Rất có thể khi đặt cuốn sách này xuống, bạn sẽ tìm thấy những điều nhỏ bé tốt đẹp cho riêng mình. Từ những miền kí ức đã xa xôi lắm, nơi những vì sao ngủ quên chờ bạn tìm về...

Khi đọc xong cuốn sách này tôi đã tự hỏi, liệu tác giả có từng trải qua nỗi đau như nhân vật chính trong cuốn sách đã từng trải qua?. Có lẽ việc những nhà văn tài ba thấu hiểu tâm lí nhân vật là điều hết sức hiển nhiên. Và khi Kazumi Yumoto là một trong những cái tên gây được tiếng vang trên văn đàn Nhật Bản. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng đó là việc thấu hiểu tâm lí trẻ thơ và nhập vai một cách xuất sắc, để cùng vượt qua những nỗi đau đến hóa câm lặng của một cô bé đang ở lứa tuổi đầu của nhận thức...

"Mùa thu của cây dương" không phải là cuốn sách mang khúc ca của sự đau buồn, nhưng nó cũng không chứa đủ nhiều niềm vui để có thể chia đều cho tất cả các nhân vật trong truyện. Giọng văn nhẹ nhành bình thản mở ra một chốn Nhật Bản bình yên, đượm vàng màu lá dương khi thu đến. Và trong đó là câu chuyện về cô bé Chiaki, một cô bé sáu tuổi nhưng đã phải chịu bi kịch gia đình-ba mất vì tai nạn giao thông, mẹ rơi vào trầm buồn u uất một thời gian dài và đã có lúc không còn khả năng chăm sóc cho cô con gái nhỏ của mình. Cuộc sống của cô bé đáng thương và người mẹ ấy sẽ đi về đâu nếu như họ cứ chìm trong những kỉ niệm cùng nỗi đau nơi ngôi nhà cũ? Tự tử chăng? Khi con người ta đã quá đau buồn và thất vọng về hiện tại thì có lẽ đó là một trong những lựa chọn mà người ta dễ dàng nghĩ đến nhất. Nhưng có lẽ thượng đế đã an bài để không có nỗi đau nào không dứt. Và cây dương cổ thụ rơi lá vàng cả khu cư xá, như đánh dấu bước ngoặt cuộc sống của hai mẹ con Chiaki. Tình cờ như duyên phận, hai mẹ con Chiaki chuyển đến khu cư xá có tên “Cây dương” do một bà cụ đã nhiều tuổi làm chủ. Chính tại nơi đây, Chiaki đã có được ấm áp từ những con người giàu thương yêu. Và cũng từ đó học được thế nào là yêu thương. Chỉ có điều, có những ai đó chẳng thể duy trì sự an yên vốn có khi phải thay đổi không gian sống và những con người ta gặp . Bài học về sự yêu thương ngày nào cũng có thể phai  nhòa dần theo tháng năm...

Trưởng thành có lẽ là điều bất cứ đứa trẻ con nào cũng hằng ao ước, nhưng những người trưởng thành dường như lại có nhiều nỗi lo quá, và đôi khi là cả nhiều nỗi đau quá. Một ngày kia khi đã trưởng thành, và khi đã phải mang trong tim mình thật nhiều những nỗi đau không dứt, Chiaki nhận được cuộc gọi từ mẹ báo bà cụ chủ nhà tốt bụng năm xưa đã qua đời. Sĩnh lão bệnh tử, cuộc đời mỗi con người là điều không tránh khỏi và cô biết bà cụ chủ nhà năm ấy đã già lắm rồi. Gạt bỏ day dứt , Chiaki quyết định tìm trở về căn phòng nhỏ năm xưa hai mẹ con đã sống những tháng ngày khó khăn nhất trong cuộc đời. Trong thâm tâm cô không hi vọng nhiều về chuyến đi sẽ giúp cải thiện tinh thần hiện tại của mình nhưng sâu trong cô hiểu được đó là một phần tâm hồn cô. Nơi ấy chứa đựng quãng thời gian đẹp nhất trong tuổi thơ cô . Về dự đám tang bà cụ chủ tốt bụng,nhận lại những lá thư năm xưa mình đã viết . Và ngoài sự mong đợi của cô, chính trong chuyến hành trình đó Chiaki đã tìm về được những điều quý giá đáng trân trọng mà cô đã bỏ quên bao năm tháng qua. Theo dòng hồi ức những năm tháng hạnh phúc ấy như nước suối nguồn ngọt lành mát trong tràn về trong cô.

