Đó là những cuốn sách không ai không biết tên, tuy vậy vì nhiều yếu tố mà những cuốn sách này chỉ có thể nằm trên mặt giấy mà không thể chuyển thành phim.

Đôn Kihôtê – Miguel de Cervantes Saavedra

Tiểu thuyết này có tên đầy đủ là El Ingenioso hidalgo Don Quijote de la Mancha (Đôn Kihôtê, nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha). Tác phẩm được xuất bản vào năm 1605, sau đó nó trở nên nổi tiếng và được coi là một trong những tác phẩm được đọc nhiều nhất của văn học phương Tây.

sach kho chuyen the 1 Những cuốn sách “đầy tiềm năng” nhưng khó chuyển thể thành phim

Tranh vẽ Đôn Kihôtê và người hầu Sancho

Nội dung cuốn sách kể về câu chuyện của Don Quixote, một nhà quý tộc nghèo sống ở thế kỷ 15 của Tây Ban Nha. Ông là người tin tất cả những chuyện hoang đường phi lý về các hiệp sĩ. Sau đó nhà quý tộc này quyết định từ bỏ cuộc sống nhàm chán của mình để bắt đầu một cuộc phiêu lưu trong tư thế của một hiệp sĩ cứu khốn phò nguy.

Tác phẩm mang tính châm biếm và hài hước này có vẻ phù hợp để chuyển thành một bộ phim hay. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bộ phim nào được coi là phiên bản chuyển thể chính thức từ tiểu thuyết này. Từ năm 1998, nhà biên kịch Terry Gilliam đã có những nỗ lực lớn để chuyển thể cuốn tiểu thuyết này thành bộ phim mang tên The Man Who Killed Don Quixote. Năm 2000 sau khi có kinh phí 32,1 triệu USD, bộ phim đã bắt đầu được khởi quay ở Navarre, Tây Ban Nha. Nhưng ngay sau đó bộ phim lại bị dừng lại do những khó khăn về bối cảnh cũng như diễn viên. Quá trình thực hiện bộ phim này đã được tái hiện trong một bộ phim tài liệu mang tên Lost in La Mancha (2002).

Từ năm 2002 Terry Gilliam vẫn có những nỗ lực đáng kể để theo đuổi dự án của mình. Năm 2008 Gilliam khởi động lại dự án nhưng đến năm 2010 Gilliam lại thông báo rằng kinh phí đã sụp đổ. Trong năm 2014 và 2015 dự án này được khởi động lại nhưng cuối cùng nó vẫn không đạt được kết quả khả quan nào. Có lẽ phải còn rất lâu nữa chúng ta mới được xem một bộ phim chính thức về anh chàng hiệp sĩ nổi danh này.

Bắt trẻ đồng xanh – J.D. Salinger

Bắt trẻ đồng xanh có tên tiếng Anh là The Catcher in the Rye. Đây là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Mỹ J. D. Salinger được xuất bản lần đầu tại Mỹ năm 1951. Tác phẩm này kể về câu chuyện của Holden trong những ngày cậu ở thành phố New York sau khi bị đuổi khỏi Pencey Prep, một trường dự bị đại học.

sach kho chuyen the 2 Những cuốn sách “đầy tiềm năng” nhưng khó chuyển thể thành phim


Cuốn sách Bắt trẻ đồng xanh do công ty Nhã Nam phát hành

Ngay khi ra mắt, Bắt trẻ đồng xanh đã gây ra tranh cãi lớn vì đã sử dụng nhiều ngôn từ tục tĩu, mô tả tâm lý chán chường và vấn đề tình dục của vị thành niên. Nhân vật chính của Bắt trẻ đồng xanh, Holden Caulfield, đã trở thành hình tượng cho sự nổi loạn và thách thức của thanh thiếu niên Mỹ. Tác phẩm này đã được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến nay.

