 năm, là nơi ở của hơn 500 gia đình cán bộ trung, cao cấp, hơn 70 vị tướng đã từng sinh sống và trưởng thành từ Khu tập thể Nam Đồng, nhiều gia đình có cả hai thế hệ “ tướng cha’’ và “ tướng con”. Đây một khu gia binh điển hình, một đại gia đình quân nhân thu nhỏ thời chiến và hậu chiến.
Ngày gặp mặt, số người tới gấp đôi dự kiến, gần bảy
trăm người. Rượu vào lời ra quá khứ tràn về như thác lũ. Việt ngơ ngác giữa đám
đông. Nó rời khu Nam Đồng đi bộ đội từ giữa năm 1974, sau đó vào thẳng Sài Gòn.
Người thân xa nhau 20 năm gặp lại nhiều khi thành lạ, huống hồ Việt và nhiều
người sau 40 năm mới nhìn thấy nhau. Cô hàng xóm sát nhà đấm nó thùm thụp vì tội
không nhận ra em. Mà sao nhớ được, khi ngày xưa e nhí nhảnh ngây thơ, giờ tóc
em bắt đầu điểm bạc.
Đặc biệt có một em rất xinh túm lấy Việt : “Ôi anh Việt nhớ e không?” Hì, nhìn kiểu này chắc không nhớ rồi! Ngày xưa, anh em mình cởi truồng tắm chung với nhau…Vẫn không nhớ à?Ôi chán cái anh này quá!
Những
đứa con của người lính
Tác phẩm là cuốn tự truyện nhưng mà
là cuốn tự truyện tập thể, hòa vào hồi ức chung của anh em, bạn bè khu gia binh,
không tránh né những chông gai hầm hố của hiện thực một thời nhưng cũng không
bôi đen phủ hồng sự thật. Truyện không có nhân vật chính hay nói đúng hơn nhân
vật chính là những đứa con của người lính mà cuộc đời chủ yếu ở chiến trường.
Những cậu bé, cô bé 15-17 lộc ngộc mới lớn, thông minh nhưng khờ khạo, dũng cảm
nhưng ngốc nghếch, lãng mạn nhưng vụng về với một cuộc sống “ tập thể’’ từ
trường tới nơi sơ tán, cùng học, cùng chơi, cùng nhau “ đứng xếp hàng chờ xách
nước’’, cùng yêu.
Bên cạnh chiến tranh tàn khốc là cuộc
sống đời thường nơi hậu chiến cùng những tình cảm đầu đời non nớt nhưng sâu
đậm, day dứt đến tận mai sau. Chắc hẳn không ai quên được mối tình của Việt và
Hương đẹp nhưng lại không nắm tay nhau đi đến cuối đường “Suốt một thời gian dài, trên bàn thờ nhà Việt, cùng ảnh của ông bà là
di ảnh của Mai Hương, với nụ cười hồn nhiên, đôi mắt sáng ngời, bức ảnh duy
nhất Mai Hương tặng Việt. Bên dưới bức ảnh là một sợi dây chuyền bằng bạc đã
chuyển thành màu xám”, của Liên và Ngọc chưa kịp trao nhau lời tỏ tình “Biết Ngọc không về nhưng Liên vẫn đợi Ngọc.
Đợi mãi. Nỗi đau của mối tình đầu, nỗi đau của chiến tranh, nỗi đau li biệt khi
tình yêu vừa đến, đâu có dễ quên. Nhiều năm sau khi tốt nghiệp đại học, Liên
vẫn không thể nào quen với ý nghĩ anh Ngọc sẽ không bao giờ trở về” hay là
Anh Sơn và Lệ Dung vì chiến tranh mà không thể gặp giải bày những hiểu lầm
trong lòng nhau để rồi lạc mất nhau mãi mãi “Bây
giờ Lệ Dung đã là bà nội, còn Anh Sơn là ông ngoại. Mỗi dịp Trung Thu, Lệ Dung
lại nhận được một tin nhắn. Lá thư của Lệ Dung viết hơn bốn mươi năm trước, vẫn
được Anh Sơn lưu giữ như một báu vật”
Nỗi buồn thì khác nhau chút ít vì bố đứa này về thăm nhà nhiều hơn đứa kia, đứa kia lại không thân với mẹ bằng đứa nọ,.. Nhưng niềm vui, sự chân thành, trong sáng, chất “quân khu’’ đều chia đều cho Việt, Khanh, Hòa, Hoàng, Đính, Bích Bọp, Hà Tư, Ngọc, Mai Hương, Quang Anh, Anh Sơn, Lệ Dung, Liên… gắn kết với nhau bằng những kỉ niệm chung về thầy cô, trường lớp, những mối tình đầu vụng dại, những trò nghịch ngợm “ nhất quỷ nhì ma”, những ngộ nhận và vấp ngã. Nhưng sâu thẳm trong mỗi đứa trẻ, chúng gắn kết với nhau bằng sợi dây vô hình của những đứa con cán bộ trong ngôi nhà ở hậu phương- nơi mà thường xuyên vắng bóng người đàn ông, khi mà những người phụ nữ vừa làm mẹ lại đảm nhận thêm vai trò của người cha. Trong ngôi nhà đó có nhưng đứa trẻ dường như đã “ tự lớn”, tự trưởng thành, tự hoàn thiện bản thân bằng nhiều cách khác nhau có khi phải trả giá bằng máu, bằng sự tù tội.
