Cửa Tiệm Thời Gian của tác giả Lee Na Young không chỉ là một cuốn sách dành cho thiếu nhi mà còn dành cho bậc làm cha làm mẹ những người luôn mong muốn con học hành chăm chỉ nhưng đôi khi quên mất rằng kỳ vọng của mình đặt lên con lại trở thành áp lực không nhỏ. Cốt truyện hơi hướng kì ảo nhưng lại phản ánh một cách chân thực hiện thực cuộc sống ngày nay.

Nhân vật chính của câu chuyện là cô bé Yoon Ah học lớp 5. Cha mất sớm, cô bé sống cùng với mẹ, một người chấp nhận cuộc sống vất vả, làm việc ngày đêm để mong muốn con mình sau này có cuộc sống tốt hơn mình. Cũng chính vì mong muốn ấy mà bà chuyển nhà cho hai mẹ con đến “khu phố học tập”, làm việc đến tối mịt để kiếm tiền cho con học ở những trung tâm tốt nhất, thuê gia sư để dạy kèm cho con. Thời gian biểu kín mít đến nỗi không có thời gian để thở, bài tập chất đống cùng với việc ôn thi khiến Yoon Ah vô cùng mệt mỏi. Tờ rơi về cửa tiệm thời gian: “BẠN CẦN THỜI GIAN? CHÚNG TÔI CUNG CẤP THỜI GIAN CHO NGƯỜI THIẾU THỜI GIAN” không khỏi khiến cho Yoon Ah tò mò khi mình đang sắp muộn buổi học thêm tiếng Anh sắp tới. Người ta thường nói “Thời gian là vàng” nhưng cái giá phải trả cho mỗi lần mua thời gian là kí ức khiến cô bé cảm thấy hạnh phúc. Và từ đây, những vụ “giao dịch” với cửa tiệm thời gian cùng với những đánh đổi vừa thú vị vừa tội lỗi với cô bé Yoon Ah.

Khi mỗi đứa trẻ là một sản phẩm của công nghiệp giáo dục

Lần đầu tiên đọc cuốn sách này là khi mình đang học kì 2 năm lớp 11 và thấy cuộc sống của mình khi đó khá giống với cô bé Yoon Ah trong câu chuyện. Mình nghĩ rằng có rất nhiều em nhiều bạn cũng phải trải qua những ngày phải học từ 7h sáng đến tận 10h đêm mới về tới nhà, về tới nhà chỉ được nghỉ một lát là lại tiếp tục làm bài về nhà, luyện đề ôn thi. Mình không học thêm mà chỉ học chính khóa và buổi ôn tập ở trên lớp thôi nhưng số lượng bài tập và đề ôn cũng đủ để khiến mình ngồi ở bàn học suốt ngày rồi. Em họ mình đến chơi còn phải thốt lên rằng lúc nào đến cũng thấy mình đang ngồi ở bàn học. Do đó khi đọc cuốn này mình thấy đồng cảm và ngỡ như tác giả viết dành riêng cho mình vậy.

Ở lớp học thêm, chúng tôi còn ôn tập nhiều hơn ở trường. Ngày nào cũng làm bài kiểm tra. Nếu điểm kém sẽ bị giao thêm rất nhiều bài tập. Bởi vậy ngay cả ở trường cũng phải tranh thủ, hễ có thời gian rảnh là lại lôi bài tập lớp học thêm ra làm. Đương nhiên không phải ai cũng đặt nặng cuộc thi này. Chỉ những học sinh học nhỉnh hơn một chút mới chăm chỉ ôn luyện. Những đứa ấy cũng như tôi, giờ nghỉ hay giờ ăn trưa đều chúi mũi xuống bàn hí hoáy giải bài trong quyển luyện đề.

Tôi mệt mỏi đến độ còn nảy ra ý nghĩ, nếu làm hết bài tập được giao như lời cô giáo ở lớp học thêm Toán, liệu có khi nào cạn sức mà quỵ thật không. Mẹ thì lúc nào cũng ra rả cố gắng thêm chút nữa, thêm một chút nữa thôi, nhưng tôi lấy làm nghi ngờ sự tồn tại của điểm kết thúc ấy.


Dù đọc cuốn sách này cách đây đã hơn 2 năm nhưng khi mỗi lần đọc lại mình lại cảm thấy đồng cảm với nhân vật trong câu chuyện rồi lại thấy hào hứng với những chi tiết, sự việc sẽ diễn ra. Không ít lần mình mong muốn một ngày có hơn 24 tiếng để vừa đi học, vừa làm việc nhà, vừa giải quyết nốt những bài tập sắp đến hạn. Mình cảm thấy ghen tị và bất bình cho những người luôn tỏ vẻ thảnh thơi và dành thời gian cho game hay đi chơi, lướt web. Những ngày học từ sáng đến tối, điều mình muốn nhất lúc đó là được một ngày ngủ nướng và cả tuần chỉ có chủ nhật để nghỉ ngơi nhưng cũng dành để làm bài tập nốt. Nên đặt mình vào hoàn cảnh của cô bé Yoon Ah rất cần thời gian để hoàn thành những việc quan trọng, chúng ta khó có thể từ chối một lời trao đổi mua bán thời gian hấp dẫn.