Ngay từ khi ra đời, cuốn sách này đã nhận được nhiều lời đề nghị chuyển thể thành phim, nhạc kịch, sân khấu, nhưng Salinger đều từ chối. Ông cho rằng, cuốn tiểu thuyết The Catcher in the Rye là tác phẩm “không thể dựng phim được”. Nhiều nhà sản xuất và đạo diễn đã thất bại trong việc thuyết phục Salinger như: Goldwyn, Jerry Lewis, Billy Wilder, Elia Kazan, Steven Spielberg và Harvey Weinstein. Kéo theo đó là một loạt các tài tử hụt cơ hội vào vai Holden Caulfield như: Marlon Brando, Jack Nicholson, Leonardo DiCaprio, Tobey Maguire, John Cusack…

Lý do để Salinger nhất quyết không muốn chuyển thể tác phẩm này của mình có thể vì câu chuyện được kể thông qua độc thoại nội tâm nên sẽ không thể dễ dàng đưa lên phim được.

Sau khi qua đời J. D. Salinger đã để lại một bức thư với gợi ý rằng có thể bán bản quyền để chuyển thể, nhưng từ đó đến nay vẫn không có nhà sản xuất hay đạo diễn nào có ý tưởng đưa cuốn sách này lên màn ảnh.

The Dark Tower (Tòa tháp đen) – Stephen King

The Dark Tower là loạt truyện gồm 8 phần của “ông vua truyện kinh dị” Stephen King. Bộ truyện kể về hành trình tìm kiếm ngọn tháp đen bí ẩn của tay súng Roland. Theo truyền thuyết, đây là ngọn tháp có liên hệ mật thiết đến sự tồn vong của toàn vũ trụ. Stephen King đã bỏ 10 năm để hoàn thành The Dark Tower. Nó được xem như là tác phẩm vĩ đại nhất mà ông từng thực hiện. Loạt truyện này cũng được đánh giá là “không thể đưa lên phim” vì quy mô quá đồ sộ.

sach kho chuyen the 3 Những cuốn sách “đầy tiềm năng” nhưng khó chuyển thể thành phim


Bộ tám cuốn sách The Dark Tower của Stephen King

Năm 2007 The Dark Towers dự kiến được dàn dựng bởi đạo diễn J.J. Abrams và nhà biên kịch Damon Lindeloff. Tuy nhiên dự án này đã nhanh chóng phá sản. Sau đó vào năm 2010 Hãng Universal công bố kế hoạch làm phim với loạt truyện này theo đó, họ sẽ dựng thành 3 phim điện ảnh xen kẽ với loạt phim truyền hình. Sau khi phần phim đầu tiên ra mắt thì series truyền hình cũng sẽ được lên sóng với vai trò là chiếc cầu nối giữa phần 1 và phần 2. Sau đó, series truyền hình thứ 2, thứ 3 sẽ được sản xuất và tất cả dồn vào phiên bản điện ảnh cuối cùng của The Dark Towers. Tuy nhiên dự án đã bị hủy bỏ sau khi có sự bất đồng với đạo diễn Ron Howrd.

Tiếp theo đó dự án được chuyển sang cho Warner Bros và HBO nhưng cũng không đi đến đâu. Đến năm 2015 dự án lại nằm trong tay Sony Pictures. Sony dự định phát hành phim đầu tiên trong series vào năm 2017, nghĩa là sang đầu 2016 phải bắt đầu sản xuất.

The Dark Towers đã đi một chặng đường dài nhưng chúng ta sẽ phải tiếp tục chờ đợi với hi vọng rằng Sony Pictures sẽ là hoàn thành được dự án khổng lồ này.

