Nhắc đến cái chết người ta thường liên tưởng đến bệnh tật, khổ đau và mất mát. Nhưng ít ai biết được rằng, chỉ đến khi đứng trước bờ vực của sự sống và cái chết thì lúc ấy ngọn lửa sinh tồn mới bùng cháy mạnh mẽ. “Điểm đến của cuộc đời”  là những tâm tư, chia sẻ của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang khi được lắng nghe và chứng kiến những câu chuyện đầy mất mát, đau thương nhưng cũng không kém phần tử tế, tình người.  

Mỗi em bé chào đời, đều được Thượng Đế chúc phúc gửi tặng một tấm vé thông hành đến trần gian. Tuy nhiên, chúng ta không được biết thời hạn ghi trên tấm vé. Có người du hành ở cuộc đời này được vài tháng, vài năm rồi tạm biệt và bắt đầu vòng luân hồi mới. Có người sẽ được ở lại lâu hơn trải qua hết 4 bậc sinh, lão, bệnh, tử và rồi lại đi.

Không quá khó khăn để có thể tìm thấy hình ảnh những bạn trẻ ở độ tuổi đôi mươi hàng ngày lê la hàng quán tám chuyện, chơi game,...ném thời gian qua cửa sổ. Họ như con thiêu thân đốt cháy sức khỏe, thời gian, tiền bạc của mình.  Đó là vì chúng ta vẫn chưa ý thức được rằng thời gian của mình là vô hình và hữu hạn. Nếu tất cả mọi người đều biết rằng sự sống của mình có thể chấm dứt bất cứ lúc nào, vào những lúc ta ít bất ngờ nhất. Liệu chúng ta sẽ tiếp tục dày vò và làm khổ nhau nhiều hay không? “Điểm đến của cuộc đời” là tổng hợp ba câu chuyện về những nhân vật khác nhau. Đó là tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ - Con, Hà và Nam. Là hình ảnh cô gái Liên trẻ trung, đầy nghị lực, đem lại cảm hứng sống cho những người mắc căn bệnh ung thư vú như cô. Là hình ảnh của Vân với trái tim đầy nhân ái, mong muốn được cống hiến cho xã hội vào những giây phút cuối của cuộc đời. Tất cả được mô tả chân thực dưới ngòi bút đầy trắc ẩn của tác giả Đặng Hoàng Giang.

Cái chết chỉ cách chúng ta một cánh cửa. Đọc để cùng khóc và cùng đau với nỗi đau của từng nhân vật. Đọc để những tháng năm tiếp theo của bạn là những chuỗi ngày sống có ích, tận hưởng những bình an từ bên trong.

HÀ VÀ NAM

Khi ấy Nam 8 tuổi, học lớp Ba, cậu nhóc có thân hình mũm mĩm, rất ngoan và dễ thương. Một phần có lẽ được di truyền từ Mẹ mà Nam luôn vui vẻ, yêu đời và sống tích cực kể cả khi bệnh tật, cái chết lơ lửng treo trên đầu. Đó là vào một chiều mùa đông, sau một thời gian dài cậu nhóc bị đau chân. Mẹ và bà ngoại vẫn tưởng rằng  điều này cực kỳ bình thường đối với một cậu bé lớp ba đang tuổi ăn tuổi lớn.

Sau mấy tháng bổ sung thêm calcium và magnesium B6, chân con trai vẫn sưng và không có dấu hiệu thuyên giảm. Lo lắng rằng Nam bị mắc căn bệnh viêm khớp, ngày hôm sau, Mẹ cùng con trai đến bệnh viện gần nhà để chụp X-Quang. Trưa hôm ấy, kết quả xét nghiệm được hoàn tất. Nam bị u xương chày. Điều này là hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của cả gia đình. Hoang mang và tuyệt vọng, Hà không biết tìm điểm nương tựa nơi đâu trong đêm tối mịt mù. Chồng của chị chưa bao giờ là người đáng tin cậy. Mọi thứ đều do chị lo liệu và quyết định.

Thời gian sau đó, Nam bắt đầu chuyển vô bệnh viện Việt Đức để sinh thiết. Căn bệnh ung thư của cậu đã trở nặng và phần trăm được cứu sống là rất mỏng manh. Đứng thẩn thờ ở hành lang bệnh viện. Hà thấy lòng mình thật chua xót.

Truyền hóa chất là một điều rất kinh khủng. Nó làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý cũng như sức khỏe của người bệnh. Khác hẳn với những đứa trẻ khác, Nam chỉ cảm thấy hơi nôn nao. Còn lại cậu vẫn vui vẻ, ăn uống bình thường và lướt ipad nhoay nhoáy. 

Mẹ ơi, con may mẹ nhỉ,” thỉnh thoảng cậu lại nói với mẹ, “con may vì con không làm sao cả, con không cảm thấy mệt.



Tháng Năm tới, bệnh viện quá tải. Phòng của Nam ở có khi một giường đến ba bệnh nhân. Tiếng khóc ngằn ngặt vang lên đều đặn. Kim tiêm và thuốc từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của những đứa trẻ. Lúc này, sức khỏe của Nam ngày càng tiến triển không tốt. Bác sĩ đề xuất phải cắt bỏ đôi chân.

Tay và chân là hai bộ phận thân thể. Khác với lấy máu và tiêm thuốc, đây là hai thứ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thể của con người. Trong những giờ phút hoảng loạn ấy, Hà đã chọn cách chạy trốn thực tại. Cô được người quen giới thiệu phòng mạch của một bác sĩ mới tu học bên Mỹ về. Ông kê thuốc và vẽ ra một tương lai tươi sáng khi chân của Nam lành bệnh và có thể vui chơi, chạy nhảy như bình thường. Sâu thẳm bên trong Hà vẫn nhận thức được rằng mọi thứ đã đi quá giới hạn có thể cứu chữa. Nhưng cuối cùng cô vẫn chọn cách bám víu vào cái phao cứu sinh mỏng manh ấy. Bảy triệu đồng tiền thuốc đổ vào. Lúc này chân của Nam đã to gấp đôi. Hà thức tỉnh và nhận ra được vấn đề. “Vớ vẩn anh ạ”, chị nhớ lại.

Tối hôm trước, Hà viết trên Facebook của mình, “Vẫn biết phải cố gắng, nghị lực cùng con đi tiếp, nhưng thực sự là rất đau: đau trong tâm, đau trong tim và nỗi đau này ngày càng nhân lên.”

Mấy tiếng sau, chị viết thêm, “Chính thức đầu hàng số phận.”

Đợt truyền hóa chất thứ 6, Nam bị cắt chân. Tình hình sức khỏe của cậu vẫn không hề có tiến triển. Căn bệnh ung thư lại tiếp tục di căn và ăn mòn đến cơ quan nội tạng của Nam.

Tháng Mười, bác sĩ trả Nam về nhà. Vì lúc này hóa chất chỉ làm ảnh hưởng thêm đến tim phổi. Giấu nước mắt ngược vào bên trong. Mẹ cùng con trai rời viện. Nam vẫn giữ được vẻ bình thản và hồn nhiên khi Hà dắt cậu đi chơi công viên cùng những đứa em. Cậu nhóc vẫn cười nói và chơi đùa vui vẻ. Hà chỉ còn biết thầm cảm ơn trời Phật vì con trai vẫn luôn giữ được tinh thần lạc quan.

Tháng Mười Một, Nam bị nôn mửa khi ăn. Hà lại cùng con vào bệnh viện. 

Nam khao khát được chữa bệnh. Không gian bệnh viện khiến cậu yên tâm hơn. Mặc dù các bác sĩ đã ngừng mọi can thiệp, nhưng chỉ một chai truyền dịch cũng khiến cậu nghĩ rằng mình đang được chữa chạy.

Noel năm ấy, lại thêm một mùa ở bệnh viện. Nam vẫn thích xem Ipad và pha trò cùng mọi người. Con không bị đau như những bệnh nhân khác, mặc dù thể lực lúc này đã đi xuống rất nhiều. Đến một ngày, Nam thưa với Mẹ muốn về nhà. “Con về chơi với em, con nhớ em lắm”.

