Không chỉ vậy, đối với người lớn, những cuốn sách này gợi nhớ một thời tuổi thơ, giúp tâm hồn họ trở nên dịu dàng hơn giữa cuộc sống xô bồ.

Đối với trẻ em, đây là những cuốn sách dạy trẻ về kỹ năng sống, về lòng nhân ái bao la và giúp trẻ hình thành tốt hơn về tư duy và nhân cách. Vì vậy, bố mẹ đừng quên bổ sung 9 cái tên dưới đây vào bộ sưu tập sách của con nhé!

Những tấm lòng cao cả (Edmondo De Amicis)


Là một tiểu thuyết ra mắt từ tháng 10 năm 1886 nhưng sau hơn trăm năm, cuốn sách vẫn để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lòng độc giả - nhất là các bạn thiếu nhi

Trong truyện, cậu bé người Ý En-ri-cô hằng ngày đều ghi lại những sự việc, cuộc sống xung quanh mình và cả những câu chuyện cảm động mà cậu đã được nghe, được thấy và có khi cậu là nhân vật chính vào cuốn nhật kí mà cậu bắt đầu viết từ năm lớp ba. Mỗi câu chuyện ý nghĩa về tình thầy trò, tình cảm gia đình, bạn bè là một bài học bổ ích cho trẻ, dạy trẻ cách làm người, cách đối nhân xử thế trong xã hội.

Không gia đình (Hector Malot)


Xuất bản năm 1878, Không gia đình kể về cậu bé Rê-mi mồ côi cả cha lẫn mẹ từ bé, không anh em, họ hàng thân thích. Rê-mi theo một gánh xiếc gồm một khỉ, chó và ông cụ Vitali từng trải và lương thiện đi biểu diễn và chu du khắp mọi miền nước Pháp. Đây là một cuốn sách rất ý nghĩa và sâu sắc mà các bạn thiếu nhi nên đọc, để biết trên đời này còn nhiều mảnh đời bất hạnh đến nhường nào và biết yêu quí, trân trọng gia đình của mình hơn.

Nếp gấp thời gian (Madeleine L' Engle)


Kể về cuộc giải cứu ông bố của Meg Murri trong lúc đang thử nghiệm du hành xuyên thời gian ở chiều thứ năm thì đột ngột biến mất. Meg, Calvin bạn cô, cùng Charles Wallace lên đường giải cứu ông, đối mặt với Quyền lực Bóng tối. Cuộc hành trình xuyên qua không gian bao la đã được trí tưởng tượng kỳ diệu của nhà văn ban cho những chiều kích mới, tạo sự hứng thú cho độc giả, nhất là kích thích trí tưởng tượng của các bạn nhỏ.

Totto-Chan: Cô bé bên cửa sổ (Tetsuko Kuroyanagi)


Totto Chan sinh ra trong gia đình hạnh phúc, lên sáu tuổi em phải thôi học vì bản tính hiếu động, nghịch ngợm đến kì lạ so với các bạn cùng tuổi. Trước tình thế đó, mẹ em đã cho em chuyển đến trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku.

Đây là một ngôi trường rất đặc biệt trên những toa tàu cũ chỉ gồm 50 học sinh. Học sinh được làm những điều mình thích, tuy cách giáo dục có hơi khác lạ nhưng sau này các em đều trở thành những người tốt và thành đạt trong xã hội. Câu nói của thầy hiệu trưởng đã để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm: “Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa”.

Alice ở xứ sở diệu kỳ (Lewis Carrol)


Cuốn truyện Alice ở xứ sở diệu kỳ được xuất bản năm 1865, đến nay đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng và được chuyển thể thành phim hoạt hình. Đây là cuốn sách rất được các bạn nhỏ yêu thích, thỏa sức cho trí tưởng tượng bay cao về một thế giới diệu kì nơi có những phép màu cổ tích. Chuyến phiêu lưu của Alice ở xứ sở diệu kỳ quả thật rất thú vị với những cái tách trà có thể nói chuyện, chú thỏ ngộ nghĩnh hay cuộc đối đầu với bà hoàng hậu và những lá bài...

Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio (Carlo Collodi)


Lúc đầu, chú chỉ là một mẩu gỗ rồi được bác Geppetto đẽo nên một con rối mà không hề biết rằng, rồi kia con rối ấy sẽ bước vào những cuộc phiêu lưu vô cùng thú vị nhưng cũng không kém phần rắc rối, khổ đau: bị treo lên Cây Sồi Lớn, bị bắt bỏ tù, bị bắt làm chó canh nhà, bị biến thành lừa, bị Cá Mập nuốt vào bụng... Cuối cùng khi được Tiên cô tóc xanh như màu đêm biến thành cậu bé bằng xương bằng thịt, Pinocchio đã nhận ra rằng "những đứa trẻ không biết vâng lời sẽ chẳng có cơ may nào thành công trong cuộc đời".

Đồi thỏ (Rechard Adams)


Được xuất bản tháng 9 năm 2008, truyện kể về hành trình đi tìm vùng đất mới của bầy thỏ. Gặp nhiều khó khăn, chông gai nhưng bầy thỏ không hề bỏ cuộc, qua đó còn làm nổi bật đức tính tốt của những chú thỏ như: tình yêu thương, lòng dũng cảm, sự đoàn kết, gắn bó của tập thể... Cuốn sách rất tốt cho sự hình thành nhân cách trẻ.

Charlotte và Wilbur (E.B. White)


Đây là một câu chuyện đáng yêu và dễ thương được xuất bản năm 1952. Truyện kể về một con lợn tên là Wilbur được một cô nhện thông minh tên là Charlotte cứu nó khỏi bị giết thịt. Cuốn sách cảm động độc giả bởi tình bạn cao cả của hai loài vật tưởng chừng như vô ngôn. Tác phẩm là thông điệp của lòng yêu thương, sự thủy chung son sắt, gõ vào trí tưởng tượng của các bạn nhỏ.

Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên (Laura Ingalls Wilder)


Xuất bản vào năm 2013, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên bắt nguồn từ những câu chuyện thuở ấu thơ của tác giả Laura Ingalls Wilder, được kể lại qua cô bé Laura – người con thứ hai trong gia đình Ingalls. Cuốn sách ngợi ca tình gia đình ấm áp, tình bạn thủy chung, ngoài ra còn đề cao những con người lạc quan, yêu đời, sẵn sàng vượt qua khó khăn.

Nguồn: baomoi.com


----------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
Xem thêm

“Những tấm lòng cao cả” hay còn được biết với tên “Tâm hồn cao thượng” (Coure) là một cuốn tiểu thuyết được Edmondo De Amicis viết dành cho trẻ em. Ông đã lấy bối cảnh thời kì nước Ý thống nhất và nói về đề tài yêu nước. Tiểu thuyết được xuất bản lần đầu vào ngày 18/10/1886, ngày khai trường ở Ý và trở thành một hiệ tưởng xuất bản ngay lập tức. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là những câu chuyện lớn nhỏ diễn ra trong cuộc sống của cậu bé học sinh lớp ba Enrico cùng với những cảm tưởng và suy nghĩ của chính cậu. Mỗi nhân vật trong cuốn nhật ký đều có tính các và địa vị xã hội khác nhau, không hẳn là để thấy sự kỳ thị và phân biệt của con người lúc bấy giờ, mà là để làm nổi bật lên tầm hồn cao thượng trong mỗi con người họ. Những vấn đề xã hội như sự nghèo đói được đề cập đến trong cuốn tiểu thuyết, “Những tấm lòng cao cả” cho thấy ảnh hưởng của tư tưởng chính trị cánh tả trong những tác phẩm của Amicis. Vì vậy, cuốn sách đã có ảnh hưởng rất lớn ở các nước thuộc Khối Xô Viết. Ở mặt khác, sự cổ xúy chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước cũng làm cho cuốn sách rất được hoan nghênh trong thời Phát xít Ý.

