Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cặm cụi viết tác phẩm Lá nằm trong lá để ghi lại “hành trình” thú vị của mình với hành lý là một khả năng thấu cảm kỳ diệu đối với lứa tuổi mới lớn, bắt “chuyến tàu tốc hành” chở bọn nhóc này đến ga “trưởng thành” từ sớm để quan sát, nghe ngóng chúng.

Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại Quảng Nam, là nhà văn viết nhiều truyện thiếu nhi nhất cho trẻ em Việt Nam.

Cho đến nay, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã xuất bản gần 100 tác phẩm và trở thành nhà văn được các bạn trẻ yêu thích nhất. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông được bạn đọc đặc biệt yêu thích như: “Chuyện xứ Langbiang”, “Tôi là Bêtô”, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Mắt biếc”, “Bồ câu không đưa thư”…

Vẫn là cách viết hóm hỉnh, hấp dẫn không lẫn vào đâu được của “Tôi là Bêtô”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”…, Lá nằm trong lá là câu chuyện sinh động về thế hệ học trò hồn nhiên cùng những trò nghịch ngợm và suy nghĩ, xúc cảm vô cùng dễ thương, trong trẻo.


Lá nằm trong lá trước hết là câu chuyện về những rung động đầu đời của tuổi học trò, ở đây là  năm cậu nhóc ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng hoài bão thì cao đầy như núi. Nhóm năm cậu nhỏ tập tành làm thơ, cũng đặt bút danh nghe rất kêu như Cỏ Phong Sương, Lãnh Nguyệt Hàn, Trầm Mặc Tử, Hận Thế Nhân và Mã Phú...không phải thơ con cóc như lũ con nít nữa mà là thơ...tình hẳn hòi. Gọi là tình yêu thì có vẻ hơi to tát. Bởi chính những người trong cuộc còn không hiểu tình yêu là gì, cứ băn khoăn mãi có phải là yêu hay không mà. Có lẽ đó chỉ là chút rung động của tuổi mới lớn thôi. Nhưng chỉ như vậy cũng đủ khiến cho năm  chàng thi sĩ phải chao đảo, rồi trải qua mọi cung bậc cảm xúc như những người đang yêu thực sự.

Đọc truyện, độc giả sẽ bắt gặp những tình huống dở khóc dở cười mà mình đã từng một lần trải qua như: tắm sông bị giấu quần áo, trốn học đi hái sim, hẹn hò với bạn gái ở đống rơm sau nhà bị ăn ngay “nước tiểu”, những bài thơ “con cóc” kể về mối tình đầu tiên, những cơn giận dỗi ghen tuông bạn gái bạn trai với nhau, chuyện nhà trường có các cô giáo hơn trò vài tuổi coi trò như bạn, có thầy hiệu trưởng tâm lý và yêu thương học trò, coi trò như con…

Những câu chuyện mà Nguyễn Nhật Ánh kể không hề mới, thậm chí bất kỳ ai trong chúng ta – những người đã đi qua tháng năm học trò đều bắt gặp. Thế nhưng, Nguyễn Nhật Ánh đã làm mới những câu chuyện này bằng một giọng văn hóm hỉnh, chân thực và cũng rất nhẹ nhàng…

Tôi cặp kè với Thỏ Con suốt một năm trời mà chẳng nhớ nổi tụi tôi đã tâm tình với nhau những gì đặc biệt có lẽ vì tụi tôi yêu nhau theo cái kiểu trẻ con học đòi làm người lớn.

Tôi chở Thỏ Con lượn vòng vèo ngoài đường với vẻ kiêu hãnh của người chở một chiếc tivi đời mới, nhằm khoe khoang hơn là biết cách sử dụng cái tivi đó. Thực tình thì bao nhiêu lần dắt nhau ra sông, chui rúc vào rừng sim hay giữa các khe đá của bãi Tiên Nông, tụi tôi chưa hôn nhau một cái nào.

