Bạn có từng đảm bảo bản thân mình sẽ giữ được sự nhiệt huyết như ban đầu khi đã bắt tay vào việc gì đó quá lâu hay thậm chí chỉ trong giai đoạn ngắn? Cảm xúc của bạn có thật sự luôn luôn tích cực, lạc quan hay không? Cảm xúc con người rất dễ bị tác động, có thể thay đổi liên tục dẫn đến thay đổi hành vi, hành động của mình và quên mất đi mục đích hành động ban đầu. Chính bản thân chúng ta cũng nhận thức được vấn đề đang mắc phải nhưng không biết làm cách nào để giải quyết được vấn đề này. Quản lý được cảm xúc của bản thân cũng là một loại kỹ năng quan trọng mà mỗi cá nhân con người nên có. Với cuốn sách Bí kíp chống tụt Mood của tiến sĩ Olivia Remes sẽ giúp bạn đưa ra những những phương pháp thiết thực và cụ thể nhất cho từng cảm giác mà bạn đang gặp phải như thiếu quyết đoán, lo lắng, cô đơn,... Ngoài ra cuốn sách còn đưa đến cho độc giả một phương pháp đọc hiệu quả để có thể áp dụng dễ dàng vào thực tiễn của chính mình.
Tác giả của cuốn sách là ai?
Tiến sĩ Olivia Remes là một nhà nghiên cứu sức khỏe tâm thần tại đại học Cambridge; là một nhà diễn giả và là một nhà tham vấn. Cô chuyên nghiên cứu các vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu và trầm cảm, từ đó tìm cách đề ra các chiến lược, đề xuất phương pháp để đối mặt với chúng.
Cô thường góp mặt cho BBC Radio Cambridgeshire và đã xuất hiện trên các chương trình Late Night Woman’s Hour và NPR. Các nghiên cứu của tiến sĩ Olivia Remes đã được công bố trên khắp thế giới.
Trong đó, buổi nói chuyện TED Talks của cô với khán giả về sự lo lắng, nỗi cô đơn và cách đối phó với cảm giác đơn độc đã thu hút gần 3 triệu lượt xem.
Đặc biệt, cuốn sách Bí kíp chống tụt Mood là cuốn sách đầu tay của cô. Ngoài ra, phải cảm ơn tới dịch giả Hương Hà đã dịch cuốn sách này để độc giả có thể dễ dàng tiếp cận tới cuốn sách.
Lời chia sẻ của tác giả
Về chính tác giả
Với 10 năm nghiên cứu và thông qua các buổi hội thảo, các buổi TED Talks với hàng trăm con người, cô đã khám phá ra rằng, con người có 10 mô thức tư duy và cảm xúc- 10 trạng thái tâm lý tồi tệ- có thể ngăn cản chúng ta phát huy tiềm năng của mình. Các trạng thái tâm lý này vô cùng phổ biến, ai trong chúng ta dù có giỏi kiểm soát cảm xúc đến mấy cũng một lần mắc phải những trạng thái tâm lý tồi tệ này. Nhưng bản thân chúng ta nếu bỏ mặc chúng, lơ đi chúng thì nó sẽ dần dần hình thành, phát triển như một khối u vậy, tác động đến hạnh phúc và sức khỏe tổng thể của chúng ta, tác động đến chính cuộc sống thường ngày của bạn. Vì vậy tiến sĩ Olivia Remes thông qua cuốn sách sẽ giúp bạn một tay trong việc nhận dạng và vượt qua, loại bỏ chúng trong bạn, lấy lại, cân bằng lại cảm xúc của bạn.
Về cuốn sách Bí kíp chống tụt Mood
Đối với cô, đây không chỉ là một cuốn sách thông thường mà nó còn là “trọn gói” của các chiến lược khoa học giúp bạn xử lý và cải thiện cuộc sống của bản thân; giải quyết những vấn đề cốt lõi trong cuộc sống.