“Cách mua thời gian rất đơn giản. Cháu chỉ cần nhớ đến ký ức hạnh phúc và ấn vào cái nút này là được. Sau khi ấn nút, kim đồng hồ sẽ bắt đầu chạy và ngoại trừ cháu ra, thời gian của vạn vật đều sẽ ngừng lại. Khi kim quay hết một vòng và dừng lại ở vị trí ban đầu, cũng có nghĩa là mười phút đã trôi qua. Mọi thứ sẽ lại bắt đầu chuyển động. Mỗi ngày chỉ được mua thời gian duy nhất một lần, điều này cháu cũng nhất định phải ghi nhớ đấy.”

Khi kỳ vọng là những áp lực vô hình

Mẹ của Yoon Ah thực sự rất thương con khi chỉ muốn con học hành tốt để sau này có thể vào được trường đại học tốt và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng bà không nghĩ rằng những kì vọng của mình lại trở thành áp lực cho con cái. Một điều mình thấy mẹ Yoon Ah đã sai đó là tạo nên lòng đố kị và sự ganh đua trong lòng con mình. Bà luôn muốn con gái mình phải vượt qua được Soo Young, cô bé thường xuyên đứng đầu trường. Mỗi lần Yoon Ah thông báo kết quả thi thì bà luôn hỏi kết quả của những bạn khác, đặc biệt là Soo Young để so sánh và lấy đó để khuyến khích con cố gắng hơn. Chính điều đó khiến Yoon Ah tự ti về bản thân mình và trong tâm trí chỉ nghĩ đến việc đạt kết quả cao hơn cô bạn kia để mẹ vừa lòng.


 Áp lực đó khiến Yoon Ah bất chấp tất cả để dành được kết quả cao, kể cả việc mua thời gian để chép bài của bạn. Dù cảm thấy tội lỗi nhưng mỗi lần như thế, kết quả bài thi của cô bé cao hơn, thậm chí là đứng đầu trường, đứng đầu trung tâm. Kết quả càng cao, cô bé càng lún sâu vào việc mua thời gian để gian lận. Liệu rằng những kết quả ấy có thể cho mẹ cô bé vui nhưng liệu có khiến cô bé vui không? Điểm thi cao nhưng đã đủ hay chưa hay những bậc cha mẹ vẫn muốn con mình phải đạt điểm tuyệt đối, đứng đầu mới hài lòng? Không chỉ riêng Hàn Quốc mà các nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam, gánh nặng học hành đang đè nặng lên những thế hệ học sinh, gánh nặng đó của xã hội mà chính bố mẹ là những người đầu tiên. Hiếm phụ huynh nào thích con thoải mái vui chơi hơn là chăm chỉ học hành, lấy con nhà người ta so sánh với con mình. Những việc làm ấy tuy rằng xuất phát từ tình yêu thương con, muốn con học hành giỏi giang sau này mới có công việc tốt, cuộc sống tốt nhưng họ lại không nhận ra rằng mình đang tạo áp lực cho con và có thể khiến con mình chán ghét học tập hơn.

Mắt tôi nhìn như đóng đinh vào ba chữ “thời gian biểu”. Tôi thấy lo lo. Có vẻ mẹ đang coi tôi là một trong những khách hàng mẹ phải quản lý. Mẹ đã lên kế hoạch cho từng ngày của tôi. Hôm nay sẽ áp dụng thời gian biểu cho tháng Mười một và Mười hai. Đầu tháng Mười một tôi sẽ có kỳ thi năng lực tiếng Anh, còn tháng Mười hai là thi cuối kỳ. Từ giờ đến lúc thi, mỗi ngày của tôi đều được lên lịch theo đơn vị ba mươi phút.

Những ký ức không thể nào nhớ nổi

Để mua được thời gian, thứ mà cô bé Yoon Ah cần phải đánh đổi chính là những ký ức khiến cô bé thực sự hạnh phúc. Cô bé nhớ về những ngày cha còn sống, những kỷ niệm buồn vui bên người bạn thân Da Hyun hay những ngày sống hạnh phúc bên bà. Nhưng những ký ức cứ dần dần biến mất khi cô bé cần thời gian. Để có được 10 phút thì những ký ức ấy biến mất có đáng không khi 10 phút mà cô bé dành chỉ để thỏa mãn kỳ vọng điểm cao của mẹ đến nỗi bất chấp việc gian lận và chơi xấu bạn mình vì đố kỵ. Dần dần, Yoon Ah cảm thấy trong mình trống rỗng và chẳng được vui vẻ nữa. Dù ở bên cạnh bạn thân nhưng cô bé cảm thấy như người xa lạ, những kỷ niệm về cha về bạn bè cũng là một cái gì đó rất mơ hồ. Một chi tiết rất hay trong câu chuyện đó là khi cô bé cần phải nghĩ đến một ký ức hạnh phúc để mua thời gian, Yoon Ah đã nghĩ về lúc mình vượt qua Soo Young để đứng thứ nhất toàn trường nhưng chiếc đồng hồ lại không hoạt động. Điều đó cho thấy đó không phải là niềm hạnh phúc thực sự của cô bé, niềm vui khi đó chỉ là sự đắc thắng của cô bé khi thực hiện được mong muốn của mẹ mà thôi.


