Từ hồi còn nhỏ xíu, tôi đã thích đọc sách. Khi ấy là những câu chuyện cổ Grim và Andersen. Lớn thêm một chút, tôi bắt đầu đọc truyện của bác Nguyễn Nhật Ánh. Nhớ hồi đó còn thiếu thốn sách nhiều lắm, nên mỗi lần có sách mới tôi đọc đi đọc lại đến thuộc lòng thì thôi. Có lẽ nhờ vì vậy nên một phần ký ức tuổi thơ của tôi gắn liền với những trang văn của bác Ánh về con Cúc và thằng Cải trong Quán Gò đi lên, về bộ ba Quý ròm, Tiểu Long, nhỏ Hạnh trong Kính Vạn Hoa...

Cứ thế đến một ngày ngoảnh lại, tôi giật mình nhận ra mình đã trở thành người lớn từ lúc nào. Lúc này những quyển truyện của bác Ánh lại là chuyến tàu chở tôi về lại những ngày còn mộng mơ, những tình cảm học trò mới lớn đầy trong trẻo....

Khi người ta lớn, niềm vui và nỗi buồn cũng lớn lên theo. Trong những giấc mơ của tôi, không chỉ có châu chấu chuồn chuồn như những ngày thơ bé. Đã có những bão giông về trong những đêm gió luồn qua mái lá. Ờ, ngay cả những giấc mơ cũng lớn lên đó thôi.

(Trích Cây chuối non đi giày xanh - Nguyễn Nhật Ánh)

 

 

Cây chuối non đi giày xanh" là tập truyện dài mới nhất của bác Nguyễn Nhật Ánh. Vẫn lấy bối cảnh là làng quê miền Trung, câu chuyện bắt đầu khi nhân vật tôi là Đăng học lớp 5. Đó là bức tranh về tình bạn, tình cảm gia đình và những xúc cảm đầu đời của tuổi học trò mới lớn. Là khi bắt đầu muốn chơi thân với con nhỏ cùng bàn hơn và thấy nó đột nhiên cũng "dễ thương.

So với những đứa khác, nhỏ Thắm chỉ xếp hạng trung bình. Chắc tôi thích nó vì nó thắt tóc bím. Mỗi khi chạy nhảy nó vùng vằng với tôi, hai bím tóc không ngừng nhảy nhót trên vai nó như hai con sóc nhỏ trông rất ngộ nghĩnh. Cũng có thể tôi thích nó vì nó hay cười. Sau này lớn lên, tôi luôn thích những đứa con gái hay cười. Con gái cười trông có duyên tệ.

 

 

Là khi vô tình nói với nhỏ mình thích màu xanh lá cây, vậy là mỗi khi thấy nhỏ Thắm mang đôi giày xanh, nón xanh, áo xanh, trái tim của Đăng lại loạn nhịp. Và dường như Đăng cũng cảm nhận được tình cảm của nhỏ Thắm dành cho cậu. Tình bạn của hai người dần dần thay màu áo mới.

Mỗi trang sách, người đọc có thể cảm nhận được những dòng suy nghĩ, trăn trở, suy tư của các nhân vật lớn theo. Tình cảm của Đăng và Thắm lại bắt đầu có những ngại ngùng, cả giận hờn và ghen tuông. 

Đọc đến chương ba, trái tim tôi lại thổn thức, tôi sợ đây lại là một cuốn sách có kết thúc buồn của bác Nguyễn Nhật Ánh.

Tôi đứng giữa ngã ba nhìn theo mái tóc bay phất phơ trong gió của nhỏ Thắm, đoán nó chạy về nhà. Tự nhiên tôi ghét lớn lên. Khi đứa con gái lớn lên, nó biết xấu hổ, tình bạn giữa đứa con trai và con gái bắt đầu tan vỡ.

