Bạn có phải là một độc
giả trung thành của thể loại truyện trinh thám, người đã quá quen thuộc với mô
típ danh tính của tên sát thủ máu lạnh chỉ được tiết lộ vào trang cuối của quyển
sách? Bạn có đang chờ đợi một sự đột phá trong tình tiết truyện, vừa đem lại sự
mới mẻ vừa giữ nguyên cảm giác hồi hộp và phấn khích đến run người khi đi qua từng
trang sách? Chỉ cần một trong hai yếu tố trên “trúng phóc” với những gì bạn
đang nghĩ thì ta da, quyển sách “Alex” này được sinh ra chính là để dành cho BẠN!
Với câu phương châm đầy ấn tượng “Tôi chỉ tìm cách viết những cuốn sách mà
Hitchcock sẽ muốn dựng thành phim”, Pierre Lemaitre đã xuất sắc xây dựng một mê
cung với nhiều ngã rẽ bất ngờ trong chính câu chuyện của mình để đem lại cảm
giác bàng hoàng và run rẩy cho độc giả ngay cả khi trang sách cuối cùng được gấp
lại.
Câu chuyện mở đầu bằng một vụ án bắt cóc. Nạn nhân là một cô gái trẻ trung và xinh đẹp mang tên Alex, cô có sở thích đội mái tóc giả màu đỏ hung và đẩy đưa bằng ánh mắt với anh chàng tóc hạt dẻ điển trai trong quán Mont-Tonnerre. Trong khi tản bộ trên đường về nhà, cô đã bị một người đàn ông đô con tấn công thật mạnh từ phía sau vào giữa hai vai và ngã khuỵu xuống. Qua khóe mắt, cô nhận ra cái người đang thụi vào bụng cô với sức mạnh của một con bò chính là kẻ đã theo dõi cô suốt mấy ngày nay ở tàu điện ngầm, trên phố, chỗ cửa hàng và theo cô đến tận đây. Sau đó hắn đem cô nhốt vào một cái lồng gỗ treo trong một căn nhà bỏ hoang và chơi đùa với cô bên ngoài chiếc lồng khiến cho cô gần như phát điên. Lạ một điều là dù đã mất tích gần ba ngày rồi nhưng sở cảnh sát hầu như không nhận được thông báo mất tích gì từ người thân của cô gái, lời khai của nhân chứng gần đó lại không đủ thuyết phục để xác định đúng danh tính của cô để khai thác thêm thông tin. Tréo ngoe ở chỗ, người thụ án vụ bắt cóc lân này lại chính là Camille Verhoeven, một viên cảnh sát từng bị chuyển từ các bệnh viện sang các trại an dưỡng với lí do không chịu nổi đả kích sau vụ việc vợ mình đang mang thai và bị bọn bắt cóc giết hại. Ông cùng với đồng đội của mình, một Louis Martini phong nhã theo đuổi nghề cảnh sát mặc dù có gia tài đủ để nuôi sống bốn đến năm thế hệ tiếp theo, vừa lần mò một cách vô vọng theo những lời khai mơ hồ của nhân chứng vừa cố gắng đẩy lập luận của mình thoát khỏi nỗi ám ảnh về vụ án bắt cóc của người vợ đã khuất Irene.
