Là những câu chuyện dành cho người trẻ, và đã từng trẻ, 18 quyển sách tản văn hay đẹp về ngôn từ và đẹp cả về những câu chuyện cho người đọc hồi tưởng và dễ dàng bắt gặp cảm xúc của chính mình trong từng trang sách.

 

Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng

Hãy tìm tôi giữa cánh đồng là một cuốn tản văn đẹp. Đẹp về ngôn từ và đẹp cả về những câu chuyện. Cuốn sách gồm nhiều mảng màu kí ức khác nhau của tác giả, có buồn có vui, có cả những điều tiếc nuối, mọi thứ được kể lại vô cùng nhẹ nhàng và lắng đọng. Người đọc dễ dàng bắt gặp cảm xúc của chính mình trong những câu chuyện giản dị ấy.

Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn

Có đôi khi những bộn bề của cuộc sống cuốn ta đi như dòng nước hững hờ cuốn trôi chiếc lá. Cứ thế, ta vội vã làm, vội vã ăn, vội vã ngủ, vội vã yêu và vội vã… để sống! Chắc hẳn đã không ít lần mỗi chúng ta đều thốt lên “giá như…”

Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn, đưa người đọc đến nhiều tầng của cung bậc cảm xúc, đến nhiều không gian tưởng chừng ta không thể quay về. Vừa hoài niệm, sâu sắc, vừa giản dị, chân thành, vừa quá khứ, hiện tại.

Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn cứ thế cuốn ta đi một cách nhẹ nhàng và đầy sâu lắng… Với tập hợp 40 truyện ngắn, chắc hẳn đâu đó xung quanh những câu chuyện ấy, ta sẽ vô tình bắt gặp chính ta. Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn là một quyển sách dành cho nhiều người.

Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đã thật sự là một cú đúp ngoạn mục về văn chương: Mỗi truyện ngắn nho nhỏ trong đó đã là một truyện tặng cho bạn đọc trẻ thơ, lại vừa là một truyện dành cho người lớn. Bởi chúng nhiều tầng nghĩa, giàu chất thơ, và có lẽ, bởi cả tác phẩm chính là kết quả cái nhìn độc đáo của một chủ thể thi sĩ viết văn xuôi, với động thái đắm đuối nhị nguyên rất mới lạ: vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ… nhìn ra thế giới. Và chỉ để phát hiện ra rằng ”thế giới” chính là tất cả những gì thân thuộc, thân mến nhất ngay ở trước mắt: khu vườn nhỏ cạnh cửa sổ nhà mình, cuộc sống hàng ngày êm đêm của cha mẹ, bạn bè, cô giáo, hàng xóm láng giềng kế bên, và… thật thú vị, ở ngay trong trái tim của chính mình, khiến mình phải viết… ra giấy, cho chính mình trước hết.” – TS Nguyễn Thị Minh Thái

Đong Tấm Lòng

Đây là một quyển sách không thể đọc một mạch từ đầu đến cuối được. Không phải vì dở mà vì những điều ẩn giấu sau mỗi câu chuyện là quá sâu, khiến chúng ta phải suy ngẫm để hiểu thật kĩ… Cũng có những câu chuyện Nguyễn Ngọc Tư viết để nêu lên vẻ đẹp của tình người, của sự chân chất người miền Tây… để rồi ngậm ngùi với những thay đổi theo thời gian. Cá nhân tôi thấy quyển sách này không buồn như những quyển sách khác của chị Tư, nhưng đôi lúc vẫn thấy chua xót nghèn nghẹn nơi cổ họng.

Đừng Tháo Xuống Nụ Cười

Đừng tháo xuống nụ cười – những câu chuyện dành cho người trẻ, và đã từng trẻ. Không ai sống trên đời này mà không trải qua những nỗi buồn. Với tuổi trẻ, nỗi buồn càng là một điều tất yếu, khi người ta không còn nhìn cuộc đời bằng tâm hồn ngây thơ của trẻ nhỏ nhưng cũng chưa đủ trầm tĩnh đến bình thản trước mọi thứ như tuổi xế chiều. Nhưng sau tất cả những buồn đau và hụt hẫng ấy, tuổi trẻ vẫn là tuổi đẹp nhất của đời người, cái tuổi mà người ta dám sống và dám yêu hết mình.

Đủ Xa Sẽ Cũ Đủ Lạ Sẽ Quên

Đủ Xa Sẽ Cũ Đủ Lạ Sẽ Quên cuốn sách dành tặng những cái buông tay không đành lòng. Ở bên bạn trong hành trình buông bỏ và yêu chính mình quên đi ai đó, thật ra không khó như chúng ta nghĩ. Chỉ là, đừng vì đôi khi vô tình không kìm được nỗi nhớ lại lơ ngơ nhắn tin cho họ. Đừng vì đôi khi chưa kịp bỏ đi thói quen cũ mà cứ liên tục lục lại hình ảnh của ngày xưa.

