Cuộc sống của chúng ta đang ngày càng co hẹp lại. Ta lúc nào cũng vội vội vàng vàng, cắm đầu cắm cổ, đầu óc vẩn vơ, chỉ nghe thấy những giọng nói mình đã quen thuộc và hiếm khi bỏ công ra trải nghiệm điều gì đó hay ai đó mới mẻ. Nói chuyện với người lạ sẽ kéo bạn vào những trải nghiệm về tính nhân văn có trong mọi người và tạo ra những mối liên hệ cảm xúc chân thành. Nó sẽ mở rộng chân trời của bạn.
Người lạ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta- tên cuốn sách đã thu hút tôi ngay khi nhìn thấy nó. Một ngày thu tháng 10, khi đang cảm thấy bản thân quá nhiều những bận rộn với việc học tập, thi cử, và làm thêm, tôi quyết định để bản thân được “nạp lại năng lượng”, và rồi buổi chiều hôm ấy, tâm hồn tôi bình yên đến lạ với những suy nghĩ mới mẻ mà cuốn sách đem lại.
Bạn biết không, ở trường Đại học New York có một môn học rất lạ “ tương tác với người lạ”, và chính tác giả Người lạ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta là giảng viên môn học này. Kio Stark hoàn thành chương trình Tiến sĩ về Hoa Kỳ học tại trường Đại học Yale. Cô từng làm báo, làm quảng cáo tương tác, nghiên cứu cộng đồng và thiết kế game. Với những câu hỏi dành cho chính bản thân mình: “Vì sao người lạ lại làm việc này mà không làm việc khác”, “tại sao mọi người trên thế giới lại nói chuyện với nhau”… và rồi cô đã quyết định viết cuốn sách này. Mỗi ngày gặp gỡ, quan sát, nói chuyện với những người lạ xung quanh mình, cô đã viết nên một cuốn sách vô cùng thú vị khiến bản thân tôi cảm thấy hạnh phúc mà không biết vì sao, có lẽ bởi tôi đã nhận ra rằng, lâu nay mình sống vội quá chăng?
“Một ngày nọ, khi đang ở trong thang máy, tôi chào hỏi một người phụ nữ đứng cạnh tôi, tôi nhìn bà ấy và chỉ nói “ Chào buổi sáng” và sau đó nhìn về phía cửa. Tôi không muốn bà ấy nghĩ rằng tôi muốn điều gì đó từ bà ấy, không phải như vậy. Vì thế bà ấy quay sang tôi và nói “Chào buổi sáng anh bạn”. Và bà ấy nói “Anh biết không, cảm ơn anh nhé. Giờ thì tôi cảm thấy mình giống một con người”. Tôi chỉ cố làm điều đó, ý tôi là tôi ao ước sao mọi người đều hiểu. Mọi người không phải sống như thế, như thể không phải là chúng ta đều đang có mặt ở đây vậy.
Nói chuyện với người tôi chưa từng gặp là một cuộc phiêu lưu. Đó là niềm yêu thích của tôi, là sự nổi loạn của tôi, là cuộc cách mạng của tôi. Đó là cách mà tôi sống.
Đây là lý do tại sao. Khi nói chuyện với người lạ, bạn đã thực hiện một sự ngưng nghỉ bất ngờ và tuyệt đẹp giữa chừng những hoạt động hàng ngày định sẵn của bản thân. Bạn làm thay đổi cảnh huống. Bạn tạo ra những mối liên hệ có ý nghĩa dù chỉ trong thoáng chốc. Bạn bắt gặp những câu hỏi mà bạn tưởng rằng mình đã biết câu trả lời. Bạn phá bỏ những ý tưởng khiến chúng ta ngờ vực lẫn nhau.”
Người lạ là ai?
Bạn đã có câu trả lời cho mình chưa?
Thật khó để nói chính xác Họ là ai?, họ là người lần đầu tiên bạn gặp, là người lần đầu tiên bạn nói chuyện, là người hàng xóm mỗi ngày bạn đều gặp nhưng chưa từng chào hỏi nhau, là người mỗi ngày đều nhìn thấy bạn nhưng bạn lại không biết đến sự hiện diện của họ. Ba tháng nay, mỗi ngày tôi đều đi làm qua một con đường, gặp những con người như vậy mối ngày. Bác bảo vệ trước của hàng điện thoại, anh lính gác cổng trước doanh trại quân đội, những người hàng xóm trong khu chung cư của em học trò tôi dạy… mỗi ngày tôi đều gặp họ, có đôi lúc lắng nghe cuộc nói chuyện trong thang máy của họ, có đôi khi nhờ anh bảo vệ khu nhà quẹt thẻ thang máy hộ nếu tôi quên… nhưng với tôi họ vẫn là người lạ. Thật khó đưa ra một định nghĩa cho Người lạ, tôi nghĩ nó thuộc về cảm nhận của mỗi người.
