Có lẽ thời gian là
thứ mà cho dù bất kì ai cũng không thể lấy lại hoặc mua được nhưng có những thứ
sẽ là minh chứng cho sự trường tồn của một nền văn hóa theo thời gian. Đối với
các độc giả phía bắc bạn đã từng thưởng thức qua Ba Khía hay bạn đã từng chèo
xuồng rồi hái dừa nước , chắc hẳn là chưa nhưng đối với người dân Nam Bộ thì điều
đó chẳng có gì quá đỗi ngạc nhiên cả. Đó là những trải nghiệm nếu như không có
cơ hội đến với Nam Bộ thì xin hãy thử phiêu lưu vào một tác phẩm viết về miền
Tây Nam Bộ sẽ có thể cảm nhận như thật và như chính bản thân trải nghiệm, không
tác phẩm nào khác chính là “ Đất Rừng Phương Nam”.
60 năm trôi qua tiểu thuyết “Đất Rừng Phương Nam” đã đi vào lòng của người dân cả nước về một vẻ đẹp chân chất và đằm thắm tình người của mảnh đất và con người vùng miền Tây Nam Bộ, có thể tuổi thơ của mỗi người con Nam Bộ không thể quên hình ảnh cậu bé An qua cuộc phiêu lưu đi tìm cha, hình ảnh ông Ba bắt Rắn và thằng Cò, hình ảnh anh em nhà Mười Chức, hình ảnh dì Tư Ù, vô số hình ảnh những con người dung dị và mộc mạc ấy lại làm cho mọi hồi tưởng về ngày bé lại quay về trong mỗi một người con của mảnh đất chân chất Nam Bộ.
“Đất
Rừng Phương Nam”
thể hiện rõ ràng tinh thần cách mạng bất khuất của người dân Nam Bộ đã đứng lên
cầm súng đấu tranh chống lại thực dân Pháp và nuôi dưỡng cho các chiến sỹ cách
mạng. Tiểu thuyết cho chúng ta được phiêu lưu qua vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ,
hoang sơ của Nam Bộ và phong tục tập quán, tinh thần cách mạng của người dân
nơi đây qua từng câu chữ mà nhà văn Đoàn Giỏi đã gửi gắm trong tác phẩm con
cưng của mình.
Tiểu thuyết “Đất Rừng Phương Nam thể hiện hành trình phiêu lưu của một cậu bé vùng đất miền Tây Nam bộ thông qua đó để miêu tả sống động "Đất rừng Phương Nam". Đây là một vùng đất vô cùng dung dị và trù phú, hào phóng và hùng vĩ với những con người chân chất, phóng khoáng, dung dị, trí dũng và một mực đi theo cách mạng.
Một câu chuyện về đất và rừng miền Tây Nam Bộ...
“Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi như một bức
tranh khắc họa một phần nào đó đẹp đẽ, chân chất từ xã hội của miền sông nước
Tây Nam bộ thu nhỏ. Ngay cả những người đã từng đọc qua tác phẩm thì chắc chắn
sẽ tìm thấy hình ảnh người dân của
vùng miền Tây Nam Bộ từ sông Tiền, sông Hậu , vẻ đẹp hoang sơ của rừng U Minh,
rồi đến cuối cùng là vùng đất mũi Cà Mau.
Cuộc đời cậu bé An trôi nổi hết từ vùng này tới vùng
khác của miền vùng Tây Nam Bộ. Cậu bé An gặp được những anh, chị , cùng các cô
cậu bé cùng trang lứa và cùng họ trải qua một cuộc sống dung dị nhưng đầy chân
chất ở vùng đất Nam Bộ. Nhưng sóng gió cuộc đời và mong ước tìm cha cùng với mọi
bất ngờ ập đến khiến cho cuộc sống êm đềm của cậu bé không được là bao. An học ở
trường Pháp nhưng do ba cậu theo cách mạng nên An đã bị ép nghỉ học và trong một
lần theo mẹ đi tìm ba thì mẹ cậu đã mất trong trận càn bằng bom của Pháp. An trở
thành đứa trẻ không chỗ nương tựa và ba cậu là niềm hi vọng lớn mà cậu có được.