Bên cạnh những cuốn sách vừa kể ở trên thì vẫn còn nhiều cuốn sách nổi tiếng khác nhưng lại khó thậm chí là không thể chuyển thành phim như Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez. Cuốn tiểu thuyết này có cốt truyện trải dài 7 thế hệ của gia tộc Buendía qua những vùng đất khác nhau với những cái tên lặp đi lặp. Sẽ thật khó khăn và phức tạp khi đem tất cả chúng lên màn ảnh. Hay như một tác phẩm nổi tiếng khác là Tới ngọn hải đăng của Virginia Woolf, tiểu thuyết này không có cốt truyện, tất cả mọi thứ đều diễn ra bên trong suy nghĩ của nhân vật. Sẽ thật khó cho người chuyển thể vì họ sẽ phải nghĩ ra các lời thoại, hành động hay thậm chí là một cốt truyện.

Nguồn: vnwriter.net

-------------------------------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3


Xem thêm

” Bắt trẻ đồng xanh” là câu chuyện về sự nổi loạn của tuổi trẻ, những khát khao thầm kín và cả cảm giác mất phương hướng trong cuộc sống ở tuổi thiếu niên. Hơn thế, đó là cái nhìn trong veo vừa hồn nhiên vừa chân thực trước những thói đạo đức giả trong xã hội. Xuất bản năm 1951, “Bắt trẻ đồng xanh” của J.D Salinger đã gây tiếng vang lớn (nói đúng hơn là tranh cãi), một thời gian cuốn sách đã bị kiểm duyệt cắt bỏ nhất trong hệ thống các trường trung học và thư viện của Hoa Kỳ. Nhưng sức hút và giá trị nhân văn, giáo dục của nó đã được đánh giá cao và đưa vào chương trình giảng dạy bậc trung học và được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Câu chuyện chỉ kể về Holden Caufield, 17 tuổi với những lần cậu ta bị đuổi khỏi trường với lý do không có gì mới hơn chuyện trượt môn hay bị kêu ca là lười học. Suốt hơn 300 trang sách cậu ta chỉ nói về mấy ngày sau đó, không có gì hơn nhưng vẫn khiến người đọc say mê tới mức cứ đọc hoài đọc mãi xem cậu ta đi đâu, nói gì, làm gì tiếp theo. Ở cái tuổi 17 vừa bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời, đáng ra phải phơi phới yêu đời và tràn đầy sức sống thì cậu ta đã nhìn mọi thứ bằng con mắt hết sức tiêu cực. Cậu chừng như ghét tất thảy. Một thằng quanh năm suốt tháng bị đuổi học, rít thuốc như ống bễ, làm loạn lên và bị đấm vỡ mũi chỉ vì một con nhỏ mà nó từng nắm tay không biết chán, thì có gì đáng kể chứ?

Rõ ràng đây là một tác phẩm văn học nước ngoài, nên khi mình đọc phải kể đến công lao to lớn của người dịch, với những từ ngữ cực kì mới mẻ (thậm chí bạn sẽ chưa được nghe trước đó bao giờ) và lôi cuốn, tác giả đưa chúng ta tới với tác phẩm gốc một cách chân thực nhất. Cũng bởi là một tác phẩm văn học, nên như mình đã nói, sẽ không có nhiều châm ngôn triết lý trong cuốn sách này. Đổi là sự thấu hiểu và đồng cảm cho lứa tuổi mới lớn. Tuy nhiên, với một kết thúc mở, trong khi tràn ngập khắp nội dung sách lại là những ngôn từ và góc nhìn khá tiêu cực về đời, nên mình không nghĩ nó phù hợp với những bạn tuổi mới lớn, hay những bạn đang có suy nghĩ giống Holden. Cuốn sách sẽ phù hợp hơn với những người yêu thích văn học hay những người đã qua rồi cái tuổi thích đuổi bắt. Đọc để đồng cảm và hiểu cho em mình, con mình và cháu mình – những đứa trẻ đang như là Holden. ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI đối với mình đó chính là sự yêu thương, thấu hiểu và đồng cảm. Giáo dục nhất thiết phải là đứng trên các phương diện này. P/S: Hiện tại mình đang đọc cuốn sách Hòn tuyết lăn – cuộc đời và sự nghiệp của Warren Buffet. Mình sẽ cố gắng hoàn thành sớm để viết review sách hòn tuyết lăn xem như là một nhiệm vụ hay mục tiêu. Dù rằng cuốn này khá nặng, hai tập là tổng cộng hơn một ngàn trang.

