Cùng tác giả Nguyễn Thanh Tùng khám phá một London vừa hiện đại, vừa cổ kính với những con người thú vị, những câu chuyện đang chờ được hé mở. Bạn sẽ nhận ra rằng London không chỉ là tháp Big Ben, Tower Bridge và sương mù.

Nguyễn Thanh Tùng là một cái tên quen thuộc với bạn đọc, anh là dịch giả tiếng Hàn và tiếng Anh lâu năm của Nhã Nam với các tác phẩm Dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ, Trước lúc anh đi, Đường đời bất tận, Kẻ giấu mặt… Anh tốt nghiệp khoa tiếng Hàn ở Đại học Hà Nội, là một biên tập viên truyền hình trước khi đến với London ở tuổi 34 để học thạc sĩ ngành Quan hệ công chúng ở Đại học Westminster.

Giai Hà Nội lặn lội London là tập hợp những ghi chép của anh về trải nghiệm du học sinh ở London trong 15 tháng. Rải rác trong cuốn sách là rất nhiều hình ảnh về cảnh quan London, các địa điểm và những con người anh gặp.

Trước khi đọc Giai Hà Nội lặn lội London, khi nghĩ đến thành phố thủ đô của nước Anh này, tôi thường mường tượng thấy một khung cảnh u ám trong sương mù, mưa lất phất, những người mặc áo khoác dài đi nhanh trên vỉa hè – hình ảnh đã ăn sâu vào tâm trí tôi từ khi mê đọc Sherlock Holmes hồi 12 tuổi. Nhưng Giai Hà Nội lặn lội London đã cho tôi một ấn tượng về một London nhiều màu sắc hơn, hiện đại hơn, đặc biệt là tràn ngập những con người và những câu chuyện thú vị.

Du học sinh ở London

Anh Tùng đến với London với tư cách một du học sinh ở độ tuổi không phải là trẻ nhưng anh mang đến thành phố này nguồn năng lượng tràn trề với suy nghĩ không bao giờ là quá già để thôi trải nghiệm. Quá trình đến với London của anh cũng đầy khó khăn. Bốn năm liền anh nộp hồ sơ xin học bổng Chevening nhưng đều trượt, đến năm 2015 anh trực tiếp xin học bổng từ trường Westminster và lần này London đã mỉm cười với anh khi trường Westminster quyết định trao cho anh học bổng kỉ niêm 175 năm thành lập trường.

Sau khi cánh cửa London đã mở ra thì anh lại gặp ngay thử thách tiếp theo: tìm nhà. Thuê nhà ở London không những đắt đỏ mà còn vô cùng gian nan, trước khi tìm được ngôi nhà phù hợp, anh phải trải qua đủ loại tình huống trớ trêu: chủ nhà yêu cầu anh phải đi chợ, nấu món Âu, lại còn phải đổi món mỗi ngày; một nhà khác thì lại chật chội, bẩn thỉu mà giá thuê lại quá cao; một nhà thì lại ở gần tụ điểm buôn bán thuốc phiện… Cuối cùng thì anh may mắn tìm được ngôi nhà số 17, không chỉ phù hợp mà còn là nơi anh gặp rất nhiều người bạn mới.

Rồi lại đến khó khăn trong việc viết luận khiến anh gần như muốn bỏ cuộc vì cách học ở Anh rất khác với cách học ở Việt Nam, nhờ sự khai sáng của cô giáo mà anh cũng vượt qua được với kết quả trên mong đợi.

Cuộc sống ở London không như là mơ, mọi thứ đắt đỏ và sinh viên Việt Nam ở London thì tự khắc trở thành sinh viên nghèo. Một vé tàu đã gần một trăm nghìn tiền Việt, còn đi taxi thì “một lần đi là cả đời trả nợ”, lên trung tâm thì phải lo bị cướp giật, và còn nhiều câu chuyện khác về việc đi mua quần áo trẻ con đại hạ giá, xếp hàng thử bánh, thử trà, lấy đồ miễn phí…

 


Con người ở London

Điều đầu tiên nổi bật lên trong Giai Hà Nội lặn lội London không phải là những bài viết về phong cảnh, ẩm thực hay các địa điểm ở thành phố như ta hay thấy trong những cuốn sách du lịch hay những bộ phim tài liệu mà lại là những câu chuyện nhỏ về những con người mà tác giả gặp ở London.

