“Người Hungary - số lượng chỉ khoảng 10 triệu người - sở hữu 15 giải Nobel, trong thế kỷ 20 đóng góp cho khoa học và văn hóa nhân loại không kém cạnh nước Đức 60 triệu người, đồng thời là những người ít nói, những cao bồi cô đơn, những kẻ ba hoa, ngông nghênh, nóng nảy trong quán rượu, những bà già ngồi lê đôi mách có thể thay thế hoạt động của cơ quan KGB hay CIA, những người khảng khái, những kẻ ranh ma…”

Đó là những gì mà chúng ta có thể hình dung ra về người Hungary trong cuốn sách của Lackfi János. Người Hungary - Họ là ai?, với nghệ thuật tự phê phán, tự trào hài hước, là một cuốn sách hấp dẫn và thú vị được chính Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam giới thiệu và xuất bản. Lackfi János không chỉ viết cuốn sách này với niềm tự hào về đất nước mình mà còn có góc nhìn cởi mở, khách quan như một người nước ngoài. Vì vậy, bạn sẽ bắt gặp trong cuốn sách những câu chuyện lịch sử hào hùng và cả những thói xấu, những mặt tiêu cực của dân tộc này.

“Đất nước kiểu gì thế này?”

Một điểm đặc biệt của cuốn sách này so với các cuốn sách văn hóa khác, đó là cách kể chuyện hài hước và trào lộng của Lackfi János khi viết về chính con người của đất nước mình. Sự đùa cợt chế giễu của tác giả khi nói về những thói xấu của người Hungary khiến người đọc không chỉ cảm thấy thích thú, mà còn tự giác nhìn lại mình.

Để nói về thói quen tiêu thụ rượu của người Hungary, tác giả đã kể một câu chuyện ngắn. Một nhóm làm truyền hình muốn tìm hiểu về cuộc sống nông thôn, đã tìm đến một bác nông dân trong một làng nhỏ. Bác nông dân kể về một ngày bình thường của mình, bắt đầu lúc năm giờ sáng bằng cách tợp một ngụm pálinka mận (rượu chưng cất từ hoa quả mạnh trên 50 độ). Phóng viên vội ngăn lại, bảo rằng hình ảnh này thật không hay trong mắt người thành phố, bác hãy nói bác đọc gì đó thay cho uống rượu nhé. Vậy là bác nông dân sửa lại lời của mình:

Được. Sáng sớm dậy, tôi lướt nhanh qua một bài báo. Trong bữa sáng, tôi xem qua tờ nhật báo. Sau đó tôi thả gia súc, rồi ra đồng làm việc, đem theo một cuốn sách, thỉnh thoảng ngó đọc chút chút. Lúc ăn trưa tôi đọc thêm một chương, buổi chiều tôi làm trong xưởng, trong khi giở một cuốn tạp chí. Bữa tối tôi thận trọng lật vài trang, sau đó sang thư viện, cùng đọc với bạn bè. Thư viện đóng cửa lúc mười giờ, nhưng chúng tôi còn kéo nhau sang nhà Pista một lúc, hắn ta có xưởng in tại gia.


Hay khi kể về lịch sử, các cuộc giải phóng, cuộc chiến tranh, Lackfi János cũng khiến các câu chuyện trở nên thú vị và sống động. Tác giả viết về các cuộc đấu tranh vì tự do trong quá khứ của Hungary chống lại triều đình Áo, nền Quân chủ Habsburg hay chính thể Xô viết đều thất bại, kết thúc bằng sự đầu hàng của các vị lãnh tụ khi biết rằng sự giúp đỡ mà họ hy vọng từ phương Tây sẽ không bao giờ tới.

Không ai nói với những người Hung đó rằng, các con bài đã được phân chia sẵn, các cường quốc đang cắt móng tay, đang tán gẫu với  Madame Pompadour, đang chơi bài Poker, hay đang ngủ gà ngủ gật sau bữa ăn trưa thịnh soạn. Rằng trong khi quân Hung đang quần nhau với quân Thổ, thì ở Viên, cà phê Thổ và Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ của Mozart đang trở thành mốt. Rằng trong khi dân Hung đang rên xiết dưới sự kìm kẹp của người Nga, thì ở Tây Âu nhiều thanh niên mắt rực sáng nhìn thấy sự xuất hiện của thiên đường cộng sản chủ nghĩa.

