Đã bao giờ tâm trí bạn đầy ắp thắc mắc về sự tồn tại của Chúa trời? Về ảnh hưởng của ngài trong cuộc sống thường nhật? Và hơn thế nữa là sự cần thiết của tôn giáo trong dòng chảy cuộc sống hiện đại? Với thông điệp cũ nhưng được thể hiện dưới giọng văn đầy sáng tạo cùng những cảnh phim mãn nhãn đầy màu sắc, Life Of Pi của Lý An đã đưa ra một câu trả lời thỏa đáng về sự tồn tại của đức tin và 2 mặt bản chất của con người.

Life of Pi là câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Piscine Molitor Patel, gọi tắt là Pi. Theo từng bước chân của nhà văn người Canada, xuyên suốt quá trình phỏng vấn Pi, dọc ngang từng ngóc ngách ngỏ hẹp, từng hàng ghế, bóng râm bờ kè, bức tranh về một cuộc đời đầy thăng trầm của Pi được hé mở. Cả bức hoạ là 2 phần đối lập: bình yên và giông tố được phân biệt bởi nét cắt ngang đẫm đau thương, sự kiện đắm tàu chia cắt gia đình Pi mãi mãi. Trước khi những đau thương mất mát xảy ra, đó là cuộc sống bình thường của cậu bé tên Piscine Patel, cha là chủ sở thú, mẹ là nhà thực vật và cậu còn có thêm một người anh trai, Ravi. Tuổi thơ của cậu gắn liền với vườn tược cây cối của sở thú với những loài động vật hoang dã. Dẫu Pi cũng đối mặt với những vấn đề ở trường, sự châm chọc của những đứa bạn cùng lứa về cái tên của cậu, nhưng lớn lên với sự hoang dã xung quang đã tạo nên một nỗi hoài nghi về tôn giáo và đức tin, hệ quả là cậu theo 3 tôn giáo khác nhau, một cơn khát niềm tin mãnh liệt. Trong cái bình thường đó, cậu tìm thấy được tình yêu của mình trên đất Ấn độ, quê hương cậu. Rồi, việc làm ăn khó khăn với cái đe chính trị, cha Pi quyết định chuyển cả nhà cùng sở thú đến với miền đất hứa Canada nhiều cơ hội hơn trên con tàu định mệnh. Tàu đắm bởi một cơn giông khiến Pi lênh đênh trên biển cùng những tạo vật hoang dã từ sở thú của cha: con hổ, ngựa vằn, đười ươi và linh cẩu. Rồi con linh cẩu giết chiết đười ươi và ngựa vằn, con hổ giết con linh cẩu. Chỉ còn Pi và con hổ, vốn bị nhầm tên từ "Khát" thành "Richard Parker", lênh đênh trên cùng một con xuồng cứu hộ. Và cả hai cùng bắt đầu cuộc hành trình sinh tồn để trở về đất liền.

Ngón tay lật từng trang sách, miết dọc theo từng con chữ, cảm nhận chất liệu, ngửi cái vị thơm của giấy, rồi thì một ngày cho chương 1, nửa ngày cho chương 2, thật khủng khiếp, chúng nó đang thực sự lảm nhảm về thế giới động vật, từng con chữ, giọng văn, từng trang sách chỉ xoay quanh trong cái vòng quay thế giới hoang dã. Nhưng đó chính là điểm mấu chốt của toàn bộ Life of Pi, như một quyển chỉ dẫn du lịch để độc giả từ từ thâm nhập vào cái thế giới nội tâm rực rỡ của Pi, để rồi những chương tiếp theo là sự thần tốc. Tác giả như muốn tận dụng cái tuổi thơ rừng rậm xanh mướt, đan xen vào những chi tiết so sánh với con người, để miêu tả rõ ràng hơn dáng hình của cái ác, phần con trong Pi. Đó là những lời miêu tả thực, không rườm rà về vẻ ngoài, mà là cách chúng nó nghĩ, lối tư duy của động vật, qua đó đánh bật lên nét hoang dã tiềm tàng của phần con trong Pi.

