Chắc hẳn những người yêu sách sẽ không còn xa lạ gì với cái tên quá đỗi quen thuộc trong làng văn học Việt Nam: Nguyễn Nhật Ánh. Bằng giọng văn trong vắt và nhẹ nhàng, ông đã giúp người đọc một lần nữa được sống và cảm nhận thế giới bằng trái tim và trí tưởng tượng của những đứa trẻ: từ những chuyến phiêu lưu đầy kì thú và mạo hiểm của Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh cho đến phút giây nằm dài thư giãn của chúa đảo Tin trên “hòn đảo Robinson” (thực chất là núi cát xây dựng sau nhà) cùng với Chúa đảo Phu nhân Thắm, Phó Chúa đảo Bảy và một con sư tử biết sủa gâu gâu.

Nhưng bởi vì Nguyễn Nhật Ánh viết truyện về thiếu nhi nhưng không chỉ dành cho thiếu nhi, vì thế ông vẫn dành tặng một số tác phẩm viết về mối tình đầu dành cho thiếu niên và người lớn. Đối với họ, mối tình đầu là kỉ niệm ngọt ngào nhưng cũng chứa đầy nỗi đau vì nó là kết quả của thứ cảm xúc vụng về nhưng mãnh liệt của những con người lần đầu học yêu. Từng câu chuyện với những nỗi niềm khác nhau sẽ làm cho người đọc như quay về quá khứ và rơi lệ trước cách tình yêu xoay tròn các nhân vật trong ma lực của nó, hệt như chúng ta ngày xưa…

  1. Ngồi khóc trên cây:

Sách của Nguyễn Nhật Ánh được in bởi nhà xuất bản Trẻ ở nhà tôi thì không gọi là hiếm. Nhưng với “Ngồi khóc trên cây” ra đời vào 2013, lần đầu tiên tôi bật khóc trước một câu chuyện có hậu.

Câu chuyện xoay quanh mối tình ngọt ngào nhưng không kém phần cay đắng giữa chàng sinh viên Sài thành tên Đông và cô gái làng quê có cái tên rất lạ: “Rùa”. Cuộc gặp gỡ định mệnh bên chiếc bàn cạnh cửa sổ tại làng Đo Đo đã mở ra cho Đông những trải nghiệm mới lạ không chỉ về thế giới xung quanh mà còn về sự thay đổi của trái tim mình ở tuổi mười tám lần đầu đập loạn lên trước một người con gái. Từ những chuyến phiêu lưu cùng Rùa, Đông đã có dịp tận mắt ngắm nhìn cơn mưa rừng trong khi đang trú mình trong một hốc cây lớn, trực tiếp chạm vào bộ lông mềm mượt của chú nai Tập Tễnh mà vốn dĩ anh chỉ được nhìn thấy trong sách, hay len lỏi qua con thác nhỏ để đến với không gian thiên nhiên đẹp đến ngạt thở mà chưa hề có bóng dáng con người tại đó. Đối với tác giả, ngòi bút giờ đây không đơn thuần mang trọng trách truyền tải con chữ mà còn để phác họa những di sản mà Mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người một cách sinh động và chân thực nhất có thể:

 “Ngồi thu lu bên con Rùa nhìn màn mưa mù mịt bên ngoài qua kẽ lá, nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên đầu, nghe hơi nước ướp vào da thịt mát lạnh, hấp háy hai cánh mũi để hít hà mùi đất ẩm không ngừng xông lên ngào ngạt, tất cả những điều đó đánh thức mọi giác quan trong tôi khiến tôi ngỡ như tôi đang sống hai ba cuộc sống cùng một lúc và cảm giác đó thực vô cùng thú vị.”

“Đó là một con nai con màu vàng nâu với những chấm trắng lốm đốm trên toàn thân, hai tai to như hai chiếc lá bàng lúc này đang vểnh lên hướng về phía tôi và con Rùa. Chưa bao giờ tôi quan sát một con nai ở khoảng cách gần như thế, và khi tôi theo con Rùa tiến đến sát bên con Tập Tễnh, đưa tay vuốt ve bộ lông mềm mại và chiếc mũi đen ướt của nó thì đó là lần đầu tiên trong đời tôi chạm tay được vào con thú xinh đẹp xưa nay tôi chỉ nhìn thấy trong những trang sách.”

 

Qua tác phẩm “Ngồi khóc trên cây”, một lần nữa Nguyễn Nhật Ánh lại chứng minh rằng mình hoàn toàn xứng đáng với biệt danh “Bậc thầy về truyện thiếu nhi và thiếu niên” với cách miêu tả tâm lý nhân vật ngộ nghĩnh, mộc mạc nhưng không kém phần chân thành. Độc giả có thể vừa thích thú trước cảnh anh chàng Đông của chúng ta đã ngượng chín người thế nào khi lần đầu hôn một cô gái, thì ngay lập tức cũng có thể bật cười khanh khách ngay trang sách tiếp theo khi con Rùa chỉ rằng có một con rắn lục đang tò mò quan sát cả hai trên đầu. Lối miêu tả và dẫn dắt câu chuyện của ông biến chuyển liên tục từ tình tiết này sang tình tiết khác khiến độc giả không tài nào đoán trước được, hệt như tâm trạng từ buồn bã sang vui mừng khôn xiết rồi lại rơi xuống vực sâu thăm thẳm của Đông khi cầm tờ giấy chứng nhận mình không bị ung thư máu như đã tưởng về nhà và nhận tin rằng con Rùa đã bị lũ cuốn trôi đi mất:

 “Lẽ ra tôi không nên trở về. Ừ, có lẽ thế thì tốt hơn cho cả hai! Trở về để vừa muốn nắm tay nó vừa không muốn nắm tay nó, vừa muốn nói với nó những ngày qua tôi nhớ nó biết bao, rằng gần như đêm nào tôi cũng mơ thấy nó vừa nghiến chặt răng để nuốt những lời yêu thương đó vào lòng quả là một cực hình đối với tôi.”

“Tôi dặn lòng lần này về tôi sẽ bù đắp cho con Rùa. Tôi tặng sách cho nó đọc, lên xóm trên chơi với nó mỗi ngày và khi nào không có ai tôi sẽ cầm tay nó mà không đợi nó phải nhắc.

Tôi cũng sẽ nói với nó trong quãng thời gian đằng đẵng đó, tôi vẫn thường xuyên gặp nó trong những giấc mơ. Tôi thấy tôi với nó ngồi dưới gốc cây bướm bạc và trong khi tựa đầu vào vai tôi nó hay chỉ tay lên chòm sao Hiệp Sĩ trên đầu để kể với tôi về ông ngoại nó bằng giọng ngân nga như hát.

Rồi tôi nói với nó tôi sẽ không bao giờ xa nó lâu như lần trước. Ờ, không bao giờ có chuyện như thế nữa…”

 

 

Có lẽ con Rùa chính là hình ảnh đại diện cho những người tốt với tính cách cương trực và tình yêu thương bao la trong xã hội mà nhà văn cố tình tạo nên. Bằng cách đặt nhân vật trong vô vàn những tình huống cực kì khó khăn và nguy hiểm (như mạo hiểm phá dụng cụ đi săn của các thợ săn trong xóm, bị trẻ con trong xóm dèm pha vì là đứa trẻ mồ côi, hay thậm chí bị chàng trai mình tin tưởng nhất lạnh nhạt và xa lánh suốt ba năm trời mà không có một lí do nào rõ ràng), tác giả đã tạo cơ hội cho Rùa được hoàn toàn bộc lộ bản tính tốt bụng, thương người, yêu động vật và niềm tin mãnh liệt vào Đông mà em hằng yêu mến. Chúng ta khóc trước cảnh những con người tốt như Đông và con Rùa lại không thể đến với nhau chỉ bởi vì những rào cản oan nghiệt không đáng có. Rồi sau đó chúng ta lại vỡ òa trong hạnh phúc khi cuối cùng người tốt cũng nhận được điều tốt đẹp sau bao chuyện đã xảy ra. Với “Ngồi khóc trên cây”, Nguyễn Nhật Ánh đã một lần nữa nhấn mạnh với độc giả một thông điệp tưởng cũ nhưng lại không hề cũ: “Thông minh là một món quà, còn lòng tốt là một sự lựa chọn”.

