Theo bạn trong xã hội hiện đại, ngành nghề nào cần đến tài ăn nói? Đàm
phán, tiếp thị, bán hàng, luật sư, giao dịch viên ngân hàng, tư vấn bảo hiểm?
Câu trả lời là tất-cả-mọi-ngành-nghề trong xã hội hiện đại đều cần đến kỹ năng
giao tiếp.
“Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ”, theo
mình, là một cuốn “cẩm nang” về giao tiếp. Với độ dày hơn 400 trang, được chia
thành 3 Phần với 20 Chương, đề cập đến hầu hết mọi tình huống có thể phát sinh
trong một cuộc giao tiếp và những “mẹo” tuy dễ mà khó để giúp bạn giao tiếp
thành công.
Quyển sách này giúp bạn giải quyết những vấn
đề gì? Quyển sách sẽ bắt đầu từ các bí quyết đơn giản để bạn có “dũng khí” bắt
chuyện với người lạ, làm chủ cuộc hội thoại với mỗi hoàn cảnh đối tượng khác
nhau và ăn nói khéo trong những tình huống khó xử. Vì quyển sách khá dày nên
mình sẽ chỉ đề cập đến 10 bài học quan trọng mình rút ra.
1. Để thành công trong giao tiếp, đầu tiên hãy học cách lắng nghe!
Người Hy Lạp có câu: “Thượng đế cho chúng
ta một cái lưỡi, nhưng lại cho chúng ta hai cái tai là để chúng ta nghe nhiều
hơn nói”. Câu nói này ngày càng phổ biến, thậm chí chúng ta còn dùng để khuyên
những người xung quanh mình. Nhưng để làm được điều này không hề dễ dàng nhất
là khi chúng ta đang ở trong một cuộc xung đột.
Hãy nhớ “Đứng lên nói cần dũng khí, ngồi xuống và lắng nghe cũng cần dũng khí” (Thủ tướng Anh, Winston Churchill). Một người biết lắng nghe là một người nghe nhiều nói ít, tiếp nhận ý kiến và suy nghĩ của người khác để kịp thời đưa ra những góp ý, khiến người nói tìm được sự đồng cảm và mở lòng với người nghe.
Vậy làm thế nào để trở thành người biết lắng
nghe? Đầu tiên, hãy có gắng hiểu và bày tỏ sự hứng thú một cách chân thành. Dù
chủ đề của người nói có thể không phải là điều bạn thực sự muốn nghe, nhưng để
khiến người khác đánh giá bạn là một người biết giao tiếp thì hãy chịu khó lắng
nghe. Tiếp theo là kiềm chế cảm xúc cá nhân bằng cách không nhìn ngó chỗ khác
hay không làm những hành động vô nghĩa khiến đối phương mất thiện cảm. Và cuối
cùng, dù có hiểu hết những điều đối phương đã nói hay không thì cũng không nên
tỏ vẻ nhàm chán hay không hiểu gì, thay vào đó, hãy biết cách đặt câu hỏi.
2. Đối diện với những chỉ trích một cách lý trí
Con người khó tránh khỏi những lúc bị chỉ trích, nhất là những người trẻ tuổi mới bước chân vào xã hội. Chỉ trích, phê bình chia thành hai loại. Một là người nói sẽ bị đặt những câu hỏi với những điều họ đã đề cập để thể hiện sự bất đồng hoặc nghi vấn. Loại phê bình này hầu hết xuất phát từ thiện chí. Hai là loại chỉ trích ác ý, cố tình làm khó khiến người nói bối rối và xấu hổ.
Vậy làm thế nào để đáp lại những lời chỉ
trích ác ý. Cùng xem một ví dụ nho nhỏ trích dẫn từ quyển sách nhé:
Cựu Tổng thống Mỹ, Bush trong một lần diễn thuyết đã nhận được một mảnh giấy, trên mảnh giấy có ghi “đồ ngốc”. Ông bình tĩnh, mỉm cười và nói: “Từ trước tới giờ, mọi người gửi giấy lên cho tôi đều đặt câu hỏi và không để lại danh tính, nhưng hôm nay, mẫu giấy này chỉ để lại danh tính chứ không có câu hỏi”
Như vậy, quan trọng vẫn là thần thái!
Trong công việc và cuộc sống, bạn khó tránh khỏi những lúc gặp chuyện bực tức,
bị người đặt điều, chỉ trích, hãy bình tĩnh và đáp trả khôn khéo thì mới có thể
thành công.