Những ngày tháng tiếp theo ấy, bệnh tình của Nam lại càng trở nặng hơn. Phổi đã bị ung thư di căn và xẹp xuống. Lúc này Nam không thể nằm nữa mà phải ngồi trên xe lăn cả ngày lẫn đêm. Đầu gục xuống và thoi thóp thở. Bình oxy đặt ở trên hỗ trợ cho việc lưu thông khí dễ dàng hơn. Ngày hôm sau, bình Oxy đột ngột bị tắc. Con thở không được và giãy đành đạch như con cá nằm trên thớt. Mẹ vội vàng gọi xe cứu thương chở Nam ngược vào khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện.

Đứng ở bờ vực của cái chết, lúc này khao khát được sống của Nam lại mãnh liệt hơn bao giờ hết. “Bác sĩ ơi, bác sĩ cứu cháu.” Con chỉ muốn sống, muốn sống mà thôi. Điều này có khó lắm không?



Chuyện gì đến rồi sẽ đến. Hà biết thứ tốt nhất cho con lúc này là được trở về nhà và trợ niệm. Nam dần mất đi ý thức. Nhưng cậu vẫn mong muốn được ở lại bệnh viện để được bác sĩ cứu chữa. Bác sĩ tiêm cho cậu một mũi thuốc an thần. Cậu được mẹ cho ngồi xe lăn và đẩy về nhà. Hàng người rẽ ngang và vẫy tay chào Nam. Tạm biệt cậu bệnh nhân nhỏ tuổi hồn nhiên và vô tư. Mười hai giờ hai mươi phút trưa, Nam trút hơi thở cuối cùng. 

 “Nam của mẹ cố gắng nhé.”

Cậu lại gật đầu.

Khi Hà chuẩn bị xoay người bước đi, bỗng nhiên Nam nói với mẹ, “Mẹ ơi, con tạm biệt mẹ.”

Hà đóng băng, người chị vừa bị phá hủy vừa tràn ngập cảm giác biết ơn.

“Mẹ cũng tạm biệt con, Nam của Mẹ. Mẹ mong con thanh thản…”

Sau khi Nam mất, Hà ly dị với chồng. Những ngày tháng tiếp theo ấy là nỗi nhớ con trai day dứt và khôn nguôi. Đã có lúc chị định qua Canada để nhập cư, trốn chạy phần ký ức đau buồn muốn lãng quên ấy. Nhưng rồi, Hà quyết định ở lại. Để đối diện và tự mình vượt qua nỗi đau.

Trong những năm tháng chông chênh của cuộc đời ấy, chị thường tâm sự và trò chuyện với Ánh, một người Mẹ cũng từng trải qua nỗi đau mất con. Ánh còn trẻ lắm. Cô gái xinh đẹp với đôi mắt buồn lạnh lẽo và vô hồn. Có những đêm dài, nỗi nhớ con trai cứ dằn vặt và đeo bám lấy cô. Kéo cô xuống đáy của vực thẳm. Ánh tìm mọi cách để vượt qua, cố gắng gượng cười để vững bước. Nhưng rồi, khi mọi thứ đã đi quá tầm kiểm soát. Ánh đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát cho chính mình.

Đời người được ví như một dòng sông, dài ngắn và khúc khuỷa. Không phải lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, hạnh phúc mà cũng có lúc đớn đau và tuyệt vọng. Những lúc ấy thái độ sống sẽ quyết định tất cả. Nếu mình đóng vai là nạn nhân của hoàn cảnh thì cuộc đời sẽ đưa đẩy bạn vào những tình huống bi đát. Tại sao lại là tôi? Là cân hỏi cửa miệng của tuýp người này. Còn ngược lại, nếu bạn nhìn cuộc sống với lăng kính khác. Đón nhận mọi thứ như những gì nó vốn có thì dù đời có đưa bao nhiêu quả chanh, bạn cũng có thể thêm đá và đường vào để biến thành cốc nước mát lạnh.

Trong trường hợp này, Hà đã chọn sống theo cách thứ 2. Cô biết ơn khoảng thời gian 10 năm được đồng hành cùng con. Cảm thấy may mắn vì con đã kịp chào tạm biệt mình trước lúc lâm chung. Hai Mẹ con đã có với nhau có những kỷ niệm rất đẹp và hạnh phúc. Những ngày cùng con túc trực tại bệnh viện, chị vẫn thường hay chia sẻ đồ ăn nấu cho Nam với các bệnh nhân ở cùng phòng. Những đứa trẻ còi cọc và mệt mỏi, tay xơ cứng vì bị lấy ven, nuốt không nổi cơm do ba mẹ mua ngoài cổng bệnh viện lại ăn mấy món do Hà nấu rất ngon miệng. Hơn ai hết, chị biết, thực phẩm đủ chất dinh dưỡng là rất cần thiết cho con trong những ngày chiến đấu với bệnh tật. Ý tưởng muốn nấu thêm những suất ăn ngon cho những em bé bị bệnh lại càng nhen nhúm trong chị. Vậy là nhóm thiện nguyện do Hà khởi xướng ra đời. Hàng tuần sẽ có một buổi chị nấu cháo cho các con và đem đến bệnh viện. Một tháng 4 triệu, các hoạt động ngày càng dày đặc và ý nghĩa. Đây là cách Hà chọn để băng qua nỗi đau. Thay vì chìm đắm trong tuyệt vọng, chị tập trung vào giải quyết những khó khăn của người khác. Tâm hồn của chị dần dần được xoa dịu. 

Người có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh. (Victor Frankl). 

Có rất nhiều cha mẹ phấn đấu cả đời để lo cho con cho cái. Họ sẵn sàng hy sinh tất cả để con của mình trở thành đứa trẻ hạnh phúc nhất quả đất. Việc con cái đột ngột qua đời vì bất cứ lý do nào cũng có thể khiến các phụ huynh mất đi lý tưởng sống. Họ mất định hướng và ngã sâu vào vực thẳm của sự bất hạnh. Nếu không tiếp tục tìm được mục đích để sống tiếp theo họ sẽ dễ dàng đi đến cái kết bi thảm như Ánh. Vì vậy, tìm cho mình một lý do để tồn tại là cách để bạn có thể vượt qua được những đêm tối mù sương.

LIÊN

Cô gái trẻ trung và đầy nhiệt huyết ấy 22 tuổi. Tên của cô là Liên. Vài tháng nữa thôi là cô gái bắt đầu bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Bao nhiêu dự định và hoài bão đang chờ cô trước mắt. Liên mơ về ngôi nhà cùng những đứa trẻ, một bầy cún và thật nhiều gấu bông nữa. Từ nhỏ, Liên luôn mặc cảm với đôi chân ngắn khập khiễng của mình. Cái làng quê nhỏ bé nơi cô sinh ra luôn có những ánh mắt xăm soi và khinh miệt cô.  Tuổi thơ của cô gắn liền với bác sĩ và bàn mổ. 6 năm trời tập mãi mới đi được xe đạp. "Sống tự lập" là điều luôn ám ảnh cô gái nhỏ này rất nhiều. Năm 3 Đại học, Liên tự chạy xe máy ba bánh về nhà, "để đối diện với hàng xóm một lần cho xong". Cố tỏ ra mạnh mẽ, bất cần đời nhưng sao nước mắt vẫn lăn dài trên gò má cô gái nhỏ

Một ngày Liên chợt nhận ra sự thay đổi bất thường trong cơ thể của mình. Nhũ hoa chảy máu. Liên và má hốt hoảng đi bệnh viện khám chữa. Bác sĩ chẩn đoán bị viêm và kê thuốc. Mọi thứ tưởng chừng đển đây là kết thúc. Nhưng, linh tính mách bảo với cô rằng, có thứ gì đó vẫn không ổn. Sau Tết, Liên lén cả nhà đi bệnh viện một mình. 

“Khối u đã to bằng quả cam rồi, cần nhập viện để mổ xét nghiệm.”

“Cam sành hay cam Nam Quốc hả bác?” Liên choáng.

“Mày mổ đi chứ cam gì mà cam”, ông bác sĩ lắc đầu. 

