80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Juyn Vecnơ. Đây là một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Viễn tưởng ở chỗ nó đi trước thời gian, nó thực hiện một điều chưa thực hiện được. Bởi vì trước kia các nhà du hành phải đi vòng quanh trái đất mất 300 ngày: thời Juyn Vecnơ, với những phương tiện mới như tàu hỏa, tàu thủy... có tờ báo đã thử làm chuyện vui, tính toán các chặng đường cộng lại thành 80 ngày.

Tuy nhiên đó mới chỉ là một thời gian lý thuyết, bằng những tính toán sít sao trên giấy. Trên thực tế sẽ vấp ngã phải hàng ngàn vụ bất trắc do tổ chức giao thông còn bấp bênh và những vụ cướp tàu thường xảy ra ở nhiều vùng hoang vu lạc hậu, do những tai nạn tàu xe trục trặc máy móc, do những trận giông bão và sương mù trên biển. v.v... Thế nhưng Philíat Phốc - nhân vật chính của tác phẩm - dám đánh cuộc đi vòng quanh thế giới trong thời hạn ấy.

Vòng quanh thế giới trong 80 ngày! Ngày nay, thật chẳng có gì đơn giản hơn, nhưng vào năm 1872, khi các phương tiện di chuyển hiện đại nhất chỉ là tàu thủy hay tàu hỏa đầu máy hơi nước với tốc độ hạn chế và còn phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên, thời tiết quả thật là việc không nên nghĩ đến. Vậy mà Phileas Fogg, một quý ông giàu có, cô độc, với lối sống chỉn chu, chính xác đến từng giây lại chấp nhận đánh cược gần như toàn bộ gia sản vào chuyến du lịch khó có thể thực hiện đó.

800px-Around_the_World_in_Eighty_Days_map

Đi cùng với anh hầu Vạn Năng, Phileas Fogg rời London bằng tàu hỏa vào 8 giờ 45 tối ngày 2 tháng 10 năm 1872, và hẹn sẽ quay trở lại Câu lạc bộ Cải cách cùng thời điểm vào 80 ngày sau đó. Ông đã gặp biết bao trở ngại đến từ thiên nhiên cũng như con người trong suốt hành trình, nào là tuyến đường sắt xuyên bán đảo Ấn Độ chưa hoàn thành, những cơn bão biển hoành hành, tàu Henrietta hết nhiên liệu… nào là viên thanh tra Fix luôn soi mói tìm mọi cách cản trở bước tiến, viên đại tá Proctor hồ đồ với vụ đấu súng sống còn, rồi bị người Mỹ bản địa tấn công, bị ra trước tòa án ở Ấn Độ… ông đều vượt qua với một trí tuệ tính toán khoa học chính xác, với một thái độ bình thản đến khó tin.

Nổi bật nhất trong tính cách Phileas Fogg là tấm lòng hào hiệp. Ông sẵn sàng tạm dừng cuộc du hành để giải cứu bà Aouda khỏi một vụ “sutty” rùng rợn, giải cứu anh hầu Vạn Năng khỏi tay bọn cướp táo tợn, man rợ, dù có thể sẽ thua cuộc, đồng nghĩa với việc sẽ bị khuynh gia bại sản và nhất là tiêu tan danh dự một nhà quý tộc. Nhưng, sau khi đã chiến thắng được cả thiên nhiên và con người, ngay khi đặt được chân lên tổ quốc thân yêu, với chiến thắng tưởng như đã cầm chắc trong tay, ông lại bị bắt giam vào ngục. Ngày 21 tháng 12, đúng giờ hẹn, Phileas Fogg có mặt ở Câu lạc bộ Cải cách. Sao lại có thể như vậy?

Hãy cùng Phileas Fogg Vòng quanh thế giới trong 80 ngày để tìm câu trả lời!