 Mình rất thích cách xây dựng cốt truyện của tác giả khi cho thứ đánh đổi để mua được thời gian là ký ức hạnh phúc. Chúng ta hằng ngày mải mê học tập, làm việc để theo đuổi một tương lai sáng ngời nào đó ở trước mắt mà đánh mất đi những thời khắc hạnh phúc của hiện tại. Những ký ức tuy thuộc về quá khứ nhưng đó cũng là động lực, niềm vui mình tìm đến khi mình cảm thấy cuộc sống đang quá khó khăn. Chúng ta đánh mất ký ức là cũng đánh mất đi cuộc đời của mình, rồi dần dần cũng chỉ trở thành một cái máy làm việc vô hồn và thực dụng. Chúng ta bán công sức, thời gian của mình nhưng chúng ta đã từng nghĩ mình làm những điều đó để có được niềm vui cho mình hay chỉ là niềm vui cho người khác thôi? Mình rất muốn cô bé Yoon Ah hay bao nhiêu cô cậu học sinh khác đang vật lộn với bài tập, lịch học kín mít và kỳ vọng quá cao của bố mẹ nói lên suy nghĩ và cảm xúc của mình để bố mẹ hiểu, thay đổi cách quan tâm dành cho con mình.

Kết luận:

Cửa Tiệm Thời Gian là cuốn sách mình rất muốn những bạn đang là học sinh và cả những bậc phụ huynh đọc. Nó không chỉ cho ta thấy hiện thực về một xã hội đang đè nặng áp lực học hành lên con trẻ mà còn thức tỉnh những người quá mải miết chạy theo guồng quay cuộc sống mà quên đi mất những thời khắc vui vẻ, hạnh phúc trong cuộc đời. Thời gian là thứ vô hình nhưng hạnh phúc là thứ có thể thấy trước mắt, chỉ một ánh mắt ngời lên niềm vui sướng hay một nụ cười tươi cũng sẽ trở thành ký ức tươi đẹp in dấu trong tâm trí mỗi người, để rồi sau này nó là niềm an ủi, là thứ tưới mát tâm hồn ta.


Tác giả: Tuyết Ngân - Bookademy

Deal mua sách này giá tốt hiện tại: https://goo.gl/NU6MsK

-----------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3


Xem thêm

Lee Yoon Ah - một cô bé học lớp 5 đã phải cắm đầu cắm cổ học theo ý mẹ để vào được trường trung học quốc tế. Ngoài việc học ở trường, Yoon Ah còn phải học thêm ở trung tâm, học với gia sư, nghe bài giảng trực tuyến rồi tiếng Anh, tiếng Trung các kiểu và Yoon Ah phải giải quyết một núi bài tập. Vì thế, cô bé lúc nào cũng phải chạy đua với thời gian để không bị trễ học. Trong một lần đang chạy đến trung tâm tiếng Anh để học, một tờ rơi quảng cáo việc mua thời gian ập vào mặt Yoon Ah, không giấu nổi sự tò mò, cô bé bước vào cửa tiệm. Và thế giới của cô bé thay đổi từ đó, cô bé có thể mua 10 phút đổi lại là mất đi 1 kí ức hạnh phúc.

Lúc đọc quyển này mình có chút đồng cảm với Yoon Ah, dù mình không bị bắt học nhiều như thế đâu nhưng vẫn rất áp lực.

"Được mệnh danh là con phố học thêm, nên suốt dọc hai bên đường, các trung tâm dạy học mọc lên san sát. Cứ thế hòa vào đám đông, vừa đi tôi vừa có cảm giác mình đang bước lên một băng chuyền sản xuất, khi mà các sản phẩm tốt nhất được tạo ra bằng cách ráp các linh kiện cần thiết lại với nhau. Cảm giác như tôi cũng đang được sản xuất thành một đứa trẻ học giỏi. Nếu như vậy thì tội tuyệt đối không muốn trở thành thứ sản phẩm kém chất lượng đâu".

"Đáng lẽ lời khen ngợi phải giúp người ta có thêm động lực, nhưng ở tình cảnh của tôi thì khác. Mỗi lần nghe những người xung quanh khen mình giỏi giang, tôi chỉ càng thấy nặng nề. Không khác gì bị bắt ép "phải làm cho tốt" cả".

Ở Hàn Quốc có một "cây cầu tự tử" rất nổi tiếng. Trên thành cầu khắc những lời động viên như "Hôm nay bạn ăn cơm chưa?", "Cố lên nhé!", "Bạn đã vất vả rồi". Đó là những chiếc phao cứu sinh cuối cùng kéo lại những đứa trẻ đã quá mệt mỏi và cô đơn vì áp lực thi cử. Một đất nước phát triển thì không phải như vậy và không nên như vậy. Đó phải là đất nước của những đứa trẻ được sống hạnh phúc, ăn những bữa cơm thật ngon, trò chuyện cùng bố mẹ và đi công viên vào ngày cuối tuần thay vì những lớp học thêm và các tiết phụ đạo đến tối khuya sau giờ tan trường. Liệu những đứa trẻ không biết mình là ai, mang một tâm hồn trống rỗng, học hành như một cái máy để thỏa mãn nguyện vọng của người lớn có thể trông đợi gì vào tương lai của bản thân?

"Cửa tiệm thời gian" chỉ là một quyển văn học thiếu nhi nhuốm màu kì ảo, nhưng tác giả đã vạch trần sự tàn khốc mà xã hội đặt lên vai những đứa bé còn quá non nớt. Điểm số và thi cử như những sợi dây vô hình, bất cứ lúc nào cũng có thể thít chặt cổ họng của các em. Rõ ràng người lớn đã biết, nhưng lại không có ý nới lỏng sợi dây ra, mà chỉ luôn miệng nói: "Cố lên. Đừng bỏ cuộc. Một chút nữa thôi là tốt rồi".