Bàng hoàng và tuyệt vọng. Bao nhiêu dự định về tương lai vẫn chưa kịp làm. Cô còn phải tốt nghiệp, phải thực hiện ước mơ đi du học nữa. Vậy mà giờ đây mọi thứ đối với cô lúc nào sao mà xa vời quá. Liên khóc. Cô từ chối nhập viện và hẹn bác sĩ 4 tháng nữa quay lại. Vì vẫn có nhiều thứ cần phải làm.

Trở về nhà, cô không dám chia sẻ nhiều với bạn bè về bệnh tình của mình. Liên vẫn còn chưa chấp nhận được cái thực tế phũ phàng mà cô phải hứng chịu. Cố tỏ ra bình thường cô vẫn viết trên Facebook cá nhân những dòng trạng thái vui tươi và tích cực. 

Hai tuần sau, kết quả sinh thiết đã có. Bác sĩ yêu cầu cô phải truyền hóa chất. Đến lúc này, cô phải chấp nhận và đối diện với vấn đề. Trốn chạy mãi cũng không phải là cách. 

Đợt truyền hóa chất đầu tiên đã vắt kiệt sức lực của Liên. Cô liên tục nôn mửa và phản ứng với cả màu đỏ, màu của hóa chất mà cô được truyền. Trong những ngày tháng chiến đấu với bệnh tật, Liên vẫn ngồi làm đồ án cả ngày trong phòng trọ của mình. Tới giờ ăn, cô nhờ mấy bé sinh viên hàng xóm mua giùm cơm. "Lúc ấy em không sợ chết bằng sợ không nhận được bằng tốt nghiệp".

Bao nhiêu cố gắng và nỗ lực, cuối cùng cũng được đền đáp. Cầm trong tay tấm bằng cử nhân với áo thụng tốt nghiệp, Liên cùng bố mẹ và em trai đi khắp khuôn viên trường để chụp hình. Tối đến, cô cho phéo bản thân được sống thật với cảm xúc của chính mình. Liên bật khóc. 

Mùa thu năm 2013, Liên chính thức được rời viện sau 7 tháng vật vã với 6 đợt truyền hóa chất. Lúc này cô chỉ muốn có ai đó an ủi và vỗ về. Cảm ơn bản thân vì thời gian qua đã cố gắng rất nhiều. Trước mắt Liên mở ra một chân mới. Rực rỡ, đầy màu sắc với đầy đủ những cung bậc cảm xúc.

Noel năm 2014, tròn một năm Liên làm việc ở FPT. Môi trường và công việc năng động đã kéo tinh thần của cô lên rất nhiều. Đúng lúc Liên cảm thấy hạnh phúc và an phận với cuộc sống hiện tại của mình nhất thì căn bệnh ung thư quái ác quay trở lại. Nó di căn ra các bộ phận khác của cơ thể.  Việc giữ thăng bằng khi di chuyển bắt đầu khó khăn hơn đối với Liên. Bác sĩ chẩn đoán căn bệnh đã di căn vào tận xương. Cái chết đang treo lơ lửng trên đầu cô gái. Liên từ chối hóa trị. 

Nếu Liên chạy hóa chất, cô sẽ có thêm được thời gian để sống? Quãng thời gian gia tăng đó có xứng đáng với những nỗi đau đớn mà cô sẽ phải trải qua? Có ai biết được? Ai là người phán xét?

Ba tháng là khoảng thời gian bác sĩ chẩn đoán cô còn có thể chống chọi với căn bệnh. Gia đình và công ty đều biết được chuyện này. Họ giấu Liên và ân cần chăm sóc cho cô dịu dàng hơn. Ngày bác sĩ trả Liên về. Công ty đem ô tô chở cô về tận phòng trọ. Đồng nghiệp và nhân viên cùng công ty gửi tặng cô những đóa hoa tươi thắm cùng bốn ngàn con hạc giấy và một em gấu to bự. 



Mọi người đã sẵn sàng chuẩn bị cho những thứ xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng Liên không chết. Cô như cây xương rồng cằn cỗi vươn mình lên trong bảo cát. Sáu tháng một mình trong căn phòng trọ chín mét vuông. Liên dần hồi sinh trở lại. Cô đã có thể tự mình men theo tường để vào nhà vệ sinh. Sau đó, còn có thể ngồi sau xe máy để em trai chở lên thăm công ty nữa. Ba mẹ cô mừng mừng tủi tủi. Họ tin vào lời chẩn đoán cô còn sống được ba tháng. Đêm trước ngày Liên quay trở lại công việc, hai vợ chồng khăn gói lên thành phố thăm con gái. Cả nhà ôm nhau khóc trong những giọt nước mắt hạnh phúc. Tình yêu thương và sự tử tế mà mọi người dành cho cô đã sưởi ấm trái tim của Liên rất nhiều.

Bông lau sậy đẹp nhất là lúc đang tàn, lúc đang phai. Dường như có vài thứ giống vậy, như mùa thu, pháo hoa, giao thừa, tiếng chuông chùa... Lúc đẹp là lúc mất. Chẳng biết đẹp để mất hay vì biết sẽ mất nên đẹp (Nguyễn Ngọc Tư)

Liên trở lại cuộc sống thường nhật với bao nhiêu dự định và kế hoạch trước mắt. Cô phải sống bù cho 2/3 cuộc đời còn lại. Liên dành thời gian cho những người thân yêu của mình nhiều hơn. Đi du lịch và công tác. Ăn những thứ mà mình muốn. Làm những thứ mà mình thức. Hai năm trôi qua nhanh cái vèo. 

Mùa hè, em trai của Liên lấy vợ. Cô thắt cho con Mực một cái nơ để làm phù rể. Nhưng nó vẫn nằm bơ ra mặc kệ đời. 

Cuộc sống của Liên đã dần đi đến điểm kết. Thời gian vừa qua Liên nghiêm túc suy nghĩ và chuẩn bị cho cái chết của mình. Sức khỏe của Liên ngày càng kiệt quệ. Một ngày chủ nhật, cô nghỉ việc và về quê. Không lâu sau đó Liên bị sốt cao, người thâm tín và có dấu hiệu bị co giật nhẹ. Gia đình gọi cấp cứu đưa cô vào bệnh viện. 

Hai năm qua, ý định trợ tử đã nhen nhúm trong cô. Cô muốn thân thể mình được nghỉ ngơi khi đã quá mệt mỏi. Mẹ Liên đã khóc rất nhiều và không chấp nhận cho cô làm việc này. Bác sĩ cũng lẩn tránh câu hỏi của Liên. Cô cảm thấy cô đơn và bất lực khi chuẩn bị cái chết cho mình. 

Từ lâu Liên đã trở thành nguồn truyền cảm hứng cho rất nhiều người mắc căn bệnh ung thư vú như cô. Báo chí và truyền thông liên tục đăng tin kể về câu chuyện nghị lực, vượt lên trên số phận của cô gái nhỏ nhắn này. Nếu như trước kia, mặc cảm sống thừa và ăn bám luôn đeo đẳng lấy cô thì lúc này đây mọi thứ đã được giũ bỏ. Liên đã tìm được sứ mệnh cuộc đời của mình. 

Em sống là để nhắc nhở người khác biết là họ may mắn, và qua đó cho họ động lực để sống tốt hơn. 



Mùa hè năm ấy, Liên rời phòng trọ của mình và chuyển vào sống chung với vợ chồng của em trai. Khước từ hóa trị. Liên quay về đời sống bên trong của mình nhiều hơn. Cô dành phần lớn thời gian cho thiền tập. Ba mẹ cũng tin rằng sự hồi phục thần kỳ của cô cách đây hai năm một phần nhiều là nhờ thiền. Thiền sẽ giúp cơ thể mở rộng luân xa kết nối với vũ trụ. Tạo năng lượng sinh học giúp cô chống chọi với bệnh tật. 

Đến tháng Bảy,  sức khỏe của Liên ngày càng yếu. Cánh tay của cô bị giập nát vì bị lấy ven thường xuyên. Lúc này đây mong ước hiện tại của Liên là được gặp Bắp, con đầu lòng sắp được chào đời của em trai. Thời khắc của Liên ngày càng đến gần. Trong cơn thập tử nhất sinh, Liên bị lên cơn co giật và ngạt thở liên tục. Còn vài tuần nữa thôi, liệu cô Liên có kịp gặp mặt Bắp?

