Phố những cửa hiệu u tối của nhà văn Pháp Patrick Modiano, được xuất bản năm 1978, và đạt giải thưởng danh giá Goncourt của văn học Pháp cùng năm. Cuốn sách kể về cuộc hành trình tìm lại chính mình của Guy Roland, cựu nhân viên của một hãng thám tử tư. Guy bị mất đi toàn bộ ký ức của mình nhiều năm trước thời điểm của trang sách đầu tiên trong câu chuyện này. Anh được ông chủ của anh, ông Hutte – chủ hãng thám tử tư, giúp đỡ rồi tạo cho anh giấy tờ tùy thân mới và mời anh về làm việc cùng ông. Thông qua những manh mối rời rạc, những cái tên lạ lùng của quá khứ như “Kỵ Sĩ Xanh”, và những con người mà Guy tin rằng đã từng đi qua cuộc đời anh, hay ít nhất là đã từng có mối liên hệ nào đó với anh, Patrick Modiano dựng lên hình ảnh thu nhỏ về Paris và nước Pháp thời Đệ Nhị Thế Chiến: hỗn loạn, bất trắc và đáng sợ.
Con người cũ của Guy thật sự là một kẻ có thân thế vô cùng mờ ám: dùng tên giả, giấy tờ giả, nghề nghiệp không rõ ràng, kể cả địa chỉ cũng chỉ là những khách sạn. Cho dù đã biết được nhiều điều về con người cũ của mình, Guy vẫn không thể nào ngừng nghi ngờ chính bản thân mình: “Tôi là ai? Có đúng là đời tôi không? Hay là đời một ai khác mà tôi đã lẻn vào?” Ngay cả địa chỉ thật của người đàn ông rất có thể là thân thế thật của Guy, vốn chính là tiêu đề cuốn sách, xem ra cũng là một nơi chốn hết sức mờ mịt và có thể là không hề tồn tại một nơi như thế. Những ký ức, những con người đã từng gặp qua hoặc có liên hệ với người ấy, những gì mà tất cả bọn họ cung cấp là không nhiều, thậm chí còn có kẻ không thể cung cấp được bất cứ điều gì nữa vì đã nằm yên dưới ba tấc đất. Có thể người đó chính là Guy, có thể hoàn toàn không phải, nhưng những cuộc hội ngộ ấy giữa anh và những chứng nhân của quá khứ chẳng hề mang lại những khoảnh khắc ấm áp hoặc giúp anh nhớ lại ký ức như mọi người vẫn thường hình dung, ngược lại, những cuộc hội ngộ ấy làm tăng thêm cảm giác cay đắng, buồn bã và khắc khoải về việc không thể xác định mình là ai.
Tạm dịch: Người ta chia tay, thời gian trôi đi, rồi họ gặp lại – và cuộc gặp gỡ chẳng phải là cuộc hội ngộ, cũng không tạo ra một ký ức đẹp đẽ nào. Chỉ có đó một nhận thức cay đắng rằng thời gian đã trôi qua, và sự vật chẳng còn tươi sáng đẹp đẽ như thuở ban đầu.
Cuộc đời cũ của Guy dường như là một tập hợp đầy những lời nói dối. Có lẽ chỉ có một người biết được sự thật về Guy. Và khi con người không có điểm xuất phát này tìm tới kẻ dường như biết sự thật thì oái ăm thay, hắn lại mất tích trên biển. Hành trình tìm lại chính mình của Guy dường như dài ra thêm và phải chăng sẽ không có kết quả khả quan lẫn một hồi kết?
Vậy, bạn nghĩ xem, tại sao Patrick Modiano lại bắt nhân vật chính của mình phải tìm lại chính mình không? Guy Roland có thể an nhàn sống tiếp phần đời còn lại của mình mà đâu cần biết gì về cái quá khứ xa xăm mờ mịt đó. Hoặc giả anh cũng có thể mở lại hãng thám tử tư mà anh từng làm với ông chủ cũ của mình. Tại sao lại cứ phải đi tìm lại chính mình? Tại sao cứ phải làm khó mình bằng những cuộc tìm kiếm mệt mỏi như vậy? Chính những cuộc tìm kiếm lần mò trong vô vọng ấy đã làm nên chất riêng trong tác phẩm của Patrick Modiano. Ông bắt nhân vật phải tìm lại chính mình để nói lên cái vấn đề mà ông luôn day dứt: đó là việc đánh mất danh tính cũng như bản sắc của chính mình.