3. “Khen nhiều hơn chế”: công thức đầu tiên để gây thiện cảm nhưng cũng không
dễ thực hiện.
Tâm lý con người luôn thích mình được khen
và lời khen lúc nào cũng dễ tiếp nhận. Tuy nhiên, khen cũng là một nghệ thuật,
phải khen sao cho đúng, khen thật lòng và khen giúp người khác tiến bộ. Một lời
khen không hợp lý cũng giống như con dao hai lưỡi, có thể chấm dứt cuộc trò
chuyện bất cứ lúc nào.
Một nhà văn nọ nhận được lời mời tới tham dự hoạt
động của một hiệu sách. Để lấy lòng nhà văn, ông chủ hiệu sách đã thay toàn bộ
sách trên các giá bằng sách của nhà văn đó.
Sau khi nhà văn đi vào hiệu sách, nhìn thấy chỗ
nào cũng là sách của mình, ông ngạc nhiên hỏi: “Lẽ nào ở đây chỉ bán sách của
tôi”.
Ông chủ đáp: “Các sách khác chúng tôi bán hết rồi”.
Nhà văn nghe thấy vậy không vui, sau đó ông viện
lý do để rời khỏi hiệu sách.
4. Hài hước trong giao tiếp là tốt nhưng hãy có chừng mực là không mang 4 điều
sau đây ra làm trò đùa
Nguyên tắc của hài hước chính là: ngắn gọn,
súc tích, dễ hiểu. Nếu câu chuyện của bạn sắp kể không thoả mãn các tiêu chí
này thì hãy cân nhắc trước khi kể cho người khác! Và hãy nhớ những điều cấm kị
khi sử dụng ngôn ngữ hài hước:
Một là không mang sức khoẻ người khác ra đùa. Hai là khi nói đến những vấn đề mang tính tranh luận, trừ phi bạn đã hiểu lập trường của đối phương, nếu không thì không nên nói vì sẽ dễ gây căng thẳng. Ba là không bàn tán chuyện riêng tư của người khác. Cuối cùng là không nên kể chuyện cười dung tục ở chốn đông người, sẽ gây phản cảm.
Đọc qua có thể dễ nhưng trước khi nói đùa
hãy kiểm tra xem chủ đề câu chuyện đùa của bạn có thuộc vào những điều trên
không nhé!
Trong một cuộc tranh luận, một nữ chính trị
gia phe đối lập đã chỉ trích Churchill – Thủ tướng nổi tiếng của nước Anh rằng:
“Nếu tôi là vợ ông, nhất định tôi sẽ bỏ thuốc độc vào ly cà phê của ông”. Thủ
tướng trả lời: “Nếu tôi là chồng của bà, tôi sẽ không do dự uống hết ly cà phê đó”.
5. Người
giỏi nhất không hẳn được tuyển dụng nhưng người khéo ăn nói chắc chắn có nhiều
cơ hội hơn.
Tại sao các nhà tuyển dụng sẽ đưa ra quyết định sau vòng phỏng vấn. Vòng phỏng vấn vốn là vòng kiểm tra khả năng giao tiếp, trình bày ý tưởng, phong thái và cách xử lý tình huống của các ứng viên. Trong nhiều trường hợp, người giỏi chuyên môn nhất lại không được lựa chọn và bạn cảm thấy điều đó không công bằng? Nhưng đó là điều rất bình thường, nếu không nói là hợp lý. Giỏi thôi vẫn chưa đủ, bạn còn phải biết lắng nghe, hiểu ý và hợp tác tốt. Lời bạn nói và cách bạn nói thể hiện bạn là người như thế nào và người phỏng vấn bạn tin vào điều đó hơn là các bằng cấp bạn đạt được.
Phần tự giới thiệu bắt đầu cuộc phỏng vấn
cũng góp phần quyết định bạn có thể thành công vượt qua hay không. Vì vậy, hãy
chuẩn bị phần giới thiệu bản thân thật tốt. Khi tự giới thiệu, hãy chú ý phân
loại hợp lý thông tin của bản thân, giới thiệu quanh một chủ đề trọng tâm.
