Trong cuộc sống có rất nhiều câu hỏi khó trả lời như: “Mình là ai?”, “Thế giới này thực sự là gì?” và vô vàn câu hỏi khác mà chúng ta không thể một sớm một chiều là có thể tìm ra. Chú chim bay không quay đầu ngoảnh lại của Shiva Ryu như một cuốn nhật ký ghi lại hành trình tìm kiếm câu trả lời của những hỏi đó và cả những câu chuyện về nhân sinh cuộc đời.

Về bản chất con người chính là “người đi đường”. Không chỉ quãng đường dịch chuyển của không gian mà còn là con đường dịch chuyển từ hiện tại đến tương lai, quá trình từ khi sinh ra đến khi chết đi

Nếu như bạn từng đọc những cuốn sách "Hạt giống tâm hồn" thì cuốn sách này cũng có một motip giống như thế: những câu chuyện được kể ra và đằng sau nó là những bài học cuộc sống. Nhưng Chú chim bay không quay đầu ngoảnh lại không chỉ dừng lại như thế mà nó đặc biệt hơn nhiều. Mỗi câu chuyện trong cuốn sách là từ chính cuộc hành trình trải nghiệm cuộc đời của tác giả, từ những lần gặp gỡ và từ những cảm nhận của bản thân về những tác phẩm, về câu chuyện của người khác. Có rất nhiều tác phẩm được Shiva Ryu đề cập đến, đó có thể là một tác phẩm văn học, một đoạn kinh không nhiều người biết và cả những tác phẩm nổi tiếng nhưng lại được ông nhìn nhận ở góc độ khác. Lại có những câu chuyện không rõ từ đâu, có phải do tác giả tự viết hay là câu chuyện không có thật nào đó, nhưng ta đọc lên lại thấy rất thú vị, không hề vô lý và đằng sau nó là một bài học vô cùng sâu sắc. Có thể do vốn sống của tớ còn ít, suy nghĩ, nhận thức của mình còn chưa chín chắn nên khi đọc cuốn này thấy tầm mắt của mình được mở rộng rất nhiều và thấy mến mộ cách nhìn, chiêm nghiệm của tác giả mà không phải ai cũng dễ dàng có được.

Tôi nghĩ trong cuộc đời chúng ta đã để lỡ rất nhiều thứ, nhưng điều mà ta để lỡ nhiều nhất chính là ‘những thời khắc hiện tại’. Cuộc sống luôn chuẩn bị sẵn sàng cho ta những thứ cần thiết bất cứ lúc nào. Giờ đây tại giây phút này sự phân bố của các hành tinh đã vốn hoàn hảo rồi.

Những con người chúng ta bắt gặp trong những câu chuyện có thể là một bộ tộc nào đó: bộ tộc Kogi ở phía Bắc dãy núi Andes, tộc người da đỏ Lakota ở Bắc Mỹ,… từ xa xưa, một làng nhỏ ít người biết đến hay chỉ là trong tưởng tượng của một tác phẩm. Nhưng ở mỗi nơi họ đều có cách biết ơn cuộc sống, tạo dựng hạnh phúc riêng cho mình. Họ có câu chuyện riêng của họ và câu chuyện đó được truyền nối tiếp từ đời này sang đời khác, từ những người dân trong làng tộc truyền đạt lại cho cả người ngoại lai. Đó không chỉ là bản sắc, là nét đặc trưng của họ mà còn là một mảnh ghép của cuộc sống, góp phần tạo nên một thế giới còn nhiều điều tốt đẹp và diệu kỳ này.

Sự liên kết

Khi tớ đọc cuốn sách này, rồi liên hệ lại với những cuốn tớ đã từng đọc thì tớ nhận ra một điều mình rất tâm đắc mà bấy lâu nay mình ít để ý đến: Sự liên kết. Trước đây tớ cứ nghĩ rằng chỉ những người chúng ta quen biết, thân thuộc với mình thì mới có sự liên kết. Nhưng thực sự tất cả chúng ta đều có liên kết với vạn vật, dù là vật vô tri vô giác hay những con người xa lạ. Liên kết đó vô hình nhưng vẫn luôn hiện hữu. Vì có sự liên kết giữa ta với vạn vật mà ta có thể đồng cảm được cảm xúc, nỗi đau, buồn vui của người khác. Nếu ta tin vào sự liên kết này thì chúng ta sẽ không hề muốn làm người khác, thiên nhiên, vạn vật tổn thương cũng như chính mình không muốn buồn khổ vậy . 