 

 

Những chương tiếp theo là sự hỗn loạn về niềm tin và nền tảng giá trị sống của thanh niên Ấn Độ trẻ. Về bản chất của cái tốt và xấu. Với những nỗi hoài nghi vô tận, cứ thế, Pi để lại dấu chân tinh thần ở mỗi tôn giáo cậu bước qua. Với một sự tiếp nhận vào giáo phái mới, Pi lại thấy sự mâu thuẫn ở đức Chúa trời. Những so sánh và khác biệt của các tôn giáo đã tạo ra nỗi ngờ vực to lớn trong đức tin của Pi. Tôn giáo là trò bịp? Và Chúa trời thực đã thử thách đức tin của cậu. Ngài đánh chìm con tàu Nhật Bản chở cả gia đình cậu và sở thú. Để Pi lênh đênh một mình trên biển cả cùng loài hoang dã khát máu. Một hành trình đi tận sâu vào cái bản chất của Pi nói riêng và của con người nói chung khi lâm vào cảnh hoạn nạn.

Có lẽ phân thú vị nhất của Life Of Pi, dĩ nhiên là cả ở nguyên tác lẫn chuyển thể, bởi lẽ Lý An đã quá xuất sắc trong việc đưa lên cả màn ảnh rộng một nguyên bản tóm gọn mà ko có chi tiết thừa nào cả, chính là phần giữa của phim, hình ảnh Pi lênh đênh trên biển cả mênh mông cùng với 4 con thú: hổ, ngựa vằn, linh cẩu, đười ươi. Lần đầu lướt qua đoạn này, mà không tới được phần cuối phim, Life of Pi chợt hóa ra đơn giản lạ kì. Câu chuyện về cậu bé nhìn đám vật hoang dã đánh nhau đến tử vong duy con dữ nhất là còn sót lại, con hổ, lênh đênh cùng Pi cho đến khi cậu được cứu. Pi và Hổ trải qua bao sóng gió, thử thách mà biển cả, hay đơn giản là Chúa đem lại. Và Pi sống sót được cứu, Hổ biến mất vào rừng. Thế nhưng, chính cuối phim, một câu chuyện khác hé lộ, một cú twist bất ngờ đến xây sẩm mặt mày. Và chỉ ở giây phút đó, câu chuyện thứ 2 được kể đã chỉ đơn thuần đưa Life Of Pi lên hàng đẳng cấp cao hơn cả.

Ở cuối phim, Pi đã khẳng định cậu kể cho nhà chức trách nghe 2 bản thể của cả hành trình sống sót ấy. Một thì đơn giản, đẹp đẽ. Một thì hiện thực, tàn khốc.

Bản thể đơn giản: Sau đắm tàu, Pi chứng kiến con linh cẩu ăn thịt con ngựa vằn đang bị thương, con đười ươi phản đối hành động đó và sau khi xô xát, cũng bị thương chờ chết. Sau đó con hổ Bengal, tên Richard Parker vùng ra khỏi miếng bạt và hất văng con linh cẩu xa mãi ngoài biển khơi.

Hiện thực phức tạp: Bốn người sống sót, gã đầu bếp và thủy thủ đã lên thuyền. Gã thủy thủ ném cho Pi một cái phao và kéo cậu lên bờ. Mẹ cậu bám vào một buồng chuối và dạt vào thuyền cứu sinh. Gã đầu bếp kinh tởm ăn thịt chuột, vũ phu nhưng tháo vát. Người thủy thủ là người đã mang cơm và thịt đến nhưng bị gãy chân và nhiễm trùng. Cuối cùng người thủy thủ cũng ra đi theo cái cách mà bọn chuột đã ra đi. Người mẹ lên tiếng phản đối và bị gã đầu bếp đánh trả. Người mẹ bị giết và vứt xuống biển làm mồi cho cá mập. Pi giết gã đầu bếp và khi đó lương thực cũng đã cạn. Pi cũng giống như gã đầu bếp. Ăn.

Thật đơn giản để nhận ra đâu mới là câu chuyện thật, đâu mới là bản thể của sự thật. Linh cẩu chính là đầu bếp. Ngựa vằn là thủy thủ, đười ươi là hoá thân của người mẹ. Và Pi, là chính Pi trên con xuống ấy và cũng là Richard Parker, con hổ.