"Bạn sẵn sàng đi xa đến đâu để đạt được mục đích của mình"?

Đối với câu hỏi này, cô bé Yoon Ah trong câu chuyện "Cửa tiệm thời gian" không hề ngần ngại chọn đáp án bán hạnh phúc. Cứ mỗi một ký ức hạnh phúc bán đi, cô bé sẽ thu về mười phút mà thời gian và vạn vật ngừng trôi. Trong mười phút này, Yoon Ah sẵn sàng làm mọi thứ để có được điểm số hoàn mỹ nhất, kể cả phải quay cóp bài của người khác. "Cửa tiệm thời gian" chỉ là một quyển sách mỏng cỡ 200 trang, nhưng lại đặt ra một vấn đề mang tính thời sự mà cả xã hội vẫn đang trăn trở: "Đã đến lúc hồi sinh những cuộc đời bị trì hoãn của con trẻ.".

Mình biết, không có cha mẹ nào không muốn tốt cho con, nhất là trong thời đại cạnh tranh khốc liệt như hiện tại, thì việc giáo dục là ưu tiên hàng đầu ngay cả khi đứa trẻ đó chỉ mới ra đời. Cô bé Yoon Ah trong truyện chỉ mới học lớp 5 thôi, nhưng cuộc sống của em chỉ xoay quanh việc học, bài kiểm tra, lớp học thêm, bài giảng trực tuyến, gia sư tại nhà. Thậm chí ngay cả khi ăn sáng, mẹ em cũng mở radio tiếng Anh để em vừa ăn vừa ôn luyện. Mẹ em luôn nói "Cố lên, một chút nữa thôi, vào được trường trung học quốc tế là tốt rồi". Nhưng cái "một chút" này, còn phải cố đến bao giờ?

Áp lực từ mẹ càng lớn, hạnh phúc Yoon Ah phải bán đi càng nhiều. Những kỉ niệm về người bố đã mất, về người bà mà em luôn yêu thương, về người bạn thân đã luôn động viên em cứ thế cứ trôi tuột đi như những hạt cát giữa kẽ tay. Điểm số của Yoon Ah càng cao, sự ngưỡng mộ của thầy cô và niềm tự hào của mẹ càng tăng, nhưng Yoon Ah chỉ cảm thấy trống rỗng. Bởi vì đó không phải là "hạnh phúc" thật sự của em. Ký ức cũng giống như thời gian vậy, một khi đã mất đi thì sẽ không trở lại, dù Yoon Ah đã hối hận và chọn cách quay ngược đồng hồ, nhưng những ký ức quay về chỉ là những mảnh rời rạc chắp vá, mãi mãi không thể trả lại cho em sự ấm áp vui vẻ thuở nào. 

Em sách này lấy bối cảnh xã hội Hàn Quốc hiện đại, kể về cuộc sống của một cô bé luôn phải chịu áp lực của học hành để đáp ứng sự kỳ vọng của mẹ. Trong một lần tình cờ, em có được chiếc đồng hồ có thể mua thời gian (10 phút mỗi ngày) bằng một ký ức hạnh phúc. Những tưởng thời gian có được sẽ giúp em có thêm một chút rảnh rỗi trong suốt những ngày chỉ toàn học là học, nhưng ngược lại, thời gian mua được không được sử dụng đúng cách càng khiến em mệt mỏi hơn. Không chỉ vậy, mỗi ngày trôi qua, em càng cảm thấy trống rỗng vì mình chẳng còn ký ức hạnh phúc nào.

Trong "Xưởng phép thuật" có một câu mình rất thích: "Ký ức tạo nên một con người, là kinh nghiệm và tri thức tích lũy được theo thời gian của cả đời người". Nếu không còn ký ức, chúng ta giống như những kẻ sống mà chẳng biết mình là ai, hay đang đi tìm kiếm điều gì trong cuộc đời này. Vậy nên với cô bé nhân vật chính, khi càng mất đi nhiều kí ức, em càng thấy cuộc sống này thật trống rỗng. Cứ như em đang vay mượn cuộc đời của một ai khác, chứ không phải của chính mình.

Trong sách còn nhiều tình tiết tác giả viết ra nhưng lại không khai thác hết, tạo nên một cái kết chưng hửng và còn nhiều bối rối. Phần cuối đi quá nhanh chưa đủ để mình thấy sự thay đổi rõ ràng nơi cô bé nhân vật chính hay sự chuyển biến gì trong cuộc sống sau này của hai mẹ con.

Dù vậy, thông qua tác phẩm này, tác giả đã lột tả được cuộc sống chung của những bạn trẻ ở Hàn Quốc, lúc nào cũng phải sống dưới áp lực của học hành, thi cử, thành tích mà không có chút niềm vui nào trong cuộc sống. Tác phẩm cũng khắc hoạ được sự ngột ngạt, mệt mỏi và bí bách của những người con không biết, hoặc không thể sống theo cách mình muốn.