  1. Ngày xưa có một chuyện tình:

Nếu như “Ngồi khóc trên cây” nói về mối tình học trò bị bủa vây bởi hiểu lầm chồng chất hiểu lầm thì “Ngày xưa có một chuyện tình” lại là một câu chuyện tình yêu đè nặng tâm sự giữa ba người bạn từ cấp hai Vinh, Miền và Phúc. Được sáng tác vào năm 2016 tại một nơi gọi là Trại Hoa Vàng, quyển sách này được xem là tác phẩm hiếm hoi mà Nguyễn Nhật Ánh viết về tình yêu của những người trưởng thành. Điều đặc biệt ở tác phẩm này là tác giả sử dụng hai mạch truyện song song (một dùng ngôi thứ nhất và một dùng ngôi thứ ba) để có thể thuật lại câu chuyện một cách khách quan và vẹn tròn nhất, đồng thời tạo nên sự tò mò về nhân vật “tôi” và “chú bé” ở đầu câu chuyện khiến cho người đọc không thể rời mắt khỏi trang sách. Cùng với lối miêu tả tính cách nhân vật một cách mộc mạc và “trần trụi”, độc giả sẽ cùng cười với những trò nghịch ngợm của Phúc, tan chảy trước vẻ đáng yêu của Miền, và rơi lệ trước tình yêu chân thành của Vinh. 

Vinh với Phúc đánh bạn với nhau từ năm lớp Bảy, cái thời mà Vinh bắt đầu để ý đến bạn khác giới. Khi thấy Vinh vì bênh vực Miền mà bị tụi thằng Lẹ và Cu Em đổ oan và bị đánh, Phúc đã lên tiếng minh oan cho Vinh mặc dù biết rằng ngày hôm sau cậu chắc chắn sẽ bị tụi nó dần cho nhừ tử. Nể phục trước tính hào hiệp của bạn mình, Vinh tìm cách bắt chuyện và từ đó người ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh hai đứa tung tăng trên con đường đi học hay túm tụm bên tủ sách của ông ngoại Phúc. Phúc thể hiện mình là một đứa bạn vô cùng trượng nghĩa, từ việc yêu cầu các thính giả nghe kể chuyện phải mua kem cho cả hai đứa hay sốt sắng bày kế cho Vinh “cua” nhỏ Miền. Vì Phúc là một đứa nổi bật như vậy nên không có gì khó hiểu khi không chỉ Vinh mà cả nhỏ Miền cũng nhận ra sức hút của cậu ấy: 

“Tôi chưa bao giờ nói yêu Miền để nghe nó nói nó cũng yêu tôi. Vì vậy Miền chẳng có lỗi gì khi nó dành tình cảm cho Phúc. Hơn nữa, khi lên cấp ba, chúng tôi đều lớn vọt - cả ba đứa. Và Phúc bỗng đẹp trai hẳn ra so với năm lớp chín, chẳng biết tại sao. Nó ra dáng đàn ông, có nét ngang tàng như thằng Hướng nhưng nó hơn Hướng ở chỗ nó không phá làng phá xóm. Miền cũng trở thành một cô gái vô cùng duyên dáng. Hai chiếc răng thỏ của nó nhìn đáng yêu chết được, nhưng chính tính cách của nó mới là sự lôi cuốn lớn nhất.

Thế nên Phúc yêu Miền không có gì lạ. Có lẽ Phúc chẳng có ý phản tôi, nhưng khi tình yêu gọi tên, nó không thể làm ngơ vì nói chung con người ta ít có ai có thể chống lại chính mình”.

  

Ảnh gốc của Aaron Burden tại Unsplash

Vinh, với đức hi sinh cao cả trong tình yêu, đã đè nén nỗi đau để bảo vệ tình yêu của hai người bạn của mình khỏi mọi đàm tiếu. Bỗng nhiên một đêm Phúc tìm gặp Miền trao lời tạm biệt vội vàng và biến mất tăm trong suốt tám năm sau đó, để lại Miền với trái tim tan vỡ và giọt máu của người cô yêu trong bụng. Vinh vẫn cần mẫn quan tâm và chăm sóc hai mẹ con Miền, ít lâu sau thì ngỏ lời cưới cô trước là để cô có thể chính thức gọi bé Su bằng con ruột, sau là để thỏa ước mơ từ thuở bé của anh. Nhưng rồi số phận như trêu ngươi duyên phận con người khi Phúc quay trở về và một lần nữa xáo trộn tâm hồn tưởng như đã bình yên của cả ba người…

“Nếu Miền đã cương quyết sắp xếp tương lai cho mình, tôi sẽ không cản em, thậm chí tôi sẽ cố ý vắng nhà vào đêm nay để em khỏi thắc thỏm vào chuyến đi. Nếu tình yêu có thể nói bằng nhiều thứ tiếng và trái tim tôi và Miền có những ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau thì tôi có tìm mọi cách để giữ em lại cũng vô ích.

Trong mọi trường hợp, tình yêu không cần phiên dịch”.

Nếu không đọc quyển sách này, tôi sẽ không tài nào biết được trên đời này vẫn còn một tình yêu chân thành, vằng vặc như tình yêu của Vinh dành cho Miền.

Nếu không đọc quyển sách này, tôi sẽ không bao giờ biết được một người đàn ông có thể vì xem trọng hạnh phúc của người con gái họ yêu mà hi sinh tất cả cho cô ấy đến như vậy.

Và nếu không đọc quyển sách này, tôi sẽ không thể nào biết được Nguyễn Nhật Ánh lại có thể viết về tình yêu một cách tuyệt vời và dạt dào cảm xúc như thế này.

Các bạn ơi hãy đọc đi, đọc để có thêm dũng cảm khi yêu và không bao giờ từ bỏ tình yêu của mình dù chỉ có một phần trăm cơ hội. Vì suy cho cùng, “lỗi lầm của con tim là loại lỗi lầm đáng tha thứ nhất trong các loại lỗi lầm mà loài người mắc phải”.

 

  1. Đi qua hoa cúc:

“Đi qua hoa cúc” là tác phẩm xuất bản vào năm 2010, nằm trong tuyển tập truyện dài quen thuộc của Nguyễn Nhật Ánh. Đặc điểm dễ nhận diện của tuyển tập này là các quyển sách đều được in bìa màu vàng và có kích cỡ khoảng một tờ giấy A5. Khác với nhân vật Vinh và nhân vật Đông, mối tình đầu của chàng trai trẻ Trường trong câu chuyện này có vẻ không đơm hoa kết trái như cậu hằng mơ ước. Dù có chút vụng về, nhưng Trường vẫn rất cố gắng lấy lòng người đẹp để xóa nhòa khoảng cách ba năm tuổi với cô bạn thân của dì mình. Cậu chàng đã bớt nghịch ngợm, chăm tưới hoa và phụ giúp việc nhà nhiều hơn, mặc cho ánh nhìn trêu chọc đầy hàm ý của dì Miên và anh em thằng Chửng cùng xóm. Ngoài mặt thì lên giọng chê trách cái tính nhút nhát của chị Ngà, nhưng trong thâm tâm cậu vẫn luôn xem chị là vị nữ thần xinh đẹp và trong sáng mà không ai được phép làm vấy bẩn:

 

“Tôi không trả lời dì Miên mà đưa mắt liếc về phía chị Ngà. Gương mặt chị thật xinh đẹp, cứ sáng hồng. Đôi mắt chị nhìn tôi long lanh, nhưng chị không nói gì.

Một nỗi buồn mênh mông kéo theo nỗi cô đơn hờn tủi lướt ngang trái tim tôi. Tôi chẳng biết làm gì để ngăn chặn những âm mưu đen tối của anh cũng như để bảo vệ hình ảnh rực rỡ đến trong suốt của chị Ngà.”

