Nhắc tới Afghanistan, người ta dễ nghĩ ngay tới chiến tranh, khủng bố. Nhưng đằng sau đời sống khắc nghiệt ấy là những câu chuyện xúc động về tình người.

Tiểu thuyết là hư cấu, nhưng không loại hình nghệ thuật nào thể hiện đời sống nhân sinh rõ ràng và sâu sắc hơn thể loại văn chương này. Bốn tác phẩm Người đua diều, Ngàn mặt trời rực rỡ, Và rồi núi vọng, Nhẫn thạch đã khắc họa Afghanistan một cách chân thực, sâu sắc.

Dưới bóng ma chiến tranh

Đất nước Afghanistan hiện đại được biết tới như vùng đất chịu nhiều tang thương của chiến tranh. Từ năm 1978, Afghanistan đã phải trải qua cuộc nội chiến kéo dài và đẫm máu. Tới nay, đất nước này vẫn phải đối phó với nhiều tổ chức khủng bố như Taliban, IS với các vụ đánh bom kinh hoàng, những vụ hành quyết rùng rợn.

Văn chương hiện đại viết về Afghanistan cũng không nằm ngoài bức tranh thực tại. Dù viết về câu chuyện gì, nhân vật có địa vị, đời sống, nội tâm ra sao, thì tất cả những câu chuyện đều diễn ra dưới bóng ma chiến tranh, khủng bố.

Và rồi núi vọng (tiểu thuyết của Khaled Hosseini) kể về hai anh em Abdullah và Pari. Họ sống cùng cha, mẹ kế và em khác mẹ trong ngôi làng Shadbagh - nơi đói nghèo, mùa đông lạnh giá luôn trực chờ cướp đi những đứa trẻ. Abdullah yêu thương em vô ngần, còn Pari luôn coi anh trai như người cha chăm lo mọi việc.

Người cha của hai anh em sau cái chết của đứa con nhỏ gần một tuổi đã không còn lựa chọn nào khác. Ông quyết định bán Pari cho một gia đình giàu có ở Kabul. Cuộc chia ly mãi đè nặng lên Abdullah và để lại nỗi trống trải mơ hồ không thể lấp đầy trong tâm hồn Pari…

Từ cuộc chia ly đó, câu chuyện mở ra nhiều ngã rẽ, qua các thế hệ. Pari bị xô đẩy đến Pháp với sự cô đơn, và khoảng trống vô tận. Abdullah đã đến Mỹ, vẫn đau đáu nỗi niềm em gái ở nơi đâu.

Ở Và rồi núi vọng, những số phận người Afghanistan bị chia cắt, xô đẩy trong tình trạng đất nước có chiến tranh kéo dài. Hết những cuộc chiến có can thiệp của nước ngoài tới nội chiến, xung đột cắt nhỏ những mảnh đời thành thảm kịch.

Người đua diều (tác giả Khaled Hosseini) với phần bối cảnh cho người đọc phần nào hình dung thực tại. Câu chuyện có bối cảnh chính ở Afghanistan, từ lúc chính quyền Taliban rệu rã đến khi sụp đổ hoàn toàn.

Truyện còn đề cập tới những căng thẳng sắc tộc giữa người Hazara và người Pashtun ở Afghanistan, những trải nghiệm di cư của hai cha con nhân vật Amir đến Mỹ.

Những cuộc chiến trong lịch sử Afghanistan như chiến tranh Anh -Afghanistan, chiến tranh Xô Viết tại Afghanistan cũng được tác giả Khaled Hosseini nhắc lại, lồng ghép trong tác phẩm: "Thằng nhóc Hindi rồi sẽ nhanh chóng học được những gì người Anh học được hồi đầu thế kỷ này, và những gì người Nga cuối cùng đã học được vào những năm cuối thập kỷ tám mươi rằng người Afghan là một dân tộc độc lập".

Trong Nhẫn thạch - tác phẩm đạt giải Goncourt 2008 của Antiq Rahimi - chiến tranh là nguồn cơn mọi khổ đau của nhân vật chính. Người phụ nữ trong tác phẩm sống ở một thành phố của Afghanistan, nơi bốn bề hỗn chiến.

Chồng cô - người đàn ông mạnh mẽ, giữ trọng trách che chở gia đình - bị một viên đạn găm vào gáy trong trận tương tàn giữa các phe phái. Giờ đây, anh nằm bất động trên giường, sống đời sống thực vật vì một viên đạn đang nằm sâu trong gáy.

Loạn lạc, khủng bố đâu chỉ cướp đi trụ cột gia đình của người phụ nữ 30 tuổi. Nó khiến chị phải đối mặt với bao nhọc nhằn, lo toan. Thế giới bên ngoài căn phòng bệnh của chồng đậm mùi thuốc súng, đạn dược, những kẻ man rợ.

Trong thế giới hỗn loạn ấy, người phụ nữ có thể biến thành nô lệ tình dục của các nhóm phiến quân và bị giết hại dã man.

Bên trong tấm khăn choàng burqa

Burqa - trang phục đặc trưng của phụ nữ Hồi giáo - trở thành một biểu tượng khi viết về phụ nữ Afghanistan. Điều này xuất phát từ thực tế. Trước khi Taliban giành quyền lực ở Afghanistan, burqa ít được phụ nữ mặc. Sau khi Taliban lên giành quyền hành ở đất nước này, phụ nữ bị bắt buộc phải sử dụng burqa ở nơi công cộng.