Cuốn sách này sẽ mang lại sự đồng cảm với nhiều bạn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, khi chuyện học tập và sự kỳ vọng luôn là gánh nặng đè trên vai các bạn. Tác phẩm đồng thời cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những bậc cha mẹ, bạn có đang tạo áp lực cho con cái vì mải chạy theo “tiêu chuẩn đúng” của xã hội không? Dù thế nào đi nữa, ký ức và hạnh phúc của con người không phải là thứ có thể để dành “sau này” bù đắp cũng được…

“Giá như có thời gian để đọc một mạch từ đầu đến cuối” - Con đọc truyện này chưa? - Con đọc hết rồi. - Truyện nói về cái gì đấy con? - Truyện à? Uhm… Mẹ đọc đi rồi biết! =)) Tôi mua cuốn sách này cách đây hơn 5 tháng vì tựa sách ấn tượng. Lúc đó là thời điểm chuẩn bị nghỉ hè của bạn lớn và tôi đang tìm kiếm 1 kế hoạch nghỉ hè phù hợp cho bạn ấy. Với mong muốn rằng bạn ấy có nhận thức tốt hơn về giá trị của thời gian và dần biết tự lập kế hoạch nho nhỏ cho bản thân. Có lẽ tìm hiểu một cách chủ động qua những trang sách sẽ tốt hơn là “học” bị động từ mẹ. “Cửa tiệm thời gian” với nhân vật chính là cô bé Yoon Ah đang học lớp 5. Cô bé là một học sinh chăm chỉ và luôn có thành tích tốt trong học tập. Thời gian biểu hàng ngày của cô bé là đến trường, ra khỏi cổng trường, kiếm tạm cái gì ăn cho đỡ đói, lên xe bus/ hoặc đi bộ đến trung tâm học thêm rồi trở về nhà khi trời đã tối. Còn mẹ của cô bé vẫn đang miệt mài với công việc để kiếm tiền. Cô bé sẽ không tìm ra được câu trả lời “mình là ai?” nếu cô bé không đến cửa tiệm thời gian và thực hiện những giao kèo. Để rồi, mỗi một lần kết thúc một giao kèo, cô bé nhận ra mình đã đánh mất những thứ tưởng như không quan trọng. Bà mẹ trong truyện quả là “bà mẹ quốc dân”. Thế nên bất cứ bà mẹ nào cầm trên tay cuốn sách này cũng sẽ giật mình thấy mình ở đó. Đôi khi, điều mà các bà mẹ cho là quan trọng nhưng chưa chắc những đứa con của mình cũng cảm thấy như vậy. Đôi khi, chúng ta miệt mài với bận rộn đời thường mà không để ý đến tâm trạng của đứa trẻ. Chúng ta đang làm mọi việc không đúng lúc. Đi đường thì không tập trung lái xe mà mải nghĩ đến tối nay ăn gì nên đi lạc đường. Đưa con đi chơi thì tranh thủ lên mạng xem tin tức nên không chơi lúc nào dành thời gian với con. Cho con đi học trước để khi con vào lớp 1 học hành đỡ vất vả... Đọc “Cửa tiệm thời gian”, có thể, các bà mẹ sẽ nhìn thấy một phần của mình ở đó mà bình thường chúng ta không nhận ra. “Tôi vừa ăn xong, mẹ đã nhắc. Tôi vốn rất thích đọc sách. Thậm chí tôi còn nghĩ giá mà cả ngày chỉ cần đọc sách thôi thì tốt biết mấy. Nhưng ngay đến cả việc đọc sách mẹ cũng can thiệt vào nên tôi mất hứng thú đọc. Mỗi khi gập sách lại, nghe mẹ hỏi cảm nhận được gì mà tôi toát mồ hôi hột. Giờ đối với tôi tất cả sách trên đời cũng giống hệ sách giáo khoa mà thôi.” – Tr119 (Cửa tiệm thời gian – Lee Na Young)

Câu chuyện kể về một cô bé thông minh, lúc nào cũng đứng ở vị trí số 2 của một ngôi trường danh tiếng toàn quốc, tức là rất giỏi – nhưng do bị gia đình và mọi người kỳ vọng quá nhiều mà trở nên áp lực, luôn nghĩ rằng mình yếu kém, thất bại đến mức phải mua thời gian để gian lận… Mới chuyển trường mới, nhưng Yoon Ah đã có một đối thủ cạnh tranh mà mẹ cô bé đã định sẵn từ trước: "phải thắng được Soo Young", "đạt điểm cao nhất lớp", cũng chính là "đứng đầu toàn trường"... đó là những gì mẹ Yoon Ah gieo vào đầu cô bé, vô hình chung trở thành một thứ áp lực nặng nề tước lấy tuổi thơ của Yoon Ah. Để đáp ứng những kỳ vọng ấy, Yoon Ah đành phải dùng chiếc đồng hồ thời gian để có thêm giờ làm bài, giờ thi cử, rồi làm cả nhiều chuyện sai trái nữa. Đổi lại, những ký ức đẹp đẽ cứ thế mất dần, vì chiếc đồng hồ đã lấy đi chúng. Đứng vị trí số 1 quan trọng hơn, hay kỷ niệm quan trọng hơn? Hẳn chúng ta sẽ nghĩ ký ức thì nhiều lắm, và nó đã thuộc về quá khứ rồi, mà quá khứ thì không thể thay đổi hiện tại. Nhưng thiếu đi những mảng ký ức ấy, Yoon Ah dần trở nên vô cảm, quên mất mình là ai và quên mất những người xung quanh đã từng quan trọng với mình như thế nào. Yoon Ah sẽ làm gì để sửa chữa lại những sai lầm ấy, khi ông cụ đưa cho cô bé chiếc đồng hồ không hề có ý định lấy nó lại? "Hàng đã mua, miễn đổi và trả lại" – ông cụ chỉ thay đổi chút tính năng của cái đồng hồ mà thôi! Có lợi hơn, hay thiệt hơn cho cô bé Yoon Ah? Câu trả lời nằm ở nửa sau câu chuyện, vì những yêu cầu của mẹ Yoon Ah với cô bé ngày càng tăng. “Cửa tiệm thời gian” đã gợi hình dung về một xã hội Hàn Quốc với những cơn bão thi cử, gánh nặng cạnh tranh khốc liệt dồn ép những đứa trẻ đánh mất tâm hồn ngây thơ, trong sáng. Có lẽ phải tới khi chúng bị cô lập, suy nhược, hay mắc phải các triệu chứng thần kinh... những đứa trẻ ấy mới có thể được giải thoát!