Tôi hỏi tụi thằng Hòa, thằng Sơn, thằng Thọ, hóa ra tụi nó cũng thế. Cũng như tôi, tụi nó chở đám Cúc Tần, Xí Muội, Hạt Dưa đi loăng quăng những chốn thơ mộng rốt cuộc cũng chỉ để rút máy ảnh ra bấm tanh tách, kiếm vài pô hình về nhét đầy album làm kỉ niệm học trò…

Trong câu chuyện này mọi thứ đều do Lãnh Nguyệt Hàn, trưởng nhóm bút Mặt Trời Khuya đầu têu. Kể cũng buồn cười, ngay cả anh chàng này nào đâu biết yêu là gì mà cho rằng phải có bạn gái thì mới có cảm hứng sáng tác. Rồi dùng uy quyền cộng với tài hùng biện của mình để ghép cho mỗi chàng trong nhóm một cô bạn gái hờ. Mà cũng lạ, những cô gái ấy đều đồng ý. Điều đó chỉ có thể xuất phát từ sự hồn nhiên không tưởng của tuổi học trò. Chứ nếu qua cái tuổi ẩm ương đó rồi thì dễ mấy ai đồng ý nhanh vậy?


Nhưng cũng nhờ đó mới có những tình huống hài hước của từng cặp khiến mình đọc truyện mà cười liên tục. Đỉnh điểm là vụ Sơn giấu ảnh em gái của Xí Muội trong ví rồi bị phát hiện, vụ Hòa đi hẹn hò với Cúc Tần bị bố Cúc Tần phát hiện rồi tè vào người. Vụ các thi sĩ ghen tức với lũ con trai khác khi chúng tới nhà “bạn gái” của mình để cưa cẩm.

Nhưng sau đó lại rất hồn nhiên nhưng đủ tỉnh táo nhận ra là “những chuyện tình đó chỉ toàn là hư ảo, rằng thực ra chẳng đứa nào có tình ý gì với nàng thơ của mình (và ngược lại, các nàng thơ chắc cũng chẳng có tình ý gì với đứa nào trong bọn)”. Nhưng có vẻ cả bọn cũng yêu thơ thật vì một đứa đã vỗ vai đứa kia bồm bộp mà bảo rằng “Yêu hay không yêu mặc xác mày, nhưng thơ tình thì vẫn phải làm đấy nhé!”. Thế là cái vòng luẩn quẩn lại được nối: thích - giả bộ không thích - thích thật - không chịu nhận là thích...Cái lũ nhỏ này, rắc rối chết được, nhưng mà thế thì mới là “tuổi mới lớn” chứ. “Mới lớn” nên có quyền thiếu kinh nghiệm trong mọi vấn đề và tha hồ tưởng tượng ra những cách giải quyết. Cái tài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là ông viết một cuốn sách như thể một học sinh viết nhật ký, nó lao xao cái không khí trường lớp, rổn rảng tiếng cười nghịch ngợm, dầu dầu nỗi tư lự áo trắng học trò. Từ “Bàn có năm chỗ ngồi” đến Lá nằm trong lá chỉ thấy một sự thay đổi rõ rệt trong xã hội phản ánh trong tâm lý của nhân vật cứ cái chất hóm hỉnh còn nguyên đó. Mà sự thay đổi duy nhất kia chỉ chứng minh một điều là nhà văn luôn theo sát và rất tôn trọng độc giả của mình.


Tình bạn gắn bó của các thành viên nhóm bút Mặt Trời Khuya cũng là điều làm nên cái hay của Lá nằm trong lá. Những chàng trai tưởng rất vô tư này thực ra lại vô cùng biết nghĩ cho bạn bè, biết giúp đỡ nhau, che chở cho nhau. Xúc động nhất là câu chuyện đời thực của Mã Phú, khiến mình giữa những trận cười sảng khoái cũng bị trầm xuống, lây tâm trạng u buồn của nhóm thi sĩ. Ai bảo tụi con trai cứng rắn chứ, cũng yếu mềm như tụi con gái thôi nha.

Trong Lá nằm trong lá Nguyễn Nhật Ánh đã phát biểu rằng tác phẩm này của ông viết về tình yêu của tuổi mới lớn. Quả thật trong truyện có tình cảm thơ ngây “lâu ngày sinh tình”, cũng có tình cảm thầm lặng của cậu bé ăn nhờ ở đậu và nàng “công chúa” kiêu sa. Tôi nghĩ, Nguyễn Nhật Ánh quả thật rất thành công. Tình cảm tuổi mới lớn trong truyện của ông không phải là một viên kẹo ngọt ngào hay một dòng suối mát lành, mà là lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cô bé Cúc Tần cắt trụi mái tóc của mình gửi cho người yêu làm kỉ niệm trước khi đi xa, cậu bé bần hàn ở nhờ trong nhà cô công chúa kiêu kì nhẫn nhịn và thầm lặng. Có lẽ khi trưởng thành nhớ lại những chuyện đó, bọn họ sẽ thấy buồn cười, nhưng không thể không thừa nhận mối tình đầu thơ ngây đó làm cho cuộc sống của họ đầy đủ hơn, là nấc thang để họ hiểu được tình yêu và đuổi theo hạnh phúc. Yêu, là phải cháy hết mình, cho dù bị đốt chỉ còn là một nắm tro tàn bay đi theo gió, nhưng rồi nắm tro tàn ấy sẽ vun đắp cho những điều tốt đẹp khác sinh sôi rực rỡ.



