Có một sự thật rất đáng buồn là “Thật ra chúng ta đều là những sinh vật ngu ngốc” nhưng chúng ta vẫn luôn huyễn hoặc và thần thánh hóa con người là “thông minh”. Một cuốn sách tư duy phản biện rất mạnh mẽ có nguy cơ thay đổi hoàn toàn thế giới quan, nhân sinh quan của bạn. Bằng những dẫn chứng rõ ràng, lập luận chặt chẽ David sẽ khiến bạn phải suy nghĩ nhiều về bản thân bạn. Những ngộ nhận thiếu thực tế, hành động cảm tính, thiên kiến xác nhận, sự ngụy biện, dối người dối mình,… con người đã làm biết bao nhiêu việc sai trái, ngớ ngẩn nhưng vẫn luôn vỗ ngực cho rằng mình thông minh. Hãy tỉnh ngộ và ngưng ảo tưởng suy diễn những triết lý do bản thân tự tô vẽ ra hòng tự lừa dối chính mình bởi mồi tiềm thức mà không hề nhận ra nó luôn hiện diện ngay cả khi bạn không chú ý.

Bạn luôn nghĩ rằng mình có cảm giác tự ti về bản thân vẫn chưa tốt còn nhiều lỗi lầm chưa thể sửa chữa, tác giả đã đưa ra quan điểm hoàn toàn khiến bạn bất ngờ. Trong những nghiên cứu 50 năm gần đây cho thấy rằng, ngày qua ngày bạn luôn nghĩ rằng bản thân mình tốt hơn con người thực rất nhiều, không sao đây là điều tốt. Ít ra bạn nghĩ rằng bạn tốt hơn gã hàng xóm vớ vẩn, bạn giỏi đá bóng hơn đứa cùng xóm bạn, bạn nhân hậu tốt bụng hơn hàng tá đứa ngoài xã hội kia. Cái cảm giác tự ti mặc cảm sinh ra bởi vì bạn không được như những gì bạn mong đợi, “lòng tự trọng” theo tháp nhu cầu Maslow là cách bạn muốn được công nhận về giá trị bản thân bạn. Nhưng cũng đừng buồn vì bạn cũng vị kỷ hệt như những người khác thôi, bạn luôn đánh giá mọi thứ xung quanh từ khía cạnh chủ quan mà bạn không hề nhận ra điều đó, não bộ bạn là cuộc chiến không hồi kết giữa hai bán cầu não. Khi não trái đảm nhận chức năng ngôn ngữ, tư duy trừu tượng thì não phải xử lý hình ảnh, khả năng cảm thụ, và bạn đã từng nghĩ rằng bạn lý trí hơn ai hết, đừng buồn cười khi bạn phải há hốc mồm nhận ra bạn “ngu dốt” hơn bạn tưởng nhiều. Bạn vẫn luôn hoang tưởng rằng bạn là người công bằng, không thiên vị khi luôn phân tích mọi việc từ nhiều khía cạnh khách quan nhưng đó là cách não bộ bạn tự lừa dối bạn, thật ra bạn đã tự lập trình quan điểm riêng còn những thứ khác chỉ mang tính chất “củng cố” cho lập luận của bạn là đúng mà thôi. Tác giả vừa đem đến cái nhìn khoa học, hiện thực “xát muối” tim nhiều người gây tổn thương nặng, nên bạn hãy bình tĩnh đọc và ngẫm để khỏi bị sốc tinh thần, kết hợp với ngôn từ dí dỏm, hài hước mang đầy tính châm biếm, mỉa mai sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm hết sức thú vị mà những cuốn sách self-help sẽ không bao giờ dạy bạn.

