7 quyển sách hay về bánh mì vừa giới thiệu các công thức làm bánh mì từ đơn giản đến phức tạp vừa truyền tải nhiều câu chuyện cảm động, truyền cảm hứng mạnh mẽ. Tất cả đều được viết bằng chính trải nghiệm thực tế và tình yêu bếp núc to lớn của tác giả. 

1. Sourdough Bread – Bánh Mì Men Tự Nhiên


Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của phong trào ăn uống healthy, Sourdough Bread là một cái tên không còn quá xa lạ. Là loại bánh mì xuất hiện từ hàng nghìn năm trước với đặc tính được làm từ loại men thiên nhiên, sourdough bread khẳng định chỗ đứng trong “làng bánh” mì bởi tính “healthy” của riêng mình cùng với vị ngọt tự nhiên cho dù trong công thức bánh không hề có đường mà không có bất cứ loại bánh mì nào được làm từ men công nghiệp có thể có được.

Không chỉ là một loại bánh vượt trội về dinh dưỡng, bánh mì sourdough còn là một thứ đem đến cho người tạo ra mình một thứ hạnh phúc vô hình, khó tả, chỉ có thể “cảm nhận được khi tay được chạm vào bột mì, mũi được ve vuốt bởi mùi men, lưỡi được chạm vào lớp vỏ giòn tan và ruột bánh mì dai mềm, mắt được chiêm ngưỡng những lỗ khí nở lớn khi bạn hớn hở cắt bánh” cho dù căn bếp của bạn đang vương khắp mùi bột, người đang ám đầy mùi men chua lờ lợ.

Bạn- con người yêu bếp, đang theo đuổi lối sống lành mạnh có muốn thử tự tay một lần nuôi men, làm ra một ổ bánh đòi hỏi kĩ thuật và thời gian rất nhiều này để một lần được thử cái cảm giác vỡ òa hạnh phúc như Phan Anh Esheep miêu tả trên kia?

Sourdough bread - cuốn sách đầu tiên tại VN viết về dòng bánh mì men tự nhiên được viết bởi Quỳnh Sourdough - một tác giả xinh đẹp, yêu bếp và làm bánh mì bằng cả trái tim này sẽ hướng dẫn bạn vô cùng chi tiết, kĩ càng, từ A đến Z để có thể chinh phục được loại bánh mì kiêu kì đến từ Châu Âu này.

2. Câu Chuyện Phía Sau – Bánh Mì


– Vì sao chiếc bánh vòng lại có lỗ ở giữa?

– Vì sao người ta lại ăn bánh mì làm từ rơm, đất sét và vỏ cây?

– Nền văn minh nào đã từng sử dụng bánh mì làm tiền tệ?

Để tìm kiếm câu trả lời thú vị cho những câu hỏi trên và biết thêm những điều thú vị khác, bạn hãy đón xem quyển sách Câu chuyện phía sau Bánh mì trong bộ sách Câu chuyện phía sau.

3. Biết Tuốt Về Đồ Ăn: Bánh Mì


Bột, nước, thêm một chút muối rồi bột men… Tạo ra một chiếc bánh mì mới đơn giản làm sao! Phải, nhưng… bột từ đâu ra? Từ lúa mì chứ còn đâu nữa! Thế còn lúa mì, lúa mì được trồng như thế nào? Có tôn trọng môi trường, tôn trọng Trái đất hay không? Liệu các loại bột khác nhau có chất lượng như nhau? Làm cách nào để biết được bột ngon, bột có nguồn gốc hữu cơ, lại còn được nhào nặn trong tay những người thợ khéo léo? Xê ri Biết tuốt về đồ ăn, với hình ảnh ngộ nghĩnh, màu sắc sinh động và những thông tin chính xác, rõ ràng,sẽ giải đáp mọi thắc mắc về bánh mì, để không những giúp ăn ngon hơn, mà còn biết cách chăm sóc bản thân, bảo vệ môi trường quanh được tốt hơn!

