Mình đã viết review cho quyển “Xanh một màu xanh khác” của Fumio Yamamoto trong một thời gian rất ngắn sau khi đọc xong quyển sách. Thực chất, từ đầu đến cuối quyển sách bám sát một vấn đề nên không quá khó khăn, trăn trở để giới thiệu nó. Có bao giờ bạn nghĩ sẽ ra sao nếu bạn đã chọn lựa khác đi trong quá khứ? Nếu như vậy thì cuộc đời hiện tại của bạn như thế nào? Hãy đọc “Xanh một màu xanh khác” bạn sẽ tìm thấy câu trả lời. Còn về “Hãy chăm sóc mẹ” của Shin Kyung Sook thực sự rất khó để thuyết phục những người xung quanh đọc nó. Vì hầu như, ai cũng sợ phải đối mặt với nỗi buồn. Ai cũng sợ phải đối mặt với hiện thực. Ai cũng e ngại khi nghe nói đọc sẽ dễ khóc lắm đó, kể cả những người cứng rắn nhất.

Thực ra, có lẽ sẽ không sao cả, nếu là bạn một đứa con của thành thị ngay từ khi mới lọt lòng. Mẹ bạn là một phụ nữ hiện đại, ngay từ đầu có sẵn những phẩm chất quý cô và nuôi dạy bạn thoải mái cùng với sự trợ giúp của bố, người thân và… những người giúp việc. Xin lỗi, không có ý gì khi nói về những điều đó, có lẽ bạn cũng sẽ cảm nhận được những nét đẹp của câu chuyện, chỉ là những yếu tố trên giúp bạn đỡ buồn hơn một chút khi đọc mà thôi.

“Hãy chăm sóc mẹ” khởi đầu từ tình huống “người mẹ” đi lạc ở trạm tàu điện khi lên Seoul cùng với bố. Người bố vẫn còn ngơ ngác lúc nhận thức được điều ấy, khi chỉ vì một chút lơ đễnh, người vợ suốt mất chục năm trời của mình dường như “bốc hơi” hoàn toàn khỏi cõi đời này. Những người con nỗ lực đi khắp nơi tìm kiếm mẹ. Trong cuộc tìm kiếm người mẹ ở hiện tại đó, dường như ai cũng có một cuộc tìm kiếm trong tâm trí của mình, từ những kí ức về “mẹ”. Để rồi, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: mình có hiểu về mẹ không? Mình hiểu mẹ được bao nhiêu? Thật ra sở thích của mẹ là gì? Thật ra cuộc đời mẹ lấy gì làm hạnh phúc vậy? Hàng vạn điều trăn trở bỗng dưng rơi ra ngập tràn trong tâm trí…

Điều mình thích nhất ở Shin Kyung Sook là giọng văn của cô, giọng văn lúc nào nhẹ nhàng, bình dị. Điều đó giúp cho những quyển sách của cô tạo được sự đồng cảm sâu đậm với độc giả. “Hãy chăm sóc mẹ” không phải là một bài giảng đạo đức. Không có câu chuyện về một người mẹ tảo tần hoàn mỹ chịu đựng gian khó đến hết cuộc đời bị những đứa con ngỗ nghịch bất hiếu, rồi cuối cùng, những đứa con hối hận vì mất mẹ.

Người anh cả thực sự là một người con tốt. Suốt những năm học, anh luôn cố gắng học thật giỏi, thay vị trí người cha đã bỏ đi trong gia đình, có trách nhiệm với các em để làm vui lòng mẹ. Vợ anh cũng không phải thuộc loại nàng dâu bất hiếu, cả hai còn dành cho ba mẹ một căn phòng thật đẹp trong ngôi nhà mới của mình để ba mẹ ngủ lại mỗi khi lên thăm. Chỉ là ngày hôm ấy, anh đột nhiên quá mệt đến nỗi không thể đi đón mẹ.

Người con gái thứ nhất là một nhà văn. Cô sống cuộc đời mình và thỉnh thoảng hay kể câu chuyện về những gì cô đọc được cho mẹ. Mẹ cô tự hào về những gì con gái viết, mà không muốn người ta biết rằng mình không biết chữ, nên nhờ một cô gái ở nhà tình nguyện đọc giùm.

Người con gái thứ hai cũng là niềm tự hào của mẹ ngay khi còn bé. Cô từng mua cho mẹ áo khoác lông chồn mà không hề đắn đo giá tiền của chiếc áo, kể cả khi lúc đó cô mới ra trường đi làm, chỉ vì mẹ cô yêu cầu cô mua. Mẹ cô, người phụ nữ nông thôn, không hề biết giá của chiếc áo lông chồn, bà muốn nó đơn giản chỉ vì bà từng ngã đầu vào chiếc áo khoác của một người lạ và lưu luyến hơi ấm từ nó.

Mình chỉ muốn nói: trong truyện không hề có nhân vật phản diện xấu xa độc ác nào cả. Chỉ có những con người hết sức bình thường như chính chúng ta, hằng ngày phải nỗ lực đối diện với cuộc sống này. Phải chống chọi với biết bao áp lực cuộc sống và đôi lúc loay hoay không biết làm sao để bày tỏ tình cảm với những người thân xung quanh mình. Và có lúc chúng ta chọn im lặng cho qua.

Đằng sau những câu chuyện thật buồn vì quá đỗi đời thường, có lẽ phải gọi là nỗi buồn của cuộc sống, Shin Kyung Sook đã đưa ra một câu hỏi lớn và quá khó để tìm ra được câu trả lời: cuộc sống này, chúng ta phải làm sao cho đúng? Cái đúng ở đâu, không đơn thuần là tốt/ xấu về mặt đạo đức nữa. Mà là làm sao để chúng ta đến một giờ phút nào đó khi vĩnh viễn đánh mất đi người quan trọng của cuộc đời mình, mình không phải cảm thấy hối hận.

“Hãy chăm sóc mẹ” là một quyển sách rất buồn, dù có muốn cũng không cách nào phủ nhận, vậy thì sao nên đọc nó? Uhm… vì dù muốn dù không, một ngày nào đó chúng ta đều phải đối diện với hiện thực.

