Từ xa xưa, chó luôn là loài vật thân thiết, gần gũi với con người. Hiếm có con vật nuôi nào vừa khôn ngoan, vừa trung thành và tình cảm như cậu Vàng, cô Vện hay thằng Cún... Có lẽ vì thế mà trong số những tác phẩm văn chương viết về loài vật nói chung, những tác phẩm có con chó là nhân vật chính thường để lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc.

Con Bim trắng tai đenCún bụi đờiChó xanh lông dài, hay Con chó xấu xíChó Bi đời lưu lạc… là vài ba ví dụ ngẫu nhiên nhưng cũng khá tiêu biểu (của văn học nước ngoài đã dịch ra tiếng Việt và văn học trong nước) chứng minh cho nhận xét trên.

Trước một đề tài quen thuộc đã từng có nhiều thành công như vậy, Bùi Tự Lực hẳn phải biết rõ những thử thách đang chờ anh ở phía trước, trước khi quyết định đặt bút viết tập truyện vừa Chó hoang.

Nhưng rất may, dường như anh đã “quên” mất điều đó, quên là mình đang viết văn. Người đọc không hề cảm thấy một chút áp lực nào chi phối hành văn của tác giả. Anh kể chuyện, giống như bất kỳ ông khách nào trong cái quán cà phê Ban Mai ở góc ngã tư phố Nguyễn Thị Thập – Ngô Đức Kế, sau ngụm cà phê đầu tiên, sực nhớ ra và kể cho mấy ông bạn ngồi cùng bàn nghe câu chuyện xảy ra trong cái khu phố nhỏ của mình - câu chuyện về con chó hoang mới xuất hiện ở cái bãi đất trống bên kia đường:

“Một con chó cái gầy nhom… Dáng đi của nó chậm rãi, cụp đuôi, cúi đầu… Hình như nó đang tìm một cái gì đó bị đánh rơi. Đôi mắt buồn, lại có cái nhìn xéo lấm la lấm lét sợ sệt và luôn luôn giữ một khoảng cách xa chừng mươi thước với con người”.

Con chó - nhân vật chính trong cuốn sách của Bùi Tự Lực hiện ra với bộ dạng rất “hoàn cảnh” như vậy. Mà đúng là hoàn cảnh của nó đáng thương thật.

Xuất thân từ một nòi chó quý, con My tuyệt đối trung thành với chủ, trở thành bạn thân của cậu bé mới lẫm chẫm biết đi là con chủ nhà. Một lần, vì cứu bạn thoát khỏi tai nạn giao thông, My lại bị chủ hiểu lầm là hại bạn, bị trận đòn thừa sống thiếu chết, cuối cùng, bị tàn nhẫn quẳng ra bãi rác. Khi tỉnh lại, My trở thành con Vằn, một cái tên mới với một thân phận mới – con chó hoang.

“Sự oan khiên đi liền với tai họa, giận hờn sản sinh ra tàn bạo, đòn trừng phạt phũ phàng là bạn đường của tội ác. Đó là cội nguồn đẩy con chó mỗi ngày một cách xa với con người… Một con vật chí nghĩa chí tình như con Vằn cũng không thoát được… Không biết liệu loài người văn minh có vô tình đặt chân lên tình người, chọc gậy khuấy sào đục ngầu ân nghĩa mà đẩy nhau ra xa?”.

Chương sách cảm động, bỗng nhiên trĩu nặng suy tư, được Bùi Tự Lực đặt vào nửa cuối cuốn sách, vừa giải thích thấu đáo những hành vi khác thường trước đó của con chó hoang, vừa chuẩn bị cho sự bùng nổ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của cái kết thúc có hậu thật hấp dẫn và phù hợp với tâm hồn trẻ thơ.

Được cảm hóa bởi lòng nhân từ của ông bà giáo, con vật tinh ranh lọc lõi, tưởng như mãi mãi cự tuyệt con người ấy đã quay lại cứu mạng ông giáo, trong một hoàn cảnh ngặt nghèo mà cái sống và cái chết của ông chỉ cách nhau trong đường tơ kẽ tóc.