Có một câu chuyện tên “Mặt trong mặt” trong cuốn sách được kể như thế này: Joanna Macy, một nhà vận động xã hội học đã đến một làng dân tị nạn Tây Tạng ở Dalhousie, chân dãy Himalaya Bắc Ấn Độ để giúp đỡ khôi phục nền kinh tế và phúc lợi cho họ. Bà cho rằng bản thân mình đã hiểu rõ về lòng từ bi nhưng tại nơi đây bà đã biết một khái niệm hoàn toàn mới. Một nhà sư Tây Tạng đã giải thích cách nuôi dưỡng lòng trắc ẩn với mọi người bằng sự nhận thức rằng tất cả mọi sinh linh đều nằm trong vòng luân hồi lặp đi lặp lại vô số lần nên bất kỳ sinh vật nào cũng có khả năng lớn đã từng là mẹ của ta ở kiếp trước nào đó. Joanna là người không tin vào cuộc sống kiếp trước lắm nhưng khi bà gặp một người đàn ông vác một đống đồ nặng trên lưng đi nhọc nhằn lên đường núi, bà đã chợt nảy ra ý nghĩ không biết liệu trong quá khứ người đàn ông này có từng là mẹ của mình không. Bà muốn nhìn kỹ khuôn mặt người đàn ông ấy, bà muốn biết người đó là ai. Khoảnh khắc nhìn thấy khuôn mặt ông, niềm vui và sự đau khổ cùng lúc lẫn lộn kéo đến. Bà nhìn thấy thấy trong khuôn mặt nhăn nheo của người đàn ông này hiện lên khuôn mặt của mẹ bà. Bà muốn vuốt ve khuôn mặt ấy, muốn nhìn vào đôi mắt đang hướng xuống đất ấy và muốn được chia sẻ gánh nặng đang đè nặng trên vai ông. Quan điểm về lòng từ bi hướng về sự  bất công trong xã hội của bà giờ đây đã biến thành lòng trắc ẩn và đồng cảm với một con người. Lòng trắc ẩn và sự đồng cảm càng lớn không có nghĩa là lòng từ bi của ta bao la, mà đó là sự quan tâm tự đáy lòng đối với một con người bình đẳng với mình.

 

Bài ca của chúng ta

Những câu chuyện trong Chú chim bay không quay đầu ngoảnh lại không chỉ giúp ta trả lời một số câu hỏi khó mà còn khiến chúng ta đặt ra câu hỏi mới mà bấy lâu mình không hề nghĩ đến. Một câu hỏi mà tớ nghĩ đến đó là: Cái tên của chúng ta thực sự có ý nghĩa gì? Mỗi chúng ta ai cũng có một cái tên, dù hay hay không hay thì nó cũng sẽ đi cùng ta đến cuối cuộc đời. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng cái tên của mình nó lại đang bó mình vào một giới hạn nào đó không? Chẳng hạn như bạn có một cái tên nghe thật nữ tính, thùy mị và mọi người tự nhiên mặc định bạn phải hiền dịu nhưng thực sự tính cách bạn lại rất mạnh mẽ. Hay khi chúng ta nhìn vào một tờ danh sách tên, có một cái tên lạ có thể là từ một người ngoại quốc, tự nhiên não ta nảy ra suy nghĩ rất tò mò và đặt ra vô vàn giả thuyết về người đó.

Nếu quên đi tên tuổi, giới tính và giống loài, nếu ta bỏ sự phân biệt con người và thực vật, thì chúng ta, tất cả mọi sinh mệnh giống nhau sẽ trở thành một dòng chảy.

