Đã có bao giờ các bạn cảm thấy quá chán nản với cuộc sống hiện tại, ở trong vùng an toàn quá lâu khiến bạn dường như lạc lõng và mất phương hướng. Bạn yêu thích khám phá, muốn học hỏi nhiều điều mới lạ từ những chuyến đi nhưng không biết bắt đầu từ đâu cũng như không có kinh nghiệm đi du lịch một mình thì dưới đây là những đầu sách các bạn nên tìm đọc trước khi có quyết định về những địa điểm bạn muốn đi. Bạn yêu thích dịch chuyển, có dự định cho những chuyến đi hoặc chỉ đơn giản bạn muốn đi du lịch nhưng không có điều kiện đi.

Du ký không phải là một thể loại quá xa lạ trong văn học Việt Nam, nhưng không phải ai cũng biết đến nó cũng như về độ phổ biến cũng không nhiều như những thể loại khác như sách văn học tình cảm, tản văn. Du ký là thể loại sách ghi lại những cảm xúc, trải nghiệm thực tế của chính tác giả khi đi qua những vùng đất khác nhau. Nó đem lại cho người đọc những cảm xúc mới lạ như được đồng hành cùng tác giả qua từng trang sách, hơn nữa nó còn tạo động lực cho những người yêu thích dịch chuyển có thêm cơ hội khám phá bản thân. Đây là một trong những thể loại sách mà tôi thích nhất, ngôn từ không quá trau chuốt mà rất đơn giản dễ hiểu. Cả thế giới như thu nhỏ bằng lòng bàn tay, có thể thấy xã hội bên ngoài to lớn nhường nào, có rất nhiều thứ chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết nếu chúng ta không đi đến tận nơi để chứng kiến nó.

  1. Tôi là một con lừa – Nguyễn Phương Mai

 

Một trong những cuốn sách về thể loại du ký tôi tâm đắc nhất là cuốn “Tôi là con lừa” của cô Nguyễn Phương Mai – một giảng viên ở trường đại học Amsterdam có tiếng ở Hà Lan. Ngay ở tiêu đề cuốn sách cũng gây sự tò mò cho nhiều bạn đọc. Cô luôn tự nhận mình là một con lừa, có niềm yêu thích với các nền văn hóa trên thế giới, cô đã đi qua hơn 80 nước từ châu Á tới châu Âu. Bất cứ nơi nào cũng đều mang lại những trải nghiệm khó quên, cô còn tham gia các hoạt động giúp đỡ người dân ở các đất nước cô bước chân qua.

Với phương châm dạy học “Không đi cho rêu bám đầy mình thì dạy cho ai nghe?”. Chẳng lạ gì khi sinh viên ở giảng đường rất hiếm khi thấy cô mang theo nhiều giáo án như các giảng viên khác. Cô đem những chuyến đi thực tế của mình để truyền đạt lại cho sinh viên của mình, qua những chuyến đi của cô đều đem tới luồng sinh khí mới thổi bùng sức sống cho thế hệ trẻ giúp họ nhìn nhận thế giới qua nhiều phương diện khác nhau. “Like a rolling stone” – cô như một hòn đá lăn bám đầy rêu trên người, lên đường với trái tim trần trụi, giọng văn biểu cảm của cô khiến đọc giả như được xem một đoạn phim ký sự quay chậm với các tình tiết lôi cuốn, hấp dẫn.

Cuốn sách kể về hành trình đi bụi dài hạn qua hơn 23 nước từ châu Phi nóng như thiêu đốt đến New Zealand hoang sơ, qua châu Mỹ nóng bỏng. Ở mỗi quốc gia cô đặt chân đến đều mang tới những trải nghiệm thú vị, gặp được rất nhiều bạn bè khắp năm châu. Bất chấp khác biệt văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ mà cô đã có cuộc hội ngộ đầy thú vị của bốn cô gái đến từ bốn châu lục khác nhau. Hơn thế nữa, người đọc còn thấy được những bức tranh thiên nhiên hùng vĩ tựa như kiệt tác của tạo hóa ban tặng. Từ biển muối Uyuni trắng xóa được mệnh danh là “tấm gương khổng lồ” của thế giới, đảo cỏ dập dềnh trôi nổi khắp hồ Titicaca, Great Blue Hole – địa điểm lặn nổi tiếng, hay Milford ở New Zealand một trong những nơi leo núi đẹp nhất thế giới, còn có cả Lesotho với những thung lũng xanh mướt như cả trời châu Âu ngay giữa sa mạc châu Phi khô cằn.

Ở cuối sách cô còn đúc kết một số kinh nghiệm của bản thân, chúng ta có thể thấy được tấm chân tình của cô dành cho bạn đọc qua từng trang sách.

  1. Con đường hồi giáo – Nguyễn Phương Mai

 

Cuốn tiếp theo của series “lên đường với trái tim trần trụi” của cô Nguyễn Phương Mai sẽ đem bạn đọc đến với một thế giới hoàn toàn khác với suy nghĩ của chúng ta. Khi nghe nhắc đến Trung Đông ai cũng chợt giật mình run sợ vì họ nghĩ rằng đó là địa ngục trần gian, nơi phụ nữ bị đối xử bất công, cuộc sống thiếu tự do, khủng bố khắp nơi, mọi người đều sống trong lo sợ không dám nghĩ đến ngày mai sống chết ra sao.

