Bỉ Vỏ
Xem thêm

Tám Bính, nhân vật của Nguyên Hồng, so với Kiều, với Vũ Nương hay tiểu Thanh lại càng gần gũi hơn nữa. Vốn xuất thân là một cô gái nhà nông hiền lành, dáng vẻ ưa nhìn, lại vì yêu, vì sự nhẹ dạ của bản thân mà năm lần bảy lượt đưa mình rơi vào cảnh ngộ éo le, đắng chát. Người ta có thể trách Bính quá nhẹ dạ, khờ khạo đến ngu ngốc vì sự cả tin khiến Bính năm lần bảy lượt bị lừa, lần nào cũng để lại những hậu quả làm thay đổi cả cuộc đời. Người ta chửi Bính hay ghét Bính có lẽ vì cô… ‘dại’ quá! Đặc biệt là trong một xã hội nơi mà cái nhìn về người phụ nữ luôn khắt khe và tù túng hơn cả, thì những việc Bính làm dẫu đặt ở thời đại nào cũng khó chấp nhận. Tuy đáng trách nhưng càng nhiều hơn là đáng thương, vì xét cho cùng Bính cũng chỉ là nạn nhân mà thôi, hơn ai hết cô gái này cũng muốn có một cuộc sống bình dị, trong sạch và hạnh phúc. Dẫu biết những chuyện Bính trải qua chính là ‘cái giá’ phải trả cho sự khờ dại, ngây thơ nhưng liệu cái giá đó có quá đắt hay không? Thiết nghĩ nếu như cha mẹ Bính không vì danh, vì tiền mà bán cháu thì liệu Bính có đi đến bước đường đó? Nếu không bị lừa gạt, bị bán vào nhà chứa thì liệu Bính có gặp Năm Sài Gòn và trở thành một con ăn cắp? Rõ ràng Bính cũng đã từng nhiều lần muốn  tìm ra cho mình một lối thoát cho cuộc đời, nhưng cô càng vùng vẫy, càng chống cự thì lại càng lún sâu hơn xuống hố bùn. Bính từ một con người khao khát được làm ăn trong sạch, chân chính trở thành một bỉ vỏ, cũng giống như ý nghĩa của từ ‘bỉ’ là dơ bẩn, thấp hèn. Cuộc đời Bính sau khi trải qua nhiều bước ngoặt đã không còn giữ được cả những khát vọng đơn giản nhất.


Là một trong những tác phẩm của dòng văn hiện thực phê phán, Bỉ Vỏ phản ánh một xã hội với màu sắc tối tăm kể về phận đời bi kịch một người con gái tên Tám Bính. Bính, hay Tám Bính, vốn là một cô gái quê hiền lành, chất phác. Thuở đó vì phải thường xuyên gánh gạo lên chợ huyện bán mà chị đã gặp Chung – một gã tham đạc điền, gã này qua vài lần gặp liền bắt đầu tán tỉnh và trêu ghẹo chị. Bính là một cô gái đương ở độ tuổi xuân thì dễ dàng yêu, dễ dàng rung động nên rất nhanh đã mủi lòng trước gã đàn ông ‘ăn mặc chỉn chu, hay nhìn về phía mình’, thế là cô đã cả tin mà trao đi cả đời con gái. Gã Chung này cũng nhanh chóng lộ bộ mặt thật giả dối, gã bỏ đi không một lời từ biệt sau khi làm Bính bụng mang dạ chửa. Những ngày tháng sau đó giống như một địa ngục đối với Bính, căn nhà cô đang sống giờ chỉ còn lại những tiếng mắng chửi, đay nghiến và nhục mạ. Cô bị cha mẹ mình nhốt vào trong buồng tối, phải ngày đêm chịu những lời la mắng, xỉ vả thậm tệ. Không chỉ vậy, hai ông bà này còn vì sợ làng bắt vạ mà đem bán cả cháu ruột. Quá đau khổ, Bính quyết định bỏ quê đi biệt xứ tìm người tình với hi vọng gã có thể giúp cô chuộc lại đứa con. Nhưng sau khi bỏ nhà lên Hải Phòng, Bính bị một tên thanh niên cưỡng hiếp, lừa bịp rồi lây bệnh lậu. Cô bị bắt đưa vào nhà chứa, từ đây từ một cô gái nhà lành lương thiện, Bính trở thành gái làng chơi, cuộc đời Bính trở nên ê chề, nhơ nhuốc và nhục nhã.

Trải qua bao nhiêu chuyện, tưởng như cuộc đời lâm vào bế tắc, Bính đã gặp được Năm Sài Gòn – một tên lưu manh làm cái nghề chạy vỏ (ăn cướp), một ‘anh cả’ khét tiếng ở Hải Phòng. Bính được hắn đưa về nhà chăm sóc, và cô trở thành vợ của hắn. Dẫu trở thành vợ của một tên ăn cướp, Bính vẫn khát khao cuộc sống làm ăn chân chính, lương thiện, cô nhiều lần khuyên Năm Sài Gòn từ bỏ cái nghề bất lương nhưng gã không nghe. Về sau Năm bị bắt, số phận dường như lại lần nữa đang trêu đùa với cuộc đời cô Tám Bính, trải qua rất nhiều biến cố, Bính từ một con người khao khát lương thiện nay trở thành một bỉ vỏ lành nghề, một cô Bính hiền lành nay cũng dần bị xã hội tha hóa mà trở thành một người phụ nữ lưu manh, một kẻ kiếm tiền bằng hành động bất lương dựa trên mồ hôi, xương máu của người khác.

Kết cục của câu chuyện khép lại bằng một cái kết nhân quả gây ám ảnh, cuối cùng thì cả Bính và Năm Sài Gòn đều bị bắt, cô Bính cũng đã phải trả một cái giá ‘đủ’ đắt cho tội ác đã làm…