Pi đã từng nói: "Nhưng đau lòng hơn cả, hắn đã lôi cái ác trong tôi ra". Pi, với hình dạng con người là hiện thân cho phần người, những phần tốt đẹp của cậu. Còn con hổ Richard Parker, đó là hiện thân cho phần con của Pi, cho bản năng hoang dã sinh tồn, làm mọi thứ để tồn tại. Sự hiện diện của cả hai phần ấy xuất hiện đan xen rồi lại hội ngộ với nhau cho đến khi được cứu sống:

  • Khi tàu của Pi bị đắm, Richard Parker xuất hiện để cứu cả 2 trong hoạn nạn
  • Khi Pi chứng kiến xung đột giữa các con thú, ta không thấy Richarrd Parker ở đó. Chỉ có Pi, sợ hãi. Richard Parker bị nhốt trong cái lồng của những điều tốt mà Pi được dạy bảo ngay từ nhỏ.
  • Đã có lần Richard Parker xuất hiện ở vườn sở thú. Cha Pi đã cho Richard Parker xơi một con dê và ông đã đe dạy nhiều điều. Phải chăng đó là cách mà chúng ta vẫn thường được dạy: Hãy nhốt cái xấu của chúng ta sau song sắt như con hổ kia. Không một lời giải thích. Đó cũng là lý do tại sao Pi phải tìm đến tôn giáo.
  • Và khi con đười ươi bị linh cẩu giết, Richard Parker xuất hiện, cái ác trong Pi xuất hiện. Con Hổ giết linh cẩu. Pi giết gã đầu bếp.
  • Pi nhìn xuống hồ và phản chiếu trên bề mặt hồ là hình ảnh của Richard Parker. Chi tiết này ngụ ý rằng cái ác đang dần chiếm lĩnh Pi. Cái ác đã thoát ra ngoài cái lồng tâm trí. Đó là sự ngờ vực, những giáo điều mà khi xưa cha Pi đã dạy. Ngờ vực luôn cả niềm tin vào cái tốt, vào những giá trị mà tôn giáo vẫn thường chỉ dạy.
  • Pi phân chia lãnh thổ giữa Pi và Richard Parker. Đó là giao ước cũng như kiểm soát cái ác bên trong.
  • Rồi Pi cũng Richard Parker đói khát trên xuồng. Cả 2 cùng xuất hiện. Pi đang vật vã sống với cái ác. Đối mặt với nó. Cả cái ác và Pi đều đang chết dần chết mòn.
  • Pi mang nước đến cứu con hổ. Pi đối mặt với cái ác. Nhưng dường như Pi nhận thức được cả 2 giờ đang là 2 thực thể tách biệt. Pi cần cái bản năng để sinh tồn. Tâm hồn Pi đang dần được gột rửa. Cũng có thể thấy, tạo hình của Pi nhìn tựa như chúa Jesus: tóc xoăn và gánh chịu khổ đau như là chúa đang gánh tất cả những tội lỗi cuẩ con người trên vai.
  • Hình ảnh chúa lại xuất hiện khi Pi dạt vào trong bờ. Hai tay dang rộng, mái tóc xoăn râm, gương mặt khắc khổ.

 

Những hình ảnh ẩn dụ cứ đan xen với nhau, thấp thoáng qua từng khung hình, trang giấy để làm bật lên cái ác trong Pi, hành trình đối mặt với nó. Nhưng có lẽ hình ảnh ẩn dụ đẹp nhất, giàu ý nghĩa nhất chính là Pi, Richard Parker trên hòn đảo hình người mẹ. Hòn đảo cho Pi thức ăn từ chính bản thân nó. Cho Pi nước uống. Phải chăng đó là hình ảnh ẩn dụ cho việc Pi ăn thịt người. Thức ăn được cho vào ban ngày thì ban đêm hòn đảo sẽ lấy lại. Hòn đảo trở thành kẻ ăn thịt người, Ở trên hòn đảo ấy, cũng đã từng có người ở, và xác ông ta cũng đã mục rữa tại nơi đó. Phải chăng, hình ảnh người chết đó là ngụ ý cho tương lai tăm tối cho lương tâm của Pi, sự tha hóa. Cũng có những ý kiến khác cho rằng, hòn đảo người mẹ là hình ảnh ẩn dụ cho đức tin.