“Con đường hồi giáo” sẽ mở ra trong mắt người đọc về một thế giới đạo Hồi nói chung và Trung Đông nói riêng một cái nhìn hoàn toàn khác với những gì trên báo đài hay nói mỗi ngày. Chuyến đi lần này tốn khá nhiều thời gian, công sức của cô vì để xin được visa du lịch ở các nước khu vực Trung Đông không phải là điều đơn giản. Cô đã vấp phải những khó khăn như bị từ chối visa, đồng thời phải ăn mặc trùm kín mít như các cô gái đạo Hồi để không gây sự chú ý nơi công cộng. Những điều mà truyền thông tuyên truyền cho chúng ta chỉ là bề nổi về các nước Trung Đông, cuộc sống người dân ở đây cực kì xa hoa không giống với những gì chúng ta nghĩ, không hề có bất kì quy định nào về việc phụ nữ phải ở nhà không được ra đường đi làm.

Nhưng có một điều chúng ta phải nhìn nhận thực tế đó là quy định ở các nước đạo Hồi là quốc đạo như các nước Trung Đông thì việc phụ nữ ăn mặc hở hang đi ra ngoài là một điều cấm kị, khuôn mặt của phụ nữ nơi đây là một tài sản quý giá hệt như trinh tiết của họ. Có rất nhiều cặp đôi khi cưới nhau họ hoàn toàn không biết mặt cô dâu cho đến khi về nhà chồng thì các cô gái mới tháo chiếc khăn che mặt xuống. Vì họ cho rằng vẻ đẹp tâm hồn mới là quan trọng nhất, nên đôi mắt nghiễm nhiên trở thành điểm nổi bật thu hút người khác . Dĩ nhiên cuộc sống như vậy quả thật quá khắt khe, chúng ta không thể đem so sánh với các nước châu Úc hay châu Âu được, vì mỗi nền văn hóa đều mang đặc điểm khác nhau. Trung Đông là nền văn hóa khép kín nên hầu như các nước ở đây không có khái niệm chào đón khách từ phương xa như những khu vực khác. Khai thác dầu thô vẫn là nền kinh tế trọng yếu của Trung Đông, với các nước như Ả Rập Xê út thì dầu thô đem tới nguồn lợi kinh tế dồi dào nên cuộc sống xa hoa cũng là lẽ hiển nhiên.

Tóm lại dù ở phương diện nào thì đánh giá chung của tác giả vẫn là chúng ta không nên quá mạo hiểm du lịch một mình tại các quốc gia này để đảm bảo an toàn cho bản thân.

  1. “Thế giới nhỏ như bàn tay con gái” – Travelling Kat

 

Nếu như ở các tác phẩm du ký của cô Nguyễn Phương Mai bạn tìm thấy sự hoang dã, cá tính của một người phụ nữ ưa mạo hiểm, thích khám phá thì tác phẩm của Travelling Kat đem lại sự mới lạ với giọng văn dí dỏm, hài hước của một cô gái trẻ thích du lịch tìm hiểu các vùng đất mới lạ. Tạm gác lại giấc mơ châu Mỹ nóng bỏng, châu Phi khô cằn hay Trung Đông đẫm máu, ta cùng đến châu Âu với những con người vô cùng ấm áp, thân thiện và hiếu khách.

Xuyên suốt các trang sách là những câu chuyện hài hước của chính tác giả và những người bạn trong hành trình của cô. Ngay tiêu đề cuốn sách cũng đã nhắm đến đối tượng cụ thể “Thế giới nhỏ như bàn tay con gái” – các cô gái trẻ mang trong mình đầy hoài bão, ước mơ, luôn muốn khám phá bản thân. Ở Kim Ngân chúng ta thấy được sự trưởng thành của một cô gái từng nhìn đời qua lăng kính màu hồng, cô còn không quên ghi lại những việc cô đã làm khi đi tới các thành phố khác nhau. Không quá vội vàng, hành trình của tác giả rất chậm rãi đem lại trải nghiệm hoàn toàn mới cho người đọc với các cung bậc cảm xúc khác nhau. Hờn dỗi, giận hờn, vui vẻ, mãnh liệt, tất cả mọi cảm xúc trong tình yêu của con gái đều thể hiện qua từng trang sách làm nên sự khác biệt trong tác phẩm này. Mỗi thành phố đều mang một nét đẹp riêng không thể lẫn vào đâu được, một Venice đầy thơ mộng, một Paris lãng mạn, một Amsterdam nhộn nhịp hay Olso lạnh giá. Đây hẳn là một cuốn sách thể loại du ký pha lẫn chút lãng mạn của tình yêu giúp cho hành trình bớt sự cô đơn, điểm tô thêm sức sống qua từng câu chuyện tác giả kể.

Kết

Trên đây là ba tác phẩm mà tôi tâm đắc nhất, dĩ nhiên mỗi người sẽ có cách nhìn về cuộc sống có phần khác nhau nên giọng văn cũng không thể nào giống nhau hoàn toàn. Cùng một thể loại nhưng cảm nhận mỗi người mỗi khác, điều đó đem lại cho cuộc sống chúng ta nhiều màu sắc hơn. Có thể nhiều bạn vẫn còn đang do dự về các chuyến đi dài hạn như thế này, không sao cả tôi dám cá rằng khi đọc xong những tác phẩm trên thì các bạn sẽ có thêm vài phần động lực thực hiện ước mơ vươn ra thế giới của mình. Tuổi trẻ chỉ có một lần trên đời, dù kết quả thế nào thì quá trình chúng ta thực hiện nó cũng đem lại những trải nghiệm khó quên. Ngoài ra các tác phẩm này còn đem đến cho bạn đọc kinh nghiệm thực tế của tác giả, như cuốn cẩm nang du lịch dành cho những bạn trẻ không ngại phá vỡ vùng an toàn, muốn học hỏi trau dồi thêm kiến thức cho bản thân thông qua những chuyến đi.