Cái tên chỉ là một thứ gì đó thể hiện cái vỏ sự tồn tại của bạn và nó không thể nói lên con người bạn là ai, là như thế nào. Hình ảnh mà mọi người nhìn thấy ở bạn ngày hôm nay, câu chuyện mà họ được nghe về bạn không phải là toàn bộ con người bạn. Chúng ta thay đổi từng ngày từng giờ, dù cố phủ nhận ra sao thì đó vẫn là một chân lý. Trong cơ thể chúng ta các tế bào mới được sinh ra, các hoạt động trao đổi sản sinh chất. Trong tâm trí ta, mỗi ngày mỗi giờ bạn học được một điều gì đó, gặp một ai đó, suy nghĩ về cuộc sống hay bất cứ vấn đề nhỏ nhoi gì cũng sẽ thay đổi. Con người thường phán xét nhau một là dựa trên dáng vẻ, bề ngoài, hai là dựa trên quá khứ. Nietzsche đã viết trong cuốn “Khoa học vui” như thế này: “Chúng ta thường bị hiểu lầm. Bởi ta lớn lên và thay đổi liên tục từng ngày. Chúng ta cũng giống như những cái cây, mỗi mùa xuân đến lại rũ lớp vỏ cũ và thay áo mới. Tinh thần ta không ngừng trẻ lại, ngày càng lớn lên và mạnh mẽ hơn.” Không ai có thể hiểu hết được con người bạn nên họ không có quyền đánh giá, phán xét bạn. Và ngược lại bạn cũng không thể nhìn thấu hoàn toàn được ai dù bạn có gặp họ hằng ngày đi chăng nữa. Chúng ta ngừng phán xét về nhau, đối đãi với nhau mà không có giới hạn, phân biệt ngăn cách thì cuộc đời này chắc chắn sẽ nhẹ nhàng và tử tế hơn rất nhiều.

Hãy để những con sóng cuộc đời dâng lên rồi lắng xuống. Bạn không mất đi cái gì mà cũng không nhận về cái gì. Bởi vì bạn chính là biển cả.

Câu chuyện “Bài ca của tôi” trong cuốn sách có kể về một bộ tộc Đông Phi có cách riêng để ấn định ngày sinh của một đứa bé và họ cho rằng mỗi người trong tộc đều có một bài hát riêng của mình. Bài hát này sẽ xuất hiện trong tâm trí của người mẹ và bà ấy sẽ hát rồi dạy lại cho mọi người trong tộc bài hát của đứa trẻ ấy. Tất cả mọi người sẽ cùng nhau hát vang bài hát ấy như để chào đón đứa bé đến với cuộc đời. Khi đứa trẻ ấy lớn lên, dù ốm đau, bệnh tật hay có những dấu mốc quan trọng trong đời, những người trong tộc sẽ hát lên bài hát ấy, thậm chí người đó có phạm tội thì bài hát đó cũng được cất lên như một cách để họ nhớ về sự tồn tại của mình, nhớ đến lý do mình đến với thế giới này. Bài hát đó là bản sắc riêng của mỗi người trong bộ tộc ấy, không bài hát nào giống bài hát nào. Người sở hữu bài hát của riêng mình được kết nối với thế giới qua chính ca khúc này. Cho đến khi người đó nằm xuống, toàn thể bộ tộc tập hợp lại hát lần cuối cùng bài hát của người đó, làm như vậy người đó sẽ được chào đón về thế giới của những linh hồn đã ra đi. Có thể đó là tục lệ riêng của bộ tộc đó nhưng tớ nghĩ rằng tất cả chúng ta ai cũng đều có một bài hát riêng của mình. Bài hát đó chỉ là một cách tượng trưng cho sự tồn tại của chúng ta và chúng ta có vô vàn cách để nhớ đến sự tồn tại của mình. Thực sự việc luôn ghi nhớ đến sự tồn tại của mình rất quan trọng. Nghĩ về sự tồn tại của bản thân là bước tiên quyết để yêu chính mình và khi ta đã trân trọng ta thì ta cũng sẽ nhận ra bản thân người khác cũng đáng quý nhường nào. Chúng ta có mặt trên đời này thôi đã là một điều kì diệu rồi. Không ai được sinh ra là một lỗi lầm cả, chúng ta sống đôi khi khiến bài hát có lệch nhịp, lạc nốt thì chỉ cần nhớ bản thân ta là một điều quý giá và ta phải sống sao cho đáng sống. Đã bao lâu rồi bạn chưa thử cất tiếng hát của bản thân? 