 

Mùa thu của cây dương năm ấy, trong trí nhớ của Chiaki có cô Sasaki, bác Nishioka, anh Osamu và đặc biệt là bà cụ chủ nhà-những con người mà khi nhớ lại cô nhận ra vô thức mình đã coi họ là gia đình.Họ đều là những người đặc biệt trong cuộc đời cô. Ngược thời gian quay về trang viên Cây dươn của những ngày Chiaki bắt đầu lớp 2, là những ngày tháng đầy ắp tình cảm gia đình và sự bao bọc từ những người xa lạ. Con người ta dường như khi phải chịu nỗi đau quá lớn, thì thường có xu hướng tự tạo cho mình một lớp vỏ bọc thật dày.Nhưng lớp vỏ bọc ấy lại rất dễ bị nhận ra. Và Chiaki không phải là một ngoại lệ. Cô bé không chịu mở lòng với luôn cả mẹ mình, luôn cảnh giác những điều nhỏ nhặt nhất và gặp những giấc mơ kì quặc.Tác giả đã rất thành công trong việc diễn tả nỗi đau của môt cô bé 6 tuổi. Những vỏ bọc mà em xây, những suy nghĩ em có, những hoang mang lo lắng hết sức trẻ thơ. Nhưng ẩn chứa trong tất cả dường như là nỗi đau cùng sự cô đơn đang bên bờ tuyệt vọng.

 

Cô bé nhớ người bố của mình và thường đặt ra những câu hỏi thật sự không có đáp án hoàn hảo. Em tự cho mình là khác biệt  và cứ như thế tự cô lập bản thân mình với mọi người quanh em. Thể chất kém( như lời của bà cụ vẫn hay trách yêu Chiaki như thế) cô bé thường hay ốm, và trong những trận ốm như vậy, bà cụ chủ nhà thường là người chăm sóc cho em-người mà em đã rất sợ hãi và có ấn tượng xấu lúc ban đầu.Còn mẹ em, mẹ em dường như đã sắp xếp lại được cuộc sống của mình khi tìm được một công việc và bận rộn với nó. Nhưng mẹ lại luôn thấy thất bại và bất lực trước em bởi không cách nào khiến em mở lòng. Có điều gì đó kì lạ giữa hai mẹ con,những con người kiệm lời. Hay phải chăng, rào cản về sự tự tin của mẹ vì đã không thể cho em một gia đình hạnh phúc và đầy đủ yêu thương đã khiến mẹ mãi mãi không thể bước vào thế giới nội tâm của em.Tôi đã thấy sự trưởng thành sớm của một đứa trẻ về mặt tinh thần trong đó. Tôi đã thấy những con người dễ tổn thương và để rồi thật khó để mở lòng mình trong đó.

 

Khi về già thì người ta khó có thể xinh đẹp và đặc biệt như bà cụ khi ấy đã hơn tám mươi tuổi. Ngoại hình của bà ban đầu đã khiến Chiaki sợ hãi. Và cái quy định không muốn cho gia đình có trẻ con thuê đã khiến Chiaki nghĩ rằng bà rất ghét trẻ con. Trên thực tế, có vẻ như bà cụ chủ nhà không phải là một bà cụ dịu dàng. Bà đã truyện trò cùng em, đã chăm sóc cho em bằng tình yêu thương của người bà thật sự nhưng không hề có sự cưng nựng trong đó. Và không chỉ từ phía bà cụ ,sự cởi mở và ân cần của mọi người xung quanh đã khiến Chiaki dần mở lòng mình và đón nhận. Sự giúp đỡ và che chở từ cô Sasaki, bác Nishioka, người bạn ấu thơ Osamu đã cùng em có những kỉ niệm ý nghĩa. Nhưng sâu trong tâm hồn em vẫn luôn tồn tại những câu hỏi về người cha của mình, những sợ hãi nghi ngại về cái chết.