Rồi Pi và Richard Parker, cập được vào bờ biển Mexico. Richard Parker bỏ đi. Pi cũng ở đó. Cái bản năng hoang dã ra đi. Ở lại là Pi, phần người nhưng không còn vẹn nguyên như Pi thuở 15 nữa. Một Pi rất từng trải.

Và rồi Life of Pi kết thúc, dĩ nhiên là với cuộc phỏng vấn của tay viết người Canada. Pi hỏi:

"Vậy anh thích câu chuyện nào hơn

"Câu chuyện với con hổ. Đó là câu chuyện hay hơn"

"Cảm ơn. Giờ đó là câu chuyện của anh" - Pi nói.

Rồi Pi cười. Một nụ cười thanh thản. Một nụ cười mà từ đầu phim, ta không một lần được chứng kiến. Đó là nụ cười của sự lạc quan. Cả Pi và nhà văn, họ đều có cùng một góc nhìn, một góc nhìn lạc quan. Họ lạc quan về cuộc sống sắp tới. Nhưng hơn hết, Pi cười, thanh thản nhẹ nhàng đến vậy, đó là đón nhận sự tha thứ từ nhà văn, bỏ qua cái sự thật kinh tởm. Phải chăng đây là đây là của cuộc đời. Sinh ra, lớn lên, mất mát rồi đau khổ. Nhưng sau cùng tất cả chỉ quy tụ lại ở cách chúng ta nhìn nhận về nó. Lạc quan hay chìm vào trong hố sâu của tội lỗi và đau khổ suốt phần đời còn lại. Để có thể sống tiếp. Chúng ta cần niềm tin. Pi đã được thử thách. Anh chọn câu chuyện thứ nhất. Đó là cách đức tin anh lên tiếng. Anh tin vào những thứ tốt đẹp. Dẫu Pi không thể trả lời được câu hỏi: Chúa đã ở đâu khi anh cần người nhất.

Có quá nhiều thứ trong đó, để hình dung toàn bộ có ý nghĩa gì.

“Tại sao nó phải mang ý nghĩa gì chứ”

Một sự chua chát về cuộc đời của Pi. Anh mất tất cả: gia đình, bạn bè, tình yêu đầu đời vầ cả vườn thú. Anh thấy được cái ác sâu bên trong bản thân. Dĩ nhiên Pi cũng muốn biết được câu trả lời cho toàn bộ câu hỏi: Nó mang ý nghĩa gì? Toàn bộ những bi kịch anh trải qua, liệu nó mang ý nghĩa như thế nào? Pi không biết. Anh không tìm ra được. Không có một câu trả lời nào thỏa đáng. Mọi việc cứ theo lẽ tự nhiên mà xảy ra, nó không cần phải có nghĩa.

“Nếu nó xảy ra, nó xảy ra, tại sao nó phải mang ý nghĩa gì chứ? “

Như khi ta thất tình, những câu hỏi tại sao, taị sao tình yêu không được đáp trả, tại sao hy sinh nhiều nhưng nhận lại là sự thờ ơ. Hay khi cuộc đời vẫn bỏ lửng chúng ta sau những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, không có gì là có nghĩa cả. Chỉ có nghĩa khi chúng ta cho phép gán cho nó một ý nghĩa. Và khi đó, ta thấy được niềm tin, đức tin mãnh liệt. Ta chọn một ý nghĩa để có thể sống tiếp qua những đau khổ đó. Để tiến về phía trước. Cũng như ta chọn cho nó một ý nghĩa để ta vượt qua được nỗi đau thất tình hay tiếp tục cố gắng. Đó là cái ý nghĩa mà ta ban cho nó, ở chính trong ta.