Đừng Lãng Phí Những Ngày Đẹp Trời

Đừng lãng phí những ngày đẹp trời là cuốn sách viết về những năm tháng thanh xuân đầy hoang mang, khi tâm trí ta lấp đầy bởi những câu hỏi cần lời giải đáp. Nhưng ngoài những ngày âm u, tuổi thanh xuân của chúng ta là “những ngày đẹp trời, những ngày cõi lòng an yên đến lạ; những ngày mà đến cả nỗi buồn, sự cô đơn, cũng trở nên thật đẹp.” Dù những ngày sau bạn thành công, viên mãn đến chừng nào, thì những năm tháng hai mươi cũng là quãng thời gian đẹp đẽ nhất, đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Thương Được Cứ Thương Đi

Không một chút hư cấu, cuốn sách là tập hợp những câu chuyện hoàn toàn có thật về tình thương giữa người với người trong xã hội còn nhiều ấm lạnh, được viết nên từ chính cuộc đời tác giả và từ những trải nghiệm của tác giả trên đường đời. Những câu chuyện rất giản dị và đời thường nhưng lại khiến người đọc bất giác cay cay sống mũi.

Giữa cuộc đời còn vô vàn chông chênh, cần lắm những tình thương bình dị. Để bước chân kia không quá hối hả giữa dòng ngược xuôi, để bàn tay ấy chẳng thờ ơ lướt qua những mong cầu nắm níu. Đâu đó ngoài kia, những phận đời gầy guộc vẫn đang cúi mặt. Xin hãy giữ cho mình một đôi mắt sách, một trái im trong, một tâm hồn rộng. Người với người đâu dễ phôi pha, dẫu thương bao nhiêu cũng là chưa đủ. Vậy nên, nếu còn thương được, xin hãy cứ thương đi…

Đàn Bà 30

Những năm tháng phải lòng, yêu đương, cuồng nhiệt đã trôi qua sau lưng lúc nào không nhận ra. Đàn bà ba mươi có hai cuộc sống. Một là gia đình, một là khao khát. Gia đình tức là có nơi về, yêu thương con, chăm sóc chồng, vun vén cuộc sống ít vui nhiều lo âu.

Những người phụ nữ ba mươi tất bật, bình yên và quyến rũ bởi đầy đặn, bởi từng trải, bởi thành tựu và yêu thương. Có những người quyến rũ được kẻ khác bằng cả vẻ đảm đương, an phận của mình, thật lạ. Khao khát tức là khi đã bỏ sau lưng mười năm yêu trắng tay, đã từng tha thiết, tưởng hy sinh tất cả, tưởng sẽ trời đất dài lâu, tưởng sẽ trọn đời.

Rồi tuổi ba mươi đến, càng thành đạt càng hoang mang, mình đang ở đâu, ai sẽ đến trong đời mình. Dường như đến tuổi ba mươi, đàn bà biết cách yêu, biết cách nồng nàn. Thứ nồng nàn đích thực mà tuổi thanh xuân không bao giờ chạm tay tới nổi. Những người đàn bà đang đi tới tuổi ba mươi thường hoảng hốt, những người đàn bà vượt qua tuổi ba mươi rồi thường bình yên. Bởi hiểu ra không giống như xưa, chúng ta không còn lầm lẫn giữa nhan sắc và tuổi trẻ. Và người phụ nữ nhận ra mình đẹp bắt đầu từ tuổi ba mươi, tự tin rằng những người đàn ông mình cần là những người nhận ra được người đẹp bên trong người đàn bà.

Đọc Trang Hạ, tâm đắc nhất là cô không bao giờ né tránh việc nói những điều rất thực từ tâm trạng của những người phụ nữ luôn khao khát được sống theo cách mà mình muốn chứ không bị chi phối, lệ thuộc vào những thứ khác như vẫn tồn tại ở xã hội phương Đông. Mạnh mẽ, quyết liệt nhưng vẫn rất nồng nàn, quyết rũ.

Buồn Làm Sao Buông

Buồn làm sao buông của tác giả trẻ Anh Khang cuốn hút mình ngay từ cái tên của nó. Sách viết về tình yêu, Anh Khang đã bộc bạch ra những lời đi vào lòng người ta, thấm thía vào lòng những người “đồng cảnh ngộ’’. Bởi vì yêu, dẫu có mỏi gối muốn ngừng chân, nhưng năm tháng vội vã, nào chờ đợi bất cứ ai, ta lạc nhau giữa thành phố cả triệu người. Nặng lòng với những ngày cũ, đan xen muôn vàn cảm xúc có nồng nàn, có dịu dàng, có biết mấy thương yêu, và hanh hao dáng hình của những ngày đã cũ.

Mẹ, Thơm Một Cái

“Anh nằm dư một tuần trong bụng mẹ, bởi không chịu rời khỏi mẹ,

tôi nằm thiếu một tuần trong bụng mẹ, bởi muốn sớm nhìn thấy mẹ

Thằng út nằm trong bụng mẹ không thiếu ngày nào bèn nhảy ra, bởi đã hẹn với mẹ.

Ba anh em, từ trong bụng mẹ, đã yêu thương mẹ theo cách của riêng mình.”

Không cần nhiều lời hoa mỹ, lòng yêu thương mẹ của Cửu Bả Đao đầy ắp những trang anh viết trong giai đoạn bên giường bệnh người mẹ. Tình cảm thiêng liêng đó vốn chẳng riêng ai, thật dễ lan truyền tới mỗi chúng ta, nên mỗi khi mở cuốn sách này ra, tim ta lại rung lên những nhịp xốn xang về Mẹ.