1. Thiên kiến xác nhận

Thiên kiến nhận thức là những khuôn mẫu đã được lập trình sẵn trong não bộ của bạn, thường những thiên kiến này sẽ dẫn đến những sai lầm chủ quan trong cuộc sống do bạn tự tạo ra. Trải nghiệm chủ quan luôn được đưa vào hai phần ý thức và tiềm thức dù bạn vẫn tưởng bạn biết rõ vì sao bạn làm điều đó nhưng sự thật bạn hoàn toàn không ý thức được những gì bạn đã làm vì các ý tưởng đó do tiềm thức của bạn tạo ra. Nghiên cứu của Ron Friedman, đối tượng tham gia chỉ được nhìn chứ không được phép uống nước tăng lực hoặc nước đóng chai. Và kết quả cho thấy những người được tiếp xúc với hình ảnh nước tăng lực có khả năng chịu đựng các bài tập thể lực lâu hơn so với nhóm còn lại. Mồi tiềm thức có tác dụng nhất khi bạn ở trọng trạng thái lái tự động, hơn là cố gắng chủ động đưa ra các sự lựa chọn để điều khiển hành vi bản thân mình. Hơn nữa não bộ bạn ghét sự nhập nhằng nên nó sẽ tự chọn con đường ngắn nhất để đi nhằm thoát khỏi trạng thái lưỡng lự. Bạn cũng không thể tự mồi bản thân, ít nhất là không thể làm điều đó trực tiếp, nói chính xác trạng thái diễn ra được các nhà tâm lý học gọi là tiềm thức thích nghi, đây là vùng lãnh địa trong tâm trí mà ý thức của bạn ít khi xâm nhập vào được. Ở góc khuất tiềm thức, tất cả kinh nghiệm của bạn luôn được nhào nặn để đưa ra gợi ý cho ý thức. Bạn luôn dao động giữa hai trạng thái: cảm xúc và lý trí, tự động và chủ động.

“Bạn không ý thức được mức độ thiếu ý thức của bản thân” - Lehrer.

Rắc rối thực sự bắt đầu khi thiên kiến xác nhận làm méo mó quá trình chủ động tìm kiếm thông tin của bạn. “Hãy cẩn thận. Người ta thích được nghe những điều mà họ đã biết rồi. Hãy nhớ lấy điều đó. Họ cảm thấy không thoải mái khi bạn kể về một điều mới mẻ. Những điều mới mẻ…Ví dụ con chó cắn người, đó là điều con chó vẫn thường làm, và họ không muốn nghe về việc người cắn chó”. Thêm một ví dụ thực tế hơn nữa, tại sao những quyển sách về self-help như “Bạn thông minh hơn bạn nghĩ”, “Tôi tài giỏi bạn cũng thế”,… được nhiều bạn đọc đón đọc hơn mà thật ra trong đó chả có thông tin gì mới mẻ cả thậm chí bạn đã biết rồi mà bạn vẫn đọc và cho đó là mới? Trong khi những bài viết mang tính lý luận sâu sắc, thông tin hay thì họ không thèm ngó ngàng?. Một nghiên cứu vào năm 1979 của đại học Minnesota do Mark Snyder và Nancy Cantor thực hiện cũng chứng minh được rằng ngay cả trong chính ký ức của bản thân, bạn cũng có thể trở thành nạn nhân của thiên kiến xác nhận, chỉ nhớ những điều hợp với niềm tin bản thân và quên đi những điều trái nghịch.

Thiên kiến về sự nhất quán - bạn vẫn nghĩ rằng bạn nhận rõ được sự thay đổi của bản thân nhưng sự thật lại không phải vậy. Nhà tâm lý học Hazel Markus tại đại học Michigan cho rằng khi nhận được thông tin mới có khả năng đe dọa đến hình tượng bản thân của bạn, bạn sẽ có xu hướng phản ứng nhanh chóng để tái khẳng định lại danh tính. Bạn luôn trải nghiệm thiên kiến về sự nhất quán một cách tức thì, nếu bạn ký một bản cam kết trung thực thì bạn có xu hướng giữ đúng cam kết. Khi bạn đồng ý sẽ làm gì đó, nhưng lại không cảm thấy hứng thú nữa, bạn vẫn sẽ thực hiện điều đó để tránh cảm giác thiếu nhất quán với bản thân và người khác.

2. Thiên lệch nhận thức muộn

“Bạn thường xuyên sửa đổi ký ức mình để bản thân không trở thành kẻ ngốc khi sự việc diễn ra không như bạn tiên lượng”.