4. Kỹ Thuật Làm Bánh Ngọt – Ngọt Ngào Hương Vị Bánh Mì

Với một chiếc lò nướng bánh gia đình và một số dụng cụ, khi bạn làm đúng theo các bước hướng dẫn và công thức đảm bảo bạn luôn đi đúng đường, mùi thơm của bánh ngọt sẽ lan tỏa trong căn bếp nhà bạn.

Ngọt Ngào Hương Vị Bánh Mì giới thiệu các công thức làm bánh mì từ đơn giản đến phức tạp, cách làm bột ngàn lớp và công thức của rất nhiều loại bánh ngàn lớp đòi hỏi độ điêu luyện. Khả năng năng của bạn sẽ được hoàn thiện và nâng cao với bột, lò nướng, các loại màu ngon và đẹp mắt.

5. Bánh Mì Cô Đơn

Cuốn tiểu thuyết Bánh Mì Cô Đơn của tác giả Judith Ryan Hendricks viết về những thân phận phụ nữ hết sức đời thương. Là Wyn Morrison, biết rất nhiều nhưng không rõ mình muốn gì? Là Christine Mayle, yêu sàn diễn đến cháy bỏng, nhưng không dễ gì tìm được người đàn ông của đời mình. Là người mẹ hoàn hảo của Wyn, sau nhiều năm trời im lặng đã mở ra những tâm sự chân thành cùng con gái. Là những phụ nữ vừa bình dị vừa độc đáo ở hiệu bánh Quen Srteet. Tất cả ít nhiều đã giúp Wyn nhìn lại chính mình sau khi mải sống cuộc đời nhung lụa của một cô vợ được cưới về chỉ cốt để làm sang cho chồng.

Và rồi Wyn nhận ra rằng thứ công việc cầm cự mưu sinh ở tiệm bánh mì đã an ủi lòng cô một cách kỳ diệu và bất ngờ giúp cô một lần nữa hiểu được rằng chẳng có gì giống như trước nữa… Bánh mì nở ra, những nỗi đau dịu lại, trái tim được hàn gắn, và cánh cửa tương lai hé mở.

6. Bánh Mì Thơm, Cà Phê Đắng

Bánh Mì Thơm, Cà Phê Đắng là tập tản văn tiếp theo của Ngô Thị Giáng Uyên ra mắt bạn đọc sau hai tập: Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, Sống xanh đã xuất bản, Bánh Mì Thơm, Cà Phê Đắng viết về chuyện ăn uống trời Âu trên bước đường rong ruổi đó đây khám phá vẻ đẹp nguyên sơ tiềm ẩn của cảnh vật quanh mình.

Không phải là bộ sưu tập ẩm thực chỉn chu, có hệ thống mà đơn thuần chỉ là sự kết nối cảm xúc theo hứng khởi chủ quan của tác giả mỗi khi dùng xong món ăn mới… song cũng phần nào giúp bạn đọc hiểu thêm về tính đa dạng của văn hóa ẩm thực của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới.

7. Bread Revolution


Đây là quyển sách của người hướng dẫn làm bánh nổi tiếng, và  cũng là tác giả của App Baker – Peter Reinhart đã khám phá ra những cách thức mới trong việc nướng bánh mì, với năm mươi công thức và cách sử dụng bột mọc, ngũ cốc nguyên hạt , bột hạt, bột thay thế (chẳng hạn như teff và da nho) một cách thích hợp và đảm bảo dinh dưỡng nhất có thể.