“Càng sống nhiều ta càng thấy cái chết dễ dàng đến với bất cứ một ai. Chết quá dễ mà sống thì quá khó. Hôm qua gặp nhau đấy, ngày mai lại mất nhau. Sống thì có hẹn hò hôm nay hôm mai. Chết thì chẳng bao giờ có một cuộc hẹn hò nào trước.” Mình từng đọc những dòng này của Trịnh Công Sơn từ rất lâu rồi, nhưng mà lúc đó còn quá trẻ để cảm nhận sâu sắc về cái chết, nhất là những sự ra đi đột ngột. Cho đến hôm mồng 6 năm nay, cô 7 mình qua đời vì bệnh ung thư…

“Cái chết dễ dàng đến với bất cứ một ai”, ca sĩ Trần Lập qua đời vì bệnh ung thư sau một thời gian ngắn phát hiện. Tai nạn giao thông, bệnh tật… không ai biết trước được điều gì sẽ xảy đến ngày mai với mình và những người xung quanh. Nó có thể cũng đột ngột như người mẹ bỗng dưng biến mất trong truyện “Hãy chăm sóc mẹ”. Những điều bất trắc không để cho bất kì ai có thời gian chuẩn bị.

Phải làm gì cho đúng? Hay đơn giản là cần phải làm gì để bản thân không day dứt vi sự ra đi của những người xung quanh hay của bản thân? Đó là điều cần nghĩ khi tỉnh dậy sau một giấc mơ dài rằng cuộc sống lúc nào cũng tràn ngập những điều diệu kì và ngọt ngào ở phía trước…

Nguồn sưu tầm: https://goo.gl/bdejRL  

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected] 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Xem thêm

Câu chuyện có rất nhiều ngôi kể, mỗi chương là lời kể, lời thú nhận của những người thân trong gia đình. Tuy khác nhau về câu chuyện nhưng các giọng kể vẫn rất nhẹ nhàng, từ tốn nhưng đầy thấm thía. Mỗi câu văn, mỗi lời tự sự đều mang một nỗi đau canh cánh mà đến người đọc cảm thấy như đang tự vấn chính mình.

Lời kể đầu tiên là của cậu con trai cả. Từ nhỏ, anh luôn cố gắng học thật giỏi, phải cứng cỏi để đảm nhiệm vị trí người cha trong lòng những đứa em thơ của mình. Chẳng mấy chốc anh cũng thành công, có một gia đình yên ấm, lo được cho em, cho gia đình và cho cả mẹ nữa. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh như thế có công sức không nhỏ của người mẹ thân yêu. Người mẹ lạc mất cũng là một phần do anh hơi vô tâm. Khi sự việc xảy ra, những ký ức ùa về, dạy cho anh biết những điều còn thiếu sót của chính mình.Lời kể thứ hai là của cô con gái đầu tiên, một nhà văn cả đời viết chữ cho cả thế giới đọc mà chẳng hề để tâm rằng mẹ cô lại là người không biết đọc. Cô cứ tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, rời xa quê hương, rời xa cuộc sống gia đình để chạy theo những đỉnh cao cô đặt ra cho mình. Phút chốc, cô quên mất đi cả quá khứ rồi phút chốc, cô lục tìm chúng trong những mảnh vỡ ký ức của mình về mẹ….Lời kể tiếp theo là của cô con gái thứ, người đã sớm bước vào cuộc sống hôn nhân đầy bận rộn và bề bộn. Những ký ức về mẹ của cô cũng nhiều vô nhưng cô vẫn nhớ nhất là tấm áo khoác lông chồn ấm áp mà mẹ đã yêu cầu cô mua cho mình. Kế đến là lời tâm sự của người chồng, người cha, người đầu ấp tay gối một thời của người mẹ ấy. Cả câu chuyện đầy ắp nỗi cô đơn, nỗi xót xa khi không còn người yêu thương, chăm sóc ở bên cạnh. Ông cũng tự trách mình vì đã không làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha và đã đẩy người vợ vào một cuộc sống đầy vất vả, khổ đau. Cuối cùng đó là lời kể của chính người mẹ. Không rõ khi ấy bà còn sống hay đã chết nhưng bà không hề oán trách những đứa con mà lại oán trách mình. Oán trách mình đã không hoàn thành nghĩa vụ, oán trách mình đã khiến những đứa con đau khổ. Dẫu chỉ còn là linh hồn, những nỗi ân hận của người mẹ vẫn còn đó, ám ảnh đến tận xương tủy, tâm can người đọc.


Những thành viên trong gia đình, tưởng như mình đã vô cùng hiểu rõ mẹ, ấy thế mà khi mẹ mất tích, mẹ mới nhận ra mình chẳng hiểu gì về mẹ cả. Người con trai cả mang trên vai khát khao lớn nhất cuộc đời mẹ đã không hề hoàn thành nó, bởi anh nghĩ đấy chỉ là khát vọng tuổi trẻ của mẹ mà thôi. Người chồng đam mê phiêu bạt đã để vợ mình một mình nuôi nấng bốn đứa con thơ, từng phản bội bà khi đưa về một người phụ nữ khác mà chẳng hay biết rằng vợ mình đã quyên góp biết bao nhiêu năm nay cho những đứa trẻ mồ côi. Các nhân vật, và có lẽ cả chúng ta, đều nghĩ hình ảnh mẹ gắn liền với gian bếp. Thế nhưng, với cô con gái thứ, sau khi đã lấy chồng sinh con, cô mới tự hỏi liệu rằng trong suốt bấy nhiêu năm, mẹ có thích lủi thủi trong bếp hay chăng? Có bao giờ mẹ cũng như cô, từng muốn quăng hết đống đồ trong bếp xuống sàn cho xong hay không?

Thứ mà mình nhớ mãi không quên trong cuốn sách này là hình ảnh người mẹ khi đi lạc. Người phụ nữ ấy, một thân một mình, “bị thương ở mu bàn chân, đi đôi dép lê màu xanh, một bên dép cứa vào bàn chân chỗ gần ngón cái sâu đến nỗi miếng thịt long ra tạo thành vết rách sâu hoắm, ruồi muỗi vây quanh vết thương đang rỉ mủ…” như bàn tay bóp nghẹt vào trái tim mình, đầy ám ảnh, xót đau. Đã thật mong một cái kết trọn vẹn hơn, nhưng cách chọn cái kết như vậy đã khiến Hãy chăm sóc mẹ trở thành một lời nhắn nhủ đến độc giả, hãy chăm sóc mẹ, hãy yêu thương mẹ khi người còn ở bên ta. Không chỉ nhắc nhở mọi người về một đạo lý tưởng chừng như là một lẽ tự nhiên. Cuốn sách còn giúp ta thấy được một điều rất mới mẻ về chữ “mẹ” và cuộc đời của người phụ nữ. Mẹ cũng là con người nên mẹ cũng có ước mơ, có hoài bão, có hạnh phúc của riêng mình. Mẹ cũng cần có một cuộc đời riêng, chứ không phải là “cái bóng” của ai trên thế giới này.