Đây có phải chăng là những dự cảm không tốt cho những chuyện xảy ra tiếp theo hay không? Đó là những nỗi buồn không tên cứ kéo dài kéo mãi, là những nỗi hoang mang chất chồng. Hết mùa hè năm lớp 8, trở lại trường cũ, Đăng nhận ra mình không thể nào quay lại tình bạn với nhỏ Thắm như trước nữa. Không còn có thể đến nhà rủ nhỏ đi học, không còn ngồi cạnh nhau khi cùng một lớp học. Cho đến khi vô tình gặp lại nhau ở hòn đá cạnh bờ suối, nhỏ Thắm thổn thức với Đăng: "Ba mẹ mình bắt mình lấy chồng". Có một thứ gì đó đã bắt đầu rạn vỡ giữa hai người. Mọi chuyện đi đến đỉnh điểm khi sáng đó, trước cửa gia đình nhà nhỏ Thắm có tờ giấy: "Phản đối hôn nhân lạc hậu. Con gái lớn lên phải được lấy người mình thương.". Giận hờn. Buồn tủi. Hố sâu ngăn cách giữa hai người dường như càng ngày càng rộng. 

Khi chúng ta và những người yêu thương có những hiểu lầm. Cách tốt nhất là nên gặp nhau và giải quyết những mâu thuẫn. Đừng im lặng để đến lúc mọi thứ không thể cứu vãn lại được nữa. Trong cuốn sách này, nhân vật Thắm luôn đóng vai trò chủ động trong mọi tình huống. Cô tự mình đứng lên giành lại hạnh phúc và tương lai cho bản thân, giành lại cái quyền cơ bản nhất của con người là "được lấy người mình thương". Vượt lên khỏi sự sĩ diện, gia trưởng của người cha, nếp sống của của người dân vùng nghèo còn nhiều hủ tục. Và hơn tất cả, cô biết, cha mẹ nào cũng thương con. Chỉ là cách họ yêu thương lại không như mình mong muốn. 

 

 

Nhân vật tôi thích nhất trong cuốn sách này có lẽ là chú tiểu Khôi. Chú tiểu Khôi là bạn thân của nhỏ Thắm và Đăng từ khi còn học cấp một. Họ đã trải qua rất nhiều kỷ niệm đẹp cùng nhau. Khi hai bạn gặp nạn lúc lấy đất sét dưới hồ nặn, chú tiểu Khôi đã đi kiếm người tới cứu bạn của mình, rồi họ cùng nhau tập bơi dưới con suối nhỏ. Chú tiểu Khôi là người đã chứng kiến và vun đắp tình cảm cho đôi bạn trẻ. Cậu vẫn luôn giữ được nét ngây thơ, hồn nhiên, trong trắng của đứa học trò mới lớn, là chỗ dựa để Đăng luôn tin tưởng, chia sẻ những buồn vui hờn giận. Khi thầy Chân Tuệ, người nuôi dưỡng chú tiểu Khôi từ tấm bé, mất. Để lại cho cậu một lá thư đề hai chữ "Tùy duyên". Lúc này cậu mới được tiết lộ về cha mẹ thật của mình. Dù đã bén duyên với cửa Phật và nhất quyết không hoàn tục khi cha mẹ của cậu đến đón, nhưng chú tiểu Khôi giữ được tròn vẹn đạo nghĩa làm con khi ông Hoạch là cha cậu lâm bệnh nặng. Câu vô tình trở thành nhân vật mấu chốt, đóng vai trò gỡ nút thắt cho cuộc hôn nhân đã đính ước trước của Thắm.

Day dứt, ám ảnh nhưng không đau buồn như "Mắt biếc", cuối cùng đôi bạn trẻ trong "Cây chuối non đi giày xanh" vẫn tìm được cho nhau lối đi chung. Cuốn sách khép lại bằng một cái kết happy-ending. Những người yêu nhau sẽ tìm về được với nhau, miễn là chúng ta vẫn còn nỗ lực, vẫn còn phấn đấu và hy sinh vì nhau.

Người ta thường bảo, đến với nhau vì cái duyên, còn ở lại bên nhau được hay không là do cái nợ. Chúng ta càng nợ nhau nhiều món nợ ân tình, chúng ta càng gắn bó với nhau nhiều hơn. (Coach Đỗ Việt Cường).

 

 

Tác giả: Ngọc Ấn - Bookademy 

----

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link : https://facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những quyển sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected].

