“Quyển sách không đưa ra câu trả lời cụ thể mà gợi mở những ý tưởng đang thịnh hành ở Mỹ để người đọc tò mò và tìm hiểu thêm bằng cách Google nhiều nguồn khác nhau. Tựa đề cuốn sách là khẩu hiệu của trường Giáo dục Harvard, với ý nghĩa đơn giản là không có điểm dừng cho quá trình cải thiện thế giới mình đang sống và việc tự học hỏi chính là chìa khóa mở ra cánh cửa đổi mới”
Trương Phạm Hoài Chung sinh ra, lớn lên tại một làng quê nhỏ rìa thành phố Quy Nhơn, năm lớp 10, Chung tham gia thi và nhận học bổng toàn phần hệ trung học Chính phủ Singapore. Năm lớp 11, anh chàng sang Singapore du học. Sau đó, Chung tốt nghiệp trung học National Junior College (Singapore) với kết quả học tập luôn nằm ở nhóm dẫn đầu của trường và đoạt huy chương vàng kỳ thi Olympiad môn hóa học toàn Singapore… cùng nhiều hoạt động ngoại khóa khác.
Ấp ủ giấc mơ Harvard từ lâu, Chung nộp đơn vào trường Đại học Harvard nhưng bị từ chối (năm 2005). Song, anh lại được học bổng theo học ngành Hóa học tại ĐH Williams, một trường danh tiếng khác của Mỹ. Vài năm sau, Hoài Chung lần 2 nộp hồ sơ vào Harvard và vẫn… trượt.
Sau bao nhiêu cố gắng, cuối cùng anh đã đến Harvard học Thạc sĩ năm 30 tuổi, khi được hỏi, điều gì khiến anh không từ bỏ giấc mơ Harvard sau 10 năm trời, Hoài Chung đáp: “Ai cũng công nhận là Harvard là trường Đại học hàng đầu thế giới về học thuật. Khi được học chương trình thạc sĩ giáo dục ở đây mình sẽ được học tập với những giáo sư đầu ngành ở Mỹ cũng như giao lưu với các thầy cô tài năng khác trên khắp nước Mỹ và thế giới. Harvard đối với mình không quan trọng là tấm bằng danh giá, mà quan trọng là những mối quan hệ mình có được, những cơ hội mới mở ra, những chân trời trí tuệ mới mình được một lần may mắn chạm đến”.
Nhật ký 300 ngày ở Harvard – Học để thay đổi thế giới là tâp hợp những câu chuyện nhỏ sau 300 ngày học hỏi và lang thang đến mọi ngóc ngách của Harvard, đó có thể là những công cụ mới giúp học sinh và sinh viên Việt Nam tự học những kiến thức và kỹ năng mà một người Mĩ đồng trang lứa đang được trang bị. Cuốn sách được viết theo phong cách những dòng tâm trang trên Facebook, gần gũi, đơn giản và cảm xúc. Những ngày trôi qua ở Harvard ta bắt gặp những thầy Chung khác nhau, nhưng vẫn luôn có một thầy Chung đầy nhiệt huyết và mong muốn trở thành một nhà giáo dục đem đến cơ hội phát triển tốt nhất cho thế hệ tương lai.
Những ngày đầu: Thầy Chung lãng mạn, có chút cô đơn
Mười năm trước là lần đầu tiên mình qua Mĩ học đại học, vào lớp mấy bạn người Mĩ nói huyên thuyên liên tục, không thể chen vô. Mỗi lần đến lớp phải đọc ít nhất 50 trang sách, và cứ như vậy bò bõm hơn một tháng mới bắt kịp nhịp độ của lớp.
Bây giờ, sau mười năm, đi học thạc sĩ cùng với toàn thầy cô dạy giỏi ở Mĩ, vẫn thấy khớp quá. Nhưng có lẽ mình và họ có một điểm chung là đều hừng hực đam mê dùng giáo dục để “thay đổi thế giới”.