 

Tác giả: Thảo Trần - Bookademy

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn

Xem thêm

Mình rất thích đọc sách của các tác giả trẻ, bỏ lại sau lưng mọi thứ để thực hiện những chuyến đi- giấc mơ của rất rất nhiều người. Những chuyến đi ấy không sang choảnh hay hào nhoáng về mặt vật chất nhưng lại đầy những tình cảm, giá trị tinh thần từ góc nhìn của tác giả; cũng không phải là đất nước quá phổ biến với các địa danh, thắng cảnh du lịch nổi tiếng mà là những đất nước ở châu Phi hay Nam Á, Tây Á mà thậm chí ta còn chưa từng nghe tên và khó mà phát hiện ra trên bản đồ thế giới. Cuốn sách này cũng là một trong những cuốn như vậy. “Trước mỗi lần lên đường, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung. Tôi dốc cạn để đầu óc trống rỗng, không mong chờ, không phán đoán. Tôi liều mạng để trái tim mình rộng mở, trần trụi. Và tôi lên đường như một tờ giấy trắng, với niềm khao khát được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay." Mình thực sự bị ấn tượng bởi cách viết của chị. Từ việc dùng hình ảnh con lừa để nói về chính bản thân mình. Người ta nói “thân lừa ưa nặng” – để ám chỉ sự ngu ngốc của ai đó. Nhưng đôi khi, “ngu ngốc” là một bước để trưởng thành. Thừa nhận ngu ngốc đồng nghĩa với mong muốn tiến bộ. Thừa nhận ngu ngốc đồng nghĩa với dũng cảm dấn thân. Như lời giới thiệu ở phần đầu tập du kí, chuyến đi bụi của Phương Mai bắt đầu từ điểm khởi thủy của loài người – vùng đất nhỏ gần thành phố Johannesburg, Nam Phi (nơi mà người bạn đường của chị cảnh báo là “thủ đô cướp – giết – hiếp), qua 23 quốc gia rải rác khắp các khu vực trong vòng hơn 8 tháng . Khởi sự từ cái nôi của nhân loại ở châu Phi, qua châu Úc, châu Á, rồi tới châu Mỹ, mỗi vùng đất chị đặt chân hiện ra qua trang sách với những góc nhìn, cảm nhận mới mẻ. Mở đầu chuyến đi với Nam Phi trong công việc tình nguyện tại một trại trẻ mồ côi, qua Namibia trong sự mê man vì vẻ đẹp lạ lùng màu da đất sét của người Himba, tới Boswana đằm mình trong không gian rừng già bí hiểm, gặp thác nước lớn nhất thế giới Victoria ở Zambia, khám phá “hòn đảo bị lãng quên Mozambique… Với những vấn đề mang tầm thế giới, như đói nghèo, bình đẳng, dân chủ,.., tác giả lí giải một cách tường tận, tỉ mỉ, dễ hiểu từ góc độ một người đi nhiều, được mắt thấy tai nghe, được chứng kiến những số phận chỉ mong một bát cơm no thay vì một nền dân chủ. . Thâm nhập vào đời sống người dân ở từng vùng đất, gạt bỏ những định kiến, gạt bỏ cảm giác “man rợ” trước những hủ tục mà ở đất nước họ, vẫn đang đang núp dưới hình hài truyền thống văn hóa, chị khám phá và tìm ra vẻ đẹp nơi họ, bày tỏ tình yêu và mong muốn được giúp đỡ và kêu gọi mọi người giúp đỡ – bằng cách tưởng chừng đơn giản nhất mà lại khó khăn nhất: gỡ bỏ định kiến. “Lục địa đen từng là cái nôi của văn minh nhân loại, suốt hơn một trăm năm qua quay quắt giãy giụa giữa các cực giá trị đối lập, không thể bình hòa, không thể giao thoa, không thể hàn gắn, và có lẽ cũng chính vì thế mà mãi không thể đứng lên.” Vì sao hàng loạt sự viện trợ bằng cả tiền và người đổ vào Nam Phi không hề mang lại hiệu quả? Vì sao cuộc chiến ngầm dành ảnh hưởng xã hội giữa người da trắng và người bản địa ở Mexico chưa bao giờ kết thúc? Cái giá mà Cuba đang phải trả cho ước mơ “thiên đường chủ nghĩa “ là gì? Mỗi vấn đề đặt ra không hoàn toàn mới, nhưng nó được mổ xẻ, phân tích dưới nhiều góc độ, trong nhiều khía cạnh. Phương Mai trong vai một người khách du lịch bình thường, hoặc một nhà giáo dục, một nhà báo,… Ở mỗi vai trò xã hội độc lập, chị đưa ra những nhận định riêng, dù có thể chưa mang tính định hướng hay mang tính chất một phát kiến chính trị, nhưng nó thể hiện sự thay đổi và mong muốn thay đổi của chính người viết qua từng bước đi. “Văn minh và mông muội luôn tồn tại ngay sát sạt bên nhau, trong bất kì xã hội nào, bất kì đất nước nào.” Ngay tại một thành phố hoa lệ của Brazil, những tòa nhà sang trọng và khu ổ chuột chỉ cách nhau một rặng cây. Nằm trong lòng thủ đô Windhoek (Namibia) vẫn tồn tại hình ảnh những người phụ nữ bộ lạc Himba cởi trần với vẻ đẹp quyến rũ nhưng hoang dã. Đây là biểu hiện của truyền thống hay hủ tục tàn dư? Bằng cách đi du lịch chứ không phải đi nghỉ mát, Phương Mai tái hiện, cung cấp, dãi bày, và quan trọng hơn, chị truyền cảm hứng, đốt lửa trong mỗi chúng ta. Mỗi mảnh đất đi qua không đơn thuần là một chuyến viếng thăm mà là một lần tìm về bản ngã dân tộc, một chuyến phiêu lưu để tìm thấy chính mình, làm đầy mình. Mỗi bức ảnh không đơn thuần để đăng tải trên mạng xã hội mà nó mang theo cả một tàn dư lịch sử, một hiện tại sống động hay một tương lai có thể đoán trước. “con thuyền đậu ở cảng thì an toàn nhưng người ta không đóng thuyền để chỉ làm việc đó” Đây là những dòng chữ ở bìa sau cuốn sách của chị: "Like a rolling stone- Như một hòn đá lăn Để không bị bám rêu Để thấy mình sảng khoái bay trên thung lũng thăm thẳm như một cánh chim Để đi đến tận cùng sợ hãi khi bước ra khoảng không từ độ cao vời vợi Để phát hiện ra sự nhỏ bé, ngu ngốc của con người trước tự nhiên Để băn khoăn trước câu hỏi văn minh hay mông muội Để phá tan những ngộ nhận và định kiến Để soi vào danh tính và bản ngã của con người mình Để liều lĩnh, để tươi mới, để suy tưởng, để nghẹn ngào Để hớn hở, để độc thân mà vẫn long lanh."