Đọc từng này truyện của Nguyễn Nhật Ánh mới thấy, hóa ra các câu chuyện không nhẹ nhàng như mình vẫn tưởng. Ngược lại, còn có chút gì đó phiêu lưu, li kì của thể loại trinh thám. Bí ẩn về tác giả Mã Phú, đằng sau những trang viết của Lợi, hay úp úp mở mở như tình cảm của bốn chàng thi sĩ với những nàng thơ:

Một cậu bé thích làm nhà xuất bản, các nhà thơ nhí, một cậu bé viết truyện “tình cảm” giữa công chúa và tên chăn ngựa bần hàn, các cô bé ngây thơ theo đuổi niềm yêu thích và mối tình đầu. Tất cả bọn họ đại diện cho tuổi thơ đẹp nhất, vô ưu vô tư lự.


Đúng thế tình yêu của tuổi học trò luôn ngọt ngào, cho dù có đau khổ, rơi lệ, cũng vẫn ngọt ngào. Bởi ở chúng tình cảm của chúng không nhiễm tạp chất, tinh thuần như trang giấy trắng.


Có lẽ tôi thấy mình cũng giống như những cô cậu bé này vì không hiểu được “tình yêu” là thế nào cho nên khi đọc qua tác phẩm tôi không có quá nhiều cảm xúc với chủ đề chính của truyện. Điều mà tôi chú ý nhất là yếu tố “tình bạn” trong truyện. Lá nằm trong lá, tay nằm trong tay. Tôi lại nghĩ, “lá nằm trong lá” thiên về tình bạn hơn là tình yêu. Hẳn là do nghe giống như câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” của dân gian Việt Nam. Lá nằm trong lá, che chở cho nhau, tôi thích điều đó.


Tình bạn tuổi học trò là điều tốt đẹp nhất, hoặc có thể nói chỉ có tình bạn tuổi học trò mới chân chính là “tình bạn”. Những hành vi bộp chộp của các cô cậu bé trong Lá nằm trong lá tạo ra những tình huống dở khóc dở cười. Bọn họ cho rằng mình đang làm việc “trượng nghĩa”, giúp đỡ bạn bè, ai ngờ lại làm cho mọi chuyện trở nên hỏng bét, cuối cùng tất cả lại đâu vào đấy một cách lạ kì.


Tình bạn chân chính không nhất thiết phải chết cho nhau, mà nó có thể chỉ là chia sẻ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, kể cho nhau những nỗi lòng, an ủi nhau một cách thầm lặng. Tình bạn không phải dùng để lợi dụng, tìm kiếm chở che những lúc hiểm nguy, mà là chia sẻ hạnh phúc với nhau, cho nhau mượn một bờ vai lúc mệt mỏi. Chỉ thế thôi, nhưng lại vô giá. Tình bạn khó định nghĩa hơn cả tình yêu, tình yêu là ngọn lửa, là dòng suối, là viên kẹo ngọt, là liều thuốc đắng, còn tình bạn chỉ có thể miêu tả bằng “có lẽ”. Có lẽ là ánh nắng, có thể là cơn mưa phùn rả rích trong ngày hè oi ả, có thể là chiếc máy bay giấy hai người cùng gấp, có lẽ là chiếc vòng tay lấp lánh dễ thương.



Tình bạn, tình thân, khoảnh khắc rung động đầu đời chính là tuổi học trò. Nằm trên giường, gấp lại quyển truyện, lẳng lặng nghe nhạc, tôi tự hỏi tuổi học trò của mình ra sao. Có lẽ tôi không nếm được vị ngọt của mối tình đầu, nhưng tôi lại cảm nhận được hơi ấm của tình thân và tình bạn. Ngày bé thơ ngây làm bao chuyện ngốc nghếch, bây giờ nhớ đến tôi cảm giác như tâm hồn mình trẻ lại.