 

Nguồn: VnWriter.net

-------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3  

 

Xem thêm

Một quyển du ký được xuất bản đâu gần chục năm rồi, nhưng vẫn rất hợp thời. Đánh giá quyển sách này là một quyển du ký âu cũng không đúng vì tác giả chủ yếu tản mạn về những món ăn cô đã từng thưởng thức trên con đường trải nghiệm ở các nước của mình mà thôi. Bởi thế nên cô có nói đây chỉ đơn thuần là sự kết nối cảm xúc theo hứng khởi chủ quan của tác giả mà thôi. Thành thật mà nói, cá nhân mình thấy quyển này chất lượng hơn hẳn những quyển du ký sau này vì ngày xưa dòng sách này không phát triển, cũng hiếm có mấy người hứng thú với đề tài này nên Ngô Thị Giáng Uyên chính là một trong những người tiên phong, chị khá đầu tư cho nội dung quyển sách. Ở bánh mì thơm cà phê đắng, Giáng Uyên tả rất kỹ những món ăn, bao gồm cả lịch sử và thành phần, nhưng đọc văn của chị không khô khan mà nó mềm mượt như nghe một người chị tâm sự về món ăn với mình vậy, không có sự khoe mẽ, chỉ có những lời tản mạn, tâm sự chân thành và đương nhiên là về những món ăn - linh hồn của cả quyển sách. Tuy văn phong của chị không đặc sắc, không cao trào gì cả nhưng mình vẫn rất thích, có lẽ thích cách chị trau chuốt cho từng con chữ và cả tình yêu mà chị đặt vào chúng, và cả về những sự so sánh giữa ẩm thực tây và ta, khiến cho chúng trở nên gần gũi hơn với người đọc nước nhà. Có lẽ chính vì thế mà quyển sách này vẫn tồn tại ở các nơi bán sách và được tái bản liên tục đến hiện nay, mình đã khá ngạc nhiên khi thấy nó vẫn còn được bày bán vì quyển tái bản lần thứ nhất mình nhớ hẳn là đã lâu lắm rồi ở tận đẩu đâu năm 2010, tức là đã xấp xỉ 10 năm quyển sách này ra đời.

“Sourdough bread” là cuốn sách được viết bởi tác giả Quỳnh Sourdough.Hàng ngày Quỳnh Sourdough nghiên cứu và tìm hiểu về ổ bánh đầy ma lực này, “lên đồng” cùng với những thử nghiệm công thức mới. Sau 4 tháng miệt mài, cố gắng không ngừng, không lúc nào người ngớt mùi bột chua thì vào một ngày mùa thu, chị nhảy lên vỡ òa sung sướng báo rằng “Em làm được rồi!” với chồng- một trong số những “thực khách” luôn kiên nhẫn trước mỗi mẻ bánh của chị. Không còn do dự, không ngóng vọng quay trở lại công việc văn phòng nữa mà Quỳnh Sourdough lại tìm thấy hạnh phúc khi được nhào bột, ủ bột, khi được hít hà mùi bánh thơm phức men tự nhiên, thăng hoa rạch từng đường bánh nở bung, ngẩn ngơ ngắm nhìn vỏ bánh mỏng giòn, ruột mềm xốp lỗ khí đều xen kẽ các loại hạt và chị không ngại khẳng định đây mới là những “Tháng năm rực rỡ” của mình. Với ngọn lửa đam mê ẩm thực luôn âm ỉ cháy trong người cùng mong muốn nhiều người biết đến dòng bánh mì chất chứa sự kì diệu của tự nhiên này, Quỳnh Sourdough bắt đầu gửi những ổ bánh mì men tự nhiên mang đậm dấu ấn cá nhân và tình yêu của chị đến khắp mọi miền đất nước. Những chiếc bánh theo từng chuyến xe tới Sài Gòn, Cần Thơ, Nha Trang, Hải Phòng, Gia Lai… và nhận được sự ủng hộ tích cực càng khiến chị tự tin với con đường mình đã chọn. Mỗi ngày, vẫn là sự tỉ mỉ chăm chút cho từng ổ bánh, vẫn lao động làm vườn chăm chỉ để có những nhánh hương thảo và hoa hồng thơm gửi tặng cả ân tình tới những người mua bánh. Quỳnh Sourdough đã thắp sáng căn bếp của mình bằng tình yêu chân thành, nỗ lực, đam mê để những mẻ bánh ra lò thơm lừng lan tỏa đến mọi người hương vị của người đàn bà yêu bếp bánh. Và rồi một lần nữa, vào mùa thu năm nay, Quỳnh Sourdough sẽ chính thức cho ra mắt cuốn sách về bánh mì men tự nhiên. Đây cũng chính là cuốn sách đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam viết về loại bánh mì đến từ châu Âu kiêu kì và khó tính này một cách cực kì chi tiết. Một cuốn sách sẽ hướng dẫn bạn từ A-Z, làm sao để tạo ra một ổ bánh Sourdough trong môi trường nóng ẩm như Việt Nam được viết bởi một người phụ nữ xinh đẹp, yêu bếp, làm bánh bằng cả trái tim thì chắc chắn sẽ trờ thành tuyệt phẩm đáng để được đón đợi rồi đúng không nào?