Tuy vậy, văn chương viết về phụ nữ Afghanistan không chỉ có việc choàng burqa như một sự phục tùng điều luật của phiến quân, một sự bảo vệ mình. Bên trong tấm khăn choàng hà khắc ấy là những khát vọng sống mãnh liệt.

Trong Ngàn mặt trời rực rỡ (tiểu thuyết ra mắt năm 2007 của Khaled Hosseini), số phận hai người phụ nữ Afghanistan được khắc họa. Mariam vốn là đứa con gái ngoài giá thú, cô bị gả vào nhà thợ làm giày Rasheed già nua ở Kabul. Mãi không sinh được con, Mariam bị chồng đối xử tồi tệ.

Laila là cô gái sống trong nhung lụa nhưng bị lạc mất cha mẹ do tên lửa. Cô bị lừa rằng người yêu Tariq của mình đã chết khi đi Pakistan tị nạn. Bụng mang dạ chửa, Laila đến nhà Rasheed làm vợ lẽ hòng tìm nơi nương tựa.

Mỗi người một thân thế, nhưng biến cố khốc liệt của loạn lạc đưa họ tới chịu chung số phận làm vợ của một người đàn ông, cùng chịu người chồng chung đó đánh đập, hành hạ tàn nhẫn.

Cũng chịu nhiều khổ đau, song người phụ nữ trong Nhẫn thạch lại được khắc họa với những khát khao sống mạnh liệt. Tác phẩm kể về một huyền thoại của Ba Tư, rằng có một phiến đá được gọi là “nhẫn thạch”.

 

Khi người ta đặt nó trước mặt, tâm sự hết những điều thầm kín, nhẫn thạch như miếng bọt biển hút cạn mọi bí mật. Đến một ngày, hòn đá ấy sẽ nổ tung, người tâm sự sẽ được giải thoát khỏi những đau khổ.

Khi phải chăm sóc người chồng sống đời sống thực vật, người vợ coi chồng như một “nhẫn thạch”. Cô tâm sự cùng chồng tất cả những bí mật giấu kín bao năm. Giờ đây, cô có thể nằm cạnh chồng, lướt ngón tay trên môi anh, những khát khao nhục dục cuộn lên mà không sợ sự khinh bỉ từ luật lệ hà khắc.

Cô có thể kể ra những bí mật động trời, từ khi mình được mai mối lấy chồng mà không biết mặt chồng, phải chờ đợi cả năm trời do chồng mải mê chinh chiến.

Tới khi biết chồng vô sinh nhưng bản thân cô phải gánh mọi tội lỗi, người phụ nữ ấy phải tìm cho mình cơ hội làm mẹ, đồng thời tránh luật lệ hà khắc từ mẹ chồng cũng như định kiến xã hội. Giữa tao loạn, để lo cho con, cho chồng, cô phải bán mình.

Thông qua hình tượng nhẫn thạch, tấm khăn choàng bị hất tung, để lộ ra người phụ nữ với bao nỗi niềm đau đớn, họ là nạn nhân của chiến tranh loạn lạc, những ràng buộc, giằng xé của luật lệ hà khắc, những khát khao đầy bản năng bị kìm nén.

Những câu chuyện đẹp về tình người

Bất chấp bóng ma chiến tranh đe dọa, cùng những xung đột sắc tộc, tôn giáo, luật lệ khắc nghiệt, những câu chuyện về Afghanistan vẫn thấm đẫm tình người.

Người đua diều là tác phẩm văn chương về Afghanistan được biết tới nhiều nhất hiện nay. Tác phẩm ra mắt năm 2003, mang đầy tính thời sự, dường như là cuốn tiểu thuyết đầu tiên giúp bạn đọc có cái nhìn chân thực và xúc động về vẻ đẹp cũng như nỗi đau của Afghanistan.

Tác phẩm là lời kể của Amir - một nhà văn Mỹ gốc Afghanistan. Theo dòng hồi ức của Amir ngược về 20 năm trước, khi ấy, Amir là cậu bé 12 tuổi, sống trong vòng tay của người cha giàu sang, thanh thế.

Gắn bó với Amir là Hassan, con trai của người quản gia. Hassan là cậu bé lanh lợi, mạnh mẽ nhiều lần xả thân để bảo vệ Amir. Nhưng tình bạn và lòng tận tụy của Hassan không được đền đáp.

Trong buổi đua diều, Hassan vì ra sức bảo vệ chiếc diều của Amir đã bị bọn trẻ hành hung, nhục mạ. Amir với sự nhu nhược, hèn nhát đã không cứu bạn, còn vu oan cho Hassan để đuổi cha con người quản gia ra khỏi nhà.

Ngay cả khi sang Mỹ, đạt được ước mơ, Amir không một ngày được yên ổn với lỗi lầm đó. Trở lại Afghanistan để cứu con trai Hassan khỏi tay bọn Taliban là con đường duy nhất để Amir chuộc lỗi với người bạn, người em của mình.

Người đua diều thuyết phục bạn đọc vì kể câu chuyện chạm tới tim độc giả. Đó là một tình bạn khác thường, một tình cảm khác thường, về mối quan hệ giữa những người bạn, người con và người cha, tình ruột thịt.

Bên cạnh những mối quan hệ đó, câu chuyện chạm đến những vấn đề của nhân sinh: tình yêu, danh dự, tội lỗi, lòng chung thủy, sợ hãi và cứu chuộc.

Cũng là câu chuyện về hai con người, nhưng Ngàn mặt trời rực rỡmang tới số phận hai người phụ nữ. Mariam và Laila là hai người phụ nữ cùng làm vợ chung của tay chủ hiệu giày Rasheed.