Kết luận:

Đây thực sự là một cuốn sách có nhiều điều khác biệt so với những cuốn tớ đã từng đọc. Nó không chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho ta những suy nghĩ, góc nhìn của tác giả về cuộc sống mà còn khiến mình đặt ra nhiều câu hỏi hơn. Những câu trả lời ấy không nằm ở trong một cuốn sách nào đó, từ một chuyên gia nào đó mà nằm ở chính trong cuộc hành trình của các bạn. Không những thế mỗi người lại có một câu trả lời khác nhau tùy thuộc vào chúng ta trải nghiệm hành trình cuộc sống như thế nào. Tôi và bạn, ai cũng đều là tác giả, là nhân vật chính trong cuộc đời của mình. Lời cuối, xin được trích dẫn một câu hỏi của tác giả đến với những người sẽ đọc cuốn sách này: “Rồi một ngày cuộc sống đến bắt chuyện với ta , bạn sẽ kể câu chuyện gì?”


Review chi tiết bởi Tuyết Ngân - Bookademy

Deal mua sách này giá tốt hiện tại: https://goo.gl/vZDiSy hoặc https://goo.gl/T7yLa3

-----------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

Xem thêm

Diệu kỳ một mình

Và rồi trong hôm chiều nắng đi dạo nhà sách, mình bắt gặp một cuốn sách nằm vỏn vẹn một góc trên kệ. Duy nhất một cuốn, còn lại.

Với một ánh nhìn khi đọc lướt qua tựa sách, mình trong phút chốc bị cuốn trở lại dòng suy nghĩ cũ kỹ, về những tổn thương, lạc lối. 

Mình biết, chính cuốn sách này sẽ là "một cái gì đó" đối với mình.

Tri thức và tình cảm

Mình đã bay, với từng câu chuyện tinh tế. Tâm hồn mình bay nghìn dặm qua núi, qua biển, cảm xúc mình dạo dưới mặt đất, rồi lại vươn chạm đến mây trời. Bay trong "Vũ điệu hạnh phúc", bay qua muôn hoa nở rộ, bay dưới "Ánh nhìn của một nhà thơ", bay đến vùng "Vision Quest".

Sách làm đôi mắt mình sáng rực, trái tim nhảy múa với ý nghĩa sâu sắc từ mỗi câu chuyện. Tất cả tuyệt vời đến khó tin. Những điều mà có lẽ mình không có cơ hội trải nghiệm thực tế hoặc sẽ không thể nhìn nhận được như thế. "Chú chim bay không quay đầu ngoành lại" đã vẽ một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình. Giúp mình biết cảm nhận đa chiều một sự việc, bằng cả trí và tâm.

Một cuốn sách ngập tràn tri thức và tràn đầy yêu thương. Xoa dịu tâm hôn bé nhỏ của mình. Thắp sáng suy nghĩ của mình khi mình ngỡ rằng cuộc sống sẽ luôn vô vị an nhàn. Khiến mình tin rằng, khi chúng ta chân thành, tử tế và yêu thương thì bât cứ điều gì cũng có thể trở nên tốt đẹp.

Sống lại lúc 3 giờ 57 phút

Tất cả những người mình gặp, và tất thảy những chuyện xảy ra trong cuộc đời, mình tin rằng đề có lý do của nó. Và mình biết trân trọng nhiều hơn.

Nếu cứ đau lòng về những chuyện đã qua, cũng giống như việc ép hoa khô hay đếm vết chân chim trên bầu trời. Chỉ có thể giữ được xác hoa không có hương thơm, và cũng chỉ có thể nhớ tên vài loài thiên di, chứ không thể ngăn việc chúng dừng bay giữa bầu trời.

Con tim  của mình đã bị giằng xé bởi nỗi cô đơn và sự mặc cảm, sau đó lành lặn trở lại và trưởng thành xinh đẹp. 

Cuốn sách với điều kỳ diệu nó mang lại cho mình, mình vô cùng biết ơn. Vì mình sẽ chẳng biết cái gì cả, chẳng là gì cả, nếu không đọc qua cuốn sách này. Giá trị nó mang lại, làm bản thân sống lại ngàn lần ở giây phút hừng đông. Mọi thứ chỉ vừa mới bắt đầu thôi. Và cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp như thế. 

Mình sẽ nói một trăm nghìn lần rằng, những vết thương do vấp ngã tuyệt đối không hiển nhiên. Mình sẽ sống lại khoảnh khắc 3 giờ 57 phút, và rồi bình minh sẽ sớm ló dạng, những bông hoa lại xinh đẹp thôi.