"Hãy chăm sóc mẹ" bắt đầu bằng việc người mẹ vô tình bị lạc tại ga tàu Seoul khi đang đi lên thành phố để thăm cậu con trai cả cùng chồng. Lúc bấy giờ, cả gia đình nháo nhào cả lên bởi chẳng biết phải tìm mẹ từ đâu, làm thế nào để tìm mẹ tốt nhất, làm sao để viết tờ rơi tìm người hiệu quả,… và đặc biệt là, họ chẳng tìm được một tấm ảnh nào tử tế của mẹ mình cả. Vào giây phút ấy, những đứa con mới nhận ra rằng, trong những tấm ảnh gia đình, hình ảnh của mẹ lúc nào cũng nhạt nhòa ở phía sau.

Chỉ với vài trang đầu tiên của câu chuyện, tác giả đã đưa ta đến với nhiều thứ suy nghĩ và cảm xúc. Đối với riêng mình, mình đã rơm rớm nước mắt khi đọc đến đây. Bởi người mẹ trong tâm trí của các nhân vật và của mình, đều là người tần tảo, luôn ở bên chăm sóc và che chở cho những đứa con của mình. Tuy nhiên, bởi tính cách cộc cằn, khó tính hằng ngày mà người đàn bà ấy và các con vô tình đã dựng nên một rào chắn tình cảm, khiến họ tưởng chừng như hiểu rõ mẹ nhưng thì ra lại chẳng hiểu gì cả. Và thế là, bằng một cái cớ “không thích chụp ảnh”, những thứ có thể lưu giữ hình ảnh và kí ức chẳng có bóng hình của mẹ. Hình ảnh người mẹ chỉ đứng phía sau những tấm ảnh gia đình như cách bà vẫn luôn chăm sóc cho gia đình này vậy, âm thầm và lặng lẽ, tận tụy và vun đắp tình yêu thương từng ngày cho chồng con.

Quả thật không sai khi nói rằng, chỉ khi mất đi ta mới biết quý trọng những gì mình đã có. Những nhân vật trong câu chuyện này cũng vậy, chỉ khi mẹ đi lạc rồi họ mới nhận ra mẹ quý giá và vĩ đại như thế nào. Sự hiện diện của mẹ trong tâm trí của mỗi nhân vật tuy mờ nhạt nhưng cũng thật đậm nét bởi nó đan cài giữa hai không gian. Một là hiện tại khi mẹ đã mất tích. Hai là trong hồi ức. Lúc bây giờ, cuộc hành trình này đã không chỉ đơn giản là để tìm người mẹ mất tích nữa, mà là hành trình tìm về những hồi ức, những điều họ đã lãng quên, những điều họ đã bỏ lỡ trong suốt cuộc đời dài đằng đẵng này.

Câu chuyện kể về sự biến mất bi thảm của mẹ Park So-nyo tại nhà ga xe lửa Seoul, trước sự bàng hoàng và đau khổ của chồng bà và bốn đứa con của họ. Tác giả đã vẽ nên thành công bức tranh về một người mẹ tận tụy được cả gia đình yêu quý, đồng thời dành thời gian khám phá những cảm xúc phức tạp của các nhân vật khi họ phải vật lộn với sự vắng mặt của mẹ. Sự miêu tả sống động về người thiếu phụ - mái tóc muối tiêu, gò má cao, áo xanh áo trắng - càng làm cho bi kịch thêm phần đau lòng.

Trong tiềm thức của mình, Chi-hon vẫn nghĩ mẹ là người thường “bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang nhìn thẳng xuống từ trên cao”. Trong khi đó, những người qua đường đáp lại thông báo tìm người lạc của cô bằng miêu tả về một “một bà già cứ lững thững bước đi, thỉnh thoảng lại ngồi bệt xuống đường hay đứng thẫn thờ trước cầu thang cuốn”. Liệu đó có phải là người mẹ mà cả gia đình cô đang cất công tìm kiếm?

Một ngày, một tuần rồi gần một tháng chầm chậm trôi qua. Người chồng và những đứa con hiện đều đã phương trưởng cả không chỉ lo sốt vó mà còn day dứt tâm can vì cảm giác tội lỗi, và rối bời “trong nỗi hoảng loạn như thể tất cả mọi người đều bị tổn thương ở vùng não”. Họ cũng lấy làm băn khoăn tại sao mẹ không biết hỏi đường về nhà cậu con cả cho đến khi phát hiện ra hai sự thật rằng mẹ không biết chữ và mẹ bệnh ung thư vú khiến đầu óc không được minh mẫn như thường. 

Từ đây hi vọng tìm mẹ trở nên mong manh hơn...


Càng về gần đoạn kết, ắt hẳn ai cũng mong muốn câu chuyện có một kết thúc tốt đẹp, người mẹ rồi sẽ trở về đoàn tụ nhờ một phép màu nào đấy. Nhưng không, chẳng có hiện thực nào đẹp đẽ như vậy và người mẹ vẫn còn mất tích, đã 9 tháng kể từ ngày ấy trôi qua. Người mẹ ấy vẫn còn sống hay đã chết, mọi thông tin, mọi dấu vết, mọi nỗ lực ngày càng ít dần và số phận của người mẹ chắc ai cũng đoán được. Mọi người dường như đã tuyệt vọng, gần như đã bỏ cuộc nhưng những nỗi đau vẫn cứ canh cánh trong lòng.

 Nhân vật kể chuyện chính, cũng là người con gái thứ hai, là biểu tượng cho nỗi dằn vặt cả tinh thần lẫn thể xác. Cô bước đi mà hình ảnh của mẹ ẩn hiện ở mọi ngóc ngách. Cô tiếp tục hướng về tương lai nhưng tâm trí vẫn là một nỗi hoài niệm quá khứ về mẹ mà cô có lẽ chẳng bao giờ tha thứ được cho mình. Cô bất lực, và bỏ cuộc, những những nỗi đau chẳng được như thế. “Hãy chăm sóc mẹ”, đừng để đến khi mất mát mới chợt hiểu những điều mình đã có vô giá đến nhường nào!

Chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng đầy sâu lắng, “Hãy Chăm Sóc Mẹ” tuy chỉ đơn thuần là một câu chuyện nhỏ trong cuộc sống hiện đại ngày càng xa cách này lại có thể giáng một đòn mạnh vào tâm can của người đọc, thức tỉnh con người khỏi những bộn bề ngoài kia để nhìn nhận lại tầm quan trọng của tình yêu thương gia đình đang dần mai một.