Là một nhóc tì 17 tuổi, với những suy nghĩ của tuổi trẻ bồng bột, trẻ trâu và ánh mắt nhìn đời hãy còn trong sáng. Cậu cho rằng cậu đang sống rất tử tế, với những giá trị đạo đức và rất là con người. Cậu lại cho rằng cuộc sống này thật đơn giản, nhưng con người lại đang chọn một cách sống quá bộ tịch, ai ai cũng đang đâm đầu vào kiếm tiền, làm giàu để ngồi trong xe sang, nhà hàng sang trọng và nói những câu chuyện hết sức bộ tịch. Cũng vì chán ghét những con người bộ tịch mà cậu không thèm học hành gì theo cách thầy cô muốn, để rồi bị đuổi khỏi ngôi trường Pencey. Mặc dù với những suy nghĩ và lời nói tiêu cực, và cậu khinh ghét cả thế giới, nhưng tác giả lại rất thành công khi xây dựng được hình ảnh một cậu bé 17 tuổi và không để người đọc ghét bỏ cậu. Thay vào đó là sự đồng cảm với chính cậu. Bởi chúng ta đã từng như cậu. Bên cạnh đó, ẩn sau một cậu nhóc quậy phá và nhìn đời bằng con mắt rất tiêu cực như Holden Caulfield, đó lại là một trái tim nhân hậu và lòng trắc ẩn. Nhân tiện, lòng trắc ẩn được khắc họa rõ ràng và hay nhất mình từng biết đến đó chính là tập phim “Nắng” – một phim chiếu rạp của Việt nam (bạn có thể tìm xem thử). Quay lại với Holden, lòng trắc ẩn của cậu chính là Allie – cậu em trai của cậu đã qua đời khi cậu 13 tuổi, đó là Phoebe Caulfield – cô em gái yêu quý của Holden, người mà cậu có thể cà riềng cà tỏi cùng suốt ngày đêm. Vậy, tiêu đề bắt trẻ đồng xanh có liên quan gì tới câu chuyện? À… đó chỉ là một câu trong một lời bài hát thiếu nhi mà cậu nghe một cậu bé hát khi cậu đi lang thang. Rồi cậu trở nên thích thú và thích được chơi đuổi bắt với những đứa trẻ ở đồng xanh, thích rong ruổi khắp đồng xanh cả mùa hè.

Mình mua cuốn sách bắt trẻ đồng xanh này cũng khá lâu rồi, đâu đó 3-4 năm về trước. Dạo trước, mình là một kẻ thích sách vì sách đẹp hơn là thích đọc sách. Và đúng vậy, mình chỉ mua những cuốn sách thực sự đẹp *ngặt nỗi thấy đa số những cuốn sách đều đẹp – có vẻ sở thích mình khá dị nhưng đó là mình*. Bắt trẻ đồng xanh, nghe tên thì mình không tài nào hình dung nổi nội dung cuốn sách nói về cái gì. Mà thực ra cũng không quan trọng lắm, vì rõ ràng mình mua sách chỉ vì nó đẹp. Với thiết kế bìa rất đơn giản, chỉ một màu xanh lục đậm, tên sách “Bắt trẻ đồng xanh” màu trắng và tên tác giả “J. D. Sailinger” màu xanh ngọc bích – có lẽ vậy. Đơn giản nhưng không đơn điệu, và nó thực sự cuốn hút mình. Đoạn mấy hôm nay mình đang tập lối sống không cần báo thức, nên mình đã tranh thủ kiếm gì đọc khi dậy sớm. Được review khá nhiều cũng như đánh giá khá cao nên mình quyết định đọc nó. Và mình đã hoàn thành nó trong vỏn vẹn một tuần – cực kì hưng phấn. Nội dung cuốn sách chỉ xoay quanh mấy ngày sau khi nhân vật tôi kể chuyện – Holden Caulfield bị đuổi học khỏi trường dự bị Pencey danh giá. Không gồm những triết lý cao siêu, không đoạn gay cấn hay cao trào. Rải khắp câu chuyện là những câu nói tục và chửi đời như “bộ tịch”, “mắc dịch”, “trời đánh thánh vật”, “bỏ mẹ”, là những ngày lang thang khắp thành phố nước Mỹ của cậu với những ý nghĩ điên rồ hay trẻ trâu. Tuy nhiên, qua những câu chuyện của cậu nhóc 17 tuổi, mình thấy chính mình, những người thân của mình trong câu chuyện đó.