 

Tình yêu của Trường chưa kịp ngỏ thì đã nhanh chóng bị dập tắt một cách tàn nhẫn khi cậu bắt gặp chị Ngà đang tình tứ cùng anh Điền, vốn là học trò của ông ngoại cậu, ở ổ rơm sau vườn vào nửa đêm. Mọi hi vọng của cậu về một tương lai có chị Ngà bên cạnh bỗng chốc vụt tan hệt như làn khói, khiến mắt cậu cay xè và lồng ngực như bị ai đó dùng kéo cắt thành từng mảnh nhỏ:

 

“Tôi đứng chết trân tại chỗ có đến mười phút,nghe trời đổ ập xuống đầu. Đôi tình nhân đang đắm đuối trên nệm rơm kia không thể ngờ ngay lúc đó có một thằng con trai đứng ngay bên cạnh họ, nước mắt tuôn như mưa, âm thầm khóc cho một mối tình đã chết.

Cho đến khi tôi thất thểu bỏ vào nhà, bóng tối không chỉ vây bọc từng bước chân tôi. Nó còn phủ kín cả trái tim tôi nữa.”

 

Ảnh gốc bởi Jordan Whitfield tại Unsplash 

Dù cho trái tim đã bị chị làm cho vỡ vụn, thế nhưng Trường vẫn nhất quyết bảo vệ mối tình của chị Ngà khỏi ánh mắt dòm ngó của chòm xóm. Thế nhưng chẳng lâu sau đó, một người đàn bà tự xưng là vợ anh Điền đã tìm đến và vạch trần bộ mặt xảo trá của kẻ lăng nhăng kia. Từ cảm giác hờn ghen, oán trách, trong lòng Trường chỉ tràn ngập một nỗi xót thương vô hạn khi nhìn thấy hình dáng ngày một xanh xao của chị Ngà. Trong khi Trường vẫn chưa biết phải làm sao để an ủi chị thì chính chị đã ra tay đặt dấu chấm hết cho mối tình đầy tội lỗi này. Chỉ để lại vỏn vẹn một lời xin lỗi nghẹn ngào, rồi chị Ngà đi mất, bất ngờ và cuống quýt hệt như ngày chị đến. Mọi người đều bảo rằng chị đã nhảy sông tự vẫn, thế nhưng trong lòng chàng trai trẻ ấy vẫn không ngừng hi vọng rằng rồi một ngày nào đó duyên phận sẽ đẩy chị lại với anh. Nhưng chính bản thân anh cũng không biết rằng với một niềm tin kì quặc như thế thì anh sẽ sống với nó được bao lâu:

 

“ Tôi là cánh hoa mỏng manh vì người mà tươi thắm

Cũng vì người mà tàn héo

Xin người hãy đến trên đôi chân mùa xuân ấm áp

Chớ để gió đông về thổi tắt ước mơ tôi”

 

Còn bạn, bạn có cảm giác nghẹn ngào dâng lên trong ngực khi đọc các tác phẩm này giống tôi không? Hãy cho tôi biết ý kiến dưới phần bình luận với nhé!

 

Tác giả: Ngọc Thanh - Bookademy

------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Xem thêm

"Cứ ngỡ bỏ lỡ một người, nhưng chính là bỏ lỡ một đời". Đó là suy nghĩ đã chợt nảy ra trong đầu mình ngay sau khi đọc xong "Mắt biếc". Cuốn truyện ấy đẹp long lanh như ánh nắng ngọt ngào êm dịu ở làng quê Đo Đo, ấy thế mà sao nó buồn bã da diết và tiếc nuối khôn nguôi như thế. Câu chuyện xoay quanh Ngạn và Hà Lan, từng là những cô cậu bạn của nhau từ khi còn rất nhỏ, họ cùng nhau lớn lên và Ngạn đã phải lòng Hà Lan từ khi nào mà không biết. Cũng chính từ tình cảm đó, một chuỗi tiếc nuối dài bắt đầu. Người ta thường rỉ tai nhau về những cơ hội quý giá trong đời khi mất đi sẽ không thể nào quay lại, cả Ngạn và Hà Lan đều để cơ hội vụt qua bàn tay mình và trơ trọi đứng nhìn tình yêu vụn vỡ. Ngạn vì nhiều lần chần chừ, âm thầm bên cạnh Hà Lan mà đã để lỡ cơ hội trở thành một nửa của cô, để rồi phải nhìn cô trải qua bao đắng cay đau đớn. Hà Lan cũng dè dặt trao tình cảm cho Ngạn, để rồi chuyến tàu cuối cùng lăn bánh đã chở theo tình yêu muộn màng của cô. Đã không biết bao nhiêu lần đọc truyện, mình đã phải thở dài tiếc nuối theo Ngạn và Hà Lan, rõ ràng họ dành tình cảm sâu đậm cho nhau đến thế, Ngạn vì Hà Lan mà sẵn sàng nuôi bé Trà Long khôn lớn, Hà Lan vì nghĩ mình không xứng với Ngạn mà đã trải qua bao nhiêu mối tình dang dở. Chung quy lại, có lẽ cũng chỉ là họ không đủ dũng khí để thừa nhận với nhau, cho đến khi đã quá muộn màng. Mắt biếc là một bức tranh tuyệt đẹp nhưng phảng phất nỗi buồn day dứt, còn gì trên đời đau đớn hơn khi hai con người yêu nhau phải chia lìa và bỏ lỡ nhau mãi mãi.