Đây không chỉ là bi kịch của một cá nhân, một nhóm nhỏ, mà còn là bi kịch chung của nhiều cộng đồng trên thế giới. Chúng ta đã chẳng phải từng chứng kiến nhiều dân tộc, vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, đánh mất bản sắc của chính mình và chìm vào quên lãng đấy sao? Tộc Ainu đã vĩnh viễn mất đi những người nói giọng Sakhalin cuối cùng của họ. Những người Ainu còn lại ở Nhật thì không còn bao nhiêu. Còn bao nhiêu người ở đảo Okinawa có thể nói thuần thục tiếng mẹ đẻ của họ? Thậm chí giới khoa học còn không thống kê được nữa là. Ngôn ngữ, lịch sử lẫn văn hóa của các tộc người thổ dân châu Mỹ giờ đã lùi sâu vào dĩ vãng cũ xưa.
Ngoài ra, tác giả còn gửi gắm vào trong tác phẩm này một nỗi khát khao mà tôi tin rằng ai cũng đều có: khát khao biết về cội nguồn cùa chính mình. Thật may mắn là phần lớn chúng ta đều biết và nhớ được rằng cha mẹ ta là ai, ta đã học ở những ngôi trường nào, bạn bè ta gồm những ai, tên tuổi họ là gì và tính tình của họ ra sao, ta thích ăn món gì, ta ghét ăn món gì, ta thích đọc những quyển sách nào, ta ghét đọc những quyển sách nào, ta thường ngâm nga những bài hát nào khi ta một mình…v…v…
Tất cả những điều ấy, kể cả những chi tiết mà ta cho là nhỏ nhoi và vụn vặt nhất, làm nên con người ta và từ đó, làm nên cội nguồn ta. Phần lớn chúng ta đều nhớ được những điều ấy, cho dù có thể chính chúng ta lại không nhận biết chúng hoặc xem chúng như một phần bản thân. Đó là với số đông. Còn đối với trẻ mồ côi thì sao? Hay tệ hơn nữa, những người vì lý do gì đó mà mất đi ký ức của mình? Những con người của những cảnh ngộ mất đi gốc rễ ấy còn khao khát biết về cội nguồn của mình hơn cả người thường. Khao khát ấy luôn mãnh liệt và âm ỉ trong con tim và tâm tưởng của họ bởi lẽ cội nguồn của một người thường góp phần quan trọng trả lời cho ba câu hỏi muôn thuở của nhân loại:
"Tôi là ai?
Tôi từ đâu đến?
Tôi sẽ đi về đâu?"
Một câu hỏi cuối mà Patrick Modiano gửi gắm vào Phố những Cửa hiệu U tối : Quá khứ hay Tương lai, đâu mới là điều có giá trị đối với một con người? Tôi tin rằng nhiều bạn sẽ trả lời ngay: “Là tương lai chứ gì nữa. Tương lai mới là quan trọng. Quá khứ đã qua đi rồi, làm sao có thể làm gì được nữa.” Phải, ta không thể tác động hay sửa đổi quá khứ được nữa vì quá khứ là thứ đứng yên. Đúng vậy, chính tôi vẫn thường nghĩ như vậy. Và sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi thường ngẫm nghĩ về câu hỏi trên. Là Quá khứ hay là Tương lai…
Con người thường nghĩ rằng mình kiến tạo nên tương lai của chính mình. Vậy thì con người kiến tạo nên Tương Lai từ những vật liệu gì? Từ nỗ lực, từ lao động, từ sự kiên trì, hay từ sự vất vả, câu trả lời khác nhau là do hoàn cảnh sống, công việc, môi trường, sự giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội cũng như tính cách của mỗi người. Vậy tất cả những thứ đó từ đâu mà có? Có chăng là từ những thói quen, suy nghĩ, những thiên hướng cũng như những cảm tính và óc phán đoán của người đó. Mà con người không hề có tất cả ngần ấy điều từ Hiện Tại. Con người chỉ có thể gặt hái những vật liệu đó từ Quá Khứ rồi đem ra sử dụng trong Hiện Tại và tới lượt nó, Hiện Tại cấu thành nên Tương Lai của mỗi người. Đó là lí do vì sao không ai giống ai cả, kể cả anh chị em ruột. Vì mỗi người đều có một cội nguồn cũng như một quá khứ chỉ thuộc về người đó, và chính vì vậy mà mỗi người đều có một bản sắc cho riêng mình, dù họ có nhận ra hay không. Lạ thay, người ta thường dễ nhận ra bản sắc của người khác hơn là bản sắc của mình. Vậy tôi xin bạn, hãy suy nghĩ thật kỹ, thật sâu rồi trả lời câu hỏi này: Quá Khứ hay Tương Lai, đâu mới là điều quan trọng đối với một con người?