Với văn phong như vậy, các câu chuyện trong cuốn sách có độ dày khiêm tốn này cũng mang nhiều tầng ý nghĩa, ẩn chứa các câu chuyện văn hóa đặc trưng của Hungary. Theo báo Sóng Trẻ, dịch giả Giáp Văn Chung tại buổi ra mắt cuốn sách đã cho biết: “Khi thấy cuốn sách này chỉ có hơn 100 trang, tôi nghĩ rằng chỉ cần một tháng là mình có thể dịch xong. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì nó không dễ như tôi tưởng. Vì văn phong của Lackfi János rất ngoắt ngoéo và phức tạp. Thứ hai, cũng có rất nhiều điển cố trong cuốn sách, nhiều sự kiện lịch sử, nhiều ẩn ý mà nếu chỉ dịch xuôi thì độc giả Việt Nam khó hiểu trọn vẹn. Tôi đã mất nhiều thời gian hơn để tra cứu và giải thích cặn kẽ từng chi tiết một, kéo dài thời gian dịch sách đến tận 2 tháng rưỡi”.

Người Hungary như thế nào?

Hãy nghe Lackfi János, một người Hungary, “nói xấu” người Hungary. Như các dân tộc khác, người Hungary cũng có các thói quen xấu, các tệ nạn và sự thay đổi đáng buồn của cuộc sống hiện đại so với quá khứ.


Ngoài việc sử dụng nhiều đồ uống có cồn và thích thức ăn đầy dầu mỡ, ở Hungary có những bà lão tằn tiện, lúc nào cũng đóng vai những chiếc camera cần mẫn chăm chú theo dõi những gì diễn ra xung quanh. Người Hungary cũng là những kẻ ba hoa. Các nhà văn Hungary thì phê phán thói nhàn tản, biếng nhác của người dân đã hàng thế kỷ, và tác giả đã miêu tả thói trì hoãn bằng một khúc quân hành Hungary, có câu hát về việc quân đội đã hết regiment (hết trung đoàn, tức là quân đội đã bị tiêu diệt):

Kossuth Lajos nhắn chúng ta rằng, ông đã hết regiment.

Nếu ngài nhắn một lần nữa, chúng ta đều phải lên đường.

Lackfi János cũng so sánh những biến đổi của Hungary trong thời hiện đại. Tục té nước vào lễ Phục sinh, thay vì dội nước lạnh trong sạch như xưa thì giờ là phun chai soda lạnh hay các loại nước hoa rẻ tiền khó ngửi. Các công trình kiến trúc nghệ thuật tuyệt mỹ qua những thăng trầm của lịch sử đã trở thành đống đổ nát và đá vụn…

Người Hungary cũng có thể tự hào vì những gì mà họ đã sáng chế: cây bút bi, kính áp tròng, kính 3D, khối rubik,... Với 15 giải Nobel và số lượng phát minh sáng chế đồ sộ, họ đóng góp cho khoa học và văn hóa nhân loại không kém cạnh người Đức. Chúng ta không thể phủ nhận họ là dân tộc tài giỏi và sáng tạo. Người Hungary cũng đã để lại dấu vết của mình ở khắp nơi trên thế giới: Madagascar, Himalaya, Bắc Cực, Alaska,... Tại những nơi này, các nhà thám hiểm, các nhà nghiên cứu người Hungary đã đặt chân đến và tạo nên những thành tựu, những khám phá nổi tiếng trong lịch sử.

Người Hungary gìn giữ ngôn ngữ khó nhằn của họ. Hungary là đất nước của rượu vang và người dân thì mến khách. Lịch sử Hungary cũng ghi lại những cuộc chiến anh dũng, quả cảm chống lại những quân đội và đế chế hùng mạnh muốn chinh phục họ.