Có lẽ ở những năm gần đây, những cuốn sách viết về sự trải nghiệm bản thân quả thật không hiếm, nhưng " Tôi là một con lừa" của Phương Mai lại đem đến cho mình một trải nghiệm vô cùng mới lạ. Cuốn sách như một thước phim quay lại tất cả những khoảnh khắc có tươi đẹp và có hồi hộp trong chuyến hành trình của cô gái trẻ tuổi đầy bản lĩnh. Có lẽ chưa ở đâu, trong bất kì cuốn sách nào, một người phụ nữ nhỏ bé lại kể về hành trình lấy bản thân mình ra làm mồi chỉ để được xem cá mập, hay nhảy ở độ cao 160m khiến người đọc chỉ cần cảm nhận thôi đã dựng tóc gáy. Không chỉ kể về hành trình có phần "điên rồ" nhưng thú vị của mình mà Phương Mai còn đem đến cho chúng ta những góc nhìn rất sâu sắc về những vấn đề mà ta thường bàn luận, ví như ta thường thần thánh hóa nước Mỹ hay các nước phát triển và so sánh nó với Việt Nam. Vấn đề này dưới góc nhìn của Phương Mai được giải quyết vô cùng khéo léo, không khen, không chê, không tán đồng hay phản bác mà khuyên mọi người hay nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Hơn hết, qua cuốn sách, dường như Phương Mai đang âm thầm truyền lửa cho những người trẻ, hãnh mạnh dạn làm những gì mình thích và mình muốn, một lần thử biến mình thành con lừa xem sao.

