Tập truyện ngắn "Ngôi nhà thạch lựu" là những ngụ ngôn về cái đẹp, sự huyền thoại của linh hồn.
“Nhìn khác với thấy. Người ta không thấy một điều gì cho đến khi thấy được vẻ đẹp của nó, và chỉ khi đó điều ấy mới thực sự hiện hữu”, Oscar Wilde viết như vậy. Tập truyện ngắn Ngôi nhà thạch lựu, với 4 truyện ngắn là những ngụ ngôn về cái đẹp, sự huyền thoại của linh hồn.
Văn phong của Oscar Wilde không gây khó khăn, làm khổ độc giả trong dãy mê cung tối đen. Văn của ông đẹp, sáng, đơn giản nhưng giàu tính triết luận. Chuyện kể theo chiều thẳng, các diễn biến vùn vụt trước mắt chứ không đan chéo tầng lớp, kéo xoay vòng trong một trường phái hỗn độn. Tính truyện được gợi mở, thắt nút như các câu chuyện ngụ ngôn Edop, Andersen.
Ngoại trừ truyện Chàng ngư phủ và linh hồn thì ba truyện còn lại Vị vua trẻ, Sinh nhật của công chúa và Cậu bé ngôi sao đều hướng về tầng lớp trên, giai cấp thượng lưu hoàng gia. Oscar Wilde chọn đứng nghiêng về phía người nghèo, phủ nhân đi sự phú quý vật chất.
Nếu nhân vật vị vua trẻ, sắp lên ngôi trong Vị vua trẻ, sau khi trải qua một giấc mộng, đã tìm thấy ánh sáng của ngai vàng trong chiếc áo chăn cừu, thì ở cô công chúa là sự tàn nhẫn trong thế giới hoàng cung. Anh hề, người duy nhất có thể làm công chúa vui, giúp nàng quên đi sự buồn chán trong cung đình.
Tôi muốn nói đến điệu nhảy, một sự tự nhiên và tự do nhất khi anh hề luôn nhảy theo ý mình và dành vũ điệu đấy cho nàng công chúa nhỏ. Anh hề không biết bản thân mình xấu xí, nàng công chúa cũng vậy. Nàng thấy được sự bình yên trong điệu múa chú lùn. Nhưng rồi, khi muốn dành tặng một món quà cho công chúa, bằng một đóa hoa, anh hề đã bị xua đuổi bởi ngoại hình xấu xí.
Trong đoạn cuối, ngòi bút Oscar Wilde xoay chuyển, từ việc chú hề bị hắt hủi từ những bông hoa, hắn đã tự thấy hoảng sợ khi lần đầu tiên nhìn thấy bản thân, một con quái vật. "...Bởi vì trái tim nó đã vỡ tan” nên người lùn đã không thể nhảy nữa. Đọc đến đây, tôi ngờ rằng Oscar Wilde đã ẩn dụ cho sự phân biệt giai cấp, giữa người nghèo hèn và hoàng cung.
Sự mặc cảm về thân phận đã giết đi trái tim chú lùn chứ không phải sự khinh thường của người khác. Cùng lúc, điều này cũng hủy đi niềm vui của nàng công chúa “từ giờ trở đi hãy để những kẻ không có trái tim đến nhảy múa cho ta”.
Cậu bé ngôi sao viết về sự thay đổi của lòng nhân từ và cái ác. Trong truyện, cậu bé được hai người tiều phu nhặt về. Cậu nhóc quá đẹp nên ai cũng yêu mến, cậu trở nên kiêu căng và chỉ biết yêu bản thân. Ruồng rẫy người mẹ xấu xí và ném đá vào mẹ mình, một cái ác quá lớn và ngoại hình cậu bé trở thành xấu xí.
Mất đi vẻ đẹp bên ngoài, cậu bé mới hiểu tất cả sự yêu mến của người khác chỉ tồn tại trong ánh nhìn ngoại hình, bởi hòn đá đẹp vì nó đúc thành tượng thần chứ không phải vì bản chất đá bên trong lõi bức tượng. Mất đi cái đẹp da thịt, trái tim cậu bé mở ra, cho một cuộc hành trình tìm lại mẹ và trở về hoàng cung. Khi đấy, một vị vua tốt bụng lên ngôi.