Sau bốn ngày vò đầu bứt tóc vì vụ án cứ mãi giậm chân tại chỗ,
cuối cùng đội điều tra cũng tìm ra chiếc xe tải trắng đã áp giải Alex và quyết
định đột kích để tóm gọn gã đàn ông to lớn kia và tìm ra vị trí đang giam giữ
cô gái. Tiếc thay, tên hung thủ đã quyết định đem bí mật ấy xuống suối vàng mà
không bị đội cảnh sát ép cung phải khai ra nơi đó, vì thế Camille chỉ còn cách
dựa vào các tấm hình hắn để lại trên xe để dự đoán vị trí trước khi cô ấy trút
hơi thở cuối cùng vì kiệt quệ cả thể xác và tinh thần. Nhưng trong quá trình điều
tra về mối liên quan giữa nạn nhân và hung thủ, đội Trọng Án nhận ra có những
tình tiết mờ ám về mối quan hệ giữa cô gái và người con trai Pascal Trarieux của
người đàn ông kia, cũng như sự giống nhau đến kì lạ giữa cách hai nạn nhân trước
và cậu trai này bị sát hại trong vòng hai năm trở lại đây: đó là đổ axit
sunfuric đậm đặc 80% vào cổ họng sau khi bị đập vỡ đầu đến biến dạng. Giống như
nhà thám tử lừng danh Sherlock Holmes đã từng nói: “Khi bạn đã loại bỏ những điều
không thể thì điều cuối cùng, dù khó tin đến đâu, cũng chính là sự thật”, Camille
đã tìm ra động cơ gây án của người đàn ông chính là để trả thù cho đứa con trai
yêu dấu bị người đàn bà này sát hại một cách vô cùng dã man.
Diễn biến sau đó của câu chuyện chủ yếu thuật tập trung vào quá trình gây án của Alex và cách cô đánh lạc hướng đội điều tra tài tình như thế nào, khiến cho họ lúc nào cũng dậm chân bất lực nhìn cái xác bị đổ đầy axit khi cô đã cao chạy xa bay với một thân phận mới. Mặc dù trong tình thế bị động, phải đối mặt với việc thức trắng nhiều đêm liền để phân tích chứng cứ nhưng Camille vẫn không đánh mất sự sáng suốt và bình tĩnh của mình. Cuối cùng, nhờ lục soát được các món đồ kỉ niệm và cuốn nhật kí của Alex, Camille và đội Trọng án của mình cũng tìm ra được mối liên hệ của cô gái và các nạn nhân của cô cũng như lí do cho những màn hạ sát tàn nhẫn đến vậy. Khó khăn ở chỗ, khi biết được sự thật thì Camille lại ước rằng thà rằng mình không biết thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ thở hơn rất nhiều. Nhưng vụ án giết người hàng loạt thì không bao giờ dễ thở cả, dù là với lí do gì đi nữa.
Có hai chi tiết khiến mình ấn tượng nhất ở tác phẩm này, và
có lẽ đó cũng chính là điều khiến “Alex” trở nên đặc biệt hơn so với các tác phẩm
trinh thám khác.
Điều thứ nhất là, tác phẩm có tới ba nút thắt truyện.
Vâng, các bạn không đọc nhầm đâu, Pierre Lemaitre đã tạo ra
tận BA nút thắt cho câu chuyện của mình. Một tác phẩm trinh thám thường thấy sẽ
đạt đến cao trào khi các bằng chứng quy về một mối và danh tính tên hung thủ
chính thức lộ diện. Sau đó đội điều tra sẽ ập đến vây bắt hung thủ, tìm cách giải
cứu con tin, khám phá ra động cơ gây án của hắn, và sau đó câu chuyện sẽ kết
thúc có hậu hoặc không tùy theo tâm ý của tác giả. Thế nhưng ở “Alex”, quá
trình này được lặp lại đến ba lần.
Có phải vì có tới tận ba hung thủ hay không? Thật ra chỉ có
hai hung thủ chính, đó là tên đàn ông to lớn và cô gái bí ẩn tên Alex, và vô số
tên hung thủ phụ khác.
Hay là vì có đến tận ba vụ án mạng khác nhau xảy ra trong cùng một thời điểm? Cũng không hẳn, ba vụ án xảy ra hoàn toàn không trùng lặp nhau: vụ án trong quá khứ của Alex đến trước, rồi mới đến vụ án giết người hàng loạt, và vụ bắt cóc diễn ra sau khi Alex giết hại nạn nhân thứ ba.
