Những ngày gần đây, có thể nói, “bản hòa tấu” diệu kỳ của bố Quốc Tuấn và bé Bôm đã để lại biết bao dư âm trong trẻo và tha thiết trong lòng người. Khúc nhạc đã dứt nhưng giọt nước mắt còn nóng hổi lăn trên má những người xem, người nghe và những người biết về câu chuyện của hai cha con.

Câu chuyện được phát đi trên sóng truyền hình với mong muốn lan tỏa những điều tốt đẹp đến với cộng đồng, đó là tình phụ tử “kiệm lời”, giản dị mà thiêng liêng, là ngọn lửa của đam mê, nỗ lực vượt lên nghịch cảnh. Ở một khía cạnh khác, buồn hơn, da diết hơn, chúng ta đã phần nào hiểu thấu những thiệt thòi, mất mát của những em bé vừa chào đời đã mang trong mình căn bệnh quái ác, những khiếm khuyết bẩm sinh cùng với đó là bao nỗi thất vọng, khó khăn mà gia đình các em phải trải qua và vượt qua.

Câu chuyện mà Jean-Louis Fournier kể trong: ”Ba ơi, mình đi đâu?” mà tôi sắp giới thiệu tới bạn, đã chạm sâu vào khía cạnh đó. Cuốn sách mở ra một thế giới nơi bóng tối ngự trị: thế giới của tật nguyền, của những nỗi đau, của day dứt và thất vọng. Cuốn sách sẽ khiến ta cười, khi thì bật khóc, có lúc suy ngẫm nhưng tuyệt nhiên không để lại chút bi luy. 

Jean-Louis Fournier sinh năm 1938 tại Arras (Pháp) trong một gia đình có bố là bác sĩ, mẹ là biên tập viên. Ông là một cây viết trào lộng, đồng thời là một đạo diễn phim truyền hình với các tác phẩm để lại tiếng vang như Grammaire francaise et impertinente (1992), Il a jamais tué personne, mon papa (1999), Les mots des riches, les mots des pauvres (2004), Mon dernier cheveu noir (2006)…”Ba ơi, mình đi đâu?” được J.L Fournier viết khi ông đã ở vào tuổi 70. Cuốn sách cũng là lần đầu tiên ông chia sẻ câu chuyện về hai đứa con tật nguyền của mình, và là món quà ông dành tặng chúng - Mathieu và Thomas yêu quý.

Người cha và hai chú chim bé bỏng

Nhân vật “tôi”- người cha đã đưa bạn đọc đi từ đầu tới cuối câu chuyện với những sự kiện thường ngày xung quanh ba cha con, về những suy nghĩ của “tôi” về cuộc sống của các con và cũng là của chính bản thân mình.

"Những ai chưa từng sợ có một đứa con bất thường hãy giơ tay. ...

Chẳng có ai giơ tay cả. Mọi người đều nghĩ đến chuyện đó, như nghĩ đến một trận động đất, như nghĩ đến ngày tận thế, thứ gì đó chỉ xảy ra một lần.

 Tôi có tới hai ngày tận thế."

Mathieu chào đời trong niềm tin và hy vọng, thế nhưng thông báo từ vị bác sĩ rằng em sẽ vĩnh viễn không bao giờ phát triển bình thường đã dập tắt những tia sáng vừa chợt lóe lên đó. “Mathieu chậm phát triển, thằng bé sẽ mãi mãi chậm phát triển, dù thế nào đi nữa thì cũng chẳng thể làm gì, nó tật nguyền, cả về thể chất lẫn tinh thần”. Đó là một cậu bé không thể giữ đầu mình cho thẳng, người mềm oặt như thể cổ nó được cấu tạo từ cao su vậy. Mắt của Mathieu tội nghiệp “nhìn không rõ, xương thì yếu, chân thì khoèo và nó nhanh chóng bị gù”...nom nó thật u buồn và luôn miệng phát ra những tiếng “brừm-brừm”.