Tháng Mười chập chạp bò đến, cuối cùng em Bắp cũng chào đời. Tiếng khóc oe oe qua Zalo đã làm cô Liên bật khóc nức nở. Mong ước nhìn mặt cháu cuối cùng cũng đã toại nguyện. 

Con ơi, 

Cô không biết sẽ đi được thêm bao nhiêu đoạn đường 

Sẽ kiên cường đến khoảnh khắc nào đây 

Nhưng điều đó đâu có nghĩa gì con nhỉ

Một chiếc lá rụng xuống 

Một mầm cây vươn lên

Đây là bài thơ cô sáng tác riêng cho Bắp. Vậy là những năm tháng cuối đời của Liên khép lại tròn đầy và viên mãn. Cô không còn cảm thấy bị xa lánh nhiều như trước kia nữa vì lúc này đã được sống trọn trong vòng tay yêu thương của người thân và gia đình. 

VÂN

Vân sinh trước Liên 5 tuần tuổi. Mùa hè năm 2012, Vân bị ngã xe máy. Hai tay cô bị gãy và được đưa tới bệnh viện huyện để băng bó. Nhưng hóa ra, cô lại bệnh nặng hơn tưởng tượng. Bác sĩ bệnh viện K2, Hà Nội chẩn đoán cô bị ung thư xương. Căn bệnh đã làm hai cánh tay giòn như “khúc gỗ mục”. Bác sĩ đục bỏ khối u và lấy một chất như xi măng gắn hai đoạn xương lại với nhau.

Sau đó, cô  nhập viện và bắt đầu truyền 6 đợt hóa chất. Mùa xuân năm 2013, Vân ra viện và chuyển nhà vào Kon Tum. Hai vợ chồng cô cùng làm ăn và trả nợ tiền nợ. Chồng nhận sửa xe máy còn vợ thì thì ở nhà lo cơm nước. Cuộc sống lúc này đạm bạc nhưng yên bình. Năm 2016, bệnh của cô lại tái phát trở lại. Hai mẹ con Vân lại dắt díu nhau vào Hà Nội để chữa bệnh. Đợt hóa trị lại tiếp tục kéo dài. Nhưng căn bệnh ung thư đã bắt đầu di căn vào sọ não, xương đùi và xương sống. Khi ấy Vân tròn 27 tuổi.

Năm 2017, bệnh viện trả Vân về. Vân được chuyển về nhà và bắt đầu tiêm morphine để sống qua ngày. Căn phòng nhỏ chín mét vuông cùng ánh đèn neon luôn phải bật sáng cả ngày là khung trời gắn bó với Vân khoảng thời gian dài tiếp theo. 

Từ năm 2016, Vân đã bắt đầu nung nấu ý định hiến tạng. Nhưng trước khi đưa đến quyết định, cô vẫn mong muốn nhận được sự chấp thuận của người thân.“Thân thể cháu là của bố mẹ, nên cháu phải được gia đình đồng ý thì mới yên tâm được.” Tuy nhiên, hai bên nội ngoại lại kịch liệt phản đối ý tưởng này của cô. Từ thời còn xa xưa mọi người vẫn quan niệm rằng: Chết phải toàn thây như vậy khi về phương cực lạc thì cô mới được theo tiếp vòng luân hồi.

Giác mạc là một lớp kính trong suốt nằm trước nhãn cầu. Hiện nay, trên thế giới hàng trăm nghìn người chờ đợi được nhận giác mạc để thoát mù. Nhưng số người sau khi chết quyết định hiến tặng thân thể của mình cho y học lại đếm trên đầu ngón tay. Đến hiện tại, họ vẫn còn vướng bận rất nhiều với những định kiến xã hội. Hiểu được điều này, khao khát trong Vân lại mãnh liệt hơn nữa. Cô vận động và thuyết phục gia đình theo cách riêng của mình. Tác giả Đặng Hoàng Giang là người đã đồng hành cùng cô trong suốt những năm tháng ấy. Anh tìm kiếm những tài liệu, thông tin trên sách báo để những lý lẽ và dẫn chứng của cô thuyết phục hơn nữa. Đây là đoạn trích khái quát được quy trình tiến hành phẫu thuật lấy giác mạc ở người qua đời. 

Chỉ với 15-30 phút thao tác nhẹ nhàng là giác mạc đã được lấy mà không làm thay đổi gì đến khuôn mặt người chết, nhãn cầu vẫn còn nguyên trong hốc mắt và kế hoạch tang lễ không bị ảnh hưởng gì. 

Nhưng điều này vẫn chưa thể thay đổi quyết định của gia đình. Họ vẫn kịch liệt phản đối ý tưởng này. Thời gian của Vân lúc này còn rất ngắn. Cơ thể của cô đã bị liệt đến ức. Giữa tháng tư, tờ đăng ký do Trung tâm điều phối hiến tạng gửi đến tay cô. Nó nằm lặng yên trên đầu giường và giằng xé tâm can của Vân. Ý nguyện cuối đời của cô vẫn chưa thực hiện được.

Cuối tháng tư, chương trình Ngày mai tươi sáng của VTV1 đến nhà Vân để thực hiện phỏng vấn. Từ nhiều năm nay, mỗi tập phim được phát sóng lên tivi là một ngọn đuốc thắp sáng niềm tin và hy vọng cho những người mắc căn bệnh ung thư. Hy vọng thuyết phục gia đình cho Vân được hiến tạng lại tiếp tục nhen nhóm. Cả gia đình ngồi quây quần bên bàn nước. Chị biên tập viên bắt đầu giới thiệu mục đích của nhóm. Bố của Vân ngồi ấy, đôi mắt của ông thỉnh thoảng nhìn xoáy vào khách trong tích tắc rồi tiếp tục thả hồn vào những khoảng không vô định. Thỉnh thoảng có những tiếng rên to và kéo dài từ phòng Vân. Mẹ cô đang thay áo cho con gái. Căn bệnh quái ác đã làm biến dạng thân hình của cô gái trẻ ấy đi rất nhiều. Phần trên của cánh tay trái bị phình to ra như một quả bưởi. Làn da căng bóng và trắng xanh với những mạch máu chạy chằng chịt.

Ngôi nhà bỗng chốc đông đúc hơn. Camera quay cận cảnh Vân chia sẻ những ý nguyện cuối đời của mình với gia đình. Giọng của cô hòa lẫn cùng những tiếng nấc. Hôm nay cô xúc động thật sự! Lúc này đây Vân trông thật hoạt bát và nhanh nhẹn. Không ai có thể nghĩ rằng cô gái ấy đã bị liệt tới nửa người. Vân hài lòng vì đã sắp xếp được mọi thứ cho chuyến du hành cuối đời của mình. Cô đã tìm được ý nghĩa cho sự tồn tại của bản thân. Mọi người trong nhà đã xuôi theo quyết định của Vân.



Những ngày sau đó cơn đau dai dẳng tiếp tục giày vò thể xác cũng như tâm hồn của cô. Hoàng chồng cô phải chạy vạy tại các bệnh viện để mua morphine giảm đau cho vợ. Đã có lúc cô mong muốn được nhận cái chết nhân đạo để giải thoát cho bản thân và gia đình. Nhưng điều này vẫn chưa được pháp luật Việt Nam chấp thuận.  

Cơ thể Vân lúc này lại trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Những tiếng gầm, la hét và đau đớn bật ra như muốn xé nát tâm can của người nghe. Hoàng vẫn tiếp tục chạy vạy mua morphine cho vợ. Nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều người, anh đã được bệnh viện K ở Hà Nội cấp số lượng thuốc nhiều hơn quy định. Nhưng điều này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của Vân. Hoàng như có thú hoang bị dồn vào chân tường. Nhìn những vỉ thuốc trên bàn ngày càng vơi lòng anh lại nhói đau hơn bao giờ hết.