Bánh Mì Thơm, Cà Phê Đắng

Bánh Mì Thơm, Cà Phê Đắng được giới thiệu là tập tản văn viết về chuyện ăn uống trời Âu đầy cảm xúc. Những mẩu chuyện ẩm thực nho nhỏ chẳng vướng bận những quy tắc chuẩn mực khi viết về đồ ăn mà chỉ là cảm nhận cá nhân với những góc nhìn tinh tế khi tìm kiếm và thưởng thức những món ngon. Một chút sắc sảo, một chút nữ tính trong cách kể, cách tả biến Bánh Mì Thơm, Cà Phê Đắng thành một cuốn catalogue về ẩm thực bằng từ ngữ, câu chữ đầy chất gợi hình. Và rồi trước những trang sách, người đọc có thể hình dung ra những trái berry căng mọng, những sớ cá biển trắng phau, những con tôm đỏ au hay những lát mực giòn sần sật…

Ngôn ngữ nhẹ nhàng, giản dị và giàu cảm xúc, Bánh Mì Thơm, Cà Phê Đắng gần gũi tựa như lời tâm tình trong một buổi chiều với tách cà phê trong cái quán nhỏ. Hơn thế, Bánh Mì Thơm, Cà Phê Đắng tựa như một lời động viên, một sự thôi thúc ra đi để trải nghiệm những chân trời mới đầy màu sắc và sự độc đáo. Cứ đi, cứ dừng, cứ trải nghiệm… để rồi sau cùng người đọc nhận ra hồn quê với tâm thức Việt Nam vẫn là thứ duy nhất còn đọng lại, bởi, dù có đi bốn phương trời thì vị quê hương vẫn chẳng thể lãng quên.

An Nhiên Mà Sống

Tập tản văn An nhiên mà sống là một tập hợp những ghi chép của MC Lê Đỗ Quỳnh Hương trên trang mạng facebook. Từng là cây bút cộng tác với các tạp chí khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Quỳnh Hương đã từng có nhiều bài viết, truyện ngắn được đông đảo độc giả biết đến. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, cô quyết định xuất bản một tập sách của riêng mình. Những bài viết của Quỳnh Hương giản dị nhưng chứa đầy ý nghĩa sâu sắc, nhân văn, tràn ngập tinh thần lạc quan, được đúc kết từ những trải nghiệm trong cuộc sống, công việc của chính tác giả.

Đọc quyển sách này, bạn sẽ khám phá ra một khía cạnh khác của MC Quỳnh Hương, một người mẹ, một người con trong gia đình, một cô sinh viên nhạc viện, một phụ nữ tinh tế, bản lĩnh và cũng hết sức dịu dàng.

Ai Cũng Có Một Khoảng Trời Giấu Kín

“Dù thế nào, em hãy cứ hướng về phía trước, chầm chậm, chậm như hơi thở của em. Chỉ cần việc em thở, cũng là một bước tiến về phía trước rồi. Em không cần phải tiến về phía mặt trời, em chỉ cần tiến về phía trước mà thôi.”

Không giống như những cuốn tản văn lãng mạn khác, Nguyễn Khánh Linh (Admin Beautifulmind VN) đưa vào cuốn sách nhỏ của mình những phân tích tâm lý vừa sắc bén nhưng cũng đầy thấu hiểu, cảm thông như một chuyên gia tâm lý thực thụ về những vấn đề chúng ta vẫn gặp phải hàng ngày nhưng chưa từng một lần nói ra. Có những câu chuyện tưởng chừng như thật nhỏ bé, thật hiển nhiên nhưng để lại những vết hằn sâu trong lòng đến mãi những năm tháng sau này. Tuy nhiên cuốn sách này lại chia sẻ với chúng ta những điều nhỏ bé đó, với sự chân thành và thấu hiểu, để những “nặng trĩu” vô hình đó vơi đi.

Khóc Giữa Sài Gòn

“Tôi tin rằng ai đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn, đều khó có thể rời bỏ nó mà không lưu luyến, vấn vương. Nó không đơn thuần là một mảnh đất, nó là ký ức, là ước mơ, là hoài bão của rất nhiều người. Nhưng, tôi cũng tin rằng những ai sống ở Sài Gòn, cũng đã từng có một lần khóc giữa Sài Gòn.”

Bức tranh hiện thực, với những gam màu xám lạnh về Sài Gòn của tác giả chuyên về những đề tài gai góc, Nguyễn Ngọc Thạch.

Sẽ Có Cách, Đừng Lo

Tản văn Sẽ có cách, đừng lo với lối viết gần gũi, những tự sự, trăn trở về tình yêu, chuyện đời – chuyện người. Cuốn sách như một người bạn động viên tác giả cũng như đem lại niềm tha thiết yêu cuộc sống cho độc giả, thể hiện năng lượng sống tích cực khi đứng trước những điều tưởng chừng như rất khó vượt qua.

Đường Về Nhà

Cũng chẳng có gì đâu. Chỉ là chuyện một cô gái trẻ quyết định năm nay không về nhà ăn Tết bằng cách thông thường nữa. Nhà cô cách trường 3.395 km. Cô đạp xe từ mùa đông Bắc Kinh cóng buốt về mùa xuân Hà Nội ẩm ướt. Dưới cái lạnh âm độ C, dưới mưa tuyết, dưới sương mù dày đặc, cô đạp xe dọc theo những đường nội hạt, đường vành đai, đường quốc lộ, đường đồi núi cheo leo, đêm tối ngủ nhờ dưới mái nhà của những con người hào hiệp hoặc trong một nhà trọ tồi tàn. Có ít nhiều gian nan, có vài lần hung hiểm, có đôi bận chực nản chí, chân cô guồng rất nhanh nhưng đôi mắt và trái tim cô thả chậm, để cảm nhận bao con người, bao câu chuyện, bao cuộc đời và quan trọng nhất là bao tấm lòng.