”Bố đã đi đâu nhỉ? Bỗng nhiên một ngày bố đi đâu mất? Thế là thế nào? Sao đột nhiên lại không còn bố nữa? Liệu có phải bố sảy chân rơi xuống lỗ cống đang mở nắp rồi biến mất giống như nhân vật siêu hậu đậu trong truyện tranh hay không?..."

 Và bạn biết không, chính bà cụ chủ nhà khi ấy-một bà lão tám mươi tuổi gần đất xa trời, đã giúp Chiaki vượt qua mất mát và nỗi đau tinh thần. Bằng một phương thức không tưởng mà đơn giản và hiệu quả. Bà đã khiến cho Chiaki viết được ra hết những nỗi lòng của mình. Viết ra hết bằng cả trái tim và tâm hồn non nớt đầy những thương tổn. Mỗi ngày một chút, một chút, những nỗi đau và sự hoài nghi đã vơi đi tự bao giờ. Qua những lá thư nhờ giữ hộ, qua những câu chuyện kể của bà cụ, qua tấm lòng của những người xung quanh Chiaki đã có thể nghĩ mình bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Rồi thời gian cứ thế qua đi, 3 năm ngắn ngủi trôi qua với biết bao câu chuyện xung quanh, biết bao cuộc hội ngộ chia li đã khiến Chiaki mạnh mẽ và hạnh phúc hơn. Phải chăng đích đến của cuộc đời mỗi con người là hạnh phúc, và mỗi chúng ta đang ngày ngày cố gắng để bản thân mình có thể hạnh phúc hơn sau mỗi ngày trôi qua. Nếu vậy thì Chiaki đã làm được điều đó, em đã lấy lại được cuộc sống bình thường vui vẻ như những đứa trẻ khác.

 Lá thư đầu tiên của tôi thế này:

“Bố có khỏe không ạ? Con khỏe. Tạm biệt bố.”

Ba lá thư đầu tiên tôi lặp đi lặp lại cùng một nội dung. Đến lá thư thứ tư, tôi đã viết khác đi không phải vì nghĩ rằng viết thế này thì tệ quá mà bởi vì tôi thực sự có điều để nói.

“Bố có khỏe không ạ? Hôm nay con lên bảy rồi. Mẹ mua cho con một cái bánh ngọt. Hai mẹ con cắt bánh và mang xuống mời bà cụ chủ nhà. Bà gọi bánh ngọt là “kẹo tây”. Mang cả sang cho bác Nishioka và cô Sasaki ở phòng bên cạnh nữa. Bánh rất ngon. Mẹ tặng con quyển Những cuộc phưu lưu của cô gà mái Emma. Tạm biệt bố.”

 Nhưng rồi 3 năm kia kết thúc, em cùng mẹ phải ra đi đến gia đình mới của mẹ, với em chỉ là gia đình mới của mẹ. Và cuộc sống của em từ đó đã thay đổi, em lại quay trở về với sự lặng im như vốn có, với vỏ bọc của mình. Có lẽ không phải ai trong chúng ta cũng có đủ sự yêu thương và sẻ chia đối với một người khác. Vậy là cứ như thế đến khi trưởng thành, và càng ngày càng nhận thêm nhiều những tổn thương. Có người sẽ cho rằng, tổn thương hay không là do chính bạn lựa chọn. Nhưng bạn có hiểu được rằng, có những người họ không còn có đủ dũng khí để mở lòng và chia sẻ đi nỗi đau thương của mình. Như Chiaki. Và sự kiện đám tang của bà cụ đã đưa cô trở về với ngày xưa, trở về với những gì thật sự nhất...Có hạt giống nào lại từ chối nảy mầm trong yêu thương và ấm áp. Và không phải ai cũng có thể kiên cường hạnh phúc khi ở bên những con người vô cảm. Những năm tháng ấu thơ sống trong trang viên Cây dương của Chiaki, em đã học được cách để hạnh phúc. Em muốn nói và bà cụ chủ nhà rằng :”Nhờ bà mà cháu mới được hạnh phúc như thế này”. Em đã đâu kiệm lời đến thế, đã đâu không biết quan tâm đến mọi người như vậy. Cái cây là em khi ấy đã vươn cành, tán lá đón ánh nắng trong hạng phúc rạng rỡ. Như tìm được lại bản ngã chân thật nhất của mình. Chiaki đã quyết định, những năm tháng ấy sẽ là vì sao dẫn lối em trên con đường sau này. Rồi em sẽ lại học được cách yêu thương chân thành, rồi em cũng sẽ nhận ra còn rất nhiều người đang và sẽ yêu thương em chân thành.