Xem thêm

Thật sự thì mình không thể nhớ được rằng mình đã bắt đầu đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh từ bao giờ nữa. Có thể là từ những năm học cấp hai với bộ Kính Vạn Hoa hay từ những năm cấp ba với Ngôi Trường Mọi Khi, Mắt Biếc, Hạ Đỏ hay Còn Chút Gì Để Nhớ. Chỉ biết rằng mình thực sự rất thích truyện của chú Ánh. Ngày trước, chú Ánh hay viết truyện buồn. Nó luôn làm mình day dứt. Vì dẫu có buồn, thì nó vẫn là một nỗi buồn rất đẹp. Truyện của chú Ánh bây giờ thì kịch tính hơn và có nhiều “happy ending” hơn nhưng bao giờ nó cũng giản dị và hiền hoà. Những câu chuyện bình thường hằng ngày tưởng ai cũng kể được nhưng chú Ánh lại làm cho nó trở nên dí dỏm và lấp lánh một cách kì lạ. Nếu đã lỡ đọc qua rồi sẽ khó lòng mà quên đi. Quyển “Cây Chuối Non Đi Giày Xanh” cũng không là ngoại lệ. Với khả năng miêu tả tài tình của mình, chú Ánh khiến làng quê Hà Lam hiện lên trong veo và chân thật vô cùng. Đọc xong mình cứ ngỡ Hà Lam là nơi nào đấy quen thuộc với mình lắm, như thể mình biết từng ngõ ngách trong cái thị trấn nhỏ xinh đó. Thế nên không chỉ quyển này mà quyển sách nào của chú Ánh, mình nghĩ cũng có thể dựng thành phim. Vì nó quá đẹp và thật, đến nỗi đôi khi đắm chìm trong trang sách, mình cứ tưởng rằng mình đang ở ngay tại nơi đấy, đang tận mắt nhìn xem các nhân vật khóc, cười. Truyện của chú Ánh ngày trước đa dạng về tuyến nhân vật hơn. Dạo gần đây, chú Ánh thường chỉ viết về những câu chuyện của bọn trẻ con. Lần này cũng vậy, vẫn là mô-típ cũ, vẫn là các câu chuyện xoay quanh bọn trẻ làng quê nhỏ, hằng ngày lớn lên cùng nhau. Và rồi một ngày chúng bỗng nhận ra rằng à, mình đã khác với mình hôm qua. Và câu chuyện vẫn luôn được kể một cách “vừa đủ” như mọi khi. Vừa đủ hóm hỉnh để mình bật cười. Vừa đủ buồn để lòng mình chùng xuống trong khoảnh khắc. Vừa đủ kịch tính để mình hồi hộp dõi theo và vừa đủ đẹp để khi đọc đến trang cuối cùng, mình có thể mỉm cười. Những câu chuyện của chú Ánh, với mình, dù có cũ kĩ về hình thức nhưng cảm xúc nó mang lại luôn đẹp một cách dịu dàng, bình dị như vậy.

Xuyên suốt tập truyện dài "Cây chuối non đi giày xanh", những hình ảnh thanh bình và tươi mát của làng quê Hà Lam cứ thế lần lượt hiện lên thật đẹp đẽ và yên bình, qua từng buổi rong chơi của Đăng với lũ thằng Phan, thằng Định, thằng Biểu... Các nhân vật như Đăng, Thắm, Phan, chú tiểu Khôi và lớp tiểu học của cô giáo Sa đã tạo nên thật nhiều những câu chuyện hồn nhiên, đáng yêu, khiến cho người đọc bồi hồi xao xuyến, nhận ra thấp thoáng đâu đây có hình bóng của một thời tuổi thơ đã trôi xa. Đăng có người bạn gái thân thiết là nhỏ Thắm, và cậu đã dần nảy nở tình cảm với nhỏ Thắm. May mắn là tình cảm của Đăng không phải là tình cảm đơn phương đến từ một phía như biết bao anh chàng bất hạnh trong các sáng tác trước đó của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bởi vì nhỏ Thắm cũng có cảm tình với cậu. Nếu không có thì vì cớ gì mà chỉ từ lời nói vu vơ khi Đăng bảo mình thích màu xanh lá, nhỏ Thắm liền nài nỉ mẹ mua cho nó đôi giày xanh, để rồi hôm sau đứng trước mặt Đăng với bộ đồ xanh lá, đôi giày xanh lá và cái mũ cũng xanh lá nốt? Tình cảm của hai cô cậu nhỏ tuổi cứ thế mà hồn nhiên, mà vô tư, mà đáng yêu thế đấy. Cũng có những lúc giận hờn, rồi phải đối mặt với rào cản từ bố nhỏ Thắm, nhưng rồi tất cả đều kết thúc trong êm thấm.