Tất cả những người biết chuyện này đều bảo cô điên thật rồi. Nhưng chuyện thật cũng có gì đâu, chẳng qua “Nếu không điên bây giờ thì sau này sẽ già mất..”

Em Chưa Từng Chạy Trốn Cô Đơn

Hãy cứ yêu, cứ tổn thương, cứ vấn vương nhưng đừng quá đau khổ. Hãy cứ cười những nụ cười thật rạng rỡ, giữa những đau thương vẫn thản nhiên đón nhận.

Cuộc đời không dài rộng để dồn chính mình vào bế tắc. Dù món quà của tuổi trẻ mở ra toàn những cô đơn, bất hạnh, những nỗi đau không mong muốn, thì đó cũng chính là những gì bạn cần phải trải qua trong đời, để rồi thầm cảm ơn những phút giây bình yên, trân trọng hơn những hạnh phúc sắp đến.

Em chưa từng chạy trốn cô đơn giống như một lời “tuyên bố” hùng hồn, mạnh mẽ của một người con gái đã trải qua nhiều thăng trầm tuổi trẻ, vẫn “hồn nhiên” đứng vững.

Nguồn: Vnwriter

------------

Theo  dõi  fanpage  của  Bookademy  để  cập   nhật    các    thông    tin    thú    vị    về    sách    tại    link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham    gia    Bookademy    Team    để    có    cơ    hội   đọc   và    nhận    những    cuốn    sách    thú     vị,    đăng    ký    CTV    tại    link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

 

Xem thêm

“Chỉ cần mở cửa lòng mình, bước xuống đời, đi thật chậm, quan sát thật sâu, chúng ta sẽ thấy chật cứng quanh mình những phận đời cúi mặt đang cần một bàn tay nắm.” Giản dị mở đầu cuốn sách của mình bằng dòng chia sẻ mộc mạc trên, thế rồi Hồng Hải đã dẫn lối độc giả vào những câu chuyện, cũng chính là những nơi anh đã dừng chân, chậm lại, đưa tay nắm lấy những bàn tay khác đang chờ đợi, đang rụt rè, đang băn khoăn hay còn đang ẩn mình lại với cuộc đời. Hồng Hải bộc bạch: “Thật ra, tôi không phải một nhà văn. Tôi chỉ là một người kể chuyện, kể chuyện đời mình, kể chuyện đời kẻ khác sau những cuộc đi, cuộc tiếp xúc”. Chắc cũng bởi vậy mà truyện của anh gần gũi như hơi thở, quen thuộc như gió mây, và thật như đất cỏ. Đặt cho cuốn sách nhỏ một chiếc tên dịu dàng “Thương được cứ thương đi”, Hồng Hải viết về cuốc xe ôm, sạp hàng nhỏ, cậu trai bên đường, người đàn ông Hàn Quốc, nhóc bán vé số, một gia đình trong bệnh viện dành cho người mắc ung thư… Những phận đời mà mỗi chúng ta đều có thể bắt gặp bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu. Chỉ khác ở chỗ, chúng ta buông một tiếng thở dài xót thương rồi bước qua, còn Hồng Hải dừng lại. Anh không dừng lại để ban ơn. Ở mỗi bến dừng ấy, anh thu lại cho mình những câu chuyện giản đơn mà đẹp diệu kỳ như cổ tích, những bài học quý báu hơn mọi tiền vàng, và niềm hạnh phúc nghẹn ngào, “cái hạnh phúc được-làm-một-người-có-giá-trị, dù chỉ cho một người”. Những bài học từ cuốc xe ôm từ người đàn ông tật nguyền. Là sạp hàng kinh doanh nhỏ từ thời con sinh viên của chính mình. Là cậu trai bị tai nạn bên đường và thái độ của những người xung quanh. Là người đàn ông Hàn Quốc có cha từng tham gia chiến trận tại Việt Nam. Là cậu nhóc bán vé số nhưng già đời và rất hiểu chuyện… Xuyên suốt cuốn sách, ta thấy một cái cúi đầu rất khiêm tốn của tác giả. Anh từng mời cơm hai mẹ con chú bé xa lạ dắt díu nhau đi thi Đại học, từng đòi chở thay người xe ôm tật nguyền, từng trao cho chàng tử tù cái ôm thật chặt trước giờ hành quyết… nhưng lại chưa từng tỏ ra một chút bề cao trước những phận đời ấy. Trước họ, anh như cậu học trò nhỏ, đang chăm chú ghi trọn từng bài học của cuộc đời. Anh cẩn thận nhắn nhủ độc giả, cũng mộc mạc như trải lòng với những người bạn thiết thôi: “Làm việc thiện để tích phước có nghĩa là bạn không trao hay cho gì cả. Chỉ là gởi tiết kiệm mà thôi”. Hay: “Tôi luôn tự an ủi rằng không ai muốn trở thành người xấu, chỉ có thể họ không đủ bản lĩnh để vượt qua nghịch cảnh và cám dỗ, một lằn ranh mỏng. Và điều đó thật đáng thương. Tôi không cao thượng, tôi chỉ là kẻ biết thương bản thân mình nên luôn tìm cách nhìn cuộc sống thật đẹp, nhìn con người thật trong”. Đọc "Thương được cứ thương đi", rưng rưng trước những trải lòng và nhắn nhủ của Hồng Hải, bất giác nhớ tới câu hát của ông hoàng nhạc pop Michael Jackson khiến cả thế giới nghẹn ngào: “Heal the world Make it a better place For you and for me and the entire human races.” Phải chăng, Hồng Hải, với trái tim chân thành và bàn tay nồng ấm, cũng đang hàn gắn thế giới, từ những vụn vỡ nhỏ bé, những lỗ thủng khuất lấp, những vết rách khó thấy nhất. Và đáng trân quý hơn cả, anh đã khiến cho bạn đọc nhận ra rằng, mỗi chúng ta đều có thể là một người-hàn-gắn tuyệt vời, chỉ cần chúng ta mở rộng trái tim và tâm hồn ra mà thôi…