Ban đầu, họ có hiềm thù với nhau, vì sợ người vợ kia sẽ chiếm mất chỗ của mình. Nhưng dần dần, sợi dây hà khắc của những hủ tục xã hội đã khiến họ xích lại gần nhau.

Một lần không chịu được cảnh Rasheed hành hạ tàn bạo Laila, Mariam đã dùng xẻng đâm chết chính chồng mình rồi ra đầu thú, để khỏi ảnh hưởng tới Laila. Mariam bị tử hình, còn Laila cùng người yêu cũ và hai đứa con rời khỏi đất nước.

Ngàn mặt trờ rực rỡ kể số phận của Mariam và Laila hòa chung thân phận đau thương của phụ nữ Afganistan trong nền chính trị hỗn loạn, tôn giáo hà khắc. Nhưng vượt trên tất cả, điều khiến người đọc xúc động nhất ở tác phẩm là câu chuyện về tình người, sự hy sinh cao cả.

Nguồn: https://goo.gl/7eayYC

------------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Xem thêm

Atiq Rahimi đã cởi trói cho đam mê nhục cảm từ lâu bị trói buộc bằng ngòi bút sắc lạnh tưởng chừng như vô cảm. Trong từng con chữ nỗi thống khổ của phụ nữ Hồi giáo như đang rỉ máu. Tiểu thuyết Nhẫn thạch của nhà văn Atiq Rahimi được vinh danh tại Giải Goncourt, giải thưởng văn học lớn nhất của Pháp vì thứ văn chương tuyệt vời, đầy nhân tính, trần trụi, hết sức tự nhiên và không chút khiên cưỡng. Trong 180 trang sách, nhà văn dùng ngòi bút để đòi công lý, tự do và khát khao yêu đương cho những người phụ nữ Hồi giáo. Họ là những con người tội nghiệp bị cầm tù bởi tôn giáo và tiết hạnh. Nhân vật chính của tác phẩm là một người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi, một mình phải chăm sóc cho hai con gái. Chồng cô, người đàn ông mạnh mẽ, mang trên vai trọng trách che chở cho gia đình giờ đây chỉ là người nằm bất động trên giường, sống đời sống thực vật vì một viên đạn đang nằm sâu trong gáy. Công việc hằng ngày của người vợ tội nghiệp ấy là cầm cuốn kinh Coran cầu nguyện thánh Allah mong chồng sớm ngày tỉnh lại. Ngày này qua ngày khác người vợ chăm chỉ cầu nguyện nhưng vẫn vô vọng, người chồng không có chuyển biến. Khi quân phiến loạn tràn tới và cướp đi cuốn kinh Coran, người đàn bà nhận ra rằng mình không thể tin vào Thánh Allah được nữa. Cô chỉ có thể tin vào bản thân mình. Người vợ đi đến một quyết định táo bạo và điên rồ. Theo như huyền thoại của những người Ba Tư, họ tin rằng có một phiến đá ma thuật có tên là “nhẫn thạch”. Người ta sẽ đặt nó trước mặt mình, tâm sự hết những bi thương, thống khổ, những điều sâu kín không thể nói cùng ai. Và nhẫn thạch sẽ như một miếng bọt biển hút cạn tất cả những bí mật. Đến một ngày, khi hòn đá ma thuật ấy nổ tung, ta sẽ được giải thoát khỏi những đau khổ. Giờ đây, người vợ coi người chồng đang hôn mê là “nhẫn thạch” của mình. Cô tâm sự cùng chồng tất cả những bí mật sâu kín nhất mà một người vợ có thể giấu trong lòng. Hơn mười năm sống cùng nhau, đây là lần đầu tiên cô cảm thấy gần chồng đến thế. Cô có thể nằm cạnh anh, lắng nghe từng nhịp thở, lướt ngón tay trên bờ môi anh, mặc cho những khao khát của nhục dục cứ thế cuộn lên trong lòng mà không phải e sợ sự khinh bỉ từ chồng. Bí mật đáng sợ mà người vợ giữ kín trong lòng là gì? Đó là những câu chuyện về trinh tiết, thứ được xem như báu vật của đàn bà mà người đàn ông muốn chiếm đoạt và coi đó như một chiến lợi phẩm. Là một cô dâu được mai mối, người vợ bước chân về nhà chồng mà không được biết mặt chồng. Cứ thế cô đợi chờ vò võ hàng năm trời vì người đàn ông của mình còn mải mê chinh chiến. Không giữ được trinh tiết, cô đã dùng mưu mẹo để lừa dối chồng. Cứ thế, mặc người chồng hả hê với sự chiếm hữu, người vợ tội nghiệp sống như một thứ búp bê tình dục. Khi biết chồng bị vô sinh nhưng chính bản thân phải gánh chịu mọi tội lỗi, người vợ lại tiếp tục lừa dối để tìm kiếm cho mình cơ hội làm mẹ và thoát khỏi ánh mắt cay độc của mẹ chồng. Giữa thời chiến loạn, lo cho hai con gái và một người chồng đang lơ lửng giữa sống và chết quả thật chẳng dễ dàng. Để có tiền, cô phải chấp nhận bán mình. Với người đàn bà ấy, trinh tiết hay phẩm hạnh từ lâu chỉ là một thứ gông xiềng do đàn ông nghĩ ra để làm khổ phụ nữ. Trên tất cả Nhẫn thạch, cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết bằng tiếng Pháp của Atiq Rahimi là một bản án tố cáo những xiềng xích của tôn giáo đè nặng lên người phụ nữ. Không chỉ riêng Hồi giáo, mà ở bất kỳ tôn giáo nào người phụ nữ cũng không thể có được vị trí ngang bằng với người đàn ông. Họ phải đối mặt với nạn tảo hôn, ngược đãi. Đặc biệt trong chiến tranh họ có thể biến thành nô lệ tình dục của các nhóm phiến quân và bị giết hại dã man. Là một đạo diễn Atiq Rahimi đã mang đến một tiểu thuyết giàu chất điện ảnh. Bằng một thứ ngôn ngữ miêu tả giản dị, chậm rãi mà tinh tế, nhà văn lột tả được một cách đầy đủ những cung bậc cảm xúc đa thanh của người phụ nữ tội nghiệp. Ở đó không chỉ có nỗi sợ hãi mà còn có cả sự hả hê. Người phụ nữ xem hành động lừa dối của mình như một chiến thắng. Để rồi sau đó, những nỗi đau được giấu kín sau tấm mạng che mặt được bung tỏa một cách dữ dội. Nhà văn tái hiện một Afghanistan trần trũi và đầy hỗn loạn. Thế giới bên trong căn phòng mà người chồng đang dưỡng bệnh hoàn toàn trái ngược với quang cảnh bên ngoài tấm rèm. Bầu không khí đậm mùi chiến tranh với thuốc súng, đạn dược và những con người man rợ. Người vợ ở đó bên cạnh chồng, bên cạnh nhẫn thạch của chị, đối diện với nỗi sợ hãi từ nhiều phía và mong chờ cho mình một sự giải thoát.