"Hạ đỏ vẫn chàng tới hỏi Em thơ chị đẹp em đâu..." - Huyên Kiêu Có những mùa hạ trôi qua, đong đầy thương nhớ; cũng có những mùa hạ đến rồi lại gạn vợi niềm vui, mùa hạ trong Hạ đỏ, cũng như những mùa hạ khác của Nguyễn Nhật ánh, ám ảnh, da diết và vỡ vụn. Khi đọc Hạ đỏ độc giả hẳn không thể nào cầm nổi nước mắt. Lại thêm một câu chuyện tình buồn đến từ nhà văn, khiến nhiều lúc lại bâng khuâng tự hỏi phải chăng tình đầu luôn là mối tình đớn đau nhất. Câu chuyện kể về Chương, trong một kì nghỉ hè về quê ngoại, vô tình phải lòng Út Thêm, cô bạn cùng quê. Những câu chuyện vụn vặt, nhỏ bé góp thành những bức tranh đẹp, mà trong đó Chương, và những người bạn của anh là Nhạn và Dế là nhân vật chính. Từ đó mở ra trong tác phẩm vừa là tuổi thơ tràn đầy sức sống, vừa là nỗi đau da diết khôn nguôi, cất lên từ mối tình buồn của Chương và Út Thêm. Vụn vặt, nhỏ bé mà góp thành tuổi thơ. “Tôi thấy Nguyễn Nhật Ánh trong tuổi thơ” – Hải Đăng Cũng như con ong biến trăm hoa thành một mật, Nguyễn Nhật Ánh lặng lẽ đi tìm mật ngọt từ tuổi thơ của mỗi người, để kết tinh thành những trang sách làm lay động trái tim của biết bao thế hệ. Tuổi thơ đó là quê ngoại yên bình có Nhạn và Dế, được che chở bằng những lũy tre xanh mát, từng giọt vàng rơi xuống đường quê, khiến người ta nặng lòng không muốn rời. Là những buổi trưa cùng Nhạn vào vườn bắn trộm chim, hái trộm xoài. Là những trận đánh “kinh điển” với Dư, mỗi trận đều hấp dẫn như ngoài chiến trường. Và cả những rung động của tuổi mới lớn. Những kí ức đó là dư vị đã níu giữ chân người đọc mỗi lần đọc Hạ đỏ. Những câu chuyện hết sức bình dị nay được vẽ lại dưới ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh, nên thơ, đẹp đẽ và trong ngần. Ai trong chúng ta chẳng có một mùa hạ để mà nhớ, cũng giống như Chương thôi. Cứ như thế, mùa hạ đỏ lặng lẽ và trầm ngâm, từng chút một hiện ra dưới ngòi bút. Trong mùa hạ đẹp khôn cùng đó, điểm xuyết một vài thanh nhạc trầm đến từ tình yêu không vẹn tròn, nhưng dẫu sao cũng đã thành công dẫn người đọc vào địa hạt của tuổi thơ. Đó chính là mong ước cuối cùng của tác giả mỗi khi viết tác phẩm. Đâu phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Nhật Ánh được ca tụng là người đi tìm kí ức. Tình đầu ngây thơ. Ai trong chúng ta chẳng có một người để nhớ, để thương, để vấn vương suốt cả một đời người? Út Thêm với Chương cũng như vậy. Hai người gặp nhau trong hoàn cảnh éo le, khi Út Thêm đưa Dư đến nhà Nhạn và Dế băng bó vết thương vì bị Chương bắn đá trúng đầu. Chàng trai mới lớn của chúng ta ngay lập tức say nắng đôi mắt của cô bạn cùng quê. Lặng lẽ như gió góp thành bão, như mây góp thành trời, như sông dệt thành biển. Tình yêu trong Chương cứ vậy mà lớn dần, Chương bắt đầu biết giả vờ ngồi câu cá để chờ Út Thêm đi ngang, biết viết thư tỏ tình lén để vào giỏ của Út. Chương cũng từ bỏ mối thù với Dư- em trai của cô để mơ mộng về một ngày được cưới Út làm vợ. Từ bỏ cả những niềm vui tuổi nhỏ, Chương giờ thích vẩn vơ nghĩ đến đôi mắt của Út hơn là đi chơi cùng Nhạn và Dế. Tác giả đã rất tài tình khi miêu tả tâm lí của những chàng trai mới lớn. Để thúc đẩy cho chuyện tình của cả hai được đi lên đỉnh điểm, Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng tình huống Út Thêm không biết đọc để tạo cơ hội cho Chương. Anh chàng trở thành thầy giáo của Út Thêm, những ngày tháng cứ trôi qua như thế, êm đềm và giản dị, lặng lẽ mà tràn ngập yêu thương. Tất cả những gì Chương muốn là được hằng ngày ngắm Út. Tình yêu đó ngây thơ trong sáng và thuần khiết. Người ta vẫn thường nói, tình đầu như một thứ men rượu, chỉ một cái nhấp môi thôi cũng đủ làm ta say cả đời, có lẽ thật vậy. Ai bảo rằng tình yêu thời học trò thì nhanh qua, chóng tàn. Chương ngay lần đầu biết nếm vị của tình yêu đã yêu thật sâu đậm, thật mạnh mẽ đó thôi? Ở cái tuổi mới lớn ấy, con người ta càng sẵn sàng hi sinh, vị tha cho tình yêu của mình. Không có ranh giới nào được vẽ ra mà có thể ngăn cách được tình yêu, Chương đã vượt qua những ngại ngùng, những thù hằn để có thể được yêu Út Thêm một cách trọn vẹn. Nguyễn Nhật Ánh thật biết cách biến những bi kịch thành nụ cười gằn nhẹ, tình yêu của Chương dẫu không vẹn toàn thì tất cả những gì đọng lại sâu nhất trong tâm hồn người đọc vẫn chính là cái trong ngần, cái ngây thơ chất phác của nhân vật khi yêu. Chuyện tình trong Hạ đỏ không cần quá cầu kì, tiểu tiết hay giật gân, vẫn chiếm trọn trái tim người đọc bằng chính sự chân thật của nó. Cứ vậy mà lặng lẽ mà đi vào hồn người, da diết khôn nguôi. Tình đầu một thời cứ ngỡ một thời... Ngày hôm nay là sợi chỉ, quá khứ là cánh đồng nơi sợi chỉ sinh ra, dệt quá khứ và hiện tại ta có được tương lai, chỉ thiếu một phút giây thôi cũng đủ để làm xổ tung tất cả. Ai nói rằng cái gì đã qua sẽ mãi mãi nằm yên vị trong quá khứ, có những người chẳng cần quan tâm đến hiện tại hay tương lai, bởi ở quá khứ có những người họ thương cả đời. Chương tình nguyện chôn tim mình ở quá khứ đấy, nơi có con đường tràn ngập hoa cỏ may dẫn vào nhà Út Thêm giăng kín cả tâm hồn Chương. Cứ ngỡ thanh xuân sẽ chìm đắm trong mật ngọt của tình yêu, song, bước chân của số phận chưa bao giờ bỏ lỡ một ai. Yêu thương chưa được bao lâu thì nỗi buồn đã kịp ập tới, Út Thêm sang năm phải đi lấy chồng. Chương đành nói lời tạm biệt với mối tình đầu đến nhanh và đi cũng nhanh của mình. Mùa hạ năm nay, Chương không chỉ có được những kỉ niệm tuổi thơ bên Nhạn và Dế, không chỉ có những buổi chiều trên nhà “ Bà la sát” tám chuyện, Chương còn có những vết cắt thật sâu trong tim. Tình yêu của nhân vật mãi dừng lại ở tình bạn, tình thầy trò, lỡ dở chẳng thể nào bước tiếp. Tất cả những gì còn lại sau một mùa hạ đáng nhớ, lại là sự nuối tiếc trong nhân vật. Bỏ ngỏ câu chuyện của Chương, Nguyễn Nhật Ánh như bỏ ngỏ cả tâm trạng nhân vật, nửa mơ nửa tỉnh, nửa đau thương nửa oán hận. Đó đều là những cảm xúc rất thật khi yêu. Và thế là dẫu không đành lòng, Chương cũng phải rời xa miền quê thanh bình, rời xa Út Thêm, trang văn vì vậy mà cũng đượm buồn theo nhân vật. Cứ ngỡ yêu một người là trong một khoảnh khắc, lại lỡ chân yêu cả một đời người. Chao ôi! Vậy mới biết, có mùa hạ nào của Nguyễn Nhật Ánh là được vẹn toàn? Có bao giờ ông không quên điểm xuyết một vài nốt trầm lặng lẽ, một vài giọt nước mắt hụt hẫng? Bởi tuổi thơ thì chẳng phải luôn ngập tràn sóng gió hay sao? Hạ đỏ là cuốn sách mà khi gấp lại vẫn còn buồn da diết, xót thương cho chính nhân vật. Với những ai đang muốn kiếm tìm một mùa hạ đã mất của mình, Hạ đỏ là một cuốn sách không thể bỏ lỡ trong tủ sách của các bạn.