“Chiếc đồng hồ này sẽ cho cháu mười phút mà trên thế gian này chỉ mình cháu có thể sử dụng. Đổi lại chỉ cần trao đi ký ức về thời khắc cháu thực lòng hạnh phúc. Nào, có muốn giao kèo với ta không?” Bạn thiếu thời gian? Bạn có cả núi bài tập chất ngất phải giải quyết? Chỉ vài phút nữa là hết giờ kiểm tra? Hay sắp muộn học tới nơi rồi? Ấy mà, đúng lúc này, một tháp đồng hồ nguy nga, tráng lệ, cùng một ông cụ râu tóc bạc phơ hiện ra và nói: “Chiếc đồng hồ này sẽ cho cháu mười phút mà trên thế gian này chỉ mình cháu có thể sử dụng. Đổi lại chỉ cần trao đi ký ức về thời khắc cháu thực lòng hạnh phúc. Nào, có muốn giao kèo với ta không?” Trước một lời mời mọc hết sảy như thế, thật khó mà không gật đầu cái rụp! Nhưng rồi Yoon Ah dần dần mới thấy: hóa ra đứng nhất toàn trường bằng cách này chẳng vui như cô bé tưởng. Ngỡ như niềm vui cùng ký ức hạnh phúc đã bay đâu mất rồi… Hạnh phúc ở nơi đâu? Quá khứ – Hiện tại – Tương lai, điều gì mới quan trọng? Không gian kỳ ảo, câu chuyện lạ thường, Cửa tiệm thời gian sẽ giúp chúng ta tìm ra câu trả lời đích thực.