Cũng như mọi đứa trẻ độ
tuổi ấy, chúng muốn được chứng tỏ bản thân, khẳng định cái tôi của riêng mình
nhưng bằng cách rất đúng chất “ lính’’ : đánh
nhau. Đã là những ông “ tướng con” thì không thể nào không nhắc đến những
“trận đánh”, nhưng không đơn thuần là những trận đánh nhau trên hè phố thường
thấy ở bọn trẻ con, mà là những trận đánh lớn có chiến thuật, có “ bày binh bố
trận”, có vũ khí, có cả tổn thất không chỉ là sứt đầu mẻ trán mà còn là máu
chảy, tệ hơn cả là thù hận, là tương lai bị đe dọa, hủy hoại. Những trận đánh
cứ thế lớn dần, nghiêm trọng hơn theo thời gian : “ trận đánh cổng trường”, “ trận đánh trường Trưng Vương”, “ trận đánh
trường Xã Đàn”. Sau mỗi trận đánh là thêm nhiều mái đầu xanh rời khỏi ghế
nhà trường, có người ra hè phố, người thì vào tù, may mắn nhất có lẽ được ra
mặt trận làm thanh niên xung phong. Vụ “xử án” kinh hoàng năm 1974, là bức
tranh đại diện cho sự trả giá cho tuổi trẻ nông nổi của các chàng trai quân khu
trước pháp luật : tiếc cho Bích nhanh nhẹn, gan dạ, có tố chất để làm lính biệt
động hay trinh sát nhưng lại “ thuộc loại
không rút dao ra thì thôi, đã rút dao là có chảy máu”, dù đã được cảnh báo
trước nhưng Bích vẫn không thoát được cảnh tù tội để rồi không được qua Liên Xô
học chỉ vì “ Bích bị gạt lại, không phải
do năng lực hay sức khỏe, mà là hồ sơ. Có ai ngờ cái trò đánh nhau thời đi học
lại làm ảnh hưởng tới con đường tương lai như thế ?”, còn với Hòa “ số mệnh luôn tránh cho nó những khúc ngoặt
rủi ro” nhưng với Quang Anh thì cuộc đời lại không dành cho nó sự ưu ái như
thế: sau khi ra tù nó lại rơi vào lòng lẩn quẩn “ mẹ ốm, em chưa trưởng thành, tiền không có, xin làm chẳng nơi nào
nhận” lại tiếp tục sa chân vào chống giang hồ. “Chả nhẽ cuộc đời có số mệnh ?”.
Bầu máu nóng của tuổi mới
lớn chỉ kịp nguội khi thấy những giọt nước mắt lăn trên má của mẹ, của bạn gái
và sự đau đớn, dằn vặt, hối hận trên gương mặt của anh em, chiến hữu. Không chỉ
thương những người mẹ xót xa cho con mình mà còn các ông bố dù ở chiến trưởng
nhưng lòng vẫn canh canh với lũ trẻ không có người uốn nắn, bảo ban, định hướng
mà tự mình trượt ngã rồi đứng dậy.
Có hôm đang đá, ông mới biết chúng đổi hình thức phạt từ
búng tai sang búng chim. Nghĩ cảnh Tư lệnh Quân khu phải đứng cho bọn con nít
búng chim, ông ngần ngại không chơi nữa. Chúng dè bỉu: “Có mỗi cái búng chim mà
bác cũng sợ đau thì sao bác đánh giặc được?”. Hóa ra chúng đang rèn luyện tính
gan dạ để sau này lớn lên đi bộ đội.