Từ ngày Vân bị bệnh, tình cảm của hai vợ chồng lại trở nên thắm thiết và keo sơn hơn. Chồng chăm sóc cho vợ từng ly từng tí. Anh lau người, tiêm thuốc và bón cho Vân ăn. Đến lúc này cuộc sống của Vân coi như đã gần như hoàn toàn mãn nguyện. Nhưng điều cô lo lắng nhất vẫn là hai đứa con thơ còn nheo nhóc. Lúc còn khỏe, cô viết những tâm tư của mình vào một cuốn sổ học sinh được đặt trên một tấm gỗ kê trước ngực. Đây là những lời yêu thương mẹ gửi gắm đến hai cô con gái nhỏ xinh. Khi sức khỏe ngày càng yếu, Vân không thể tiếp tục viết được nữa mà bắt đầu chuyển qua đánh máy vào điện thoại. 

Mẹ chào hai con gái của mẹ, thời gian đúng là không chờ đợi ai bao giờ cả. Đã nhiều lần mẹ muốn tâm sự với các con lần cuối cùng… 

Bao nhiêu tâm sự muốn chia sẻ cùng hai con gửi gắm qua từng câu chữ. Mẹ gắng gượng chút sức lực cuối cùng để gõ lên điện thoại cho con. Nhưng cuối cùng vì tình trạng sức khỏe không cho phép, cô gái ấy lại không thể tiếp tục được nữa.

Một tháng trước khi qua đời, Vân dồn sức lực cho lần cuối cùng. Lần này cô ghi âm. Bao nhiêu lời dặn dò con được gói trọn vào đây. Không được chơi điện thoại nhiều. Không được xem TV nhiều. Cô liệt kê những tác hại và liên tục nhắc đi nhắc lại. 

 “Hồi mẹ đi học thì mẹ thấy cấp Hai là vui nhất đấy”. Cô bảo con phải từ chối những bạn trai thích mình như thế nào, kệ các bạn gái yêu đương ra sao. Cô dặn là ngực nó sẽ nhú lên. Khi có kinh nguyệt phải nói với bà. 

Lời của Vân liên tục bị ngắt quãng vì phải ngáp lấy khí vào phổi. Ba mươi phút ghi âm dồn cả mười tám năm dạy con vào đây.

Tháng chín tới, mỗi ngày của Vân là 30 mũi morphine cùng hai bình Oxy. Vân cảm nhận được cái chết đang cận kề. Thân thể của cô lúc này lại càng nhạy cảm hơn nữa. Cô cảm thấy cáu bẵng với mọi thứ. Chiều chủ nhật, ngày mùng tám mười, Vân trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Hoàng khóc nấc trên điện thoại thông báo tin buồn với tác giả.

Nửa đêm hôm ấy, tác giả cùng hai cán bộ Ngân hàng mắt có mặt ở nhà Vân. Giác mạc phải được lấy trước tám tiếng khi người hiến trút hơn thở cuối cùng. Ba của Vân  đứng chờ đón cả nhà. “Cháu nó mất thật rồi chú ạ”.

Vân nằm trên giường, đắp một cái chăn mỏng. Mắt của cô hơi hé. Hai cán bộ nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ của mình. Đằng sau là lớp người đứng chen chúc quan sát từng động tĩnh. Bố Vân rống lên những tiếng dài và ngã ra phía sau như vừa bị ai đánh. Mẹ Vân đứng đó, nước mắt đầm đìa trên má, bà phải dùng tay chặn miệng để tránh những tiếng nấc. Mười lăm phút trôi qua. Cuối cùng giác mạc đã được lấy.

Mẹ của Vân té xỉu sóng xoài trên sàn nhà. Dường như cái chết được báo trước cả một năm cũng không làm nguôi đi được nỗi đớn đau phải chia ly với người đã khuất.

Dòng người bắt đầu dãn dần. Mặt của Vân đã được lau sạch sẽ. Bốn tiếng nữa thôi thân xác của cô sẽ biến thành tro bụi.

KẾT

Cuốn sách 200 trang gói gọn một đời người qua những trang văn. Những con người với thân phận khác nhau. Họ không cùng nghề nghiệp, không cùng xuất phát điểm. Nhưng ở họ có một điểm chung đó là nghị lực vươn lên và chiến thắng số phận. Trong những lúc khó khăn, đau đớn và tuyệt vọng nhất, họ đã tìm được lẽ sống của cuộc đời. Thắp lên ngọn lửa hy vọng cho mọi người xung quanh. Cái chết không phải là kết thúc mà là khởi đầu cho một sự sống mới. 

Tác giả: Ngọc Ấn - Bookademy 

--------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Xem thêm


“Điểm đến cuộc đời – đồng hành với người cận tử và những bài học cho cuộc sống” (Đặng Hoàng Giang), cuốn sách đã khiến lòng mình chùng xuống. Bởi tác giả đã dũng cảm đề cập đến vấn đề mà ai trong chúng ta cũng muốn quên đi: cái chết.

Mình luôn tin rằng, người ta đau đớn trước cái chết của một ai đó vì hai lí do. Trước nhất, vì không thể chấp nhận được cuộc sinh ly tử biệt vĩnh viễn. Thứ hai, vì ngay khoảnh khắc đối diện với cái chết của đồng loại, họ nhìn thấy bản thể cái chết trong chính mình. Cuốn sách được ra đời dưới nỗi ám ảnh của tác giả từ cái chết của một người bạn. Ý niệm về cái chết – sự hủy hoại từng giờ từng phút diễn ra trong chính mỗi người, đã ám ảnh tác giả, và thôi thúc ông bước vào cuộc hành trình với ba bệnh nhân ung thư, những người đang đối mặt hàng ngày hàng giờ với sự sống và cái chết.

Trong vai trò một người bạn, một người đồng hành, một người kể chuyện, Đặng Hoàng Giang đã kể lại câu chuyện sự sống cái chết của Hà, một người mẹ đã mất đứa con trai bởi căn bệnh ung thư, câu chuyện của Liên, cô sinh viên vừa chật vật với nỗi đau tan rã từng phần cơ thể vừa hoàn thành đồ án tốt nghiệp, và Vân, với ước nguyện chân thành được hiến giác mạc. Cuốn sách là những trang viết chân tình, thấu cảm, có sức lay động và ám ảnh lớn.

Điều mình thích ở cuốn sách, là tác giả đã vẽ ra một bức tranh chân thực, dù nghiệt ngã, về cuộc hành trình đau đớn khó có thể tưởng tượng của những bệnh nhân ung thư và gia đình họ. Trong đó, tác giả đã đặt ra được những vấn đề có tính bản chất. Như vấn đề đạo đức của cái chết: Đạo đức cho người chết hay đạo đức cho người sống? Liệu có phải là đạo đức không khi bắt người bệnh chịu vô vàn hình thức chữa trị đau đớn (dù biết không hiệu quả), chỉ để người sống thanh thản? Và liệu rằng trợ tử nhân đạo, có phải là đạo đức? Những vẫn đề gây tranh cãi một lần nữa được đặt trở lại, bởi góc nhìn của những người trong cuộc, những con người từng ngày từng giờ đau đớn quằn quại nhìn thể xác mình tan rã, những con người không thể chịu nổi cuộc sống mà phải thầm ước: “Giá mình chết đi”.

Tác giả đã cho chúng ta thấy một sự thật khác về những bệnh nhân ung thư “bác sĩ trả về”, những con người “bị bỏ quên” chật vật quằn quại những tháng ngày cuối cùng ở những vùng quê xa xôi. Chật vật với cơn đau và quằn quại trong sự thiếu thốn morphines. Sự thiếu thốn về morphines là một thực trạng đáng buồn ở Việt Nam, do chính sách, do nhận thức và vô số rào cản khác. Trong cơn cùng quẫn, bệnh nhân và người nhà thậm chí phải tìm đến thuốc chợ đen với giá hai trăm ngàn một ống thuốc, gấp hai mươi lần giá mua ở tiệm thuốc.

Tác giả cũng đề cập thích đáng đến vấn đề hiến tạng và những rào cản định kiến cản trở hành động giàu ý nghĩa nhân văn này. Một bên là niềm tin cố hữu về việc “chết phải toàn thây”, và bên kia là nghĩa cử đẹp tiếp nối sự sống cho người khác, vẫn đang là một gánh nặng tinh thần đối với những người có ý định hiến tạng. Vấn đề này được tác giả giải quyết thỏa đáng dưới góc độ khoa học và tôn giáo.