Tôi nghĩ rằng chính sự kết hợp giữa hai yếu tố “hung thủ” và
“vụ án” đã tạo nên ba nút thắt này, không những không làm cho bố cục trở nên rườm
rà mà còn góp phần làm những “bước ngoặt” của cốt truyện trở nên kịch tính
hơn. Cứ ngỡ rằng hung thủ lộ diện thì vụ
án sẽ đến hồi kết, nhưng sau đó lại là chuỗi gây án liên hoàn của hung thủ và
công cuộc điều tra ngày càng gấp rút để đem người đọc đến gần hơn với một nút
thắt mới khiến ta dường như ngừng thở:
Vụ này sẽ tràn ngập
hình ảnh, Camille sắp biết điều đó. Hình ảnh khai mào, theo cách nào đó, là
hình ảnh cây cầu bắc qua đại lộ vành đai nơi chiếc xe tải nhỏ của Trarieux dừng
khựng lại. Đằng sau hắn là hai xe cảnh sát, phía trước hắn là chiếc thứ ba đỗ
chặn. Camille cũng ra khỏi xe, rút súng, ông chuẩn bị hét lên ra lệnh thì nhìn
thấy gã đàn ông ra khỏi chiếc xe, nặng nề chạy về phía hành lang can của cây cầu.
Hắn đang dang tay, như
thể muốn có một lời tuyên bố lịch sử. Rồi hắn đu chân lên thật cao và ngã bổ chửng
ra đằng sau.
Camille nhìn. Phía dưới, đám xe cộ dừng lại, đèn pha bật hết lên, thứ ánh sáng của nỗi kinh hoàng. Gã đàn ông đang nằm dưới một chiếc đầu kéo xe mooc, có thể nhìn thấy nửa thân người hắn, nhất là cái đầu của hắn bị nghiền nát, và máu chầm chậm loang ra trên nền đường.
Những tưởng vụ án sẽ nhanh chóng kết thúc khi tìm được vị
trí của cô gái, thế nhưng Alex đã chứng minh cho đội Trọng án ấy thấy rằng hóa
ra họ đã quá xem thường mức độ nghiêm trọng của vụ án bắt cóc này:
Cái lồng gỗ tan nát
trên sàn nhà, hai thanh đã long ra. Mùi thịt thối, đó là những con chuột chết,
ba con, trong đó hai con bị cái lồng đè lên. Đầy ruồi. Có phân đóng thành cục
đã khô một phần, cách cái lồng vài mét. Camille và Louis ngẩng đầu lên, sợi dây
bị cắt đứt nham nhở, chẳng biết bằng cái gì, một đầu vẫn còn mắc vào ròng rọc gắn
trên trần.
Trừ mỗi một việc là
trên sàn nhà vương vãi máu.
Và không còn dấu vết của
cô gái.
Cô gái đã biến mất và
đã không tìm đến chỗ cảnh sát giống như bất kì một con tin nào đột nhiên được
giải thoát.
Cách đây vài tháng, cô
ta đã dùng xẻng đập chết một người đàn ông và dùng axit sunfuric làm tan biến nửa
cái đầu anh ta trước khi chôn anh ta xuống một khu vườn ngoại ô.
Qua cách thức cô gái
thoát thân được khỏi tình huống tuyệt vọng này, đã có thể thấy rõ cô ta không
phải tay vừa.
Nếu đếm kĩ thì thật ra câu chuyện này có đến bốn nút thắt,
nhưng tôi sẽ không gọi là “nút thắt cuối cùng” bởi vì cái kết mà Pierre
Lemaitre đem lại cho toàn bộ vụ án liên hoàn này chính là giây phút “gỡ nút”,
chính kết cục này đã đem lại sự giải thoát không chỉ cho Alex mà còn cho đội điều
tra nói chung và nỗi ám ảnh của Camille nói riêng. Ở một phương diện nào đó,
đây có thể được xem là kết thúc viên mãn.
Điều thứ hai khiến “Alex” đặc biệt chính là, các tình tiết trong truyện được miêu tả chân thực đến ghê rợn.