"Có một người đi qua hoa cúc Có hai người đi qua hoa cúc Bỏ lại sau lưng cả tuổi thơ mình..." “Đi qua hoa cúc”, đi qua cả tuổi thơ. Người ta thường bảo tình đầu là tình đẹp nhất, thứ tình yêu thanh khiết trong sáng chấm dứt thời trẻ con, ngây thơ của mình và Trường cũng thế. Có người thắc mắc rằng: “Làm sao mà chúng ta biết được rằng chúng ta đang dần lớn lên?” Câu trả lời hay nhất có lẽ nằm trong tác phẩm “Đi qua hoa cúc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một câu chuyện kể về tình yêu đầu đời của một chàng trai hội tụ mọi yếu tố từ hài hước cho đến đau khổ nhưng không quá bi lụy, để ta thấy được tình yêu đầu có thể đẹp hay không không quan trọng, mà chính là ấn tượng về nó sẽ theo ta suốt đời. Theo tình tình phụ, phụ tình tình theo, tình yêu luôn luôn có lí lẽ riêng của nó, Trường yêu chị Ngà, nhưng chị lai yêu người khác và kết quả là chị tự vẫn, ôi sao cốt truyện buồn quá... Những tác phẩm viết về tuổi mới lớn của tác giả Nguyễn Nhật Ánh thì rất nhiều, và bên cạnh Mắt Biếc đã quá nổi tiếng, đây là một trong số những tác phẩm tôi đánh giá cao nhất của ông. Tôi đã đọc đi đọc lại nó không biết bao nhiêu lần, từ ngày gần xấp xỉ bằng tuổi của Trường – nhân vật chính trong truyện, cho đến khi gần gấp đôi tuổi của cậu, đọc nhiều đến nỗi có những câu mà khi đọc lên là tôi biết ngay câu tiếp theo thế nào. Thế nhưng, cảm xúc của tôi mỗi lần gấp sách lại đều vẹn nguyên, và soi mình trong đó, tôi như thấy hình bóng mình trong mối tình đầu đơn phương, lặng lẽ mà đẹp đẽ đến vô cùng của cậu. Nếu bạn là một người thích đọc truyện dài thì có lẽ tác phẩm truyện dài “Đi qua hoa cúc” của Nguyễn Nhật Ánh là một tác phẩm mà chúng ta nên đọc. Câu chuyện kể về một tình yêu đầu đời của một chàng trai hội tụ đầy đủ những yếu tố hài hước đến đau khổ, để lại trong ta nhiều suy nghĩ về tình yêu đầu đời có thể đẹp hay không nhưng nó sẽ là kỉ niệm theo ta suốt đời. Bối cảnh câu chuyện diễn ra chủ yếu tại nhà ngoại của Trường, nơi có rào hoa giấy đỏ cùng với giàn bông cúc vàng rực rỡ, nơi chứng kiến cậu bé Trường trở thành chàng thanh niên Trường, vào mùa hè cuối cùng khi cậu giã từ mãi mãi những trò chơi tuổi nhỏ của mình, buồn rầu nhưng không luyến tiếc. Trường sống tại đây cùng với ông ngoại của mình - làm nghề bốc thuốc và thường xuyên thu nhận học trò, cùng với dì Miên, con gái út của ông. Mùa hè năm ấy, dì Miên dắt theo chị Ngà từ thành phố về cùng ôn bài cho kỳ thi tú tài. Mùa hè năm ấy, cuộc đời họ thay đổi mãi mãi. Trước khi gặp chị Ngà, Trường chỉ là một cậu bé vô ưu vô lo, ham chơi suốt ngày với anh em thằng Chửng. Gặp chị rồi, một thứ tình cảm mới mẻ, kỳ lạ mà ngọt ngào len lỏi vào trái tim cậu, nó choán lấy cả tâm trí cậu, đuổi xua dần những trò chơi tuổi nhỏ. Không còn thích câu cá, cậu thích ngồi kề vai chị bên bờ suối, ngắm nhìn ánh tà dương rải trên tóc chị, trên vai chị. Không còn thích cây me cây mận, cậu đem lòng yêu hoa cúc, chăm hoa cúc, đơn giản vì đó là loài hoa yêu thích của người cậu thương. Cậu thích tất cả những gì chị thích, yêu tất cả những gì chị yêu. Con người ta ai mà chẳng từng như thế, từng có một sở thích, yêu một nơi chốn, tất cả chỉ vì một người? Tình cảm của cậu dành cho chị Ngà chỉ kín đáo, e ấp và lặng lẽ như một đóa hoa cúc mới hé. Cậu không hề thổ lộ, không mơ mộng xa xôi, không mong mỏi gì hơn những buổi chiều tĩnh lặng ngồi bên chị Ngà, khi hoàng hôn tắt nắng và bóng chiều trượt qua vai. Nhưng những ngày tháng tươi đẹp ấy không kéo dài lâu, với mái đầu xoăn của anh Điền thò vào phá bĩnh. Anh là một học trò mới được ông cậu thu nhận. Ban đầu Trường rất thiện cảm với anh, và không hiểu sao hai anh em thằng Chửng lại ác cảm với anh như vậy. Dần dần, cậu hiểu ra nhiều điều. Với sự từng trải của mình, anh không cần làm những trò ngốc nghếch. Anh táo tợn, anh lì lợm, anh chiêu trò, và anh dần kéo chị Ngà ra khỏi cậu, để lại một khoảng trống toang hoác, nơi không một trò chơi tuổi nhỏ nào có thể lấp đầy… Đây là một tác phẩm quá xuất sắc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, với mở đầu nhẹ nhàng và kết thúc thật dữ dội. Giọng văn giàu hình ảnh mà da diết đến nao lòng. Khi tác giả tả cảnh Trường ngồi bên chị Ngà trong những ngày mưa trắng đất trời, tôi dường như ở ngay đó cùng bọn họ, cùng ngửi mùi hơi đất ngai ngái, cùng cảm những giọt hơi nước bắn tí tách mơn man trên da, cùng nghe tiếng ếch nhái kêu ồm ộp. Hơn cả thế nữa, tôi còn như trở về tôi của nhiều nhiều năm trước đây, cùng đứng đó trong cơn mưa, cùng với một người. Nhìn Trường trân trọng chị Ngà, hạnh phúc với những điều giản đơn bên chị, tôi như thấy mình của cái tuổi ngây ngô, vụng dại, khi mà ta đơn giản hạnh phúc chỉ vì nhìn thấy ai đó cười. Cái hay của Nguyễn Nhật Ánh là ở chỗ đó, ta không chỉ sống cùng nhân vật, ta còn sống cuộc đời của chính mình, một cuộc đời có thể đã xa xôi nhưng ta chưa bao giờ sẵn sàng từ bỏ, để rồi trong một chiều mưa dầm trắng xóa, lật giở từng trang tiểu thuyết, nó đột ngột quay trở lại và vẫn còn vẹn nguyên.