“Cuộc đời vốn nhiều nỗi buồn, hẳn vậy. Có điều, tôi lại dành khá nhiều nỗi buồn của những ngày còn trẻ cho duy nhất một điều – là Tình yêu. Nghe qua có vẻ vị kỷ, bởi ngoài kia còn biết bao điều đáng để chùng chân, nặng lòng và nghe nước mắt lưng tròng rơi, tại sao cứ phải cố chấp vì tình yêu đã cũ mà tự làm mòn xói đi cảm xúc của mình? Chắc bởi vì có những ký ức dù đã hao gầy cách mấy nhưng giống như không khí vậy, cứ phải nhắc đi nhắc lại, tựa hơi thở một phút phải đủ chừng ấy lần. Chỉ cần thiếu mất sẽ không thở được, thậm chí phải ngừng nhịp tim đi. Thế nên, chừng nào còn thở là chừng ấy còn nhớ và buồn. Đều đặn. Bình lặng. Kiên tâm.” Vốn dĩ là một người không hay đọc những tản văn miên man đầy cảm xúc, vậy mà khi cầm trên tay cuốn “Buồn làm sao buông”, tôi như bị cuốn theo những dòng chữ, câu văn đầy xúc cảm, nhẹ nhàng và sâu lắng. Ngay từ cái tên, ta đã có thể mường tượng ra cảm xúc chủ đạo xuyên suốt các tản văn là những nỗi buồn vấn vương, những hoài niệm đáng nhớ, những ký ức còn chưa kịp đóng bụi. Đó là những “Duy”, “Hướng về phía người thôi, “Có một người vẫn đợi”, “Buông tay là hết”, “Cam tâm không đánh”… Bạn sẽ thấy đâu đó len lỏi trong những câu văn là mình ở đó, lạ mà như rất quen. Đó có thể là những cảm xúc rất quen mà ai ai cũng có thể từng có, nhưng nhờ Anh Khang mà những xúc cảm thân quen ấy được đúc kết thành những câu chữ, vần thơ đầy tinh tế và giàu chất nghệ thuật. Điều đặc biệt ở văn Anh Khang là thứ cảm xúc rất trong trẻo, tinh tế nhưng lại khiến người đọc như thấy được chính mình trong từng trang sách. Nếu vô tình bắt gặp cuốn sách này ở một nơi nào đó, nếu có thể, đừng vội chỉ lướt qua. Bạn hãy thử cầm nó lên, và đắm chìm trong những câu chữ Anh Khang. Và hãy thử xem bạn có cùng những cảm nhận như bản thân mình không nhé ? “Có những nỗi buồn ta quẩn quanh trong ấy, có những kỷ niệm dù thiết tha đến vậy hay có những con người ta đắm say cách mấy, cũng phải đến ngày học cách buông tay. Vì bạn biết đó, chúng ta chỉ có hai tay, nếu cứ dùng dằng níu kéo những điều đã mất thì còn sức lực nào nữa để nắm thật chặt thật chắc hạnh phúc? Phải học cách buông bỏ nỗi buồn để đôi tay thảnh thơi mà nâng chiều niềm vui sắp tới… Bởi buồn hay vui, buông hay giữ, đều do ở lòng mình!”