Trong những tháng ngày lưu lạc nơi vùng miền tây nam bộ cậu đã có một cuộc hành
trình đi tìm ba đầy thú vị và cũng có vô số chông gai mà đối với một cậu bé là
vượt quá khả năng chịu đựng, cậu đã được người dân Nam Bộ cưu mang , được đón
nhận tình thương chân chất, hào sảng và thiệt tình của họ, nhà văn Đoàn Giỏi đã
dùng bút pháp hiện thực hóa câu từ của mình để gợi tả một cách chân thật quang
cảnh và những sản vật trù phú vùng đất chân tình này. Cái để chúng ta nên đọc
tác phẩm này là nó mang lại cho chúng ta hiểu rõ nhất từng chi tiết và tâm tình
của người dân nơi đây qua từng câu nói, từng hành động, từ cách họ đối xử với
nhau và từ cách họ lao động khiến cho người đọc dù chỉ là đọc tiểu thuyết cũng
có thể nhìn thấy được vùng đất tươi đẹp và trú phú ấy cũng như cảm nhận được
cái tình của họ. An gặp bà Tư Ù ( chủ một quán ăn nơi đây cưu mang ), An đã vô
tình biết được vợ chồng Tư Mắm là Việt gian, chúng biết được và đốt quán bà Tư
ù, còn An đã may mắn chạy thoát. Sau đó An được già ba và thằng cò bắt rắn cho
đi theo.
Thằng Cò và già Ba bắt rắn xem An như một thành viên
trong gia đình họ truyền dạy cho An rất nhiều kinh nghiệm và bài học mà chỉ có
người dân nam bộ mới có những khả năng này, An được đón nhận những tình thương
và tốt bụng từ hai cha con già ba khiến cho cậu ngày càng trưởng thành hơn. Nghe
rất lạ nhưng với việc bắt rắn đó là nét đặc trưng của người nông dân bưng biền
Nam Bộ, cách bắt mồi nhử, cách dung cây kéo rắn ra khỏi hang, cách móc rắn ra
khỏi hang đó là cả một nét rất đặc trưng không lẫn vào đâu được của người dân
Nam Bộ mà đã được nhà văn thể hiện rất rõ trong tác phẩm và quang cảnh của rừng
U Minh vào ban đêm đã được hiện lên thật sống động và hiện thực dưới từng con
chữ và giọng văn của tác giả nghe nó hoang sơ mà dung dị lạ thường. Rồi khi chú
Võ Tòng bắt cá sấu thì phải dùng vịt và sáp đèn cầy để nhử cá sấu một hình ảnh
mà chỉ có thể tìm thấy ở “Đất Rừng Phương Nam” mà thôi.
Rồi cảnh tượng gia đình Mười Chức đánh nhau giành đất
chết oan uổng đó chính là mấu chốt để kích thích người đọc về mặt cảm xúc , “Đất
Rừng Phương Nam” là cả sự hội tụ của một Nam Bộ thu nhỏ mộc mạc nhưng lạ lùng
và tình nghĩa. Cái chất liệu Nam Bộ đã được nhà văn lồng ghép xen kẽ với các hoàn
cảnh bi thương tạo nên sự chỉn chu ở một tác phẩm đi sâu vào khai thác về đề
tài Phương Nam.
Cuối truyện kết lại là hình ảnh An đi lính cầm súng
đánh giặc bảo vệ quê hương làm cho chúng ta phần nào thấy được hình ảnh người nông dân Nam Bộ họ đã hi sinh thế nào cho cách mạng, họ có lý tưởng, họ có sự chân chất
, có trí dũng và tinh thần yêu nước nồng nàn . Đây là hình ảnh tượng trưng cho
người nông dân, người này chết thì người khác sẽ đứng lên chống lại thực dân
Pháp. Qua đó trau dồi tinh thần yêu nước của An. Một kết thúc làm bật lên sự trỗi
dậy của một thế hệ người con Nam Bộ hình
ảnh An đi lính, bảo vệ quê hương, đất nước và những người thân yêu của mình.
Tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi trở thành một chuẩn mực khi nói về miền Tây Nam Bộ, một tình yêu chân thành với quê hương đất nước. Chắc hẳn những ai đã đọc qua “Đất Rừng Phương Nam sẽ không còn lạ lắm với những bàu Sấu, tràm chim, rừng Đước, chợ nổi, cầu Khỉ, xuồng ba lá mà thay vào đó là một cảm giác khác hồi tưởng và tiếc nuối. Qúa chân chân, mộc mạc lại dễ đi vào lòng người, người đọc từ yêu quý đến tiếc nuối, lo ngại ,sáu mươi năm qua, rõ ràng tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi vẫn cứ là thước đo chuẩn mực của người dân Việt Nam khi nhắc về vùng miền Tây Nam Bộ, mỗi lúc một thêm ý nghĩa mới, sống khỏe trong lòng người đọc.
Một lối viết đậm chất Nam Bộ
Nhà văn khoan thai và thư thả trong cách dẫn người đọc
đi vào tác phẩm qua từng chương một , chặt chẽ trong bố cục, sử dụng bút pháp
hiện thực hóa câu chữ, đọc “Đất Rừng Phương Nam sẽ dễ dàng nhận ra ngay lối
hành văn của người viết có rất thi vị nhưng lại sâu sắc và có văn hóa dân tộc rất
cao trong từng câu chữ miêu tả cách sống ,sinh hoạt , đối nhân xử thế và giao
tiếp đời thường. Nhà văn còn thể hiện được khả năng chân thật viết văn nhưng
chính diễn đạt những suy nghĩ và cảm xúc của ông đối với “Đất Rừng Phương Nam”
ông biết gì kể nấy, không kể những gì không biết hoặc biết hời hợt. “Đất Rừng
Phương Nam” đi vào lòng người dân Việt Nam khi nhắc về Nam Bộ, tồn tại ngay
trong tâm khảm và thành công vì nhà văn viết như kể chân thực vô cùng , cách sống
khoan thai nhưng rất kĩ càng của ông cũng dẫn đến thành công của tiểu thuyết đất
rừng phương nam. Phải là như vậy thì người ta mới nhắc đến Đoàn giỏi như là một
nhà văn đã tạo ra một thiên truyện mà ở đó miền tây nam bộ lại quá chân thực và
mộc mạc nhưng lại ở trong tâm trí người đọc lâu đến như thế.
60 năm là quá đủ cho một đời người và một tác phẩm trải qua khoảng thời gian như thế vẫn không hề “ cũ” mà lại ngày một trở thành một tượng đài bất khả xâm phạm khi nhắc về vùng miền Tây Nam Bộ. Điều gì đã tạo ra một tuổi thơ đẹp đẽ như thế , một ấn tượng không thể quên về vùng đất Nam Bộ đậm nghĩa nặng tình , mãi mãi không thể quên được cái dung dị và mộc mạc nhưng lại rất dễ thấm vào lòng người. Trong mỗi chúng ta chắc hẳn vẫn còn nhớ cảm giác thích thú và ngạc nhiên khi lần đầu đọc “Đất rừng Phương Nam” rồi lại được tưởng tượng mình được bơi chiếc xuồng trên sông hay đi tham quan những cánh đồng trù phú, thích thú những khu rừng nhiều kèo ong làm tổ. Thích thú với những cái giản dị nhưng hay đến lạ của vùng đất phương nam tình nghĩa của quá khứ này.
Đọc “Đất Rừng Phương Nam” tác phẩm đã trải qua sáu
mươi năm hẳn sẽ là cho nhiều bạn nhìn lại tuổi thơ của mình rồi cùng sống với
nó một lần nữa và không một chuyến xe nào có thể đưa ta trở về cả. Khi đọc lại
sẽ thấy tuổi thơ của người đọc đã đâu đó vẫn còn lưu lại trong từng câu chữ, đắm
đuối, mê say, đọc đi đọc lại không biết chán. Thật sự cảm phục nhà văn Đoàn Giỏi
đã tạo nên cho những thế hệ một tuổi thơ thật đẹp đẽ và mộc mạc nhưng lại đậm
đà bản sắc văn hóa dân tộc. Nhớ lắm, tuổi thơ của chúng ta đã gắn liền với các
con sông như sông Trẹm,Chắc Băng. Nghe xa xôi nhưng mê hoặc quá! Sáu mươi năm
đã qua đi nhưng thuở ấy là cả một khung trời thơ mộng. Nhớ hoài không quên!