Câu trả lời là như thế nào thì tùy vào bạn thôi. Về cơ bản, cuốn sách này giống như một cuốn nhật ký của nhân vật chính – Guy Roland – mọi thứ đều được đặt dưới góc nhìn của “tôi” – của Guy. Vì là “nhật ký”, hơn nữa lại là “nhật ký điều tra”, nên đọc giả có thể nhìn và nghe thấy những chi tiết từ góc nhìn của nhân vật chính và cảm thấy những cảm xúc của anh. Có lúc Guy đã bối rối và lo âu, và có lúc Guy đã cảm thấy chông chênh và thất vọng vì nhận ra tung tích của bản thân thật là mờ mịch.
“Đó, thế là rõ, tôi không phải tên là Freddie Howard de Luz. Tôi nhìn bãi cỏ mọc cao rậm chỉ còn nhuốm ánh mặt trời tà ở ngoài rìa. Không bao giờtôi từng khoát tay một bà nội người Mỹ dạo chơi theo bãi cỏ này. Thuở nhỏ,không bao giờ tôi từng chơi trong vườn “mê cung” ấy. Cái xà móc gì này vớinhững cái đu của nó không phải đã được dựng cho tôi. Đáng tiếc.- Bác bảo Nam Mĩ à?- Phải… Nhưng gã nói tiếng Pháp thạo như ông và tôi ấy…- Và bác thường thấy anh ta ở đây?- Nhiều lần.- Làm sao bác biết anh ta là người Nam Mĩ?- Bởi vì một hôm, tôi đưa xe lên kiếm gã ở Paris để chở về đây. Gã đãhẹn tôi đến chỗ gã làm việc… Trong một đại sứ quán Nam Mĩ…- Sứ quán nào?
- Đến đoạn này thì ông hỏi quá tầm hiểu biết của tôi… Tôi cần phải làm quen với sự thay đổi này. Tôi không còn là con cháu một gia đình có tên trong mấy cuốn Bottin thời lưu nữa và cả trong niên giám năm nay, mà là một gã Nam Mĩ mà tung tích còn khó dò tìm hơn gấp bội.”
“Phố vắng tanh và tối hơn lúc tôi vào khu nhà. Gã cảnh sát vẫn đứng canh vỉa hè trước mặt. Phía trái, nếu tôi cúi đầu, tôi có thể thấy một khoảng cũng vắng tanh với những nhân viên cảnh sát khác đứng canh. Như thể cửa sổ của tất cả những khu nhà nuốt lấy bóng đêm đang xuống dần. Những cửa sổ ấy đen ngòm và ta thấy rõ là không có ai ở đấy. Bấy giờ, một cái gì bật đánh “tách” trong tôi. Cái cảnh nhìn thấy từ căn phòng này gây cho tôi một cảm giác lo âu, nơm nớp, mà tôi đã từng biết. Những mặt tiền này, con phố vắng này, những bóng người canh gác này trong hoàng hôn làm tôi bối rối một cách quỷ quyệt như một bài hát hay một mùi hoa xa kia đã từng quen thuộc. Và tôi dám chắc rằng nhiều lần, cũng vào giờ này, tôi đã từng đứng đây rình ngóng không động đậy, không làm một cử chỉ nhỏ nào và thậm chí không dám thắp một ngọn đèn.”