Tiến sĩ Olivia Remes chia sẻ với độc giả: Sau khi đọc và áp dụng các bí quyết trong cuốn sách, bạn sẽ cảm thấy mình trở nên thư thái hơn bao giờ hết. Bạn sẽ tìm thấy được sức mạnh của sự tĩnh lặng bên trong bạn.
Hãy xem cuốn sách này như một toa thuốc, với một vài loại thuốc dùng lúc khẩn cấp và các loại thuốc khác được chia thành các liều nhỏ để sử dụng hàng ngày.
Các chương của cuốn sách khá ngắn và chỉ mất 20 phút để đọc; và khi cơn hoảng loạn ập đến, bạn chỉ cần tập trung lời khuyên khẩn cấp ở chương đầu- không quá 2 phút để đọc nó.
Đánh giá về cuốn sách Bí kíp chống tụt Mood
Bí kíp chống tụt Mood là cuốn sách nhỏ mà bất cứ ai cũng có thể mang theo bên mình mỗi ngày, để khi rơi vào cảm xúc tiêu cực, chúng ta có thể lật ngay đến phần dành cho cảm xúc đó và giải quyết nó trước khi nó lớn hơn và ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống cá nhân.
Quản lý cảm xúc là một kỹ năng vô cùng quan trọng nếu bạn muốn thành công trong sự nghiệp và cuộc sống cá nhân. Đó là một việc không hề dễ dàng, nhưng khi bạn đã rèn luyện được kỹ năng này, cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ trở nên tươi đẹp hơn và hạnh phúc hơn. Vậy nên tôi trân trọng giới thiệu quý độc giả đến cuốn sách Bí kíp chống tụt Mood
( PGS. TS. Võ Thị Ngọc Thúy)
Qua cuốn sách Bí kíp chống tụt Mood, chúng ta nhận được gì?
Cuốn sách đưa ra những loại cảm xúc mà chúng ta thường gặp phải như lo âu, cô đơn, thất vọng, quá tải...thậm chí là những loại cảm xúc có mức độ tiêu cực đến đỉnh điểm như cảm xúc “chạm đáy”, “bị khước từ”. Với từng loại cảm xúc ấy là những phương pháp, giải pháp cụ thể để vượt qua, loại bỏ cảm xúc đó.
Mỗi chương được cấu trúc như sau:
Phần 1 là phần đọc khi khẩn cấp. Đây là phần đọc nhanh không quá 2 phút, giúp bạn khi muốn thoát khỏi ngay lập tức giây phút khó khăn ấy
Phần 2 là Một chút khoa học. Đây là phần thể hiện thông tin cơ bản về tâm lý học đằng sau một loại cảm xúc hay một trạng thái nào đó; giúp bạn thấy được góc độ, góc sâu hơn về những điều đang diễn ra ở cấp độ tâm lý học cũng như chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi các cảm xúc này như thế nào.
Phần 3 là Đối phó thế nào?. Giống như tiêu đề, đây là phần sẽ mang đến các chiến lược, phương pháp dài hạn để chuyển hóa một loại cảm xúc hay trạng thái tiêu cực nào đó. Phần này sẽ đưa ra cho chúng ta các kế hoạch phát triển nội tại để xây dựng sức bật, khả năng tự phục hồi cũng như khả năng tự phục hồi cũng như khả năng đương đầu với khó khăn
Ta có thể lấy ví dụ bắt đầu từ chương 1, CẢM THẤY THIẾU QUYẾT ĐOÁN- Cách đưa ra quyết định
Bạn đã từng trải qua cái cảm giác phân vân không biết lựa chọn nên làm cái này hay cái kia, hay vật này hơn vật kia? Ít nhất một lần, mỗi người sẽ có cảm giác thiếu quyết đoán với lựa chọn mà mình đưa ra, luôn luẩn quẩn trong mình những câu hỏi: Liệu mình đã chọn đúng hay chưa? Cái này hơn hay cái kia hơn nhỉ? Dù là loại quyết định nào, cỏn con hay quan trọng thì đều hình thành nên tính thiếu quyết đoán của bản thân.