Thầy Chung của mười năm trước hay mười năm sau vẫn vậy, có lẽ đó cũng là tâm trạng của những tân sinh viên những ngày đầu nhập học, có háo hưc, có bỡ ngỡ, có những hi vọng nhưng cũng phảng phất những cô đơn và chút lạc lõng thuở mới đầu. Nhưng rồi chỉ cần chịu khó lắng nghe, chăm chỉ và học bằng tất cả đam mê thì những con người Việt Nam đầy hoài bão ấy sẽ chẳng thua kém ai.
Harvard là thiên đường học thuật nhưng vẫn có những người ăn xin cả da trắng và da đen ngồi rải rác ở khu Harvard Square, có lẽ nhà trường để vậy là có dụng ý gì chăng?
Ở Harvard, lớp học rất đông người, mỗi lớp khoảng 80 người, khi đi học phải mang theo bảng tên để giáo sư gọi tên. Trên lớp, giáo sư chỉ đóng vai trò là người dẫn dắt, đặt câu hỏi và ghi chép cuộc thảo luận lên bảng chứ không đưa ra đáp án cụ thể. Bạn nào muốn phát biểu thì phải giơ tay, mỗi lần giơ tay thì có trợ giảng đánh dấu tên vì việc phát biểu trên lớp chiếm 40% điểm số.
Nhưng làm thế nào để có thể ngày nào cũng phát biểu và phát biểu khi có rất nhiều người dõi theo bạn thì quả thật cần phải nghiên cứu trước bài học thật kỹ càng.
Đi du học, và đặc biệt học ở Harvard, bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người tài năng và có cơ hội mở rộng quan hệ cho công việc sau này, đó chính là Networking, nên nếu chọn quen nhiều người một cách nông cạn với hiểu sâu sắc về năm người, thì thầy Chung vẫn tin là nên hiểu sâu sắc về năm người thì hơn.
Khép lại một tháng đầu tiên ở Harvard cũng là sinh nhật lần thứ 31 của thầy Chung, thầy tự thấy mình đã già nhưng khi nghĩ về tương lại với những điều tuyệt vời phía trước, thầy thầm cảm ơn vì bản thân đã luôn sống hết mình, dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai.
Khi ở Sài Gòn, mỗi lần đi xe máy, có nhiều người vượt mặt mình lắm, nhưng mình tự nhủ, cứ để họ vượt, mình thong thả rồi mình cũng đến nơi an toàn. Trong cuộc sống cũng vậy, mình phát triển chậm nhưng rồi cũng tìm được một chỗ đứng để chia sẻ và đón nhận.
Những ngày tiếp theo: Thầy Chung quan sát
Những giờ học trong lớp Leadership ở Harvard luôn đem đến những trải nghiệm thú vị. Có lần họ mời đến lớp Trưởng phòng giáo dục của quận Ferguson- nơi xảy ra vụ bắn chết một cậu bé da màu 18 tuổi, khi chia sẻ về việc lãnh đạo trong một môi trường hỗn loạn, ông cho rằng “niềm tin” là quan trọng nhất vì mọi người chỉ làm theo lãnh đạo khi lãnh đạo thực sự đem đến giá trị mà họ cần.
Mình thật sự ấn tượng với một câu nói của ông: Họ quan tâm bạn là ai, nhưng họ quan tâm hơn là bạn cũng quan tâm đến họ.
…
Lớp Leadership ở Harvard dường như không dạy mình cách làm lãnh đạo tốt mà dạy mình trước tiên phải làm người tử tế.
Với những nhà giáo dục như thầy Chung, việc đọc sách là vô cùng quan trọng, trong cuốn sách này, thầy đã chia sẻ câu chuyện về việc người ta đồn rằng nhà tù ở Mĩ dùng điểm đọc hiện tại của học sinh lớp 3 để dự đoán trong tương lai nên xây nhà tù lớn cỡ nào.