Bạn vẫn tưởng sau khi họ một điều mới bạn sẽ nhận biết rằng mình đã từng thiếu hiểu biết và mắc sai lầm nhưng sự thật là bạn thường nhìn những điều mới học và cho rằng mình đã biết từ lâu rồi kiểu như “Biết ngay kiểu gì cũng như vậy mà”, “Đã bảo rồi mà”,.. đó bạn thấy không quá quen thuộc đúng không nào. Một nghiên cứu mới đây của đại học Havard, khi ta càng trưởng thành ta càng giữ vững những quan niệm cũ và khó chấp nhận cái mới, minh chứng cho câu “tre già khó uốn”. Tiếp nhé, một nghiên cứu từ đại học Alberta cho thấy những người lớn tuổi, kinh nghiệm càng dày dặn thì việc hoàn thành bốn năm đại học sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn những thanh niên choai choai 18 tuổi ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Sao có cái sự nghịch lý đến như vậy? Vậy rốt cuộc vế nào mới đúng? Đây gọi là thiên lệch nhận thức muộn. Khi bạn đến một độ tuổi trưởng thành nhất định, bạn luôn xây dựng câu chuyện của cuộc đời sao cho phù hợp với con người hiện tại của mình.

Thiên lệch nhận thức muộn có một người anh em họ khá gần có tên gọi là sự tự nghiệm có sẵn. Bạn có xu hướng tin những chi tiết nhỏ để tưởng tượng ra bức tranh toàn cảnh dựa trên đó. Ví dụ như bạn nghe trên tin tức báo đài có nhiều vụ việc cá mập cắn người, và ngày càng có nhiều báo đài đưa tin về việc đó bạn sẽ nghĩ trong đầu “ôi lũ cá mập này điên mất rồi”, bạn có xu hướng nghĩ rằng cá mập ngày càng cắn chết người nhiều hơn. Bạn thường hay quyết định dựa trên những điều mình đang biết mà vô tình bỏ qua những điều đã biết vì bạn nghĩ rằng mình ngày càng thông minh hơn mà.

Bạn thường vẫn nghĩ mình biết khi nào tự lừa dối bản thân nhưng sự thật là bạn chẳng biết động cơ thúc đẩy đằng sau những hành vi của mình, và thường tự dựng nên những câu chuyện để giải thích cho cảm xúc của bản thân mà vô hình chung không biết điều đó. Nhưng bức tranh lớn này thực ra lại là một sự lừa dối được dựng lên từ những mẩu chuyện do bạn luôn tự bịa ra một cách vô thức. Bạn làm điều này thường xuyên đến mức bạn không biết bao nhiêu phần trăm sự việc trong quá khứ là sự thật. Chứng bịa chuyện này xảy ra giữa hai bán cầu não, khi não trái tiếp nhận thông tin từ não phải nó tự phân tích sao cho phù hợp nhất, hành động giữa hai bán cầu não diễn ra độc lập nhưng có sự kết hợp với nhau nhờ thể chai là cầu nối, nếu bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật thể chai họ sẽ mất đi khả năng liên kết ấy và thường gặp khó khăn trong việc giải thích những sự việc diễn ra hàng ngày. Giống như thời điểm bạn hồi tưởng lại quá khứ là thời điểm bạn tự tái tạo ký ức. Hồi tưởng ấy như một giấc mơ đan xen giữa sự thật và giả tưởng, nhưng bạn vẫn tin vào nó một cách tuyệt đối.

“Điều xuất hiện trong tâm thức bạn là kết quả của sự suy nghĩ, chứ không phải là quá trình của sự suy nghĩ” - George Miller.

Dòng chảy của tâm thức và việc hồi tưởng ngược lại dòng chảy đó là hai thứ hoàn toàn khác nhau, vậy mà bạn lại thưởng coi hai điều này là một. Đây là một trong những khái niệm lâu đời nhất trong tâm lý học và triết học - hiện tượng học. Đó là những “cảm thụ tính” tức là tầng trải nghiệm sâu nhất bạn có thể tiếp nhận trước khi chạm đáy. Ví dụ bạn biết được màu đỏ nhưng bạn hoàn toàn không giải thích được lý do vì sao bạn phân biệt được đó là màu đỏ, vì bạn thường có xu hướng so sánh với một sự vật/hiện tượng khác, nếu bạn lấy màu đỏ đó và so sánh nó với một màu đối lập là màu xanh biển thì bạn thấy màu đỏ là gam màu nóng, màu xanh là gam màu lạnh, màu đỏ đem lại cảm giác ấm áp hơn. Nhà triết học Daniel Dennett gọi việc nhìn nhận bản thân này là hiện tượng học từ “góc nhìn của người thứ ba”. Đó bạn thấy chưa bạn chả hề thông minh chút nào cả, Daniel khuyên rằng khi bạn lý giải một cảm giác, hành vi của bản thân thì cũng nên biết nghi ngờ về nó một chút.