Thomas ra đời sau Mathieu đúng hai năm. Những khoảnh khắc đầu tiên chào đón cậu con trai thứ hai được Fournier miêu tả: “thằng bé thật tuyệt vời, tóc vàng, mắt đen, ánh nhìn linh hoạt, miệng luôn mỉm cười. Dường như thằng bé là “một thứ tạo vật quý giá mà mong manh”, tựa thiên thần được gửi xuống cho ông. Thế nhưng, niềm vui ấy chẳng kéo dài được bao lâu khi bác sĩ điều trị cho biết về tình trạng sức khỏe của Thomas: em cũng tật nguyền, như người anh trai của em vậy. Cảm xúc của người làm cha, làm mẹ khi ấy cũng như giây phút ngã từ thiên đường xuống địa ngục, hay như cách nói của tác giả, đó chính là “ngày tận thế thứ hai” trong cuộc đời ông.

“Ba ơi, mình đi đâu?”

Câu hỏi mà Thomas cứ lặp đi lặp lại mãi, với vẻ hết sức thơ ngây. Cuộc sống của ba cha con quẩn quanh trong một vòng tròn, những câu chuyện thường ngày ở nhà, hay những lúc cha đến chơi và đón hai con ở việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt. Fournier đã nhiều lần tự hỏi rằng ông cùng Thomas và Mathieu có thể đi đến đâu?

Ba cũng chẳng biết rõ chúng ta đi đâu, Thomas tội nghiệp của ba à. Chúng ta đi loanh quanh, chúng ta đâm thẳng vào tường.

Một đứa con tật nguyền, rồi hai đứa. Tại sao không là ba....

....Mình đi ngược chiều trên xa lộ.

....Mình sẽ đi dạo trong cát lún. Mình sẽ đi trong sa lầy. Mình sẽ đi xuống địa ngục.

Những câu trả lời ấy, nhân vật “tôi” chỉ có thể giữ trong tâm tưởng, bởi hai đứa trẻ, chúng không thể hiểu và giao tiếp với ông như những người bình thường được. Chúng ta đọc thấy trong đó là biết bao thất vọng, bao nỗi “ấm ức” với số phận. Người cha thực sự đau lòng. Với lối viết trào lộng, bi kịch được thể hiện thông qua lối viết hài hước, Fournier cũng có khi tâm sự những lời có phần chua chát, và “nhẫn tâm” thế này:

“Khi một mình ngồi trên xe ô tô với Thomas và Mathieu, thỉnh thoảng tôi lại nảy ra những ý tưởng kỳ quặc. Tôi sẽ mua hai chai rượu...và nốc cạn cả hai chai. Tôi tự nhủ nếu tôi bị tai nạn ô tô nghiêm trọng, có lẽ mọi chuyện sẽ tốt hơn. Nhất là đối với vợ tôi....”

Thế nhưng, càng xót xa, càng tuyệt vọng thì tình cảm của ông dành cho hai đứa trẻ lại càng chứa chan và da diết. Là một người cha, Fournier luôn mong muốn con mình được như người bình thường, là những đứa trẻ xinh xắn, dễ thương, sẽ học hành nên người và thành đạt. Rồi sau đó chúng tôi sẽ đến khách sạn treo đầy đèn chùm, chúng tôi sẽ ăn tối tại những nhà hàng lớn, chúng tôi sẽ uống sâmpanh, chúng tôi sẽ nói với nhau thật nhiều chuyện, chúng tôi sẽ nói về ô tô, sách âm nhạc, điện ảnh và các cô gái.

 Nhân vật “tôi”, cũng như nhiều ông bố khác, chờ đợi đến khi các con lớn lên,với muôn vàn những câu hỏi và thắc mắc cần được giải đáp của chúng. Có thể nói, Fournier đã đợi chờ trong vô vọng.