Rowling: Harry Potter và Voldemort đều là trẻ mồ côi
Fan: Họ đều là trẻ mồ côi ạ?
Rowling: Harry Potter những năm đầu được sống trong tình yêu của bố mẹ, nhưng Voldemort thì không.
Fan: Harry Potter may mắn hơn rồi.
Rowling: Voldemort sau này trở nên tàn ác.
Fan: Con thấy ba năm đầu thực sự quan trọng đối với sự phát triển nhân cách của con người.
Các giáo sư ở Harvard vẫn thường hay nói: Tôi không rõ vẫn đề này, có ai chia sẻ đươc không? Theo thầy Chung, những lớp học với giáo sưu như vậy thực sự rất thú vị, nghĩ cho cùng giáo sư cũng chỉ hơn sinh viên một cái bằng Tiến sĩ, chứ kinh nghiệm thực tiễn có khi không bằng. Trong lớp cùng học có luật sư, hiệu trưởng, nhà tâm lý học, doanh nhân, kỹ sư phần mềm.. có những trải nghiệm mà giáo sư không có.
Người Mỹ có quan tâm điểm số?
Câu trả lời là có, ở Harvard các bạn người Mĩ của thầy Chung vẫn hay bảo nhau “ Tao chỉ được 27/30 thôi”, “ Tao phải cố để được điểm cao hơn”. Nhiều cuộc tranh luận trong giáo dục xoay quanh vấn đề điểm số có làm học trò cạnh tranh không lành mạnh và mất đi đam mê học hỏi không. Với quan điểm của một nhà giáo dục tự do, thầy Chung cho rằng điểm số đánh giá được một phần thái độ, sau những năm dạy học, thầy cho rằng điểm thấp vì khả năng thì có thể cải thiện chứ điểm thấp vì thái độ là bệnh nan y.
Hãy coi điểm số là cơ hội để thích nghi với môi trường học thuật mới. Điểm số không tốt là dấu hiệu bạn cần tìm sự giúp đỡ.
Phân biệt chủng tộc
Ngày 20/11, sau 3 tháng ở Mĩ, đúng vào ngày thiêng liêng với một người làm giáo dục như thầy Chung, chân dung gương mặt các giáo sư da màu ở trường Đại học Luật Harvard đã bị dán băng keo đen. Phân biệt chủng tộc vẫn len lói đâu đó trong tiềm thức của người Mĩ và rồi sự việc đáng buồn này đã xảy ra. Nhưng thầy Chung vẫn tin vào cộng đồng Harvard nói riêng và cộng đồng học thuật Mĩ nói chung sẽ luôn trân quý và bảo bọc sự khác biệt. Thiên đường học thuật sẽ không bị làm dơ bẩn dễ dàng như thế đâu.
Bản thân mình đã sống năm năm ở Singapore và năm năm ở Mĩ, luôn nhìn nhận bản thân mình là thiểu số, nên vừa cố hòa nhập, vừa phải thể hiện năng lực và cá tính của mình. Thực sự cảm thấy mình không thua họ nhiều, nhưng không khỏi bàng hoàng khi bắt gặp cái nhìn miệt thị thi thoảng vụt qua trong mắt họ.
Học cùng con nhà giàu
Nhận học bổng đi du học, bạn sẽ được trường chu cấp chỗ ở, tiền sinh hoạt phí và học phí, nhưng để có thể cùng các bạn tham gia những bữa tiệc, đi ăn ở nhà hàng sang trọng thì điều đó là không thể. Mười năm sau khi trở lại Mĩ và đươc học ở Harvard, thầy Chung vẫn nhận thấy điều đó khi học cùng những bạn có điều kiện tài chính hơn mình rất nhiều lần. Nhưng hãy suy nghĩ lạc quan bạn sẽ thấy rằng dù có người không chơi với mình thì bạn vẫn còn cả tấn việc khác để làm ở ngôi trường già nhất nước Mỹ này, đâu nhất thiết cứ phải hòa nhập với họ?
