Ngay từ khi sinh ra, những người Do Thái đã phải chấp nhận một số phận
đầy bất công và phải chịu sự phân biệt đối xử, thậm chí có khi họ còn bị bắt đến
những trại tập trung cùng nỗi ám ảnh về cái chết chỉ vì một lý do: họ là người
Do Thái. Điều này xảy ra do sự tàn ác của Hitler và bọn Đức quốc xã. Chúng lãnh
đạo chủ nghĩa phát xít tàn ác và khiến cho bao nhiêu người Do Thái tan nát gia
đình, đến mạng sống cũng khó bảo toàn…
Anne là người Do Thái. Cô bé và gia đình đều là nạn nhân của chiến tranh và chủ nghĩa phát xít. Mặc dù đã lẩn trốn khỏi bọn Hitler trong suất 2 năm nhưng cho đến cuối cùng, gia đình Anne và những người Do Thái trốn cùng họ đã bị bắt và đưa đến trại tập trung. Họ phải chịu bao nhiêu đau đớn, tra tấn và có khi đã phải đối diện với tử thần. Sau cùng, chỉ có bố của Anne là còn sống sót, còn lại bảy người kia đều đã chết vì sự tra tấn và ngược đãi trong trại tập trung.
Cuốn nhật ký của Anne ghi chép lại những suy nghĩ của cô bé trong suốt hai năm sống trong căn hầm bí mật “Secret Annexe”. Ngoài ra, cô bé còn kể lại những sự việc xảy ra mà cô nghe ngóng được từ phía bên ngoài: tình hình của cuộc chiến tranh cũng như tin tức về những người Do Thái khốn khổ không thể có được một nơi trốn an toàn như Anne…
Cuốn nhật ký
Từ Chủ nhật ngày 14 tháng 6 năm 1942, cuốn nhật ký bắt đầu
được ghi lại. Hai ngày trước đó là sinh nhật của Anne, cô bé được bố mẹ tặng một
cuốn sổ để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 13 của mình và Anne đã bắt đầu viết nhật
ký vào cuốn sổ này.
Nhật ký của Anne không hề giống bất cứ một cuốn nhật ký nào.
Anne coi đây là một người bạn thân thiết tên Kitty và viết thư cho Kitty mỗi
khi có điều gì muốn kể với người khác. Mỗi trang nhật ký của Anne đều như đang
kể lại câu chuyện cho người bạn thân của mình nghe vậy. Đây là điều khiến mình ấn
tượng ở cuốn nhật ký này, nó không phải là lời tự sự khô khan mà là lời kể chuyện
với một người bạn thân về cảm xúc và tâm tư của mình.
Chuyện giữ thói quen viết nhật ký thật là kỳ lạ đối với một cô bé như tôi. Không phải chỉ bởi tôi chưa từng có thói quen này trước đây mà còn là bởi có lẽ chẳng ai mảy may quan tâm đến những chuyện nhỏ nhặt mà một đứa nhóc 13 tuổi viết vào nhật ký của nó. Dù sao thì điều đó đâu có quan trọng gì. Tôi muốn viết, và hơn thế nữa, tôi muốn ghi lại ở đây những điều từ tận đáy lòng mình.
Anne Frank, 20/6/1942
Vào khoảng thời gian này, đạo luật chống lại người Do Thái của
Hitler đã lan rộng. Những người Do Thái phải nộp lại xe đạp và họ không được
phép sử dụng bất kì phương tiện giao thông nào. Người Do Thái không được ra khỏi
nhà của họ từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau, kể cả việc ngồi trong vườn nhà
mình cũng không được phép. Không chỉ vậy, họ luôn phải đeo một ngôi sao vàng
sáu cánh, không được đến rạp chiếu phim, hoặc nơi giải trí nào. Họ thậm chí còn
không được tham gia vào các môn thể thao cộng đồng. Trẻ em Do Thái bị chuyển
sang học ở trường dành riêng cho người Do Thái
và vô vàn những điều cấm kị khác.
Nếu bạn đọc hết những gì mà người Do Thái không được làm chỉ
bởi vì họ sinh ra đã là người Do Thái thì bạn sẽ thực sự cảm thấy vô cùng phẫn
nộ và bất công. Những điều Anne kể lại quá đỗi chân thực khiến cho mình vô cùng
xúc động.
Căn hầm bí mật
Cuộc chiến tranh càng lan nhanh thì cuộc sống của những người
Do Thái càng phải chịu nhiều sự phân biệt đối xử. Cho đến một ngày, giấy triệu
tập được gửi đến cho Margot- chị gái của Anne để tới trại cải tạo bên trong nước
Đức. Bố của Anne khi đó đã quyết định rằng cả gia đình họ và gia đình Van Daan-
những người cũng đang gặp nguy hiểm, sẽ chuyển tới căn hầm bí mật và ẩn náu tại
đó để vượt qua hiểm nguy.