Tôi chợt nghĩ đến những câu hát:

Mai đây con mạnh mẽ hơn nhiều

Mai đây con chở che cho biết bao điều

Cho ước mơ của mẹ, cho nỗi đau của mẹ

Thay ba chăm sóc con nghe....

(Ba kể con nghe - Nguyễn Hải Phong)

Mathieu và Thomas, tội nghiệp thay, còn không có khả năng để đứng vững và bảo vệ cho chính bản thân mình. Hai đứa trẻ lớn lên nhưng lưng của chúng mãi còng xuống, và chúng chẳng thể nhận biết được điều gì xung quanh hay có thể giao tiếp với thế giới ngoài những âm thanh “brừm brừm” và câu hỏi: “Ba ơi, mình đi đâu?”. Chúng là “những kẻ đến Trái Đất này dạo thoáng qua một vòng chỉ để chịu đau khổ”

Mathieu, Thomas - Các con đang làm gì trên thiên đường?

Đối với người anh cả Mathieu, điều làm cậu hứng thú duy nhất là âm nhạc và quả bóng. Cậu có thể liên kết với cha mẹ bằng cách ném quả bóng ra xa và nhờ sự trợ giúp của họ để tìm nó về. Sự ra đi của Mathieu được tác giả miêu tả cũng nhẹ nhàng hơn biết bao những nỗi đau mà em đã trải qua trong đời “Giờ thì Mathieu đã ra đi tự mình tìm bóng. Nó đã ném bóng đi quá xa. Đến một nơi mà chúng tôi không thể giúp nó lấy lại quả bóng nữa.”

Thomas, ở tuổi mười tám, những điều thằng bé có thể làm được là dành tình cảm cho mọi người bằng những cái ôm, là những cuộc đối thoại với bàn tay của mình và những câu hỏi không ngừng dành cho cha.

Fournier tự hỏi, ở trên thiên đường, liệu các con có một cuộc sống tốt đẹp hơn chăng, liệu các con có tật nguyền. Ngay cả đến khi các con đã về với Chúa, ông vẫn không ngừng lo sợ, vì ông đã thua đến hai lần trong trò xổ số mang tên “di truyền học”.

“Ba ơi, mình đi đâu” được viết lên bởi những lời kể hết sức dung dị. Fournier đã sử dụng ngòi bút trào lộng nhưng mọi thứ đều được viết rất thực, thực đến đau lòng về những bất hạnh của hai đứa trẻ tật nguyền và việc người làm cha đã đối diện với nỗi đau của các con theo năm tháng như thế nào. Chừng ấy bi kịch, chừng ấy những điều tồi tệ, chừng ấy những nỗi đau và mất mát được tác giả thể hiện thông qua cảm xúc dồn nén, với những lời kể ngắn làm nổi bật cái “bi kịch” nhưng vẫn chan chứa yêu thương và niềm âu yếm.

“Không nên nghĩ rằng cái chết của một đứa trẻ tật nguyền thì ít buồn hơn. Nó cũng buồn như một đứa trẻ bình thường vậy.

Thật khủng khiếp, cái chết của kẻ chưa bao giờ được hạnh phúc. Kẻ đến với Trái Đất này dạo thoáng qua một vòng chỉ để chịu đau khổ”

Jean-Louis Fournier đã không bỏ rơi hai đứa trẻ mà nuôi nấng chúng bằng sự tận tụy, nhẫn nại của cả cuộc đời ông. Ông đã làm những việc mà chỉ có các thiên thần mới có thể gánh vác. Ông đã tự giễu cợt chính bản thân mình “không thể sinh ra những đứa con bình thường”, giễu cợt cả hai đứa trẻ tật nguyền đáng thương.