Dòng cuối truyện “…chỉ ba năm sau cậu qua đời. Người kế nghiệp cậu lại cai trị vương quốc một cách ác độc.” thể hiện tính ngụ ngôn trong ngòi bút của Oscar Wilde càng sắc bén và cay đắng hơn. Cái đẹp, sự nhân ái chỉ có được khi trải qua một biến thiên lớn, sự trưởng thành từ một cậu bé ác tâm đến một chàng trai tốt cũng chỉ giúp vương quốc hòa bình trong ba năm, rồi sụp đổ. Sự tử tế thường mỏng manh, còn sự tàn nhẫn thì vô cùng.
Truyện ngắn thứ ba, Chàng ngư phủ và linh hồn trong sách bàn về tình yêu và sự trả giá. Để sống với tình yêu của mình, một tiên cá dưới biển, chàng ngư phủ đã tách linh hồn ở trái tim. Tôi xin nhấn mạnh “trái tim và linh hồn” chứ không phải “thể xác và linh hồn”, điều này rất mới vì trước Oscar chưa ai sáng tạo đến mảnh đất này.
Chia đôi mình, người ngư phủ có hai cuộc đời, trái tim thuộc về tình yêu và say đắm trong đấy, còn người ngư phủ thứ hai, linh hồn thì sống bên ngoài. Tình yêu, một khi say hương sẽ không còn biết gì, còn linh hồn, trong thời gian sống bên ngoài nó đã có đời sống dài, một chân trời rộng, tuy nhiên vì thiếu trái tim, linh hồn chỉ biết làm việc ác.
“…Lúc đẩy đã tôi vào cõi thế gian, ông đã không chịu cho tôi trái tim” - lời của linh hồn. Sự theo đuổi tình yêu đến tận cùng này, dường như là cực đoan và mù lòa nhưng bởi người ngư phủ quá trong sạch, trái tim chỉ ấm áp yêu thương nên đã không có một tội ác thứ hai trong cùng một con người.
Bốn câu chuyện, bốn con đường hướng về tâm hồn, cái thiện, sự tẩy khuẩn linh hồn ghép thành Ngôi nhà thạch lựu. Sau bốn cuộc hành trình nghiệt ngã, các linh hồn đã quay về ngôi nhà này, cùng gặp gỡ, chuyện trò, tiếng cười nói, thánh ca khi câu chuyện của họ được đọc lên.
Dostoievski viết “Cái đẹp sẽ cứu thế giới”. Câu chuyện của văn học không gì ngoài cái đẹp.
Nguồn sưu tầm: https://goo.gl/WLssxK
------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]
Hóa ra văn học thiếu nhi kinh điển không chỉ có Truyện cổ Grim hay các tác phẩm của Andersen. Có một nhà văn Ai-len cũng cực kỳ thành công trong việc đan cài bầu không khí huyễn hoặc, huyền ảo đậm chất cổ tích, thần tiên mà vẫn không quên đi kèm những thông điệp cuộc sống chẳng bao giờ cũ với cả trẻ con hay người lớn. Đó là những gì tôi đã nghĩ sau khi đọc xong tập truyện ngắn khá mỏng mang tên "Ngôi nhà thạch lựu" của Oscar Wilde.
Phong cách viết của Wilde rất có đầu tư, sự cầu kỳ trong việc chắt lọc từ ngữ (tất nhiên cũng là nhờ khả năng dịch thuật khá xuất sắc của dịch giả nữa), lối viết đã làm nổi bật thủ pháp miêu tả - thứ rất đặc trưng trong cả 4 câu chuyện. Rõ ràng ông đã thành công trong việc tăng sức gợi cho câu chuyện và đưa bối cảnh đến gần hơn với độc giả.
Điều khá đáng tiếc cho tập truyện này là giữa các truyện ngắn không có sự đồng đều.
Xem ra sau tác phẩm này, tôi sẽ dành thêm thời gian tìm hiểu về những tác phẩm khác của Oscar Wilde cũng như của các tác giả khác. Rõ ràng văn học thiếu nhi không hề bị bó hẹp đối tượng như cái tên của nó.