Bởi vậy đến với chương này, tác giả sẽ giúp bạn trở nên quyết đoán hơn, dứt khoát hơn với các chiến lược. Những chiến lược này cũng sẽ giúp bạn đưa ra quyết định nhanh hơn, dễ dàng hơn, đồng thời giúp bạn buông bỏ được những nỗi sợ đang ngăn trở bạn đi đến quyết định đúng đắn cuối cùng.
Phần 1- Đọc khi khẩn cấp: Lắng nghe trực giác. Hãy nghe theo lựa chọn đầu tiên khi đối diện với các quyết định phức tạp.
Theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Amsterdam đã đưa ra nhận định quyết định: quyết định cần đưa ra càng phức tạp, thì ta càng nên nghe theo cảm giác đầu tiên. Nghịch lý đúng không? Nhưng đó là sự thật, khi đưa ra một quyết quan trọng nào đó, quyết định càng phức tạp như mua nội thất hay mua ô tô thì tốt hơn hết là ta nên để phần vô thức của não bộ dẫn dắt. Và bản thân ta phải có niềm tin vào trực giác của mình.
Phần 2- Cơ sở khoa học của việc ra quyết định: Có ba cơ sở
Tính thiếu quyết đoán có thể sẽ khiến bạn thấy chán nản sởn lòng. Nếu bạn thường xuyên rơi vào tình trạng này thì đó có thể là nguyên nhân cho những bước lùi đáng kể trong cuộc sống của bạn. Cách thức đưa ra lựa chọn cũng có thể tác động đến cuộc sống của bạn một cách đáng kể. Nó có thể quyết định việc bạn sẽ tiến lên hay chậm lại, dậm chân tại chỗ, hay liệu bạn có nắm bắt được cơ hội hay không. Ở phần khoa học này, chúng ta có thể biết cách bộ não bảo vệ chúng ta khỏi những tổn thương nếu ta có lỡ đưa ra những quyết định tệ hại.
Người cầu toàn và người tri túc. Đây là hai nhóm người mà nhà tâm lý học Barry Schwartz dựa vào mô thức ra quyết định của con người và đây cũng là cơ sở khoa học đầu tiên với loại cảm xúc thiếu quyết đoán.
Vậy người cầu toàn là gì? Chắc bạn đã ít nhất gặp được kiểu người này trong cuộc sống của bạn. Người cầu toàn là người thường đưa ra quyết định chỉ khi họ đã thu nhập tất cả thông tin- không bỏ sót bất cứ điều gì. Họ luôn khao khát được lựa chọn những gì tốt nhất đối với tiêu chuẩn của họ. Người cầu toàn có bản năng chú trọng chi tiết và quá cẩn trọng, đó cũng là lý do, nguyên nhân khiến họ trì hoãn việc đưa ra quyết định. Điều này là vì trong quá trình lựa chọn quá kỹ lưỡng, nghiên cứu mọi khả năng khiến ta dễ sinh ra nản chí. Mặt khác, người cầu toàn thường trì hoãn khi đưa ra quyết định, đặc biệt khi họ biết bản thân mình không thể đưa ra lựa chọn lại được nữa.
Ngược lại với người tri túc, nếu họ cần mua một thứ gì đó, họ sẽ nhìn vào một số ít các lựa chọn và nếu tìm thấy cái gì đó gần giống với tiêu chuẩn mình đã đặt ra trước đó thì ngay lập tức họ sẽ chọn nó luôn. Người tri túc, họ không bị cuốn vào vòng hoàn hảo như người cầu toàn cho nên cuộc sống của họ có vẻ thư thái hơn rất nhiều.