“Người lái xe nói với tôi: “Tôi sẽ luôn hôn vợ tôi mỗi ngày nếu cô ấy để tôi làm vậy”
…
Chúng tôi đang đi dọc theo con sông, và giao thông khá là chậm chạp. “Tôi gặp cô ấy trên một chuyến xe. Một khách hàng. Tôi đón cô ấy gần một bệnh viện và chúng tôi nói chuyện nhiều đến nỗi tôi đi qua cả địa chỉ mà cô ấy cần tới. Cô ấy nói không sao. Chúng tôi đã cùng nhau ăn sáng vài hôm sau đó và rồi cô ấy chuyển đến sống cùng tôi. Tám năm rồi.”
Bạn thấy không, đôi khi người lạ ấy lại là người đi cùng chúng ta đến cuối cuộc đời này.
Thế giới người lạ
Ngày nay, những câu chuyện trên báo đài khiến chúng ta lo sợ về việc tiếp xúc với người lạ. Những vụ lừa đảo, trộm cướp, bắt cóc đều liên quan đến người lạ. Bởi vì con người ta có xu hướng ghi nhớ những sự việ tiêu cực và quan tâm đến chúng nhiều hơn khi xem tin tức nên việc “ người lạ” sẽ có thể là người xấu đã là một suy nghĩ trong tiềm thức khiến chúng ta lo sợ đến nỗi không dám tiếp xúc với người lạ. Bản thân tôi, dù biết rằng những “người lạ” mà tôi gặp hằng ngày ấy là những người mà tôi sẽ gặp tiếp trong một năm tới nếu tiếp tục công việc của mình, họ là những người tốt, nhưng có một cái gì đó khiến tôi lo sợ khi tiếp xúc với họ, là cái gì thì bản thân tôi vẫn chưa thể hiểu được, chỉ biết là nó thôi thúc tôi rằng: Đừng nói chuyện, đừng liên quan gì đến họ, bạn sẽ an toàn. Dù cho tôi biết rằng mình thật ích kỷ.
“Tại sao con người ta lại sợ người lạ? Bởi vì ta không dễ dàng hiểu được địa vị hay những ý định của họ? Bởi vì tội phạm và những vụ tấn công thỉnh thoảng lại do những người lạ mặt gây ra, hoặc giữa những người lạ, và đó là những vụ việc mà chúng ta nghe thấy thường xuyên nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi vì có những tình huống mà khả năng đọc hiểu lẫn nhau của chúng ta thực sự là quan trọng. Nó có vai trò quan trọng tới sự an toàn của chúng ta, và vì thế khả năng hiểu người khác càng trở nên cấp thiết. Bởi vì sợ hãi thì dễ hơn là mạo hiểm.
Thiếu một nhận thức đúng đắn, nỗi sợ hãi của chúng ta chính là một rào cản đáng sợ ngăn cản sự hiện hữu và tinh thần cởi mở cho phép chúng ta kết nối với những người lạ mặt để thay đổi chính chúng ta và thế giới mà chúng ta đang sống. Nỗi sợ hãi xác thực và phổ biến sẽ nuôi dưỡng những định kiến về sau thành những bộ luật có tính công kích và những chính sách thiếu tính khoan dung, những sự biện hộ cho các biện pháp quản lý xã hội và tình trạng bạo lực hàng ngày. Vì thế khi chúng ta nói chuyện với người lạ thì điều đó mang tới nhiều hơn cả sự thân mật. Trò chuyện với những người khác biệt với chúng ta có thể có tác dụng chuyển hóa lớn lao. Đó chính là phương thuốc đặc trị nỗi sợ hãi.”
Trở thành công dân toàn cầu
Người lạ và việc trở thành công dân toàn cầu có gì liên quan đến nhau. Liệu như tác giả có đang quan trọng vấn đề này khi để nó cạnh một vấn đề chính trị. Thực ra, toàn cầu hóa là quá trình mà công dân trên toàn thế giới có thể tiếp cận với nhau, giao lưu, trao đổi. Thế giới ấy sẽ có vô số người lạ và bạn cần nói chuyện, trao đổi công việc với những người lạ ấy để công việc của bạn ngày càng phát triển hơn. Để trở thành công dân toàn cầu, chúng ta cần bao dung, cởi mở, không ngừng tò mò và tin rằng chúng ta đều là người một nhà.