Pha chiến đấu giữa con chó hoang với con rắn hổ mang chúa thật bất ngờ, ngoạn mục. Và cái hình ảnh ông giáo thảng thốt nghẹn ngào trước hành động dũng cảm của con vật giống như một lời tạ ơn, một lời xin lỗi, không chỉ cho riêng ông, mà cho cả sự vô tình vô cảm của những ai đó:

“Ông giáo quay lại ôm ngực thở dốc, nói đứt đoạn:

- Con Vằn nó… nó cứu tôi! Con Vằn đã cứu tôi các bác ạ! - Ông giáo lại ôm ngực. Tiếng ho như bị kìm nén không thoát ra được, khiến ông tức thở - Phải tìm bằng được để giữ nó lại. Nó đã về đây rồi thì nhất định không đi đâu xa… Bà con ơi! Hãy tìm giúp, tìm con Vằn cho tôi!...”.

Bùi Tự Lực đã từng có những sáng tác thành công cho thiếu nhi. Tập truyện Nội tôi của anh được giải thưởng của NXB Kim Đồng và tái bản nhiều lần. Ngoài ra, anh còn có một số tác phẩm đáng chú ý khác cũng dành cho bạn đọc nhỏ tuổi như Cái ống phốc và trái banh chuốiTrên nẻo đường giao liên

Mặc dù dành khá nhiều trang viết về tấm lòng nhân hậu, sự tận tụy của ông bà giáo già, cũng như của mấy thành viên trẻ tuổi ở Trạm cứu hộ chó mèo, nhưng Bùi Tự Lực vẫn thành công hơn cả với hình tượng con Vằn.

Một con chó nhà khôn ngoan bị người chủ ruồng bỏ đã biến thành chó hoang. Vằn “luôn luôn giữ một khoảng cách xa chừng mươi thước với con người”. Ngay cả khi quay lại thực hiện xong cái hành động đền ơn đáp nghĩa với ông giáo, Vằn lại biến mất.

Vằn không giống với đồng loại đã từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm của những nhà văn khác. Nét tính cách đặc sắc đó của con chó trong tác phẩm của Bùi Tự Lực giống như một lời cảnh báo đối với con người về lòng tự trọng của loài vật.

Văn Bùi Tự Lực giản dị, chân thực. Nói như nhà văn Thanh Quế, một người bạn, người đàn anh rất thân thiết của anh trong nghề cũng như ngoài đời: “Chân thực, hoàn toàn chân thực… chỉ có những người trong cuộc mới kể được những câu chuyện giản dị mà xúc động đến thế”.

Chân thực hẳn nhiên là một phẩm chất quý của văn chương. Nhưng giá như Bùi Tự Lực đừng “chân thực” đến mức… thật thà quá!

Cái “ngã tư Nguyễn Thị Thập - Ngô Đức Kế” ấy cần gì phải được lặp đi lặp lại không thiếu chữ nào đến năm, bảy lần? Cũng chả cần phải kể tên cụ thể “khu đô thị mới Tây Phú Lộc”, “đại lộ Lý Thái Tông”, “trường đại học Tổng hợp Hà Nội”… Và giá như ở một vài chỗ khác, khoa học đừng hồn nhiên “ngồi nhầm” chỗ của văn chương: con chó có “diễn biến tâm lý quá phức tạp”, “diễn biến tâm sinh lý khác thường”…

Bỏ qua mấy sơ suất lặt vặt hoàn toàn có thể khắc phục đó, Chó hoang chắc chắn còn để lại nhiều dư vị ấm áp trong lòng người đọc, như cách tác giả khép lại cuốn sách bằng hình ảnh: bãi cỏ hoang bừng nắng.