Mình biết đến Don Quixote qua đoạn trích miêu tả cảnh ông đánh nhau với cối xây gió trong sách Ngữ Văn cấp 2 của mình. Khá tò mò về ông, nên khi thấy có bộ sách hẳn ho về ông mình đã mua ngay. Tất nhiên mình cũng khá lưỡng lự khi mua nhưng khi thấy tình trạng hết hàng rồi có xảy ra liên tục thì mình quyết định sẽ mua. Một bộ sách quá tuyệt tình rồi mình không thể nói gì hơn ngoài những điều tốt đẹp nhất. Dù đây là một tác phẩm để đời của Miguel De Cervantes-nhà văn Tây Ban Nha nhưng mình nghĩ vẫn có một người xứng đáng được nhắc đến là dịch giả Trương Đắc Vỵ. Trong phần đầu tiên của tác giả Miguel De Cervantes, ông đã có vài lỗi, dịch giả đã phát hiện và đã giúp người đọc hiểu rõ hơn trong phần chú thích của mình. Tất nhiên sau đó tác giả cũng đã hoàn thiện mình hơn trong phần hai của cuốn sách này. Phần hai của cuốn sách này là do một vài sự kiện nên tác giả mới cầm bút viết tiếp, mình nghĩ tác giả không cần viết phần hai vì phần một đã quá tuyệt vời rồi. Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta lại một lần nữa thưởng thức được chuyến phiêu lưu của Don Quixote. Không phải ngẫu nhiên mà Lionell Trilling nói: “Có thể nói mọi tiểu thuyết văn xuôi đều là biến tấu trên chủ đề Don Quixote.” hay những lời bình phẩm của V. S. Pritchell: “Don Quixote khởi đầu như một tỉnh lẻ, trở thành Tây Ban Nha, và cuối cùng như một vũ trụ.” Mong bạn sẽ có trải nghiệm tuyệt vời với cuốn sách này như tôi đã có vậy.

Người ta thường nói Đôn Kihôtê là một tiểu thuyết kinh điển của thời đại, bởi vì nhiều người đọc và được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất chỉ sau Kinh thánh. Tuy nhiên, khi đọc sách, tôi đã thất vọng nhiều. Có phải là do bản thân tôi không biết cảm nhận cái hay của tác phẩm, hay là tác phẩm đã được phô trương, quảng cáo rầm rộ một cách quá đáng? Tác phẩm kể về nhân vật chính là Đôn Kihôtê, một người thích đọc tiểu thuyết kiếm hiệp, và lại bị ''ảo tưởng'', muốn đi khắp muôn phương để bộc lộ tinh thần hiệp sĩ, chống lại áp bức, bất công trong xã hội. Tuy qua đó tác giả muốn dùng sự hài hước để phản ánh xã hội nước Tây Ban Nha trước khi bước sang thời đại phục hưng, tuy nhiên tôi thấy tác phẩm nó không chút hài hước nào. Ví dụ như chi tiết nhân vật chính nhìn cối xay gió cứ tưởng mấy gã khổng lồ, xông tới đâm vào để nó ném đi, hay là chi tiết gặp đàn cừu giữa đường, cứ tưởng hai đoàn quân đánh nhau, xông vào can ngăn. Nó quá nhạt nhẽo. Hay là nó chỉ hài hước đối với những người thế kỉ trước? Truyện còn viết rất nhiều trang những lời yêu thương của Đôn Kihôtê đối với người mình yêu, nhưng thực sự tôi nghĩ người đọc chẳng có ai rảnh hơi mà đọc hết những lời đó, bởi vì nó quá nhàm. Tác phẩm chỉ có điểm nhấn duy nhất đó chính là đoạnXantrô và Đôn Kihôtê làm thống đốc một quần đảo, khi ấy Xantrô đã thể hiện tài phán quyết của mình thông qua những phiên tòa, qua đó kể đến một số câu chuyện cho người đọc. Tuy nhiên, điểm nhấn ấy cũng quá ít ỏi, làm cho tác phẩm bị lu mờ (đối với tôi).