Một câu chuyện dang dở và đầy ám ảnh. Ngày xưa có một chuyện tình của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một câu chuyện đầy dở dang và đầy ám ảnh được viết trên những dòng cảm xúc vô cùng trong veo, hồn nhiên của những đứa trẻ. Chắc chắn ai cũng đã từng trải qua một lần trải những chuyện tình ngây ngốc đầy vụng dại. Nhưng rất hiếm người nào có thể lưu bền giữ kỹ càng và thậm chí còn mang theo nó suốt cả cuộc đời, dù tình cảm ấy chỉ mang đến những vết thương và nhiều cơn dư trấn về tinh thần. Đã nhiều năm trôi qua kể từ cuốn sách Mắt biếc, Cô gái đến từ hôm qua ra mắt các bạn độc giả, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã quay trở lại với phong cách vô cùng mới mẻ và cốt truyện đầy lãng mạn, tinh nghịch nhưng cũng không thể nào thiếu những lắng đọng, trầm buồn của những mối tình tuổi học trò trong cuốn sách Ngày xưa có một chuyện tình. Ngày xưa có một chuyện tình lại đi theo một dòng chảy của văn chương khác, ám ảnh và lạ lẫm hơn rất nhiều nhưng cũng vẫn rất thật, rất đời thường và đương nhiên cũng rất là Nguyễn Nhật Ánh. Đó là mạch chuyện xoay quanh ba nhân vật chính trong cuốn sách Ngày xưa có một chuyện tình đó chính là Miền, Phúc và Vinh còm. Vinh yêu Miền còn Miền lại yêu Phúc và từ đó những rắc rối đã bắt đầu nảy sinh. Ban đầu chỉ là những tầng lớp suy nghĩ ghen tỵ, vẩn vơ của Vinh với người bạn thân thiết nhưng mọi chuyện lại dần dần phức tạp khi các khối óc của cả ba nhân vật phải lớn lên trưởng thành. Ba đứa trẻ với ba tâm hồn vô cùng hồn nhiên, trong sáng đã cùng nhau trải qua một tuổi thơ đầy dữ dội với đủ thứ chuyện vui buồn của con trẻ, tuy nhiên chỉ vì một chữ “tình” mà các mối quan hệ trở nên rạn nứt bởi vô số những lo lắng và toan tính. Vinh yêu Miền bằng một tình cảm đầy giản dị và chân thành, không toan tính những Miền lại yêu Phúc. Miền đã mang thai với Phúc trong một lần “vượt quá giới hạn” của mình nhưng Phúc cũng không hề hay biết điều này. Bất hạnh thay, Phúc và cha của mình đã phải chạy trốn khỏi làng trong đêm không một lời từ biệt để lại cái thai và Miền cứ thế bơ vơ, ngẩn ngơ giữa cuộc đời. Giá mà người đã ra đi rồi thì đừng quay lại nữa, cuộc sống của Miền lại thêm một lần nữa chao đảo khi tình cũ đã trở về làng, mang một hy vọng đòi lại những điều thuộc về bản thân mình. Chốn làng quê thanh bình kia lại thêm một lần nữa dậy sóng. Tưởng chừng như đơn giản là vậy nhưng với cuốn sách Ngày xưa có một chuyện tình càng đọc, càng khơi mở những yếu tố vô cùng phức tạp của chuyện đời. Tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã tiếp tục khai thác giọng văn của mình đã trở thành thương hiệu. Ở ông có được một sự hài hòa của tư duy những người trẻ tuổi điểm thêm là một sự chín chắn và đầy già dặn trong tư tưởng của thế hệ cha anh. Ngày xưa có một chuyện tình được kể ở ba góc nhìn khác nhau và cả ba nhân vật đều cùng lần lượt lên tiếng, để giúp các độc giả có thể hiểu được tiếng lòng của họ, những nỗi oan của kẻ này lại được diễn giải dưới một tấm chân tình của kẻ khác. Con đường của hạnh phúc bỗng mọc lên thành một cái ngã ba, sự cản trở, phong tỏa những suy nghĩ của Vinh, Phúc và cả Miền. Ở cuốn sách Ngày xưa có một chuyện tình, ta lại gặp thêm một nỗi buồn, một sự day dứt vô cùng khi ba cuộc đời đều bị số phận dập vùi, một mối tình tay ba đã kéo dài gần hơn một thập kỷ khiến cho các nhân vật phải đấu tranh hết mình về nội tâm và giằng xé với bản ngã để có thể đưa ra những câu trả lời cho một tình yêu cao thượng mà họ vẫn chưa từng có ý định buông bỏ nó. Nhưng tình yêu không phải lúc nào cũng là một trận tuyến và trái tim của người con gái cũng không phải lúc nào cũng là bốt đồn. Nó cũng khác với tiền bạc và quyền lực rất nhiều, không phải là một thứ để tranh đoạt và có thể tranh đoạt được. Tình yêu đâu phải là một hành động để trả ơn, càng không phải là một hành động từ thiện. Nó không đến với chúng ta trên chiếc xe lăn, với tay và chân bị bó bột, để rồi kêu gọi một sự xót thương, tác giả Nguyễn Nhật Ánh vẫn phải lồng ghép những tuyên ngôn tình yêu đầy dung dị như thế, cài cắm rồi để tự người đọc có thể ngẫm nghĩ và xót xa trong cuốn sách Ngày xưa có một chuyện tình này. Tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã vẫn giữ được cách kể chuyện vô cùng hồn nhiên, hóm hỉnh và một văn phong trong sáng, giản dị. Những câu văn đầy ngắn gọn, xúc tích, dễ đọc, rõ ràng và dễ hiểu không mang nặng những triết lý hay một kiểu viết khoa chữ một cách phô trương của các cây viết trẻ đã theo đuổi. Một cuốn truyện dài nhưng chất chứa rất nhiều cảm xúc, bạn có thể trách móc những hờn ghen nhưng liệu có đủ dũng cảm và cao thượng để có thể tha thứ cho những lỗi lầm của quá khứ đó. Cuốn sách Ngày xưa có một chuyện tình tuy hướng đến những vấn đề vô cùng gai góc nhưng vẫn rất gần gũi dung dị và phù hợp cho những người muốn đi tìm lại những ký ức của thuở ban đầu ngây thơ.

