Nói lời chân thật là điều không dễ làm vì ai cũng muốn nói sao cho đẹp ý người khác và tránh gây xung đột. Song, lời hay chưa hẳn đã đi vào được lòng người vì vốn dĩ trái tim không nhìn bằng mắt, mà luôn có lớp kính phân định mức độ chân thành của đối phương. Chính bởi lẽ đó mà Nghệ thuật giao tiếp thành công chính là dùng trái tim để quy phục lòng người, nói lời chân ý, tất thắng chân tâm!
Khởi nguồn từ chánh niệm
“Giao tiếp bằng trái tim” là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm (1930 – 2009), một thiền sư người Đài Loan, xuất gia từ năm 13 tuổi, ngài từng du học tại Nhật Bản, nhận bằng tiến sĩ văn học, từng là Viện trưởng viện nghiên cứu và phiên dịch kinh phật… và được xem là một trong bốn vị hòa thượng nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất tại đảo quốc Đài Loan thời hiện đại.
Quyển sách “Giao tiếp bằng trái tim” thuộc bộ sách Phật Pháp Ứng Dụng, bao gồm 9 tập:
- Tìm lại chính mình
- Tu trong công việc
- Giao tiếp bằng trái tim
- Dùng thiền tâm thay thế phiền tâm
- Thành tâm để thành công
- Tình thế gian
- Bình an trong nhân gian
- Buông xả phiền não
- An lạc từ tâm
Tác phẩm “Giao tiếp bằng trái tim” hướng đến bàn thảo về các vấn đề, khúc mắc trong quan hệ nhân sinh thường nhật, chủ yếu nằm trong phạm vi giao tiếp và cách đối nhân xử thế để tìm được an yên, sách được chia thành 4 phần: 1. Học cách lắng nghe và tập cho mình thái độ chân thành trong giao tiếp; 2. Học cách khen ngợi phát hiện ra ưu điểm; 3. Mở rộng lòng từ bị và bao dung; 4. Học cách quan tâm giúp đỡ và tinh thần hi sinh, phụng hiến.
Trong thời đại số hóa và kỷ nguyên công nghệ, trước sự lên ngôi của mạng xã hội thì mối quan hệ giữa người với người ngày càng trở nên xa cách, thiếu tương tác và dễ nảy sinh những hiểu lầm mâu thuẫn, xung đột không đáng có. Và do con người thường hay có thói quen đổ lỗi cho người khác, tự biến mình thành nạn nhân mà hiếm khi tự nhận ra lỗi lầm của chính mình, điều đó vô tình đã nới rộng thêm khoảng cách và sự chia rẽ, hình thành nên tâm lý bất an và phòng ngự. Một khi trong lòng đã cảm thấy không an toàn với môi trường và đối tượng giao tiếp thì khả năng dễ bị tổn thương và làm tổn thương người khác lại càng tăng cao, gây thêm phiền não cho cả đối phương lẫn chính bản thân mình.
Bằng lối hành văn nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, câu từ dễ hiểu, vị hòa thượng đã đề cập đến sai lầm trong mục đích giao tiếp thường gặp khi chúng ta cho rằng người khác phải lắng nghe, chấp nhận mình mà quên mất rằng chính mình cũng cần tìm hiểu các nhu cầu thực sự của đối phương. Đó cũng chính là sai lầm, là điểm mù quáng, dễ sa ngã nhất của mỗi con người trong giao tiếp: “luôn lấy bản thân làm trung tâm”. Thế nên, khi nói hoặc làm điều gì mà chúng ta chỉ căn cứ và xuất phát từ góc độ cá nhân, hằng mong người khác chấp nhận mình mà thiếu mất sự tương tác, tương quan tương hỗ là phải đặt mình vào vị trí người khác để lắng nghe và tiếp nhận, thì cuộc giao tiếp ắt sẽ bất thành. Biết đặt mình vào vị trí người đối diện, cảm nhận ý nguyện và suy nghĩ theo góc độ của họ chính là chìa khóa dẫn lối đến giao tiếp trọn vẹn, mở cửa thành công và hạnh phúc.
Sử dụng ngôn từ mộc mạc và bình dị đi kèm những ví dụ sinh động từ thực tế, hòa thượng Thích Thánh Nghiêm đã đưa ra cho chúng ta những lời khuyên hữu ích khi tiếp xúc và ứng đối trong xã hội, đó là dù giao tiếp với ai đi nữa thì cũng nên xuất phát đi từ lòng thành, từ chính trái tim với thái độ bao dung, hòa nhã, chân thiện. Vì rằng chính thái độ chân thành, thân thiện sẽ giúp chúng ta bồi đắp, xây dựng quan hệ vững bền, kết nên những mối “duyên lành” giữa con người với con người, mang lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng, xã hội.