Những lầm tưởng về người Hungary cũng được đính chính lại. Điển hình như người Hungary có một dòng máu cổ xưa man rợ, hay người Hungary vẫn tiếp tục lối sống của tổ tiên với những chú ngựa phi nước đại trên thảo nguyên. Tác giả thừa nhận một cách hài hước, đúng là người Hungary được sinh ra trên lưng ngựa, thay tã lót rồi học viết trên lưng ngựa, họ đi ngựa xuống metro mua một tách cà phê, chơi laptop và cài đặt lại hệ thống khi đang phi nước đại, chơi cờ, khâu vá, nấu nướng trên yên cương. Nhưng mà có một lưu ý thế này:

Chúng ta chớ hiểu sai vấn đề, nếu như trên các đường phố Hungary ta bắt gặp khá đông các nhân vật lưng còng, nom dáng vẻ công chức, cơ bắp nhẽo nhèo, mồ hôi nhễ nhại, mặt bạc phếch, đeo kính, ngoan ngoãn xách gà mổ sẵn đựng trong túi lưới về cho mẹ đĩ tiếp khách vì có sếp đến ăn tối. Có hai khả năng. Một là trong tâm hồn lai láng của “homo hungaricus modernus” cùng lúc có một tráng sĩ Hung được tôi luyện trên thảo nguyên, cánh tay rám nắng, mắt nheo nheo, tóc rậm bồng bềnh, nở nang và cường tráng đang phi ngựa trên thảo nguyên bao la. Hai là một kẻ như thế không phải là dân Hung đích thực, mà chỉ là sản phẩm cuối cùng của nền văn minh khốn khổ nào đó bị mắc kẹt trong thành phố.

Lời kết

Cuốn sách Người Hungary - họ là ai của Lackfi János, với sự thấu hiểu của một người bản địa và sự khách quan như một người nước ngoài, đem đến những thông tin và hình ảnh chân thực nhất về đất nước và con người Hungary. Đối với những ai có ý định đến thăm hay tò mò về Hungary, yêu thích tìm hiểu lịch sử văn hóa thì đây sẽ là cuốn sách hữu ích và đủ thú vị xứng đáng để bạn nghiền ngẫm.


Tác Giả: Khánh Huyền - Bookademy

Deal mua sách giá tốt hiện có: https://goo.gl/CSwiXA

---------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3




Xem thêm

Bạn có biết vì sao truyền thông đại chúng ở Việt Nam nói chung và chính cha mẹ chúng ta nói riêng đều bảo chúng ta hãy đọc sách ? Sách là nguồn thông tin hữu ích nhất trước khi bị soát ngôi bởi tivi, ví tính.. nhưng điều đó cũng không làm mất đi giá trị mà cuốn sách mang lại. Trên thế giới có hai quốc gia đứng đầu về đầu sách mà mỗi người dân đọc là Israel và Hungary. Israel thì chúng ta không còn xa lạ gì bởi họ chính là những người thuộc dân tộc Do Thái, dân tộc thông minh nhất thế giới. Nhưng còn Hungary ? Tuy chỉ có khoảng gần 10 triệu người nhưng họ đã sở hữu 15 giải Noel, vậy họ đã làm gì để có một nền dân trí cao đến vậy ? Sách chính là câu trả lời, người Hungary quan niệm rằng tri thức là sức mạnh và chính là tài sản. Bất kể bạn là ai đi chăng, người đọc sách nhiều đều có một tư duy rất khác và chẳng cần sự nghiệp thành công họ vẫn ở đẳng cấp khác những người còn lại. Có rất nhiều dân tộc rất giàu nhưng không có nhiều thành tựu tới nền văn minh vì họ thiếu đi chiều sâu của tri thức. Ở Hungary có gần 20000 thư viện, bình quân 500 người lại có một thư viện. Người ta thống kê hàng năm người Hungary có 5 triệu dân đọc sách thường xuyên và vượt qua 1/2 dân số nước này. Một xã hội sẽ phát triển hay tụt hậu là dựa vào dân trí của quốc gia đó, hay nói cách khác là việc đọc sách của người dân quốc gia đó. "Sách không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, nó còn ảnh hưởng đến toàn xã hội".