Thế giới của sự lựa chọn. Thế giới quanh ta là thế giới thực dụng và luôn vận động. Đó cũng là cơ sở khoa học thứ hai. Chúng ta hiện nay có rất nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết. Tất cả những gì bạn cần làm là lên mạng và chìm đắm trong vô số món ăn, chương trình truyền hình, trò chơi hay những nơi cần đến. Điều này dẫn tới một vấn đề quan trọng: Khi chúng ta có quá nhiều lựa chọn, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi đưa ra quyết định. Mô thức này cũng xuất hiện trong học tập và công việc. Thực ra, càng ít lựa chọn, việc lựa chọn sẽ càng trở nên dễ dàng hơn, và ta càng hài lòng với điều ta đã chọn. Quá trình này liên quan đến việc bạn lựa chọn cuộc sống đơn giản nhưng hạnh phúc hơn, khi ta chỉ lựa chọn thứ ta cần và tận hưởng nhiều hơn thứ ta hiện có- “Hãy chọn đủ tốt thay vì tốt nhất”.
Hệ miễn dịch tâm lý- cơ sở khoa học thứ ba. Đôi khi ta thường trì hoãn đưa ra quyết định bởi vì ta sợ nhưng sự thật ta đang đi có xu hướng tự dọa mình. Ta tự mình thổi phồng lên cảm giác của bản thân nếu ta thấy sự việc diễn ra không như mong muốn và cái cảm giác ấy thực chất có thể hồi phục nhanh chóng và tốt hơn chúng ta nghĩ gấp nhiều lần.
Vậy tại sao chúng ta thường phán đoán sai về tính chất, mức độ tổn thương trong tương lai? Có hai câu trả lời, tương đương hai nguyên nhân cho câu hỏi này. Nguyên nhân đầu tiên là xuất phát từ suy nghĩ của chúng ta. Khi chúng ta suy nghĩ tiêu cực trong tương lai, chúng ta quên rằng những sự kiện khác trong cuộc sống của ta cũng xảy ra trong cùng khoảng thời gian ấy; và các sự kiện sẽ tranh giành sự chú ý của chúng ta. Nguyên nhân thứ hai là vì mỗi người chúng ta đều có một hệ miễn dịch tâm lý- một loại cơ chế chống tổn thương cho tâm hồn. Khi những điều tiêu cực xảy ra, các quá trình tâm lý sẵn sẽ tạo ra một bước đệm giúp chúng ta tránh khỏi các tác động của tai họa. Theo Giáo sư Daniel Gilbert tại Đại học Harvard cho biết: Con người chúng ta sở hữu một cơ chế phòng vệ nội tâm; nó giúp chúng ta không quá đau buồn khi mọi thứ không diễn ra như ta mong đợi- một khả năng tự an ủi chính mình.
Biết được cơ sở khoa học này, lần tới nếu bạn đưa ra quyết định và lo lắng về việc mình có thể chọn sai, hãy nhớ rằng: dù điều gì xảy ra như thế nào đi nữa, bạn vẫn sẽ ổn và ổn hơn bạn đang nghĩ rất nhiều. Ta phải biết rằng: “Chúng ta có một hệ miễn dịch tâm lý bảo vệ chúng ta trước những trải nghiệm quá dữ dội trong cuộc sống.
Phần ba: Chiến lược- Cách đối phó
Tác giả Olivia Remes đã nghiên cứu và đưa ra 5 chiến lược khắc phục tính thiếu quyết đoán
Cách đầu tiên là học cách chấp nhận rủi ro. Bạn phải biết rằng, mỗi quyết định bạn đưa ra đều sẽ đi kèm với một rủi ro nào đó. Quyết định càng lớn, rủi ro càng nhiều. Bởi vậy điểm then chốt là không nên trì hoãn hay tránh né việc đưa ra quyết định, mà nên học cách chấp nhận rủi ro đi kèm mỗi quyết định đưa ra.