 

Nguồn sưu tầm:  https://goo.gl/VcN9Mo 

------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Xem thêm

.... Ngày còn bé, tôi có đọc truyện Chó mèo hoang trong tập truyện ngắn Phấn thông vàng của Nhà thơ Xuân Diệu. Nhân vật Sơn trong truyện đã có những nhận xét tinh tế về tính cách của loài mèo, đại ý, rằng mèo hoang chấp nhận cuộc sống hoang dã nhẹ nhàng hơn chó hoang, bởi loài chó thích gần gũi với con người và trung thành với chủ hơn những con vật nuôi khác. "Bọn chó hoang mới thực khổ. Bọn nó trung thành quá nên cứ luẩn quẩn chung quanh người". Bằng sự chịu khó quan sát trong nhiều năm về những chú chó hoang, trong từng chương sách của mình, Bùi Tự Lực đã có những nét khắc tinh tế về tính cách của con Vằn, vừa yêu thương con người lại vừa sợ con người, vừa muốn quấn quýt bên con người, lại vừa phải trốn chạy con người, bởi vì: "Dù con Vằn nhận biết rằng, ông bà giáo là những người có nhiều tình cảm yêu thương, từng chăm lo cưu mang mẹ con nó như người chủ. Nhưng dù sao nó vẫn sợ thế giới loài người. Vẫy nó không đến. Níu kéo nó buông tay. Mở lòng bao dung nó hoài nghi soi xét... Đôi bờ ngăn cách giữa con Vằn với người còn khá xa". Giá như con Vằn được sống trong một thế giới yêu thương hơn, không bị ông tiến sĩ nọ đánh trối sống trối chết, thì chắc chắn Vằn không phải sống đời chó hoang, không phải cứu người, báo ân rồi lại chạy trốn... con người. Đó chính là lời gửi gắm sâu sắc nhất của tác giả đến với độc giả nhỏ tuổi. Hãy yêu thương con người, yêu thương loài vật, bởi khi sống có tình yêu thương chúng ta mới hạnh phúc. Chó hoang là tác phẩm văn học thứ 9 của nhà văn Bùi Tự Lực. Hiện nay Nhà xuất bản Đà Nẵng cũng sắp in ấn và phát hành một lúc hai tác phẩm mới của anh: Nơi những phận đời hao khuyết, bút ký, viết về những con người mắc chứng tâm thần, và Tuyển thơ Bùi Tự Lực. Bút lực của Bùi Tự Lực đang dồi dào. Danh mục tác phẩm văn học của anh chắc chắn sẽ không dừng ở con số hiện có.

Chó là một trong những loài vật tinh khôn, trung thành với người. Nhưng với chó hoang, việc thuần phục có dễ dàng? Nhà văn Bùi Tự Lực có câu trả lời thú vị qua truyện dài “Chó hoang”, do NXB Kim Đồng phát hành năm 2017. ại đô thị mới ven biển, xuất hiện một con chó hoang có đặc điểm của một giống chó quý hiếm. Người dân nơi đây gọi nó là Vằn, nhưng Vằn rất nhát người, luôn giữ khoảng cách và lẩn trốn khi thấy người. Ông bà giáo về hưu thấy Vằn tội nghiệp, muốn mang về nuôi. Ông bà giáo mang cơm cho nó hằng ngày, 2 lần bảo bọc khi Vằn sinh con; nhưng Vằn vẫn giữ khoảng cách với ân nhân. Tình cờ, ông giáo biết được quá khứ của Vằn, hiểu nguyên nhân Vằn trở thành chó hoang và luôn sợ hãi tránh xa con người. Ông càng muốn giúp Vằn và đám con, nhưng mọi việc không đơn giản như ông nghĩ… Bằng sự quan sát kỹ lưỡng, miêu tả tinh tế, tác giả đã khắc họa nên chân dung một con chó hoang với ngoại hình và tính cách vô cùng đặc biệt. “Dù con Vằn nhận biết rằng, ông bà giáo là những người có nhiều tình cảm yêu thương, từng chăm lo cưu mang mẹ con nó như người chủ. Nhưng dù sao nó vẫn sợ thế giới loài người. Vẫy nó không đến. Níu kéo nó buông tay. Mở lòng bao dung nó hoài nghi soi xét... Đôi bờ ngăn cách giữa con Vằn với người còn khá xa” (trang 94). Điều gì khiến Vằn sợ hãi, đề phòng con người như thế luôn là thắc mắc trong lòng ông bà giáo cũng như người đọc. Và khi câu chuyện về Vằn được hé lộ, ai cũng thương xót cho một con chó tinh khôn, trung thành nhưng bị chủ cũ hiểu lầm, đánh đến chết đi sống lại, sống lây lất nơi đầu đường xó chợ. Sự bồi đắp tình cảm giữa vợ chồng ông giáo và Vằn xuyên suốt câu chuyện. Bằng sự nhân từ và tình yêu thương loài vật, ông bà giáo đã mang đến cuộc sống mới cho Vằn. Vằn đã đền đáp ơn nghĩa bằng cách không màng nguy hiểm, cứu mạng ông giáo trong lúc thập tử nhất sinh… Từng ánh mắt, cử chỉ của Vằn, từng thái độ, hành động của ông bà giáo khiến câu chuyện thêm sinh động. Lối kể mộc mạc, văn phong bình dị, bố cục hợp lý, đan cài nhiều tình tiết bất ngờ, hấp dẫn, “Chó hoang” lôi cuốn người đọc qua từng trang sách.