Chào bạn, ta gặp lại nhau. Bạn đã từng đọc cuốn sách nào của người Việt viết về đủ mọi sắc thái đặc điểm trong tính cách người Việt ta chưa? Chắc là chưa nhỉ, mà cũng chưa chắc có loại sách như thế để đọc. Lâu lâu đến hơn nửa thế kỷ rồi thì có cuốn “Người Việt cao quý” xuất bản ở Sài Gòn thời đất nước còn chia cắt. Nội dung sách là ca ngợi người Việt Nam với những đức tính tốt đẹp ngầm ý chống lại những tác động tiêu cực của “lối sống Mỹ” khi ấy đang bắt đầu theo chân đội quân viễn chinh thâm nhập nửa phần đất nước. Tên tác giả cuốn sách ghi là A. Pazzi, nghe như một cái tên người Ý. Mãi sau này mới hay tác giả là người Việt Nam – nhà văn Vũ Hạnh. Cái tên tác giả lạ tai như trên là viết trại đi của hai chữ “bất di” trong cụm từ “bất di bất dịch” để tỏ ý chí tác giả khi đang hoạt động trong lòng Sài Gòn lúc Mỹ đưa quân vào. Chiến tranh cần đề cao những phẩm chất tốt để giành chiến thắng, điều dễ hiểu. Nhưng trong cuộc sống bình thường bên cái tốt luôn có cái xấu. Người Việt có những tính xấu nào cần phải nói ra để khắc phục? Điều này từ đầu thế kỷ hai mươi đã có những bậc thức giả bàn đến, như ông Nguyễn Văn Vĩnh chẳng hạn. Đến cuối thế kỷ, trên báo Thể thao - Văn hóa có mục kiểu như “Thói hư tật xấu của người Việt” do nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn giữ mục cũng đã đăng nhiều bài. Kịp đến khi cuốn sách “Người Trung Quốc xấu xí” của Bá Dương được dịch và truyền đọc ở nước ta (nhưng không được in) thì nhu cầu muốn có một cuốn sách như vậy về người Việt càng được đòi hỏi. Một cuốn sách viết một cách hài hước, trào lộng, chua cay, hóm hỉnh về tâm tính, lối sống, đặc điểm của người dân một nước để ai đọc cũng như soi vào một tấm gương, bật cười mà phải ngẫm mình. Tiếc thay ở ta chưa có cuốn sách đó. Vậy sách mình chưa có thì ta đọc sách người vậy! Cho nên hôm nay tôi đọc cùng bạn cuốn “Người Hungary họ là ai?” của tác giả Lackfi János do dịch giả Giáp Văn Chung dịch thẳng từ tiếng Hung ra tiếng Việt. Lackfi János sinh năm 1971, là tác giả của hơn ba mươi đầu sách cho cả người lớn lẫn trẻ em, đồng thời là dịch giả của hơn ba mươi tác phẩm văn học Pháp sang tiếng Hung. Ông đã được nhận giải thưởng József Attila danh giá của nước mình. Cuốn “Người Hungary họ là ai?” được Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam giới thiệu để dịch và hỗ trợ xuất bản. Cuốn sách có phụ đề là “Sách dẫn đường cho người nước ngoài và người trong nước”. Có nghĩa, người trong nước cũng phải tự hiểu mình là ai. Cả cuốn sách là những câu trả lời cho câu hỏi nêu ra từ tên sách. Tác giả tự xưng mình là “người Hung” để đối thoại, trò chuyện với người đọc. Mở đầu bằng “Nỗi sầu thiên cổ” vì “Người Hung nhận ra, việc thuộc về dân tộc này thực chất là sự hổ thẹn, ngay từ thời sơ sử dân tộc này đã chẳng hề biết kiếm sống bằng cách tử tế, họ học cách canh tác từ những người Slav hiền lành, học kỹ nghệ từ những người Swabia tử tế, học làm vườn từ những người Serbia” (tr.9). Tưởng như đây là một sự nhạo báng dân tộc mình. Nhưng không, đó là cách tác giả giới thiệu một cách hài hước về lịch sử chính trị văn hóa Hungary qua nhiều thế kỷ. Hay như khi ông viết về “Hạt anh túc của chúng ta” để nói về các loại bánh nướng dịp lễ Phục Sinh và Giáng Sinh ở nước mình. Những thứ bánh đó không thể thiếu hạt anh túc rắc vào. Mà anh túc là loại cây thuốc phiện, nên khi những người Hung ở nước ngoài thèm nhớ món ăn quê nhà đi kiếm hạt anh túc để làm bánh thì liền bị người sở tại nghi ngờ, dọa báo cảnh sát. Tác giả kể một bà già đã nhờ người mang từ Hungary sang một gói hạt anh túc thật và đã dùng nó rắc vào một món bánh bà nướng cho đứa con mang đến trường liên hoan. Hôm sau các bậc phụ huynh đã phẫn nộ báo cảnh sát là bọn nhập cư bẩn thỉu đã cho con họ ăn chất kích thích. Thực ra họ đã hiểu nhầm, tác giả viết, “có thể lấy chất