Mở đầu với một tình huống không thể nào trớ trêu hơn khi người mẹ bị lạc mất trong mộ chuyến thăm con trai ở thủ đô Seoul để rồi những trang sách sau đó là một nỗi buồn trượt dài, ngược dòng quá khứ rồi lại len lỏi qua mỗi trái tim vô tình của những người con và cả những độc giả ngồi đây.Người mẹ già sau chuyến thăm người con trai cả ở Seoul đã bị lạc mất sau dòng người chen lấn ở ga điện ngầm. Lúc này, mọi người trong nhà nháo nhào cả lên, tìm mọi cách để tìm lại mẹ rồi chợt nhận ra rằng họ chẳng có tấm ảnh nào của mẹ cả. Những tháng ngày sau đó, là những hồi ức, là những tâm tư và kể cả những vô tình mà họ đã để lại cho người luôn đứng phía sau, luôn đợi chờ – một hình bóng quen thuộc nhưng đã dần phai mờ trong tâm trí. Thời gian dần trôi, lương tâm ngày càng cắn rứt và cảm giác ân hận, tội lỗi bao trùm lên cả con tim. Liệu người mẹ ấy có còn sống và trở về?

Hình ảnh kết thúc truyện là khi cô con gái thứ 3 sang Roma và tìm mua cho mẹ một chuỗi tràng hạt hoa hồng. Có một điều gì đó mãnh liệt cứ níu giữ chân cô ở bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi, cô nghĩ đến Mẹ, người hi sinh cả đời cho cô và các anh chị em nhưng cô và các anh em trong nhà, chưa ai làm được gì cho mẹ. Mẹ luôn động viên các con hãy cố gắng theo đuổi ước mơ của mình và mẹ làm tất cả để giúp ước mơ của các con thành hiện thực nhưng chưa bao giờ những đứa con ấy hỏi mẹ về ước mơ của mẹ thuở còn trẻ? Chúng cứ mặc định là Mẹ thì phải hi sinh.

Hành trình đi tìm người Mẹ bị lạc đã làm hiện về trong các con những dòng hồi ức day dứt và họ chợt nhận ra, mình đã vô tâm với Mẹ đến nhường nào. Chỉ khi không còn mẹ bên cạnh, họ mới nhận ra rằng vì quá mải miết với những xô bồ của cuộc sống mà con quên mất rằng hạnh phúc của Mẹ đôi khi đến từ những điều giản dị nhất, những lời yêu thương, quan tâm, sẻ chia và dành thời gian ở bên, chăm sóc Mẹ. Người mẹ trong cuốn sách Hãy Chăm Sóc Mẹ đã có một cuộc đời đầy trắc trở biến cố, song dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bà vẫn luôn cố gắng dành những điều tốt nhất cho các con. Hình ảnh một người mẹ quanh năm tần tảo với ruộng đồng, mùa nối tiếp mùa, hằng ngày phải lo cơm nước chu toàn cho cả năm người con nhưng không một lời than vãn, trách móc. Bà gói ghém hết những cảm xúc của mình vào lòng, tự mình chịu đựng những đớn đau, để rồi khi không còn chịu đựng được nữa cũng là lúc bà không còn tỉnh táo nữa, bà đã bị lạc. Có thể nói Hãy Chăm Sóc Mẹ như một hồi chuông cảnh tỉnh đến độc giả về tình cảm gia đình: HÃY CHĂM SÓC MẸ khi mẹ còn bên cạnh chúng ta, HÃY CHĂM SÓC MẸ khi mẹ còn nhớ ta là ai và HÃY CHĂM SÓC MẸ khi còn có thể!

 

Cuộc sống hiện đại quá bận rộn, bận rộn đến mức người ta cứ mải lao đầu vào công việc mà quên mất rằng, ở miền quê xa xôi, người mẹ của chúng ta đã và đang trải qua những ngày tháng vất vả để chúng ta có được ngày hôm nay. “Hãy Chăm Sóc Mẹ” như một hồi chuông cảnh tỉnh đến chúng ta, nhắc nhở chúng ta về sự hi sinh, vất vả của người mẹ và biết trân quý hơn những ngày tháng còn có mẹ ở bên. Tác giả Shin Kyung-sook đã viết cuốn tiểu thuyết vào năm 2017. Shin Kyung-sook sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo sống tại một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Hàn Quốc. Không có điều kiện vào trường trung học, năm sáu tuổi, cô lên Seoul lao động kiếm sống. Shin Kyung-sook khởi nghiệp viết văn năm 1985 và sớm gặt hái thành công. Các tác phẩm của cô luôn có lượng độc giả lớn và nhận được nhiều giải thưởng văn học trong nước cũng như trong khu vực. Shin Kyung-sook đã trở thành nhà văn châu Á nổi bậc nhất năm 2009.

Nội dung chính của tiểu thuyết Hãy Chăm Sóc Mẹ kể về hành trình đi tìm người mẹ thất lạc của những thành viên trong gia đình mang theo những dòng hồi ức đầy suy tư về người mẹ, người vợ của mình trải dài theo 5 chương của cuốn sách.

Đây là cảm nhận dựa trên bản dịch tiếng Việt. Nghe nói bản tiếng Anh và bản tiếng Hàn chính gốc thì hay kinh khủng và rất khác bản tiếng Việt.

Một cuốn truyện được giới thiệu bởi một anh làm xuất bản mà mình quý. Và mới đọc đã thấy thích rồi. Truyện cứ như nói hộ lòng mình ấy. Những mâu thuẫn, cãi nhau vì bao nhiêu chuyện vặt vãnh giữa mẹ và con gái, những tình cảm ẩn sâu không dễ lộ thành lời, cái yêu thương kỳ lạ giữa những người trong gia đình, mọi thứ được mô tả sống động và cụ thể, cứ như hiển hiện trước mắt người ta vậy. Đọc và chảy nước mắt, và nhớ tới má, nhớ da diết, và thấy mình là một đứa con có lỗi biết bao. Có lẽ ai đọc quyển này cũng thấp thoáng thấy bóng dáng của mình và mẹ mình trong đó.