3. Ngụy biện

Sự ngụy biện là những lý lẽ bạn đưa ra hòng bao biện cho những giả thuyết, lập luận từ chính cá nhân của bạn mà bỏ qua hoặc cố tình phớt lờ những thông tin khác. Điều này thật nguy hiểm làm sao, có thể lập luận của bạn tốt đáng thuyết phục nhưng chính những cơ sở thông tin và giả thuyết ban đầu lại không chính xác. Bạn luôn nghĩ rằng bạn biết cách tính sự ngẫu nhiên, hẳn là chúng ta ai cũng từng biết một môn học có tên gọi “xác suất thống kê” đúng không, sự thật là bạn thường bỏ qua sự ngẫu nhiên khi kết quả có vẻ hợp lý, sự việc bạn cho là đúng đắn, chỉ bởi vì bạn “cảm thấy” nó đúng. Nhìn từ góc độ ngẫu nhiên, các yếu tố chỉ là sự trùng hợp mà bạn vẫn luôn tin tưởng vào trực giác của bản thân và đưa ra những kết luận ngớ ngẩn, điều này được gọi là sự ngụy biện của tay thiện xạ Texas. Khi bạn hẹn hò một người bạn nhận ra giữa hai người có nhiều điểm chung và lập luận rằng đây chính là một nửa thật sự của mình mà không tính đến các rủi ro khác, có thể giải thích như sau bởi vì hai bạn sinh ra cùng thời đại, không có quá nhiều sự khác biệt nên sự trùng hợp cũng không có gì lạ. Chỉ một vài điểm giống nhau không đủ bằng chứng để bạn vội đưa ra kết luận về một vấn đề khi chưa dám chắc dữ kiện đó có đáng tin tưởng hay không.

Bạn luôn nghĩ rằng bạn luôn bác bỏ quan điểm của người khác khi quan điểm của họ khác với bạn, nhưng sự thật là bạn đang tấn công bản thân người đối diện chứ không phải tranh luận quan điểm của họ. Đó là lúc bạn thực hiện hành vi “ngụy biện tấn công cá nhân”, bạn thường đánh đồng tính cách của một cá nhân chỉ dựa trên quan điểm phiến diện nào đó bạn lập luận rằng ngay họ là người xấu hoặc tốt.

Trong một sự việc xảy ra bạn có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân, như vấn nạn hiếp dâm phụ nữ tràn lan khắp nơi bạn cho rằng phụ nữ nên tự biết giữ lấy mình dù rằng đó không phải lỗi của họ. Thông điệp ở đây đưa ra sẽ là “Đừng làm điều gì khiến bạn trở thành nạn nhân bị hiếp dâm”. Trong tâm lý học, suy nghĩ về cách thế giới vận hành được gọi là ngụy biện về thế giới công bằng. Từ khóa ở đây là đáng, lối ngụy biện này giúp bạn tạo dựng nên cảm giác an toàn giả tạo.  