opium từ quả anh túc còn non, mọng chất như sữa, còn các hạt đã khô không có tác dụng kích thích thần kinh” (tr.56). Những món ăn bình thường ở xứ quê khi xa nước thấy thiêng liêng, kỳ diệu. Thế nên tác giả mới nhấn mạnh đây là “hạt anh túc của chúng ta”, tức của người Hung. Về điều này tác giả đã dẫn lời Kosztolány, nhà văn Hungary nổi tiếng, tác giả tiểu thuyết “Nero, nhà thơ bạo chúa” (cuốn này đã được dịch ra tiếng Việt), nói rất hay rằng cờ chỉ là một cây gậy và mảnh vải. Nhưng không phải là gậy và vải. Mà là cờ. Viết đến đây tôi lại liên tưởng đến Việt Nam ta, lại nhớ mấy câu thơ không biết ai viết về nỗi nhớ món ăn quê hương của những người Huế hồi đất nước ngăn cách hai miền, sống trên đất Bắc mà thèm được ăn “Tôm chua thịt ba chỉ / Món ăn Huế bình thường / Nhắc thôi mà gợi quá / Đầu lưỡi gặp quê hương”. Tác giả người Hung này quả đã khéo “nhem thèm” người đọc về nỗi nhớ quê của những người đồng hương của mình qua những hạt anh túc phơi khô. Cứ thế tác giả dẫn ta đi gặp những người Hung với đủ các ưu khuyết của họ. Những bà già lắm lời hay ngồi lê đôi mách ư? Người Hung có. Những kẻ uống rượu say sưa tối ngày so nhau tửu lượng cao, tửu lượng thấp ư? Người Hung có. Những kẻ ranh mãnh mua bán quân trang quân dụng ư? Người Hung có. Những kẻ ranh ma tìm đủ mọi mưu chước qua mắt chính quyền ư? Người Hung có. Những chuyện về năng lực đàn ông trong phòng ngủ và phòng thay đồ ư? Người Hung có. Những chuyện rầy rà thủ tục khó khăn, những sự vòi vĩnh bắt chẹt ư? Người Hung có. Người Hung còn có nhiều những chuyện tức cười nữa. Nhưng người Hung cũng có nhiều niềm tự hào mà trong bài “Phát minh sáng chế” tác giả đã viết theo cách trào lộng là một hôm gã quyết định chỉ dùng những thứ mà các nhà sáng chế Hungary đã cống hiến cho nhân loại. Đến đây thì người đọc phải hết sức sửng sốt vì những người Hung ở khắp thế giới đã đóng góp cho sự tiến bộ của loài người rất nhiều. Nào là phát minh bút bi (1931), nam châm (1929). Nào là phát minh ống nhòm thợ săn hai mắt (1840), diêm an toàn (1836), vitamin C (1941). Nào là máy ảnh tự động (1938), miếng kính áp tròng mềm (1959), kính 3D siêu hiện đại (2010). Nào là khối vuông Rubik (1976), màn hình vô tuyến màu (1948). Nào là máy bay trực thăng (1928), giải thưởng báo chí Pulitzer (1917)... Nào là, chỉ vài trang sách tác giả đã kể ra rất nhiều những thứ người Hung làm được. Quả là đáng tự hào làm người Hung thật, dù là vẫn có sự hổ thẹn vì người Hung cũng có lắm thói hư tật xấu như người khắp thiên hạ. Vậy “Người Hungary họ là ai?” Người Hung là cả một thế giới Hung. Người Hung đi khắp nơi thế giới. Cô đơn có, kiêu ngạo có, ngang tàng có, bịp bợm có, tài năng có. Từ tổ tiên là sắc dân Hun sống đời du mục trên lưng ngựa từng chinh phục Á - Âu qua bao thế kỷ, họ đã định cư ở vùng đất hiện nay tại châu Âu và đã tạo nên một đất nước với dân số chỉ khoảng 10 triệu người, nhưng đã sở hữu 15 giải Nobel các loại và trong thế kỷ XX đóng góp khoa học và văn hóa cho nhân loại không kém nước Đức dân số 60 triệu người. Lackfi János viết về đất nước mình vừa đùa chọc vừa kiêu hãnh bằng một giọng văn tung tẩy, bỗ bã, nhưng thấm đượm một lòng yêu dân tộc. Dịch giả Giáp Văn Chung đã chuyển ngữ linh hoạt giọng văn này khiến đọc sách mà cứ ngỡ như được trò chuyện tán gẫu với người. Và tôi mong ở Việt Nam ta sẽ có những người viết sách và những cuốn sách như thế. Người viết thì hẳn có, nhưng bao giờ thì có những cuốn sách kiểu “Người Việt Nam họ là ai?” với giọng điệu đùa mà thật, giễu mà nghiêm, đọc xong người Việt thấy bực thấy vui mình là người Việt? Người Việt viết về người Việt để người Việt khỏi bực mình như đọc người Pháp viết về người Việt trong cuốn sách “Tâm lý người An Nam” ("Psychologie du Peuple annamite”) của Paul Giran mới được dịch ra tiếng Việt và xuất bản đang gây tranh cãi.