Và đó là khi Pi thấy Chúa ở trong mình. Pi đủ mạnh mẽ để đánh bại cái ác bên trong. Sống sót trở về. Anh cũng đủ mãnh mẽ cả về đức tin lẫn tinh thần để sống tiếp. Để nhìn vào mặt tốt của cuộc sống của loài người. Chúng ta cần niềm tin. Như là một cách để biết rằng chúng ra vẫn đi đúng hướng trên con đường học cách làm người đầy gian nan. Dẫu đâu đó có cả dân tộc là con của Thiên Chúa. Đâu đó có đoàn người đổ máu chiến đấu vì một lòng đức tin Hồi Giáo. Đâu đó những số phận tựa như chiếc lông vũ trong gió phảng phất với trái tim hướng về nơi Đức Phật ngự tại. Chẳng phải tất cả điều đó là một đức tin, một thứ niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Vậy phải chăng có một chúa và chỉ duy một chúa. Người, muôn hình vạn trạng, là đích đến, là con đường soi sáng cho số phận và lẽ phải, dẫn dắt chúng ta đến cuộc sống vẹn toàn. Đúng vậy, chúng ta, cũng như Pi, có lẽ đều cần một niềm tin, để có thể sống tiếp khi vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Cần lời chỉ dạy, để vẽ nên làn ranh giới rạch ròi giữa cái đúng và sai, tốt và xấu.

Pi theo cả 3 tôn giáo nhưng tựu chung, khi gặp nhà văn, anh nói anh là người của Hindu Thiên chúa, thờ rất nhiều vị thần. Rất nhiều cũng là một cách để nói cho một. Pi có riêng một chúa cho anh. Của riêng anh và tồn tại bên trong anh.

 

 

Tổng kết:

Life of Pi, cả nguyên tác lẫn chuyển thể, là một câu chuyện hoàn hảo. Những hình ảnh ẩn dụ dày đặc xuyên suốt, về tôn giáo và cả về bản chất con người đã đánh bật lên câu trả lời cho phần đầu của bài. Tôn giáo là gì? Phải chăng nó là một cái áo để ta khoác lên mình như những ông thầy cả đầu truyện (Pi theo 3 tôn giáo, mỗi tôn giáo một thầy cả). Họ, những người truyền giáo, Thầy cả, huyễn hoặc bản thân bằng việc khoác lên mình chiếc áo của tôn giáo và lầm tưởng tầm vóc bản thân chính là thiên thần với đôi cánh bay muôn nơi ban phát đức tin, nhưng hễ khi có dịp, tụ lại bên nhau, mỗi thầy với một tín ngưỡng của riêng mình, lại ra sức hạ thấp, có phần sỉ nhục tôn giáo khác để lôi kéo tín đồ, Piscine. Những người này, họ đã sa đà vào cái việc được cảm thấy đặc biệt mà quên khuấy đi cái bản chất của tôn giáo, đó chính là sự học để kìm nén cái ác bên trong, cái ác mà họ cứ thao thao bất tuyệt thuyết giảng về nó. Hơn hết, đó chính là cách nhìn. Chúng ta có chọn tin vào chúa?

Những người này không chịu nhận ra rằng Thượng đế phải được bảo vệ bên trong lòng chúng ta, không phải ở bên ngoài. Họ nên hướng cơn giận của họ vào chính bản thân. Bởi lẽ cái ác ở ngoài kia chỉ là cái ác ở bên trong đã được sổng ra ngoài.”

Tôn giáo là nơi giúp chúng ta giữ được nhân phẩm của mình chứ không phải để hạ nhục nó.”

Và chỉ có vậy. Vẻ đẹp của Life of Pi rực sáng. Trong mỗi chúng ta, vẫn hiện diện cái ác. Nó nằm ngay bên trong chúng ta. Con đường của mỗi người có lẽ chính là tìm ra nó và đối mặt với nó. Có lẽ tác giả phần nào muốn nhấn mạnh quan điểm sống của bản thân. Không phải tiền bạc hay danh vọng địa vị. Tự do, tự do tuyệt đối với cái ác, triệt tiêu nó như cách mà Pi đã làm, mới chính là mục đích sống trọn vẹn nhất. Và điều đó phải xuất phát từ sự tha thứ:

Tôi đoán rằng, toàn bộ cuộc sống trở thành một màn diễn của sự buông tay. Nhưng cái điều luôn gây đau đớn nhất, là không có thời gian để nói lời tạm biệt.