Khi đã may mắn “an cư lạc nghiệp” tại ngôi nhà số 17, anh quen thân với những người bạn cùng nhà và từ đó nhiều chuyện thú vị xảy ra. Ngôi nhà số 17 có nhiều phòng cho thuê, những người thuê nhà ở đây đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nên anh gọi nó là ngôi nhà liên hợp quốc.  Người bạn thân nhất của anh ở nhà số 17 là Kohei, một anh người Nhật kém anh 1 tuổi, làm nghề lái xe tải cho dịch vụ chuyển nhà, thường hay mang về cho anh những món đồ lặt vặt mà các gia đình bỏ lại khi chuyển đi. Một thành viên khác trong nhà là chị Maria (thường gọi là chị Slovakia), hay mặc những bộ đồ ngủ thiếu vải hình da báo hay da ngựa vằn. Rồi còn có cô Tess và cô Sandie, hai chị em đã ở Nam Phi nhiều năm, khi đến ở nhà số 17 đã giúp xử lí vấn nạn rệp giường. Anh hay nói chuyện với cô Tess vì cô cũng thích đọc sách, thậm chí có lúc cô mải đọc đến nỗi làm cháy đồ trong lò nướng. Ở cùng nhà số 17 còn có chị Sandy, người Malaysia. Chị dự định sẽ đến Việt Nam du lịch nên được Tùng truyền đạt cho rất nhiều kinh nghiệm về ở Việt Nam. Chuyến đi Việt Nam của chị rất thành công, chị và gia đình đã rất vui và chị mong muốn sẽ được quay lại Việt Nam để khám phá nhiều hơn. Hai nhân vật nữa trong nhà là một cặp - bác Martin (người Ireland) và chị Jingle (người Philipines) đều đến London làm việc và đã có gia đình ở quê nhà.

Không chỉ trong ngôi nhà số 17, Tùng còn gặp nhiều con người, nhiều câu chuyện thú vị khác ở mọi nẻo của London. Khác với lời đồn đại rằng người Anh lạnh lùng và luôn bận rộn, phần lớn những người mà Tùng gặp đều rất niềm nở, từ các cô chú trong đội tình nguyện, cô phục vụ trong quán trà, các cậu sinh viên trong quán bar, các giáo viên… Tôi đặc biệt ấn tượng với những cuộc gặp gỡ tình cờ của Tùng, như một lần trên tàu, anh trở thành đại sứ văn hóa khi gặp một vài bác rất quan tâm đến Việt Nam, hay khi anh giúp đỡ một ông cụ mắt kém, hay những người đến tâm sự với anh khi anh đang đọc sách ở quán cà phê. Tôi ngẫm lại, có lẽ anh lượm nhặt được rất nhiều mẩu chuyện hay từ nhiều người không phải vì người London đặc biệt thích nói chuyện với người lạ mà vì chính bản thân anh đã gây được thiện cảm, lôi cuốn họ đến với mình vì thái độ cởi mở, thân thiện của anh.

Tình nguyện ở London

Trước giờ, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc làm tình nguyện khi đi du học cả nhưng những trải nghiệm của anh Tùng đã cho tôi thấy rằng đó là một trong những cách tốt nhất để hiểu hơn về nơi mình đến. Khi làm tình nguyện, anh không còn là người ngoài, người đi ngang qua London mà thực sự đã trờ thành người ở trong London. Suy nghĩ của anh khi làm tình nguyện cũng rất hay, rằng anh đã nhận được rất nhiều từ London và muốn được trao lại những gì mình có. Trong cuốn sách, bạn sẽ tìm thấy câu chuyện về 5 sự kiện anh tham gia: giải chạy việt dã Vitality London 10.000, sinh nhật lần thứ 90 của nữ hoàng, lễ thắp đèn Giáng sinh, lễ diễu hành của cộng đồng LGBTQ+ London Pride và lễ diễu hành đồ chơi của Hamleys. Mỗi sự kiện mở ra một khía cạnh mới mẻ về con người và cuộc sống ở London.

Điều khiến tôi thấy thú vị trong những câu chuyện tình nguyện ở London là rất nhiều người già tham gia những sự kiện này. Nếu như ở Việt Nam, tình nguyện thường chỉ dành cho sinh viên thì ở London, trong những buổi tình nguyện, Tùng lại gặp những phụ nữ trung niên như cô Liz, cô Doreen và thậm chí là bác Geoff đã 80 tuổi – một cây lịch sử sống của London.