Bức tranh toàn cảnh về người Hungary được tác giả Lackfi János khắc họa đầy đủ trong cuốn Người Hungary - Họ là ai?. Người Hungary với dân số chỉ khoảng 10 triệu người, nhưng họ sở hữu 15 giải Nobel, trong thế kỷ 20 đóng góp cho khoa học và văn hóa nhân loại tương đương nước Đức 60 triệu người. Với những thành tích ấy, hẳn họ đầy ưu điểm? Nhưng Lackfi János đã chỉ ra dân Hungary còn là những người ít nói, những cao bồi cô đơn, những kẻ ba hoa, ngông nghênh, nóng nảy trong quán rượu, những bà già ngồi lê đôi mách có thể thay thế hoạt động của cơ quan KGB hay CIA, những người khảng khái, những kẻ ranh ma… Người Hungary - họ là ai? là cuốn sách tự trào hài hước, tự phê phán, tự nhận biết của người Hung. Sách giúp người đọc cùng du hành vui vẻ hoặc có lúc ưu sầu qua trang giấy, khám phá tính cách đặc trưng, biết thêm về những thành tựu, về tâm hồn, lối sống, cách làm việc, những tập tục lâu đời, những chuyện bình thường và khác thường của người Hung từ xưa lẫn nay… Người Bulgaria lại nổi tiếng với các câu chuyện tự cười mình, trở thành một phong cách “trào phúng kiểu Gabrovo”. Gabrovo vốn là một trong những trung tâm kinh tế lâu đời nhất của Bulgaria. Người dân ở đó vừa giỏi tiết kiệm, vừa giỏi mặc cả, và điều đó trở thành một đặc tính di truyền. Cư dân ở đây đã kể lại những câu chuyện tự cười mình với tính keo kiệt, và tới thành phố đối thủ Sevlievo. Tuy rất keo kiệt, nhưng họ vẫn không hề nhăn mặt khi lấy tiền để in ra những giai thoại, để phổ biến rộng rãi những câu chuyện cười về họ. Thậm chí, họ còn dựng cả Bảo tàng nghệ thuật trào phúng Gabrovo vào đầu thế kỷ 20. Nhờ đó, những câu truyện cười Gabrovo càng trở nên phổ biến hơn.