Có duy nhất ba chương được kể theo ngôi thứ ba, và đó là các câu chuyện của ba con người khác nhau. Họ có duy nhất một điểm chung: đã từng gặp người mà Guy tin là chính anh ta, nhưng không bao giờ gặp Guy trong suốt cả cuốn sách.
“Vào khoảng bảy giờ tối, y ở bãi tắm trở về với đứa con trai và đó là cái thời điểm y thích nhất trong ngày. Y dắt tay thằng bé để cho nó chạy lên trước. Đại lộ vắng ngắt, vài tia nắng còn vương trên hè. Hai cha con đi dọc theo những dây cuốn và đứa bé lần nào cũng dừng lại trước cửa hiệu bánh mứt kẹo Hoàng hậu Astrid. Còn y thì nhìn tủ kính hiệu sách. Chiều hôm đó, một cuốn sách trong tủ kính làm y chú ý. Đầu đề sách, in chữ màu lựu, có từ “ Castille” và trong khi y đi dưới những dây cuốn, nắm chặt tay đứa con trai đang vui đùa nhảy qua những tia nắng rạch xiên vỉa hè, cái từ “ Castille” ấy khiến y nhớ đến một khách sạn ở Paris, gần khu ngoại ô Saint- Honoré.
Một hôm, có một người đã hẹn gặp y ở khách sạn Castille. Y đã gặp gã này trong những văn phòng ở đại lộ Hoche, giữa cả đám người lạ thì thầm giao dịch các vụ “ áp- phe”, và gã ấy đã ngỏ ý muốn bán cho y một cái cặp trang sức và hai chiếc vòng kim cương, vì gã muốn đi khỏi nước Pháp. Gã đã giao cho y những đồ trang sức xếp trong một chiếc hộp da và họ thỏa thuận chiều hôm sau gặp lại nhau tại khách sạn Castille. Y thấy lại trong tưởng tượng chỗ tiếp tân của khách sạn, quầy rượu nhỏ xíu ở bên cạnh và khu vườn với dây tường rào mắt cáo xanh. Người gác cửa gọi dây nói để bảo y đến và chỉ cho y số buồng. Gã kia nằm dài trên giường, một điếu thuốc lá trên môi. Gã không nuốt khói mà bứt rứt nhả ra thành từng nạm đặc. Một gã tóc nâu cao lớn, hôm qua ở đại lộ Hoche tự giới thiệu là “ cựu tùy viên thương mại của một công sứ quán Nam Mỹ”. Gã chỉ xưng gọn một cái tên tục: Pedro.”
“Một người đàn bà đứng ở một cửa sổ một tầng trệt, góc phố Rude và phố Sàigòn, có nắng và trẻ con còn chơi bóng trên vỉa hè, cách đó một chút. Người ta không ngừng nghe thấy bọn trẻ kêu “Pedro” vì có một đứa tên như thế và những đứa khác vừa gọi nó vừa tiếp tục chơi. Và cái tiếng “Pedro” ấy, gào bằng những giọng lanh lảnh, vang lên một cách kỳ lạ trong con phố. Từ cửa sổ mình, bà không nom thấy bọn trẻ. Pedro. Bà đã từng biết một người có mang cái tên đó, cách đây lâu rồi. Bà cố nhớ xem đó là vào thời kỳ nào, trong khi vẳng đến tai bà những tiếng la, tiếng cười, tiếng bình bịch của những trái bóng đập vào tường. Ờ phải. Đó là vào hồi bà làm Mannocanh ở tiệm may của Alex Maguy. Bà đã gặp một cô nàng Denise nào đó, tóc vàng, mặt hơi có vẻ Á Đông, cũng làm công việc khâu may. Hai người lập tức có thiện cảm với nhau. Cô Denise này sống với một người đàn ông tên là Pedro. Chắc hẳn là một người Nam Mỹ. Thật vậy, bà nhớ ra rằng tay Pedro này làm việc ở một sứ quán. Một gã cao lớn tóc nâu mà bà có thể hình dung lại diện mạo khá rõ nét. Bây giờ gặp, bà vẫn còn có thể nhận ra, nhưng chắc y đã già đi nhiều.”