“Totto-chan bên cửa sổ” là tự truyện của Kuroyanagi Tetsuko, là cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai. Truyện về cô bé Totochan hiếu động, nghịch ngợm nhưng vô cùng đáng yêu. Bạn đọc sẽ cùng cười, cùng khóc với những kỉ niệm của Totto-chan qua những tình huống hài hước nhưng không kém phần nhân văn cảm động. Bằng những tình tiết chân thật, bạn đọc sẽ ao ước mình có thể quay trở về thời ấu thơ, cái thời mỗi chúng ta là những Totto-chan hiếu động, tinh nghịch. Sự chân thành và am hiểu tâm lý của Kuroyanagi Tetsuko giúp người lớn hiểu hơn thế giới quan đầy màu sắc của con cái mình. Thông điệp tác giả muốn mang đến cho người đọc rằng trẻ em cần được phát triển bản thân tự nhiên. Phương pháp giáo dục trẻ em sẽ quyết định con người tương lai của chúng sau này và nhân vật minh chứng rõ nhất là chính tác giả. Totto-chan khác biệt với phần còn lại lớp học. Em gây ra một mớ rắc rối khiến cả lớp hỗn loạn. Mãi về sau một giáo viên lớp bên cạnh vẫn nhận ra Totto-chan vì hầu như ngày nào cũng thấy em bị đứng phạt ngoài hành lang. Những rắc rối khiến người đọc cười không ngớt với giọng văn hóm hỉnh của Kuroyanagi Tetsuko. Không thể trừng phạt Totto-chan bằng kỉ luật, đòn roi bình thường, nhà trường buộc thôi học em. Vậy nhưng em chưa bao giờ bận tâm về điều đó. Điều Totto-chan quan tâm là cố gắng kéo người bạn bị bại liệt lên ngôi nhà cây của mình, là khi em vui sướng khi biết tất cả những người xung quanh em đều khỏe mạnh, kể cả con chó, con mèo em bắt gặp trên đường. Sự quan tâm đó còn là giọt nước mắt khi hai con gà của em bị chết. Totto-chan đã may mắn khi học ở ngôi trường mới lý tưởng, giúp em phát triển bản thân một cách tự nhiên. Ngôi trường Tomoe dạy em nhiều điều, những gì em làm không còn đáng lo ngại. Xuyên suốt cả cuốn sách là những bài học về sự sẻ chia, tình bạn, tình thầy trò, tình yêu, ước mơ và hoài bão xoay quanh Totto-chan. Thời gian thơ ấu của em cứ như vậy trôi qua rực rỡ. Đó là nền tảng cho một tương lai vô cùng tươi sáng, một Totto-chan dũng cảm, thành công, giàu lòng yêu thương. Điều quan trọng nhất em vẫn là chính mình, được sống như em mong muốn, không trộn lẫn với bất kì ai. Cha mẹ luôn yêu thương con cái vô điều kiện nhưng để thấu hiểu chúng không hề dễ. Rất hiếm các bậc phụ huynh kiên trì với thế giới tâm hồn của những đứa trẻ, họ thường chú ý những yếu tố vật chất bên ngoài của con mình hơn. May mà Totto-chan có một người mẹ tuyết vời, bà hiểu và sẻ chia những băn khoăn của em bất kì lúc nào. Bà không dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, thay vì nói em bị nhà trường đuổi học, bà khéo léo kể với em về việc chuyển đến một ngôi trường mới, hay thông cảm cho việc em chơi đùa khiến quần áo rách bươm. Đó là một cách giáo dục rất tiến bộ và văn minh, tình yêu của mẹ giúp Totto-chan yêu đời, yên ổn trải qua những ngày tháng vui vẻ nhất. Người thầy vĩ đại Sosaku Kobayashi– hiệu trưởng trường Tomoe, một con người sống có lý tưởng, ông muốn cống hiến hết mình cho sự nghiệp gieo mầm sống, con đường ông đi là bước đệm mang đầy tính sáng tạo và nhiệt huyết. Những đứa trẻ với ông là những thiên thần, việc dạy dỗ chúng đem lại niềm vui bất tận. Totto-chan cứ nhớ mãi hình ảnh tập trung lắng nghe và hào hứng của ông khi nghe em kể chuyện trong lần đầu tiên gặp mặt. Ông dùng phương pháp của mình để truyền kiến thức, động lực, niềm tin cho những đứa bé trong ngôi trường Tomoe – và ông đã thành công. Với Totto-chan, ông thường nói “Em biết đấy, em thật là một cô bé ngoan.” Totto-chan luôn vì câu nói đó cố gắng nỗ lực, trưởng thành và tin tưởng vào bản thân. Những người bạn đáng yêu đã dạy cho Totto-chan bài học về tình bạn, tình yêu thương. Cậu bạn Takahashi nhỏ bé, cơ thể kém phát triển hơn những bạn đồng trang lứa, luôn bị học sinh trường khác bắt nạt. Totto-chan đứng về phía cậu ấy, bảo vệ và chở che mỗi lần phát hiện Takahashi bị bắt nạt, em sẽ xử lý gọn gàng đám người xấu đó. Rồi khi người bạn này ra đi mãi mãi, Totto-chan cũng không ngăn được giọt nước mắt đang chực rơi. Và không thể không kể đến chú chó Rocky đã gắn liền với tuổi thơ em. Con vật em coi như bạn tâm giao, mọi thứ em đều chia sẻ với Rocky. Rocky nuôi lớn trong em sự sẻ chia, tình yêu thương, trân trọng, những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Khoảnh khắc chú chó cưng biến mất, đau lòng vì tình cảm của Totto-chan dành cho con vật nhỏ, thời điểm đó em học được bài học sâu sắc về sự mất mát, chia ly. Tomoe là ngôi trường Totto-chan chuyển đến sau sự cố bị đuổi học trước đó. Trường có khá ít học sinh, có lẽ chỉ bằng một hoặc hai lớp ngôi trường đầu tiên. Những học sinh ở đây không có sự phân biệt về hoàn cảnh gia đình, khiếm khuyết thân thể hay bất kì gì khác. Học sinh được tự do phát triển bản thân, các em tự thực hành nghiên cứu trong giờ học với sự hỗ trợ của giáo viên, mỗi em lựa chọn học môn học mình yêu thích. Thầy hiệu trưởng cùng các thầy cô luôn quan sát và hướng dẫn các em hoàn thành bài tập cũng như những vướng mắc cuộc sống. Phát triển kĩ năng ở mọi thời điểm, rèn luyện như không rèn luyện, các em được chơi đùa cả ngày. Những khuôn phép của một trường học bình thường trở nên vô nghĩa, những định nghĩa giáo dục kiên cố trở nên sét rỉ. Là khi các em được học trong một toa tàu hỏa cũ sạch sẽ và dễ chịu, hay khi cả lớp đều dùng phấn vẽ xuống nền một cách thoải mái. Trong giờ ăn trưa các em được ăn những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và với tên gọi đơn giản “Món của đất, món của biển”. Cha mẹ không phải cầu kì, đắn đo suy nghĩ nên cho con mặc gì, chọn món đồ thoải mái, bình thường là quá đủ để các em khám phá thế giới của riêng mình. Điểm số không phải là thước đo đánh giá cho sự nỗ lực của học sinh, trường Tomoe đã chứng minh điều đó cho mọi người. Động lực để con người phát triển toàn diện là sự động viên, hướng dẫn của những người đi trước. Thầy Sosaku Kobayashi đã làm rất tốt việc này, ông cho những đứa trẻ một cuộc đời đúng nghĩa. Thành công của con người không thể xác định rõ, có lẽ có một cuộc sống ý nghĩa đã là điều thành công rồi. Tetsuko Kuroyanagi sinh ngày 9 tháng 8 năm 1933 ở Tokyo. Bà là một diễn viên, ngôi sao truyền hình kiêm vận động viên Nhật Bản nổi tiếng, tác giả của cuốn sách cho trẻ em bán chạy nhất nước Nhật, đảm nhiệm vai trò cố vấn của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) và Đại sứ thiện chí cho UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF). Bà nổi tiếng trong những công tác từ thiện, là một trong những nhân vật Nhật Bản đầu tiên được quốc tế công nhận. Năm 2006, tác giả Donald Richie mô tả về Tetsuko trong cuốn Chân dung Nhật Bản: Hình ảnh những con người khác biệt (Portraits: Pictures of Different People), mệnh danh bà là “Người phụ nữ nổi tiếng và được ngưỡng mộ nhất tại Nhật Bản.”