Hành trình bản ngã, chạy theo đại lộ hay lựa chọn lối mòn?
Theo hòa thượng Thích Thánh Nghiêm, mỗi con người từ lúc được sinh ra đều có một lối đi, con đường của riêng mình và mỗi chúng ta đều phải luôn tâm niệm rằng: Trên đường đời dù bạn đi thế nào, chỉ cần bạn đi trên đôi chân của mình, trên con đường mình đã chọn thì con đường kia mãi là con đường của riêng bạn.
Trên đời này, không ai sinh ra là giống nhau, định mệnh an bài mỗi con người là mỗi số phận, không thể thay thế, đánh đổi hay sao chép, thế nên chỉ có vững bước đi bằng chính sức lực của bản thân, hướng đến những giá trị “chân-thiện-mỹ” phù hợp với bản thân thì mới có thể “tâm an, vạn sự an”. Sở dĩ hình ảnh con đường được đưa ra trong bài học về giao tiếp vì mỗi chặng hành trình đi qua, ta đều sẽ có lúc gặp phải những người qua đường, những bạn hữu đồng hành, những quý nhân và đôi lúc có thể gặp cả những “nghiệp duyên”. Và trên cuộc hành trình đó, sẽ rất dễ nảy sinh những so sánh, đố kỵ, so bì lẫn nhau giữa các nhóm đối tượng trong và ngoài vòng tròn giao tiếp. Thế nên hình ảnh con đường của riêng mình chính là hiện thân cho sự độc tôn, duy nhất của mỗi cá thể hiện hữu trên cõi đời. Không cần phải ngó nghiêng người bên cạnh hay so đo tính toán ai hơn ai kém, hãy cứ đi trọn vẹn trên con đường của mình, vì: Đi đến con đường của hôm nay, cho dù đó là con đường lớn hay đường nhỏ, cuối cùng mình vẫn đi theo một con đường để đến đích.
Suy cho cùng, đúng như đại văn hào Lỗ Tấn đã viết thì “trên thực tế làm gì có đường, người ta đi mãi, thì thành đường thôi”. Nếu một con đường được nhiều người biết đến và thường xuyên lui tới thì nó sẽ trở thành một đại lộ đông đúc, chen chúc và tấp nập ngược xuôi. Còn những cung đường ít được biết đến thì sẽ giống như những lối mòn thưa thớt, hoang vắng và yên ắng. Thế nhưng, dù là con đường nào thì tốc độ vẫn nằm ở đôi chân người bước. Nếu lựa chọn đại lộ thì có thể gặp phải kẹt xe, ùn tắc còn nếu chọn lối mòn thì hãy dè chừng những cát bụi và đá sỏi chông chênh. Chuyến đi đôi lúc không nằm ở thời gian, mà tồn tại trong quang cảnh xung quanh. Lặng ngắm cảnh vật cũng là một món quà trên hành trình tìm về nơi đích đến.
Và trên đường trường muôn vạn nẻo, mọi lối về đều để mở, mọi cơ hội đều không của riêng ai và không có rào cản nào thật sự hiện hữu ngoài rào cản từ chính tâm trí của người hành giả: Tâm sinh thì muôn vật sinh, tâm diệt thì muôn vật cũng diệt theo, mọi sự trong đời đều do tâm mình làm chủ, nếu bạn nuôi dưỡng lòng tri ân, biết đủ thì cuộc đời bạn tự nhiên cũng vẹn toàn.
Bản ngã là bất di bất dịch, nhưng tâm niệm thì luôn hoài biến chuyển, chỉ cần ta thực sự chú tâm, thật tâm và toàn tâm với sứ mệnh và giá trị của bản thân, trân trọng và biết ơn thực tại thì đó chính là giác ngộ, là an yên thực sự. Đường đi ở chính trong tâm mình, chỉ cần dấn bước, mọi ngã đường đều sẽ có tương lai. Cơ hội luôn ở ngay trước mắt, chỉ cần nắm lấy, mọi hành động đều cho ra kết quả. Đối với những người trẻ đang phân vân lựa chọn giữa những ngã ba đường sự nghiệp hay tình yêu, hãy nhớ và khắc ghi, không có con đường tắc nào dẫn đến thành công và hạnh phúc vì bản thân thành công và hạnh phúc nằm ở chính con đường!