Trong tác phẩm chỉ có duy
nhất một nhân vật phản diện, đó là Đỗ-phó Bí thư Đoàn trường, người đã tố cáo
tất cả các trò nghịch ngợm của tập thể lớp 8D, người đã đổ oan cho các bạn, lợi
dụng anh em, chiến hữu của mình. Những điều đó không phù hợp với tâm hồn của
đứa trẻ đang dần trưởng thành, càng không giống với phẩm chất cần có của người
con cán bộ. Đỗ đã không kế thừa được tinh thần yêu nước khi mà tất cả bọn con
trai trong khu Nam Đồng đều cùng chung một suy nghĩ sau này lớn lên phải ra
chiến trường như các “tướng cha” là điều tất yếu, ấy thế mà khi tới tuổi đi
nghĩa vụ quân sự, Đỗ lại tự thương ngón trỏ bàn tay phải – mất ngón tay bóp cò
súng để không đủ điều kiện gia nhập quân đội, từ lúc đó Đỗ đã chết trong lòng
mọi người.
Bên cạnh các cậu bé, là
những cô bé giàu lòng nhân ái, dũng cảm không kém bất kì một anh thanh niên nào
nhưng cũng mỏng manh, dễ xúc động của tuổi mới lớn, có thể cởi giày dép chạy
vào sân đá banh cùng tụi con trai, cũng có thể phụ mẹ việc nhà : tắm cho lợn,
thay phiên nhau quạt cho lợn mát- “ thủ trưởng lợn” là kinh tế lớn nhất của mọi
nhà thời ấy, đến nỗi mà các cậu bé còn ghen tỵ với lợn, Khanh đã từng ước “ muốn được làm lợn nhà đó”. Nếu trong
thời bình thì có thể được tuyên dương “phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Chính tình cảm trong sáng của các cô bé mà các chàng trai lớn dần lên, điềm
đạm, biết nghĩ đến người khác nhiều hơn và cũng chính các “ nàng” đã làm các
“chàng” lần đầu nếm vị đắng của tình yêu…. ghen.
Lúc này, cả trường chỉ mỗi mình Việt đơn ca, nên nó đành
phải tiếp tục, chỗ nào không thuộc thì nó “èn en” mà lại “èn en” to nên càng
buồn cười: “ Nối nghiệp người xưa, nay nơi đây dựng xây mái trường, rực sáng
trong nắng ấm, muôn sắc áo với muôn .. èn en. Cuộc đời lầm than Bắc- Trung-Nam…
èn en đứng dậy…”
Ông Thử, Trưởng Ban quản lý khu tập thể, lùn và béo, người
vẫn bị bọn trẻ con trong khu trêu khi gặp: “Ồ đã chín năm rồi đấy nhỉ, phấn đấu
ba ngàn ngày bền bỉ, mà quân hàm trung úy vẫn… y nguyên"
Mỉm cười với quá khứ
Như một quy luật bất
thành văn, hồi ức thì thường đẹp và buồn. Cái đẹp thường đi đôi với nỗi buồn vì
như vậy mới làm cái đẹp sáng lên.
Nhưng “ quân khu Nam
Đồng” không phải như vậy. Nó đẹp và buồn… cười.
Dù là một câu chuyện về
chiến tranh, là hồi ức của những người đàn ông sinh ra và lớn lên trong chiến
tranh, dù tuổi hoa niên của họ là những tiếng súng vọng về từ chiến trường và
bộ quần áo đẹp nhất để diện là quân trang của bố thì đâu đó trong những con
người ấy vẫn lấp lánh vẻ hài hước lạ lùng của những con người trong sáng, lạc
quan, quả cảm và chân thành.
Những trò quậy phá ở trường lớp, Việt viết bản kiểm điểm biến khuyết điểm thành ưu điểm khiến thầy hiệu trưởng phải lắc đầu, chơi “ bắn bùm” chui vào chuồng gà để phục kích thì phát hiện ra quy luật thú vị là “gà không ỉa vào buổi tối”…Mỗi cuộc tình trẻ con là vô số những chi tiết hài hước : mẫu đối thoại của từng cặp yêu nhau đều bị những thàng bạn nối khố rình nghe lén để rồi khúc khích giấu một tiếng cười đang cố nén hay là những lá thư tình “ bá đạo” mà Việt nhờ Hòa viết để gửi tặng Mai Hương,.. Tất cả những điều ấy làm dịu mát tâm hồn con người trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng của chiến tranh. Thầy cô, bố mẹ đến cả những vị tổng tư lệnh, anh hùng… đều hiện thân bình đẳng trong kí ức của các chàng trai trẻ. Mỗi người trong chúng ta sẽ phát hiện ra nhưng chi tiết hài hước phù hợp với lứa tuổi và tâm trạng của mình : người lính già cười nhớ “cảnh Tư lệnh Quân khu phải đứng cho bọn con nít… búng chim”, cô giáo cũ cười vì nhớ lại giờ học nào đó bọn quỷ sứ vẽ tranh biếm họa chân dung mình với đường nét không lẫn vào đâu được “ Giang cận nhìn cô Uy dạy sử liên tưởng tới con lật đật”, những nữ sinh mơ mộng ôm bụng cười bò khi đọc những bức thư tình “ có một không hai” của Việt gửi cho Mai Hương. Và những người cha ở chiến trường ngày ấy giờ đã ở bên kia thế giới, nếu về theo hương khói, chắc hẳn sẽ mỉm cười khi biết những đứa con nghịch ngợm của mình bày ra đủ thứ mưu mẹo, muôn vàn lí do với bố mẹ chỉ để được nghỉ học, được vào quân khu.