Nói như vậy để thấy rằng người viết rất có tài, kỹ thuật viết rất tốt, chắt lọc chất liệu từng chút từng chút một, những chi tiết nhỏ xíu mà gợi lên bao nhiêu điều không nói, và những chi tiết chân thực đến nỗi như là người viết đã đi vào trí nhớ của người đọc mà lôi ra những mẩu ký ức tuổi thơ vậy, cứ như đọc lại nhật ký của bản thân mình, khiến họ không khỏi giật mình nhớ lại những ngày xưa cũ, mình cũng đã từng làm thế, nói thế với mẹ mình.

Một quyển truyện về tình cảm gia đình, nhưng không chỉ gói gọn trong đó. Điều có lẽ khiến quyển sách này được đón nhận nồng nhiệt đến vậy là từ câu chuyện của một bà mẹ nó viết về câu chuyện của hàng triệu người mẹ, câu chuyện của một người phụ nữ trở thành câu chuyện về thân phậncon người, câu chuyện của một gia đình cho thấy bối cảnh xã hội trong cả một thời kỳ, với những giá trị lần lượt bị thay thế và đánh đổi, với những câu hỏi về cuộc sống và mối quan hệ giữa người với người.

Đoạn đầu đọc rất thích, chắc khoảng 5 sao, đoạn sau từ phần người cha thì tụt xuống 3 sao, có lẽ vì thấy nhiều chi tiết hơi bị thừa và rườm rà, lại vận dụng kỹ thuật tương tự tiếp mà không có thêm gì mới nên không có nhiều cảm xúc như trước. Điều đọng lại trong mình là hình ảnh can trường của người mẹ, một người với can đảm và mơ ước, với khát vọng và nỗ lực, với tình yêu cuộc sống và ý chí kiên cường, mặc cho bao nhiêu bất công của hoàn cảnh, bao nhiêu xô đẩy của cuộc đời, đã không ngừng nỗ lực để sống tốt và có ích, hoàn thành trách nhiệm của mình trong đời, và tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình. Đó có lẽ là cách sống mà người ta nên lựa chọn cho mình trong cuộc sống của một người trưởng thành vốn nhiều gian truân và thử thách.

Cuộc sống bận rộn với hàng tá công việc phải hoàn thành, những cuộc hẹn, cuộc lần đi công tác, vv. Cuộc sống thành thị xô bồ và phức tạp, lắm lúc chúng ta quên đi quay về mái ấm gia đình và chăm sóc bố mẹ của mình. Chúng ta ngày càng trưởng thành, đồng thời họ cũng già đi. Chúng ta chỉ sống một lần, đừng để tháng ngày rồi đi, cơ hội chăm sóc cho bố mẹ mình cũng không còn. Hãy Chăm Sóc Mẹ của Shin Kyung-Sook đã làm lay động hàng triệu trái tim người con. Hãy yêu thương khi còn có thể!

1.Về tác giả:

Shin Kyung-Sook sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo sống ở miền Nam Hàn Quốc. Không có điều kiện vào trường trung học, mười sáu tuổi cô lên Seoul kiếm sống. Shin Kyung-Sook khởi nghiệp viết văn năm 1985 và gặt hái nhiều thành công. Các tác phẩm của cô luôn có lượng đọc giả lớn và nhận nhiều giải thưởng văn học lớn trong nước cũng như trong khu vực. Với Hãy chăm sóc mẹ, cô trở thành nhà văn châu Á nổi tiếng bậc nhất năm 2009.

2. Vì sao mình đọc quyển tiểu thuyết này?

- Tiêu đề khá thu hút, đề tài gia đình nên cảm thấy tò mò

- Mình muốn sau khi đọc xong, mình sẽ thay đổi cách suy nghĩ về vai trò của người mẹ và dành nhiều thời gian hơn cho mẹ

- Mình muốn đắm mình vào những cảm xúc thiêng liêng và hạnh phúc khi có mẹ chăm sóc hồi thời thơ ấu

- Mình muốn hiểu lý do đằng sau tiêu đề "Hãy chăm sóc mẹ" là gì.

3.Nội dung

Nội dung câu chuyện xoay quanh sự việc người mẹ Park So-nyo bị mất tích tại sân ga tàu Seoul trong một dịp lên thành phố cùng người chồng để tổ chức cùng các con nhân dịp sinh nhật của họ. Ngay tại sân ga ấy, người mẹ đã bị thất lạc và chính người chồng cũng đã không hề hay biết về sự mất tích này. Mãi đến khi tàu di chuyển và rời ga, ông mới bàng hoàng nhận ra bà vợ của mình đã không lên tàu.

Xuyên suốt tác phẩm, tác giả đã khắc họa rõ nét hình ảnh một người mẹ, một người vợ đảm đang, tần tảo và lúc nào cũng chịu thương chịu khó chăm sóc cho cả gia đình có 4 người con. Sau khi bà mất tích, diễn biến tâm lý của từng thành viên gia đình khá phức tạp. Tác giả phân tích chi tiết và đánh sâu vào tâm lý ăn năn, hối tiếc và xót thương của từng nhân vật, khiến cho độc giả chúng ta không giây phút nào kìm được nỗi xúc động.

Hình ảnh người mẹ có dáng người mảnh khảnh, tóc muối tiêu, gò má cao, khi đi lạc mặc áo sơ mi xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be sau khi bị mất tích khiến không khỏi chúng ta cảm thấy xót thương cho sự cố xảy ra không ý muốn này.

4.Cấu trúc

Tác phẩm được chia ra nhiều phần, với mỗi phần là diễn biến tâm lý của từng nhân vật. Ngôn ngữ được sử dụng nhằm khơi gợi cảm xúc trong lòng người đọc, khiến cho chúng ta không khỏi xúc động.

Lối hành văn gần gũi, khắc họa rõ nét cuộc sống thôn quê, những con người tuy bình dị, mộc mạc nhưng mang trong mình hạnh phúc và sự an nhàn.

5.Diễn biến tâm lý từng nhân vật

Sau khi người mẹ mất tích, tất cả những thành viên gia đình đều hết sức ngạc nhiên, bàng hoàng và tất bật tìm mọi cách để truy tìm dấu vết những nơi mà mẹ có thể sẽ đi qua. Họ in những tờ rơi có dán hình người mẹ lên, sau đó đi đến các nơi đông người ở ga tàu, khu trung tâm thương mại lớn để phân phát nhằm kêu gọi mọi người hãy để ý và quan sát xem mẹ có xuất hiện ở đâu không, đồng thời cũng không quên treo giải thưởng cho người nào tìm ra được người mẹ đã bị mất tích ở ga tàu Seoul.