“Cửa tiệm thời gian” được dịch nguyên bản từ tiếng Hàn của tác giả Lee Na Young – một tác giả thiếu nhi nổi tiếng. Cuốn sách được tô điểm bởi những bức minh họa của họa sỹ Yoon Jeong Joo. “Cửa tiệm thời gian” đoạt giải thưởng Văn học thiếu nhi Munhakdongne lần thứ 13. Cuốn sách kể về một cô bé lớp Năm tên là Yoon Ah sống cùng với mẹ. Ba cô bé đã mất khi em còn nhỏ vì bệnh. Bà ngoại của cô bé sống ở quê và cô bé có một người bạn thân tên là Da Hyun. Câu chuyện bắt đầu bằng việc Yoon Ah vội đến lớp học thêm tiếng Anh sau giờ trực nhật, trên đường đi cô bé tình cờ gặp được cửa tiệm thời gian trong khi suýt muộn học. Vừa tò mò, vừa vội, cô bé đã bước chân vào cửa hàng kỳ lạ này, đồng thời bắt đầu nhận lấy chiếc đồng hồ đeo tay màu xanh lá – thứ thay đổi toàn bộ cuộc sống của mình sau này và tiến hành giao dịch với “ông chủ”. “Ông là chủ cửa tiệm này ạ?” “Chủ? Vì thời gian là của ta nên cũng có thể là vậy, mà vì thời gian là của cháu nên cũng có thể không phải vậy.” Cái giá đưa ra thật đơn giản: 10 phút thời gian thêm vào đổi lấy 1 ký ức hạnh phúc. Mỗi ngày chỉ được mua 1 lần. Yoon Ah đã thầm nghĩ rằng để có thêm thời gian thì chút ký ức nhỏ bé này đáng gì, và vì thế cô bé bắt đầu sử dụng chiếc đồng hồ đeo tay. Lần đầu tiên, em mua 10 phút để đến lớp học thêm cho kịp giờ. Lần thứ hai, cô bé sử dụng trong giờ kiểm tra Toán. Lần thứ ba, thứ tư,… Dần dần Yoon Ah bị phụ thuộc vào cái đồng hồ này. Sau đó, cô bé không còn nhớ được ký ức vui vẻ nữa, vì thế đồng hồ không hoạt động. Cô bé quay lại tiệm và lần này sau khi “sửa đồng hồ”, 2 ký ức vui vẻ sẽ đem lại 10 phút tăng thêm. Yoon Ah nhận ra ký ức của em dần biến mất. Quay trở lại cửa tiệm thời gian, lần này giao dịch thay đổi: 10 phút mất đi đổi lấy 1 ký ức quay lại. Thế nhưng, ký ức mà cô bé nhận được lẫn lộn thật giả. Yoon Ah trở nên hoang mang tột độ, cái nào là thật, cái nào không phải đây? Vừa sợ hãi, vừa quyết tâm, Yoon Ah đến cửa tiệm thời gian một lần nữa, trong lúc kích động cô bé đập vỡ chiếc đồng hồ đeo tay. Mọi thứ trong cửa tiệm bắt đầu sụp đổ, và cô bé sợ hãi nên chạy mất. Câu chuyện kết thúc bằng suy nghĩ của Yoon Ah: Cúp máy xong, tâm trạng tôi phấn chấn lạ thường. Trong lúc cùng mẹ đi bộ về nhà tôi có nên kể lại những chuyện đã xảy ra trong thời gian qua không nhỉ? Nghĩ mới thấy đã lâu lắm rồi tôi không đi bộ với mẹ. Dù có thể đoán ra phản ứng của mẹ, nhưng như bà ngoại đã nói ấy, con người ta không biết chuyện gì sẽ chờ đợi mình phía trước… Người ta thường nói sách truyện phản ánh hiện thực xã hội. Quả đúng như vậy, từng ngày từng ngày, từ khi mới mở mắt ra đến khi đi ngủ, gánh nặng thành tích luôn đè nặng lên vai Yoon Ah. Cô bé nghe đĩa tiếng Anh trong khi ăn cơm, đi đến lớp học thêm sau khi tan học chính, giải đề luyện toán trong giờ giải lao. Lịch trình gắt gao đến nỗi cô bé nghĩ mẹ đã coi mình thành một khách hàng của mẹ và sắp xếp thời gian biểu chật kín. Mẹ của Yoon Ah thật bận kiếm tiền, bà làm việc suốt ngày, chẳng mấy khi hai mẹ con ăn cơm tối cùng nhau, ấy vậy mà mỗi khi gặp, câu chuyện của hai mẹ con chỉ xoay quanh những lời như bài kiếm tra được bao nhiêu điểm, làm sai mấy câu kèm theo vô vàn lời động viên kiêm thúc ép cố gắng học tập. Yoon Ah cảm thấy em như một con rối giải bài, một món hàng trong dây chuyền sản xuất đang chờ người ta lắp ráp linh kiện. Đọc cuốn sách này có lẽ đôi khi chúng ta quên rằng đây chỉ là một cô bé 10 tuổi. Trên thực tế, không chỉ Hàn Quốc mà toàn bộ châu Á đều chạy theo thành tích. Chúng ta tạo nên trong mắt bạn bè quốc tế về một hình ảnh học sinh cắm đầu vào học, học học và chỉ học. Phần lớn khi đi du học sinh viên châu Á sẽ tụ lại với nhau, bởi vì 12 năm bị bắt ép ngồi ì trong lớp miệt mài làm bài đã vô hình chung làm khuyết thiếu những kỹ năng mềm của cả một thế hệ. Bạn bè nghĩ rằng dân châu Á “kiêu”, không chịu mở lời, dù đâu biết thật ra họ cũng muốn làm quen và hòa đồng nhưng ngại. Quay lại với cuốn sách, có lẽ vì Hàn Quốc là một đất nước phát triển, nên sự cạnh tranh ganh đua càng cao. Chúng ta không hiếm gặp cảnh tượng học sinh các cấp chạy ào đến trung tâm học thêm cho đến khuya mới về nhà. Không đi học thêm hoặc học kém sẽ bị bạn bè nhìn ngó. Một hậu quả dễ nhận thấy nhất có lẽ là tỷ lệ tự tử ở độ tuổi học sinh của Hàn Quốc cao nhất châu Á. Trong truyện, Yoon Ah luôn đứng thứ hai, và mẹ em muốn em xếp thứ nhất. Bản thân em cũng muốn xếp thứ nhất trong lớp. Soo Young là cô bé học giỏi nhất lớp ở trường mới của Yoon Ah. Cô bé có thật nhiều bạn bè vây quanh. Mẹ Yoon Ah muốn em làm thân với Soo Young nhưng với tính cách ít nói kèm theo một ít ganh tị, em chẳng mấy khi nói chuyện với Soo Young. Lòng đố kị có thể đẩy người ta sa ngã. Yoon Ah đã dùng 10 phút mua thêm ở cửa