Tôi nhận ra những điều tốt đẹp xung quanh tôi vẫn còn đó, vẫn chưa muộn để bù đắp lại những vô tình đã qua. Một góc khuất của trái tim tôi được lấp đầy bởi những viên kẹo, có chua có ngọt, nhưng tất cả đều là hương vị của hạnh phúc.

Khi gấp cuốn sách lại, mọi ký ức về thời học sinh nông nổi với các trò nghịch ngợm lại hiện lên rõ mồn một. Để rồi, những kỉ niệm về cái nắm tay lần đầu tiên với người ấy, những chiếc hôn vụng dại hay những dòng thư ngắn vội trao… lại mang đến cho ta sự rung cảm, sự bồi hồi xao xuyến. Để ta nhận ra rằng: đôi khi trong cuộc sống này, cũng cần có những phút giây hồi tưởng về cái tuổi mộng mơ đó. Cái tuổi mà con người ta luôn mong ước có một lần trở lại! Cái tuổi chỉ biết viết những dòng thơ tình trong veo: Khi mùa xuân đến/Tình anh lại đầy/Lá nằm trong lá/Tay nằm trong tay.


[KẾT]

Đọc hết cả truyện mới lý giải được vì sao truyện lại tên là Lá nằm trong lá. Đó không chỉ đơn thuần là 1 câu trong bài thơ của thi sĩ Cỏ Phong Sương, mà như lời thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn thì đấy là tuyên ngôn về niềm tin trong tình yêu.

Ừ, có gì khó hiểu đâu, tình anh như lá, hết hạ rồi thu, đông qua xuân tới, lá lại mọc đầy, có vơi đi đâu?

Đấy, học trò hồn nhiên, suy nghĩ giản đơn, nên định nghĩa tình yêu cũng chẳng chút phức tạp.

Chỉ là Lá nằm trong lá…


Review chi tiết bởi Đinh Thủy - Bookademy

-------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3  


Xem thêm

Nhìn chung thì... ờm... nói sao nhỉ? Thất vọng. Nhàm chán. Không ấn tượng chút nào. Giọng văn Nguyễn Nhật Ánh ở quyển này sao mà dài lê thê thế không biết. Hay do truyện viết về những nàng thơ nên có chút văn vẻ quá làm tôi không thấm được nhỉ? Cốt truyện không có gì đặc biệt và mới mẻ đối với những người đọc nhiều truyện của bác Ánh như tôi. Tôi đã chờ đợi một câu chuyện về tình cảm học trò dễ thương, dễ thương hơn nữa cơ. Bên lề một chút, nếu bác cứ viết truyện với cái cốt rập khuôn như thế này thì tôi không thích bác nữa mất. Vẫn nhân vật kiểu đó. Một nhân vật lanh lẹ ma ranh cầm đầu. Một nhân vật rụt rè e thẹn. (Giống Buổi chiều Window, Bồ câu không đưa thư). Và một nhân vật kể bằng ngôi thứ nhất bí ẩn. (Giống Tôi là Bê tô, damn it :))) Bìa sách cũng không cứu vớt được điều gì. Như các bạn thấy đấy :3 sách của Nguyễn Nhật Ánh lúc nào cũng bìa màu vàng ấy, thêm cái tên của bác không cần viết hoa, thêm một dòng chữ tên tác phẩm, thêm cái tranh minh họa đơn giản một tí... Tuy nhiên, cũng không thể nói nó là một cuốn sách dở. Ở đó, vẫn có những mối tình non nớt, khi những cô cậu học trò biết thinh thích nhau, biết cảm thụ văn học và trở thành những nhà thơ viết tặng cho nàng thơ của mình. Tình cảm nồng nhiệt và chân thật. Bác Ánh giống như Hoàng tử bé vậy. Một người lớn, nhưng hiểu và cảm nhận được những suy nghĩ của tuổi trẻ. Cái tuổi mà người ta vẫn nghĩ là đầy rẫy những thứ bồng bột, phức tạp, muốn thể hiện mình mà làm những chuyện dại dột, sẵn sàng vùng ra khỏi sự kiểm soát của gia đình. Nhưng ở bác Ánh và qua bác Ánh, tuổi trẻ hiện lên thật trong sáng, dễ thương, giản dị nhưng cũng không kém phần lãng mạn và sâu sắc.

Lá Nằm Trong Lá là một câu chuyện kể về bút nhóm “Mặt trời khuya” của 4 chàng trai lớp 9 và 4 nàng thơ trong lòng những thi sĩ này. Cuốn sách xoay quanh những câu chuyện về tình bạn, tình cô trò và cả tình yêu tuổi mới lớn.

