Choáng ngợp bởi hiệu ứng âm thanh, hình ảnh, lay động trái tim người xem bằng
lối kể chuyện hấp dẫn, đó là những ấn tượng khó quên mà chúng ta cảm nhận được
khi thưởng thức những bộ phim hoạt hình của Pixar. Điều gì làm nên sự thành
công ấy? Tất cả sẽ được hé lộ trong “Nghệ thuật kể chuyện của Pixar: Những
nguyên tắc kể chuyện hiệu quả dựa trên các bộ phim tuyệt vời nhất của Pixar”
của Dean Movshovitz.
1.
Một cuốn sách không thể thiếu đối với những người yêu
thích phim ảnh, đam mê viết lách hay đơn giản là tò mò về điều làm nên thành
công kì diệu của Pixar.
Pixar được biết đến với những bộ phim hoạt hình thú vị không thể không kể đến
như Toy Story (1995) – Câu chuyện đồ chơi, Finding Nemo (2003) – Đi tìm Nemo,
Rattouille (2007) – Chú chuột đầu bếp, Monsters University (2013) – Trường học
quái vật,... Có lẽ Pixar là hãng phim hiếm hoi xây dựng được cho mình phong
cách làm phim riêng biệt, đủ sức làm hài lòng cả giới phê bình lẫn công chúng.
Chìa khóa quan trọng nhất mang tới thành công cho Pixar chính là nghệ thuật kể
chuyện.
Bên cạnh những thước phim đầy hấp dẫn về các thế giới giả
tưởng rực rỡ màu sắc, những hình ảnh tráng lệ, những cốt truyện mới lạ, thì yếu
tố khiến Pixar trở nên đặc biệt là khả năng làm lay động trái tim của khán giả ở
mọi lứa tuổi.
Cuốn sách nhỏ dày 200 trang mà bạn đang cầm trên tay sẽ giúp bạn khám phá những quy tắc kể chuyện của Pixar. Nghệ thuật kể chuyện của Pixar: Những nguyên tắc kể chuyện hiệu quả dựa trên các bộ phim tuyệt vời nhất của Pixar gồm 10 chương chính xoay quanh các nguyên tắc kể chuyện của Pixar từ khâu chọn ý tưởng cho tới xây dựng nhân vật, hình thành chủ đề. Qua góc nhìn, sự phân tích ngắn gọn, mạch lạc của Dean Movshovitz, người đọc sẽ từng bước tìm hiểu được bí mật đằng sau phong cách kể chuyện tài tình và đậm dấu ấn riêng của Pixar. Mỗi chương sách sẽ tập trung phân tích nghệ thuật kể chuyện đan xen các dẫn chứng cụ thể, cuối mỗi chương sẽ là phần tự thực hành cho người đọc. Đặc biệt, mỗi kĩ thuật kể chuyện được nhắc tới trong sách hữu dụng cho bất cứ thể loại phim hay truyện nào: từ phim ngắn tới phim dài, phim người đóng hay phim hoạt hình, phim giải trí cho tới phim dự giải Oscar.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý: cuốn sách này chỉ tập trung vào nghệ thuật kể
chuyện của Pixar nên nó sẽ bỏ qua một vài phương pháp kể chuyện cũng rất thành công,
cảm động và nổi tiếng khác.
2.
Những nguyên tắc kể chuyện hiệu quả dựa trên những bộ
phim tuyệt vời nhất của Pixar.
Chương 1: Chọn ý tưởng
Trong phần này, tác giả sẽ trả lời cho chúng ta câu hỏi: Làm thế nào để có
thể hình thành nên ý tưởng khiến chúng ta rung động? Làm thế nào để mọi tình tiết
trong bộ phim luôn xoay quanh ý tưởng chủ đạo của bạn?
Pixar luôn nhận biết và phát triển những ý tưởng hấp dẫn, đột phá, đẩy người
xem đến chiều sâu cảm xúc. Quan trọng hơn cả là những ý tưởng hàm chứa rất nhiều
rủi ro cho các nhân vật sau này, nhờ vậy, khán giả sẽ dễ bị cuốn hút và đồng cảm
hơn. Để minh chứng cho việc hình thành nên ý tưởng khiến khán giả rung động,
tác giả Dean Movshovitz đã lấy ví dụ về
một trong số các bộ phim thành công của Pixar một cách cụ thể và dễ hiểu. Bạn sẽ
tiếp tục bắt gặp lỗi viết đan xen giữa lí thuyết và dẫn chứng xuyên suốt cuốn
sách.