Trong các tiểu thuyết trinh thám không thiếu những cảnh tra tấn và giết người, nhưng ở “Alex” thì quá trình đó được miêu tả chân thực và rùng rợn đến mức chúng ta không tưởng tượng được làm thế nào tác giả lại có thể nghĩ ra những chi tiết đó một cách tài tình đến như vậy. Lạ một điều là cách miêu tả lại không hề đem cho ta cảm giác đang nói quá hay thổi phồng sự thật lên, ngược lại từng câu chữ viết ra đều rất mạch lạc và logic. Chúng hệt như những mảnh ghép nhỏ xíu của trò chơi xếp hình, tưởng chừng như rời rạc chẳng liên quan gì nhau, thế nhưng khi sắp xếp đúng vị trí sẽ tạo nên một bức tranh toàn cảnh hùng vĩ. Pierre đã dùng câu chuyện của Alex để phác họa lên bức tranh “Trời phạt” của nhân gian: Một vị hiệp sĩ đã nhân danh Chúa trời để giết chết quỷ dữ bằng thanh kiếm của mình, nhưng rồi lại mãi mãi không thể trở thành thiên thần vì đã bị máu của quỷ vấy bẩn.
Những đoạn miêu tả Alex đấu trang trong chiếc lồng “cô bé
con” (một biện pháp tra tấn người được dùng dưới triều Louis XI) để tồn tại thật
sự khiến gai ốc tôi dựng đứng cả lên, kèm theo đó là sự hồi hộp và kích thích
ngũ quan đến tận cùng:
Tư thế của Alex là
không thể chịu đựng nổi, đúng theo nghĩa đen.
Không thể đứng vì cái
lồng không đủ cao. Lại không đủ dài để nằm ra. Ngồi thì cái nắp quá thấp. Cô
đành thu mình vào, gần như cuộn hẳn người lại. Nỗi đau đớn nhanh chóng trở nên
không thể chịu đựng nổi. Cơ bắp đờ ra, các khớp như đông cứng lại, mọi thứ tê dại
và nghẽn lại, mà đấy là còn chưa kể đến cái lạnh. Toàn thân cô cứng đơ và, vì
Alex không thể cựa quậy nên tuần hoàn máu bị chậm lại, khiến cho nỗi đau do cơ
căng cứng vốn đã thường trực lại càng tăng thêm. Đôi khi cô nghĩ rằng mình đang
dự phần vào quá trình băng hoại của cơ thể mình, tâm trí cô đang chia đôi với
nguy cơ sắp phát điên đang rình rập cô và sẽ là kết quả cơ học của cái tư thế
khủng khiếp, phi nhân tính này.”
Không thể nào tưởng tượng được lại có một hình thức tra tấn
con người bằng cách bắt họ trần truồng và chui vào một cái lồng gỗ treo tòong
teng trên trần nhà man rợ đến như vậy. Nhưng việc hành hạ Alex giá như chỉ đơn
giản thế này thì tốt biết bao:
“Một tia chớp làm căn
phòng sáng lòa lên, gần như tất cả chúng đều đứng bật dậy, mõm chĩa lên trời
cùng một lúc. Chúng bắt đầu chạy tán loạn, không phải là vì sợ hãi trước cơn dông
mà như đang trình bày một điệu nhảy hiến tế. Lũ chuột đang bị kích động.
Những con chuột này là
chiến lược gia. Chúng hiểu rằng ngoài cái đói, cái khát, cái lạnh thì còn cần
thêm nỗi kinh hoàng. Chúng hòa giọng kêu chít chít. Để gây ấn tượng với cô. Alex
cảm thấy những tia nước mưa lạnh giá theo gió bắn vào. Cô không khóc nữa, mà
run rẩy. Cô đã nghĩ đến cái chết như một sự giải thoát nhưng viễn cảnh bị lũ
chuột kia cắn, ý nghĩ mình sẽ bị xé xác thì…
Với chục con chuột, một
xác người tương ứng với bao nhiêu ngày lương thực?