Nhà văn sử dụng nhiều từ ngữ đậm tính Nam Bộ là một thế
mạnh của " Đất Rừng Phương Nam", làm cho " Đất Rừng Phương Nam" mộc mạc nhưng vẫn gần
gũi, pha lẫn tình người, nghệ thuật miêu tả chân thực khiến người đọc sẽ cảm thấy
chìm đắm trong sắc trời và hương vị của vùng bưng biền Nam Bộ, những cánh đồng
và rừng rậm trù phú cùng cuộc phiêu lưu hấp dẫn của cậu bé An lồng với hình ảnh
cuộc chiến tranh đang hồi khốc liệt. Nhưng có lẽ cách viết dân dã, đậm chất Nam
Bộ cũng sẽ là một điểm yếu với độc giả ở miền Bắc hay miền Trung khi không quen
thuộc với lối nói chuyện hào sảng, tự nhiên và từ ngữ dân dã, không câu nệ vốn
đã thành đặc trưng của người dân Nam Bộ.
“Đất Rừng Phương Nam" không chỉ đơn thuần là một cuốn sách dành cho người lớn tuổi, mà cũng là dành cho các bạn thiếu nhi đôi lúc muốn khám phá hay tìm hiểu về đặc trưng của mỗi vùng miền mà không bất cứ một trường lớp nào có thể dạy hết được. Đất rừng phương nam như một di sản về cảnh vật Nam Bộ, khi thời đại công nghiệp hóa và thay đổi môi trường khiến cho những cánh rừng mất đi vẻ tự nhiên thì việc đọc lại “Đất Rừng Phương Nam” như đã tái hiện lại cảnh sắc một thời để nhớ và để lưu luyến ,những độc giả đã lớn lên dưới ngòi bút đầy dân dã nhưng thấm đẫm tình người đã trở thành một tuyệt tác không thể nào có thể bị bỏ quên, một bức tranh về sự sống ở đất rừng phương nam đầy màu sắc, muôn hình vạn trạng, biến đổi kì ảo đến không ngờ và càng thêm yêu cuộc sống, đất nước, con người Việt Nam chân chất và bình dị đến lạ thường!
Tác giả: Hoàng Đình Tú - Bookademy
Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những quyển sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
Được ra mắt đại chúng lần đầu bởi NXB Kim Đồng với những trang giấy xốp hơi ngả vàng cùng chiếc bìa xanh mát mắt. Từ chất giấy đến trang bìa, tất cả đều thật sự phảng phất hơi thở của “Đất rừng phương Nam”.
Xuyên suốt tập sách, thiên nhiên như ngự trị qua từng con chữ, nhuốm màu sắc sơ khai khó tả. Khu rừng U Minh thượng kỳ vỹ mênh mông mang một vẻ dữ dội, hoang sơ và lộng lẫy lạ thường. Nơi đại ngàn đầy nắng muôn loài muôn vật, cây cối cao to xanh rờn mát rượi phủ bóng rợp mặt đất. Xen lẫn trong đó thoảng mùi ẩm ướt mát lành từ đất và các con lạch nhỏ bé chảy róc rách qua các rặng cây, rồi đổ về nơi sông suối. Ngay cả khu rừng đước cao to với các dòng nước len lỏi đục ngầu cũng dường như hoang dã và ma quái lạ thường dưới lớp sương của màn đêm. Những sinh vật lạ lẫm, khoe ra bộ lông cánh đủ màu, những cũng có những loài khiến người ta run mình bởi sự đồ sộ dữ dằn như chẳng thuộc về trần thế.