Theo mình, đây là một cuốn sách đáng đọc. Và còn cần thêm những cuốn sách nữa viết về cái chết. Bởi học về sự chết chính là học về sự sống. Tuy vậy, có lẽ cần khai thác dưới góc nhìn khác đi. Ngay từ lời giới thiệu, tác giả đặt ra hai mục đích: đối diện với cái chết và vượt qua nó. Nhưng dưới góc nhìn của cuốn sách, có lẽ tác giả chỉ đạt được mục đích đầu tiên.

Có lẽ viết dưới nỗi ảm ảnh khơi ra từ cái chết của người bạn, nên tác phẩm mang một không khí rất nặng nề. Đôi chỗ, cái nặng nề được tô đậm bởi thủ pháp của tác giả. Như tiếng nhạc Trịnh từ nhà hàng xóm vọng sang như xát muối vào nỗi cô đơn tuyệt vọng tận cùng của Liên. Như tiếng rên xiết quằn quại qua điện thoại của Vân. Những chi tiết, theo mình, là quá riêng tư và ngoài việc tô đậm vào nỗi đau, mà nỗi đau là thứ mà cuốn sách này đã quá đủ, thì sự tồn tại của những chi tiết này khá thừa thãi. Cảm giác như, tác giả đang phóng chiếu chính nỗi hoang mang, bối rối và đau đớn của mình vào nhân vật, và dưới một cách lựa chọn chi tiết, tô đậm chi tiết như vậy, tác phẩm hiện ra như thể cuốn tiểu thuyết hư cấu nào đó với những bi kịch được “gia công” qua lăng kính thủ pháp. Cách viết đó làm giảm chất thực cho cuốn sách. Điều đó tạo cho mình cảm giác ngăn cách với nhân vật, dẫu rằng vẫn cảm thấy xúc động khi đọc.

Mà nói về cái chết, cuốn sách nói gì với ta về cái chết? Mình nghĩ không nhiều. Mọi nỗi đau, nếu có, đều gợi lên từ việc nhân vật chống chọi và chịu đựng với căn bệnh ung thư, tức là với chính sự sống đang ngày một lụi tàn để đi về cái chết. Cuốn sách có nói về cách các nhân vật cuối cùng làm thế nào để học cách than thản đón nhận cái chết, và cách người thân của họ tiếp tục sống, nhưng dường như điều đó là chưa đủ. Mình đồng cảm với nỗ lực của tác giả, tô đậm cái chết để người ta biết cách sống, nhưng có lẽ cách làm như thế là chưa thuyết phục. Vì nỗi ám ảnh về cái chết quá lớn.

Cuối cuốn sách, nỗi ám ảnh đó hiện hình day dứt và ám ảnh hơn bao giờ hết:

“Tôi thấy Thần Chết đứng tựa cửa sổ, tối có thể với tay ra và chạm vào nó. Nó ở đó, mỉm cười thân thiện. “Hãy thưởng thức những giây phút này đi”, dường như nó thầm nói với tôi. “Hãy yêu thương nhau đi”. Bố mẹ ngươi sẽ đi trước, nhưng thực ra cũng không biết được đâu. Ta ngẫu hứng, ta không có kế hoạch”.

Tác giả đã tạc tượng cái chết như một con ngáo ộp. Nỗi ám ảnh và đau đớn mà cái chết mang lại vẫn bao trùm. Người đọc, dưới sự sợ hãi và ám ảnh ấy, được khuyên răn hãy trân trọng cuộc sống. Nhưng liệu rằng điều đó là có thể?

Như cách truyền thông vẫn làm, người ta thường hay dạy về cái chết bằng cách tạc tượng những con ngáo ộp hoặc dựng lên tượng đài của những vị thánh. “Hãy nhìn những con người đau đớn quằn quại sống không bằng chết kia đi, để thấy đời mình thật may mắn”. “Hãy nhìn những tấm gương vượt qua nghịch cảnh kia đi, tại sao mình lành lặn thế này mà lại để đời lãng phí”. Không khó để bắt gặp công thức này trên truyền thông. Chỉ có điều, tạo ra những tượng đài, là vô nghĩa. Người ta chiêm bái tượng đài, rồi nhanh chóng quay lưng đi. Cũng như khoảnh khắc cảm động phút chốc rồi cũng tan biến, người ta dễ dàng trở về guồng quay cuộc sống và sống như thể mình không bao giờ chết. Phải nhận chân cái chết từ chính bản thể của mình. Ta sống. Ta hít thở. Ta yêu thương. Ta đau buồn. Ta chết. Chết cũng là một phần của sự sống này, là một phần của chính bạn. Cũng như hiện hữu, tồn tại, dâng hiến…, chết cũng định nghĩa bạn giữa cõi đời này.

Đối với mình, cuốn sách để lại những ấn tượng nặng nề. Mình đã nằm mơ thấy ác mộng về cái chết sau khi đọc cuốn sách. Nhưng bởi lẽ ta đang sống trong một thực tại mà chẳng ai có thể trải nghiệm cái chết mà vẫn có thể chia sẻ về nó, cho nên mọi góc nhìn đều có giá trị giúp ta hiểu hơn về cái chết. Có lẽ nên nhìn những cảm giác đau thương ám ảnh mà cuốn sách mang lại dưới góc độ “sự thanh tẩy” – giống như những vở kịch Hy Lạp La Mã cổ đại, tạo ra cảm giác sợ hãi xót thương và rồi “thanh tẩy” cảm giác sợ hãi và xót thương trong người thưởng thức.


Mình xin dành những dòng chữ bé nhỏ này để nói về quyển sách đã để lại cho mình muôn ngàn nỗi niềm, không đâu xa lạ đó là quyển "Điểm đến cuộc đời’’ của Bác Đặng Hoàng Giang. Mình nghĩ, ai cũng biết Bác Giang thông qua quyển ‘’Đại dương đen’’. Cảm nhận đầu tiên đối với mìnhh là văn phong Bác viết rất thân thuộc, gần gũi, mặc dù khi Bác viết về cái chết, về sự ra đi, về những điều đau buồn. Nhưng khi đọc "Điểm đến cuộc đời", mình thật sự không chỉ xót thương cho những kiếp người phải đối mặt với những chứng bệnh quái ác mà còn thêm trân trọng cuộc sống và những điều giản đơn hiện diện xung quanh cuộc sống.

Quyển sách kể về câu chuyện của những con người phải đối mặt với cái chết. Ở đâu đó trên hành trình của mình, Bác Giang đã cùng đồng hành, giúp đỡ và chứng kiến những con người như thế. Những con người dù phải chia lìa thế gian đẹp đẽ, đã có những lúc muốn bỏ cuộc nhưng vẫn cố gắng hết bình sinh sức lực để chấp nhận, để làm những điều tích cực vào những giây phút cuối cùng.

"Điểm đến cuộc đời" chứa đựng những câu chuyện khác nhau với những mảnh đời khác nhau nhưng họ đều có chung một điểm là sự mạnh mẽ, là dám đối mặt với thực tại. Câu chuyện tình mẫu tử thiêng liêng của Hà và Nam, giữa người mẹ và cậu con trai chiến đấu với căn bệnh ung thư xương. Mình đã khóc khi Nam đã nói với mẹ mình rằng: "Con chỉ cần mẹ thôi, con chẳng sợ chết. Đi đâu có mẹ là được". Hay cả câu chuyện của Liên, một cô gái trẻ trung với tuổi 22 đầy nhiệt huyết với hàng tá hoài bão đang chờ cô phía trước cho đến khi một ngày Liên nhận ra sự thay đổi bất thường trong cơ thể mình, căn bệnh ung thư vú đã kéo đến với cô như một cơn lốc khủng khiếp. Kể cả câu chuyện của Vân và chồng của cô là Hoàng, một người vợ phải đối diện với cơn đau bệnh tật hành hạ, dù trước cái chết vẫn chọn cách hiến xác cho y khoa và một người chồng kiên nhẫn chăm sóc người vợ đến giây phút cuối cùng. 