Trong một cuộc phỏng vấn Khaled Hosseini về người đua diều, phóng viên đã thắc mắc: “Cuốn tiểu thuyết của anh đã đề cập đến xung đột nội bộ trước và trong suốt thời Taliban nhưng thiếu chú trọng tới người phụ nữ. Anh nói sao?” Hosseini đã trả lời: “Người đua diều là câu chuyện về hai cậu con trai với một người cha và tình cảm tay ba kỳ lạ đã kết nối họ. Vì vậy, những mối quan hệ chính trong tác phẩm diễn ra giữa những người đàn ông, điều này không phải do bất cứ sự thành kiến hay ác cảm nào với các nhân vật nữ, mà bắt nguồn từ yêu cầu của cuốn tiểu thuyết. Tuy nhiên, câu chuyện về điều gì đã xảy ra với phụ nữ Afghanistan là một tác phẩm rất quan trọng, và là một mảnh đất màu mỡ cho tiểu thuyết. Tôi đã bắt đầu tiểu thuyết thứ hai về Afghanistan và cho đến nay mọi nhân vật chính đều là phụ nữ.”Và rồi người đọc đã cầm trên tay “Ngàn mặt trời rực rỡ” như một câu trả lời xác đáng nhất cho câu hỏi trên. Câu chuyện về hai người phụ nữ, hai tuổi thơ trái ngược nhưng chiến tranh tàn khốc, một xã hội hỗn loann đã kéo họ đến chung dưới một mái nhà để rồi từ người dưng trở thành tri kỉ, một sợi dây gắn kết kì lạ được hình thành. Mariam, khi sinh ra đã là một harami, một viên đá cuội thứ 11 luôn nằm lẻ loi cô độc tách xa những anh chị em của mình, một đứa con hoang. Một trong những điều mẹ cô đã nhắc đi nhắc lại: “Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ hướng Bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào phụ nữ. Luôn luôn là như vậy. Con hãy nhớ lấy điều ấy, Mariam”. Lời căn dặn tưởng chừng hết sức vô lý bất công kia lại trở thành một điều hiển nhiên trên đất nước Mariam đang sống.Cuộc đời cô dường như là một chuỗi những tháng ngày tăm tối, trao yêu thương để rồi lại thất vọng.Tôi đã từng như Mariam, giữa những lời cay nghiệt có phần cộc cằn của mẹ, tin rằng tình yêu của Jalil, người cha chỉ đến thăm cô ngày thứ năm hàng tuần, là thật. Tôi nghĩ chỉ có yêu thương thật lòng Jalil mới ôm con gái bé bỏng vào lòng, dẫn cô đi dạo và thủ thỉ kể cho cô nghe mọi điều về thế giới bên ngoài. Nếu tất cả những điều trên chỉ là giả tạo như lời mẹ Nana nói, sao người ta có thể diễn từ ngày này sang tháng khác???? Nhưng rồi hoài nghi trong tôi xuất hiện khi sinh nhật lần thứ 15 của cô bé đến. Khi được hỏi điều ước trong ngày sinh nhật, cô đã trả lời:“Con muốn bố đưa con đến rạp chiếu phim của bố.” “Và con muốn bố mời các anh chị em của con nữa. Con muốn được gặp họ” Ồ, cô bé Mariam ngày nào đã lớn và câu trả lời trên như muốn nói, cô không muốn là một harami nữa, cô muốn được thừa nhận.Thế rồi Jalil khó xử, Jalil thoái thác, lẩn trốn, cố gắng gạt bỏ cái ý định trên. Nhưng Mariam vẫn cứ khăng khăng cái ước nguyện ấy thì ông ta ôm cô thật lâu và chỉ có thế.Mariam đã đợi, mòn mỏi, đợi đến khi hai chân tê cứng nhưng cũng chẳng thấy cha mình xuất hiện. Quyết định mà tôi cho là thực sự liều lĩnh của Mariam đã đến. Cô đi bộ đi tìm cha, dù không biết cha đang ở đâu mặc những lời đe doạ, cảnh báo và cầu xin của mẹ. Để rồi, chính cái ngày định mệnh ấy đã khiến cho cô gái 15 tuổi và cả tôi phải kinh ngạc, đau đớn khi nhận ra tất cả những điều mẹ Nana nói là thật: tất cả những yêu thương của Jalil chỉ là dối trá còn mẹ cô quyết định ra đi mãi mãi. Cuộc sống mà trước kia tôi gọi là khó khăn thì bây giờ nối tiếp bằng bi kịch. Mariam sang trang mới cuộc đời bằng cuộc kết hôn bị sắp đặt với Rasheed. Tôi gọi nhà của Rasheed chính là địa ngục trần gian. Laila – Trên cùng con phố Mariam đang sống, một cô bé Laila được sinh ra trong vòng tay của mẹ, anh trai và lớn lên bằng sự dìu dắt và tình yêu vô bờ của bố. Không chỉ có thế, Laila còn có một tình bạn đặc biệt với cậu bé hàng xóm Tariq. Một cô bé thông minh, hiểu biết và như một người bạn của cô nhận xét: “Khi chúng ta hai mươi tuổi, Giti và tớ, mỗi đứa bọn tớ đã cho ra lò bốn, năm đứa trẻ con rồi. Nhưng cậu, Laila ạ, cậu sẽ làm cho hai đứa ngu ngốc chúng tớ tự hào. Cậu sẽ trở thành người có tên tuổi. Tớ biết rằng một ngày nào đấy, tớ sẽ cầm một tờ báo và thấy hình cậu ở trang đầu”. Nhưng rồi chiến tranh nổ ra đã phá tan giấc mơ, cướp đi mọi thứ của cô và đẩy Laila vào dưới chung một mái nhà với Mariam, nhà Rasheed.Cũng từ đó, tôi được chứng kiến câu chuyện cảm động của hai người phụ nữ: ghét bỏ, hững hờ, thù địch rồi đến yêu thương, bảo bọc và hy sinh. Khaled Hoseini đã tâm sự: “Mặc dù không ai trong những người tôi gặp ở Kabul là hình mẫu cụ thể cho Laila hay Mariam nhưng giọng nói, khuôn mặt và những câu chuyện phi thường về sự sống của họ luôn luôn ở bên tôi, truyền cảm hứng cho tác phẩm này ”Một cuốn sách tuyệt đẹp về cả nỗi đau và hy vọng".