1. Cánh Cửa – Szabó Magda Khép kín cực độ, hành vi dị thường, Szeredás Emerenc, người đàn bà kiếm sống nhờ quét dọn, nấu nướng, quản gia, bằng cách nào đó đã bước vào cuộc đời của nữ nhà văn Szabó Magda trong một vai kỳ lạ. Tình bạn của hai tính cách khó tương đồng ấy cứ nghiêng ngả giữa đôi bờ thương yêu sùng kính, bực tức lồng lộn, đôi khi còn căm hận. Phải chăng là bởi Emerenc vẫn luôn đặt giữa họ, hoặc giữa bà với thế giới con người, một cánh cửa đóng chặt? Và khi cánh cửa đó hé lộ thoáng nhìn vào quá khứ thương tổn, soi thấu tâm hồn và số phận một con người giữa những trang sử bi thương của Hungary, nỗi day dứt lại càng trở nên ám ảnh. Cánh cửa, tiểu thuyết có sức ám ảnh lớn nhất của Szabó Magda, đã được dịch ra gần bốn mươi thứ tiếng, cũng là một trong những tác phẩm được nhiều thế hệ người đọc Hungary say mê, là niềm tự hào của văn học đương đại Hungary. 2. Lời cỏ cây – Bàn Về Thân Phận Con Người Trong Cuộc Đời Lời cỏ cây là tác phẩm nổi tiếng của Márai Sándor được xuất bản lần đầu tiên năm 1943. Bản in Việt ngữ lần này do dịch giả Nguyễn Hồng Nhung dịch. Cuốn sách như một phương thuốc xoa dịu những nỗi đau gây nên bởi thời thế, chiến tranh, nỗi cô độc của xã hội Hungary đương thời. Cuốn sách là những lời chân thật của tác giả bàn về thân phận con người trong cuộc đời. Những luận điểm mà tác giả đưa ra không mang nặng tính lý thuyết. Tác giả vừa viết nhưng cũng qua những trang viết của mình tác giả cùng với người đọc tiếp tục hoàn thiện bản thân mình hơn. Lời cỏ cây giống như một cuốn sách thuốc viết về công dụng của các loài cỏ cây, mỗi luận điểm như một minh họa về chứng đau, một vết thương, một khuyết tật nào đó của thân phận con người, để rồi từ những vết thương ấy chúng ta tìm ra phương thức cứu chữa cuộc đời mình lành lặn hơn. 3. Những Ngôi Sao Eger Là tiểu thuyết nổi tiếng và được biết đến rộng rãi nhất của Hungary, Những ngôi sao Eger là bài ca bi tráng của nhân dân Hungary chống lại cuộc xâm lược của quân Thổ Nhĩ Kỳ. Tác phẩm kể về cuộc vây hãm ngôi thành Eger, nơi chỉ có độ hai ngàn dân, bị nguy khốn giữa đạo quân Thổ khổng lồ, đầy nhuệ khí trong sự thờ ơ không cứu viện của triều đình. Ngời sáng giữa những đau thương, mất mát là lòng dũng cảm, là trí tuệ phi thường, là tinh thần bất khuất của mỗi một con dân trong thành, từ người già đến thiếu niên, từ phụ nữ chân yếu tay mềm đến những người nông dân chưa quen tên đạn. Từng chi tiết của cuộc chiến được miêu tả tỉ mỉ, chính xác và sinh động, tái diễn lại dấu ấn lịch sử năm nào, đến nỗi gập trang sách lại vẫn còn như vang vọng tiếng đại bác, tiếng hô xung trận cùng lời thề quyết tử. “Trăm năm sau ư? Thế gian còn nhớ gì đến mặt mũi chúng ta nữa!” – Không đâu, ngài Dobó ạ, nay thế gian vẫn mãi nhắc về “những ngôi sao Eger”. 4. Chiến Tranh Và Chiến Tranh “Krasznahorkai László – bậc thầy Hungary khiến người ta nhớ tới Gogol và Melville tiên tri.” – Susan Sontag Trong phòng lưu trữ tỉnh lẻ heo hút, cách Budapest trăm hai mươi cây số, Dr. Korin György tình cờ phát hiện một cảo bản huyền bí không nhan đề, không niên đại, tác giả vô danh. Bốn người đàn ông trong cảo bản, xuất hiện ở những bước ngoặt khác nhau của lịch sử thế giới, lúc ở Creta, lúc ở Venice, lúc ở Köln, luôn phải trốn chạy khỏi chiến tranh thảm khốc, khỏi sự tàn phá. Và rất lâu sau, trong một khoảnh khắc tăm tối bất chợt vào sinh nhật lần thứ bốn mươi tư, Korin cảm thấy chính mình cũng cần trốn chạy, như các nhân vật trong tập cảo bản kỳ lạ liên tục trượt về phía trước, và cuốn gã vào mê lộ của nó. Gã bán hết gia sản, đến New York, để kết thúc cuộc đời cũ, và thực hiện giấc mơ đưa cảo bản quý giá vào cõi vĩnh hằng… Chiến tranh và chiến tranh – tiểu thuyết lồng trong tiểu thuyết, thể hiện cái nhìn u tối về thực tại bạo tàn trong vẻ đẹp bí ẩn và bi thảm, nhưng đầy sức thôi miên, khiến độc giả nhập thân sâu sắc vào cuộc xê dịch ác mộng của nhân vật đi tìm ý nghĩa của thế giới và chính đời mình. Chiến tranh và chiến tranh đã góp phần khẳng định vị trí của Krasznahorkai László như một tên tuổi lớn đặc biệt đáng chú ý, một ngôi sao sáng khác lạ trên bầu trời văn học đương đại Hungary và thế giới.