4. Sự trì hoãn

Đây chính là một đối thủ đáng gờm khiến bạn luôn lo lắng về bản thân, bạn luôn đặt ra một kế hoạch rõ ràng chi tiết nhưng toàn bị một vấn đề gì đó xen ngang cản trở và bạn lại trì hoãn kế hoạch đó. Bạn yên tâm là không phải chỉ một mình bạn, những người xung quanh bạn cũng thế mà thôi. Trong cuộc chiến dai dẳng giữa muốn và nên, có những người đã ngộ ra điều tối quan trọng - muốn không bao giờ biến mất. Bản chất của sự trì hoãn đơn giản chỉ là bạn chọn làm điều mình muốn thay vì chọn điều mình cần làm, và bạn cũng chẳng giỏi giang trong việc lựa chọn giữa bây giờ và để sau. Xu hướng trở nên lý trí hơn khi bị buộc phải chờ đợi được gọi là chiết khấu hyperbol, bởi vì xu hướng gạt bỏ lợi ích lớn hơn từ các giá trị tương lai của bạn giảm dần theo thời gian và tạo thành một đường dốc trên đồ thị hàm số. Một trong những cách để biết được mức độ nghiêm trọng của tính trì hoãn là nhìn vào cách mà bạn xử lý các công việc có tính thời hạn. Nếu bạn tin tưởng vào khả năng quản lý thời gian, lý tưởng hóa khả năng làm việc chăm chỉ của bạn thì bạn sẽ chẳng bao giờ phát triển được chiến thuật vượt qua yếu điểm của mình.

Sự ngộ nhận trạng thái bình thường - bạn vẫn tưởng rằng khả năng đương đầu nguy hiểm sẽ được kích hoạt nhưng thực chất khi rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm bạn thường trở nên bình thản một cách kỳ lạ. Khi bạn biết có trận thiên tai sắp ập tới? Thì bạn sẽ làm gì lúc đó? Trong quyển sách Điều không tưởng của Amanda Ripley, trong chuyến bay trên đảo Tenerify thuộc quần đảo Canary hàng loại biến cố khiến hai chiếc máy bay Boeing 747 đâm vào nhau. Cú va chạm xé toạt một nửa thân trên của chiếc máy bay khiến xác người nằm lẫn trong đống đổ nát. Mỗi người có khoảng 1 phút để nhanh chóng chạy thoát ra khỏi đó, nhưng thật lạ chỉ có 61 người chạy ra nên họ thoát chết còn lại đều bị chết cháy trong tai nạn đó. Trong 1 phút ngắn ngủi đó hàng tá người vốn đã có khả năng thoát chết nhưng họ đã không hành động. Họ bị tê liệt hoàn toàn. Johnson cho rằng não bộ con người phải trải qua đủ những thủ tục cần thiết trước khi cơ thể có thể hành động - nhận thức, tri giác, lĩnh hội, quyết định, áp dụng, rồi cuối cùng mới hành động. Không có đường tắt nào để đi qua quá trình này, thường những người thoát chết đa phần họ đã có sự chuẩn bị kĩ từ trước những rủi ro có thể xảy ra. Khi bạn trở nên bất động mọi thứ xung quanh diễn ra giúp bạn tự trấn an não bộ rằng mọi thứ sẽ ổn thôi. Ripley gọi thời khắc này là sự ngờ vực theo phản xạ.

“Ai cũng tin rằng mình hiểu rõ về động lực, khát vọng, sở thích và sở ghét của bản thân. Nhưng thực ra điều đó được gọi là ảo giác nội quan”.

Đã bao giờ bạn thấy người gặp nạn bên đường và nghĩ rằng: “Mình có thể giúp họ đó, nhưng chắc chắn sẽ có người khác giúp thôi”. Ai cũng nghĩ vậy và không ai dừng lại cả, đây được gọi là hiệu ứng bàng quang khi bạn tỏ ra thái độ hờ hững với hiểm nguy của người xung quanh.

5. Sự tự nghiệm

Một vấn đề với ví dụ cụ thể dễ chiếm được lòng tin của bạn hơn những con số thống kê hay thông tin trừu tượng. Xu hướng phản ứng nhanh với thông tin bạn đã quá quen thuộc được gọi là tự nghiệm về sự phổ biến. Sự tự nghiệm chính là con đường tắt trong tâm trí mà bộ não bạn sử dụng để giải quyết các vấn đề thường gặp trong cuộc sống.