Cây chuối non đi giày xanh là tác phẩm của một tác giả yêu thích của tôi -Nguyễn Nhật Ánh .Những cuốn sách của ông thường đều kể về tuổi thanh xuân trong sáng ,hồn nhiên về những chuyện tình trẻ con và cái cách ông viết cứ như là ông chính là nhân vật trong sách và đang hồi tưởng lại quá khứ của mình .

Review cây chuối non đi giày xanh

Câu chuyện này kể về tuổi thơ của Đăng (nhân vật chính ) và những người bạn của mình ở thị trấn Hà lam. Câu chuyện xoay quanh chuyện tình của Đăng với Thắm . Chuyện tình của hai người rất đáng yêu Đăng và Thắm là thanh mai trúc mã lớn lên cùng nhau .Hai người trải qua nhiều chuyện nảy sinh tình cảm với nhau qua những cuộc đi chơi chung 

Các bạn có biết tại sao cuốn sách lại có ghi là cây chuối non đi giày xanh ko. Bởi khi Đăng nói thích màu xanh thì Thắm đã quyết định đòi mua cho bằng được đôi giày xanh  ”đôi giày nhỏ thắm hằng ngày vẫn mang là đôi giày màu trắng . Đôi giày đó mẹ nó mới mua cho vào dịp khai trương cách đây bốn tháng vẫn còn mới chán .Thế mà chỉ vì tôi nói tôi thích nhất màu xanh lá cây nó đã vòi mẹ nói mua ngày đôi khác” trích cây chuối non đi giày xanh . Chỉ với đoạn nhỏ đã thấy đc sự ngọt ngào ngây thơ trong sáng của tuổi học trò rồi. Và khi đủ bộ quần áo xanh thì Đăng đã miêu tả Thắm như một “cây chuối non đi giày xanh”

Ở nửa sau của chuyện thì nó có hơi drama một tí :)))

Ngoài ra chuyện còn về những khoảnh khắc đáng nhớ trong thời thơ ấu như vì cô giáo Sa bôi son đỏ nên ko tập trung học đc, bị rớt xuống bàu cùng nhỏ thắm xong được cứu bởi người mình sợ nhất, những trò nghịch ngu của tuổi học trò, gắn kết tình bạn với chú tiểu khôi, biết được chuyện anh thắng Khùng giả điên để yêu cô Sa- cô giáo tiểu học của Đăng, kỉ niêm về tiệm sách chú Lãm , kết thân với thầy Vĩ bằng những cuốn tiểu thuyết 

Tất cả những kỉ niệm đều tạo nên sự trưởng thành cho Đăng ,tạo nên những trải nghiệm bài học , thâm chí trong sách có nhưng hủ tục hôn phối do cha quyết định.Nhưng cuối cùng nó bị đánh bại bởi tình mẹ và sự thông minh của Thắm

Kết chuyện happy ending


5 điểm

Chắc hẳn các bạn tuổi thơ cũng đều đôi lần đọc những mẩu chuyện ngắn, chuyện dài của bác Ánh. Tôi thích bác Ánh từ cách bác dẫn dắt mọi người vào câu chuyện của mình. Những chuyện tình trẻ con trong sáng, hồn nhiên, đầy tiếng ve và trên sân trường  yêu mến. Khi đọc truyện của bác Ánh, bạn cảm thấy mình nhỏ bé lại, sẽ ước được hòa mình thành những cô cậu học trò vô tư, vô ưu đến thế. Nét trong trẻo trong những lời văn, lối viết gần gũi của nhà văn khiến bạn bị hút hồn.


Tôi từng đọc nhiều tác phẩm chuyện dài của bác. Mỗi lần đọc là một mạch, vì không cưỡng nổi cái sự  tò mò trước những chuyện đời, chuyện tình của các cô cậu con nít.

REVIEW SÁCH CÂY CHUỐI NON ĐI GIÀY XANH

Cây chuối non đi giày xanh dựa trên tự truyện của Đăng – nhân vật chính của truyện kể lại thời thơ ấu của mình và những người bạn tại thôn Hà Lam, vùng quê miền sông nước. Đăng sống ở thị trấn Hà Lam từ bé cho đến năm mười bốn tuổi. Sau đó đầu lớp mười trong khi gia đình vẫn sống ở thị trấn thì Đăng chuyển vào Tam Kỳ học.