Qua cuốn sách Thế giới nhỏ xinh như bàn tay con gái, các bạn đọc sẽ thấy được một phần tuổi trẻ của mình phảng phất ở đâu đó, có thể ở thì quá khứ, hiện tại hoặc tương lai. Cuốn sách dành tặng một nửa xinh đẹp ưa thích dịch chuyển của thế giới và những người quan tâm đến một nửa thế giới đó. Tác phẩm được chia làm hai phần: phần một của cuốn sách có tên Anh chàng Stockholm, người tình Paris và cậu bạn thân Bangkok. Đối với tác giả Travelling Kat, mỗi thành phố cô từng đi qua là cả một thực thể sống. Mà thực thể ấy nhất định phải có những cảm xúc. Vậy nên, điều bạn bắt gặp ở đây không chỉ là đơn thuần những địa danh trên bản đồ, mà đó phải là Venice đỏng đảnh, Amsterdam bỡn cợt, Nora nhỏ xinh hay Helsinki rạng rỡ. Những tính cách ấy được tạo dựng nên bằng thời tiết, kiến trúc, món ăn, con người và tất nhiên là cả những cảm xúc của người viết được mang theo trong những chuyến đi. Ở mỗi chàng trai lại mang những dấu ấn riêng biệt về tính cách và cách yêu. Sự khác biệt ấy khiến tác giả Travelling Kat cứ mãi đắm chìm trong những câu chuyện tình yêu, tình bạn với các anh chàng. Họ đưa đến cho cô nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, có lúc đầy ngọt ngào và có khi lại đầy cay đắng. Cho dù Travelling Kat và những anh chàng ấy có thể đi được cùng nhau đoạn đường dài hay ngắn như thế nào trên những hành trình chinh phục các vùng đất mới, cô cũng luôn luôn trân trọng từng cảm xúc chân thành của mình và đối phương. Ở phần hai của cuốn sách mang tên Trên con đường phiêu lưu, phụ nữ vẫn là phụ nữ, những bài viết về “chất phụ nữ” trong những chuyến đi của các cô gái. “Chúng ta vi vu trên những nẻo đường, cầm máy ảnh kiên cường giữa sa mạc cát nhưng chúng ta vẫn là một người phụ nữ. Chúng ta đi với những nỗi nhớ nhà ngày Tết, với chút ấm áp trong căn bếp mùa Đông của quế, hồi, thảo quả và vẫn có một chút lấn cấn nhỏ rất phụ nữ. Chúng ta nói thẳng ra không bao giờ du lịch một mình bởi đồng hành cùng chúng ta là cái chất phụ nữ đó. Có lẽ vì thế, cuộc hành trình mềm mại như chính trái tim chúng ta.” Dưới ngòi bút của tác giả Travelling Kat, từng mảnh đất nên thơ cứ hiện ra lần lượt trước mắt các bạn độc giả qua từng trang sách Thế giới nhỏ xinh như bàn tay con gái, khiến người đọc như đắm chìm vào thế giới đầy màu sắc do chính tay nữ tác giả tự tạo nên. Qua tác phẩm Thế giới nhỏ xinh như bàn tay con gái, các bạn độc giả sẽ thấy được hình ảnh của một cô gái đầy cá tính và mạnh mẽ trong đó. Biết đứng lên khi vấp ngã, dám khóc khi buồn, dám tiếp tục đón nhận những hạnh phúc dù đã từng đổ vỡ hay từ bỏ khi trái tim mình lạc sai đường. Từ những kinh nghiệm thực tế được rút ra ở chính bản thân của mình và cách nữ tác giả đã vượt qua nỗi đau tinh thần khi thất bại trong tình yêu, cô đã soi sáng cho biết bao trái tim mong manh của các cô gái đang lầm đường lạc lối, mãi đau khổ, dằn vặt bởi những quá khứ. Để họ nhận ra được rằng khi giữ được trái tim luôn ngập tràn tình yêu thương, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn, trái tim lại rung lên những nhịp đập của yêu đương. Không dùng con mắt của một vị khách du lịch để thu lại từng cảnh đẹp, cây bút trẻ Travelling Kat đã dùng cả trái tim của mình để cảm nhận được những hơi thở đời thường của mảnh đất đó. Cô hòa cả tâm hồn mình vào mạch sống của những con người ở vùng đất xa lạ và khám phá những nẻo đường, những góc phố nơi đó. Cách miêu tả đầy tinh tế của tác giả đã vẽ ra trước mắt độc giả không chỉ là những khung cảnh tươi đẹp mà còn vẽ ra cả tâm hồn của những mảnh đất mà cô đã may mắn được đặt chân đến. Hiếm có ai kể về một vùng đất đỏng đảnh, thích bỡn cợt mà vẫn có thể làm trái tim bạn đọc rung động lên những xúc cảm yêu mến như tác giả Travelling Kat. Lật qua từng trang sách là một thế giới nhỏ xinh trải ra trước mắt các bạn đọc. Chắc chắn tác phẩm Thế giới nhỏ xinh như bàn tay con gái sẽ truyền cảm hứng cho tất cả những trái tim đam mê xê dịch, yêu thích khám phá những miền đất mới, những nền văn hóa mới. Cuốn sách khơi dậy lên một tình yêu cuộc sống, yêu mẹ thiên nhiên trong trái tim mỗi người. Xen kẽ giữa các câu chuyện là những ghi chép “đi kiểu Kat” rất bổ ích cho ai đã, đang và sẽ tới những vùng đất ấy.