Hiệu ứng dunning - kruger chính là kẻ thù thực sự của bản thân bạn, khiến bạn tự tin thái quá trong khi bạn vốn chỉ là một kẻ tầm trung. Bạn luôn nghĩ rằng mình thuộc dạng đỉnh của đỉnh, nhưng thật ra bạn chỉ là hạng nghiệp dư thôi. Ví dụ bạn vẫn luôn được bạn bè khen là hát hay và tự tin về điều đó khiến bạn ảo tưởng về bản thân quá mức so với thực lực của bạn, bạn bèn liều lĩnh đi thi giọng ca trên toàn quốc rốt cuộc lại thua thảm hại.

“Ngu dốt mới là thứ hay sinh ra tự phụ chứ không phải là tri thức” - Charles Darwin.

Hiệu ứng người thứ ba - bạn vẫn những tưởng rằng quan điểm của bản thân đều dựa trên kinh nghiệm sẵn có nhưng sự thật bạn luôn bị ảo tưởng về niềm tin của bản thân. Khi bạn luôn cho rằng người xung quanh dễ bị cả tin bởi những thông tin sai sự thật, còn bạn luôn cảnh giác với mọi thông tin mới tiếp nhận. Hiệu ứng người thứ ba là một phiên bản khác của thiên kiến tự đề cao, tự bào chữa cho những thất bại của mình bằng những lời nói dối hoa mỹ, nhằm đánh bóng bản thân mình mà không nhận ra điều đó.

Có phải bạn luôn được mọi người khuyến cáo không nên ôm khư khư sự tức giận trong lòng mà phải xả chúng ra hết không? Có phải tâm trạng bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi mọi bực tức được trút hết đúng không? Và bạn luôn làm điều đó mỗi khi bạn tức giận vì bạn cho đó là cách giải quyết stress tốt nhất có thể. Đó được gọi là sự thanh tẩy, khi bạn trút cơn giận của bạn bằng những hành động bạo lực như đấm vào bao cát, hét thật to,… Bushman khuyên chúng ta rằng khi giận dữ bạn đừng nên phản ứng tức thời, hãy thả lòng thư giãn, hoặc tự đánh lạc hướng bản thân bằng các hoạt động hoàn toàn không liên quan đến tính chất bạo lực.

6. Hiệu ứng mỏ neo

Khi bạn bước vào cửa hàng và bị choáng ngợp bởi vô vàn những bộ sưu tập quần áo xu hướng thời trang mới, bạn bị thôi thúc khi nhìn thấy một cái đầm đẹp. Bạn quyết định mặc thử nó, tự ngắm mình trước gương và thầm nghĩ rằng những người thân, đám bạn sẽ trầm trồ khi thấy bạn diện chiếc đầm này. Bạn lật tay áo lên và xem “1000 đô cơ à đắt quá”, và anh chủ cửa hàng có vẻ nắm bắt được tâm lý ấy rồi chào hàng bạn với giá 400 đô bằng lý do “nhân dịp sự kiện nên cửa hàng giảm giá tận 600 đô chỉ còn 400 đô thôi”. Bạn sẽ chẳng ngại ngần mua nó đúng không, vậy là bạn lại mắc bẫy của những người bán hàng rồi vì giá trị thực sự của chiếc áo đó không đến 1000 đô đâu. Hiệu ứng mỏ neo được áp dụng hàng ngày để giúp cho người làm việc được tốt hơn. Liệu rằng mỏ neo có vô hình chung đang điều khiển cuộc sống của bạn hay không? Khi trên bàn thương lượng, hãy nhớ rằng bạn chẳng thông minh lắm đâu và chính họ cũng đang sử dụng hiệu ứng mỏ neo để ton hót với bạn về món đồ đẹp giá hời và bạn lại để chính mình rơi vào cái bẫy đó.

Kết:

Đây là một quyển sách hay đáng để gối đầu giường mỗi đêm thay cho những quyển sách self-help tạp nham tràn lan trên thị trường hiện nay. Trong hằng hà sa số kiến thức như biển rộng mênh mông, hãy luôn là người biết nghi ngờ trước bất cứ thông tin nào bạn nhận được. Và một khi tiếp nhận thông tin mới cũng nên mở lòng chấp nhận điều mới có khi nó hoàn toàn trái ngược với quan điểm của bạn, vì vốn dĩ thế giới này luôn không hoàn hảo mà.

 

Tác giả: Thảo Trần - Bookademy

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Xem thêm