Đông là sinh viên vừa mới nghỉ hè nên trở về thăm quê – làng Đo Đo. Làng ấy cũng trở nên thú vị và khác biệt hơn khi chính những đứa trẻ con trong làng đã gọi tên bốn mùa không theo một cách thông thường, mà chúng tự đặt ra quy luật thời gian như luật chơi lâu năm không thể phá vỡ: mùa giấy kính, mùa nắp keng, mùa cọng dừa, mùa bao thuốc lá, mùa thả diều, mùa chong chóng. Cái tên mỗi mùa không phải tự dưng mà có, đó chính là tên những đặc sản trong thời gian đó mà tụi nhỏ phải bỏ công sức săn lùng, sưu tầm , xem ai “giàu” hơn ai vì có thể đổi lấy những thứ đó để mua quà bánh. Thí dụ, mùa giấy kính thường trùng với mùa xuân. Ngày Tết, người ta thường sắm bánh mứt, hạt dưa, bánh thuẫn, bánh in,…- đó là những loại bánh được gói bằng giấy kính màu: màu xanh, màu đỏ, màu vàng,... Ăn xong, tụi nhỏ giữ lại tờ giấy kính, đưa lên mắt để nhìn cảnh vật: khi thì màu hồng, lúc màu xanh sung sướng tận hưởng cảm giác mới lạ. Đám trẻ con không khỏi thích thú với con gà màu xanh, con chó màu xanh, con mèo màu xanh, cây me trước ngõ nhà cũng màu xanh,... Trong thời gian đó, đứa nào nhiều giấy kính nhất là đứa giàu nhất nhưng khi qua tiếp mùa sau, những “đồng tiền” mùa trước đành phải cất lại cho năm sau dùng tiếp. Thằng Thục em họ của Đông, nó mến anh lắm và đòi đi chơi theo cùng với đàn anh suốt ngày. Trong một lần đi chợ Kế Xuyên chơi khi trời đã vãn tối, Thục đang hớn hở rảo bước quanh các bàn ăn, loay hoay giữa chân ghế, lui cui nhặt những chiếc nắp keng khi làng Đo Đo đang trong mùa nắp keng, thì bỗng như thằng Thục lại cãi nhau om sòm với con bé nào đấy, nó bực mình đến độ túm tóc đứa con gái gây ồn ào trong quán, liền lập tức bị chủ quán đuổi ra. Hóa ra con bé ấy Rùa, vì nó lớn ngồng rồi mà không biết chạy xe, đi đâu nó cũng lết bộ nên thằng Thục đặt tên nó là Rùa. Bây giờ, cả làng đều gọi nó là con Rùa. Sáng hôm sau, khi Đông đang ngồi đọc sách trong nhà, lại có cảm giác như ai đó đang nhìn mình, sau một hồi ngời ngời, cuối cùng Đông cũng bắt gặp được ánh mắt đen láy của một bé gái đang núp lấp ló nãy giờ, thì ra đó là Rùa. Biết bị phát hiện, nó chạy mất một quãng xa, vì Đông có gọi nó lại thì nó cũng không nghe nên anh lặng thinh. Cô bé thích lang thang và bọn thú nhỏ bên kia đồi. Đông hỏi thăm Thục về Rùa, thì ra Rùa là cháu thầy Điền, thầy giáo thủ công nổi tiếng trong làng, cũng là người thầy năm xưa Đông theo học. Con trai thầy Điền là ông Hương vì rượt cướp trên cầu Kiếp Bạc nên bị sẩy chân rơi xuống, bị nước cuốn mất tích. Một tháng sau, mẹ nó cũng gói bỏ nhà ra đi. Thế là con Rùa mồ côi cha mẹ từ sớm, lẽ ra, nó phải học lớp chín nhưng vì nghỉ học tới bốn, năm năm nên phải học chung với mấy nhóc tì. Tuy vậy, điều đó không phải là gánh nặng của con Rùa, nó còn bảo vệ mấy đứa nhỏ khỏi bị ăn hiếp từ mấy đứa lớn. Đông cũng từ khi nghe câu chuyện đó cũng bày tỏ niềm thương cảm với cô bé. Lần gặp nhau đầu tiên giữa Đông và Rùa khi Rùa muốn nhờ Đông đọc sách cho cô nghe, đó là cuốn sách tiếng Pháp mà ngày xưa ông ngoại hay kể cho nó nghe và hơn cả thế, Đông phát hiện rằng Rùa tưởng chừng như có thể giao tiếp được với động vật. Nhờ thế, Rùa đã cứu Đông thoát khỏi sự truy đuổi của Cổ Dài (con ngỗng) nhà cô Út Huệ đã khiến cho mặt anh tái xanh vì sợ. Đối với Đông, kì nghỉ hè này thật thú vị khi được bước theo gót chân Rùa đến những vùng đất mới, gặp gỡ những con thú như người bạn trân quý, và lắng nghe nhiều câu chuyện mới. Rùa chính là vị cứu tinh của bọn thú trong rừng và những bác thợ săn luôn tức giận, và phiền lòng về con Rùa, không khi nào là không cảnh giác từng cử chỉ nhỏ của nó. Có lần, khi các bác chuẩn bị đi săn, chính nó đã làm ướt hết thuốc súng trong đêm đấy nhưng vẫn một mực không chịu nhận. Rùa am hiểu nhiều loại cây thuốc chữa bệnh trong rừng cũng như nắm rõ trận địa bom mìn, bẫy của các bác thợ săn trong làng. Hồi còn bé, Rùa xin bác thợ săn trong làng được chữa lành vết thương con nai con vừa săn được, khi lành khỏi sẽ hứa trả lại. Ấy mà, Rùa chữa trị cho nai con xong liền bí mật mang thả lại vào rừng, rồi nói dối là nó trốn thoát. Nai con đến bây giờ lớn hơn, được chị Rùa của nó gọi là Tập Tễnh. Rùa hăng say nghe Đông đọc truyện cho mình nghe để có thể kể tiếp cho Cổ Dài, Tập Tễnh. Rùa là cô gái, hồn nhiên và ngây thơ như đóa hoa rừng tinh khôi, có lẽ, nó không có nhiều bạn bè, nhưng những người bạn thân nhất lại là bọn thú trong rừng. Rùa dạn lắm, nó mạnh chân bước sâu vào khu rừng- nơi mà người lớn trong làng luôn căn dặn lũ nhỏ không được rón rén tới- và cho Đông xem về “căn nhà” nó dựng. Thật vậy, Rùa nó có nhiều “căn nhà” rải rác từ bìa rừng đến vào rừng.Đó giống như một cái chòi nhỏ, dựng bằng vài nhánh cây và lá phủ rợp như mái, ở đó, con Rùa thường tha hồ đọc sách cho Tập Tễnh, con sóc xám nghe. Thoạt đầu, nghe có vẻ cô bé này thần kinh không ổn nhưng những đám thú ấy lúc nghe Rùa đọc truyện, chúng nằm im thinh lặng, chỉ nhìn về một hướng như chăm chú lắm, như hiểu lắm như các Rùa ngồi say mê nghe Đông kể vậy. Nhiều con vật trong rừng theo sau Rùa vào nơi lánh nạn an toàn. Nơi ấy bí mật, đến độ các bác thợ săn cũng không thể nghĩ tới. Đông tiếp bước theo Rùa đến con thác lớn, đằng sau là tiếng chí chóe của thằng Miếng Vá, con khỉ hay vào làng chơi với con Rùa và mấy đứa khác nữa, đều có chỏm tóc vàng ngộ ngộ trên đỉnh đầu. Đông ẵm con nhím, thằng Miếng Vá cùng Rùa, và bọn khỉ theo sau chui qua màn nước con thác. Đông ngạc nhiên và sững người trước vẻ đẹp đầy tự nhiên bên sườn đồi hướng đông này. Bên sườn không có các loại cây to lớn chịu lạnh, những bồ công anh bay rợp khắp rừng, đây là nơi Rùa dấu con Tập Tễnh và là nơi lánh nạn của bầy thú. Thế đấy, Đông cùng với người em thú vị này khám phá những điều bí mật mà con Rùa đã dựng xây và gặp gỡ nhiều “bạn mới” nữa. Chính đôi mắt long lanh, tinh thần ngây thơ, và vẻ đẹp mộc mạc, tự nhiên của nó đã khiến cho trái tim của Đông rung động không biết tự bao giờ. Với Rùa, nó mến anh lắm, nó thích dẫn anh đi chơi cùng, “la cà” khắp làng đến vô rừng và băng băng qua những con thác, những ngày tháng ấy ở làng đã trở thành cuốn phim kỉ niệm đáng nhớ nhất trong tâm trí những con người trẻ tuổi này. Rồi ngày chia tay cũng đến, Đông phải trở về thành phố và ra đi biết bao hứa hẹn, mong đợi quay về và không thể kiềm chế được sự hy vọng khi chỉ sau ba tháng, anh có thể về làng khi nhà có giỗ. Khi tình yêu đầu đời chớm nở, khi tưởng chừng như mọi thứ đã sẵn sàng cho hai trái tim cùng vang lên những khúc ca đồng điệu thì sóng gió lại ùa tới dữ dội và sự thật khắc nghiệt từ đâu ùa về. Qua lời thằng Thục, Đông nhận ra rằng mình và Rùa có quan hệ huyết thống, Đông là anh họ của Rùa, là sợi dây tình thân như cũng là sợi dây oan nghiệt níu giữ hai người không thể đến với nhau. Trước khi ra về, Rùa còn ngây thơ dặn dò đầy ấm áp và chân thành: “Anh đừng buồn nhé! Em sẽ lớn! Em sẽ lớn nhanh thôi mà!” . Trong suốt thời gian xa cách ở trên thành phố, Đông tự dằn vặt mình và không nguôi được nỗi nhớ, muốn trở về nhưng sợ phải đối mặt với đứa em họ mình đem lòng yêu.Tin dữ ập tới, Đông bị chẩn đoán ung thư bạch cầu và không sống được lâu. Một bức màn tối bao trùm lấy tương lai và những giây phút hiện tại của chàng trai ấp ủ bao nỗi niềm này. Đông suy sụp hoàn toàn, và bị dồn chân vào bế tắc. Sau nhiều năm trôi qua, Rùa trở thành thiếu nữ xinh đẹp, và cô đã có nhiều bạn mới trên lớp hơn. Rùa mặc chiếc áo dài thướt tha đi học và đạp xe đã trở nên thật lạ lẫm trong mắt Đông khi anh quay lại làng sau những biến cố. Không còn mang niềm hy vọng, không dám cất giữ những lời hứa hẹn năm nào, Đông trở về đợt này nhưng lại luôn tìm cách trốn tránh Rùa khiến cho cô đau đớn không hiểu vì sao. Ba đêm liền, Rùa ngồi khóc trên cây ở nhà Đông để xem anh bận gì mà không qua chơi, nhưng anh chỉ đọc sách và điều này khiến cô không thể kiềm lòng mình lại. Đông lấy cơ qua loa hay hỏi thăm vài câu để tránh mặt Rùa rồi cũng vội vàng qua về thành phố. Sau cơn mưa trời lại nắng. Trò đùa của số phận cũng buông tha cho trái tim trẻ này, thì ra, Đông chỉ mắc chứng suy dinh dưỡng , anh nhận ra cuộc đời của mình vẫn còn tiếp tục và sáng lắm. Niềm vui không dừng lại đấy, đó còn được nhân lên khi anh biết tin mình và Rùa chẳng có máu mủ gì cả. Thông tin ấy đáng tin cậy hơn khi nó được xác minh qua lời kể của bà nội Rùa. Mọi rối ren cũng được tháo gỡ và đợi chờ ngày qua về để gặp gỡ mối tình đầu của mình. Khi qua về làng, Đông cất đồ thật nhanh và nhanh chóng chạy qua nhà Rùa để gặp mặt cô. Bước chân của niềm hy vọng đã tăng tốc hết cỡ và sự đời chờ như không thể tiếp tục. Và rồi, Đông đứng sững người và chân tay không động đậy được khi thấy trong nhà có trưng bàn thờ là hình ảnh Rùa. Rùa vì cứu mấy đứa nhỏ trong ngày lũ rơi xuống cầu đã đuối sức mà bị nước cuốn trôi. Ba Rùa đã từng vì cứu người, đánh cướp mà hi sinh, đến nó cũng vậy. Cả làng nợ hai cha con nó nhiều lắm! Đông như người vừa bị sét đánh, cả thế giới như sụp xuống trước mặt anh và tia sáng cuối cùng kia cũng vụt tắt. Đông không thể cãi lại số trời, và anh khó lòng vượt qua thêm tin dữ này. Bao lâu sau, Đông dẫn Thục và Loan vào rừng chơi như cách Rùa dẫn Đông đi trước đây. Anh chỉ cho mấy đứa mọi thứ mà anh biết và đến những nơi sâu trong rừng mà anh từng khám phá. Nhưng, anh nghe đâu đó vang lên tiếng hát thân thuộc. Anh chạy theo lối cũ, lần theo âm thanh thấp thoáng ấy…Qua màn suối, anh chợt lặng người, đó là tiếng hát của Rùa. Phải, con Rùa vẫn còn sống. Một đứa bơi giỏi như nó không thể chết dễ dàng vậy. Lúc này, xung quanh đó là con Tập Tễnh và thằng Miếng Vá, chắc có lẽ, chính chúng nó đã cứu con Rùa.