Từ khi nghe tin mẹ bị thất lạc cho đến bây giờ, tất cả các thành viên đều không suy nghĩ được gì. Những ký ức tưởng chừng như quên lãng từ lâu bỗng chốc lại ùa về, khiến cho lòng tất cả những người con và người bố đều vô cùng khắc khoải và đau xót. Phải chăng, khi mẹ còn bên cạnh họ, họ lại xem như một điều dĩ nhiên, còn khi mẹ mất tích rồi, thì lại cảm thấy ăn năn và hối hận? Con người thường có xu hướng: Cái quý giá trước mắt thường thì sẽ không trân trọng, đợi đến khi mất đi rồi mới hối tiếc và níu giữ, nhưng trớ trêu thay, đến lúc ấy thì đã quá muộn màng.

Hyong-Chol- người anh cả trong gia đình

Hyong-Chol là anh cả trong gia đình có năm người con. Anh là người mà mẹ tự hào nhất. Từ nhỏ, anh đã có mơ ước làm công tố viên nhằm bảo vệ mẹ khỏi những đêm rời khỏi nhà vì người bố lúc nào cũng dẫn một người phụ nữ lạ vào nhà. Sau khi tốt nghiệp trung học ở thị trấn, anh đã tự ôn thi công chức trong vòng một năm, rồi thi đỗ và chuyển lên thành phố làm việc.

Có một lần, khi đã nhận được công việc đầu tiên tại thành phố, mấy tháng sau anh được biết có một trường đại học luật ở Seoul học vào buổi tối nên anh quyết định đăng ký học. Anh nhận ra rằng, anh cần bằng tốt nghiệp trung học.

Anh tính gửi thư về cho bảo bố mẹ sao y bằng tốt nghiệp cho anh, nhưng anh sợ rằng sẽ không kịp để làm hồ sơ, nên anh bảo bố anh rằng nhờ bố ra bến xe buýt đề nhờ ai đó lên Seoul mang hộ tấm bằng tốt nghiệp trung học cho anh. Sau khi xong thì nhớ bố gọi điện lên ủy ban phường cho anh (vì anh đang sống và làm việc ở ngay ủy ban luôn) nhưng rốt cuộc, anh đợi cả ngày trời mà không có ai gọi đến. Cuối cùng, người mẹ tần tảo sớm hơn lại xuất hiện ngay trước một ngày anh chuẩn bị nộp hồ sơ.

Hyong-chol à! Mẹ đây! Là mẹ đây?

Mẹ không biết là có làm lỡ việc của con không nữa?

Sau đó mẹ đưa tấm bằng tốt nghiệp cho anh. Bà đã lặn lội đường xa, vội vã bắt tàu hỏa lên Seoul trong một thời tiết vô cùng giá lạnh chỉ để mang cho anh thứ anh cần. Bàn tay bà lạnh cóng.

Có thể nói, người mẹ trong lòng Hyong-chol là một người mẹ lúc nào cũng hy sinh vì con cái, không ngại khó nhọc.

Trong mắt bà, anh luôn là người mà bà rất tự hào.

Không như những đứa trẻ khác, con không bao giờ để mẹ phải nhắc nhở điều gì. Con tự mình làm mọi việc. Con sáng ngời lại học giỏi. Mẹ rất tự hào về con, đôi khi mẹ thấy thật ngạc nhiên vì mình đã sinh ra một cậu con trai như con.

Mẹ rất chiều chuộng anh khi bố không có ở nhà. Mẹ cho anh đi chiếc xe đạp của bố.

Bát canh đầu tiên mẹ múc ra mẹ luôn đặt trước mặt anh. Nếu mấy đứa em định ăn, mẹ sẽ mắng: Anh còn chưa cầm đũa đâu đấy?

Hay có những khi anh đang học bài thì người mẹ ấy không để cho anh động tay động chân vào bất cứ việc gì. Bà luôn hạ giọng xuống mỗi khi nói chuyện với các em của anh khi có việc cần trong khi anh đang học bài,. Những lúc anh học bài, mẹ luôn đóng cửa rất nhẹ nhàng.

Mẹ lặng lẽ mang vào phòng anh mấy củ khoai lang luộc hoặc mấy quả hồng rồi lại lặng lẽ đóng cửa đi ra.

Những ký ức chôn sâu trong tâm trí anh tất cả lại ùa về, khi mẹ mất tích, anh mới nhận ra mẹ đã yêu thương anh như thế nào.

Chi-hon - nữ tác giả nổi tiếng

Kể từ khi mẹ mất tích, hàng loạt những kỉ niệm cũng như ký ức xa xưa trỗi dậy trong cô. Cô hối hận vì mẹ còn bên cạnh, cô đã không cư xử đúng mực và quan tâm mẹ khi còn có thể.

Cô nhớ đến thời điểm cô luôn cau có với mẹ khi nói chuyện điện thoại. Từ lúc cô lên thành phố, cô ngày càng khó chịu. Cô hay cãi mẹ: Mẹ thì biết gì chứ? hay Sao mẹ là mẹ mà đi làm như vậy chứ? Có những lúc mẹ cô thắc mắc không biết cô đang làm gì, thì cô lại trả lời rằng: Mẹ biết chuyện đó để làm gì? Cô thậm chí nói những lời khiến cho mẹ buồn kinh khủng chỉ vì câu chuyện con chó nhỏ và cọng dây xích.

Mỗi lần gọi về nhà, cô hay trách mẹ là sao nhốt con chó vào một cái chuồng chật hẹp, làm sao nó sống được. Cô nói người nhà quê thật khó chịu. Hay có những lần, cô bảo sẽ gọi điện cho mẹ nhưng bẵng đi một khoảng thời gian cũng không thấy cô gọi vì bận rộn với mớ công việc hằng ngày.

Có những lúc cô khiến mẹ thật sự đau lòng.

Cô chỉ quan tâm đến con chó chứ quan tâm gì đến mẹ cô! Cô nghĩ mẹ cô là người đối xử với con chó tệ thế à? Cô không cần dạy tôi phải làm gì? Tôi nuôi nó theo cách của tôi!

Con không phải là con của ngày xưa nữa, con đã trở thành một người quá lạnh lùng. Nếu mẹ dập điện thoại như vậy, cho dù thế nào con cũng phải gọi lại cho mẹ chứ, sao con lại cứng đầu cứng cổ như thế chứ?

Tiếp sau đó, có những lúc mẹ cô bị đau đầu, không đứng dậy được, cứ nằm lăn lóc trong bếp, lúc ấy cô chỉ nghĩ mẹ đang bị bệnh thông thường thôi, nhưng thật ra, bà đang bị tai biến mạch máu não rất nghiêm trọng. Chỉ vì không muốn cho các con và chồng lo, nên bà khăng khăng không nói và cũng không chịu đi bệnh viện để khám.