Vẻ đẹp thành tâm và hướng thiện
Không chỉ đưa ra những câu chuyện ví dụ thật về các tình huống giao tiếp hành xử hàng ngày, cách ứng biến và những góc khuất cần lưu tâm, hòa thượng Thích Thánh Nghiêm còn đưa vào sách những nhận xét, góc nhìn của mình, cảnh tỉnh chúng ta về vẻ đẹp của thiện tâm và tấm lòng chân thành rằng: Bạn có thể che đậy hình thức bằng áo quần đẹp nhưng không thể che đậy được lòng xấu xa tồn tại bên trong.
Quả thực, lòng tốt hay sự tử tế chính là ngôn ngữ mang vẻ đẹp và sức mạnh nhiệm màu khiến cho người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy. Nếu trong tâm của ta thật sự trong lành và muốn hướng đến sự thiện lương, sống tốt bên người, bên đời thì tự ắt mọi người xung quanh sẽ nhìn ra, cảm nhận thấy. Ngược lại, nếu sâu thẳm trong tâm khảm là những ác ý ẩn mình thì dù có che đậy hay cố tình cất giấu kỹ đến mấy thì vẫn không thể qua được đôi mắt của trái tim. Vì chỉ có những gì chân thành, xuất phát từ trái tim thì mới có thể chạm đến trái tim. Và đôi khi, dù cho người ta có thể quyến rũ trái tim bằng sự dối trá nhưng chỉ có thể chinh phục trái tim bằng chính sự chân thành.
Song, vì đôi khi cái ác, cái xấu không phải lúc nào cũng hiển hiện và lộ mình ra trước mắt người mà cái ác và cái xấu, trớ trêu thay lại thường được che đậy khéo léo và đôi khi còn rất giỏi ngụy trang, ẩn nấp bên trong vỏ bọc ngọt ngào của cái thiện nên vấn đề muôn thuở đặt ra cho mọi nhà hiền triết và các nhà lãnh đạo xưa và nay là:
Người tốt thường bị chỉ trích, trách mắng, như thế phải chăng chứng tỏ người tốt sẽ thường bị thiệt thòi?
Nhận định trên vừa đúng nhưng cũng lại chưa đúng hẳn. Phần đúng là vì nếu người tốt bị chỉ trích, mắng oan thì họ đang phải hứng chịu thiệt thòi. Còn phần chưa đúng bởi như diễn giải của chính tác giả, khi người tốt bị chỉ trích, trách mắng thì đó cũng là một cơ hội để họ có một hướng nhìn khác và được dần hoàn thiện hơn, học hỏi nhiều hơn và có động lực để phấn đấu vươn lên tốt hơn. Vậy nên, hãy xem thử thách chông gai giống như một cơ hội để được trui rèn mạnh mẽ và sự chịu đựng kiên cường. Giông tố, nếu không dữ dội thì cây cối khó mà bám rễ vươn cao thành cổ thụ. Cuồng phong, nếu không hung bạo thì muôn loài khó tiến hóa tinh khôn. Hơn thế, còn có một chân lý nữa là: Những thứ cứng rắn nhất thông thường lại là thứ yếu giòn nhất, ngược lại, những thứ mềm mỏng nhất có thể lại là kiên cố nhất.
Kẻ ác, người thích gieo oán hay những kẻ thích khoa trương, phạm vào ác khẩu thì thường muốn dùng uy quyền và sức mạnh để thể hiện oai nghiêm hòng chèn ép, áp đặt lên kẻ yếu với mưu đồ hù dọa hoặc phô diễn năng lực. Thế nhưng, hành động đó chính là minh chứng cho sự thiếu tự tin bên trong và những kẻ đó, xét cho đến cùng, sẽ là những kẻ dễ gãy giòn trước thời cuộc. Ngược lại, những người nhu hòa, biết nhẫn nhịn, nhún nhường và ẩn mình mới chính là người có khả năng tồn tại và sống sót đến cuối cùng, làm nên sự nghiệp mà không cần cầu đến hư vinh. Ví như viên kim cương tưởng chừng như vô cùng cứng rắn nhưng vẫn có thể bị cắt và hủy diệt bởi chính kim cương, còn dòng nước tuy vẻ ngoài tuôn chảy mềm mỏng, trông vào cứ ngỡ như lỏng lẻo nhưng vẫn có thể làm rạn nứt công trình bê tông, khiến đá mòn, núi lở.