Gia đình Anne và Gia đình Van Daan đã sống trong căm hầm bí
mật ấy trong suốt hai năm với sự giúp đỡ của bốn người đã từng là nhân viên cũ
của bố Anne. Bốn con người tốt bụng ấy đã cung cấp đồ ăn, tin tức, sách báo,
sách học tập cho Anne, Peter và Margot trong thời gian ẩn nấp.
Căn hầm nơi mà Anne sống không hẳn là một “căn hầm”. Nó là
những căn phòng không sử dụng đến nằm dưới mái của tòa nhà có 263 đường
Prinsengracht.
Ngày 11 tháng 7
Tôi không thể nói là tôi cảm thấy như ở nhà tại căn hầm này,
nhưng tôi cũng không thể nói là tôi ghét nơi này, nó có vẻ giống một kỳ nghỉ kì
lạ trong một căn nhà kì lạ thì hơn. Căn nhà thì ẩm thấp và nghiêng lệch, nhưng
trong cả nước Hòa Lan, không có nơi ẩn núp nào tiện lợi hơn nơi này. Phòng ngủ
của chúng tôi cho tới nay thì trơ trụi, nhưng nhờ có cha mang về các tờ báo điện
ảnh, tôi có thể dán kín các bức tường bằng các hình đẹp mắt.
Cuộc sống của Anne trong căn hầm mặc dù không phải đối diện
với cái chết nhưng cũng chẳng mấy vui vẻ. Cô bé luôn bị mọi người so sánh với
Margot- người chị xinh đẹp, hiền dịu và rất thông minh. Trong gia đình, Anne
không hề thích mẹ của cô bé.
Anne nói: “Tôi gần như thờ ơ với những giọt nước mắt của mẹ
và ánh nhìn của cha.” (2/4/1943)
Anne luôn nói rằng cô không hề trông mong điều gì từ mẹ mình
nhưng cô lại luôn mong ngóng tình yêu thương mà người cha dành cho cô. Cô bé muốn
cha mình yêu thương cô không phải chỉ bởi cô là con ông mà bởi vì cô là Anne chứ
không phải ai khác.
Người thứ tám
Thứ năm, ngày 12 tháng 11 năm 1942
Gia đình Anne và gia đình Vandaan đồng ý cho Dussel- một bác
sĩ nha khoa, vào ẩn nấp trong căn hầm cùng với họ và Dussel ở cùng phòng với
Anne.
Dussel kể cho mọi người về phía bên ngoài. Cuộc chiến ngày càng leo thang, giờ bọn Đức quốc xã đến gõ cửa từng nhà để tra xem có người Do Thái nào còn ẩn trốn ở đó không. Rất nhiều những người bạn của họ đã bị bắt đi, những số phận kinh khủng đang chờ họ phía trước.
Vào lúc trời tối, tôi thường trông rõ nhiều hàng dài các con người vô tội bị dẫn đi. Họ đi vào cõi chết. Tôi cảm thấy mắc tội khi còn ngủ trên chiếc giường ấm áp và hết sức hãi hùng khi nghĩ đến các bạn thân hiện nay là nạn nhân của các con quỷ dữ tợn nhất trên mặt đất. Tất cả là nạn nhân, bởi vì họ là các người Do Thái”- (Thứ năm, ngày 19/11/1942)
Anne là một cô bé nhân hậu. Cho dù đang sống yên ổn trong
căn hầm của mình, Anne vẫn luôn canh cánh trong lòng về số phận những người bạn
của mình- những con người khốn khổ không có một nơi để trốn. Thậm chí Anne đã
không thể ngủ yên trong nhiều đêm khi cứ nghĩ mãi về điều đó. Bởi vậy, Anne quyết
định sẽ không tự dằn vặt bản thân nữa, bởi cô bé nói rằng mình sẽ không thể mãi
lo nghĩ cho người khác được…
Căn nhà bị bán đi
Cuộc sống của tám người trong căn hầm luôn phải cẩn thận hết
sức để không bị những người bên ngoài phát hiện ra sự tồn tại của họ. Song họ
cũng phải nhiều lần thót tim khi có người thợ mộc hay thợ sửa ống nước đến làm
việc và kiểm tra tòa nhà.