Viết về một chú chuột nấu ăn dưới cống thì cũng mới mẻ và
đáng yêu đấy, nhưng chưa chắc đã đủ hấp dẫn hay kịch tính. Thế nhưng nếu bạn viết
về một chú chuột cố gắng trở thành đầu bếp cho một nhà hàng hạng sang, thì vô
vàn các câu hỏi sẽ lập tức xuất hiện: Làm thế nào mà nó vào được nhà hàng? Sao
nó lại có thể nấu ăn thường xuyên? Nếu ai đó bắt gặp nó trong bếp thì sao? Chuyện
gì sẽ xảy ra nếu chú chuột có tay nghề tuyệt đỉnh? Tất cả những câu hỏi này sẽ
tạo nên một mạch truyện màu mỡ cho bạn phát triển và đào sâu.
Ở một mức độ khác sâu sắc hơn, ý tưởng của bạn cần phải buộc các nhân vật
trải qua một hành trính đầy cảm xúc. Một bộ phim của Pixar không bao giờ tách
khỏi cái hồn của riêng mình.
Chương 2: Xây dựng các nhân vật có tính thuyết phục
Sau khi có ý tưởng chủ đạo, bước tiếp theo sẽ là tìm hiểu nhân vật chính. Yếu
tố tiên quyết của câu chuyện là nhân vật, nhân vật càng đáng nhớ, bộ phim của bạn
càng thu hút. Bạn phải vận dụng sự độc đáo và góc nhìn riêng để tạo nên những
nhân vật khác biệt và đáng nhớ. Ngoại hình câu chuyên và thế giới của họ đều phải
độc nhất.
Chương 3: Xây dựng sự đồng cảm
Câu hỏi tập trung của chương 3 là điều gì khiến chúng ta thích các nhân vật
trong phim? Cách thức xây dựng mọt nhân vật được yêu thích là gì?
Có ba cấp độ thích: cấp độ một chủ yếu dựa vào vẻ bề ngoài, cấp độ thứ 2 dựa
trên sự hiểu biết về tính cách, cấp độ thứ ba là sự đồng cảm. Bạn có thể sử dụng
cả ba cấp độ thích khi thiết kế nhân vật của mình. Để khán giả đi từ thích sang
đồng cảm với nhân vật, bạn phải tạo ra những nhân vật giàu bản sắc và có đặc
trưng riêng. Trong quá trình họ khám phá bản thân, bạn phải chỉ ra sự độc đáo của
nhân vật và làm nổi bật những nét rất con người, rất chân thật mà ai cũng có thể
đồng cảm. Một trong những điều đó chính là đam mê.
Chương 4: Mâu thuẫn và kịch tính
Mâu thuẫn là xung đột đến từ hai phía, và nó luôn làm dấy lên một câu hỏi kịch
tính: “Bên nào sẽ thắng?”. Tuy nhiên những bộ phim của Pixar không đơn thuần chỉ
xây dựng những mâu thuẫn bên ngoài mà còn khắc sâu những mâu thuẫn trong nội
tâm nhân vật. Một số mâu thuẫn tạo được kịch tính như cận kề giữa sự sống và
cái chết, nhân vật phải mạo hiểm một thứ gì đó, nhân vật đặt trước nguy cơ hoặc
bị hủy hoại hoặc tái xây dựng bản thân.
Chương 5: Cấu trúc của Pixar
Cấu trúc được sử dụng như một tấm bản đồ hành trình với hàng loạt các điểm
đến để giúp bạn xây dựng và phân tích câu chuyện của mình. Có nhiều loại cấu
trúc khác nhau nhưng đều có chung một loại kết cấu, gồm những đặc điểm sau:
Cấu tạo gồm 3 phần: mở, thân, kết. Đoạn giữa dài nhất và
tập trung vào các mâu thuẫn. Đoạn mở đầu giới thiệu, cung cấp các thông tin cần
thiết cho tác giả. Đoạn kết trả lời câu hỏi kịch tính đã được đề cập, thường ngắn
và có kết cấu nhanh hơn đoạn đầu.
Một câu chuyện hấp dẫn thường có từ 3 đến 5 sự kiện
chính: Nút thắt, Bước ngoặt thứ nhất, Bước ngoặt thứ hai, Cao trào, Giải pháp.
Có thể coi các sự kiện chính là “chuyện đã xảy ra”, và chúng liên kết với nhau bằng “thế nào” và “tại sao”.
Chương 6: Phân vai
Mọi thứ bạn mang đến cho kịch bản của mình – mọi lời thoại, nhân vật, bối cảnh
và từng chi tiết nhỏ - đều phải có chức năng riêng và là một phần của hệ thống lớn. Hầu hết các
nhân vật của bạn đều có một mối quan hệ đầy ý nghĩa với nhân vật chính. Một lưu
ý là dù việc tạo ra các nhân vật thú vị với quan điểm độc đáo và các nét tính
cách khác biệt là vô cùng quan trọng, nhưng bạn cũng không nên đặt yếu tố đặc sắc,
thú vị lên trên sự thật. Mọi nhân vật của bạn đều cần có cảm xúc hay góc nhìn
mà khán giả có thể liên hệ tới thực tế cuộc sống.