Câu chuyện bắt đầu khi bút nhóm xuất hiện thêm Lợi - một chàng trai có hoàn cảnh khó khăn nhưng lại là một văn sĩ tuyệt vời. Chàng trai ấy đã mang câu chuyện của cuộc đời mình vào tác phẩm “Chàng chăn cừu của nhà vua” và tạo nên một thành công lớn cho bút nhóm “Mặt trời khuya”.

Toàn bộ những khung cảnh trong truyện, bao gồm các loại cỏ cây, cả cái giếng đá thơ mộng kia đều là những thứ rất thân thuộc với Lợi. Cả chàng chăn ngựa, nhà vua và nàng công chúa bé nhỏ cũng thế, đều đi ra từ đời thường của nó: Thằng Lợi chăn bò biến thành chàng chăn ngựa, nhỏ Duyên hóa thân thành công chúa. Nó chỉ khác là nàng công chúa trong truyện là một phiên bản trái ngược với nàng công chúa ngoài đời. Nàng công chúa trong truyện đối xử với chàng chăn ngựa dịu dàng và tình cảm bao nhiêu, thì Nhỏ Duyên lại thù và căm ghét chàng chăn bò bấy nhiêu. Một sự trái ngược kỳ lại, khiến chúng ta không thể không bật cười!

Không biết, khi Lợi ngồi viết những trang văn đẹp đẽ ấy, nó đang nghĩ gì và tâm trạng của nó như thế nào. Dĩ nhiên, tôi hiểu nó muốn dùng câu chuyện chàng chăn ngựa để gửi gắm niềm yêu mến của nó với đứa con gái vẫn luôn xem nó như kẻ thù. Thế nhưng, nếu nghĩ sâu xa hơn, thì có lẽ nó muốn ký thác vào thiên truyện của mình những ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp mà nó vẫn thường mơ ước bấy lâu.

Khi đọc đến phần này, tôi không thôi nghĩ về 2 hình ảnh, nó đối lập nhưng khiến tôi phải suy tư. Đó là khi sắp xếp những ý nghĩ tươi sáng đó rồi bày ra trên giấy, không biết Lợi đang mỉm cười cho tương lai hay đang rơi nước mắt xuống hiện tại. Rồi tôi tự an ủi lòng mình rằng, dù lợi có cười hay khóc thì những trang văn trong câu chuyện tuyệt vời về chàng chăn ngựa có lẽ đã góp phần xoa dịu tâm hồn nó.

Lá nằm trong lá là một câu chuyện kể về bút nhóm “Mặt trời khuya” của 4 chàng trai lớp 9 và 4 nàng thơ trong lòng những thi sĩ này. Cuốn sách xoay quanh những câu chuyện về tình bạn, tình cô trò và cả tình yêu tuổi mới lớn. Câu chuyện bắt đầu khi bút nhóm xuất hiện thêm Lợi - một chàng trai có hoàn cảnh khó khăn nhưng lại là một văn sĩ tuyệt vời. Chàng trai ấy đã mang câu chuyện của cuộc đời mình vào tác phẩm “Chàng chăn cừu của nhà vua” và tạo nên một thành công lớn cho bút nhóm “Mặt trời khuya”. Toàn bộ những khung cảnh trong truyện, bao gồm các loại cỏ cây, cả cái giếng đá thơ mộng kia đều là những thứ rất thân thuộc với Lợi. Cả chàng chăn ngựa, nhà vua và nàng công chúa bé nhỏ cũng thế, đều đi ra từ đời thường của nó: Thằng Lợi chăn bò biến thành chàng chăn ngựa, nhỏ Duyên hóa thân thành công chúa. Nó chỉ khác là nàng công chúa trong truyện là một phiên bản trái ngược với nàng công chúa ngoài đời. Nàng công chúa trong truyện đối xử với chàng chăn ngựa dịu dàng và tình cảm bao nhiêu, thì Nhỏ Duyên lại thù và căm ghét chàng chăn bò bấy nhiêu. Một sự trái ngược kỳ lại, khiến chúng ta không thể không bật cười! Không biết, khi Lợi ngồi viết những trang văn đẹp đẽ ấy, nó đang nghĩ gì và tâm trạng của nó như thế nào. Dĩ nhiên, tôi hiểu nó muốn dùng câu chuyện chàng chăn ngựa để gửi gắm niềm yêu mến của nó với đứa con gái vẫn luôn xem nó như kẻ thù. Thế nhưng, nếu nghĩ sâu xa hơn, thì có lẽ nó muốn ký thác vào thiên truyện của mình những ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp mà nó vẫn thường mơ ước bấy lâu. Khi đọc đến phần này, tôi không thôi nghĩ về 2 hình ảnh, nó đối lập nhưng khiến tôi phải suy tư. Đó là khi sắp xếp những ý nghĩ tươi sáng đó rồi bày ra trên giấy, không biết Lợi đang mỉm cười cho tương lai hay đang rơi nước mắt xuống hiện tại. Rồi tôi tự an ủi lòng mình rằng, dù lợi có cười hay khóc thì những trang văn trong câu chuyện tuyệt vời về chàng chăn ngựa có lẽ đã góp phần xoa dịu tâm hồn nó. Lá nằm trong lá Giống như một người bị sóng nước nhấn chìm đang cố quờ tay tìm chiếc phao, một đứa bị số phận nhấn chìm như thằng Lợi có vẻ cũng đang cố níu lấy một giấc mơ để tự nó có thể vượt qua những giông bão của đời mình.