A close-up of a golden rim running across a globe

Trích dẫn

Kế hoạch của họ thật là táo bạo, đầy dẫy khó khăn, không thể thực hiện được cũng nên. Ông Fogg có thể phải hy sinh tính mạng hoặc ít nhất là tự do và do đó hy sinh cả thành công của cuộc viễn du, nhưng ông không do dự. Vả lại ông thấy ở ngài Francis Cromarty một người cộng sự rất quan tâm.

Còn với Vạn Năng, anh sẵn sàng, người ta cứ việc sử dụng anh. Ý kiến ông chủ làm anh hào hứng. Anh cảm thấy một trái tim, một tâm hồn dưới cái vỏ ngoài băng giá ấy. Anh bắt đầu thấy yêu mến Phileas Fogg.

Còn lại người dẫn đường. Anh ta sẽ định thế nào trong việc này? Liệu anh có đứng về phía những người Ấn Độ không? Nếu không tranh thủ được sự hợp tác của anh, ít ra cũng phải nắm chắc là trung lập.

Ngài Francis Cromarty đặt thẳng vấn đề với anh.

– Thưa ngài sĩ quan. – Người dẫn đường đáp. – Tôi là người Parsi, và người đàn bà kia là người Parsi. Tôi sẵn sàng theo các ngài.

– Tốt lắm, anh bạn dẫn đường ạ. – ông Fogg đáp.

– Tuy nhiên, xin ngài biết cho rằng – anh Parsi lại nói. – chúng ta không chỉ liều mạng mà thôi đâu, mà còn có thể bị những cực hình khủng khiếp, nếu ta bị bắt. Vậy đó các ngài thử xét xem.

– Xét rồi, – ông Fogg đáp. – Theo tôi thì chúng ta phải đợi đến đêm mới hành động được.

– Tôi cũng nghĩ như vậy, – người dẫn đường trả lời.

A leather journal and a travel diary as seen in Cologne.

Anh bạn Ấn Độ tốt bụng ấy bèn cho biết vài chi tiết về nạn nhân. Đó là một phụ nữ Ấn Độ đẹp nổi tiếng, người Parsi, con một gia đình thương gia giàu có ở Bombay. Cô ta đã thu nhận được ở thành phố này một nền giáo dục hoàn toàn Anh và căn cứ vào phong thái của cô, vào học thức của cô, người ta có thể nhầm tưởng là một phụ nữ Châu Âu. Cô ta tên là Aouda.

Mồ côi cha mẹ, cô bị ép gả cho lão vương hầu già xứ Bundelkund. Ba tháng sau, cô trở thành một bà góa. Biết rõ số phận đang đợi mình, cô chạy trốn, rồi bị bắt lại ngay, và những họ hàng thân thuộc của vương hầu vẫn muốn cho cô chết, biết cô phải chịu cực hình này, mà xem ra cô sẽ không tài nào thoát khỏi.

Câu chuyện ấy chỉ khiến ông Fogg và các bạn ông càng thêm quyết tâm trong ý định cao thượng của họ.

Họ quyết định cho người dẫn đường đánh voi đến gần chùa Pillaji, càng gần càng tốt.

Nửa giờ sau, họ dừng lại trong một cánh rừng cách chùa năm trăm bước: từ đây không nhìn thấy chùa, nhưng tiếng gào rú của đám dân cuồng tín nghe vẫn rõ.

Bây giờ họ bàn cách làm sao tới được chỗ nạn nhân. Người dẫn đường biết ngôi chùa Pillaji này, anh quả quyết là người thiếu phụ bị giam trong đó. Liệu có thể lọt vào trong ấy qua một cửa nào đó khi cả bầy đã chìm đắm trong giấc ngủ mê mệt, hay là phải đào một lỗ chui qua tường? Đó là điều chỉ có thể quyết định khi lâm sự và ngay tại chỗ. Nhưng điều chắc chắn là cuộc đánh tháo cho người thiếu phụ phải tiến hành ngay đêm nay, chứ không đợi trời sáng, khi nạn nhân đã bị đem ra hành hình. Vào lúc ấy, không một sự can thiệp nào của con người có thể cứu cô được nữa.