Khó có thể nắm bắt được
được bút pháp của người kể chuyện, giống như “ vô chiêu” trong võ thuật, không
cần dụng công gì cả, cứ thể bình thản, hóm hỉnh, nhấn nhá, vừa tủm tỉm lục tìm
trong kí ức, vừa nheo mắt tưởng tượng lại nét mặt thời ấy, giọng nói, ánh mắt
của bạn bè mà ráp vào các tình tiết, hành động để kể. Qua đó tác giả gửi đến
thông điệp: “ Dù sống bao nhiêu lâu thì
20 năm đầu vẫn là thời gian đẹp đẽ nhất cuộc đời, hãy cố gắng sống vui vẻ, hoàn
thiện bản thân, đừng trượt ngã ngay khi mới bắt đầu”
Tóm tắt lại cuốn sách này là điều không thể, bởi nó là cuộc sống thường ngày của một khu tập thể quân đội cứ thế trôi qua từng ngày trong khung cảnh bất bình thường, đó là chiến tranh. Nhưng chiến tranh quá dài làm nó trở thành bình thường. Những đứa trẻ chúng lớn lên, vắng bố, thiếu hụt mẹ, đi học bày trò nghịch ngợm và chập chững tập yêu. Nhưng sâu thẳm trong trái tim của từng con người vẫn hừng hực dòng máu truyền thống yêu nước của gia đình, của dân tộc. Cách viết của tác giả khiến cho chúng ta cảm thấy một phần chính mình trong câu chuyện. Nó vừa trong trẻo, ngượng nghịu lại vừa liều lĩnh bất chấp, vừa mong manh nhưng lại ngoan cố, cứ thế nó mở ra một thế giới đầy sức hấp dẫn, níu kéo khi mở cuốn sách. Tác phẩm thuộc thể loại gì không quan trọng mà quan trọng là khi bạn đọc xong, gấp cuốn sách lại thì không thể quên ngay, “ám ảnh” đã tạo nên một câu chuyện dài hay.
-----
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật những thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
"Quân Khu Nam Đồng" mang vẻ đẹp giản dị của một quyển hồi ký đầy thơ ngây pha lẫn một quyển truyện dài mộc mạc tình cảm thời bố mẹ mình ở Hà Nội.
Nếu bạn suốt ngày được/bị nghe bố mẹ kể chuyện “thời của tao” ở Hà Nội nhưng không biết mặt mũi cái thời đấy như thế nào, thì bạn không phải là người duy nhất. Lớn lên ở Sài Gòn, mình nghe bố mẹ và ông bà kể rất nhiều về Hà Nội xưa đến mức tò mò muốn biết Hà Nội xưa rốt cuộc là cái gì. Vài năm gần đây, trào lưu hoài cổ hipster kiểu Cộng Cà Phê lại càng thôi thúc. ‘Quân Khu Nam Đồng’ của Bình Ca đã phần nào thoả mãn được nhu cầu đó.
"Quân Khu Nam Đồng" kể về một nhóm bạn cùng xóm và những biến cố, thay đổi trong cuộc đời khiến người đi lính, người vào tù, người chết trẻ, có người không bao giờ gặp lại tình yêu nữa. Nửa đầu của "Quân Khu Nam Đồng" là những câu chuyện tưởng như rất trẻ con, ngây ngô, đơn giản nhưng cảm động và trưởng thành hơn khối người lớn. Nửa sau kể về những người bạn thời thơ ấu sau khi lớn lên đã chọn những con đường riêng cho mình, dù bị đời quất cho bầm dập nhưng những tình cảm trong sáng ngày xưa vẫn còn đó.