Tôi không định bắt đầu review sách bằng cuốn sách có phần hơi cũ như thế này. Nhưng ngẫm lại, nếu hôm nay ai hỏi tôi: “Cuốn sách nào khiến bạn thay đổi về những định kiến cố hữu?” thì tôi sẽ chẳng ngại ngần trả lời rằng: “Con đường Hồi giáo” Tôi biết đến Nguyễn Phương Mai qua một bài báo cách đây rất lâu trên tờ Hoa Học Trò, chị (đúng ra là cô nhưng vì chị trẻ quá) gây ấn tượng với tôi bởi mái tóc bện thừng cầu kỳ và ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa. Và rồi chị ra sách, tập đầu tiên của series “Lên đường với một trái tim trần trụi” mang tên Tôi là một con lừa. Thực ra trước đó tôi không thường đọc sách du ký, nhưng với cuốn sách đó, tôi đã hăm hở đi theo từng con chữ, từng bước chân của chị, hành trình qua 23 nước Châu Phi và Nam Mỹ ấy tựa như một giấc mộng giữa phồn hoa và nghèo đói, giữa thiên nhiên hùng vĩ và sự kiêu ngạo ngu xuẩn của loài người theo góc nhìn của một phó giáo sư giảng dạy về Giao tiếp đa văn hóa. Tôi như mê man khi đọc những dòng văn án đầu tiên của cuốn sách thứ hai: “Con Đường Hồi Giáo”. Cuốn sách đưa tôi đến một chân trời rất khác những gì tôi đã cảm nhận ở “Tôi là một con lừa”. Ở đó có một Trung Đông phồn hoa, một Trung Đông oằn mình trong sự chia cắt tôn giáo, định kiến và chính trị. Hơi thở tôn giáo Mở đầu của cuốn sách, Trung Đông hiện ra là những chiếc khăn niqab đen dài của phụ nữ và áo choàng trắng của đàn ông; một Saudi ngăn mình với thế giới và một tôn giáo– Đạo Hồi. Đạo Hồi vốn là một từ dùng để chỉ tôn giáo của những người Hồi Hột– một dân tộc thiểu số rất nhỏ bên nước láng giềng của chúng ta. Hồi giáo, hay đúng hơn là Islam, người tuân lệnh, bắt nguồn từ vị tiên tri cuối cùng của Chúa - Muhamad cách đây 14 thế kỉ, trải qua thăng trầm, đổ máu, trải qua những xung đột tôn giáo cùng một cội nguồn, vươn lên đến đỉnh cao của văn hóa và kỹ nghệ vào thế kỉ 13, đánh thẳng vào Châu Âu khi Cựu thế giới vẫn chìm trong mông muội của đêm trường Trung Cổ. Đúng, Trung Đông là trái tim của Hồi Giáo, trong Con đường Hồi Giáo, Nguyễn Phương Mai đã lần theo bước chân của những chiến binh tôn giáo, xuyên qua lịch sử 1400 năm của Đạo Hồi. Bạn dễ dàng nhận ra một Saudi cấm cung với những Hadith nặng nề, với những đôi mắt sâu ám ảnh giữa hai mảng màu trắng đen siêu thực; Bạn tìm thấy một Dubai giàu sang và bám víu vào tôn giáo như một cái phao để khẳng định “danh tính dân tộc” nơi một quốc gia mà người bản xứ trở thành thiểu số trong chính đất nước họ. Và hơn cả là xung đột tôn giáo, không phải là giữa Islam và Thiên chúa giáo, giữa Islam và Do Thái giáo mà là chính giữa những hậu duệ của nhà tiên tri Muhamad, hai nhánh lớn nhất của Hồi Giáo- Sunni và Shia với những khác biệt không thể dung hòa, với ngọn lửa xung đột vẫn âm ỉ cháy qua hàng thế kỉ. Và ngọn giáo của người chiến binh chưa bao bao giờ khô máu trong suốt 1400 năm. Không chỉ là Hồi Giáo, Trung Đông, mảnh đất 7 triệu kilomet vuông này là điểm khởi nguồn của 3 tôn giáo độc thần lớn nhất trên Trái Đất: Do Thái– Kito Giáo và Hồi Giáo, ba tôn giáo cùng thờ một tổ phụ- Abraham Tìm về nguồn cuội của nó, Nguyễn Phương Mai đưa chúng ta đến nơi được mệnh danh là “Trái tim tôn giáo”– Jerusalem Có lẽ với nhiều người, tảng Kaaba còn lại duy nhất tại trung tâm Mecca là trái tim của Hồi Giáo, nơi hàng triệu tín đồ hành hương đến Saudi mỗi năm chỉ để đi vòng quanh tảng đá đen huyền bí này, nhưng chắc chắn nơi nồng đậm khí thiêng tôn giáo nhất là Jerusalem, mảnh đất với tinh hoa, đổ máu, than khóc chỉ rộng chưa đầy 1 km2 này là địa điểm hành hương quan trọng nhất của ba tôn giáo độc thần. Mảnh đất của một dân tộc đã tha hương hơn 2000 năm, trở về và xung đột với toàn bộ phần còn lại của Trung Đông khác biệt tôn giáo, mảnh đất cũng như cả Trung Đông, nơi đến tận bây giờ, dải Gaaza vẫn chưa im tiếng súng. Trung Đông định kiến Trước khi đọc cuốn sách, Trung Đông là định kiến, tất cả những gì tôi biết đến Trung Đông gói gọn trong: Khủng bố - Hồi giáo và tử vì đạo. Trong con mắt một kẻ vô thần có niềm tin vào thần thánh, đối với tôi bán đảo Ả-rập: bắt nguồn từ thời thơ ấu với câu chuyện Nghìn lẻ một đêm, đến khi lớn lên với những bản tin ầm ầm tiếng súng, những người phụ nữ Trung Đông quấn minh trong chiếc niqab đen chỉ để lộ ra đôi mắt sâu mê hoặc. Nhưng Trung Đông trong Con đường Hồi giáo là nơi không chỉ có loạn lạc mà còn có cả phồn hoa; phía bên kia tiếng súng vẫn còn những dạ vũ hoan ca. Trung Đông còn tồn tại một xử sở Thần tiên như Oman, xa xỉ như Dubai bên cạnh một Trung Đông xơ xác hậu Mùa xuân Ả rập, phương Tây đến rồi đi, lật đổ một chế độ độc tài và dựng lên chế độ khác dưới lớp áo dân chủ. Kinh Quran và những Hadith có thể đã đi ngươc lại với những gì Muhamad thực hiện 1400 năm trước, những lời răn được viết bằng “ngôn ngữ thuần khiết” trở thành kim chỉ nam cho những nhà nước Hồi giáo cực đoan, thì đâu đó ngoài kia, có những người dân vẫn hàng ngày hướng về Mecca cầu nguyện, dừng chân nơi “Bức tường than khóc” mà đau thương cho hàng ngàn năm lưu lạc; Có thể những tấm khăn trùm đã che đi thân hình của phụ nữ, nhưng phía sau tấm mạng kia có thể là một thân hình bốc lửa với chiếc áo in dòng chữ: No man, no cry! Bán đảo Ả rập, nơi sản sinh ra tôn giáo có lượng tín đồ lớn thứ 2 thế giới, những chiến binh Hồi giáo đã đồng hóa rất nhiều nền văn minh, người Ai Cập giờ đây thờ phụng Allah và nói tiếng Ảrap, những khối Kaaba năm xưa bị Muhamad đập bỏ như dấu chấm hết của một nền tôn giáo đa thần, tượng phật ngàn năm ở Paskitan bị khủng bố kéo sập, tất cả đều không phủ nhận một Trung Đông bị chia cắt trong xung đột phe phái và lợi ích, có đất nước oằn minh gánh chịu những di chứng hậu mùa xuân Ả rập, lại có cả dòng họ được mang tên một quốc gia. Nhưng Trung Đông cũng dễ bị tổn thương, khi những cuộc biểu tình cách mạng kéo dài hàng năm trời cũng chỉ mang đến một chính phủ hỗn loạn, người dân vứt bỏ mảnh đất từng huy hoàng trong quá khứ, bất chấp nguy hiểm hòa vào dòng người nhập cư; phó mặc cuộc đời cho dòng nước xiết ở Tussia.