Năm 1985, nhà xuất bản Penguin công bố danh sách những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời của mình, xếp đầu là “Animal farm” (“Trại súc vật” của George Orwell), xếp thứ hai là “Watership down” (“Đồi thỏ”, theo bản dịch của Hồng Vân) – cuốn tiểu thuyết đầu tay của Richard Adams, chỉ được phát hành lần đầu khi tác giả đã ở tuổi 52. “Trại súc vật” và “Đồi thỏ” có những điểm gặp gỡ. Chúng đều nhân cách hóa những loài vật để thêu dệt ngụ ngôn. Nhưng “Đồi thỏ” có một phẩm cách văn chương vượt trội so với tác phẩm giễu nhại kinh điển của Orwell. Bởi “Trại súc vật” sinh ra từ lời kêu gọi của thời đại, nó đến từ một thế giới bên ngoài hơn là từ những trăn trở cơ bản của nội tâm, nó được viết với những thông điệp chính trị lộ liễu khiến văn bản bị phiên dịch máy móc thành cáo trạng hiện thực, ngăn chặn sự mở rộng đến vô cùng của trí tưởng tượng. Còn “Đồi thỏ” được viết ra bởi một động cơ văn chương khác, nó được bắt đầu từ những câu chuyện kể làm vui lòng mấy cô con gái nhõng nhẽo. Tác giả của nó, hoàn toàn xa lạ với những tham vọng để lại di sản gì cho hậu thế, xa lạ với cả sức mạnh của văn chương, cách ông kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn một cách ngây thơ, bởi “tôi 52 tuổi khi phát hiện ra mình biết viết. Giá mà tôi biết sớm hơn. Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ thành nhà văn cho đến khi tôi thành nhà văn.” Đọc “Đồi thỏ” là một trải nghiệm, có lẽ, giống như sống trong một bộ lạc thời tiền sử, hàng đêm ngồi quây bên đống lửa dỏng tai lắng nghe một người kể chuyện có duyên và cùng chờ trời sáng. Dù không phải nó không có những ẩn dụ gây liên tưởng đến chính trị hay tôn giáo, nhưng câu chuyện phi thời về cuộc thiên di vĩ đại của đàn thỏ hào hùng, lí tưởng và mộng mơ đến mức nó vén màn một thế giới rạng ngời, vời vợi, sống động, diệu kỳ với khả năng tự chữa lành mà so với nó, mọi toan tính và xếp đặt của con người chỉ như những ảo giác nhỏ mọn và hư vô. “Đồi thỏ” lớn hơn những ngụ ngôn rất nhiều. So sánh một cách tương đối, nó giống như một “Vua sư tử” của văn chương. Bên trên câu chuyện về lòng dũng cảm, công chính, cao thượng, yêu tự do – những giá trị đạo đức bất biến theo quy phạm của xã hội người, nó là một trường ca về sự sống, về vòng tuần hoàn của tự nhiên, về chuỗi chuyển hóa khôn cùng của vũ trụ và những lẽ phải bất biến theo quy luật của tạo hóa. Cái cách mà tiểu thuyết đã mở đầu bằng hình ảnh mùa anh thảo qua đi và kết thúc bằng những bông anh thảo đầu tiên chớm nở, cái cách mà đàn thỏ, trên hành trình vạn dặm của mình, chinh phục những con chuột tí hon, những con chim khổng lồ, hay “sai khiến” những con chó hung dữ, những con cáo háu ăn, và ở chừng mực nào đó, cả con người, khiến độc giả nhớ tới cảnh mở đầu trong “Vua sư tử” – có lẽ là một trong những cảnh mở đầu đáng nhớ nhất không chỉ của dòng phim hoạt hình mà còn là của điện ảnh nói chung – khi bình minh lên trên thảo nguyên Phi châu và hàng đàn muông thú, hàng vạn những con chim và cả côn trùng tiến về mỏm núi chào đón sự ra đời của sư tử Simba, trên nền nhạc “Circle of life” của Elton John. Bản thân “Đồi thỏ” cũng được viết với một bút pháp tràn trề tính điện ảnh. Bối cảnh thiên nhiên không đại diện cho một lớp nghĩa nào khác hơn là chính nó, với tất cả sự vĩ đại, mượt mà của bốn mùa thay đổi, của những cánh rừng thường xanh, những nông trang, những dòng suối, những thảm cỏ, hang động, Mặt trời và sương mai. Hoặc là Richard Adams có một vốn hiểu biết phi thường về thiên nhiên, hoặc ông có một sức tưởng tượng siêu việt, với mọi phân đoạn ông viết ra đều đạt tới sự hài hòa về màu sắc, phối cảnh. “Đồi thỏ” có những nhân vật gợi nhắc tới những nhân vật hư cấu hay phi hư cấu trong văn hóa loài người. Khi chú thỏ mang tên Thứ Năm đứng trước cây anh thảo cuối cùng của tháng Năm và chợt linh cảm tai họa sắp giáng xuống cho bầy thỏ tại mảnh đất quê hương, rồi gợi ý cho bầy thỏ một cuộc hành hương tìm đất hứa, đó là một hình ảnh không khác là bao so với nhà tiên tri Moses quỳ gối trước một bụi cây và nghe những lời phán bảo bí ẩn của đấng tự xưng là Đấng Hằng Hữu, ra lệnh cho ông dẫn con dân Israel rời khỏi đất nước Ai Cập đến vùng đất mới. Còn nhân vật trung tâm của câu chuyện, chú thỏ thủ lĩnh mang tên Cây Phỉ, kẻ đã dẫn đầu đoàn thỏ “phản loạn” xây dựng vương quốc ở chốn xa xôi, chú ta giống như một song trùng của người anh hùng Odysses mưu mẹo, thao lược nhưng mang một số phận trôi dạt và trắc trở trong thần thoại Hy Lạp. Và El-ahrairah – mệnh danh “Cha của tất cả”, ông tổ của loài thỏ trên thế gian, nhân vật chỉ xuất hiện trong câu chuyện qua những giai thoại thần thánh hay những giao ước mầu nhiệm với Thần Mặt trời để loài thỏ không bao giờ tận diệt – là một sự pha trộn giữa Odysses và Abraham, “Cha của nhiều dân tộc”, tổ phụ của người Do Thái và Ả Rập, người cũng đã giao ước với Thượng Đế để nhận lãnh ơn phước đời đời. Song, cũng như đã nói, sự cuộn trào của bầu không khí văn chương trong “Đồi thỏ” khiến những liên tưởng mờ đi, để ta chỉ còn lại sự choáng ngợp trước những cuộc phiêu lưu bất phàm của bầy thỏ, kính trọng những ứng xử hào hiệp của những sinh vật bé nhỏ, yếu thế. Không phải khả năng ẩn dụ là sức mạnh lớn lao nhất của văn chương, mà chính trong cú nhảy vượt thoát khỏi hiện thực để tạo ra một thế giới cắt đứt với những chủ nghĩa, những sự kiện lịch sử, chính trong sự say mê một cách thuần túy những diễn biến cốt truyện mà không đòi hỏi suy diễn bài học đạo lý, sức mạnh văn chương mới lên tới cực điểm. Có lẽ chính vì thế mà “Đồi thỏ”, một cuốn tiểu thuyết dài, ngồn ngộn, và vào thời điểm nó ra đời, đi ngược lại với quy chuẩn một cuốn truyện dành cho thiếu nhi, lại vẫn được xếp như một tiểu thuyết thiếu nhi kinh điển. Vì chỉ trẻ em mới có thể xem những yếu tố đen tối, bạo lực, kinh dị, trọng nam trong “Đồi thỏ” chỉ là những tình tiết cam go, gay cấn hay những đặc điểm sinh hoạt đời thường của loài thỏ, chứ không phải những diễn ngôn về cách mạng, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa Sô-vanh, phân biệt giới tính như bạn sẽ thấy rất nhiều trong những bài phân tích trên những tờ báo dành cho người lớn. Đồi thỏ, đó là một cuốn tiểu thuyết mà, khi ta cố gắng hiểu nhiều hơn ở nó, và tưởng như đã hiểu nhiều hơn ở nó, lại là lúc ta quên mất đi bản chất của nó thực sự là gì. “Người ta có thể tranh luận về giá trị của hầu hết các cuốn sách, nhưng người ta không tranh luận về cuốn sách này. Đó là cuốn sách của mọi nhà, một cuốn sách mà mọi người trong gia đình đều yêu mến và trích dẫn liên tục, một cuốn sách được đọc to cho mọi người khách nghe, một món quà tuyệt diệu”, đó là lời nhận xét từng được trao cho “Gió qua rặng liễu” của Kenneth Grahame, một danh tác khác của văn học thiếu nhi Anh. Lời nhận xét ấy cũng phù hợp cho “Đồi thỏ”. “Đồi thỏ” quá đẹp. Cái đẹp của cuốn sách như một lớp kim tuyến lấp lánh, làm ta xao nhãng khỏi nỗi băn khoăn về cuộc phiêu lưu không tì vết, không mất mát, nỗi băn khoăn về sự lí tưởng hóa mọi hoạn nạn, lí tưởng hóa cả sự mất tích, lí tưởng hóa cả cái chết. (Phải, cả cái chết của chú thỏ thủ lĩnh Cây Phỉ cũng nhẹ nhàng, êm đềm như áng thơ mùa xuân). Câu chuyện của lũ thỏ anh hùng khiến những lí trí hoài nghi và sắc bén nhất cũng lung lay. Không ai muốn phản biện cái địa đàng hoàn hảo đến phi thực tế ấy. Cảm giác này có lẽ rất giống với cái hình ảnh nhà văn Milan Kundera, nổi tiếng với trí tuệ sắc lẹm và logic đến cực đoan, ở đoạn cuối của “Chậm”, nán lại nhìn người hiệp sĩ trong giấc mơ của mình bước lên xe ngựa, và ông thầm nhủ: “Tôi van anh đấy, anh bạn ạ, hãy sung sướng đi. Tôi có cảm tưởng mơ hồ rằng khả năng sung sướng của anh là niềm hy vọng duy nhất của chúng tôi.” Giữa một thế giới luôn trực chờ đổ vỡ và điêu tàn, niềm hạnh phúc của một lũ thỏ hoang nơi triền đồi xa xôi nào đó nắm giữ một niềm hy vọng.  