0 điểm

Nếu đặt tên mới cho cuốn sách này, tôi sẽ mạo muội gọi là “Tâm Du Ký” – ghi chép về hành trình đi vào lòng người. 51 bài viết với hàng chục chuyến đi của Shiva Ryu mở ra một thế giới nhân văn vừa gần gũi, vừa có phần biến ảo. Người đọc dần nhận ra đó cũng chính là thế giới ta đang sống, và những câu chuyện của Shiva Ryu cho ta sự linh mẫn để thấy hai thế giới ấy là một. Giọng văn nhẹ nhàng, thâm trầm của một con người giàu chiêm nghiệm gợi lên xao động từ những gam màu tĩnh lặng, tạo ra màu sắc trong những nét đơn điệu, hòa lẫn cảm giác lạ lẫm trong vẻ gần gũi, có những câu chuyện triết lý vừa quen vừa lạ, và hơn tất là cho ta thấy biết bao bí mật từ chính các sự vật hiện tượng thô nhám hiển hiện quanh ta. TA NHÌN ĐƯỢC RA CẢ GIÁ TRỊ CỦA BÓNG TỐI, BÊN CẠNH ÁNH SÁNG. GIÁ TRỊ CỦA KHỔ ĐAU, BÊN CẠNH HẠNH PHÚC. VÀ THẤY ĐƯỢC CẢ SỰ NẢY NỞ TỪ CẰN CỖI. Có khi tác giả kể lại một hành trình dài và khó khăn, đôi lúc lại chỉ là một đoạn đường ngắn dẫn đến nơi ở của một người ẩn dật, một chuyến đi thăm lại địa điểm mang nặng kỉ niệm, hoặc một chuyến đi lạc quanh co... ĐÔI KHI ĐƯỜNG VÒNG LẠI CHÍNH LÀ CON ĐƯỜNG TẮT. CUỘC SỐNG ĐƯA CHÚNG TA ĐI ĐƯỜNG VÒNG, VÀ CON ĐƯỜNG VÒNG ẤY LẠI MANG ĐẾN NHỮNG MÓN QUÀ BẤT NGỜ VÀ NHỮNG CUỘC GẶP GỠ KHÔNG HỀ BÁO TRƯỚC. Cuốn sách cho ta biết cách tách mình khỏi những ngộ nhận đeo đuổi bấy lâu và đã trói buộc ta. KHOẢNH KHẮC TA PHÂN LOẠI VÀ ĐỊNH NGHĨA ĐỐI PHƯƠNG BẰNG TÊN, GIỚI TÍNH, NGHỀ NGHIỆP CŨNG CHÍNH LÀ LÚC TA TỪ BỎ TÌNH YÊU VỚI THẾ GIỚI VÔ HẠN ĐÓ. Rất ít khi nhắc đến Phật, nhưng từng ý niệm của Shiva Ryu trước mỗi sự việc ông gặp đều chất chứa lòng bao dung, một ngọn đuốc của Phật đã soi sáng cho từng góc nhỏ trong tâm hồn loài người. “Khi dụng cụ duy nhất mình có là một cái búa thì ta sẽ nhìn tất cả những đối tượng khác như những chiếc đinh nhô lên thật gai mắt. … Mối quan hệ hạnh phúc không đến qua những lời phê phán hay khuyên răn, mà nó đến khi ta chấp nhận sự tồn tại thuần khiết của đối phương.” Cuốn sách là tập ký sự về những chuyến đi, những trải nghiệm bất ngờ, hoặc luận giải về những câu chuyện trong sách vở… nhưng đều nói về những bước chân THOÁT KHỎI VÙNG AN TOÀN… TẠM BIỆT CÁI TÔI Ở QUÁ KHỨ VÀ GẶP GỠ CÁI TÔI MỚI MẺ. Đan cài trong những bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ được tác giả khắc họa là những luận giải lấp lánh minh triết. “Chuyến du hành không phải là đã đến một nơi đẹp nhường nào mà là ở nơi đó ta đã gặp những ai và trái tim có thường xuyên nhớ đến nơi đó không. ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ PHẢI NHÌN BẰNG CON TIM …” * “Khi yêu nhau, ta thì thầm vì trái tim ở gần, không cần to tiếng. Và sẽ đến lúc khoảng cách giữa hai trái tim biến mất.” – SHIVA RYU * Không nặng nề giáo điều, Shiva Ryu cho người đọc cùng đi với mình qua vạn nẻo đường đến những vùng đất vừa quen vừa lạ, các ranh giới giữa hiện thực và tâm linh, những chiều không gian ở sâu thẳm trong tâm hồn con người … để rồi người đọc như được trải qua một nghi lễ gột rửa, mở ra lối đi đến với những ý niệm cao cả, khép lại cánh cửa với điều tầm thường. Không chỉ là những điều thú vị ở nơi Shiva Ryu đặt chân đến, người đọc còn được cùng tác giả gặp lại những tác giả nổi tiếng thế giới, những người mà Shiva đã bước vào thế giới tâm hồn họ bằng các bậc thang đặc biệt của ông, như J. R. R Tolkien, Dostoievski, Henry David Thoreau, Marcel Proust, Michel Tournier… * Không rõ có phải ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt mà chương cuối cùng của tập sách nói về trường ca Odysseus. Sự kỳ vĩ của người anh hùng thành Troy lại nằm trên chính hành trình trở về quê hương. TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU LÀ ODYSSEUS TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG. Đó là hành trình tìm Gốc, về Cội Rễ, về đúng phần hạt nhân cao cả nằm sâu trong chúng ta. Trên con đường đến điểm đích ấy, sau bao thăng trầm, ta nhận ra mình không phải một hạt cát vô danh trong vũ trụ. * “Nếu bạn muốn truyền lửa đến trái tim người khác thì đầu tiên bạn phải thắp lửa cho chính con tim của mình. Người nghèo nhất thế gian là người dập tắt ngọn lửa bên trong mình…. Ta phải trở thành chủ nhân của trái tim chứ không phải đầy tớ của nó. Trái tim chính là người kể chuyện xuất sắc nhất hành tinh.” – SHIVA RYU