tiệm thời gian để chép bài thi toán của Soo Young. Kết quả như mong đợi, Yoon Ah đứng nhất lớp, em đạt điểm tuyệt đối tất cả các bài thi học kỳ. Em cảm giác như mình đã thắng được Soo Young! Thế nhưng, đến khi vô tình nghe được Soo Young nói chuyện với bạn trong phòng vệ sinh, em mới phát hiện ra thì ra Soo Young chẳng hề để ý đến vị trí xếp nhất này. Đây quả là một câu chuyện không hề hiếm trong học đường. Luôn luôn có những người vì ghen tị, vì tính ganh đua cao thấp mà không từ bất kỳ thủ đoạn nào để đạt được kết quả như mong muốn. Yoon Ah mới học lớp Năm thôi, nhưng em đã gian lận trong bài thi Toán. Em còn xấu tính nhét thỏi son của Mi Ra vào cặp của Soo Young nhằm gây nên hiểu nhẫm giữa hai người bạn. Có lẽ em không hề nhận ra rằng, em đang quá phụ thuộc vào cửa tiệm thời gian cũng như tâm hồn em không còn sáng trong như trước. Khi mình học cấp hai, mình làm cán bộ lớp phát phiếu điểm và kiểm tra chữ ký phụ huynh của các bạn. Trong lớp có một cô bạn có tính ganh đua cực kỳ cao. Mình cảm tưởng như lúc nào cũng thấy cô bạn ra sức làm bài. Đó cũng chính là lí do khiến mình ấn tượng với “Cửa tiệm thời gian”, vì cuốn sách quá dễ đọc và dễ dàng được bắt gặp trong cuộc sống. Một lần, cô bạn kia bị một điểm 1, và cô bạn ấy không chịu đưa phiếu điểm cho phụ huynh ký. Đến khi cô giáo phát hiện ra, bạn ấy nói rằng mình đã nộp chữ ký rồi, do cán bộ lớp giữ không cẩn thận. Mình mở khóa tủ lớp, lôi ra toàn bộ phiếu điểm từ đầu năm, yêu cầu 3 bạn trong lớp kiểm tra hộ. Kết quả đã rõ ràng. Sau đó cô bạn đó buộc phải về xin lại chữ ký, và khi nộp mình nhớ bạn ấy dập mạnh tờ giấy lên bàn mình đang ngồi. Trước kia bạn ấy đã xúi giục các bạn trong lớp tẩy chay mình. Giờ nghĩ lại mới thấy hành động ấy xấu xí biết bao! Sau đó 3,4 năm, khi họp lớp cô bạn ấy đã rất xấu hổ khi bắt chuyện lại với mình. Mình nhớ rằng có lần mình đọc được một bài báo trên mạng nói rằng sinh viên Hàn Quốc bất mãn vì tiêu chuẩn tuyển chọn đầu vào của các trường đại học cho sinh viên nước ngoài quá dễ. Kỳ thi cuối cấp của học sinh trung học phổ thông Hàn vất vả và căng thẳng như thế, mà chỉ tiêu lựa chọn lại quá ít. Ai ai cũng muốn vào một trường danh tiếng. Trong truyện, Yoon Ah chưa học phổ thông, nhưng mẹ em muốn em luôn phải có điểm thật cao, thật tốt để vào trường trung học quốc tế. Một hình ảnh cả xã hội nhao đi học thêm, nhồi nhét thúc ép con em mình học chưa bao giờ được khắc họa rõ nét hơn thế. Trong lời bình của nhà phê bình Yoo Young Jin cuối sách, chi tiết ký ức được nhắc đến như phép ẩn dụ. Trong cuộc sống, những em nhỏ ngày ngày lao đi học thêm nghiễm nhiên không có thời gian để chơi đùa, dẫn đến không có “ký ức hạnh phúc”. Ký ức vui vẻ trong truyện được định nghĩa là ký ức không phải cảm nhận bằng lí trí mà bằng cả cơ thể và trái tim. Tôi thiết nghĩ đây quả là một phần đắt giá của câu chuyện này. Ngoài ra, có lẽ thông qua câu chuyện tác giả cũng muốn gửi lời cảnh tỉnh tới các bậc phụ huynh ngoài kia. Soo Young học giỏi phải chăng vì mẹ cô bé quan tâm chăm sóc, như là đưa đón sau giờ học, mời bạn bè của Soo Young đến nhà ăn teokbokki? Mẹ của Yoon Ah quan tâm tới em, nhưng là trên phương diện ăn mặc. Quá mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc, bà chỉ có thể quan tâm cho Yoon Ah được ăn đủ chất, uống đủ vitamin, có đủ sức khỏe để tiếp tục học. Phải chăng nếu như bà chịu hỏi thăm thêm về việc ở trường lớp, hay đơn giản là ngừng thúc ép Yoon Ah thì em đã không làm quá nhiều việc không tốt như thế kia? Yoon Ah ghen tị với Young Hoon vì cậu bé có thể vẽ vời như ý muốn. Nhưng có thật là Young Hoon vui sướng hơn Yoon Ah không? Khi cậu bé luôn đeo nặng trên vai áp lực đạt điểm tốt môn tiếng Anh vì đã đi học ở Canada, hay khi cậu bé được vẽ như ý thích nhưng lại là học ở lò luyện vẽ? Trẻ con có một đức tính cực tốt, đó là mau nhớ mau quên. Gần cuối truyện, Young Hoon rủ Yoon Ah tới triển lãm tranh của mình cùng Soo Young và Mi Ra. Mi Ra không ưa Yoon Ah, thậm chí còn cố ý ném bóng ném thật mạnh về Yoon Ah trong giờ thể dục. Nhưng thông qua cầu nối Young Hoon, cậu bé đã thành công mời Yoon Ah tới tham gia chung cùng mình ở buổi triển lãm tranh cùng hai cô bé còn lại. Tuy nhân vật Yoon Ah trong truyện không bày tỏ nhiều suy nghĩ về việc này nhưng tôi nghĩ đây là một cách mà tác giả muốn kéo Yoon Ah ra khỏi vòng xoáy luẩn quẩn cũng như tạo cho em những người bạn mới, những kỷ niệm mới. Tổng kết lại, “Cửa tiệm thời gian” là một cuốn sách dễ đọc với những hình minh họa màu mè sặc sỡ nhìn rất vui mắt. Quyển truyện không dài quá, đủ để bạn dành ra một buổi tối rảnh rang bên ly trà ấm áp. Chúng ta hoàn toàn có thể rút ra được nhiều bài học cũng như suy nghĩ sâu kín mà tác giả gửi gắm qua từng trang sách.