Người Hungary – số lượng chỉ khoảng 10 triệu người – sở hữu 15 giải Nobel, trong thế kỷ 20 đóng góp cho khoa học và văn hóa nhân loại tương đương nước Đức 60 triệu người, đồng thời là những người ít nói, những cao bồi cô đơn, những kẻ ba hoa, ngông nghênh, nóng nảy trong quán rượu, những bà già ngồi lê đôi mách có thể thay thế hoạt động của cơ quan KGB hay CIA, những người khảng khái, những kẻ ranh ma… Đó là muôn sắc thái diện mạo tích cực lẫn tiêu cực của những người Hung có tổ tiên đã đi hàng trăm năm trên lưng ngựa từ châu Á sang châu Âu và dừng chân ở đất nước hiện tại mà chúng ta nhìn thấy trong Người Hungary – họ là ai? của Lackfi János. Người Việt đọc Người Hungary – họ là ai? – cuốn sách tự trào hài hước, tự phê phán, tự nhận biết của người Hung, không chỉ là cùng du hành vui vẻ hoặc có lúc ưu sầu qua trang giấy, khám phá tính cách đặc trưng, biết thêm về những thành tựu, về tâm hồn, lối sống, cách làm việc, những tập tục lâu đời, những chuyện bình thường và khác thường của người Hung từ xưa lẫn nay… mà còn là soi chiếu, trông người ngẫm lại ta, và chắt lọc tinh hoa tô điểm cho diện mạo chính mình ngày càng sáng hơn lên. Tại sao không?