Với văn phong chân thực, giản dị, tinh tế và cốt truyện nhẹ nhàng, lắng đọng có thể chạm đến trái tim của độc giả, thông qua Chó Hoang, Bùi Tự Lực đã đưa ta đến với những xúc cảm thân thương giữa đời thường. Câu chuyện kể về chó Vằn - hoa khôi của bãi cỏ hoang và tình cảm lo lắng, thương xót của vợ chồng ông giáo già đối với Vằn. Một biến cố lớn khiến Vằn đi lạc đến khu đất bỏ hoang đối diện với quán cà phê Ban Mai, tại góc phố Nguyễn Thị Thập - Ngô Đức Kế (Đà Nẵng). Vì thế mà một giống chó quý như nó trở thành chó hoang. Ta có thể biết thêm về tập tính, đặc điểm của loài chó trong cuốn sách, đặc biệt là mở mang thêm tầm hiểu biết: chó cũng có suy nghĩ, tình cảm, biết chăm lo con cái, biết trả ơn người đã cưu mang mình. Lời văn câu cú đơn giản, mộc mạc, xúc tích ta dễ dàng hình dung được cuộc sống hằng ngày của ông bà giáo cũng như những người dân Đà Nẵng chất phác thật thà, tốt bụng và tràn đầy tình thương động vật. Truyện mang một kết thúc mở, cho người đọc hy vọng rằng một ngày nắng đẹp trời, sẽ lại có bóng dáng cô hoa khôi Vằn đi dạo trước bãi cỏ quán cà phê Ban Mai.