 

 

Như đã nói, đây không phải là câu chuyện mang nỗi buồn đau. Kết thúc của chuyện khiến người đọc có thể hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cuộc sống hiện tại của Chiaki. Và nó cũng đưa đến cho người đọc những băn khoăn về nỗi cô đơn của con người trong cuộc sống hôm nay. Đâu đó quanh chúng ta, có những con người đang phải gồng mình lên chống chọi với những hối hả và lạnh lùng vô cảm của cuộc sống. Nhưng dường như, ai trong chúng ta cũng có cơ hội để hạnh phúc. Dù là trái tim mong manh đa sầu đa cảm thì vẫn có những mảnh ghép hoàn hảo dành cho nó. Nỗ lực kiếm tìm hạnh phúc cho bản thân mình và cũng là cho những người yêu thương chúng ta là nhiệm vụ lớn lao nhất của cuộc đời mỗi con người. Và hạnh phúc cũng có những lí lẽ riêng với mỗi người. Hoàn cảnh của bà cụ được tiết lộ ở cuối truyện khiến tôi thật sự băn khoăn về hạnh phúc của đời người. Chồng của bà cụ đã mất nhiều năm nhưng không khi nào bà ngừng thương nhớ về ông qua cái cách mà bà đã thể hiện ra với Chiaki. Và có lẽ ông khi còn sống cũng đã yêu bà nhiều như vậy. Nhưng bà lại là người thứ ba xen vào cuộc hôn nhân của ông với người vợ trước . Bà biết đến ông khi ông đã có một gia đình với vợ và con. Hai người quyết định đến với nhau trong những định kiến gay gắt của xã hội, bà bị người thân từ không nhận, hai người họ phải chuyển đi nơi khác sinh sống. Nhưng kết quả thì sao, hai người họ đã sống rất hạnh phúc, cùng nhau sẻ chia từng giây phút đến tận cuối cuộc đời. Khi bà mất không có người thân đến đưa tiễn nhưng lại có rất nhiều người coi bà là người thân đến và chia sẻ rất nhiều những câu chuyện tốt đẹp mà bà đã làm cho họ.

Sống hướng về hạnh phúc và vượt lên những đau buồn có lẽ chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc. Bên cạnh đó, tôi cho rằng tác giả còn muốn nhắc nhở mỗi chúng ta, trẻ con luôn là đối tượng nhạy cảm nhất. Dễ vui cũng dễ buồn, dễ tổn thương sâu nhưng chữa lành cũng thật mau. Vậy phải chăng ta nên sống như một đứa trẻ? Câu trả lời tùy thuôc vào bạn nhưng tôi tin, cuộc sống của mỗi chúng ta hôm nay, luôn có hình bóng của những ta thời còn là đứa trẻ, ta sống và hướng về nó trong vô thức con người.

 

Tác giả: Nguyễn Hà Mi - Bookademy

------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

 

 