Một điểm hay nữa là những lời cảm ơn mà các tình nguyện viên nhận được. Ở một thành phố công nghiệp bận rộn như London, việc ai đó bỏ thời gian của mình ra để tình nguyện giúp đỡ cộng đồng rất được trân trọng. Tình nguyện viên không chỉ nhận được lời cảm ơn từ ban tổ chức mà còn nhận được rất nhiều lời cảm ơn từ những người tham dự sự kiện được họ giúp đỡ.

Mặc dù đến với đội tình nguyện để cho đi thời gian và công sức của mình nhưng Tùng lại được nhận những tình cảm nồng ấm từ các cô chú trong đội, đặc biệt là trong buổi chia tay khi anh sắp về Việt Nam.

 

 

Trải nghiệm ở London

Quãng thời gian ở London, trong một hoàn cảnh hoàn toàn mới, Tùng đã có nhiều trải nghiệm mới lạ. Anh đã tiếp xúc với những loại hình nghệ thuật mới như đi xem hòa nhạc, đi xem một đêm nhạc rock và xem nhạc kịch. Không cần bạn phải có nhiều tiền mới có thể thưởng thức nghệ thuật ở London vì bạn có thể tìm được những địa chỉ trình diễn với giá cả hợp lí.

Khi ở London, một chuyện thú vị xảy ra khiến Tùng được lên truyền hình Thụy Điển trong chương trình 6 chặng phân cách và tình cờ được gặp Matthew Perry (diễn viên đóng vai Chandler Bing trong bộ phim Friends mà anh rất mê).

Trong những ngày ở London, Tùng còn có cơ hội thi The X Factor (cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc nổi tiếng nhất ở Anh). Trong lúc đứng chờ vào thi mất 11 tiếng, anh lại kết bạn với một số thí sinh khác: một cô bạn người Ý tóc ngắn, một em gái 18 tuổi với phong thái diva, một cậu người Malaysia đến London chỉ để thi The X Factor. Mặc dù chỉ may mắn vào được vòng 2 nhưng đó là một trải nghiệm anh không bao giờ hối hận.

Dạo quanh London

Dù chỉ ở London 15 tháng nhưng với tinh thần nhiệt huyết của sinh viên già thích trải nghiệm, Tùng đã hiểu và yêu London.

Vì là người thích đọc sách nên anh có nhiều chuyện để kể về sách ở London. Thành phố này có nhiều hiệu sách, muôn màu muôn vẻ. Có những hiệu sách sang trọng và thanh lịch như chuỗi hiệu FOYLES hay Daunt Books, nơi sách có giá không hề rẻ nhưng cũng có những địa điểm khiến sinh viên nghèo yêu sách đặc biệt yêu London. Đó là những hiệu sách từ thiện có mặt trên hầu hết mọi con phố, nơi bán sách cũ để gây quỹ cho các công việc nghiên cứu, thiện nguyện. Rồi còn có những hiệu trao đổi sách ở khu phố Notting Hill, nơi bạn mang sách cũ đến, được chủ hiệu đổi cho một voucher mua sách tại đây tương đương với giá trị sách bạn mang tới. Thư viện Anh quốc cũng là một điểm đến không thể bỏ qua với những người yêu sách. Thư viện có cách sắp xếp sách rất độc đáo là sắp xếp theo kích thước, vì vậy, những người đến mượn sách không thể tự tìm sách mà sẽ cần nhờ đến sự giúp đỡ của nhân viên thư viện. Ngoài ra, ở đây còn tổ chức những buổi triển lãm bản viết tay của Leonardo da Vinci, The Beatles, bản nháp của Jane Austen, Oscar Wilde hay những phác họa đầu tiên của Alice in Wonderland.

Ở London có 3 khu chợ thú vị là Brick Lane, Portobello và Shoreditch. Brick Lane là khu tập trung các nghệ sĩ trẻ, nơi đây nghệ thuật thấm đãm từng ngóc ngách với những mảng tường vẽ tranh, graffiti, những cửa hàng bán đồ thủ công và khu chợ đồ cũ. Portobello ở trên đồi Notting Hill thì là một khu chợ cổ chân quê bán đủ mặt hàng, nhưng đặc biệt có những cửa hàng bán quần áo phong cách cổ điển và những hiệu sách cũ. Shoreditch có nhiều bar và pub, là nơi tụ tập của giới trẻ London mỗi tối.