“Tôi vẫn còn nhớ mẹ thường hay nói với tôi, khi một ai đó buồn họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn, nhưng người khác lại vui hơn. Và đừng bao giờ quay lưng lại với một con người như vậy. Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu giường. Họ cần mỗi buổi tối ghé lại ngồi với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không.” _ Quyển sách này là tác phẩm đầu tiên mình đọc từ tác giả Nguyễn Ngọc Thuần. Thú thật, có lúc mình đã ái ngại đọc thêm sách từ các tác giả Việt. Từ lâu rồi không ai có thể đem lại cho mình cảm giác trong trẻo như khi đọc sách của bác Ánh, để rồi hôm nay hoàn toàn bất ngờ với quyển sách này. Thật thiếu xót khi tự bỏ qua một quyển sách hay như vậy. Không phải là quyển sách có dung lượng quá dài nhưng “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” mang cho mình rất nhiều niềm vui khi đọc. Đôi lúc bắt gặp bản thân trong hình hài của cậu nhóc 10 tuổi tinh nghịch và tò mò. Cuộc hành trình khám phá cuộc sống muôn màu, mà ẩn dưới sự hồn nhiên đó là những bài học thật đáng quý, thật trong trẻo. Mình đã biết thêm rằng niềm vui không ở đâu xa mà ở ngay trên thân thể lành lặn này, rồi hiểu được nỗi buồn từ những người không còn đầy đủ thân thể. Thậm chí trong chính cái tên mỗi người cũng là một câu chuyện riêng tư dễ thương: “Theo bố tôi, cái tên quan trọng lắm bởi nó là cái tiếng đẹp đẽ nhất mà người ta sẽ gọi trong suốt cuộc đời một đứa trẻ. Đứa trẻ này khác với đứa trẻ kia trước tiên là một cái tên. Khi nhớ một cái tên tức là ta nhớ về một con người có cái tên đó… Khi mình lớn, cái tên vẫn đi theo. Mình sẽ giữ nó như một kỷ niệm về người bố và người mẹ. Đó cũng là tình cảm ưu ái mà bố mẹ muốn dành cho.” Nguyễn Ngọc Thuần đã chọn cách kể quá đỗi khéo léo, thế nên các nhà văn trong nước đã ưu ái mà gọi đây là “Hoàng tử bé” của Việt Nam. Mình rất thích cách dùng từ của tác giả cũng như cách dùng những hình ảnh so sánh, rất ấn tượng. Nhà xuất bản Trẻ cho tái bản cuốn này và mình đã mua lập tức vì bìa quá đáng yêu. Chất giấy đã cải thiện nhiều, mình thấy không riêng quyển này mà hầu như số sách gần đây mình mua từ Trẻ là giấy như vậy, mấy quyển mới ra của bác Ánh và cô Tư cũng vậy. Điều mình thích về quyển sách này không chỉ dừng ở đó, nó mang lại nhiều niềm vui vì mình có thể nói về nó với người thân hay bạn bè. Bởi nội dung này không kén người đọc và cũng không giới hạn độ tuổi. Mình đọc thử quyển sách này cho dì nghe, dì khen sách hay và hôm sau bắt mình phải ngồi đọc tiếp. Dì mình không đọc sách nhưng dì đã thích quyển sách này đó. Về chuyện vì sao mình mua quyển sách này, lúc đầu định là mua cho cháu mình, định tập cho các bạn ấy đọc sách. Bây giờ quyển này đang ở trong tay các bạn ấy rồi. Cảm ơn các cậu đã đọc bài chia sẻ dài dòng này, chúc các cậu có một ngày hạnh phúc. – Bạn San  