Xem thêm

Khoai lang nướng, thời tiết se lạnh mà gặp món đó thì hết sảy, mọi người biết đấy. Có người nói, nhung nhớ một món ăn không phải vì hương vị ngon lành ra làm sao, mà là khi chúng ta ăn nó với ai, ăn ở đâu, chính những kỷ niệm ấy mới khiến ta chẳng thể nào quên được. Giống như Chiaki, nhớ về món khoai lang nướng lúc cùng ăn với cô Sasaki, với bà cụ chủ khu căn hộ cho thuê và người dân xung quanh vào mỗi độ cuối thu hồi cô còn nhỏ. Cả món cá hồi đóng hộp mùa hè năm Chiaki lên 6, cuộc sống của hai mẹ con đảo lộn trước sự ra đi đường đột của bố. Bên cạnh người mẹ ngủ vùi suốt ngày, như để lẩn tránh cảm giác đau đớn khôn nguôi, Chiaki cứ ăn món đồ đóng hộp ấy đến khi nó trở thành nỗi ám ảnh mãi tận sau này. Khi chuyển đến sống ở khu căn hộ cho thuê, những bữa trưa với canh tương củ cải ninh nhừ nát bét của bà cụ, ngoài ăn hai nắm cơm mẹ chuẩn bị cho thì Chiaki cũng có phần. Đặc biệt còn có món bánh nếp đậu xanh Đại Phúc mà bà yêu thích… Tất cả những ký ức tuổi thơ vụn vặt ấy dần ghép lại với nhau thành bức tranh trang viên Cây Dương hoàn chỉnh, khi Chiaki đặt chân đến nơi này sau hơn 20 năm. Xuân hạ thu đông, nắng mưa gió tuyết, sáng trưa chiều tối trôi qua đều rất đỗi dịu dàng, nhưng khung cảnh đẹp đẽ nhất, êm đềm nhất được sắp đặt ở những chương gần cuối, chính là đám tang của bà cụ. Gian nhà đông đúc người quen của bà đến viếng, không có lấy một người thân. Thế nhưng mọi thứ vẫn diễn ra nhịp nhàng, bình yên trong không khí ấm áp. Mỗi một người bà cụ từng gặp gỡ, bao gồm Chiaki, đều kết nối với bà bằng một liên kết hết sức kì lạ – những lá thư gửi sang thế giới bên kia. Để an ủi nỗi đau mất đi người mà họ yêu thương, bà đã nhận trách nhiệm là người chuyển những lá thư ấy. Dù mọi người đều phàn nàn bà là người khó tính, nhiễu sự nhưng không thể phủ nhận rằng họ đã nhận sự giúp đỡ chân thành hết lần này đến lần khác từ bà cụ. Và cũng ngay tại trong đám tang của bà, Chiaki tìm ra một sự thật về mẹ cô, về những khúc mắc trong lòng từ trước đến nay sau quãng thời gian bố mất, thông qua lá thư nhờ bà cụ giữ hộ. Nhờ đó mà Chiaki mới cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm phần nào trước hiện thực đang rối bời. Tôi còn chẳng biết là ngẫu nhiên hay hữu ý, ngày đưa tiễn bà thời tiết rất đẹp, khiến những vị khách với khớp gối già yếu cũng dễ chịu hẳn. Thật giống với phong cách của bà cụ, lúc nào cũng sắp xếp mọi chuyện đâu ra đấy. “chắc chắn bà cụ đã dàn xếp với thần linh mới được thế này”. Mùa thu của cây dương khép lại trong bầu không khí nhẹ nhàng, yên ả. Câu chuyện ôm trọn nỗi niềm chia ly, sự đau khổ day dứt âm dương cách biệt và cả hạnh phúc từ mối liên kết giữa người với người. Không chút bi lụy, không hề buồn bã, tác phẩm là một món quà mà nhà văn Kazumi Yumoto gửi đến độc giả, ngọt ngào, nồng ấm như dư vị của món khoai lang nướng ngày thu về.

Khá lâu rồi mới được đắm chìm vào một câu chuyện nhẹ nhàng mà lắng sâu trong "Mùa thu của cây dương". Mình có đôi chút bất ngờ sau khi khép cuốn sách lại. Trước giờ, cứ bị đóng đinh rằng văn học Nhật là ngột ngạt, bế tắc cùng cực nên không ngờ câu chuyện trong cuốn sách lại ý nghĩa và ấm áp đến như vậy. Nhận được tin báo về cái chết của bà chủ khu trọ cũ, cô gái Chiaky tìm về Điền trang Cây Dương - nơi cô đã sống cùng mẹ trong gần 4 năm sau khi bố qua đời. Vậy là bao nhiêu ký ức tươi đẹp hiện về giúp cô bình tâm hơn ở hiện tại và có những quyết định đúng đắn hơn cho con đường mà cô đang chênh vênh chọn lựa. Cô bé 6 tuổi là Chiaky khi ấy cũng như những người thuê trọ trong khu căn hộ Cây Dương của bà cụ đã được sống những tháng ngày êm đềm và vui vẻ nhất. Bà cụ cô độc và khó tính ấy lại chính là nơi đã kết nối nhiều người, nhiều mối quan hệ. Cái trò viết thư cho người đã khuất mà bà cụ nghĩ ra, cứ ngỡ chỉ để an ủi cô bé Chiaky cô độc khi ấy, không ngờ lại trở thành liều thuốc tinh thần vực dậy biết bao người. Tim tôi như lắng lại khi chứng kiến những kỷ niệm bé xinh trong hồi ức cô bé Chiaky khi ấy. Từng hành động nhỏ, gom góp lại sau mỗi ngày đã tạo nên một "xóm trọ" nhỏ thật đặc biệt - nơi mà mọi người, không phải quá thân thiết, nhưng luôn sống với nhau bằng nghĩa tình ấm áp.