Cuốn sách Chú Chim Bay Không Quay Đầu Ngoảnh Lại của Shiva Ryu mang đến nhiều thông điệp và bài học ý nghĩa giúp chúng ta chiêm nghiệm về cuộc đời để sẵn sàng tiếp nhận những thử thách, tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình, sống mạnh mẽ, kiên cường bước đi trên đôi chân của chính mình, sống một cuộc đời trọn vẹn, ý nghĩa nhất và tỏa sáng theo cách của riêng mình. Hãy cũng điểm lại những trích dẫn hay trong cuốn sách này nhé! 1. “Khi con người tức giận, trái tim họ sẽ cảm thấy xa cách nhau. Vì thế họ hét lên để khỏa lấp khoảng cách đó. Từ trong thâm tâm, họ cảm thấy giữa mình và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để hét lên thật to. Đó là lý do vì sao càng tức giận thì ta lại càng hét to hơn. Càng hét lớn tiếng thì đối phương lại càng tức giận, và càng như vậy thì trái tim hai người lại càng trở nên xa cách. Vì thế mà càng nói thì họ lại càng lớn tiếng hơn.” 2. “Những hành động mà ta làm, những lời mà ta nói, đôi bàn tay ta đưa về phía ai đó cũng có thể trở thành những giây phút cuối đời của họ. Linh hồn ấy sẽ rời khỏi thế gian này cùng với cảm giác cuối cùng đó ghi dấu mãi trong tim” 3. “Ở trong một không gian dễ chịu, thời gian được làm những việc khiến trái tim vui sướng, hay cuộc gặp gỡ với người mình yêu thương, tất cả những thứ đó đều đóng góp vào vai trò của Querencia trong cuộc sống… Nếu không có những lúc lấy lại hơi thở bị nghẹt đó, thì năng lượng sống sẽ khô cạn và suy nghĩ trở nên cộc cằn.” 4. “Mọi người biết tên bạn, nhưng không hề biết câu chuyện của bạn. Họ nghe được những điều bạn làm, nhưng không hề nghe được những gì bạn đã trải qua. Thế nên đừng chấp nhận quan điểm của người khác về bạn. Rốt cuộc, điều quan trọng không phải là suy nghĩ của người khác mà chính là suy nghĩ của bạn về bản thân mình. Đôi khi bạn chỉ cần làm những thứ tốt nhất cho bản thân và cuộc sống của mình. Chứ không phải là những điều tốt nhất cho những người khác”. 5. “Chúng ta cho rằng bản thân tạo ra những chuyến phiêu lưu, nhưng thực ra những chuyến phiêu lưu mới tạo nên con người chúng ta.” 6. "Nếu quên đi tên tuổi, giới tính và giống loài, nếu ta bỏ sự phân biệt con người và thực vật, thì chúng ta, tất cả mọi sinh mệnh giống nhau sẽ trở thành một dòng chảy.”