Nếu đơn vị bạn xin vào trọng những kiến thức và học
lực của ứng viên, thì khi tự giới thiệu, bạn nên bắt đầu nói kĩ từ thành tích học
tập và những kiến thức có được trong quá trình học chuyên ngành, ngoài ra, khi
giới thiệu, nên lấy những vấn đề này làm trọng điểm.
Ngoài ra, quyển sách cũng đưa ra những lời khuyên giúp bạn khéo léo ứng xử với nhà tuyển dụng khi gặp những câu hỏi phổ biến như: Tại sao lại xin ứng tuyển vào công việc này?, Anh/chị hiểu gì vê công ty của chúng tôi?, Bạn đã học những môn gì?, Bạn có muốn có sự nghiệp riêng không?, Ngoài tiền lương, loại phúc lợi nào bạn quan tâm nhất? Khuyết điểm lớn nhất của mình là gì? Nếu công ty khác cũng nhận bạn vào làm, bạn sẽ lựa chọn thế nào?... và rất nhiều các mẹo hữu ích khác. Tất nhiên, quyển sách sẽ không đưa ra câu trả lời cụ thể, mà sẽ định hướng câu trả lời của bạn, quan trọng vẫn là “thần thái” đúng không!
Kết
Trên đây chỉ mới là một nửa những bài học tâm đắc mình rút ra từ quyển sách “Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ”. Còn nhiều điều hay ho khác như các lưu ý khi nói chuyện với cấp trên để giành cơ hội phát triển nghề nghiệp, bí quyết nói chuyện để xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp chốn công sở với các đồng nghiệp, khéo léo giao tiếp trong bán hàng, v.v. Điều khiến quyển sách này thêm thú vị đó là các ví dụ cụ thể, sinh động và thực tế từ các lĩnh vực khác nhau, giúp người đọc dễ hiểu và không cảm thấy nhàm chán. Một cách tình cờ tìm được quyển sách này, và mình thấy hơi bất ngờ với những chia sẻ rất hữu ích, chân thành và được phân loại rõ ràng. Quyển sách này sẽ cần thiết với nhiều bạn sinh viên đang còn ngồi trên giảng đường đại học cũng như các bạn mới tốt nghiệp!
Tác giả: Meo Anh - Bookademy
----------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
Luôn có những lúc bản thân không ngừng suy nghĩ về cuộc sống xung quanh, ngành nghề, sở thích,… Làm thế nào để có thể nâng cao giá trị của mình, cũng như tìm kiếm phương pháp phù hợp cho việc “tồn tại” trong mấy chục năm đời người?
Có một điểm thú vị, những người suy nghĩ về vấn đề đó hầu như là những người hướng nội, hay đơn giản hơn là những người thiếu một vài kỹ năng, trong đó có kỹ năng cực kì quan trọng, kỹ năng “giao tiếp”.
“Tại sao anh ấy/cô ấy có thể nói chuyện tốt vậy nhỉ? Ngưỡng mộ ghê, nhưng mà mình sợ quá, chắc không làm được đâu.” Vân vân mây mây, muôn vàn sự sợ hãi khi đa số hiện nay, nhiều người không thể nâng cao được cách giao tiếp từ sinh hoạt hằng ngày, xin việc làm, đến hợp tác, tìm hiểu về các mối quan hệ, thể hiện trình độ ăn nói trước đám đông,…
Từ đây, một Thạc sĩ Tâm lý học trường Đại học Sư Phạm Bắc Kinh đã mang đến cuốn sách với tựa đề đánh giá cực kì cao kỹ năng ăn nói: “Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ” – Trác Nhã. Cuốn sách giải quyết vấn đề và đưa ra các phương pháp, dẫn chứng để hướng dẫn người đọc trở thành người khéo ăn nói, cải thiện mức độ của các mối quan hệ, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, tự tin chia sẻ.
Sách được chia ra thành hai phần và nhiều chương, dù vậy, vẫn rất đầy đủ, rõ ràng, phân tích nhiều khả năng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.
Sách sử dụng ngôn từ đơn giản, nhiều ví dụ, thực tế, “Khéo Ăn Khéo Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ” sẽ mang lại hiệu quả nâng cao kỹ năng giao tiếp của bản thân trong rất nhiều vấn đề cuộc sống.
Hi vọng các bạn sẽ tìm đọc cuốn sách này và tự mình trải nghiệm qua các tình huống như trong sách đã đề cập để tự mình bản lĩnh, ý thức được việc học tập giao tiếp như thế nào nhé.