An overhead shot of a blank notebook, a magnifying glass, a camera and several other exploring-related items

Ông Fogg và các bạn đợi đến đêm. Khi trời vừa tối vào khoảng sáu giờ chiều, họ tiến hành trinh sát quanh ngôi chùa. Những tiếng kêu thét cuối cùng của các đạo sĩ khổ hạnh lúc này đã im bặt. Theo tục lệ của họ, những người Ấn Độ ấy hẳn đã chìm đắm trong cơn say mê mệt vì nước “hang”, một thứ nước thuốc phiện pha với nước cây gai nấu, và biết đâu ta chẳng có thể luồn lách qua đám người ấy vào đến tận điện thờ.

Anh Parsi dẫn ông Fogg, ngài Francis Cromarty và Vạn Năng tiến lên không tiếng động xuyên qua rừng. Sau mười phút bò trườn dưới những cành bụi rậm rạp, họ đến bên bờ một con sông nhỏ, và tại đây, dưới ánh sáng yếu ớt của những cây thuốc sắt cháy bằng nhựa cây ở đầu ngọn đuốc, họ trông thấy một đống gỗ xếp cao lên. Đó là giàn hỏa thiêu, bằng bạch đàn quý và đã được tẩm một thứ dầu thơm. Trên cùng giàn hỏa thiêu đặt nằm cái thây ướp hương vị của vương hầu, cái thây này rồi sẽ được thiêu cùng với người vợ góa của ông ta. Cách giàn hỏa thiêu một trăm bước nổi lên ngôi chùa, với những ngọn tháp cao xuyên qua vòm cây trong bóng tối.

“Lại đây” Người dẫn đường khẽ nói.

Various currency bills pinned to a large world map with colorful pins in various locations

Và càng thận trọng hơn, anh lặng lẽ luồn qua cỏ rậm, các bạn đồng đội bám theo sau. Cảnh tịch mịch chỉ còn bị khuấy động bởi tiếng gió rì rào trong cành lá.

Chẳng bao lâu người dẫn đường dừng lại ở đầu một quãng rừng thưa. Vài ngọn đuốc nhựa cây chiếu sáng nơi này. Mặt đất la liệt những tốp người ngủ mê mệt trong cơn say. Người ta tưởng như một bãi chiến trường ngổn ngang xác chết. Đàn ông, đàn bà, trẻ con tất cả nằm hỗn độn. Đây đó một vài người say rượu còn rên hừ hừ.

Ở phía sau, giữa đám cây rậm rạp, ngôi đền Pillaji đứng mờ mờ. Nhưng người dẫn đường vô cùng thất vọng vì các vệ sĩ của vương hầu, dưới ánh sáng những cây đuốc mù khói, đứng gác các cửa ra vào và đi đi lại lại, kiếm tuốt trần. Người ta có thể phỏng đoán rằng bên trong đền các giáo sĩ cũng thức.

Anh Parsi không tiến xa hơn nữa. Anh đã nhận thấy không thể xông liều vào đền và anh lại dẫn các bạn quay ra.

Phileas Fogg và ngài Francis Cromarty cũng đã hiểu như anh là họ không thể hy vọng gì ở phía này.

Man and woman lying down in field on bags while looking at a map

Họ dừng lại và thì thầm trao đổi với nhau.

– Đợi đã; – viên thiếu tướng nói. – mới có tám giờ và có khả năng là những lính gác kia buồn ngủ rũ ra cũng sẽ lăn quay ra ngủ.

– Phải đấy, có thể lắm, – anh Parsi đáp lại.

Thế là Phileas Fogg và các bạn nằm dài dưới một gốc cây và đợi. Họ thấy thời gian sao mà lâu thế. Người dẫn đường thỉnh thoảng để họ nằm đấy bỏ ra quan sát bìa rừng. Các vệ sĩ của vương hầu vẫn đứng gác dưới ánh đuốc bập bùng, và một ánh sáng lờ mờ lọt qua các cửa sổ của ngôi chùa.