Có một đoạn trích dẫn Bác Gian đã từng mượn của Victor Frankl đại khái như thế này rằng: ‘’Người ta không có tự do để khước từ bất hạnh hay chạy trốn bi kịch, nhưng người ta có thể tự do để lựa chọn thái độ của mình trước những gì xảy ra’’. Mình nghĩ, những mảnh đời bất hạnh trong câu chuyện của bác Giang đã thật sự lựa chọn cách đối diện với hiện thực nghiệt ngã, họ đã từng chối bỏ, nhưng rồi họ đã chấp nhận cuộc sống, họ khao khát làm những điều đẹp đẽ, không chỉ cho bản thân mà còn cho cuộc đời. 

"Điểm đến cuộc đời" không chỉ kể về những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần của người ra đi mà còn kể lại cảm xúc và sự mất mát của người ở lại. Mình thật sự dành sự biết ơn đối với Bác Giang vì đã viết nên quyển sách ý nghĩa như thế này. Chính quyển sách đã cho mình nhận ra rằng cuộc đời vốn dĩ vô thường, thời gian có thể tuần hoàn vô tận nhưng cuộc sống con người là hữu hạn. Chúng ta không biết được ngày mai sẽ có điều gì ập đến với ta. Điều mà ta có thể làm được ngay khoảnh khắc này là chấp nhận, chấp nhận những điều diễn ra đến với cuộc sống chúng ta như một lẽ dĩ nhiên nhưng không có nghĩa là buông xuôi và từ bỏ, mà ấy là chấp nhận và tiếp tục tiến lên. Dùng thời gian để trân trọng những điều nhỏ bé hiện diện xung quanh cuộc sống, là bữa cơm mẹ nấu, là những khoảnh khắc trò chuyện cùng bạn thân, là yêu thương bản thân và cả những người xung quanh.

Mình xin dành lời chúc này của Bác Đặng Hoàng Giang để khép lại đôi dòng này và cũng như gửi đến ai đọc được nó "Mong tất cả chúng ta có một cuộc sống an lành và một cái chết thanh thản".

  

5 điểm

"Điểm đến của cuộc đời "kể lại một hành trình không thể nào quên cùng những người cận tử. Dấn thân vào “một thế giới của những bi kịch và tổn thất khổng lồ, của phẩm giá và lòng tự trọng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, của sự phản bội và sợ hãi, của tình yêu mãnh liệt và hy vọng khôn nguôi, tóm lại, của tất cả những gì thuộc về con người, ở mức độ dữ dội nhất”, tác giả muốn đi tìm câu trả lời cho thôi thúc nội tâm: ta nên ứng xử thế nào trước cái chết, và sự chết có thể dạy ta điều gì cho cuộc sống?

Kỳ lạ thay, những số phận được kể trong cuốn sách, dù đang ở tầng bậc tột cùng của nỗi đau đớn, lại cho thấy những điều đẹp đẽ đến mức khiến ta nghẹn ngào: bản lĩnh để đi qua bi kịch khó diễn đạt bằng lời, thái độ bình tĩnh của con người tự do trước cái chết, khao khát làm việc có ích, trỗi dậy vào những ngày tháng cuối cùng. Đồng hành với họ, ta thấy biết ơn, hạnh phúc và giàu có. Gấp lại cuốn sách, ta có thể được rất nhiều: một nhận thức thấm thía về sự hữu hạn của con người, một thái độ điềm tĩnh trước điểm kết, lòng trân trọng cuộc sống, để từ đó bắt đầu rời xa những phù phiếm ồn ào, sắp xếp lại các ưu tiên, tập trung vào những điều cốt lõi khiến cuộc sống có ý nghĩa.

Một hành trình dũng cảm. Một cuốn sách tràn đầy tính nhân văn và và sức lay động tâm hồn.



“Điểm đến của cuộc đời” là cuốn sách mà bạn có thể biết được khái quát nội dung ngay từ bìa trước, thậm chí không cần đọc lời bạt ở bìa sau, rất rõ ràng: Đồng hành với người cận tử và những bài học cho cuộc sống. Còn đồng hành như thế nào và bài học gì thì phải đọc hết cuốn sách mới biết được!

Tôi bắt đầu đọc quyển này từ ngày cuối cùng của năm ngoái, và kết thúc trong những ngày còn “mồng” của tháng giêng năm nay. Tết mà đọc về cái chết thì có nên không? Ồ, nên chứ! Bởi đó là dịp chúng ta nhận ra rằng thời gian sống lại ngắn thêm một chút nữa.

Câu chuyện của chị Hà và Nam, của chị Ánh, của Hùng, của Liên và của Vân mà tác giả Đặng Hoàng Giang ghi lại chỉ là cuộc đời của một vài trong số rất nhiều số phận ngoài kia – những con người đang sống, đang chết và đã chết, trong đó có tôi, có chúng ta… Xa lạ và quen thuộc như vậy. Điểm sáng là qua cuộc song hành cùng những người cận tử ấy, tác giả gợi lên những điều mà xưa nay con người ta vốn nhầm tưởng.

Một là, xã hội thường ca ngợi kiểu anh hùng “chữa chạy tới hơi thở cuối cùng”, nhưng chúng ta cũng cần ca ngợi một kiểu người hùng gọi là “buông bỏ”. “Nhiều gia đình không hình dung được có gì tệ hơn cái chết của người thân. Nhưng có điều tệ hơn, đó là cái chết tồi tệ, chết trong đau đớn, hành hạ, với đầy dây dợ, máy móc trên người.” Ira Byock – bác sĩ Mỹ và là tác giả cuốn “Chết thanh thản: Viễn cảnh phát triển lúc cuối đời”, viết.

Hãy đọc câu chuyện của chị Hà và bé Nam, người mẹ trẻ ấy bảo rằng “Với em khi bác sĩ bảo dừng thì em ok. Cái bệnh của cháu đến cả thế giới còn chưa có biện pháp. Lúc bác sĩ nói thì em hiểu luôn là số trời đã định rồi.” Để rồi bạn sẽ chẳng bao giờ giận chị vì khúc mắc tại sao không cầu xin bác sĩ cố gắng thêm với ước mong kỳ tích, rồi bạn sẽ phải rơi nước mắt về những điều sau đấy, về buông bỏ nhưng không buông xuôi. Để biết được rằng “chữa chạy tới hơi thở cuối cùng” không phải là cách duy nhất để bày tỏ lòng yêu thương, trách nhiệm, hay ý thức về đạo lý, bởi nhiều lúc nó chỉ xoa dịu được lòng người sống chứ không phải ý muốn thực sự của bệnh nhân. Người sống mấy ai hiểu được rằng, cái đau làm người ta không biết trốn đi đâu được, nhiều người sợ đau hơn sợ chết.

Hai là, quan niệm về hiến tạng đối với nhiều người còn khá là bảo thủ, với suy nghĩ rằng chết thì phải toàn thây, nguyên vẹn. Mà suy nghĩ ấy, lại đa phần là đến từ thân nhân của người muốn hiến tạng. Tôi nhớ như in cái câu “Đau xót lắm, chú ạ.” Mà mẹ chị Vân nói với chú Giang. Vâng, vẫn là cán cân muôn thuở giữa cái đau trong lòng người sống và ước nguyện cuối cùng của một số phận sắp từ giã cõi đời.

Nói cho cùng thì cơ thể ta ư, nó là cái gì? Nó chỉ là một cái bao tải bằng da đựng một đống bùng nhùng mà thôi. Trong “Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm” (Satippatthana Sutta – Kinh Tứ Niệm Xứ) do thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch, có đoạn: “Lại ví như khi thấy một xác chết bị liệng vào bãi tha ma, đã được một ngày, hai ngày hoặc ba ngày, sình lên, xanh lại, thối nát ra, vị khất sĩ quán chiếu sự thật ấy vào chính mình: ‘Chính thân thể ta đây cũng vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có lối nào tránh thoát.’ ”

Vậy thì tại sao không để một phần trong ta sống trong hình hài khác, cứu sống sinh linh khác, mang đến niềm vui và hạnh phúc cho gia đình khác, khi mà lỡ như ta có gì đó bất trắc? Đầu năm 2019, nền y học Việt Nam tôn vinh anh Dương Hồng Quý – người hiến 7 mô tạng, cứu sống 6 người. Mẹ của bệnh nhân nhi được anh Quý hiến phổi bày tỏ: “Hiến tạng là một nghĩa cử nhân văn cao đẹp. Chồng chị ấy giờ đang sống trong thân thể con tôi, đúng là sự kỳ diệu của y học.”