Đây là cuốn tiểu thuyết thứ ba khắc họa sâu sắc về những mảng đời ở Afghanistan và đưa nhà văn Khaled Hosseini trở thành bậc thầy kể chuyện đại tài. Những áng văn tuyệt đẹp của ông về mối dây gắn kết định hình nên con người và cuộc đời như một khúc hát bi tráng về tình yêu vang vọng qua hàng thế kỷ. Như hàng triệu độc giả từng thấy nét quen thuộc qua Người đua diều hay Ngàn mặt trời rực rỡ, ở đây cũng sẽ có những người thân yêu bị chia cắt bởi khó khăn và bi kịch cuộc sống, sẽ có sự mất mát, phản bội và dằn vặt; cũng sẽ có hoài bão cho một Afghanistan cũ đang bị trói buộc trong chiến tranh và chênh vênh bởi những xung đột với các quyền tự do phương Tây, sẽ có những thủ đoạn tàn nhẫn của lịch sử có thể đẩy con người đến bước đường cùng. Tuy nhiên, Và rồi núi vọng có những hơi thở nhẹ nhàng hơn, cảm xúc tươi vui hơn, bớt đau khổ hơn bởi từ những tan vỡ tưởng như kết thúc, người ta lại tìm thấy nhiều niềm tin và kỳ vọng hơn vào tương lai. Cuốn tiểu thuyết của Khaled ban đầu như những mẩu truyện ngắn rời rạc, các nhân vật tưởng chừng đơn giản và không có mối liên hệ nào với nhau. Thế nhưng càng đi sâu, một mạng lưới tình thân trong gia đình được kết nối, những nhân vật như có sợi dây vô hình gắn với nhau một cách kỳ lạ, chồng chéo phức tạp nhưng đầy cảm xúc và sâu lắng: Người mẹ sách. Ngay từ đầu cuốn tiểu thuyết, Khaled đã cho người đọc biết chính xác thời gian và địa điểm và những nhân vật chủ chốt của câu chuyện, một công thức đơn giản nhưng lại khiến hàng triệu độc giả say mê. Đó là mùa Thu năm 1952, khi người cha đưa hai anh em Adullah và Pari băng qua sa mạc tới thành Kabul náo nhiệt, không mảy may hay biết một cuộc chia ly sẽ mãi đè nặng lên Abdullah và để lại nỗi trống trải mơ hồ không thể lấp đầy trong tâm hồn Pari… Từ một sự kiện duy nhất đó, câu chuyện mở ra nhiều ngã rẽ phức tạp, qua các thế hệ, vượt qua đại dương, đưa chúng ta từ Kabul tới Paris, từ San Francisco tới hòn đảo Tinos xinh đẹp của Hy Lạp. Dưới ngòi bút khéo léo và cách kể chuyện tài tình của Khaled Hosseini, từng mảng đời được mở ra phơi bày những nút thắt của cuộc sống. Như câu chuyện ngụ ngôn của người cha mở đầu hành trình xuyên qua những ngọn núi và vang vọng đến mãi về sau: “Một ngón tay đã được cắt, để cứu bàn tay”. “Câu chuyện giống như một đoàn tàu đang di chuyển”, Khaled nắm bắt các nhân vật của mình và lèo lái cuộc đời họ theo cách tự nhiên nhất, “dù bạn ở trên tàu, dù bạn ở đâu trên tàu, bạn sẽ sớm đến và đi tới đích”. Tuy thế, ông kế đầu tiên, Parwana, người không chỉ là một ý niệm cho một tuổi thơ bất hạnh nhưng là người chịu trách nhiệm về nỗi đau của chính mình; người chú Nabi, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự chia cách nhưng lại là mấu chốt cảm thông và cân bằng cảm xúc của cuốn sách; mẹ kế mới của Pari, Nila Wahdati, một người phụ nữ có cuộc đời bí ẩn và nhiều rắc rối, thật giả lẫn lộn, tính cách biến đổi liên tục khiến người đọc như rơi vào một cái bẫy quyến rũ chết người. Cho đến cuối cùng, chính sự thu hút của Nila lại trở thành điểm sáng hấp dẫn nhất của cuốn tiểu thuyết. Xen kẽ những nhân vật có đời sống vô cùng phong phú của Và rồi núi vọng, Khaled Hosseini không quên bày tỏ tình yêu thuần khiết và sâu sắc nhất của ông dành cho quê hương Afghanistan, thông qua những dãy núi trùng điệp, cây cổ thụ trong ký ức tuổi thơ, những vụ nổ bom và ly tán, thành phố bị tàn phá trong chiến tranh. Và qua đó hình thành những niềm hy vọng, sự tươi mới, sự thức tỉnh chân thành, sự hoàn lương thông qua các nhân vật Timur và Idris. Và nhân vật vị bác sĩ tình nguyện người nước ngoài Markos như cầu nối nhân văn gắn kết các nhân vật và đưa Afghanistan ra ngoài thế giới.