Họ đợi như vậy đến nửa đêm, tình hình không có gì thay đổi. Phía ngoài vẫn bị canh gác như vậy. Rõ ràng là không thể trông đợi bọn lính gác ngủ thiếp đi. Chắc hẳn bọn này không được uống nước “hang” nên không say. Vậy thì phải hành động theo cách khác và khoét ngạch mà lọt vào chùa. Còn lại vấn đề phải biết xem các giáo sĩ canh gác nạn nhân có cẩn thận như bọn lính gác cổng đền hay không.

Sau một lần bàn bạc cuối cùng, người dẫn đường cho rằng đã đến lúc đi được rồi. Ông Fogg, ngài Francis và Vạn Năng theo sau anh. Họ phải đi vòng vèo khá lâu để đến được sau lưng ngôi chùa.

Vào khoảng mười hai giờ rưỡi đêm, họ đến chân tường mà không gặp một ai. Phía này không đặt trạm gác nào, nhưng cũng có thể nói rất đúng là hoàn toàn không có cửa sổ và cửa ra vào.

Đến tối mịt. Mặt trăng hạ tuần vừa khuất phía chân trời chồng chất những đám mây lớn. Rừng cây cao càng làm bóng tối thêm dày đặc.

Nhưng đến được chân tường chưa phải đã xong việc, còn phải khoét một lỗ qua tường. Để làm việc này. Phileas Fogg và các bạn ông hoàn toàn chỉ có loại dao con bỏ túi. Rất may làm sao, tường vách ngôi đền bằng gạch lẫn với gỗ, cho nên chọc thủng cũng không khó lắm. Viên gạch đầu tiên đã rỡ ra được, thì những viên khác cũng dễ dàng rỡ theo.

Họ bắt tay vào việc, cố gắng gây càng ít tiếng động càng hay. Anh Parsi và Vạn Năng mỗi người một đầu hì hục nậy gạch để khoét cho được một lỗ rộng trên sáu mươi phân39.

Công việc đang tiến triển thì một tiếng kêu ré lên trong đền và hầu như ngay tức khắc những tiếng kêu khác đáp lại ở bên ngoài.

Vạn Năng và người dẫn đường ngừng tay đào. Họ đã bị bắt chộp rồi chăng? Báo động chăng? Sự thận trọng sơ đẳng nhất cũng buộc họ phải rút lui và cả Phileas Fogg với ngài Francis Cromarty cũng rút theo. Họ lại thu mình ẩn trong rừng rậm đợi cho hết báo động, nếu quả là báo động, và sẵn sàng đến lúc ấy trở lại công việc của họ.

Nhưng – một trắc trở tai hại – lính gác xuất hiện sau lưng ngôi chùa và chốt ngay tại đó khiến không ai có thể tiến gần được nữa.

Không bút nào tả xiết nỗi thất vọng của bốn người này bị chặn đứng trong công việc của họ. Giờ đây họ không thể lọt vào chỗ nạn nhân nữa, thì làm sao mà cứu được bà ta? Ngài Francis Cromarty hậm hực, Vạn Năng tức điên lên và người dẫn đường phải khó khăn mới ghìm giữ được anh. Ông Fogg lạnh như tiền chờ đợi, không biểu lộ một tình cảm nào ra ngoài mặt.

– Tẩu vi thượng sách thôi chứ? – vị thiếu tướng khẽ nói.

– Đi thôi, – người dẫn đường đáp.

– Khoan đã, – Fogg nói. – Chỉ cần làm sao ngày mai tôi có mặt ở Allahabad trước mười hai giờ trưa.

– Nhưng ông còn hy vọng cái gì? – ngài Francis Cromarty đáp.

– Vài giờ nữa thì trời sáng và…

 

Nguồn: https://downloadsach.com 

------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Xem thêm