Trong thời gian ở London, Tùng cố gắng đi tìm món ăn biểu tượng của London, nhưng dù đã thử hết những món được giới thiệu như fish and chips, trà… anh vẫn không tìm được hương vị nổi bật ấy. Nhưng London vẫn rất cuốn hút với những món ăn đến từ mọi miền trên thế giới được những người nhập cư mang đến.

Nếu như hình ảnh biểu tượng của London với thế giới là tháp Big Ben, xe buýt đỏ…thì Tùng lại chọn chiếc áo trench coat là biểu tượng của London trong anh. Chiếc áo khoác dáng dài, chống nước, xuất hiện từ năm 1920, được bán và mặc phổ biến ở London, dường như ở đâu cũng có thể bắt gặp một người đàn ông mặc trench coat.

 


Và còn rất nhiều những mẩu chuyện, những phát hiện khác về London. Điều tôi đặc biệt ấn tượng về London trong miêu tả của anh Tùng là sự phát triển của văn hóa nghệ thuật ở đây, với những hiệu sách cũ, vé xem hòa nhạc, nhạc kịch giá cả hợp lí, một khu phố nghệ thuật, những nhạc sĩ đường phố… Với sự phổ cập như vậy, văn hóa nghệ thuật ở London không chỉ dành cho một tầng lớp, một nhóm người mà nó là một phần cuộc sống của mọi cư dân London. Tôi nghĩ rằng đó hẳn phải là một cuộc sống nhiều màu sắc.

Một London đẹp như vậy nhưng cũng có những góc khuất của nó. London cũng có móc túi, phân biệt chủng tộc, gây gổ… Nhưng anh sinh viên tuổi 34 vẫn yêu London và chấp nhận những mặt chưa tốt của nó.

Giai Hà Nội lặn lội London là bức tranh về một London hiện đại, thú vị trong con mắt của một anh sinh viên đầy nhiệt huyết. Không chỉ hấp dẫn với người yêu London, cuốn sách này cũng rất thích hợp với những người chuẩn bị hoặc đang trên đường đến một vùng đất mới, dù cho đó có phải là London hay không vì bài học mà nó đem lại có giá trị dù cho bạn sắp đi đến đâu: hãy cởi mở với những trải nghiệm, những con người mới và bạn sẽ tìm thấy niềm vui, vẻ đẹp và tình bạn

 

Review chi tiết bởi: Hân Bùi - Bookademy

Deal mua sách giá tốt hiện có: https://goo.gl/wFGHWu

hoặc https://goo.gl/nwVqzK

--------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: 

https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị,

đăng ký CTV tại link:  https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3



 

.

Xem thêm

London với tôi trước kia chỉ là một mảng màu nhạt nhòa trong hàng triệu thành phố tôi muốn đặt chân đến. Tuy nhiên kể từ ngày thử mua quyển sách du học Anh và cùng lúc đó là "Brexit", tôi đã quan tâm Anh hơn. Và cho đến bây giờ, thật không ngờ Anh chiếm một vị trí quan trọng trong tim tôi.Lúc đầu tôi nghĩ đây là 1 quyển chia sẻ kinh nghiệm du học, lấy học bổng hay đại loại nói về giáo dục ở Anh. Nhưng với phong cách viết nhẹ nhàng, chân thật và thoải mái với trái tim đầy nhiệt huyết, luôn để ý đến những điều nhỏ bé xung quanh, tác giả đã đưa tôi đến những mặt khác nhau của một đất nước hiện đại nhưng vẫn cổ kính là Anh. Đọc xong quyển sách, tôi thấy mình được truyền một nguồn năng lượng tích cực từ những công việc từ thiện anh làm, từ những mẩu hội thoại ngắn với những người khác nhau trên đất Anh, những trải nghiệm trên tàu, trên đường, hay bất cứ âm thanh nào anh nghe được từ Anh đã làm tôi muốn đặt chân ngay đến đây một lần trong đời. Để thử đi tàu điện ngầm, thử đứng xếp hàng ở hiệu bánh bagel, thử xem hòa nhạc, thử tham gia công việc thiện nguyện và hơn hết là thử cảm giác yêu London.Và tác giả đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng, chỉ cần mình mở lòng đón nhận một điều gì đó thì chắc chắn nó cũng sẽ chào đón mình dù là ở tuổi 34 hay bất kì lứa tuổi nào. Chỉ cần trái tim bạn vẫn cảm động với những điều nhỏ bé trong cuộc sống, vẫn sẵn sàng cho đi, vẫn còn đầy lòng nhiệt huyết, thì hãy đi như chính quan điểm sống của tác giả:"chưa bao giờ là quá già để thôi trải nghiệm". Đây sẽ là một nguồn động lực thúc đẩy tôi trên con đường"Find myself"