Đã bao giờ bạn tự hỏi mình sẽ sống đến bao nhiêu tuổi hay chưa? 70; 80; 90 hay 100 tuổi? Trong ngần ấy thời gian đủ để bạn làm những gì và những gì bạn chưa làm được? Lo lắng cho việc học, hối hả kiếm tiền, những giấc ngủ chập chờn thế thôi cũng đủ khiến ta đau đầu. Lúc đó phải làm gì? Ta vẫn cứ tiếp tục nghĩ nhưng thời gian chẳng đợi ta đâu. Nó cứ thế nhẹ nhàng lướt qua, nhanh như cắt, chẳng đợi ai chờ ai khiến nhiều lúc bạn phải thốt lên: “Chao ôi giá như!” Thật may mắn, “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” chính là chìa khóa cho thắc mắc bấy lâu. Bản thân tôi thực sự rất yêu thích cuốn sách này và nó đã thay đổi suy nghĩ của bản thân tôi rất nhiều. Tác giả của cuốn sách có bút danh là Phạm Lữ Ân. Và đó cũng là bút danh chung của cặp vợ chồng Đặng Nguyễn Đông Vy và Phạm Hữu Luận và đồng thời cũng chính là tác giả những bài viết nhẹ nhàng nhưng sâu sắc trên Chuyên mục Cảm thức của Bán nguyệt san 2! (số Chuyên đề của báo Sinh Viên Việt Nam) ngày xưa. Nhẹ nhàng mà sâu lắng đó cũng chính là yếu tố chính xuyên suốt tác phẩm “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”. Những bài viết được kết tinh từ những trải nghiệm trong cuộc sống của cả vợ chồng tác giả nên nó rất giàu tính triết lý lại vừa giàu tình cảm. Nội dung từ cuốn sách chân thành đến nỗi khiến nhiều lúc ta tưởng chừng như đang đọc một cuốn tự truyện và nhân vật chính là tác giả vậy. “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” là tuyển tập 40 bài tản văn nho nhỏ về rất nhiều khía cạnh của cuộc sống. Một cuốn sách chưa tới 300 trang nhưng mỗi mẩu chuyện đều để lại trong mỗi chúng ta bao suy ngẫm đáng nhớ. Các chủ đề chính trong cuốn sách đều bắt nguồn từ cuộc sống nên khá là quen thuộc nhưng mang đậm tính triết lý. Dẫu là vậy nhưng các mẩu chuyện lại không hề khô khan, mang tính giáo điều và dường như ta cảm nhận được sự dung dị, dạt dào cảm xúc, nó thấm sâu trong ta đến lạ. Được như vậy là nhờ sự cảm nhận tinh tế của tác giả qua một lăng kính khác hoàn toàn mới mẻ. Đó là 1 cuốn sách tuyệt vời cho bất cứ ai. Quyển sách dường như không dành cho riêng một lứa tuổi nào cả. Dành cho những chàng trai, cô gái tuổi thiếu niên chưa nhiều trải nghiệm: Học cách chia sẻ và yêu thương; dành cho những chàng trai, cô gái khi đã trưởng thành: Làm sao để tìm ra mục đích đời mình và sống hết mình với nó; dành cho cả những chàng trai, cô gái năm nào đã trở thành cha mẹ: Biết cách giữ cho con mình một mái “Nhà” bình yên và ai bất cứ ai thấy tâm hồn đang tổn thương, đau đớn có thể xem đây là một liều thuốc giảm đau và làm dịu đi những vết thương ấy, làm cho lý trí trở nên thoải mái và đưa ta đi đúng hướng, hướng mà ta luôn mong đến từ khi còn ấu thơ. Mới cầm cuốn sách thôi mà tiêu đề đã gợi lên trong ta bao suy nghĩ. Mỗi câu chuyện, mỗi câu văn tác giả dường như tái hiện lại trước mắt ta một triết lý, một quan niệm nhân sinh mặc dù cơ bản ai cũng biết nhưng đôi khi chính mỗi người vì một lý do nào đó mà quên mất hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh mà làm ngơ. Cách dẫn dắt rất bình dị vô cùng, nhưng cũng lôi cuốn không kém. Lấy sách ra đọc từng mẩu chuyện, đọc một lần rồi hai lần rồi đến ba lần rồi nhiều lần nữa, từng câu chữ như thấm sâu vào trong trí óc của chúng ta.Gấp cuốn sách lại ngẫm nghĩ, sau một thời gian lại lấy ra đọc một mẩu chuyện khác, cứ thế mà đã đọc hết quyển sách rồi nhưng những dư âm vẫn còn mãi còn mãi và chúng ta cứ muốn đọc đi đọc lại nhiều lần và thêm nhiều lần nữa. Đó là 1 cuốn sách có sức lan tỏa mạnh mẽ. Quyển sách như đã chạm trực tiếp vào trái tim người đọc vì mọi câu chuyện, mọi sự kiện ta cảm thấy như đã từng diễn ra trong cuộc sống của chính mỗi độc giả. Tình bạn, tình yêu hay những suy luận vô cùng sâu sắc về định nghĩa “nhà là gì?”, tất cả len lỏi vào trái tim bạn đọc thật tự nhiên bằng lối viết nhẹ nhàng, dung dị mà thâm ý sâu xa. Thực sự mỗi chương là một bài học về nhận thức cho bất kì ai những người từng cầm cuốn sách lên và thưởng thức nó. Trong cuộc sống với bộn bề lo toan và vô vàn cạm bẫy này tưởng như xô đến và nuốt lấy chúng ta, con người ta cần sống với những suy nghĩ đẹp hơn, văn minh hơn. Và cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” đã đi giúp chúng ta gỡ từng nút thắt, từng câu chuyện, từng bài học lắng đọng dần lại trong tâm trí người đọc. Khi đọc “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” tôi vẫn còn ấn tượng mãi với câu nói: “Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi. Thời gian làm tuổi trẻ đi qua nhanh lắm, không gì là mãi mãi, nên hãy sống hết mình để không nuối tiếc những gì chỉ còn lại trong quá khứ mà thôi”. Liệu khi biết rằng “trăm năm là hữu hạn” liệu bạn vẫn cứ buồn bã và chấp nhận với thực tại để rồi lệ tuôn và tim băng lạnh? Với tôi câu trả lời chắc chắn là không. Tại sao ư? Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đều cho ta một bài học đáng giá. Bạn ạ! Vấp ngã dạy cho ta bắt đầu nhìn cuộc sống bằng một ánh mắt khác. Đôi mắt ấy có thể trở nên tinh tường hoặc mù quáng, điều đó phụ thuộc vào chính bản thân ta. Bạn đóng lại rất nhiều cánh cửa chỉ vì sự nhu nhược của bản thân. Bạn không nên lãng phí thanh xuân của bản thân như vậy. Thời gian vội vã lao đi; cơ hội nảy sinh rồi tan biến… Vậy mà bạn vẫn chờ đợi và không dám thử cũng như những con chim non có đôi cánh mà đang sợ không dám bay lên. Cảm ơn tác giả Phạm Lữ Ân đã tốn không biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm để nhào nặn nên khối ngôn từ khiến cho ra tác phẩm hết sức cuốn hút và sâu sắc như vậy. “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” như dòng nước, còn ta sẽ là những chiếc thuyền. Nó cuốn ta đi nhẹ nhàng và sâu lắng như thế đấy, giúp bản thân mỗi chúng ta có lạc quan hơn về cuộc sống để ta biết phấn đấu hết mình vì những điều phía trước. Nó giúp ta có thêm lòng dũng cảm đương đầu và đón nhận vô vàn gian lao trắc trở phía trước của cuộc đời. – ‎Đạt Trần

“Đong tấm lòng” là một tập tản văn ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, viết về những chuyện đời đáng suy đáng ngẫm, viết về cuộc sống khổ cực của những người nghèo, người nông dân quê, tiểu thương nghèo,... Những con người nhỏ bé giữa dòng đời rộng lớn. Nhiều người biết đến Nguyễn Ngọc Tư mà không đọc văn cô Tư tại văn cô đọc xong buồn quá, thấy chênh vênh và tăm tối. Thật ra thì tôi cũng từng nghĩ như thế. Nhiều người nói cô Tư có yêu gì miền Tây đâu, cớ sao lại viết về miên Tây đầy u buồn như vậy. Nhưng như cách mà tôi đã từng nói khi viết về “Cánh đồng bất tận”, phải vì yêu lắm Nguyễn Ngọc Tư mới viết nên những điều đó, viết cho một sự đồng cảm, thấu hiểu, viết thay cho lời yêu thương. Những điều cô Tư viết trong tập tản văn “Đong tấm lòng”: những vụ bạo hành đánh đập nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ, những giá trị ảo khiến con người ta mê muội lạc lối, nơi tình người vơi đi mà người ta chỉ chú ý đến giá trị vật chất trước mắt,... Đấy đều là những sự việc thực sự xảy ra, đều là cái sự thật tuy ta có trốn tránh đến đâu thì nó vẫn dửng dưng ở đó đến đáng sợ. Sự thật trong “Đong tấm lòng” hay cả những tập truyện khác của Nguyễn Ngọc Tư không giống một ngọn lửa mới bén cháy phừng phừng giận dữ mà nó cháy lâu và âm ỉ hơn, chậm rãi từ tốn bén vào lòng mỗi chúng ta. Đọc “Đong tấm lòng” hẳn ta sẽ không khỏi thấy lòng mình trống huơ, buồn bã, đầy những nặng trĩu và những giọt nước mắt. Nhưng cũng giống như tôi đã từng nói như khi review một cuốn sách khác, đánh đổi để biết được sự thật, để hiểu được cách mà xã hội đối xử với từng chúng ta và cách chúng ta đáp lại thế giới, có lẽ cũng đáng để thử một lần. “Đong tấm lòng” cho ta những câu hỏi, rằng rốt cuộc thì tấm lòng con người có thể sâu đến đâu?