Nếu như nửa cuốn truyện đầu chúng ta kinh tởm gã đàn ông,
căm ghét lũ chuột và ngưỡng mộ nghị lực của cô gái, thì đến các chương sau
chúng ta lại phải câm lặng trước sự lãnh đạm đến vô tình của cô, mà khi đến cuối
truyện thì cảm xúc yêu thương và đồng cảm với cô lại quay trở lại:
Anh ta đang quỳ gối
trên giường, đập đập tấm ga, nhoài hẳn người về phía trước. Alex tiến lại gần,
đứng ngay sau anh ta, cô nâng cái cúp bóng đá bằng cả hai tay lên phía trên đầu
anh ta, rồi giáng xuống sau đầu anh ta, ngay ở phát đầu tiên, góc đế bằng đá đã
ngập sâu vào ít nhất ba xăng ti mét. Cú đánh mạnh khiến Alex mất thăng bằng, cô
quay trở lại, tìm một góc thuận hơn rồi dùng hết sức nện xuống một cú rất chuẩn.
Cô tiến lại gần, tò mò
cuối xuống nhìn. Anh ta rên rỉ, nhưng còn thở. Đầu anh ta bị đâm sâu đến mức,
lâm sang, anh ta đã chết một nửa. Có thể nói là hai phần ba.
Tức là chưa chết hẳn,
và thế thì lại càng tốt.
Cô rút cái chai ra,
dùng chân đèn đập gãy vài cái rang, bẻ cong một cái dĩa làm đôi rồi nhét vào miệng
anh ta nhằm cho nó mở ra để nhét miệng chai vào sâu trong cổ họng. Sau đó Alex
bình tĩnh dốc nửa lít axit sunfuric đậm đặc vào thanh quản hắn ta.
Cái tay Felix này, hẳn
nhiên rồi, sẽ bị cái đó đánh thức. Mà sẽ không lâu đâu
Giờ đây, chắc hẳn bạn đang nghĩ rằng “Alex” chỉ là một cuốn
truyện trinh thám kèm những hình ảnh rùng rợn để câu khách, nhưng tôi xin cam
đoan với bạn rằng tác giả đã xây dựng nhân vật của mình phức tạp hơn thế nhiều.
Có thể vị hiệp sĩ mà ông tạo nên không phải là người giỏi nhất, trong sạch nhất
trên thế giới này, nhưng lại là người biết gạn lọc cái đẹp qua nỗi đau một cách
ngọt ngào nhất. Dù phải chịu sự đối xử bất công, nhưng Alex không bao giờ có
suy nghĩ tệ hại nào về người mẹ của mình. Thậm chí đến phút cuối cùng, cô vẫn
luôn yêu thương bà mà không hề có một hành động nào trả thù đến bà. Hay có lẽ,
cô cho rằng cách cô đáp trả thế giới này cũng đủ khiến bà trở nên điên dại, và
đó là phần thưởng mà cô xứng đáng có được nhất?
Vậy theo bạn, đây là một tiểu thuyết đẫm máu hay một áng văn bi tráng về lòng người hiểm độc? Hãy đọc “Alex” để biết rằng, không phải lúc nào công lý cũng là đem sự thật ra bên ngoài ánh sáng.
Tác giả: Ngọc Thanh - Bookademy
------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về:[email protected]
Cuốn tiểu thuyết gần 400 trang mở đầu bằng tình huống Alex Prévost bị một người đàn ông lạ bắt cóc khi đang trên đường về nhà. Cô để ý được hắn là kẻ luôn theo dõi mình, nhưng đã quen với việc được cánh đàn ông săn đón nên cô chẳng mấy để tâm. Rồi cái ngày định mệnh ấy, gã xổ ra từ nơi nào đó, đánh Alex rất mạnh tay và quẳng cô lên chiếc xe tải nhẹ, lái đi. Từ đó, chuỗi ngày khốn khổ vật lộn của cô y tá Alex bắt đầu. Cái đáng sợ của phần này chính là lối kể chuyện tả thực đến rợn người của Pierre Lemaitre. Chính vì lựa chọn và sử dụng ngôi thứ nhất nên từng chi tiết đều dễ dàng khiến người đọc như được trực tiếp chứng kiến, hay tệ hơn là trực tiếp cảm nhận được những gì cô gái Alex đang phải chịu đựng.