“Đồi thỏ” một tuyệt tác của nhà văn nổi tiếng Richard Adams sẽ khiến những độc giả nhỏ tuổi vô cùng thích thú trước một cuộc phiêu lưu của những chú thỏ đáng yêu. Không chỉ trẻ em mà cuốn sách này người lớn cũng có thể đọc và ngẫm nghĩ về những thông điệp đầy ý nghĩa nhân văn mà tác giả muốn truyền tải. Tác phẩm tuy khá dài nhưng yên tâm, bạn sẽ không thể nào rời mắt khỏi nó một khi đọc những trang đầu tiên rồi. Nội dung cuốn sách về hành trình tìm kiếm một mảnh đất mới để sinh sống và xây dựng một cuộc sống mơ ước của những chú thỏ sau khi nơi trú ẩn của chúng bị loài người tàn phá, những đồi cỏ mộng mơ nay phải nhường chỗ cho những tòa nhà hiện đại. Thông qua chuyến hành trình đó, độc giả sẽ tận hưởng những vẻ đẹp của thiên nhiên qua đôi mắt của những chú thỏ đầy dũng mãnh và ý chí này. Không những thế, các bạn còn có thể tìm hiểu thêm về những tập tính, hành động của những chú thỏ được thể hiện vô cùng nhuần nhuyễn, hấp dẫn và đôi khi cũng rất hài hước. Xuyên suốt tác phẩm, trí óc tưởng tượng tuyệt vời của Richard Adams chắc chắn sẽ khiến bạn đi từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng rồi đến khâm phục trước tài năng của ông. Tuy tất cả đều là những chú thỏ nhưng mỗi nhân vật đều có một cái tên riêng như Cây Phỉ, Thứ Năm, Bồ Công Anh, Anh Thảo Vàng, Hoắc Hương… và mỗi chú thỏ đều được khắc họa ngoại hình và tính cách rất rõ nét để độc giả dễ nhận biết và nắm bắt câu chuyện dễ dàng hơn. Cuộc hành trình của thỏ, dưới góc nhìn của thỏ, được nhân hóa như những chiến binh con người thực sự từ lối suy nghĩ đến hành động nhưng không mất đi tính đặc trưng của loài thỏ. Không những thế, càng đọc, bạn sẽ mau chóng bị thu hút vào những cuộc hội thoại, những dòng suy nghĩ mà vô tình nghĩ mình cũng là thỏ, (hoặc người) chứ không còn phân biệt giống loài gì nữa. Các khung cảnh tự nhiên cũng được tác giả chú trọng khắc họa để dễ dàng giúp người đọc tưởng tượng ra một khung cảnh thiên nhiên trữ tình, nên thơ của những vùng đất các chú thỏ đi qua. Mạch truyện cũng rất liền mạch, lô gíc dù có nhiều dòng sự kiện hoặc lời kể khác nhau đôi chút. Xen lẫn vào đó là những đoạn miêu tả khiến câu truyện không bị đẩy nhanh quá mà vẫn từ tốn, đưa người đọc vào một thế giới loài thỏ thực sự, không còn mang cảm tính con người nữa. Tất nhiên, câu chuyện sẽ không thể nào thành công nếu thiếu cao trào và cách tác giả dẫn dắt, tọa nút thắt rồi gỡ bỏ rất hợp lý, đưa đẩy nhịp nhàng và bố trí đều đặn trong suốt hành trình phiêu lưu để người đọc không kịp ngán. “Đồi thỏ là một bản trường ca lạ lùng, mở ra một thế giới mà ta chưa bao giờ thấy được, nơi cuộc sống đang phập phồng ngoài kia trên cánh đồng, trong rừng cây, bên bờ sông, xa khỏi các đô thị và thành phố”. Không những thế, “Đồi thỏ” còn là một áng văn có ý nghĩa to lớn hơn một cuộc hành trình tìm miền đất mới của lũ thỏ. Có rất nhiều phân đoạn trong tác phẩm mà nếu đọc đến, bạn sẽ phải giật mình trước những tác động tai hại mà con người đã gây ra cho sinh vật này và cả tự nhiên. “Loài người sẽ không bao giờ dừng lại cho tới khi họ làm ô nhiễm cả trái đất và hủy hoại các loài động vật.” Những khung cảnh đẹp như tranh vẽ mà tác giả đã vẽ nên qua đôi mắt của loài thỏ đang dần bị tàn phá bởi những tòa cao ốc, bởi những khu vui chơi. Bên cạnh đó, nơi sinh sống của các sinh vật ngày càng thu hẹp, số lượng các cá thể giảm dần theo thời gian… cũng là những vấn đề mà con người hầu như chẳng hề đoái hoài tới. Ngoài ra, tác phẩm còn mượn tính cách loài thỏ để nói về bản tính con người. “Loài vật không cư xử như con người. Nếu phải đánh nhau chúng sẽ đánh, nếu phải giết chúng sẽ giết. Nhưng chúng không không ngồi lại với nhau, dùng trí khôn của mình để nghĩ ra những cách thức khác nhau hòng hủy hoại cuộc sống hoặc làm tổn thương những sinh vật khác. Chúng có lòng tự trọng và tính thú.” Rõ ràng, chỉ với đoạn trích trên cũng đủ để cho thấy sự khác biệt giữa lối sống và tư duy của loài thỏ so với con người. Chúng chỉ là những sinh vật nhỏ bé thôi mà đã có những tâm tư vượt lên trên rất nhiều con người hiện tại. Liệu chúng ta có còn tự trọng như chúng hay không? Không chỉ là tài năng viết lách mà còn nổi bật bởi trí óc tưởng tượng siêu phàm, chỉ qua đôi mắt của những chú thỏ nhỏ bé, tác giả Richard Adams đã có thể vẽ nên một thế giới đồng quê rộng lớn với những khung hình lãng mạn như trong những bộ phim Hollywood dù rằng chúng chỉ là những miền quê bình thường. Và nổi bật hơn trên đó là những chiến binh thỏ với hành trình tìm miền đất mới, luôn phải chiến đấu với những thế lực thù địch và sở hữu những nét tính cách cực kỳ ấn tượng, chẳng thua kém gì loài người chúng ta. Có thể nói, “Đồi thỏ” là một áng văn đầy gợi mở, kích thích mà bảo đảm bạn sẽ nhanh chóng bị cuốn vào thế giới nhiệm màu ấy. Hãy là một đứa trẻ và là người gã trưởng thành khi đọc cuốn sách, bạn sẽ nhận ra những điều tuyệt vời ở sau mỗi trang sách ấy! Hãy đọc và cảm nhận ngay nào! Đánh giá: 9/10 At the hideaway of Qui Dinh  