Đủ xa sẽ cũ, đủ lạ sẽ quên – một tựa sách buồn làm nên tên tuổi của Khải Vệ. Nhiều người hỏi: cái tên nghe lạc quan mà sao tôi nỡ nói buồn? Cũng bởi sau buồn thì ta mới lạc quan được chứ. Ẩn sâu sau những trang sách nhẹ tênh dòng chữ kia là những giọt nước mắt, những lời tâm sự nặng trĩu tâm tư. Những câu chuyện tình dang dở như rút trọn tâm can thả vào những trang truyện, những được – mất trong đời rất xót xa, những ghen tuông, hờn giận mà không ai chịu mở lời làm lành trước, những lần day dứt nỗi lòng, từ bỏ một người mình theo trọn cả thanh xuân, những cái hôn thật sâu mà người kia chẳng còn cảm giác rung động nữa, những câu hỏi dằn vặt không lời giải đáp. Thế nhưng, giữa những dòng tâm tư rất buồn của Khải Vệ vẫn có đâu đó chút ánh sáng của lạc quan. Bước ra khỏi tình yêu là bước ra khỏi đổ vỡ, bước ra khỏi cảm giác bị bỏ rơi trong chính mối quan hệ của mình, là bước vào nhịp sống vội vã ngoài kia. Chia tay là xa nhau, thế nhưng xa lâu ngày hình bóng kia sẽ cũ mèm mà phủ màu thời gian, ta cũng dần cảm thấy xa lạ với những ký ức đó, lạ rồi thì tội gì phải nhớ? Bạn cứ đọc đi, rồi bạn sẽ bắt gặp những khái niệm tình yêu rất lạ trong cuốn sách này- những khái niệm mà có thể trước đây bạn chẳng bao giời để ý tới, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh cuộc tình chông chênh của mình ở đâu đó trong những dòng tâm tư kia. Biết đâu bạn sẽ tìm được cách gải quyết vấn đề của chính mình sau những trang sách, bán sẽ mạnh mẽ quên, mạnh mẽ chấp nhận, mạnh mẽ yêu và đến lúc cần thì lại mạnh mẽ buông tay.

Viết được một bài viết nhỏ để nói lên cảm xúc của mình, và được người đọc cảm nhận, có lẽ cũng là một điều hạnh phúc. Và đây là một đoạn như vậy: “Tập sách làm tôi có cảm giác trong một chiều nắng quái, giở quyển từ điển dày cộp ra bất chợt bắt gặp một cành hoa ngày cũ, và mình chợt vui chợt buồn nhớ lại những lúc run rẩy, lúc nâng niu một khoảnh khắc, chợt ngửi thấy mùi cỏ khô trên đồng một đêm trăng lên trong tranh Levitan. Và cổ họng chợt nghẹn đắng trong một cảm giác dịu ngọt. Hãy tìm Đông Vy, giữa cánh đồng.”(Lê Thúy Hà, Hà Nội) Các truyện ngắn “Tonic và chocolate nóng”, “Tạm biệt Rainy”, “ Thánh đường xưa”, những bài tản văn “Lá cuối năm”, “Ký ức đồng dao”, “Nhà có cửa hông”… được in trong sách vẫn được tiếp tục đưa và lưu giữ trên mạng. Chúng được biết nhiều hơn cả tên tác giả đã viết ra. Khoảng đời trong bài viết của tác giả cho dù rất riêng nhưng sao thật gần gũi với những ai từng có một quê nhà để mà nhớ. Ở đâu đó là khói đốt lá vào một buổi chiều cuối năm làm cay đôi mắt, một trận mưa dầm ngồi trước hiên nhà nhìn bong bóng nước, nhẩm trong miệng một bài ca dao. Những người ông, người bà già yếu thương yêu con cháu và tình thương càng đậm đà hơn ở tuổi gần phải chia xa… Cảnh nghèo nhưng thanh sạch, tình yêu thương với những người lỡ đường… Tất cả là ký ức nhưng nhìn qua đôi mắt đầy xao xuyến, trái tim đầy nhân hậu. Người ta có thể nhìn ra một góc tâm hồn tác giả, và có lẽ nhờ đã viết một cách chân thật với lòng mình, những câu chuyện gửi gắm có thể vượt qua cảm xúc riêng để biến thành cảm xúc của người đọc. Đó là sức mạnh của quyển sách.