Quyển sách khiến tôi nghĩ về nỗi cô đơn của riêng mình. Càng buồn thêm, thế giới không một ai chung đường. Một mình ngược hướng như một kẻ lưu lạc. Bỗng thấy chuyến xe đưa ta về chốn cũ cũng chối từ một kẻ hành khất vì đông đến nghẹt thở, nhưng con người thì lại quá thờ ơ nhau, vội vã chạm mặt rồi cũng vội vã rời đi không một lời từ biệt. Hiện tại không đi liền với quá khứ, bên trong với bên ngoài đối nghịch nhau. Phải chăng thế giới cũng đang cộng hưởng vào bản nhạc trêu ngươi con người. Để đến lúc nào đó, bản thân như đã chịu đựng quá lâu mà chợt rơi nước mắt. Những giọt nước đáng trách song cũng thật đáng thương đến tội nghiệp. Dường như bị đè nén quá lâu mà giờ vỡ ra, ào ra vô vàn cảm xúc… “Bánh mì cô đơn” với dàn nhân vật nữ mỗi người một vẻ, từ mơ màng đa đoan, cá tính quyết liệt, trầm tư giản dị, đến nanh nọc cục súc, và nhẫn nại một cách đầy ích kỷ. Có thứ nữ tính ngọt ngào như mật ong sánh lăn trên lát bánh mì phết bơ, có thứ nữ tính nồng nàn như cà phê ấm sực một góc mùa đông, lại có thứ nữ tính vụng về đáng mến trong những tâm sự khù khờ, và cũng có thứ nữ tính ram rám mà cảm động đến thắt lòng.