 “Mỗi lần đi dạo với hai cậu con trai của mình, tôi lại có cảm giác đang mang trên tay những con rối hay những con búp bê bằng vải. Chúng nhẹ bẫng, xương chúng nhỏ bé mong manh, chúng không lớn lên, chúng không béo lên, ở tuổi mười bốn, trông chúng như ở tuổi lên bảy, chúng như những con yêu tinh bé bỏng. Chúng không nói tiếng Pháp, chúng nói tiếng yêu tinh, hoặc có khi chúng nghêu ngao, gầm gừ, ăng ẳng, ríu rít, quàng quạc,liến thoẳng, gào rú hay kêu ken két. Không phải lúc nào tôi cũng hiểu chúng.”

Nhưng đằng sau đó là nghị lực sống, nghị lực vươn lên như muốn đấu tranh với số phận, với tạo hóa. Cuốn sách đã đoạt giải Fémina 2008 và được Christine Jordis, trưởng ban Giám khảo đánh giá là: “Một cuốn sách hướng con người đến cái thiện”. Ta sẽ không bao giờ quên được Thomas và Mathieu

Kết

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha...”

Thật vậy, cha mẹ, và gia đình luôn là nguồn năng lượng không vơi cạn của mỗi người. Dù ta có là ai, hay sẽ trở thành ai trong cuộc đời này, mẹ cha sẽ luôn dõi theo và chở che... Với cha, cha luôn thâm trầm, kiệm lời, lặng lẽ quan sát và chở che cho con trước những cơn sóng, ngọn gió ập đến trong đời. Những nỗi buồn, nỗi mất mát chỉ có thể khiến cha mạnh mẽ hơn và ôm chặt các con hơn trong cánh tay người. Tôi cho rằng Fournier là một người cha như vậy.

Trong cuộc đời, không ai mong đợi những điều không may mắn, xảy đến với bản thân mình hay với những người xung quanh. Nhưng theo một lẽ thường tình và không thể đoán biết trước, những “ngày tận thế” vẫn cứ xảy đến. Fournier đã chọn cách chấp nhận và đối diện với nó. Với ông, Mathieu và Thomas chẳng thể làm cho cha tự hào như bao đứa trẻ khác, nhưng tình yêu ông dành cho chúng không vì thế mà ít đi, thậm chí càng thêm chứa chan, đong đầy và để lại nhiều day dứt.

“Ba ơi, mình đi đâu?” - Chúng ta sẽ đi về nơi yêu thương sẽ hàn gắn mọi nỗi đau và ngọn nến hy vọng mãi được thắp sáng mãi.

 

Tác giả: Mai Phương - Bookademy

----

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Xem thêm

Cuốn sách này thật ngoạn mục! Cha mẹ có con tật nguyền làm gì và nghĩ gì? Họ xử lý tình huống này như thế nào? Làm sao họ có thể cho con đi học? Có phải họ đang dạy học tại nhà và hy vọng con mình sẽ chết bằng cách nào đó để chấm dứt cuộc sống khốn khổ của họ? Phải chăng Chúa đã trừng phạt những bậc cha mẹ đó bằng cách tạo ra những đứa con khuyết tật? Tác giả kể một câu chuyện thú vị về một người cha có con chậm phát triển trí tuệ và cách ông cố gắng (nhưng không thực sự cố gắng) để làm cho tình hình bớt khủng khiếp hơn, tác giả có một tài năng tuyệt vời để mô tả việc chăm sóc người khuyết tật khó khăn như thế nào con cái và đôi khi, cha mẹ tự trách mình vì đã sinh ra những đứa con tật nguyền. Tôi ngưỡng mộ người cha này trong câu chuyện và tôi cảm nhận được nỗi đau của ông. Nỗi đau của anh hiện diện khắp nơi trong cuốn sách nhưng bạn không hề thương hại anh mà chỉ có sự ngưỡng mộ. Không biết đứa con thứ hai và đứa con thứ ba bình thường của anh sẽ ra sao khi câu chuyện kết thúc với một cái kết mở, có lẽ mỗi chúng ta sẽ phải tạo ra một cái kết riêng. Yêu cuốn sách này rất nhiều. 5/5 sao.