Hiểu được toàn bộ những tổn thương và bất công mà Hassan phải trải qua, Amir quyết định sửa chữa tội lỗi của bản thân nhưng có lẽ để bù đắp cho việc này, cậu đã phải dành cả đời mình để chuộc lại sai lầm. Xuyên suốt mạch truyện, những câu văn đều được bao trùm bởi sự áy náy, dằn vặt và tổn thương mà Amir đã gây ra cho người bạn tuổi thơ của mình. Hình ảnh của Hassan luôn ám ảnh trong tâm trí Amir. Đó là một cậu bé đang ngồi trên cành cây cao, nắng lung linh xuyên qua kẽ lá chiếu lên khuôn mặt tròn xoe giống búp bê Tàu được gọt từ gỗ cứng, mũi nở và tẹt, mắt vừa hẹp vừa xếch như lá tre, đôi mắt vì ánh nắng mà lúc vàng, lúc xanh, lúc ánh lên màu ngọc bích. Đổi nghịch với một Amir ích kỷ, hẹp hòi thì nhân vật Hassan chính là hình tượng tuyệt đẹp biểu trưng cho sự chính trực, lòng ngay thẳng, trung thành, luôn hết lòng vì anh em của mình. Nếu Amir tôn thờ cha thì Hassan lại tôn thờ Amir, em luôn một lòng ở cạnh bên cậu chủ nhỏ của mình cho dù bất kể điều gì xảy ra hay phải nhẫn nhịn tủi nhục đến cùng. “Vì cậu, cả ngàn lần rồi.” – Người đua diều Đây có lẽ là câu thoại ám ảnh nhất trong tất cả các chương truyện, nó chứa đựng tình yêu thương, lòng trung thành và sự hy sinh trong sáng nhất. Hình tượng Hassan đại diện cho tình yêu, tình bạn, tình anh em sâu sắc vượt ra khỏi ranh giới của định kiến, phân biệt chủng tộc và cả sự ngăn cách địa vị. Có lẽ sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nhắc đến hình ảnh Baba trong thiên truyện. Ông là hiện thân của một người cha vĩ đại được người đời ngưỡng mộ khi vừa tài giỏi, giàu có lại tốt bụng, hào hiệp, không tiếc tiền khi giúp đỡ cho những trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Thông qua nhân vật Baba, Khaled Hosseini muốn gửi gắm đến độc giả là những triết lý vô cùng sâu sắc đồng thời lên án một số thói hư tật xấu trong cuộc sống bằng lối diễn đạt rất gần gũi thông qua những lời răn dạy của người cha. Baba luôn dạy cho Amir rằng, con người không được dối trá, bản thân phải luôn tôn trọng sự thật, thà bị đau bởi sự thật còn hơn được vỗ về bằng những lời dối trá và mọi tội lỗi khác đều là biến thái của tội ăn cắp. “Khi con giết một người, con ăn cắp một cuộc đời, con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp được quyền được ngay thẳng. Không có hành động nào xấu xa hơn trộm cắp, Amir ạ.” – Người đua diều Thế nhưng trong mỗi người đều tồn tại một góc khuất, có những lựa chọn đánh đổi khiến ta phải ân hận cả đời. Baba cũng vậy, ông phạm lỗi, cố gắng sửa chữa một cách chắp vá để rồi cuối cùng lại chạy trốn khỏi tội lỗi của mình đến khi nhắm mắt xuôi tay bản thân vẫn không thể nào đền tội. Thông qua tác phẩm, nhà văn gián tiếp ca ngợi bản chất tốt đẹp của con người nên Baba và Amir luôn sống trong sự dằn vặt, day dứt dù chuyện đã xảy ra nhiều năm nhưng cuối cùng, con người ấy vẫn không ngần ngại đánh đổi tất cả để quay về chuộc lỗi tuy rằng đã muộn màng. Với lối kể chuyện lôi cuốn, nhẹ nhàng, các tình tiết được thêm thắt hợp lý, câu từ đơn giản nhưng vô cùng cô đọng, súc tích cùng cách miêu tả nội tâm nhân vật điêu luyện, Khaled Hosseini đã để tạo nên một tác phẩm gây ám ảnh, day dứt và đem đến nhiều suy tư cho người đọc. “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại”. – Người đua diều Thông qua Người đua diều, nhà văn muốn gửi gắm đến bất cứ ai trên cõi đời này rằng, dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì chúng ta cũng đừng quên sẽ luôn có một con đường tốt lành để trở lại, một người để tin tưởng, một nơi để tìm về.