"Mùa thu của cây dương" - Kazumi Yumoto - là cuốn sách nhẹ nhàng, thấm đẫm triết lí như những cuốn sách khác cùng thể loại văn học Nhật nhưng vẫn để lại trong lòng mình những dấu ấn rất riêng. Sách khá mỏng, nội dung đơn giản, tuy mình chưa từng đọc cuốn sách nào có nội dung giống hoặc gần giống "Mùa thu của cây dương" nhưng khi đọc vẫn có cảm giác vô cùng quen thuộc. Cuốn sách là những hồi ức của Chiaki về những ngày tháng tuổi thơ ở Trang Viên Cây Dương. Mình mua "Mùa thu của cây dương" ở hội sách do bị ấn tượng bởi bìa sách. Bìa sách màu vàng, không đẹp xuất sắc nhưng lại đem đến cho mình cảm giác vô cùng bình yên. Câu chuyện trong cuốn sách cũng giống như bìa vậy, ấm áp, giản dị và thân thương. Cuộc sống của Chiaki cũng như của nhiều người khác trong nhà trọ Cây Dương hiện lên vô cùng êm đềm và mình cảm thấy được niềm hạnh phúc của họ như ẩn như hiện trong từng trang văn. Mình rất thích bà cụ chủ nhà trong tác phẩm này. Mặc dù đã mất nhưng trước đó, bà đã sống một cuộc đời toàn vẹn, chẳng có nhiều điều phải hối tiếc, ngay cả lời hứa với Chiaki là sẽ sống cho tới khi cô bé trở thành người lớn bà cũng đã thực hiện. Còn chi tiết mình ấn tượng nhất thì chắc chắn là những lá thư. Đó là chi tiết đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mạch truyện và tất cả các nhân vật trong "Mùa thu của cây dương", đăc biệt là cô bé Chiaki. Nội dung trong những bức thư là tình cảm của cô bé với bố còn cách mà Chiaki viết, cách mà cô gửi, cách mà cô nghĩ về nó lại là tình cảm mà cô dành cho bà cụ - "người đưa thư".

Mình chọn đọc cuốn sách này vì thấy tựa đề là mùa thu của cây dương. Mình vô cùng thích mùa thu, nó vô cùng vô cùng đẹp, theo một cách chân thật và buồn.Tuy nhiên lần này mình cũng không thích bìa cuốn sách. Màu vàng quá chói này không hợp cho sự nhẹ nhàng của mùa thu. Câu chuyện về cuộc hành trình quay ngược dòng thời gian tìm đến những ký ức thời thơ ấu của cô bé tên Chiaki.Vào năm 6 tuổi, sự ra đi đột ngột của người bố đã khiến Chiaki cùng mẹ lâm vào cảnh khốn khổ. Cuộc sống chật vật với việc tìm kiếm thứ gì đó tốt hơn cùng những chuyến tàu bất định đã mẹ con cô tới trang viên cây dương. Ở đó cô đã có những kỉ niệm đẹp về tuổi thơ.Tất cả là nhờ có sự giúp đỡ của bà cụ chủ nhà.Tuy bà có hơi khó gần với ngoại hình mang chút lạnh lùng, đáng sợ cùng tình tính quái gở, nhưng lại vô cùng tốt bụng. Bà luôn chăm sóc cô những lúc cô mệt mỏi, ốm yếu, cùng cô vượt qua những nỗi sợ. Và hơn nữa bà đã cùng cô gửi đi nỗi nhớ về người bố đã khuất của Chiaki. Tuy nhiên dường như ba năm chứng kiến sự trưởng thành của cây dương là quá đủ với cô, nên vận mệnh bắt cô phải rời xa nơi này với lí do là mẹ cô tái hôn.Tất cả những gì đã trải qua,những cảm giác ấm áp, ngọt ngào, cái cảm giác được sống với "người thân", những người yêu quý mình đều dần trở thành hoài niệm đẹp nhất của đời người. Tâm lí nhân vật được khắc họa khá tốt, và vẫn là sự nhẹ nhàng mà cuốn hút trong từng câu chữ, vẫn để lại cho người đọc những suy nghĩ về đời người.