Tôi không bao giờ có thể thôi niềm đam mê tha thiết dành cho những tác phẩm viết về đồng quê, viết về nông trang, viết về thiên nhiên, viết về loài vật. Chúng mở ra trước mắt tôi một không gian khác hẳn thứ không gian chật chội, bụi bặm, thiếu cây xanh, thiếu sự an hoà mà tôi và bao người nữa đang ngày ngày gắn bó. Đó là không gian của đất rộng, của trời xanh, của nắng tưng bừng, của lạnh tê tái, của những âm thanh rạo rực, đầy sức sống trên đồng, ngoài vườn, trong khu chuồng – nơi Lợn Wilbur và Nhện Charlotte đã gặp nhau, kết bạn cùng nhau, trở thành bạn thân của nhau và sống chết vì nhau. Làm thế nào để cứu mạng một chú lợn xuân mà tương lai chắc chắn sẽ trở thành món giăm bông, món xúc xích và đủ các món khác trên bàn tiệc Giáng sinh? Đó không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Đó thậm chí còn là một thử thách lớn hơn nữa – chắc hẳn nhiều người sẽ cho là vậy – khi đảm nhiệm việc cứu mạng lại là một chị Nhện hàng ngày chỉ biết nhả tơ, giăng tơ, bắt ruồi. Nhưng không phải vô cớ mà chị Nhện Charlotte ấy cam đoan với Lợn Wilbur rằng, tôi sẽ cứu sống cậu, chắc chắn tôi sẽ làm được. Tất nhiên rồi, Charlotte có sự thông thái, có đức kiên trì, có lòng tận tâm. Nhưng trên hết, nếu không yêu quý Lợn Wilbur, có lẽ Nhện Charlotte chưa chắc đã hết lòng hết sức đến thế trong nhiệm vụ giải cứu mạng sống cho bạn mình. Khi bạn chân thành thương yêu ai đó, bạn có thể làm nên những điều kỳ diệu vì người ấy. Đó là sức mạnh của TÌNH YÊU THƯƠNG, của TÌNH BẠN.