Cách thứ hai là chuyển hướng sự tập trung- ăn mừng giây phút quyết đoán. Nghĩa là sao nhỉ? Là bạn phải rèn luyện khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng. Sau khi suy nghĩ về các phương án trong một khoảng thời gian ấn định, chẳng hạn tầm 30 phút, hãy đưa ra quyết định ngay lập tức. Và sau đó tự chúc mừng bản thân vì điều đó. Điều này có thể cho bạn thêm động lực và thúc đẩy bạn quyết đoán hơn trong tương lai. “Hãy vui vì bạn đã quyết đoán, đừng mãi nghĩ xem bản thân có quyết định đúng hay không”.
Điều thứ ba là bạn nên quan tâm đến điều mà bạn được nạp năng lượng, khiến bản thân bạn cảm thấy tràn trề năng lượng. Cách này liên quan đến sở thích của bạn, điều mà bạn thích và khiến bạn cảm thấy hài lòng và toàn vẹn khi lựa chọn hay đưa ra quyết định nào đó.
Cách thứ tư là tự đặt câu hỏi cho chính mình- “Nếu bạn biết mình không bao giờ thất bại, mình sẽ chọn làm gì?”. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy lung lay về quyết định của bản thân thì hãy tự hỏi bản thân câu hỏi quyền lực này. Câu trả lời có thể chính là chìa khoá toàn năng giúp bạn mở cánh cửa nội tâm và thay đổi cuộc sống của bạn.
Phương pháp cuối cùng là quay về nơi khởi đầu. Đây là phương pháp có thể nói là còn sót lại nếu như từ đầu cách thứ nhất đã không thể thực hiện được. Hãy nhấn nút “khởi động lại” và bắt đầu mọi thứ từ con số 0. Hãy thanh lọc tâm trí và vứt bỏ đi hết những gì tiêu cực và bắt đầu lại từ đầu. Từ từ xây dựng lại bản thân mình, xây dựng những thói quen mới. Cơ hội sẽ dần dần xuất hiện và chúng ta sẽ đi tìm được những con đường mới, chắc chắn hơn trước.
Cảm nhận của bản thân
Cuốn sách Bí kíp chống tụt Mood đưa ta đi từ nguyên nhân đến cách giải quyết, chiến lược mà ta nên thử áp dụng để giải quyết vấn đề cảm xúc đó. Ta không thể trốn tránh mãi cảm xúc của chính mình hay một sự việc nào đó. Điều gì đến rồi sẽ đến, sẽ có một ngày ta phải đối diện với chính nó. Có thể là một lần, có thể là rất nhiều lần bạn gặp phải loại cảm xúc này nhưng nếu bạn biết cách giải quyết cảm xúc đó thì bạn chẳng cần sợ gì cả khi trong tay bạn đã có cách. Cuốn sách như một liều thuốc vậy, bạn đọc nó như bạn uống thuốc, từng câu chữ như ngấm vào tâm trí thay vì cơ thể bạn như viên thuốc thông thường. Bạn có thể sử dụng liều thuốc tinh thần này ngay lập tức nếu bạn muốn.
Tác giả: Nguyễn Phương Huyền My- Bookademy.
Hình ảnh: Nguyễn Phương Huyền My
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Tôi sẽ không giới thiệu cuốn sách này. Điều đầu tiên tôi đọc là về những người mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cao hơn bao gồm cả tuổi thọ bị rút ngắn. Có lẽ là điều tồi tệ nhất bạn có thể nghe thấy với tư cách là một người mắc chứng lo âu.
Một số lời khuyên hữu ích nhưng nhìn chung, đó là những thông tin cơ bản giống như trong vô số cuốn sách khác như thế này nhưng tôi đã kiên trì cho đến khi đọc đến chương về Chúa và cuối cùng bỏ cuộc.
Tôi đã hy vọng điều gì đó hữu ích hơn nhưng nó không thực sự giúp giải quyết lo lắng hoặc suy nghĩ quá nhiều, tôi mới đọc nó và không nhớ nhiều nội dung đã viết, chỉ nhớ từng từ. Thích lời khuyên dành cho những người bị đau mãn tính 'hãy cố gắng và suy nghĩ tích cực, nó sẽ giúp ích'. Được rồi.