Hung thần biển xanh “Tôi đến Fishhock (Nam Phi ) vào buổi sáng thì buổi chiều thấy mấy cô bé cùng nhà khách hốt hoảng thu vén hành lý bỏ đi. Ông chủ nhà thấy tôi ngơ ngác liền hỏi: "Mày có định đi tắm biển không"? Tôi bảo cháu không biết bơi, đi phơi nắng là chủ yếu. Ông nghe xong phẩy tay, bảo thế thì khỏi phải quan tâm, cá mập trắng xứ này chỉ thích ăn thịt người biết bơi thôi. Tàu đưa chúng tôi đến Hẻm Cá Mập, một vùng nước rất nhiều hải cẩu nơi cá mập trắng thường lui tới chè chén với nhau. Một khối cá thu lớn ròng ròng máu được vứt xuống nước làm mồi. Năm con mồi to hơn gồm có tôi và bốn kẻ liều lĩnh khác lần lượt chui vào lồng sắt gắn bên mạn tàu. Linda làm dấu thánh, Mark vẫy tay chào vĩnh biệt, hai đứa kia hôn nhau lần cuối. Mọi người trên bong tàu vỗ tay nháy đèn máy ảnh lia lịa. Tôi thấy mình như một chiến sĩ cảm tử. Chi trong vài phút, thuyền trưởng đã phấn khích gào lên: “Cá mập bên trái” .Năm chúng tôi hụp xuống nước, đủ nhanh để thấy một bóng xám lướt qua. Con mập thứ hai đến đến từ bên phải, điềm tĩnh hơn, đến gần lồng sắt hơn, phủ kín tầm mắt chúng tôi bởi thân hình dài gần 4m. Nó bơi thẳng đến tảng cá thu, tấn công miếng mồi nhanh như chớp mắt. Hàm răng khủng khiếp tua tủa há ra cách bả vai tôi chưa đầy 3m. Đớp trượt, nó quay lại đập đuôi vào mạn tàu giận dữ bỏ đi. Khi thuyền trưởng vừa kịp ra hiệu chuẩn bị mở nắp lồng lên thì bất ngờ luồng nước trước mắt chúng tôi tối sầm. Một con mập cái bất ngờ xuất hiện mà không ai trên boong kịp nhìn thấy, kịp báo trước. Cuộc tấn công bất thình lình khiến người thả mồi không kịp trở tay, miếng cá thu bị giằng vào giữa một rừng răng sắc nhọn. Bị giật miếng ăn, cô ả bực bội quay đi. Chúng tôi nín thở chiêm ngưỡng thân hình khổng lồ dài hơn 5m, đường bệ và uy nghi. Thế rồi, bất ngờ như khi xuất hiện, con mập bỗng quay ngoắt lại, nhìn thẳng vào chúng tôi.” Trải nghiệm này chắc chắn tác giả sẽ không bao giờ quên, một trải nghiệm rất “điên rồ” nhưng không phải ai cũng dám thử. Được ngắm cá mập ở cự ly gần và được chiêm ngưỡng cơ thể nó một cách chân thực nhất. Bạn có dám thử?