Đây chắc là quyển thứ 4 mà mình đọc về việc đi tìm bản ngã gần đây, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tôi là ai và lý do Tôi tồn tại trong cuộc sống này (mà lựa chọn sách rất tình cờ thôi chứ mình không chủ ý đọc về chủ đề này). Mà mình thấy thú vị ở một chỗ là chủ đề này được đề cập bởi những con người rất khác nhau từ những vùng đất khác nhau như anh chàng da đen ở Cali, hay Dalai Lama thứ 6 cũng như trong quyển Người khổng lồ ngủ quên và ở quyển này là tự sự của Ryu - một nhà thơ nhà văn Hàn Quốc hay đi lang bạt khắp nơi.Cá nhân mình rất thích quyển này. Nó làm mình suy nghĩ rất nhiều và có thể đã thay đổi nhận thức về một số chuyện - tỉ dụ về Ấn Độ, về việc mở lòng, về việc đặt xuống và buông bỏ, về tình yêu cuộc sống và có thêm góc nhìn mới về một vài khái niệm nhân sinh. Có một giai đoạn mình không thích chia sẻ và có cảm giác có một nút thắt trong lòng nó kiềm giữ cảm xúc trong lòng mình, không buồn nhưng cũng không vui nhiều mà bình lặng sống hằng ngày. Điều đó không tệ nhưng để tránh drama thì mình lựa chọn làm vậy haha vì mình biết là mình một đứa siêu drama nếu để cảm xúc thẩm thấu quá nhanh. Vì cảm nhận nhanh, nhiều, dữ dội nên mình sợ. Không chắc là mình sẽ cân nhắc việc mỏ nút thắt nhưng nhìn nhận lại một số thứ về nó thì mình sẽ cân nhắc. Một sự bắt đầu không tồi cho năm 2019.

"Quan điểm lấy bản thân làm trung tâm không bao giờ có thể là việc "no problem" được cả""Trái tim càng cảm thấy tức giận vì những việc trong quá khứ thì càng khó để yêu thương hiện tại. Một trong những đặc trưng của người chịu tổn thương do rắc rối từ con tim là liên tục nhai đi nhau lại những việc đã là quá khứ, đồng thời đối mặt với bản thân và thế giới bằng nhận thức méo mó do việc nhai đi nhai lại ấy"#Chú_chim_bay_không_quay_đầu_ngoảnh_lại #ShivaRyu- Thể loại: - Chấm điểm: 7/10 Điểm này cho là cao, vì có lẽ những câu chuyện trong đó cũng khá hay. Nó không mới, một số quan điểm đến giờ mình vẫn ko coi là hợp với mình lắm, nhưng nhìn chung cũng là cuốn sách đọc để tĩnh lặng lại được. Nhưng câu chuyện về những cuộc ra đi, những chuyến du lịch, về thiền được tác giả nhìn và ghi lại dưới góc độ rất "người", không quá đề cao việc thiền hay việc phải đi/hay ở... VD thay vì đề cao việc ăn chay, tác giả đưa ra câu chuyện là 1 năm ăn bao nhiêu con gà, và ta hay sống xứng đáng với sự hy sinh của những con gà đó. Hoặc như du lịch, thay vì việc chỉ chọn những nơi đẹp, sang trọng, tác giả chỉ ra rằng cái đẹp nằm trong mắt người nhìn, rằng muốn người ta thân thiện với mình thì mình nên mở lòng trước...Nói chung đúng là chẳng có gì mới, nhưng thật sự, đôi khi trong cái thế giới ngày càng trật trội, việc phải bon chen tìm một chỗ để đứng (dù đứng một chân), thì cũng nên đọc lại mấy bài học cuộc sống. Đúng là "Ta hay chê cuộc đời méo mó, sao ta không tròn tự trong tâm". Hoặc như phim Về nhà đi con, Dũng đã nói 1 câu mình rất tâm đắc: "Mẹ anh dạy mình không làm được gì to tát, thì cứ cố gắng làm người tử tế con ạ"