"..... Hằng ngày vợ chồng ông giáo thường thức dậy vào lúc vừa rạng đông, cũng là lúc con gà trống rừng trong chuồng vỗ cánh gáy liên hồi. Hôm nay ông nằm nán lại, đợi cho trời sáng hẳn và điện đường tắt hết mới dậy ra mở cổng. Con Vằn không có chỗ nhà xe. Dưới gầm xe, chỗ đặt động cơ còn in dấu nằm mòn lỉn, cạnh đó rơi rớt lại một vài mẩu xương. Con Vằn nằm trú mưa. Thật tội nghiệp! Trời mưa không tìm ra cái ăn không! Ông giáo đảo mắt nhìn quanh. Con Vằn đang ngồi ngoài bãi cỏ ngóng vào, có vẻ chờ đợi một điều gì, có vẻ chờ đợi một điều gì. Chắc nó đang đói. Ông giáo trở vào nhà lấy cơm nguội, vét tất cả những thức ăn còn lại tối qua, trộn một tô đầy đem ta. Vừa thấy ông giáo bưng tô cơm ra, lập tức con Vằn đứng dậy quay đuôi chạy. Để lại tô cơm chỗ nhà xe, ông giáo vào nhà lên gác nhìn ra tìm, Con Vằn đã trốn mất. -Quái lạ! – Ông giáo đi xuống, vừa đi vừa lẩm bẩm một mình – Lại trốn mất rồi! Cứ thất bóng người tới gần là sợ? Thương nó bị bỏ đói, mình đem cơm ra, chứ có cầm roi vọt gậy gộc đánh đuổi đâu mà chạy. Con chó hoang mà sợ cả lòng tốt của con người! Đến tận trưa vẫn không thấy con Vằn ở đâu, ông giáo ra chỗ nhà xe. Tô cơm vẫn còn nguyên. Chắc nó sợ ông giáo nên bỏ đi nơi khác rồi! Đến chiều, ông giáo cảm thấy có điều gì áy náy trong lòng. Ông lại ra nhà xe định thay tô cơm khác, phòng khi con Vằn có thể quay trở lại. Lạ kì chưa? Cái tô sạch bong như có ai vừa chùi rửa! “ Không biết có phải con Vằn đến ăn không nhỉ? Ở bãi đất hoang lâu ngày này, chuột mèo không thiếu” – Ông giáo nghi ngờ nói trống không như vậy. Ông bắt đầu tò mò về sự khác thường khó hiểu của con Vằn. ...."

... Truyện Chó hoang gồm 14 chương, nội dung viết về một con chó hoang là Vằn, thuộc một giống chó quý, sống lẩn quất tại một bãi cỏ hoang ở một khu dân cư mới. Từ cái bãi cỏ hoang ấy, con Vằn đã sống kiếp nạn của một con chó hoang, cả hai lần sinh nở của nó đều được vợ chồng ông giáo già lo lắng, thương yêu, che chở và thuần hóa. Song khác hẳn với bản năng của loài chó, con Vằn đã tỏ rõ thái độ xa lánh con người. Mặc dù rất biết ơn ông bà giáo, rất hiểu sự thương yêu họ đã dành cho nó, nhưng nó vẫn không ở lại với họ để được sống trong thương yêu bên cạnh những đứa con nhỏ của mình... Chó hoang thể hiện với văn phong bình dị, lối kể chuyện mộc mạc, bố cục hợp lý, đan cài nhiều tình tiết bất ngờ, hấp dẫn, đã lôi cuốn người đọc qua từng trang sách. Nơi đây, bằng sự nhân từ và tình yêu thương loài vật, tác giả thông qua nhân vật ông bà giáo đã mang đến cuộc sống mới cho Vằn. Vằn đã đền đáp ơn nghĩa bằng cách không màng nguy hiểm, cứu mạng ông giáo trong lúc thập tử nhất sinh... Từng ánh mắt, cử chỉ của Vằn, từng thái độ, hành động của ông bà giáo khiến câu chuyện thêm sinh động. Theo Bùi Tự Lực: " Ở Chó hoang hình như tôi cũng lại nhìn thấy bóng dáng mình trong thân phận con Vằn tội nghiệp. Hồi ức tuổi thơ lại hiện về như những thước phim chiếu chậm. Trong tác phẩm Chó hoang của tôi, con Vằn đi rông có chửa rồi đẻ một đàn chó con bỏ lại nơi đầu hè. Bị con Vằn đặt mình vào một tình thế không thể làm khác được. Ngoài tuổi 60 rồi mà phải làm "vú em" cho đàn chó sơ sinh. Vậy là tôi phải tìm đến anh bạn hành nghề bác sĩ thú y, để hỏi về quá trình con chó mẹ mang thai thế nào, cách chăm sóc đàn chó sơ sinh ra sao... để chăm nuôi, để rồi viết truyện. Nếu tôi viết sai kiến thức về nuôi chó là có tội, dẫn dắt các em đọc và làm theo sách thì có thể làm khổ, thậm chí giết chết mấy chú cún con...". ....