Những ngày gần cuối: Thầy Chung làm bố
Thầy Chung là một người làm giáo dục, vậy nên đối với thầy việc dạy dỗ con gái mình và định hướng tương lai là điều thầy dành nhiều tâm sức. Sau những mẹo vặt học hỏi trên mạng xã hội, những suy nghĩ của riêng thầy về giáo dục, thầy đề cao việc “cùng con”, chứ không phải “vì con” hay “cho con”
Ở Phần Lan có một luật là trẻ em cứ học một giờ thì sẽ được chơi 15 phút. Giờ chơi là các bé phải ra ngoài chạy nhảy thoải mái. Mình thấy luật này tạo sự cân bằng cho các trạng thái căng thẳng.
Trẻ em là giai đoạn bộ não được kích thích nhiều nhất. Games là thứ có thể kích thích dễ và nhanh nhất, nhưng lại không có bóng dáng của người lớn. Cha mẹ phải trang bị những phương pháp kích thích khác mà mình cùng tham gia với con. Những kích thích đó là gì?
Đọc sách, nghe nhạc cùng con
Làm việc nhà cùng con
Đi tham quan du lịch cùng con
Từ khóa là “cùng con”
Là một sinh viên Harvard, là một người vừa làm cha, những bài học trên lớp đều được thầy liên hệ với chính cuộc sống của mình. Thầy kể, lớp Educational Outcomes của thầy học về sự khác nhau giữa “người nghĩ rằng khả năng của mình là cố định” và “người nghĩ rằng khả năng của mình có thể thay đổi”, và nhận thấy rằng kiểu người thứ hai dễ tiến bộ hơn vì học không sợ bị mắc lỗi, không sợ bị đánh giá.
Vì thế khi khen trẻ con không nên nói” Con thông minh quá, con giỏi quá, vì lỡ lần sau trẻ em thất bại, chúng sẽ cảm thấy cực kỳ xấu hổ và không có động lực tiến bộ nữa. Vậy phải khen làm sao?
Nhà giáo: Bác sĩ tâm hồn
“Bạn quan tâm đến thứ bạn bỏ vào miệng, thì bạn cũng nên quan tâm đến thứ bạn bỏ vào đầu”
Michael Ross, Phó Chủ tịch của công ty Bách Khoa Toàn Thư trên 300 tuổi www.britannica.com khi được hỏi về việc tại sao có nhiều thứ miễn phí trên Internet nhưng người ta vẫn bỏ tiền ra mua Bách Khoa Toàn Thư, ông nói nếu lấy đồ ăn miễn phí ở vỉa hè, bạn vẫn bỏ tiền ra mua đồ ăn để đảm bảo vệ sinh. Vậy trên mạng có nhiều thứ tạp nham miễn phí lại càng làm cho người ta cần thông tin chính xác, nên công ty của ông vẫn có thể vận hành tốt như bây giờ.
Đó là giờ học mà thầy Chung nhớ nhất, thầy đúc kết được một điều rằng: “Không biết cách ăn uống thì bị tiêu chảy và các phản ứng khác. Không biết cách chọn lọc thông tin để cho vào đầu cũng gây tác hại tương tự. Không thể xem trọng công việc của bác sĩ dạ dày và xem nhẹ công việc của bác sĩ tâm hồn được!
Con gái
Có lẽ, đây là phần cảm động nhất đối với tôi khi đọc cuốn sách này, bởi những gì thầy Chung gửi gắm đến con gái mình làm tôi nhớ đến bố của mình- người có bốn cô con gái. Mặc dù xã hội đã phát triển hơn trước rất nhiều, nhưng trong suy nghĩ của rất nhiều người Việt Nam thì giữa con gái và con trai quả thực có rất nhiều quan niệm tiêu cực. Năm nay, 3/3 thí sinh quốc tịch Việt Nam được nhận vào Harvard đều là con gái, điều đó cho thấy rằng những quyết định đầu tư và định hướng cho con cái sẽ dựa trên điều kiện của gia đình và tài năng sở thích của con, chứ không phải dựa vào giới tính.