Pi tha thứ cho bản thân và cả cuộc đời nữa. Qua đó cũng thấy được thông điệp mà tác giả đã lồng ghép vào phim, bỏ qua mọi vấn đề tôn giáo, đức tin và triết lí: hãy sống khi còn có thể, trân trọng cuộc sống và yêu thương. Để mỗi phút giây là quý giá và không phải nuối tiếc khi chia biệt.

Ngoài ra, ở nguyên tác, việc đi sâu vào bản chất của động vật, tác giả như muốn đi vào cái bản chất cốt lõi của mọi loài sinh vật trên trái đất, bản năng của sự hoang dã, là cái bản năng đã cứu Pi, giúp anh sinh tồn. Nhưng cái phần người, là cái phần với những đức tin và sự khao khát, tình yêu chính là điểm khác biệt để phân biệt “con” người và những giống loài khác của địa cầu. Sự so sánh giữa khoa học và tôn giáo ở đầu phim cũng là để làm bật lên sự quan trọng của niềm tin. Dù khoa học có phát triển đến nhường nào, tầm hiểu biết có xa xôi rộng lớn đến bao thì vẫn không thể so sánh được với sự huyền bí của cuộc đời. Khoa học cần tôn giáo làm nền để phát triển, như là một mảnh vườn màu mỡ để khoa học có thể đâm chồi.

Nhìn chung, với khả năng diễn xuất tốt của cả 3 diễn viên vào vai Pi, cùng với những cảnh quay đẹp mê li, khả năng chuyển thể đầy kinh ngạc của Lý An. Chắt chiu, kĩ càng trong khâu lựa chọn từng chi tiết từ nguyên tác để tái hiện lên màn ảnh bự đã làm cho Life Of Pi trở nên cô đọng, súc tích và giữ được tinh thần chủ đạo của phim. Life of Pi xứng đáng nhiều hơn là một giải Oscar.

 

Tác giả: Quốc Bảo - Bookademy

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

 

Xem thêm

Tuy nhiên, điều ảnh hưởng lớn nhất đến thế giới quan của Pi là tôn giáo – không chỉ một mà là ba. Đây là lý do cậu theo học hai chuyên ngành, sinh vật học và thần học, tại Đại học Toronto. Thông qua việc nghiên cứu loài lười ba ngón và các Kabbalist thế kỷ 16, một nhánh của Do Thái giáo, cậu phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về ranh giới giữa khoa học và tôn giáo.

Khi Pi hồi tưởng về thời thơ ấu ở Ấn Độ, cậu thường so sánh tình cảnh của các loài động vật trong sở thú với định kiến của con người về tôn giáo. Pi tin rằng các định kiến này đều bắt nguồn từ quan điểm lấy con người làm trung tâm, cho rằng con người là trung tâm của vũ trụ. Tôi thấy sự so sánh này đặc biệt sâu sắc.

Pi đề cập rằng cậu đã nghe được nhiều ngộ nhận về sở thú cũng như về tôn giáo. Những người có ý tốt nhưng thiếu hiểu biết thường cho rằng động vật chỉ thực sự hạnh phúc khi sống trong tự nhiên, vì tự nhiên đại diện cho tự do. Tương tự, những người phản đối tôn giáo lập luận rằng nếu có một vị thần, con người phải sống theo quy tắc của thần, giống như các loài động vật trong sở thú, mất đi tự do của mình.

Vì vậy, khi Pi vật lộn để sống sót trên biển, cậu nhớ đến lời dạy của Chúa Giêsu: "Hãy yêu kẻ thù của mình. Nếu hắn đói, hãy cho hắn ăn. Nếu hắn khát, hãy cho hắn uống." Đó là cách Pi đối xử với Richard Parker. Không chỉ cho hổ ăn cá, cậu còn chia sẻ nước ngọt của mình. Đồng thời, cậu cũng cảm nhận được tình yêu của Chúa Giêsu dành cho mình trên biển. Những ví dụ rõ ràng nhất là con cá kiếm vô tình nhảy lên xuồng lúc đầu, đàn cá bay dường như "rơi từ trên trời xuống" sau đó, và sự xuất hiện liên tục của những con rùa.