Một câu chuyện tuổi thơ đầy màu sắc

Câu chuyện kể lại tuổi thơ ấu cho tới hết lớp Chín của Đăng. Xoay quanh chuyện tình trong sáng của Đăng với nhỏ Thắm, tình bạn với chú tiểu Khôi, thằng Phan, thằng Biểu, thằng Định, nhỏ Lan, rồi tình anh em với nhỏ Phượng,…


Xuyên suốt câu chuyện Đăng kể lại là nhân vật “cây chuối non đi giày xanh” – nhỏ Thắm, người bạn thuở nhỏ đem lại thật nhiều xúc cảm cho Đăng. Khiến Đăng lần đầu biết mến một người, biết vì nghĩa cứu bạn, biết thương thầm, nhớ mong,…

Tự truyện thuật lại những mốc thời gian đầy kỉ niệm của Đăng như: đi hớt tóc sợ miệng nhai trầu đỏ lòm của ông Cứ, đến Tiểu học học lớp cô Sa bị cô phạt và hiểu nỗi lòng cô, rồi kỉ niệm rớt xuống bàu cùng nhỏ Thắm, gắn kết tình bạn giữa chú tiểu Khôi,… Kỉ niệm đọc truyện ké ở tiệm sách chú Lãm, hóng được chuyện anh Thắng khùng, rồi biết chuyện anh Thắng yêu cô Sa.


Đến một ngày năm lớp 5, khi Đăng tiết lộ thích màu xanh lá, nhỏ Thắm vì thế mà đòi má mua đôi giày màu xanh để đeo cho đủ bộ nón xanh, áo xanh, giày xanh. Trong mắt Đăng, đó chính là “Cây chuối non đi giày xanh” theo Đăng suốt những ngày thơ ấu.


Ấn tượng với cách miêu tả nhân vật của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Mỗi nhân vật trong truyện đều được miêu tả qua ngòi bút của nhà văn bằng cái nhìn đầy nhân văn và giản dị, từ ông Cứ, ông Hoạch, bà Ước, đến lớp trẻ hơn như thầy Vĩ, chú Lãm, cô Sa, anh Thắng, chị Hòe, rồi tới lũ trẻ mến thương: Đăng, Phan, nhỏ Thắm, chú tiểu Khôi, nhỏ Lan, nhỏ Phượng, nhỏ Ngọc, thằng Định, thằng Biểu…


Tất cả vẽ lên bức tranh tuổi thơ của lũ trẻ miền quê sông nước, giản dị mà yêu biết bao nhiêu. 

Tác phẩm tuy là một cuốn tiểu thuyết dành cho lứa tuổi học trò, để nhìn vào những tháng ngày còn mang tà áo trắng của chính mình. Nhưng mình nghĩ, dù với cả những người đã lớn, đã trưởng thành và rời xa mái trường mến yêu, xa thầy cô và bạn bè xưa khi cũng vẫn có thể đọc cuốn sách này - nhưng khi đó ta sẽ có những cảm nhận, cảm xúc khác so với khi còn là những cô bé, cậu bé. Ta đọc để hồi tưởng, để bồi hồi nhớ về những tháng năm đã qua của chính mình, bất giác mỉm cười trước những suy nghĩ đầy ngây ngô non nớt của các nhân vật, ngây ngô như thế mà cũng đầy chân thành như thế. Trong những tháng ngày học trò, tình cảm mà ta trao cho thầy cô, cho bạn bè ta là một thứ tình cảm nguyên vẹn, trong sáng và không có một chút gì toan tính trong đó. Những người bạn, bình thường có thể trêu chọc nhau, cãi nhau thậm chí là đánh nhau nhưng cuối cùng khi đến lúc người kia gặp khó khăn bản thân vẫn sẵn sàng giúp đỡ - dù điều đó có nghĩa là chính mình cũng bị cuốn vào rắc rối. Những tháng năm tuổi thơ, của tuổi học trò, với tà áo trắng, trang vở cuốn sách... có lẽ là những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời chúng ta: hồn nhiên, vui tươi và không toan tính. Và có lẽ mãi về sau này, khi đã lớn lên con người ta mới hiểu được thật sự rằng những ngày ấy quý báu như thế nào.