Khaled Hosseini sinh năm 1965, là một tiểu thuyết gia, dược sĩ gia người Mỹ đồng thời là tác giả của hai cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới là Người đua diều và Những mặt trời rực rỡ. Hiện tại nhà văn đang định cư lâu dài ở California, Mỹ nhưng Khaled Hosseini vẫn là người con của đất Kabul, Afghanistan. Gia đình ông đều xuất thân từ Herat, cha là nhà ngoại giao ở bộ ngoại vụ Afghanistan, còn mẹ là giáo viên dạy tiếng Ba Tư cho một trường cấp ba nữ giới. Lên năm tuổi, cha Khaled Hosseini nhận việc tại đại sứ quán Afghanistan thuộc Tehran nên cả gia đình đã chuyển đến Iran. Ba năm tiếp theo, mẹ ông hạ sinh người con trai thứ hai sau khi trở về Kabul. Khoảng thời gian sau đó, cha ông tìm được một công việc ổn định khác ở Paris nên cả gia đình nhà văn đã chuyển đến Pháp sinh sống. Năm 1980 chiến tranh Xô Viết tại Afghanistan đã khiến gia đình Khaled Hosseini phải tìm đến sự bảo hộ của chính phủ Mỹ rồi định cư tại San Jose, California. Năm ấy Khaled Hosseini chỉ mới mười lăm tuổi, lần đầu tiên đặt chân đến Mỹ và không hề biết tiếng Anh nhưng sau đó ông đã nhanh chóng tốt nghiệp Trung học, nhận bằng Cử nhân Sinh học tại Đại học Santa Clara, Tiến sĩ khoa Dược thuộc Đại học California. Năm 2003, Khaled Hosseini cho ra mắt quyển sách đầu tay Người đua diều khi bản thân đang là một dược sĩ. Tác phẩm được lấy bối cảnh ở Afghanistan từ lúc chính quyền Taliban rệu rã đến khi sụp đổ hoàn toàn và khu vực vịnh San Francisco, cụ thể là Fremont, California. Người đua diều đã nhanh chóng thu hút được đông đảo độc giả trong và ngoài nước, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới theo đánh giá của tờ The New York Times. Sau khi ra mắt Người đua diều, Khaled Hosseini đã quyết định gác lại nghề dược đã gắn bó với bản thân trong nhiều năm để tập trung hoàn toàn vào nghiệp viết. Năm 2007 ông cho xuất bản cuốn sách tiếp theo là Ngàn mặt trời rực rỡ viết về những biến cố đầy bi thương của hai người phụ nữ Afghanistan. Một lần nữa, tác phẩm đã thành công trong việc chinh phục được trái tim của hàng triệu độc giả. Mỗi tác phẩm mang tên Khaled Hosseini là một bức tranh sống động về Afghanistan và những số phận nghiệt ngã đang không ngừng đấu tranh để thoát khỏi sự áp bức, ràng buộc của cuộc đời. Đó là những rào cản về định kiến, nạn phân biệt chủng tộc, nền chính trị và luật lệ tôn giáo hà khắc nhưng tận sâu bên trong mỗi kiếp người khốn khổ ấy vẫn ngời sáng vẻ đẹp của tình người, lòng vị tha và sự yêu thương chân thành. Qua những tác phẩm của nhà văn, người đọc không chỉ biết đến Afghanistan với một phần tư thập kỷ ngập trong khói lửa mà còn hình dung được bức họa về một quốc gia hiền hòa, tươi đẹp với những con người khao khát hòa bình và chán ghét chiến tranh tàn bạo, phi nghĩa. Khi tác phẩm Người đua diều được xuất bản, nó đã để lại trong lòng độc giả những nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi. Với sức ảnh hưởng của mình, tác phẩm nhanh chóng được chuyển thể thành bộ phim cùng tên và nhận được rất nhiều lời khen từ người hâm mộ. “Một tiểu thuyết đẹp đẽ. Nằm trong số những tác phẩm được viết ra tinh tế và khơi gợi nhất cho tới giờ phút này. Một câu chuyện làm cảm động trái tim về một tình bạn khác thường. Đó cũng là một tác phẩm thuyết phục kì lạ, về mối quan hệ mong manh giữa cha và con, giữa con người và thần thánh, giữa cá nhân và đất nước.” – The Denver post Người đua diều vẽ nên mảnh đất Kabul xinh đẹp thoáng chốc vì chiến tranh mà trở nên hoang tàn. Thông qua tình cảm gia đình, tác giả đã làm nổi bật lên hành trình chuộc tội vô cùng chân thực và sống động nhằm truyền tải đến độc giả bài học làm người vô cùng khéo léo, sâu sắc. Câu chuyện về chiếc diều xanh nhuốm màu đỏ của tội lỗi Mở