Ban đầu khi cầm quyển sách này, tôi cứ ngỡ nội dung của nó là về chế biến các món điểm tâm. Vậy mà khi đọc thì mới biết đó đều là những tâm sự nhẹ nhàng của tác giả Ngô Thị Giáng Uyên về hành trình thưởng thức các món ăn ngon ở những vùng khác nhau. Những cảm xúc trong “Bánh mì thơm, cà phê đắng” được thể hiện một cách chân thật và nhẹ nhàng. Khi đọc cảm giác thật dễ thương, như những lời tự tình của một “chuyên gia ẩm thực”. Những lời dẫn dắt giản đơn mà đi gọn vào lòng người đọc vô cùng. Hương bánh mì thơm đã chiếm trọn tâm hồn tác giả và rõ ràng đọc xong quyển sách này, mùi hương tuyệt vời ấy cũng chiếm trọn lòng tôi. Tác giả đặt tựa đề là “phong cách bánh mì” – quả thật việc thưởng thức bánh mì đã trở thành một phong cách riêng mà mỗi người là mỗi cảm nhận. Lời kể với những háo hức và trông chờ khiến lòng tôi cũng cảm giác thích thú về một bữa sáng với “bánh thoảng mùi vani” cũng khiến cái chất thanh tao bộc lộ nơi người thưởng thức. Rất nhiều các loại bánh và món ăn khác nhau được xuất hiện trong quyển sách này như bánh Smorrebrod, xúc xích nướng, yaourt mật ong,… Còn các thức uống thì đặc biệt có trà kem và ắt hẳn là có cả café nữa. Những món ngon vật lạ ấy hiện lên khiến lòng tôi thật sự thích và muốn được một lần ăn thử các món ấy. Ngoài ra, đọc để hiểu biết thêm về các nền ẩm thực khác nhau và đặc trưng văn hóa của mỗi vùng miền. Chẳng hạn như ẩm thực Hi Lạp thì không thanh tịnh, tinh tế như những nước khác mà rất thịnh soạn, thường những bữa tối luôn đi kèm theo pilafi, món gạo nấu bông lên ninh nhỏ lửa với bơ, gia vị và nước gà luộc. Và không thể thiếu chai bia tươi Mythos làm ta chếnh choáng khi chén đẫy những món ngon lành. Cách hành văn của tác giả thực sự mềm mại và gần gũi, có chút dễ thương và làm say đắm lòng người bởi ngôn từ đa dạng. Có những câu tả món ăn khiến bạn đọc thèm chết đi được, những câu tả cảnh thì say đắm lòng người. Tình cảm của người viết cũng đong đầy như chính những thức quà của cuộc sống, đượm hồn tĩnh lặng và khiến cho ai đọc đồng cảm sâu sắc. Hồn dân tộc và món ăn xứ sở vẫn là sản vật cao quý nhất trong lòng tác giả mà có lẽ “cơm mẹ nấu” vẫn còn đó những mảnh tình yêu thương không bao giờ vơi cạn. Thấm thía lắm chứ và cũng tự hào với những câu chữ giàu tình cảm như thế.

Lúc đầu đọc lời tựa tôi đã nghĩ Wyn, tới cuối cùng, có thể quay về với chồng mình. Cuộc hôn nhân của họ có thể được hàn gắn. Nhưng hóa ra cuối cùng lại không thể, Wyn tìm được sự hàn gắn trong tâm hồn nhờ công việc làm bánh và 1 người đàn ông khác. Phụ nữ, dù thế nào, cũng phải có một công việc ổn định, có 1 niềm đam mê. Đừng trông chờ vào chồng giàu với cuộc sống hưởng thụ vì bạn không biết anh ta sẽ chán bạn và léng phéng với con khác sau lưng bạn vào lúc nào, như cái cách mà David đã làm với Wyn đó :)) Khi đọc cuốn này, bất giác tôi lại nhớ tới cuốn Lưỡi của Jo Kyung Ran. Thất tình và nấu ăn =)) 2 thứ tưởng chừng chả liên quan nhưng lại là điểm xuyên suốt cuốn sách. T không muốn trở thành một người như Won, vì tình yêu đã mất mà đánh mất đam mê của mình, đánh mất chính mình, chìm trong mớ cảm xúc tiêu cực tới cùng cực, để rồi tự hủy hoại tất thảy. Chí ít tôi muốn như Wyn, tìm được một thứ để làm mình bận rộn, và kiên nhẫn chờ một ngày những vết thương lòng sẽ tự liền lạo. Cái cũ không bỏ, cái mới khó phát sinh. Nếu David không bỏ Wyn, có lẽ cô sẽ mãi sống 1 cuộc sống nhàm chán tới vậy, không thể tìm lại được đam mê, một thứ gì đó khác có ý nghĩa với cuộc đời cô ngoại trừ tình yêu. Tình yêu trên đời không phải tất thảy. Cuộc sống, bên cạnh tình yêu, vẫn sẽ có những thứ khiến bạn vui cười, khiến bạn hạnh phúc, khiến bạn cảm thấy cuộc đời này có ý nghĩa.