Anh già dễ thương :D Ban đầu mình không tính mua vì thấy nói nhiều về hoạt động tình nguyện quá, mà mình thì thích đọc về học tập hơn. Dẫu vậy, nhân dịp tròn 25 nồi bánh chưng, mình đã đề nghị bạn bè tặng cuốn này cho mình 👏👏👏 (cảm ơn bạn bè).Mình đã từng gặp anh già trong 1 sự kiện của Hội đồng Anh. Đợt đấy ảnh mới ra cuốn này. Ảnh ngoài đời cũng tíu tít như trong sách, hay cười, và nếu có 1 cụm từ để hình dung ảnh thì là “xác 34, hồn 18” (câu này ảnh tự nhận luôn 😀).Nhận sách rồi mình không đọc liền mà ngâm đấy. Mình chọn sách để đọc tuỳ theo mood, và cách đây 2 ngày mood trỗi dậy. Tự nhiên nhớ UK dù chưa đặt gót tới bao giờ, thế là lôi ra đọc ngấu nghiến. Anh già quả không làm mình thất vọng. Sách của anh có sự chân chất, hóm hỉnh, lối kể chuyện tự nhiên và lôi cuốn vừa đủ. Anh hiện lên như 1 chàng sinh viên nerdy, tuy hơi ngố tàu nhưng lạc quan và rạng rỡ. Hành trình của anh nó không chỉ kể về anh mà nó còn hào phóng kể về những con người xung quanh anh một cách thật chân thành, không lướt qua, không hời hợt. Luôn có 1 quote mở đầu và 1 câu kết trọn vẹn, thấm thía. Với mình đây không đơn thuần là 1 cuốn sách viết về London, về trải nghiệm du học mà là 1 cuốn sách viết về con người. "When was the last time you did something for the first time?". Đọc câu này mà giật mình. Bao lâu rồi mình không thử làm điều mới, dù mình rất thích bay nhảy và đã lên hẳn 1 bucket list? Nhìn anh già lăn xả, say yes với mọi cơ hội và làm việc hết mình khiến cục pin đang “in low power mode” như mình đọc xong tự dưng cũng thấy được truyền thêm thật nhiều năng lượng.- - -Trong sách có 1 đoạn nhắc về hoa poppy (anh túc). Ở Anh, người dân sẽ cài hoa poppy lên ve áo vào ngày 11/11 hằng năm (Rememberance Day) để tưởng nhớ những người lính đã hi sinh trong WW1 và WW2. Cảm hứng cho sự kiện này bắt nguồn từ bài thơ của 1 binh sĩ:Trên những cánh đồng Flanders, hoa anh túc nở rộGiữa hàng hàng lớp lớp thánh giá nằm trên mộChúng tôi nằm lại nơi đây; còn trên bầu trời cao rộng đóNhững con chiền chiện vẫn không ngừng chao cánh, hót ca...Nhưng nào có nghe rõ vì tiếng súng gần xa.Vài ngày trước chúng tôi vừa bỏ mạngChúng tôi đã ngắm hoàng hôn, sống trong bình minh ló rạng,Đã từng yêu, được yêu, và giờ nằm lại trên những cánh đồng Flanders.—In Flanders fields, the poppies blowBetween the crosses, row on row,That mark our place; and in the skyThe larks, still bravely singing, flyScarce heard amid the guns below.We are the Dead. Short days agoWe lived, felt dawn, saw sunset glow,Loved and were loved, and now we lie,In Flanders fields.