Nếu văn học phương Đông góp cho văn đàn thế giới hình tượng bốn thầy trò Đường tăng trong công cuộc thỉnh kinh đầy gian nguy nhưng cũng vô cùng thú vị, thì văn học phương Tây, với đại diện tiêu biểu làXervantex cũng dựng lên một cặp tượng đài bất tử về thầy tròĐôn Kihôtê và Xan cho Panxa. Hai nhân vật trong cuốn tiểu thuyết "Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra" đã trở thành cặp đôi nổi tiếng thế giới nhiều thế kỷ qua. Ở bất cứ đâu khi nhìn thấy hình ảnh một người cao gầy cưỡi một con ngựa còm lênh khênh,ốm yếu, tay cầm thanh giáo dài đi cạnh một kẻ vừa béo vừa lùn cưỡi con lừa tròn ủng, bạn đang được chiêm ngưỡng cặp đôi thầy trò thú vị này đấy. Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra là cuốn tiểu thuyết cận đại đầu tiên của Tây Ban Nha, viết theo hướng hiện thực phê phán. Trước đó, độc giả các nước phương Tây rất ham thích loại tiểu thuyết kiếm hiệp. Loại tiểu thuyết đó có rất tai hại vì nó tạo cho người đọc một quan niệm hoang đường, hoàn toàn sai lầm về vũ trụ, con người. Mượn hình tượng Đôn Kihôte- một anh chàng có lý tưởng tốt đẹp nhưng vô cùng thiếu thực tế, đặt cạnh bác giám mã Xancho Panxa- một kẻ có đầu óc tỉnh táo nhưng lại quá lười biếng và thực dụng, Xervantex đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và chôn vùi văn chương kiếm hiệp. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra gồm 126 chương, là một bức tranh sinh động về xã hội Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Tác giả đã đưa hiệp sĩ và giám mã của chàng đi khắp đó đây trên đất nước Tây Ban Nha, từ thành thị đến thôn quê, từ những cánh đồng bao la tới những miền núi sâu vực thẳm, từ những quán trọ bình dân tới chốn thâm nghiêm quyền quý. Cảnh vật, con người đều có thật. Và nếu như trí tưởng tượng phong phú của Đôn Kihôtê đã biến mọi thứ từ cuộc sống thành những hình ảnh trong truyện kiếm hiệp thì, trái lại, những lời nói của bác giám mã gốc nông dân luôn luôn kéo ta trở về với hiện thực. Họ đi bên nhau, bổ sung cho nhau và dạy cho ta bao bài học thấm thía ở đời. Bạn sẽ bật cười rất nhiều lần khi chứng kiến những ảo tưởng của nhân vật chính. Nhưng sau cùng, đọng lại trong ta sẽ là một bài học giản dị mà rất đỗi sâu sắc: Lý tưởng tốt đẹp cần phải gắn với thực tế cuộc sống. Ngược lại, nếu có đôi mắt nhìn đời thực tế thì nên chăm chỉ, có lý tưởng sống chứ đừng để nó trôi qua vô vị. Đừng ảo tưởng như Đôn Kihôtê nhưng cũng đừng quá thực dụng như Xancho Panxa, bạn nhé!