Bằng một sự ngẫu nhiên, hai mẹ con Chiaki đã đến với trang viên Cây Dương, nơi bắt đầu cho những mùa thu rực rỡ lá vàng và đầy ắp những kỉ niệm với những con người mà mãi đến sau này không thể quên . Vào mùa hè năm Chiaki lên sáu tuổi, cô bé và mẹ đã dọn đến một khu căn hộ có tên Cây Dương để sống, sau khi bố Chiaki mất. Đó là một điều kinh khủng xảy ra với hai mẹ con, nhưng với tâm hồn còn quá non nớt, cô bé chỉ lờ mờ cảm nhận nỗi đau ấy từ mẹ của mình. Cuộc sống mới ở trang viên buộc cô bé phải dần thích nghi, những người hàng xóm mới và những nỗi lo bủa vây. Tôi nhận ra đâu đó bản thân ở Chiaki, cô bé thật sự đáng yêu. Đó là nỗi sợ mang tên cá hồi, bởi cô bé phải ăn chúng trong suốt một thời gian dài, sau khoảng thời gian bố Chiaki mất và mẹ cô bé quá mệt mỏi để lo lắng cho Chiaki. Tiếp đó là nỗi sợ hố đen, Chiaki nghĩ một phút lơ đễnh của bản thân có thể khiến mọi thứ bị hố đen kia nuốt chửng, vì thế mà cô bé không ngừng lo sợ trong suốt quãng đường đến trường. Nào là nhà đã khóa cửa chưa, liệu nó có bị cháy không, đã mang đủ sách vở chưa…Chiaki hệt như một bà cụ non. Chắc hẳn mỗi chúng ta đều có một nỗi sợ cho riêng mình. Và nỗi sợ tiếp theo của Chiaki chính là bà cụ chủ nhà. Trong tâm trí Chiaki bà cụ giống như ma nữ ác độc với nụ cười sâu hoắm vì chỉ còn 3 chiếc răng. Một bà cụ với tính tình kì quặc: ưa sạch sẽ, ghét trẻ con, thích ăn đồ ngọt, … Nếu chỉ có vậy thì bà cụ chẳng có gì quá đặc biệt, điều khiến Chiaki ngạc nhiên về bà, chính là bà làm nghề đưa thư, nhưng là đưa thư cho người đã mất. Và đây chính là sợ dây kết nối giữa Chiaki với bà cụ, Chiaki với mẹ và với người bố đã mất của mình. Việc bí mật gửi những lá thư cho bố thông qua bà cụ, đã giúp tâm hồn cô bé vui vẻ hơn. Bởi từ khi bố mất, cô bé phải một mình đối diện những nỗi lo lắng chỉ riêng mình biết, những điều thắc mắc không lời giải đáp, vì thế những lá thư chính là cách kết nối duy nhất để Chiaki bày tỏ nỗi lòng của mình với bố. Và cô bé tin rằng những lá thư ấy sẽ tới tay bố và bố sẽ nói cho cô bé biết mọi điều. Chiaki hoàn toàn thích thú với công việc bí mật này của bà cụ, dường như cô bé có một thế giới riêng với những lá thư, bà cụ thật sự trở nên đặc biệt với cô bé. Câu chuyện dần sáng tỏ khi Chiaki đã trưởng thành và lúc này đang trên đường trở về trang viên Cây dương để dự đám tang bà cụ. Một bí mật nữa được hé lộ, điều mà Chiaki thắc mắc bấy lâu, có lẽ những lá thư Chiaki gửi bà cụ đã tới tay bố. Sự thật mà mẹ cô bé cố gắng cất giữ bấy lâu về cái chết của bố Chiaki vì sợ cô bé cũng sẽ giống bố mình, bởi “Chiaki có tâm hồn hệt như bố mình”. Tác giả Kazumi Yomoto thật biết cách dẫn dắt người đọc, gây tò mò liệu câu chuyên rốt cuộc ra sao và bí mật bị che giấu là gì. Ban đầu có thể khiến người đọc liên tưởng tới một câu chuyện kinh dị nào đó, nhưng hoàn toàn không, đó là một câu chuyện nhẹ nhàng như mùa thu, khơi gợi nhiều cảm xúc nơi người đọc. Tôi hoàn toàn bị gây ấn tượng và đã đọc đi đọc lại nhiều lần, với những cảm xúc háo hức, tò mò, hi vọng và vỡ òa.