đầu cuốn tiểu thuyết, tác giả đã đưa người đọc đến với một Kabul, một Afghanistan đầy thơ mộng, bình yên và tự do tự tại. “Tôi yêu mùa đông ở Kabul. Tôi yêu nó vì những bông tuyết mềm mại vỗ nhẹ vào cửa sổ phòng tôi ban đêm, vì tuyết mới rơi lạo xạo dưới đôi ủng cao su đen của tôi, vì hơi ấm của chiếc lò sưởi gang khi gió rít qua sân, qua đường phố…” – Người đua diều Nơi đây gắn liền với tuổi thơ Amir, con trai của một người Pashtun giàu có được khắp Kabul kính trọng và ngưỡng mộ. Cậu lớn lên cùng Hassan, cậu bé người Hazara ở với cha là Ali trong túp lều nhỏ ngay tại dinh thự nhà Amir. nh ra cậu đã qua đời, mẹ Hassan sau khi sinh ra em cũng bỏ đi biền biệt mặc dù chủng tộc người Hazara luôn bị kỳ thị nhưng mối quan hệ giữa hai người cha vẫn luôn thân thiết để rồi, hai đứa trẻ đã cùng nhau lớn lên trên mảnh đất Kabul xinh đẹp. Có lẽ bởi vậy mà ở Amir và Hassan luôn có một mối liên hệ nào đó rất khó giải thích, một mối liên hệ dây dưa đến mãi sau này. “Có một tình anh em giữa những con người được bú cùng một bầu vú mẹ, tình máu mủ mà ngay cả thời gian cũng không thể phá vỡ. Hassan và tôi bú cùng một bầu vú. Chúng tôi chập chững đi những bước đầu tiên trên cùng một bãi cỏ trong cùng một chiếc sân. Và dưới cùng một mái nhà, chúng tôi bập bẹ những tiếng nói đầu tiên. Của tôi là Baba. Của cậu ấy là Amir. Tên tôi.” – Người đua diều Mỗi ngày, Amir và Hassan thường trèo lên cây bạch dương, phơi chân trần, trong túi đầy quả dâu tằm khô và óc chó. Hai đứa trẻ nghịch phá bằng cách thay phiên nhau chiếu gương chọc giận láng giềng. Buổi chiều chúng chạy lên đồi để hái lựu, cậu sẽ ngồi nghe em đọc mỗi câu chuyện thần kỳ viết trong những quyển sách Cứ tưởng rằng tình anh em giữa họ sẽ vô cùng đẹp đẽ nhưng bức màn ngăn vô hình của định kiến đã khiến một đứa trẻ như Amir không ngừng phủ nhận Hassan là một người bạn. Cậu cho rằng, em là nô bộc có nghĩa vụ phải phục vụ mình. Cũng bởi tính cách khác biệt nhau một trời một vực nên Amir luôn cảm thấy ganh tị và trở nên đố kỵ đối với sự yêu thương khi Baba dành cho người con trai đầy tớ. Năm ấy Kabul như thường lệ lại bắt đầu một cuộc đua diều mới vào mùa đông lạnh giá. Chiếc thắng cuộc thi này là niềm kiêu hãnh của trẻ con trong vùng và Amir cũng không ngoại lệ, cậu xem đó là cơ hội duy nhất mà mình sẽ lấy lại được sự chú ý và tình thương từ cha. “Ở Afghanistan người ta không gọi là thả diều, mà là đấu diều. Các cuộc đấu diều diễn ra mỗi năm trên đất nước nhỏ bé bị bom đạn chiến tranh bao phủ này. Trên bầu trời hàng trăm chiếc diều, mỗi cánh diều như một người chiến binh chiến đấu với nhau cho đến khi chỉ còn một kẻ sống sót, kẻ đó là nhà vô địch.” – Người đua diều Trận đấu diều truyền thống năm ấy không ngờ lại là mở màn cho tấn bi kịch đầy xót xa. Amir giành lấy chiến thắng, bỏ mặc nỗi đau mà Hassan đã phải đánh đổi để lấy lại con diều từ tay những đứa trẻ xấu. Nhằm che giấu sự hổ thẹn của mình, cậu đã không ngần ngại vu oan, ép buộc em rời khỏi nơi mình sinh sống. Sau năm 1975, Afghanistan chìm trong chiến tranh và bom đạn, cha con Amir bỏ lại tất cả, họ rời khỏi quê nhà để đến Mỹ và bắt đầu cuộc sống mới. Hai người trở thành dân tị nạn, nương tựa vào nhau nơi đất khách quê người, nỗi lo trước mắt tưởng chừng bỏ quên được những lỗi lầm trong quá khứ. Thế nhưng cuối cùng bí mật mà cha Amir cố gắng chôn giấu sau ngần ấy năm cũng được tiết lộ. Những dằn vặt về bóng ma tuổi thơ và hình ảnh cánh diều đeo bám cậu bấy lâu nay vì bí mật này mà khiến cho Amir càng thêm day dứt, trằn trọc và ân hận. Sau khi cha mất, cậu quyết định gác lại sự nghiệp vừa mới khởi sắc, từ biệt vợ và quay trở lại quê hương Afghanistan để tìm kiếm và cưu mang Sorab, con trai của Hassan nhằm chuộc lại những lỗi lầm cũ.