Tôi bắt đầu biết “Alice ở Xứ sở diệu kỳ” cũng có bản sách chỉ sau khi đã xem hết bộ phim. Và ngay khi biết rằng bản gốc của tác phẩm là sách, tôi đã phải ngay lập tức mua nó về. Tôi đã từng nghĩ, trước khi biết đến cuốn sách, bộ phim xây dựng mọi thứ lộn xộn là ngụ ý của đạo diễn, nhưng hóa ra những tình tiết của cuốn sách cũng vô cùng phi lý. Từ việc rơi xuống hang đến một vùng đất khác, to lên rồi lại thu nhỏ, gặp chú mèo lơ lửng Cheshire trông chẳng đáng tin cậy, Nữ hoàng Cơ… tất cả đều như một giấc mơ – một giấc mơ kỳ diệu như cái xử sở ấy của cô bé Alice, của tác giả, hay có thể là của cả những người đọc chúng ta. Lúc vừa được ra mắt, “Cuộc phiêu lưu của Alice vào Xứ sở thần tiên” được đón tiếp đơn thuần như một câu chuyện dành cho trẻ em. Nhưng dần dà khi xã hội phát triển, người người được đọc nhiều hơn, người ta cũng tranh cãi về những hình ảnh liệu có mang tính biểu tượng cho điều gì trong tác phẩm. Có rất nhiều luồng tranh cãi xoay quanh chuyến phiêu lưu của cô bé Alice và ta cũng mãi chẳng thế biết được liệu Lewis Carrol có ẩn ý gì ở phía sau câu chuyện đầy huyền diệu với những sinh vật biết nói kì lạ, những loài cỏ hoa lạ mắt. Nhưng rồi tôi có để ý đến những điều khác, rằng ở thế giới mới mẻ này, Alice không còn phải làm những điều mà cô bé không thích như phải đọc sách và những việc mà cô bé cho là hư hỏng lại chẳng hề chi. Ở thế giới, Alice được tự do bay nhảy đến đâu thì đến, nhưng rồi dường như cũng lạc lối không biết đi đâu. Cô bé muốn có một điểm đến, nhưng lại chẳng biết điểm đến của mình sẽ là gì. “Thế thì cậu cũng đâu cần quan tâm là đi đường nào. Khi cậu đã không quan tâm nơi mà mình đến rồi thì đi đường nào mà chẳng được!” Cheshire đã trả lời như thế với Alice, khi cô bé bảo rằng cô bé chẳng quan tâm đến nơi mà mình muốn đến, và có lẽ cũng là với những ai đang lạc lối, không hề có một “cái đích” cho bản thân. Tôi không biết Lewis Carrol muốn nói gì, nhưng với tôi, tôi nhận ra rằng ta có thể tự do bay nhảy và không làm những gì mình không thích, nhưng cuộc sống của ta là do chính mình lựa chọn những con đường, đừng để cho bản thân lạc lối đến mức ngay cả việc mình muốn đi đến đâu cũng không thể biết được. Nhưng rồi ở cuối hành trình ấy, cô bé tỉnh dậy khỏi giấc mơ của mình, khỏi chuyến hành trình dài và có đôi lúc thật “ngớ ngẩn” ấy. Có lẽ vì thật sự sẽ không có một nơi nào mà nếu ta cứ rong ruổi không mục đích như vậy thì vẫn sẽ đến nơi, dù cho là “nếu cậu đi đủ xa.” Rất nhiều người cho rằng những cái “ngớ ngẩn” khiến người người cười cợt trong tác phẩm lại chính là lời châm biếm đến những kẻ không thể hiểu hết “Chuyến phiêu lưu của Alice” này, những kẻ cứ tưởng nhà văn viết ra một tác phẩm trông thật “phi logic” và chỉ dành cho trẻ em. Chẳng ai biết được liệu “Alice ở Xứ sở thần tiên” có phải là cái cười ngạo nghễ của tác giả hay không, rằng chuyến phiêu lưu kỳ lạ trong giấc mơ ấy không chỉ đơn thuần là một giấc mơ của cô bé Alice? Không một ai có thể vỗ ngực tự hào kể rõ cả. Có khi lại thế, có khi không, có khi lại tùy vào cách mà chúng ta đọc tác phẩm. Vì “Everything’s got a moral” mà, nhỉ?

Alice ở xứ sở diệu kỳ và phần tiếp theo của tác phẩm, Alice ở xứ sở trong gương, là một hiện tượng kỳ lạ của văn học thiếu nhi. Có bao giờ chúng ta đọc một câu chuyện, một cuốn sách, và thắc mắc, sao những thứ mình đang đọc dường như chẳng có nghĩa lý gì cả? Cốt truyện chẳng đâu vào đâu, nhân vật vớ va vớ vẩn, chẳng có bài học gì giá trị, cũng chẳng có những cảm xúc sâu đậm... thế nhưng lại cuốn hút một cách kỳ lạ và ta tự hỏi, phải chăng ẩn dưới những thứ vô nghĩa ấy là một tầng nghĩa nào đó mà ta chưa thể khám phá lĩnh hội được? Đó là cái tài của tác giả Lewi Carroll và là điểm đặc trưng của thể loại "văn học vô nghĩa", mà hai tập truyện Alice là điển hình. Câu chuyện khởi đầu khi cô bé Alice bảy tuổi nhìn thấy một chú thỏ trắng đeo chiếc đồng hồ quả quýt chạy qua và đuổi theo. Từ đó cô bé lạc vào Xứ sở diệu kỳ (Wonderland), một vùng đất đã trở thành nguồn cảm hứng của vô vàn tác phẩm từ hội họa, âm nhạc đến văn chương. Những nhân vật và tình huống kỳ dị mà cô bé gặp gỡ trong xứ sở ấy cũng có nhiều hình tượng đã trở thành kinh điển, nhiều cụm từ, thành ngữ phổ biến quen thuộc trong tiếng Anh cũng xuất phát từ đây. Thật khó để liệt kê những ảnh hưởng sâu rộng của Alice và những nhân vật như mèo Cheshire, Nữ hoàng Q Cơ, người dệt mũ điên... đến văn hóa đại chúng, chỉ từ một tác phẩm văn học thiếu nhi. Thế mà tất cả những nhân vật và tình huống trong cuộc phiêu lưu của Alice lại hoàn toàn chẳng có logic gì cả, cứ như một giấc mộng mà khi ta ngủ thì mọi thứ đều hợp lý, nhưng khi tỉnh dậy thì tất cả hoàn toàn vô lý khi nghĩ lại. Một tác phẩm vô cùng quái dị khi suy nghĩ và phân tích sâu hơn.