Cuốn sách này đã đến với mình như một cái duyên, bởi nếu chỉ tình cờ bắt gặp nó trong nhà sách, có lẽ mình sẽ lướt qua mà không để ý lắm, vì tựa sách và bìa sách hoàn toàn chẳng hợp gu mình. Nhưng chẳng hiểu sao hôm tham dự Ngày Hội Du Học Vương Quốc Anh, mình lại ngồi xuống lắng nghe buổi chia sẻ của tác giả về những ngày đi học ở London, lại giơ tay đặt câu hỏi và nhận được cuốn sách này, rồi lại quyết định nhờ tác giả ký tên lên sách - những việc mà mình ít khi hoặc chưa bao giờ làm. Cuối cùng, bất chấp cái tựa và ảnh bìa không hợp gu, mình quyết định đọc nó, vì mình thấy hình ảnh của mình đâu đó trong tác giả (qua những gì anh ấy thể hiện trong buổi chia sẻ), và quan trọng hơn là những trang viết đầu tiên (du học sinh tuổi 34, bốn năm nỗ lực theo đuổi ước mơ du học) đã cho mình cảm giác cuốn sách này đến với mình thật đúng lúc.Mình tìm thấy trong đây một tâm hồn đồng điệu: khao khát được sống nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, hiểu về thế giới nhiều hơn. Càng thêm quyết tâm phải làm sao tận dụng được tối đa thời gian du học ngắn ngủi (nếu có sau này) để trải nghiệm văn hoá bản địa hết mức có thể. Ví dụ như việc anh Tùng tham gia 100 giờ tình nguyện ở London cũng là một gợi ý hay, nhờ đó anh đã hoà mình vào những sự kiện văn hoá của thành phố, và tiếp cận với đối tượng người lớn tuổi ở đây. Hay việc anh chọn sống trong một ngôi nhà "liên hợp quốc", được hiểu thêm về cuộc sống của những người tha hương, những thành phần không thể thiếu của một London đa dạng văn hoá. Mình đặc biệt thích bài viết về Trench Coat, vì cũng giống như anh Tùng, mình mong có thể chạm được vào cái hồn của mảnh đất mình đặt chân tới, và tìm thấy một biểu tượng cất giữ trong nó phần hồn này. Có lẽ vì anh là dịch giả nên mình thấy văn phong của anh khá tốt, óc quan sát tỉ mỉ và đặc biệt thích miêu tả. Đọc văn có thể cảm nhận được con người - nhẹ nhàng, tình cảm, lạc quan, hài hước và dường như đứa trẻ trong anh vẫn luôn ở đó. Có một câu anh Tùng nói sau khi kết thúc buổi chia sẻ và cả những trang viết này của anh đã góp phần thay đổi quan điểm của mình về việc viết sách. Cảm ơn anh.

Cuốn sách này đã đến với mình như một cái duyên, bởi nếu chỉ tình cờ bắt gặp nó trong nhà sách, có lẽ mình sẽ lướt qua mà không để ý lắm, vì tựa sách và bìa sách hoàn toàn chẳng hợp gu mình. Nhưng chẳng hiểu sao hôm tham dự Ngày Hội Du Học Vương Quốc Anh, mình lại ngồi xuống lắng nghe buổi chia sẻ của tác giả về những ngày đi học ở London, lại giơ tay đặt câu hỏi và nhận được cuốn sách này, rồi lại quyết định nhờ tác giả ký tên lên sách - những việc mà mình ít khi hoặc chưa bao giờ làm. Cuối cùng, bất chấp cái tựa và ảnh bìa không hợp gu, mình quyết định đọc nó, vì mình thấy hình ảnh của mình đâu đó trong tác giả (qua những gì anh ấy thể hiện trong buổi chia sẻ), và quan trọng hơn là những trang viết đầu tiên (du học sinh tuổi 34, bốn năm nỗ lực theo đuổi ước mơ du học) đã cho mình cảm giác cuốn sách này đến với mình thật đúng lúc. Mình tìm thấy trong đây một tâm hồn đồng điệu: khao khát được sống nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, hiểu về thế giới nhiều hơn. Càng thêm quyết tâm phải làm sao tận dụng được tối đa thời gian du học ngắn ngủi (nếu có sau này) để trải nghiệm văn hoá bản địa hết mức có thể. Ví dụ như việc anh Tùng tham gia 100 giờ tình nguyện ở London cũng là một gợi ý hay, nhờ đó anh đã hoà mình vào những sự kiện văn hoá của thành phố, và tiếp cận với đối tượng người lớn tuổi ở đây. Hay việc anh chọn sống trong một ngôi nhà "liên hợp quốc", được hiểu thêm về cuộc sống của những người tha hương, những thành phần không thể thiếu của một London đa dạng văn hoá. Mình đặc biệt thích bài viết về Trench Coat, vì cũng giống như anh Tùng, mình mong có thể chạm được vào cái hồn của mảnh đất mình đặt chân tới, và tìm thấy một biểu tượng cất giữ trong nó phần hồn này. Có lẽ vì anh là dịch giả nên mình thấy văn phong của anh khá tốt, óc quan sát tỉ mỉ và đặc biệt thích miêu tả. Đọc văn có thể cảm nhận được con người - nhẹ nhàng, tình cảm, lạc quan, hài hước và dường như đứa trẻ trong anh vẫn luôn ở đó. Có một câu anh Tùng nói sau khi kết thúc buổi chia sẻ và cả những trang viết này của anh đã góp phần thay đổi quan điểm của mình về việc viết sách. Cảm ơn anh.