Có khá nhiều điểm thực sự đột phá và khác biệt ở tác phẩm này so với các đầu sách nổi tiếng khác của Nguyễn Nhật Ánh. Điểm đầu tiên phải kể đến là cấu tứ truyện có tính liền mạch cao. Nếu Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh được tập hợp lại từ nhiều mảnh ghép nhỏ thì Ngồi Khóc Trên Cây lại là một khối hoàn chỉnh từ đầu đến cuối. Mỗi quyển đều mang tới một niềm vui riêng nhưng nếu bạn đã quen với việc đọc tiểu thuyết thì có lẽ quyển sau sẽ làm bạn hứng thú hơn. Điểm thứ hai là nội dung truyện buồn hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài Mắt Biếc ra thì đây là quyển truyện buồn nhất mà mình từng đọc của bác Ánh. Mà đối với Mắt Biếc thì dùng từ “thê thảm” có lẽ sẽ chính xác hơn, trong khi đó Ngồi Khóc Trên Cây lại là một nỗi buồn man mác trải dài xuyên suốt thời lượng sách. Điểm thứ ba đã quá rõ ràng, đến từ nhân vật chính của truyện – Đông. Một người chững trạc, nhẹ nhàng, biết cư xử với con gái hơn, không còn cách xưng hô “mày tao” quen thuộc của những Ngạn, Thư hay Khoa và đặc biệt hơn cả, sự nhút nhát khi đứng trước người mình thích gần như biến mất. Anh trai này quả thực là một cuộc cách mạng trong sự nghiệp cầm bút của nhà văn đến từ Quảng Nam. Điểm thứ tư làm nên sự thú vị riêng cho tác phẩm, đó là kết thúc truyện, một điểm khiến mình buộc phải bàn tới nếu để so sánh với những cái kết trước đây. Thật khó tránh được việc xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều khi đứng trước cái kết mơ hồ này: một là Đông bị ảo giác và hai là Rùa thực sự còn sống. Mỗi cái kết đều đặt trên những lý lẽ riêng. Còn nhớ lúc ở bên ngoài hang, Đông không thể xác định được vị trí thác nước và thừa nhận tai anh không thính bằng Thục, thế nhưng khi tiếng hát của Rùa cất lên thì lại chỉ có mình Đông nghe thấy. Đó lập luận cho giả thuyết đầu tiên. Với giả thuyết thứ hai, về lần đầu Rùa dẫn Đông vào rừng, đàn thú ùa ra rất nhiều, trong khi lần thứ hai Đông cùng Thục và bé Loan tới thì lại chẳng có con nào. Đã vậy, phường săn bắn vốn dĩ đã bỏ nghề nên động vật phải đông hơn mới phải. Chi tiết này có thể hiểu là do cô chủ của đám thú đã ở phía bên kia thác nước nên chúng cũng sơ tán qua đó rồi. Lập luận của giả thuyết thứ hai cũng rất hợp lý. Để mà vặn vẹo kiểu logic thế này thì có mà đến mùa quýt, thế nên bản thân mình vẫn cho rằng Rùa còn sống. Chắc chắn là như vậy. Ngồi Khóc Trên Cây vốn là một câu chuyện của niềm hy vọng. Cứ mỗi lần ngọn nến bị dập tắt thì chỉ ít lâu sau, nó lại được thắp lên. Đông tưởng Rùa là em họ mình, cuối cùng lại chẳng chút máu mủ. Đông bị chẩn đoán ung thư, nhưng hóa ra là sai lầm của bác sĩ. Bố Rùa tưởng có tội, thực chất lại là anh hùng. Và trong lần cuối cùng này, cũng chẳng phải ngoại lệ. Cảm xúc là vô cùng hỗn độn sau khi trải qua biết bao thăng trầm tưởng chừng như không thể vượt qua, thêm vào đó còn là việc tác giả muốn tái hiện lại hình ảnh Rùa ngồi khóc trên cây trước đó nên việc Đông rơi nước mắt là điều hoàn toàn có thể hiểu. Đó là một chút cảm nhận của mình về Ngồi Khóc Trên Cây, một tác phẩm để đời của Nguyễn Nhật Ánh.

Ngay khi bé Rùa dắt Đông vào rừng chơi, câu chuyện rẽ theo một hướng mới mẻ hơn rất nhiều. Rừng à? Đã bao lần Nguyễn Nhật Ánh tả về rừng trong tác phẩm của ông nhỉ? Kỷ niệm của ông với cánh rừng tuổi thơ này là những gì? Kể cả “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” còn không nhắc nhiều đến rừng trong ký ức của ông! Phải nói, bác Ánh viết mọi thứ là có chủ đích cả. Những dòng lan man, tưởng chừng vô thưởng vô phạt, lại có sự ăn khớp hoàn hảo ở những phần về sau. Mình đã chẳng lấy làm ấn tượng gì cô bé Rùa. Một đứa mồ côi, mắc bệnh phải nghỉ học tận 4 năm – Được bác Ánh mô tả lại với điệu bộ kì lạ. Hành xử khác người, sống cô đơn. Bởi thế, chi tiết “Nói chuyện được với con ngỗng” chỉ mang lại cho mình cái nhìn rõ hơn về sự thiếu thốn tình cảm của cô bé Ấy vậy mà sau này mới vỡ lẽ. Không chỉ ngỗng, con vật nào Rùa cũng nghe cũng hiểu chuyện hết. Bạn sẽ bắt đầy thấy sự vô tư và trong trẻo từ những chi tiết này. Những loài vật từ sâu trong rừng, làm bạn với cô bé Rùa. Cách tiếp cận này không những mang sự gần gũi, mà con thoát khỏi cách sử dụng góc nhìn từ động vật, giống các tác phẩm cũ như có hai con mèo ngồi bên cửa sổ Mình mong bạn đọc sẽ cảm nhận được: Sự ấm áp, trìu mến, hòa thuận giữa muôn loài bên cạnh cô bé. Với những từ ngữ chi tiết, và vì con vật nào, bác Ánh cũng để lại cho nó một điểm nhận dạng đặc biệt, điều này thúc đẩy trí tưởng tượng của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ rất mạnh mẽ Cuộc hành trình vào rừng sâu mỗi lúc một thú vị. Sự xuất hiện hiển nhiên của thợ săn làm cho chuyến phiêu lưu thêm phần gây cấn.