Con à, ba không hiểu biết nhiều về phong trào nữ quyền, nhưng ba sẽ không để bất cứ vật cản nào ngăn con không thực hiện được ước mơ của mình chỉ vì con là con gái.
Con chỉ đơn giản là con của ba mẹ, là thiên thần của mọi người.
Con sẽ được tự do theo đuổi đam mê của con, không phải để bằng những đứa bạn khác, mà là để con sống cuộc đời con mong muốn.
…
Một cô bạn của ba đang học tiến sĩ ở Đại học MIT bức xúc khi nghe một anh khuyên con gái đừng học cao quá sẽ khó lấy chồng. Nếu sau này có anh nào khuyên con như vậy, thì con cứ đáp lời rằng: Ba em bảo anh không xứng đáng làm con rể ba, vì anh vô tình ngăn cản không cho em thực hiện ước mơ của mình vì em là con gái.
Anh ấy có thể đi chỗ khác tìm vợ, còn con thì tiếp tục phát triển năng lực của mình ở Harvard (hay Williams hay bất cứ đâu con muốn).
Ngày 300: Học tiếp để thay đổi tiếp thế giới- Trang cuối cùng trong hành trình một năm học Harvard
Tiếc vì còn nhiều giáo sư và sinh viên mình chưa có dịp làm quen, những buổi hội thảo và các hoạt động mình bỏ lỡ- quá nhiều cơ hội học hỏi và tạo mối quan hệ
Mừng vì sau 9 tháng vừa hoàn tất việc học, vừa chăm lo cho thành viên mới trong gia đình, vừa tham gai điều hành công việc ở cách nửa vòng trái đất, vừa gây quỹ vượt mong đợi cho dự án thiện nguyện cấp bách. Ơn giời, mình đã về địch lành lặn và hân hoan!
Hứng vì càng học càng thấy mình nhỏ bé trong trí thức nhân loại, càng thấy con đường học vấn của mình thênh thang hơn. Hôm nay hiệu trưởng trường giáo dục Harvard nhấn mạnh là với bằng Harvard, bạn không nhất thiết phải là một chuyên gia đưa ra câu trả lời mà nên hỏi những câu hỏi hay để kích thích tư duy và phát triển tiềm năng của thế hệ sau.
May vì ba mẹ là nhà giáo, nên ngoài thừa hưởng gen đam mê của họ, mình còn được nhận sự giáo dục nhân cách hạng A. Và mình thấy may mắn được gọi là thầy để mang đến những điều tích cực nhất cho phụ huynh và học trò. Giáo dục mang lại giải pháp lâu dài cho nhiều vấn đề nan giải và mình hân hạnh được là một trong những thuyền trưởng đưa đàn em ra biển lớn.
Đó là tất cả những cảm xúc của thầy Chung vào ngày quan trọng ấy- ngày nhận bằng tốt nghiệp Harvard.
Tác giả: Xoan Nguyễn - Bookademy
----------------------------------
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Bên cạnh những bài học trong lớp từ giáo sư và đồng môn Harvard, tác giả còn tường thuật lại những câu chuyện về cuộc sống sinh viên xa nhà và cách chống trầm cảm, về ước mơ hoài bão của cộng đồng du học sinh Việt, về những thử thách và cơ hội đối với giới trẻ trong thế kỷ 21...
Quyển sách không đưa ra câu trả lời cụ thể mà gợi mở những ý tưởng đang thịnh hành ở Mỹ để người đọc tò mò và tìm hiểu thêm bằng cách khác nhau. Tựa đề quyển sách là khẩu hiệu của trường giáo dục Harvard, với ý nghĩa đơn giản là không có điểm dừng cho quá trình cải thiện thế giới mình đang sống và việc tự học hỏi chính là chìa khóa mở ra cánh cửa đổi mới “Học để thay đổi thế giới”