Patrick Modiano có ý đồ gì khi viết ba chương này? Phải chăng đây là lời khẳng định về thân thế thật của Guy Roland?
Và như để tăng thêm kịch tính cho câu chuyện, tác giả đã để Guy hóa thân thành người mà anh ta đinh ninh rằng là chính con người cũ của mình trong trọn vẹn một chương sách. Ở đấy, Guy đã kể lại chuyến đi định mệnh vốn đã làm đảo lộn cuộc đời anh.
“Bây giờ, chỉ cần nhắm mắt lại. Những sự kiện xảy ra trước khi cả bọn chúng tôi đi Megève trở lại trong trí nhớ tôi, từng mẩu một. Chính những cửa sổ lớn sáng đèn của khách sạn Zaharoff cũ ở đại lộ Hoche, những câu nói rời rạc của Wildmer, những cái tên – đỏ tía lấp lánh như Rubirosa hay bảng lảng như Oleg de Wredé cùng nhiều chi tiết không sờ mó thấy được – bản thân cái giọng của Wildmer, khàn khàn và gần như không nghe rõ được – chính tất cả những cái đó đã làm kim chỉ nam cho tôi.”
Bên cạnh nội dung lôi cuốn và trầm buồn, giọng kể chuyện của Phố những Cửa hiệu U tối cũng là một điểm hay: không nhanh không chậm, khá là… đều đều. Nhưng đừng vội nghĩ đọc cuốn sách này sẽ làm bạn buồn ngủ! Hãy nhớ là Guy đang kể chuyện điều tra về chính mình, tìm lại những ký ức và những con người bị lãng quên. Mà nếu kể chuyện về quá khứ, mà lại là một quá khứ xưa lắc xưa lơ, thì bạn sẽ kể nhanh hay chậm? Tuy nhiên, ở một số ít chương, Guy, hay Patrick Modiano, đã đẩy nhanh tốc độ kể của mình, điển hình là ở Chương XIV. Những cái tên, những con số, những địa chỉ - tất cả đều nối tiếp nhau không ngừng nghỉ, tựa hồ dòng lũ bất ngờ ập tới, kéo phăng đi sự tỉnh táo của người đọc.
“Cộng hoà Đôminích Đại lộ Messine, 21 (Q.8) CaRNot 10 – 18 N… Đặc phái viên và công sứ đặc mệnh toàn quyền. Tiến sĩ Gustavo J.Henriquez. Bí thư thứ nhất. Tiến sĩ Salcador E. Paradas. Bí thư thứ hai (và phu nhân), phố Alsace, 41 (Q.10). Tiến sĩ Bienvenido Carrosco. Tuỳ viên, phố Descamps, 45 (Q.16), điện thoại: TRO 42 – 91. Vênêzuêla Phố Copemic, 11 (Q.16), PASsy 72 – 29. Công sứ quán: phố la Pompe, 115 (Q.16), PASsy 10 – 89 Tiến sĩ Carlo Aistimuno Coll. Đặc phái viên và công sứ đặc mệnh toàn quyền. Jaime Picon Fegres. Tham tán. Antonio Maturib. Bí thư thứ nhất. Antonio Brinno. Tuỳ viên.
Đại tá H. Lopez – Mendez. Tuỳ viên quân sự. Pedro Saloaga. Tuỳ viên thương mại. Goatêmala. Quảng trường Joffre, 12 (Q. 7), điện thoại: SEGur 09 – 59 Adam Maurisque Rios. Tham tán đại diện lâm thời. Ismael Gonzalez Arevalo. Bí thư. Frederico Murgo. Tuỳ viên. Êcuador Đại lộ Wagram, 91 (Q.17), điện thoại: ETOde 17 – 89 Gonzalo Zaldumbido. Đặc phái viên và công sứ đặc mệnh toàn quyền (và phu nhân). Alberto Puig Arosemena. Bí thư thứ nhất (và phu nhân) Alfredo Gangotena. Bí thư thứ ba (và phu nhân) Carlos Guzman. Tuỳ viên (và phu nhân). Victor Zevallos. Tham tán (và phu nhân), đại lộ Iéna, 21 (Q.16).