Vừa vào lớp một được vài ngày, Totto-chan đã bị đuổi học!!!Không còn cách nào khác, mẹ đành đưa Totto-chan đến một ngôi trường mới, trường Tomoe – Đấy là một ngôi trường kì lạ, lớp học là những toa tàu cũ, học sinh được đổi chỗ tùy thích, muốn học môn nào trước cũng được, chẳng những thế các em còn được giáo viên dắt đi dạo ngoài vườn,… và còn rất nhiều điều lí thú khác mà các em được khám phá khi học tại mái trường Tomoe. Vào thời điểm đó, hầu như không thể tìm thấy những gì mà các học sinh trường Tomoe được học tại một ngôi trường tiểu học khác ở nước Nhật. Và người đưa ra các bài học, đề ra những tư tưởng giáo dục tân tiến và cũng là người dìu dắt, chịu trách nhiệm cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm hồn của các học sinh Tomoe không ai khác chính là thầy hiệu trưởng Kobayashi. “Totto-chan, cô bé bên cửa sổ” là cuốn truyện gối đầu giường của của nhiều thế hệ trẻ em trên toàn thế giới suốt gần 4 thập kỉ nay, những câu chuyện nhỏ bé đời thường nhưng vô cùng ý nghĩa trong cuốn sách sẽ khiến độc giả rút ra nhiều bài học đắt giá cho riêng mình.

Đó là một đêm giông bão mịt mùng. Meg Murry cùng em trai nhỏ Charles Wallace và mẹ đang ở trong bếp thì một vị khách rầy rà nhất trần đời xuất hiện. "Những đêm bão là ta khoái lắm đấy," người lạ kỳ cục bảo ba mẹ con. "Chỉ có điều ta bị luồng gió cuốn phăng đi, rồi bị thổi trệch cả đường... Ta sẽ ngồi xuống một lát, đi ủng vào và sau đó lên đường. Nói đến chuyện đường xá, nhân đây, có tồn tại cái vật gọi là khối lập phương bốn chiều, cưng ạ." Bố của Meg trong khi đang thử nghiệm du hành xuyên thời gian ở chiều thứ năm, đột nhiên biến mất vô cùng bí ẩn. Giờ đây đã đến lúc cho Meg, Calvin bạn cô, cùng Charles Wallace lên đường giải cứu ông, đối mặt với Quyền lực Bóng tối, trong cuộc hành trình xuyên qua không gian bao la đã được trí tưởng tượng kỳ diệu của nhà văn ban cho những chiều kích mới. Và đó chính là Nếp gấp thời gian, kiệt tác có tính đột phá của Madeleine L'engle cho văn học thiếu nhi thế kỷ XX với toàn bộ sự phức tạp trong quan niệm và tình cảm trong sắc thái mà nhà văn dày công xây đắp. Newbery Medal 1963, và rồi sau đó là các giải Sequoyah Book Award và Lewis Carroll Shelf Award, trên thực tế, cũng không thể nói hết tầm ảnh hưởng cũng như sự yêu mến và niềm say mê chân thành mà nhiều thế hệ độc giả trẻ thế giới đã dành cho tượng đài văn học này.

Hơn 100 năm qua, kể từ khi ra đời, câu chuyện Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio của Carlo Collodi đã làm say mê bao thế hệ trẻ em khắp thế giới. Từ nguyên bản tác phẩm, biết bao cuốn sách, bao thước phim về cậu bé Pinocchio đã ra đời ở nhiều quốc gia. Lần này, Pinocchio đến với độc giả nhỏ tuổi Việt Nam với những điều vô cùng đặc biệt và thú vị thông qua hình thức truyện tranh. Cuốn sách được minh họa bởi chính một họa sĩ người Ý, quê hương của Pinocchio - họa sĩ Tony Wolf - người đã trở nên rất đỗi quen thuộc với độc giả Việt Nam qua bộ Chuyện rừng nay sẽ tiếp tục mang đến cho các em những hình ảnh vô cùng sinh động, ngộ nghĩnh về chú bé gỗ Pinocchio. Có thể nói, chính những hình ảnh sống động ấy đã liên kết một chuỗi các tình tiết câu chuyện, tạo nên sức hấp dẫn cũng như sự li kì của chuyến phiêu lưu, khiến cho độc giả có cảm giác như đang được cùng bước vào thế giới của Pinocchio. Cái thế giới mà không đơn thuần chỉ được xây dựng lên bởi những đường nét minh họa tinh tế mà còn do sự phối màu rất hài hòa. Bên cạnh đó, với văn phong trong sáng, tự nhiên và lối kể chuyện hài hước, dí dỏm, cuốn sách sẽ tạo cho các em sự gần gũi khi cùng sẻ chia với cậu bé Pinochio những thử thách và khó khăn trên chặng đường trở thành người tốt. Ngoài ra, phần cuối cuốn sách còn dành đôi dòng ngắn gọn kèm một vài minh họa để giúp các em hiểu thêm đôi điều về tiểu sử Carlo Collodi - “cha đẻ” của kiệt tác này cũng như bối cảnh và quá trình ra đời tác phẩm. Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio không chỉ là một cuốn sách đẹp còn là một cuốn sách hay. Cuốn sách cũng sẽ trao cho các em những thông điệp quý giá về cách cư xử, về lòng hiếu thảo và sự nhân ái. Đồng thời qua đó nhắn nhủ với người lớn rằng: trẻ nhỏ dẫu có lúc hư hỏng đến đâu nhưng cuối cùng vẫn có thể trở thành người tốt, chỉ cần chúng ta kiên trì dạy dỗ, đặt niềm tin và cho chúng cơ hội!