Nghĩ đến cách mà người mẹ cảm nhận đau đớn cũng đủ khiến chúng ta chạnh lòng, nhưng trong thời điểm đó, không một ai biết và cũng không ai bên cạnh để chăm sóc bà. Tất cả bà phải tự chịu đựng và vượt qua.

Mẹ đang đặt một tay lên trán, dường như đang cố hết sức để chống chọi với cơn đau. Đôi môi của mẹ hé mở, các nếp nhăn giữa các cặp lông mày cau lại trông như những sợi dây thép.

Hai mắt mẹ đỏ ngầu, vầng trán ướt đẫm mồ hôi, hình như mẹ không nhận ra cô. Vì quá đau, khuôn mặt mẹ nhăn nhó khổ sở.

Chứng đau đầu dường như đang gặm nhấm mẹ Mẹ nhanh chóng mất đi sinh khí và bản tính chan hòa. Mẹ bắt đầu phải nằm nghỉ nhiều hơn. Thêm vào đó, mẹ cô cũng mất dần cảm giác với mọi thứ. Có lần, sau khi đặt nồi giẻ lau lên bếp, mẹ ngồi phịch xuống nền bếp và không thể đứng dậy được. Nước bốc hơi khiến đống giẻ lau bốc cháy và cả gian bếp mù mịt khói, thế nhưng mẹ cô vẫn không thể tỉnh lại được.

Trong lòng mẹ, cô là người mà mẹ quan tâm và dành hết tình yêu thương. Vì cô là nhà văn nên đối với những tác phẩm của cô, bà luôn trân trọng và vô cùng tự hào.

Nếu con xuất hiện trên báo, thế nào mẹ cũng gập tờ báo đó lại cất vào trong túi xách, rối cứ lấy ra ngắm nghía suốt. Mỗi khi đi vào trong thị trấn, gặp ai mẹ con cũng lấy ra khoe khoang với người ta đấy. Mẹ còn lấy ra cả quyển sách con viết nhờ một cô ở Ngôi nhà Hy vọng của trẻ mồ côi đọc cho nghe đấy. Mỗi khi nghe đọc sách, khuôn mặt mẹ lại rạng rỡ hẳn lên, còn cười nữa.

Người bố

Diễn biến tâm lý của người bố cũng vô cùng phức tạp và hỗn loạn. Mỗi khi nghĩ đến bà, lòng ông lại đau tê tái và nước mắt lưng tròng.

Ông chẳng mất đến một phút để nhận ra rằng cuộc đời ông đã rẽ sang hướng khác bởi vì ông đã bước đi quá nhanh. Suốt năm mươi năm kể từ khi lấy vợ, ông luôn đi trước vợ từ ngày cưới, từ khi bà còn trẻ cho tới lúc bà đã già. Nếu ngay khi lên tàu điện ngầm ông cẩn thận quay lại kiểm tra xem vợ đã lên chưa thì mọi chuyện có ra cơ sự này không?

Mỗi lúc ông đi nhanh như thế, ba chỉ biết nói câu:

Ông cứ đi nhanh như thế, nếu lạc mất tôi thì ông tính sao?

Từng cử chỉ hay hành động yêu thương ông thường không chịu thể hiện khi bà còn sống bên cạnh ông. Lúc nào ông cũng vô tâm và luôn thờ ơ với những gì bà làm. Ngay cả khi bà bị ốm năng, ông cũng không nấu nổi cho bà một bát cháo hoặc một cốc nước ấm.

Thế nhưng bây giờ khi vợ ông mất tích, ông lại hồi tưởng lại những ký ức xa xưa cùng với bà, trong lòng không khỏi ăn năn và hối hận. Ông tự trách mình vì đã không chăm sóc cho bà thật tử tế, bây giờ thời gian có quay lại thì có lẽ ông sẽ trân quý và yêu thương bà nhiều hơn. Nhưng thật không may, trên đời này làm gì có nếu như.

Mỗi khi ông muốn ăn bất cứ món gì, bà luôn sẵn sàng nấu cho ông ăn mà không hề do dự có đang bận hay không.

Mỗi khi ông muốn ăn cái gì đó, thì cho dù là có đang giã hồ tiêu hay xếp lá vừng hay muối cải thảo đi chăng nữa, vợ ông đều dừng ngay lại không chút lưỡng lự, tiến đến chỗ ông mà nói: Tôi đã hái được một ít lá ba chưởng trên núi đấy, ông có muốn ăn bánh lá ba chưởng không?

Chưa bao giờ ông nấu cho vợ mình một bát canh rong biển, vậy mà tại sao ông lại nhận tất cả những gì vợ ông làm cho một cách hiển nhiên như thế?

Kể từ khi vợ bị lạc, cứ mỗi khi nghĩ đến chuyện mình luôn đi quá nhanh, ngực ông lại như muốn nổ tung.

Hình ảnh người mẹ tần tảo & vất vả

Bà ấy bị thương ở mu bàn chân. Bà ấy đi đôi dép lê màu xanh, một bên dép cứa vào bàn chân chỗ gần ngón cái sâu đến nỗi một miếng thịt long ra tạo thành vết rách sâu hoắm, có lẽ vì bà ấy đã đi bộ quá xa. Ruồi muỗi bu đầy quanh vết thương đang rỉ mủ, chắc là cảm thấy khó chịu nên bà ấy cứ đưa tay phe phẩy đuổi chúng đi.

Đối với hình ảnh một người mẹ, khi nhắc đến bạn sẽ nghĩ đến điều gì? Trong phần đông tất cả, chúng ta đều nghĩ hình ảnh của người mẹ lúc nào cũng gắn liền với gian bếp. Mẹ là bếp và bếp cũng chính là mẹ. Nhưng có một điều quan trọng là, bạn có bao giờ nghĩ rằng, mẹ thích những công việc bếp núc ấy không?

Chắc chắn, sau khi đọc xong câu chuyện về người mẹ trong quyển sách này, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên rằng, thật ra những người mẹ đều không thích quẩn quanh trong gian bếp. Có ai mà lúc nào cũng có thể xuống bếp mỗi ngày, nấu những món ăn cứ lặp đi lặp lại trong ngần ấy năm mà không cảm thấy chán nản và bức bối chứ? Nhưng điều mà một người mẹ vĩ đại trong mắt chúng ta vẫn thường hay làm là sự hy sinh cao cả.