Tôi thực sự hi vọng, ngày mình cầm tờ giấy hiến tạng của bản thân, với vai trò là người làm chứng – người thân của tôi sẽ thoải mái ký tên.

Cái chết là một điều gì đó thật kỳ lạ, thật bí ẩn, thiêng liêng. Cái nôi lật ngược thì thành nấm mồ. Có lẽ sinh và tử cùng bản chất, đều là những hiện tượng vĩnh hằng của thiên nhiên? Đứng trước chúng, chúng ta thấy khiêm nhường. Ta không thể làm gì khác, chỉ có thể ngắm chúng và ngợi ca Tạo hóa.

Khép lại Điểm Đến Của Cuộc Đời, tôi cũng chỉ nguyện cầu như lời tác giả: “Mong tất cả chúng ta có một cuộc sống an lành và một cái chết thanh thản.”



“Điểm đến của cuộc đời” kể lại một hành trình không thể nào quên cùng những người cận tử. Dấn thân vào “một thế giới của những bi kịch và tổn thất khổng lồ, của phẩm giá và lòng tự trọng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, của sự phản bội và sợ hãi, của tình yêu mãnh liệt và hy vọng khôn nguôi, tóm lại, của tất cả những gì thuộc về con người, ở mức độ dữ dội nhất”, tác giả muốn đi tìm câu trả lời cho thôi thúc nội tâm: ta nên ứng xử thế nào trước cái chết, và sự chết có thể dạy ta điều gì cho cuộc sống?

Kỳ lạ thay, những số phận được kể trong cuốn sách, dù đang ở tầng bậc tột cùng của nỗi đau đớn, lại cho thấy những điều đẹp đẽ đến mức khiến ta nghẹn ngào: bản lĩnh để đi qua bi kịch khó diễn đạt bằng lời, thái độ bình tĩnh của con người tự do trước cái chết, khao khát làm việc có ích, trỗi dậy vào những ngày tháng cuối cùng. Đồng hành với họ, ta thấy biết ơn, hạnh phúc và giầu có. Gấp lại cuốn sách, ta có thể được rất nhiều: một nhận thức thấm thía về sự hữu hạn của con người, một thái độ điềm tĩnh trước điểm kết, lòng trân trọng cuộc sống, để từ đó bắt đầu rời xa những phù phiếm ồn ào, sắp xếp lại các ưu tiên, tập trung vào những điều cốt lõi khiến cuộc sống có ý nghĩa.

Một hành trình dũng cảm. Một cuốn sách tràn đầy tính nhân văn và sức lay động tâm hồn.”


Cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời” (Đặng Hoàng Giang) kể về hành trình đến với cái chết của những con người quả cảm. Họ chọn đối diện, chấp nhận cái chết nhưng không để bị nó khuất phục. Cái chết của họ đem lại thông điệp về tầm quan trọng của sự sống, về giá trị của sinh mệnh mà không ai trong chúng ta có quyền tự ý vứt bỏ hay tước đoạt một cách tùy tiện.

Cái chết với người chết

Người ta rất khó chấp nhận cái chết khi còn chưa hiểu rõ về nó. Thật đáng tiếc là chúng ta luôn có quá nhiều thông tin và quá nhiều thời gian để không bao giờ biết được điều gì là thực sự quan trọng, phút nào là phút cuối trong cuộc đời.

Những người sắp chết thì biết rõ họ sẽ chết. Bản thân họ mang tật bệnh, đau đớn, bất mãn, sợ hãi và sự lưu luyến cuộc đời. Cái chết đến với họ, chọn họ nên họ không thể phản kháng. Từ một chú bé hồn nhiên như Nam, cô gái mạnh mẽ như Liên hay một người mẹ còn nhiều trách nhiệm như Vân, thì cũng không ai sẵn sàng cho phút ra đi. Không phải họ chỉ hoàn toàn lo lắng cho bản thân, mà họ còn lo lắng cho người thân chưa thực sự sẵn sàng chấp nhận mất họ.

Những năm tháng cuối đời là những năm tháng người ta sống sâu sắc, chậm rãi, cao thượng và hết mình hơn. Thể xác cùng những đòi hỏi của nó đã thôi khiến họ bận tâm. Cái làm họ bận tâm nhất là ý nghĩa sự chết. Tác giả Đặng Hoàng Giang có thường xuyên nhắc tới cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” (Viktor Frankl) trong tác phẩm của mình: con người ta cần ý nghĩa cho mọi chuyện. Cảm giác vô nghĩa là thứ trống rỗng, đáng sợ hơn cả cái chết.

Người chết cần ý nghĩa cho cái chết của mình. Để họ có thể ra đi thanh thản.

Cái chết với người sống

Người sống không muốn nói nhiều đến cái chết. Đây là mảng để tài cực kì khó nói, khó nói hơn cả đề tài quan hệ nam nữ. Người ta có thể bông đùa về những chuyện thầm kín, nhưng không dám đùa cợt về cái chết. Tôi nghĩ phần vì họ sợ mang tiếng độc miệng, phần vì chính họ cũng run rẩy khi nghĩ tới “điểm đến của cuộc đời”.

Cuốn sách đã chỉ ra những nghịch lý kì lạ về việc người sống không chấp thuận để người chết được ra đi. Họ cần nhìn thấy người họ yêu thương sống- dù hình hài ấy tồn tại trong những cơn đau đớn dày vò. Người sống vẫn là người sống, vẫn chưa thể hiểu được cái chết, dù có cách tiếp cận khoa học đến đâu, trước uy quyền của Tử Thần, chẳng lý lẽ nào là hợp logic. Nên người sống thường chọn hành động theo cảm xúc.

Người sống mang theo cùng lúc cả nỗi sợ cái chết lẫn nỗi đau mất người thân. Họ có thể sụp đổ nếu không tìm ra ý nghĩa để tiếp tục sống, để trân quý việc bản thân còn sống. Họ chỉ có thể làm được việc này nếu sẵn sàng nói lời từ biệt với người chết. Một người đã đến điểm dừng, còn một người thì cần phải đi tiếp. Nếu quên mất điều ấy, cả hai sẽ bỏ lỡ định mệnh thuộc về họ.

Người sống cần chấp nhận rằng cái chết sẽ đến. Để họ có thể sống cho trọn vẹn.

Cuốn sách này kể về những con người có thực. Cá nhân tôi cảm nhận những dòng tâm sự của tác giả cũng rất thực: không giấu giếm nỗi sợ chết và mong ước tìm thấy con đường để vượt qua nỗi sợ ấy. Bạn đọc sách có thể tham khảo, nhưng tôi tin rằng tự mỗi chúng ta cần tìm lấy con đường của riêng mình.

Cứ mỗi lần băn khoăn về cuộc sống, bạn hãy đọc lại cuốn sách này để biết gìn giữ sự sống hơn, để không muốn chết trong khi bản thân không đáng chết và chưa đến lúc được chết. Tôi đặc biệt nhấn mạnh thông điệp này đối với những ai đang có suy nghĩ tiêu cực hay muốn từ giã cõi đời một cách vội vàng. Nếu bế tắc, băn khoăn thì hãy cứ tiếp tục sống để tìm ra câu trả lời cho mọi thứ.

Luôn có câu trả lời ở phía trước, nếu như bạn không từ bỏ.

Người bỏ học giữa chừng chắc chắn không bao giờ là người tốt nghiệp.

Với tôi, hành động tùy tiện vứt bỏ sự sống của bản thân dường như cùng lúc xem thường cả Sự Sống lẫn Cái Chết. Sẽ không có ý nghĩa nào trong hành động vô nghĩa này.