Người lạ bước chung đường
Một trong những điểm sáng của quyển sách chính là ở định nghĩa về “Đồng sự - người cùng tâm nguyện sẽ đi chung đường.” Giao tiếp chính là chiếc cầu nối để gắn kết con người. Khi giao tiếp đạt hiệu quả, con người sẽ biết được thông tin, thấu hiểu lẫn nhau. Từ đó, dựa trên những mối quan tâm và mức độ hòa hợp đồng cảm mà sự lien kết và gắn bó dần hình thành. Chẳng phải vô tình hay ngẫu nhiên mà những người xa lạ ở cách nhau nửa vòng trái đất lại có thể yêu nhau chỉ sau vài lần có duyên trò chuyện. Cũng chẳng phải chuyện lạ khi mà những người hàng ngày mặt đối mặt, cách nhau chỉ tầng lầu trong cùng một tòa nhà nhưng lại chẳng bao giờ thân nhau, thậm chí còn chưa từng chào nhau nửa lời. Thế nên, sức mạnh của giao tiếp chính là ở hai cực đối lập, có thể hâm nóng, làm bừng cháy lên ngọn lửa giữa hai con người nhưng cũng chính giao tiếp cũng có thể giống như dòng nước làm sạt lở bến bờ, ngăn đôi dòng liên kết của những người đồng sự.
Song, không ít người lại bị nhập nhằng và hiểu sai ý nghĩa của đồng sự mà khiến bản thân và người khác cùng rơi vào khổ đau. Đặc biệt nếu những người này có chức vụ, quyền hạn cao thì lại càng là một vấn nạn. Vì rằng: Đồng sự là hòa mình vào trong xã hội đang sống nhưng không bị xã hội ảnh hưởng mà đánh mất mình.
Thế nên trong một số trường hợp, ví dụ như trong các nhóm, hội hay tổ chức, nếu không nắm rõ ý nghĩa thật sự và sâu xa của đồng sự mà chỉ muốn “đồng hóa” tất cả mọi người thì đó là một sai lầm và thảm họa. Vì như đã nói ở trên, mỗi con người – mỗi bản ngã đều có một hành trình riêng và sở hữu những sắc màu, cá tính riêng. Không nên chỉ vì muốn thể hiện sự đồng lòng, gắn kết của tổ chức trước người ngoài mà áp đặt, lợi dụng ý niệm đồng sự để cưỡng chế, ép buộc mọi người thay đổi đi bản ngã thật sự và thay đổi mình, bắt chước theo một hình tượng lý tưởng của tổ chức. Nhất là đối với những nhà lãnh đạo, không nên vì nhìn nhận chủ quan, thích một “nhân vật / tính cách/ yếu tố điển hình” mà thúc ép toàn bộ thành viên phải xem đó làm gương và noi theo, gồng mình trở thành những bản sao hoàn hảo. Như vậy, khi tất cả mọi người đều giống nhau thì sẽ không còn điểm khác biệt hay động lực trái chiều để tổ chức có thể vươn lên và đạt được những thành tựu, tầm cao mới.
Còn đối với những người trẻ, thì không nên vì thần tượng một ai đó mà đánh mất chính mình dù là trong tình yêu hay công việc. Nếu ai đó không thể chấp nhận và yêu thương chính con người bạn thì đừng nên níu kéo vì sự thật phũ phàng là không ai muốn rời xa người mang lại hạnh phúc cho mình. Nếu đối phương muốn rời xa bạn, có nghĩa là bạn không mang lại hạnh phúc cho họ, vậy thì hà tất phải cưỡng cầu? Trong công việc cũng vậy, nếu một tổ chức không thể trân trọng và ghi nhận những giá trị của bạn thì hoặc là bạn không thể mang lại giá trị cho họ hoặc họ chưa nhận ra. Thế nên, lựa chọn tốt nhất là tiếp tục cố gắng, sống hết mình cho từng nơi mà ta ghé đến, sau đó hãy xem những đóng góp đó có được ghi nhận không, nếu không thì có lẽ đã đến lúc đi tìm một nơi mới để cống hiến và phụng sự.
Cuộc đời, có kẻ cho là dài lê thê, có người lại than quá ngắn ngủi. Thật ra cuộc đời không ngắn cũng chẳng dài. Nếu ta biết cách tận hưởng hiện tại, sẽ thấy trọn vẹn còn nếu không sẽ luôn bồn chồn lo lắng cho tương lai hay lo âu suy tưởng về quá khứ. Và để có thể tối ưu hóa món quà hiện tại, hãy biết giao tiếp bằng trái tim để lắng nghe, cảm nhận và yêu thương vì chúng ta vốn dĩ, đều là người lạ bước chung đường!
Tác giả: Kim Thơ - Bookademy
------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]