El Savador Riquez Vega. Đặc phái viên Thiếu tá J.H.Wishaw. Tuỳ viên quân sự (và con gái) F. cappurro. Bí thư thứ nhất. Luis… Những con chữ nhảy múa. Tôi là ai?”
Lời kết
Kết lại, nếu bạn muốn đọc một cuốn sách và ngẫm nghĩ về những gì viết trong sách thì Phố những Cửa hiệu U tối chính là cuốn bạn nên đọc. Hãy đọc vài chương rồi ngừng lại và nghĩ về những gì mình đã đọc, rồi đọc vài chương và ngừng lại để ngẫm nghĩ tiếp. Và sẽ càng tuyệt hơn nữa nếu bạn nghĩ về những gì bạn đã trải qua, những người bạn đã gặp hay những việc bạn đã làm.
Chúc bạn có một khoảng thời gian đáng nhớ ở Phố những Cửa hiệu U tối.
Tác giả: Dạ Lâm - Bookademy
---
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc tiếng Việt) về: [email protected]
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Phần lớn thời gian được đề cập là thời kỳ Đức chiếm đóng Paris trước và trong Thế chiến thứ hai. Anh ta sẽ biết về một quá khứ đầy rẫy những âm mưu, với những người anh yêu thương, những người anh kết bạn và những người có động cơ đáng ngờ. Một lần nữa, giống như với Modiano đã đọc trước đó, văn xuôi được sử dụng khi khám phá chủ đề về danh tính, thể hiện tài năng tuyệt vời của anh. với giọng điệu đầy ám ảnh và u sầu. Nó giống như việc nhìn vào một bức ảnh gia đình cũ mà một số người trong số họ giờ đã ra đi. Anh ấy sử dụng Paris một cách hoàn hảo, tạo ra hết cảnh này đến cảnh khác mà người ta gần như có thể ngửi thấy mùi thơm của cà phê ngon và dư vị của khói thuốc lá từ các quán cà phê và nhà hàng, khi anh ấy đi vòng quanh các đường phố của thành phố. Chỉ cần nói rõ với bất kỳ ai nghĩ rằng đây có thể là một bộ phim kinh dị theo phong cách Jason Bourne, hoàn toàn không phải vậy. Modiano không có hứng thú với những tình huống kịch tính, súng đạn hay bạo lực. Nhịp độ chậm là có lý do và hoạt động hoàn hảo song song với nhiệm vụ của Guy là cố gắng làm cho con người thật của anh ấy sống lại. Tất cả những nhân vật mà anh ấy làm quen đều có vẻ rất nhạy bén, dễ nói chuyện và trong một số trường hợp đều buồn bã và cô đơn. Đó là một cuốn sách được xây dựng dựa trên những cảm xúc nội tâm được khơi dậy và nhen nhóm lại những cảm xúc từ một thời đại đã qua. Có rất nhiều hình ảnh đẹp mà Modiano vẽ xuyên suốt cuốn sách, bức vẽ của ông là một trong những phấn màu nhẹ nhàng và mơ màng, thay vì màu tối đậm. Đối với một số người, đây có thể được coi là một câu chuyện bí ẩn với những câu hỏi chưa được giải đáp. Bất cứ ai có trái tim sẽ thấy rằng nó còn nhiều điều hơn thế. Một lối kể chuyện hay và sâu sắc. Tôi ngạc nhiên rằng hầu hết tác phẩm của Modiano về GR đều có xếp hạng trung bình thấp như vậy. Có lẽ chỉ cần một loại độc giả nào đó mới có thể đánh giá đầy đủ về anh ấy. Tôi là một trong số họ. Một ngày 5/4 đáng nhớ