Mơ những giấc mơ lớn, vẽ nên những sự kiện và nhân vật
không tưởng là yếu tố vô cùng quan trọng. Và gắn kết những khoảnh khắc không tưởng
với các cảm xúc chân thực và dễ hiểu cũng quan trọng không kém.
Chương 7: Nhân vật phản diện
Sự đối kháng là bất cứ thứ gì đứng giữa nhân vật chính và mục tiêu của họ.
Nó có thể là một nhân vật, một đồ dùng, một tư tưởng hay thậm chí là bản thân
nhân vật.
Khi nói về nhân vật đối kháng chúng ta có nhân vạt “xấu xa” và nhân vật “rắc
rối”. Nhân vật đối kháng “xấu xa” không màng đến đạo đức hay công bằng, thường
khiến cuộc sống của nhân vật chính khó khăn hơn vì họ thích sự độc ác, hoặc họ
coi trọng sự thỏa mãn của mình hơn hạnh phúc của người khác. Còn nhân vật “rắc
rối” thì có ý tốt nhưng lại vô tình làm nhân vật chính đau buồn. Ngoài ra còn
có nhân vật phản diện “tốt”. Đây là những nhân vật có động cơ “không ích kỉ”. Họ
có thể cản đường nhân vật chính, nhưng họ có vai trò quan trọng trong xã hội của
mình và họ tuân theo nguyên tắc rất chặt chẽ.
Chương 8: Phát triển ý tưởng
Trong chương 8, tác giả sẽ gợi mở cách Pixar phát triển ý tưởng, khiến những
bộ phim của mình không sáo rỗng mà thú vị hơn nhiều lần so với những gì khán giả
có thể tưởng tượng.
Có hai cách chính để phát triển ý tưởng. Cách thứ nhất đơn giản là khám phá
thế giới bạn tạo ra. Cách thứ hai là tập trung vào cốt truyện và nhân vật. Dean
sẽ phân tích và làm rõ từng cách trong cuốn sách với những ví dụ hữu ích.
Chương 9: Đoạn kết
Ta rất ghét kẻ nào tiết lộ cái kết – Hopper
Cái kết của bạn phải phản ánh được tính cách nhân vật và là kết quả trực tiếp
của hành trình mà họ đã trải qua. Nó không nên quá dễ đoán hoặc giống hệt những
kì vọng mà họ đã trải qua. Bạn có thể trở lại phần đầu và trả lời một câu hỏi
mà khán giả đã quên hoặc tạo ra một thế giới mới mẻ và tuyệt vời hơn.
Chương 10: Chủ đề
Chủ đề là một phần khái quát và trừu tượng xuyên suốt câu chuyện của bạn. Nó không phải là nội dung, nó là điều mà nội dung cũng như kịch bản phải thể hiện. Một khi đã tìm được chủ đề cho câu chuyện, bạn hãy sử dụng cốt truyện, nhân vật, bối cảnh và lời thoại để thể hiện nó trên màn ảnh theo cách sinh động nhất có thể.
Chương 11: Vài lời dành cho các nghệ sĩ trẻ tham vọng
Chương cuối sẽ không bàn luận nhiều về nghệ thuật kể chuyện mà tập trung
vào cuộc sống của những người sáng tạo. Từ những bộ phim bài học được rút ra
là, bên cạnh kĩ năng, sự sáng tạo và cảm xúc chân thành, cần nhớ:
Chớ để ai ngăn cản bạn theo đuổi đam mê nhưng cũng đừng để
việc theo đuổi đam mê ngăn bạn tìm ra sở trường của mình và những thứ làm bạn hạnh
phúc.
Lời kết:
“Nghệ thuật kể chuyện của Pixar: Những nguyên tắc kể chuyện
hiệu quả dựa trên các bộ phim tuyệt vời nhất của Pixar” của Dean Movshovtz là một cuốn sách không chỉ hấp dẫn về
nội dung mà còn ấn tượng về hình thức. Được in trên giấy dày mịn, có nhiều hình
ảnh minh họa thú vị, gây hứng thú và lôi cuốn người đọc tới những trang cuối
cùng. Nếu yêu thích phim ảnh, đam mê viết lách hay muốn dấn thân trên con đường
sáng tạo đừng bỏ lỡ cuốn sách này.
Tác giả: Thu Thảo - Bookademy
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: partner.bookademy@gmail.com
Phân tích nhanh cách kể chuyện sử dụng phim Pixar làm ví dụ. ("Inside Out" chắc hẳn là bộ phim ăn khách gần đây nhất của họ trong lần phát hành này vì nó tóm tắt lại bộ phim đó ở cuối mỗi chương). Bài đọc nhanh dành cho những người có thể quan tâm đến một số vấn đề cơ bản về cách kể chuyện nhưng thiếu chiều sâu kỹ thuật thực sự. Cá nhân tôi không học được điều gì mới từ nó, nhưng rất thích đọc kiểu viết này. Cảm giác giống như một luận án nghiên cứu được viết rất hay.