Tôn giáo cuối cùng mà Pi tiếp xúc là Hồi giáo, có lẽ là tôn giáo bị hiểu lầm nhiều nhất. Sau khi gặp thầy giáo Hồi giáo của mình, Kumar, Pi nói: "Tôi thách ai đó hiểu được Hồi giáo, tinh thần của nó, mà không yêu nó. Đây là một tôn giáo đẹp đẽ về tình huynh đệ và lòng mộ đạo." Đối với Pi, Hồi giáo dạy cậu cách giao tiếp với Chúa, cách đến gần Chúa hơn, và cách đấu tranh chống lại cái ác trong bản thân mình.

Trong các chương 23 đến 25, có một điểm nhấn: cảnh những trưởng lão của ba tôn giáo vô tình gặp Pi cùng lúc. Phần này được viết rất đẹp và không nên bỏ qua.

Khoa học và tôn giáo có mâu thuẫn với nhau hay chúng có lĩnh vực riêng của mình? Khoa học chắc chắn rất hữu ích. Trải nghiệm của thầy giáo sinh học của Pi, ông Satisg Kumar, một người vô thần kiên định, là một ví dụ điển hình. Ban đầu là một tín đồ Hồi giáo sùng đạo, ông Kumar mất niềm tin vào thần linh sau khi mắc bệnh bại liệt và không khỏi dù đã cầu nguyện. Chính y học phương Tây đã cứu ông. Từ đó, ông từ bỏ đức tin và quay sang khoa học.

Trùng hợp thay, thầy giáo Hồi giáo của Pi cũng có cùng tên: Satisg Kumar. Sự trùng hợp này có thể đã làm Pi bối rối hơn về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo. Bề ngoài, bệnh bại liệt của ông Kumar được chữa khỏi nhờ y học phương Tây, không phải nhờ tôn giáo, cho thấy rằng khoa học là sự thật và tôn giáo chỉ là mê tín. Có lẽ Pi cũng có những nghi ngờ tương tự. Tuy nhiên, cậu sau đó hiểu rõ mối quan hệ giữa tôn giáo và khoa học. Một ví dụ tiêu biểu là lựa chọn tên "Pi" của cậu. Pi là một số vô tỷ, 3.141592653..., và dãy số sau dấu thập phân kéo dài vô hạn. Điều này khiến nhiều nhà toán học phát điên, nhưng nó lại trở thành "nơi trú ẩn" cho Pi. Nó khiến cậu nhận ra rằng khoa học không thể giải thích tất cả; nếu không, sẽ không tồn tại những con số vô tỷ như Pi.

Nhưng liệu tự do có thực sự như con người tưởng tượng? Ít nhất, theo quan điểm của Pi, chúng ta có những hiểu lầm về sở thú. Một ngôi nhà thoải mái đáp ứng nhu cầu cơ bản về thức ăn, quần áo và nơi ở của con người, và một sở thú được trang bị tốt cũng làm điều tương tự cho động vật. Trong quá khứ, con người không sống trong các căn hộ; họ là những người du mục. Họ chăn thả những đàn cừu lớn và phải đi xa để tìm kiếm thức ăn.

Ngày nay, với nền văn minh tiên tiến, một căn hộ 100 mét vuông có thể đáp ứng tất cả nhu cầu cơ bản của chúng ta. Vậy còn động vật thì sao? Lấy ví dụ, một con sư tử. Nó cần một lãnh thổ rộng lớn, nhưng lãnh thổ này không phải vì "tự do" của sư tử mà vì "sự sống còn." Trong tự nhiên, thức ăn khan hiếm và nước khó tìm, đó là lý do tại sao động vật cần những vùng đất dường như rộng lớn. Vì vậy, nếu con người có thể sống thoải mái trong nhà ở, tại sao động vật lại không thể sống thoải mái trong những sở thú được trang bị tốt?

Bạn có thể thắc mắc tại sao động vật lại thoát khỏi sở thú nếu chúng thực sự hạnh phúc ở đó. Pi giải thích rằng điều này không phải vì tìm kiếm tự do mà là để trốn tránh điều gì đó khiến chúng bất an. Phần mô tả trong cuốn sách thuyết phục đến mức tôi sẽ không tiết lộ chi tiết. Nói tóm lại, các mô tả về sở thú trong truyện đặt nền tảng cho sự chung sống hòa bình của Pi với Richard Parker.