Vì lo cho những đứa con, muốn mỗi ngày trôi qua chúng đều có cơm ăn áo mặc đầy đủ, những món ăn đủ chất và lành mạnh thì tinh thần vực dậy của người mẹ lại càng mạnh mẽ vô cùng. Công việc bếp núc rất vất vả và chán chường lắm chứ, nhưng vì các con nên người mẹ cố gắng ngày quan ngày, rồi một cách vô thức, gian bếp gắn liền với hình ảnh tần tảo và đảm đang của người mẹ.

Khi cô con gái Chi-hon hỏi rằng: Mẹ có thích nấu nướng không? Người mẹ nhìn cô chằm chằm và nói:

Mẹ không nghĩ đến chuyện thích hay không thích ở dưới bếp. Mẹ nấu nướng vì đó là việc mẹ cần phải làm. Mẹ phải ở dưới bếp để nấu ăn cho các con rồi còn đi học. Làm sao mà ta chỉ có thể làm những việc mình thích được chứ? Có nhiều việc ta phải làm cho dù ta có thích hay không. Nếu chỉ làm những việc mình thích thì ai sẽ làm những việc mình không thích đây?

Nếu được nấu một nồi cơm to và một nồi canh nhỏ thì mẹ chẳng quản mệt nhọc vì mẹ thấy vững tâm khi nghĩ đây là thức ăn nuôi lớn các con.

Tình yêu thương lớn lao mà người mẹ dành cho con cái của mình là một điều hết sức thiêng liêng, nhưng đôi khi chúng ta lại xem những việc đó là vô cùng hiển nhiên. Cuộc sống xô bồ và bận rộn ngoài kia, đã bao giờ chúng ta dừng lại và dành thời gian để hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ mình chưa? Vì bôn ba ngoài xã hội nên có lúc ta vô tình bỏ qua hay không bận tâm hỏi thăm bố mẹ của mình, nhưng đợi đến khi họ già đi, hay có mệnh hệ gì thì có hối tiếc đi chăng nữa cũng không bao giờ kịp.

Thông qua việc mẹ bị mất tích, các thành viên gia đình đều cũng rất bất ngờ vì mẹ cũng không biết chữ. Mỗi lần những người con từ thành phố gửi thư về, bà đều không thể đọc, bà chỉ biết nhờ người khác đọc to lên những dòng chữ trong bức thư. Khi nghe xong, lòng bà lại cảm thấy hân hoan và hạnh phúc biết bao. Ngoài ra, nếu không có sự cố lần này, có lẽ tất cả thành viên gia đình cũng không hề biết bà bị tai biến mạch máu não một lần rồi. Những cơn đau đầu cứ kéo đến, cơ thể mệt mỏi cùng với cảm giác đau đớn và khó chịu đang gặm nhấm mẹ từng ngày. Tuy vậy, mọi người đều thấy việc ấy chỉ là triệu chứng bình thường của một người già!

Hình ảnh người mẹ lúc nào cũng yêu thương các con và người chồng của mình. Lúc nào cũng cặm cụi sớm hôm để lo cho các thành viên gia đình từ miếng cơm đến manh áo. Tất cả những việc trong nhà bà đều một tay quán xuyến, nhưng đợi đến khi bà mất tích rồi, tất cả mới phát hiện ra tầm quan trọng của bà trong lòng mỗi người như thế nào.

6.Lời kết

Hy vọng sau khi đọc xong quyển sách này, những người con sẽ chăm sóc cho mẹ mình thật tốt!

 Hãy trân quý tính cảm gia đình & yêu thương bố mẹ nhiều hơn, vì chúng ta chỉ có một người cha và một người mẹ.

Tuy cuộc sống bận rộn, nhưng chúng ta nên dành nhiều thời gian để hỏi thăm sức khỏe và phụng dưỡng cho bố mẹ khi có thể. Có thể dẫn họ đi du lịch hoặc đi ăn những món ăn dân dã nhưng mộc mạc và bình dị.

 Trân trọng những gì trước mắt, yêu quý những người thân yêu của mình. Cuộc đời là những biến số, không ai dự đoán được ngày mai sẽ ra sao.

 Hãy đối xử với bố mẹ một cách tử tế, chân thành và hiếu thảo.

Con cái là niềm tự hào của bố mẹ. Khi bạn hạnh phúc thì họ cũng hạnh phúc.


Một câu chuyện cảm động về mẹ, về gia đình trong khung cảnh làng quê kham khổ có rất nhiều điểm tương đồng với xã hội Việt Nam, đọc “Hãy Chăm Sóc Mẹ”, và bạn sẽ thấy Việt Nam và Hàn Quốc cũng giống nhau lắm. Chủ đề gia đình và những thứ tình cảm mộc mạc vốn rất được khán giả Việt mình ưa chuộng, quyển này bán chạy ở Việt Nam cũng không có gì lạ. Khoan nói về các yếu tố văn hoá, chính trị trong bối cảnh (sự chuyển giao từ nông thôn lên thành thị của Hàn Quốc), câu chuyện của “Hãy Chăm Sóc Mẹ” đơn giản là đi vào lòng người. 

❝Mẹ bị lạc đã một tuần.❞

Tiểu thuyết mở đầu như thế. Hành trình đi tìm người mẹ của mấy anh em và ông bố, cũng là hành trình tìm lại những ký ức họ có về mẹ. Người mẹ cả đời quanh quẩn với mấy chum tương, chậu dưa cải muối. Người mẹ luôn dúi bánh gạo vào tay các con để mang về thành phố. Người mẹ đã luôn chăm sóc cho cả 6 bố con như thể cuộc sống của mẹ phụ thuộc vào họ. Mẹ đã luôn ở đó, tới mức 6 bố con quên mất rằng: mẹ không chỉ là mẹ, mẹ cũng là một con người với những ước mơ, suy nghĩ của riêng mình. 

❝[…] thế nhưng tại sao ngay từ đầu chúng ta chỉ luôn nghĩ về mẹ như là một người mẹ mà thôi?❞

“Hãy Chăm Sóc Mẹ” có cảm động không? Có. Mình có khóc sau khi đọc xong? Không (nhưng cái này hoàn toàn là do những lý do chủ quan, mình nghĩ nhiều người sẽ khóc đấy). Ai đang muốn hàn gắn, muốn thắt chặt, muốn bày tỏ sự biết ơn, hay muốn giải quyết một xung đột nào đó trong mối quan hệ với mẹ và gia đình, mình nghĩ rất nên đọc.