Dạo gần đây, tác phẩm “ Mắt biếc” về mối tình đơn phương giữa Nhạn với Hà Lan của bác Ánh có vẻ đang rất hot và có được nhiều sự chú ý từ mọi người. Và mình là 1 trong những người ấy. Thú thật, từ thuở tập tành thói quen đọc sách cho bản thân, mình chỉ thích kinh dị của Otsuichi hay trinh thám dưới ngòi bút điêu luyện của Keigo thôi, cho đến khi cơ duyên đưa đẩy, trong một lần mua sách trên tiki ( cũng khá lâu rồi ) vì đơn hàng lúc ấy đủ điều kiện nên mình được tặng thêm 1 quyển random và tada là quyển này đâyyy. Lúc đầu mình không hứng thú lắm, nên cứ để tạm một góc trong tủ sách. Cho mãi 2 năm sau đến thời điểm hiện tại - vào một ngày nửa đêm trong mùa hè lớp 10, do không thể chợp mắt mình đành tìm kiếm gì đấy để làm .. thế là mình thấy cuốn sách mà bấy lâu mình bỏ quên đây. * Tháo tháo màng co * mình ngấm nghía cái bìa rồi giở ra bên trong, bắt đầu đưa mắt. Và rồi tâm hồn của mình như bị cuốn theo từng chữ của bác Ánh, và nhập vai vào nhân vật “ tôi “ trong truyện. Câu chuyện kể về nhóm bạn học 4 người ( lấy bút danh của các thi hào nổi tiếng thời xưa ) và tự phong do mình các chức danh thật oách và cũng tìm cho mình các nàng thơ để tập tành trở thành thi sĩ và có tâm hồn thi vị. Lời văn của tác giả dẫn dắt em vào tuổi thơ năm lớp 9 của “ tôi “, năm lớp 9 hồn nhiên và lắng đọng. Hoà lẫn vào cái sự tinh nghịch, dí dỏm là tình bạn, tình cô trò và thắm đượm trong ấy là thoáng chút tình cảm học trò trong sáng, giận hờn vu vơ. Nhưng rồi ai cũng phải lớn lên, chẳng thể sống mãi với thân hình bé nhỏ mãi, năm lớp 9 của nhân vật “ tôi “ kết thúc với chút đượm buồn khi: Cúc Tần - nàng thơ của nhóc Hoà chuyển đi theo ba mẹ, làm cho “ nó khóc tồ tồ như một đứa trẻ “ hay lúc những đứa học trò tinh nghịch chợt nhận ra khi xong cấp 2 mình phải chuyển vào thị trấn và về khoảng cách thời gian như vậy bọn nó chẳng thể gặp lại các cô giáo đáng kính nữa.Càng đọc mình cũng cảm thấy tác phẩm “ Lá nằm trong lá “ tựa một chiếc gương soi, tái hiện phần nào kí ức về thời cấp 1, cấp 2 hay bất kì khoảng thời gian đi học của bất cứ ai. Khép lại quyển sách, mình bỗng ngưỡng mộ và thích thú với các tác phẩm khác của bác Ánh cũng như văn học Việt Nam. Mình nghĩ nếu “ Mắt biếc “ đã là tác phẩm hot hit thì mình nghĩ các bạn cũng nên trải nghiệm qua tác phẩm “ Lá nằm trong lá “ này bởi vì nó gợi lại cho ta phần tuổi thơ hồn nhiên biết bao.