Một ngày nọ, căn nhà bị bán đi mà cô Miep- người luôn giúp đỡ
gia đình Anne ẩn náu, không hề hay biết. Nhưng mọi chuyện cũng yên ổn qua đi bởi
người chủ mới cũng không hề để ý đến sự tồn tại của căn hầm bí mật nơi tám người
họ ẩn náu.
Sự phát triển về tâm
hồn
Anne bắt đầu có những suy nghĩ về tình yêu. Trong nhật ký của
mình, Anne thể hiện tình cảm mãnh liệt dành cho Peter, và mong muốn trở thành bạn
gái của Peter.
Ngày 7 tháng 1 năm 1944
Tôi vẫn còn nhìn thấy chúng tôi tay trong tay trên đường phố...
Peter cao, đẹp, mảnh với khuôn mặt đoan trang, bình tĩnh và thông minh. Anh có
tóc sậm màu, hai má nâu đỏ và cái mũi thanh. Điều mà tôi yêu quý nhất là nụ cười
của anh, nụ cười làm anh có vẻ ranh mãnh và tinh nghịch.
Tình cảm của Anne và Peter ngày càng tiến triển. Chính thứ
tình cảm chớm nở đầu đời này đã khiến Anne trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn
trong khoảng thời gian cô ẩn náu trong căn hầm này. Peter tỏ ra là một cậu
chàng tốt tính và ấm áp. Cả hai đều từ từ nhận ra rằng họ có rất nhiều điểm
chung và sở thích chung.
Peter và Anne thường nói chuyện với nhau. Cậu kể cho cô bé
nghe về bố mẹ mình, về chính bản thân cậu và về quá khứ cũng như những suy nghĩ
trước kia của cậu về cô. Dần dần, Anne trở nên cởi mở hơn và cô quyết định sẽ kể
với Peter nhiều hơn, để cậu hiểu cô hơn.
Tôi có một cảm giác rằng tôi và Peter có chung nhiều điều
bí mật. Mỗi khi anh ấy nhìn tôi với đôi mắt cười hấp háy tôi đều cảm thấy như
có ánh sáng lóe lên trong lòng. Ước gì chúng tôi sẽ luôn như vậy và chúng tôi sẽ
có thêm nhiều thời gian tuyệt vời bên nhau như ngày hôm nay. - (Chủ nhật ngày
19/3/1944).
Ước muốn của Anne
Anne luôn muốn trở thành nhà văn. Cô bé rất thích đọc sách.
Tất cả những cuốn sách mà cô Miep mang tới, Anne đều đọc và nghiền ngẫm thật kỹ
lưỡng.
Tôi muốn trở thành một nhà văn. Tôi biết rằng tôi có thể viết
văn. Tôi muốn tiếp tục sống sau khi qua đời! Và đây là lý do tại sao tôi biết
ơn Thượng Đế vì đã cho tôi năng khiếu này, nhờ đó tôi có thể diễn tả những gì
bên trong tâm hồn của tôi.
Đây là những gì Anne viết trong nhật ký của mình. Ước muốn sống mãi của Anne có lẽ đã thực sự trở thành hiện thực bởi cuốn nhật ký của cô bé đã làm lay động bao trái tim của độc giả trên toàn thế giới.
Lời kết
Sau cùng thì Anne và những người Do Thái kia đều không thể
thoát được số phận của người Do Thái.
Vào ngày mùng 4/8/1944, bọn Gestapo được người chỉ điểm và vào căn hầm bắt hết tám người họ lại. Từ đó, họ bị đưa đến những trại tập trung. Bảy người đã chết trừ cha của Anne. Cuốn nhật ký được cô Miep tìm thấy trong căn hầm sau khi tám người bị đưa đi. Cô Miep đã không đọc cuốn nhật ký mà lưu giữ nó lại, định chờ Anne về sẽ trả lại cô bé. Nhưng sau cùng, Anne đã chẳng bao giờ có thể trở lại nữa… Tuy không thể sống sót, Anne vẫn để lại trên đời một cuốn nhật ký mang giá trị lịch sử to lớn. Cuốn “Nhật ký Anne Frank” là một cuốn sách đáng đọc để hiểu hơn về chế độ phát xít và nỗi khổ của những người Do Thái khi sống dưới chế độ tàn độc này.
------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
Tôi thường nghĩ đến việc hạ điểm sách này xuống 4 sao vì tôi không thích phần kết được thêm vào về việc vẫn giữ niềm tin vào lòng tốt của nhân loại. Tuy nhiên, nó đã trở thành một biểu tượng văn học của Holocaust. Bên cạnh đó, câu chuyện rất giống với câu chuyện của mẹ tôi (gác mái - tầng hầm thì khác gì nhau?), tôi không thể làm điều đó.