“Vì thế, tôi có thể nói với bạn rằng: Nếu người ta chịu trò chuyện với những người lạ, tất cả những vấn đề xã hội đô thị và sự phân biệt về văn hóa sẽ biến mất. Điều này phức tạp hơn thế rất nhiều và liên quan không chỉ đến việc thay đổi cách chúng ta tiếp cận với người khác. Nhưng khi bạn nói chuyện với một người lạ, khi bạn ngưỡng mộ và tôn trọng sự khác biệt của họ, khi bạn giúp đỡ họ, bạn đang làm cho thế giới quang bạn trở nên mềm mại hơn, tạo ra không gian cho sự thay đổi…”
Cơ chế tương tác
Bạn đã bao giờ nghe đến “Sự thờ ơ văn minh”, đó là khi chúng ta giữ một khoảng cách vật lý và xã hội nhất định với những người xung quanh để đảm bảo cuộc sống của chính mình được thoải mái. Nó được coi như thứ dầu bôi trơn giữ cho động cơ hoạt động, mọi thứ đều diễn ra trơn tru, không xích mích, không phiền hà, không một giây phút nào bị lãng phí.
Trong cuốn sách, tác giả làm rõ thế nào là sự văn minh thờ ơ bằng một ví dụ rất thú vị. Khi hai người lạ mặt đi ngược chiều nhau ở những khu vực công cộng, họ thường đưa mắt nhìn nhau ở khoảng cách xa, sau đó quay đi khi lại gần hơn và tiếp tục đi qua nhau. Nỗ lực nhỏ bé này giải quyết được hai việc: kiểu mẫu ứng xử báo hiệu việc nhận biết sự có mặt của người kia trong một không gian chung. Ánh mắt lảng đi liền sau đó xác nhận rằng cả hai đều không có ý can dự gì vào người kia, rằng ở đây không có mối đe dọa nào cả, cũng không xem người kia là một mối đe dọa. Không có sự thận trọng nào và không có sự tấn công nào. Sự thờ ơ chung của hai bên chắc chắn mang tinh thần lịch sự.
“Vì thế, trong các cộng đồng đánh giá cao sự thờ ơ văn minh, bạn sẽ thấy những quy ước bằng ngôn ngữ cơ thể và giọng nói giúp mọi người tránh làm phiền người khác. Dù những dấu hiệu chính xác là thế nào, chúng vẫn thường baoo hàm cảm nhận thoáng ca từ cả hai phía về việc công nhận sự tồn tại của nhau mà không cần bất kỳ một sự cam kết xã hội nào, không cần cảm giác rằng chúng ta đang trực tiếp quan sát lẫn nhau. Chúng ta biết rằng chúng ta đang chia sẻ không gian chung trong chốc lát và chúng ta giữ khoảng cách. Chúng ta giải phóng cho nhau khỏi sự cần thiết phải tương tác. Chúng ta tuyên bố bằng cơ thể mình rằng chúng ta không có hại và không có ý định tấn công ai cả. Chúng ta không đang bán cái gì, chúng ta không đòi hỏi cái gì, không tán tỉnh lẫn nhau, không định quấy rầy nhau, không phải là mối hiêm họa gì của nhau.”
Người lạ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta? đề cập đến những niềm vui và cơ hội chuyển hóa bản thân nhờ nói chuyện với những người ta không quen biết. Nói chuyện với người lạ chính là một cuộc phiêu lưu, là niềm ưu thích, là sự nổi loạn, là một cuộc cách mạng. Hãy sống và như chia sẻ từ câu chuyện đầu cuốn sách “ Sống như thể chúng ta đều đang có mặt ở đây”.
Tác giả: Xoan Nguyễn - Bookademy
------------------------
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về:[email protected]
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Một điểm mạnh của cuốn sách là khả năng giúp tôi phát triển kỹ năng thích nghi. Kio Stark đã chỉ ra rằng những cuộc gặp gỡ với người lạ có thể dẫn đến những tình huống bất ngờ và thử thách. Điều này đã dạy tôi cách linh hoạt hơn trong suy nghĩ và hành động. Đọc sách, tôi cảm thấy tự tin hơn khi đối diện với những tình huống mới, điều này đã giúp tôi cải thiện khả năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.