Khu chợ Năm Căn như đối lập với U Minh thượng uy nghiêm bởi vẻ tấp nập, lao nhao của những cô gái người Hoa đang bán từng cây chim cuộn chỉ, những người lái buôn ra sức chào hàng, những món hàng hóa thơm lừng sặc sỡ, nơi ánh hoàng hôn kiêu kỳ buông xuống như một giấc mơ. Tất cả đều khiến cho ta cứ muốn ở lại đây mãi, trong không khí ồn ào nhưng vui tươi tấp nập này nơi mảnh đất Cà Mau. Từng vùng đất, từng cảnh vật nhuốm vẻ đẹp phiêu lưu chảy qua từng ngọn lá, róc rách qua các tảng đá con như khiêu khích trí tò mò của nhân loại. Tuy nhiên ẩn sau con đường vàng óng đó là những chông gai sừng sững chờ đợi để vượt qua, nhưng “hỡi thiên nhiên dữ dội và nham hiểm, ngươi hãy coi chừng. Không một sức mạnh nào trong ngươi mà con người không khuất phục nổi đâu!”.
Những con người trong tác phẩm vừa chân chính vừa mang vẻ xót xa, từng người một đem cho tôi những xúc cảm khác nhau. Mỗi người họ như lột tả một xã hội thu nhỏ thời Kháng chiến. Bà dì Tư Mắm keo kiệt với giọng nói ngọt ngào sắc lẻm, biết thấu biết tình, luôn kè kè chiếc bóp đen bóng mỡ phình to. Lão Ba Ngù vui tính hào sảng nhưng có thể trở nên nghiêm túc bất cứ lúc nào. Cậu bé An tinh ranh trải sự đời, lanh lợi và có óc phán đoán khôn lường. Gia đình ông Hai và chú Võ Tòng đại diện cho tầng lớp nông dân nghèo bị bóc lột đến tận cùng, lang thang chạy trốn bọn địa chủ ác tà từ nơi này sang nơi khác, bị tù đày rồi phải dứt áo ra đi, bỏ cả quê hương nơi chôn rau cắt rốn. Tuy “nghèo như chiếc lá rụng xuống sông, nươc đi tới đâu mình theo tới đó! Huống chi bây giờ lại gặp lúc giặc đánh lung tung…”, mặc cho những chiếc gai bề khổ đâm thấu họ, những con người ấy vẫn hào sảng trung hậu, ngay thẳng, một lòng một dạ vì Tổ quốc quê hương đồng bào.
Con người và dân quân vùng Nam Bộ ấy luôn mang trong họ niềm tự hào, con tim đập mãnh mẽ vì đồng bào dân tộc, nhất quyết trung thành với đất nước, gìn giữ giang sơn đến hơi thở cuối cùng.
Hẳn là ai cũng đã đoán ra, đó là bọn Việt gian bán nước không ghê tay vì hào quang của những đồng tiền dơ bẩn. Chúng thậm chí còn đáng trách gấp vạn lần so với lũ Thực dân pháp bởi không gì kinh tởm hơn là phản quốc. Mụ vợ Tư Mắm được nhắc xuyên suốt qua nửa đầu tác phẩm bởi sự quỷ quyệt và gian xảo của ả. Ai cũng ớn lạnh với đôi mắt của mụ đàn bà này, nó đẹp một cách ác độc, ánh lên tia nhìn liếc xéo sắc lẻm, đáng sợ hơn bất cứ gì. Nhưng gieo gió thì gặt bão, những kẻ phản bội sẽ không bao giờ thắng cuộc. Ả ta đã phải trả giá đắt cho những tội ác nhơ bẩn của mình, thứ đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng người vô tội.
Mỗi lần đọc lại là một trải nghiệm khác nhau, khung cảnh Nam Bộ càng hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết, một ý niệm mới lại nảy sinh trong tâm trí. Điều tuyệt vời luôn quanh ta, từ những dây leo trên tầng thượng hay đơn giản chỉ là cảnh bình minh mà đôi khi diệu kỳ đến lạ. Tình thương non sông ngày càng được bồi đắp, hòa lẫn vào huyết quản, thấm nhuần giá trị của dân tộc Việt Nam đích thực.
Cuốn sách chỉ tầm 300 trang nhưng bao hàm muôn vàn ý nghĩa sâu sắc, lột tả sinh động vẻ đẹp đất nước Việt Nam hùng cường mà đặc biệt là vùng Nam Bộ. Quả thật những câu chữ trong sách đều mang phong cách rất riêng của Đoàn Giỏi: trào phúng và phong lưu. Nơi đó thiên nhiên và con người cùng nhau song hành, ngợi ca phẩm chất yêu nước cao đẹp của dân quân Việt Nam.