Người ta nói tuổi trẻ là những chuyến đi. Nhưng tôi không chắc có phải vậy. Hai mươi tuổi tôi đã đi những đâu hay chỉ ngược những lối cũ, xuôi những đường xưa. Dường như không có gì đánh thức mong muốn vượt thoát khỏi những cung đường đã quen thuộc trong tôi cho tới khi tôi đọc “Giai Hà Nội lặn lội London” của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Chắc sẽ có người cười tôi, liệu một cuốn sách làm thay đổi cái suy nghĩ ổn định và tâm thế từ chối những trải nghiệm mới mẻ? Nhưng tôi tin, vì chí ít nó cũng đã thay đổi tôi, cởi mở, dũng cảm, can đảm và dám dấn thân. “Giai Hà Nội lặn lội London” không phải là cuốn cẩm nang về du học, về du lịch. Đó là cuốn sách của du học sinh tuổi 34 tại London viết về những cảm nhận của riêng anh, những câu chuyện, những điều anh suy ngẫm và trải nghiệm được. Mỗi dòng mỗi chữ giản dị, vô tư mà thu hút đến lạ kì về vẻ đẹp của thành phố ở trời Âu của Nguyễn Thanh Tùng khiến London hiện lên sinh động và chân thực: một London với màu sắc, âm thanh, mùi hương riêng, với những lễ hội độc đáo, với những con người đáng để ta yêu. Tôi vẫn ấn tượng với cách anh so sánh về việc mình đến London như việc người trẻ “sống thử”. Tôi nghĩ, hình như mình cũng chỉ đang “sống thử” với cuộc đời. Hai mươi tuổi, nghĩ cuộc đời tươi đẹp, sống hời hợt qua loa, chẳng thực sự trải nghiệm điều gì. Và vì thế, tôi đã lãng phí những năm tháng mà chẳng cảm nhận được cái đẹp xen lẫn những mặt xấu, mặt tối đan xen trong mặt sáng của cuộc đời. Gấp lại trang sách, tôi biết mình cần “sống thật” thay vì “sống thử” với đời. Như cách tác giả lăn xả, hết mình với London, tôi cũng muốn mình một lòng một dạ với cuộc sống này. Như cách anh vén bức màn lãng mạn về du học bằng chia sẻ về chuyện thuê nhà, gặp gỡ bạn bè, tiền bạc,... tôi cũng muốn mình nhìn cuộc sống chân thực. Đọc cuốn sách, tôi hiểu hơn một chút về cuộc đời, từ hiểu ấy mà yêu đời hơn. Và dù rằng anh Tùng có nói rằng “Không bao giờ là quá già để trải nghiệm”, nhưng có lẽ tôi cần, không, tôi phải trải nghiệm ngay hôm nay! Tôi phải bắt đầu để thực sự sống những ngày tuổi trẻ, để đón chờ những điều bất ngờ vào ngày mai. Như những dòng yêu thích của tôi trong cuốn sách: “Sẽ chẳng ai biết được ngày mai, cuộc sống sẽ mang đến cho ta điều gì. Nhưng chẳng phải đó là phần hay nhất của cuộc sống này hay sao?”