Ai cũng có ước muốn được đi đây đi đó, đi cho thoả chí nhưng mấy ai lại liều lĩnh, gan lì như Phương Mai? Hãy cùng theo chân cô đến lãnh thổ của 23 quốc gia với cuốn sách “Tôi là một con lừa” của tác giả Phương Mai nhé. “Cảm ơn mẹ vì đã buông tay cho con được tự do”. “Trước khi lên đường, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến , mọi hình dung. Tôi dốc cạn để đầu óc trống rỗng, không mong chờ, không phán đoán. Tôi liều mạng để trái tim mình rộng mở, trần trụi. Và tôi lên đường như một tờ giấy trắng, với niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay.” NGỦ YÊN PHÚ – ÔNG MAI “Một trong những vũng nước lớn nhất mà con lừa tôi cắm đầu cắm cổ vào là cuộc hành trình một năm đi bụi qua hai mươi ba đất nước đúng theo lộ trình di cư của loài người. Tôi dạy ở Khoa Kinh tế Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam (Hà Lan). Thời gian gần đây có thêm rất nhiều sinh viên da màu từ các nước châu Phi đến. Sự kì thị tất nhiên là có, dù rất khó nhận ra. Để ngấm ngầm động viên họ, tôi thường mở đầu bằng câu hỏi: “Tổ tiên loài người chúng ta có nguồn gốc từ nơi nào?” Rất nhiều bạn trẻ ngỡ ngàng khi biết rằng Nam Phi là cái nôi của nhân loại, rằng tất cả chúng ta bản chất đều là người gốc Phi. Hai trăm ngàn năm trước từ châu Phi, con người dò dẫm qua châu Á và châu Úc, rồi lại từ châu Á chia làm hai nhánh, một vòng lên Châu Âu, một vượt đại dương đặt chân lên châu Mỹ. Chuyến đi bụi của tôi bắt đầu từ điểm khởi thuỷ của loài người ( The Cradle of Humankind), vùng đất nhỏ cách thành phố Johannesburg của Nam Phi chưa đầy năm mươi kilomet. Nơi đây các nhà khảo cổ học đã tìm ra một số lượng lớn xương người tiền sử có tuổi thọ đến ba triệu rưỡi năm. Gần bảy tỉ con người trên trái đất đã bước ra từ những hang động thô sơ này, đã vượt sa mạc, vượt rừng thẳm, vượt đại dương, trở thành những cư dân bản địa đầu tiên trên các miền châu lục. Sau hơn hai trăm ngàn năm số phận của hậu duệ tổ tiên loài người ở châu Phi ra sao? Số phận của những cư dân bản địa trên các châu lục khác ra sao? Họ có còn là chủ vùng đất mà tổ tiên châu Phi đã mất hàng ngàn năm để chinh phục? CHÂU PHI – CON LẮC GIỮA HAI THÁI CỰC “Biết tôi chuẩn bị hạ cánh xuống Johannesburg, cô gái ngồi cạnh trên máy bay khuyên tôi nên gọi cho khách sạn để cử người ra đón. “Sao thế? Taxi đầy mà?” Cô ta khinh khỉnh nhìn tôi, lôi son ra quẹt đỏ lừ đôi môi dày bự rồi xoa đầu tôi như thể an ủi một đứa học trò ngốc: “Welcome to the world’s capital of rape.” “Thủ đô cướp giết hiếp.” Tôi thở hắt ra , bật điện thoại gọi con bạn đã đến trước vài ngày và nghe thêm một tràng rủa xả: "Mày khùng vừa thôi mày! Cứ mười bảy giây có một phụ nữ bị cưỡng ép, đây là chưa kể lũ nạn nhân trẻ con! Mà đi đường đừng có gọi điện thoại! Ở đây nó lịch sự lắm, nó chờ mày gọi điện xong rồi xin đàng hoàng chứ không hèm cướp giật gì đâu!” Trải nghiệm Phi châu của tôi khởi đầu khá hoang mang như vậy. Bốn tháng tiếp theo cuốn tôi vào một vòng xoáy dữ dội của cảm xúc, bởi nhịp sống ở Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung không dành cho kẻ ưa cảnh thanh bình. Cái gì cũng được đẩy lên cực đoan. Nam Phi nghèo, tôi đã làm tình nguyện trong một trại trẻ cách thủ đô hào nhoáng chưa đầy một trăm kilomet mà ở đấy trẻ con không đủ nước sạch để uống. Nam Phi giàu, tôi và lũ bạn rỗi hơi đã từng đếm được 200 cái Lamborghini trị giá bằng một nửa GDP của Đông Timor. Nam Phi thực hiện một cuộc đổi thay chính trị ngoạn mục nhất trong lịch sử nhân loại– lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc thay bằng dân chủ cầm quyền, nhưng tổng thống Nam Phi sau khi bị tố cáo quan hệ với gái mại dâm, được hỏi về nguy cơ lây lan AIDS vẫn có khả năng phát ngôn vô tư nhất trần đời rằng có sao đâu vì “đằng nào tôi cũng đã tắm rồi mà.” Nhưng hai thái cực làm tôi ngạc nhiên nhất là sự hoán đổi kinh khủng và di chứng nặng nề của khoảng cách màu da. Dưới chế độ Apartheid, người da đen từng bị coi là mạt dân thì bốn mươi năm sau, giờ đây người da trắng xếp hàng cuối trong thứ tự ưu tiên tuyển dụng Một số bạn bè gần gũi khuyên tôi nên dùng tiếng Anh để giao tiếp thay bằng tiếng Hà Lan để không kích động sự kỳ thị đối với ngôn ngữ của kẻ thống trị trong quá khứ.” Châu Phi luôn là châu lục mặc nhiên được người ta khoác lên lớp áo của sự phân biệt chủng tộc, nô lệ và người dân nơi đây thường bị phân biệt đối xử khi sống ở các quốc gia khác. Chính vì vậy nhân vật trong bài là cô giáo Mai Phương thường bắt đầu bài giảng rằng tổ tiên loài người bắt đầu tự Châu Phi . Châu Phi nhiều nơi rất giàu nhưng cũng đối lập có những nơi rất nghèo. Chính vì những lẽ đó mà sinh ra những tệ nạn trộm cắp, cướp giật, hiếp dâm… là điều khó tránh khỏi.