… Trong những ngày Sài Gòn lặng lặng, trầm trầm, mưa như trút vào mỗi buổi chiều, ánh nắng hiếm hoi đến mức nhìn qua khung cửa sổ chỉ thấy một màu xám xám, đục đục… tôi bắt đầu đọc “Mùa thu của cây dương”. Với những ai thích điểm nhấn nhẹ nhàng cho cuộc sống, không vội vã đua chen, thì “Mùa thu của cây dương” là sự lựa chọn hoàn hảo. Nhẹ đến mức như có thể nghe cả hơi thở, cả tiếng lá cây rơi, dịu dàng, dè dặt. Câu chuyện bắt đầu với tin tức về người sở hữu “Trang viên cây dương” đã qua đời và đứa trẻ – bây giờ đã là cô gái ngoài 20 – vẽ lại về một phần ký ức khó vượt qua nhất nhưng cũng bình yên nhất của cuộc đời mình. Trên con đường trở về với ký ức tuổi thơ, cô gặp lại mình và người mẹ đã vô cùng bé nhỏ, đau khổ hư thế nào khi nghe tin người cha qua đời. Họ – một phụ nữ và một đứa trẻ – vượt qua những ngày tháng âm u, dột nát nhất cuộc đời để những ký ức chỉ có màu xám xanh trở nên tươi mới hơn. Tuổi thơ của cô bé Chiaki lớn lên với người chủ trang viên, người mà cô cho rằng xấu xí, khó tính, ít lời và hảo ngọt… nhưng càng lớn cô càng hiểu ra rằng người phụ nữ ấy đã giúp cô đứng lên bằng chính đôi chân của mình, chỉ với một lời hứa thôi: Sẽ là người đưa thư, sẽ chuyển những lá thư của cô lên thiên đường, nơi có người cha của cô bé. Và, như một nốt lặng trầm, nhè nhẹ, ngày tháng cứ trôi đi, trôi, trôi… cô bé cùng những lá thư ngày một dài, ngày một nhiều kể cho người cha của mình nghe về mọi thứ. Cô thấy cha bên cạnh mình, an ủi mình, nghe thấy tiếng mình nói, lặng im trong đêm cùng mình… cha vẫn hiện hữu và có thật như chưa bao giờ cha ra đi. Chiaki sống với niềm tin như thế, để những yêu thương cũng ngày càng lớn, sẵn sàng “lắng nghe” người mẹ của mình nói rằng: “Con thật giống cha con” mà không có phản ứng. Cốt truyện nhẹ nhàng, nho nhã, gần gụi và dễ cảm, Kazumi Yomoto cuốn người đọc vào không gian tinh tế cùng lời văn ngọt ngào lồng ghép với những triết lý nhẹ như mây, sâu sắc. “Mùa thu của cây dương” với bản phối màu của quạnh hiu, cô độc, đẹp đẽ mà ăm ắp tình thương là một trong những cuốn sách mang chủ đề mùa của tác giả. Cuốn sách đọc & nghĩ, nghĩ nhiều 🙂