Xin lỗi, tôi cũng lần đầu làm người
Xem thêm

Một cuốn sách thanh xuân vườn trường không hoàn hảo tuyệt mỹ, những câu chuyện tình yêu không ngọt ngào đến sâu răng. Tôi không kỳ vọng quá nhiều vào cuốn sách, đến khi lật hết trang cuối cùng tôi nhận ra đây là cuốn sách tôi cần nhất trong khoảng thời gian này. Giọng văn chân tình, chau chuốt, một khái niệm đẹp về ngôn từ mà lần đầu tôi tự mình khám phá trong thế giới ngôn tình mà trước đây tôi không mấy ưa thích. Tôi gặp tôi qua từng trang sách, một mối quan hệ mất đi, những sự mất mát trong cuộc đời, những nỗi đau của quá khứ,mất đi phương hướng trước những dự định mơ hồ. Tôi tự hỏi là do mình cô đơn, do mình hèn nhát hay đơn giản là kẻ thất bại. Nhưng sau đó nhận ra, hóa ra mình đang trưởng thành. Cảm giác sau khi hiểu ra 2 chữ " trưởng thành" thật vỡ òa, thật sung sướng cũng thật buồn. Vậy là tôi đã lớn rồi và ở cái tuổi 18, tôi khép lại thời niên thiếu hùng vĩ, tôi sang một trang mới cuộc đời - trở thành 1 hội viên của hội người lớn. Những nhân vật của Tử Hào Tử Văn được xây dựng một cách thực tế đôi khi thực dụng, họ bước vào cuộc đời, họ gặp những ngã rẽ, họ có những bước ngoặt, họ đánh mất 1 vài mối quan hệ. Nhưng sau tất cả họ không đánh mất chính mình và cả những thứ quý giá ẩn giấu sau vẻ ngoài của mình. Mình chỉ muốn dùng 2 từ " tuyệt vời" để miêu tả tác phẩm này. Thật sự cảm ơn 2 tác giả. 

Kể ra thì những ngày gần đây mình gặp nhiều chuyện, nhiều niềm vui và xen kẽ đó là những nỗi buồn, sự tủi thân, việc phải chạy đi chạy lại với hàng đống công việc mà bản thân tự tạo ra khiến cho mình chẳng làm được gì cả, rồi lại thất vọng rất rất nhiều về bản thân. Mỗi lần như thế mình lại tìm đến sách, cứ buồn là tìm sách, mua sách, đôi khi mua về cũng để đó, chỉ là thỏa mãn cảm giác thích thú nhất thời rồi thôi, nhưng lại có cuốn sách khiến mình đọc đi đọc lại, mỗi lần mình buồn, mình lại lấy nó ra để đọc. Cuốn sách này không được nổi tiếng lắm, nhưng nó giúp mình rất nhiều, đồng hành với mình trong khoảng thời gian trưởng thành đầy chông chênh, đó là cuốn “Xin lỗi, tôi cũng lần đầu làm người lớn” của tác giả Phạm Tử Văn và Phạm Tử Hào, được dịch bởi dịch giả Na Bảo Anh. Mình sẽ cho nó vào chiếc hộp thời gian 2020 của mình!

Nhận ra bản thân cũng lần đầu làm người lớn, lần đầu đối mặt với vô số thứ kì cục khiến mình cảm thấy choáng váng, muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ lại, mình chỉ sống có một lần thôi, mình chỉ có một lần tuổi trẻ thôi mà, với cả mình còn nhiều thời gian để phát triển bản thân cũng như những mối quan hệ, tại sao lại không chịu vui vẻ lên mà sống cơ chứ?

Năm 2020, mình lần đầu tiên có một nhóm bạn thân, lần đầu tiên mình chia sẻ những câu chuyện của bạn thân cho nhiều người như thế, nhưng đến cuối năm, mình lại rời khỏi nhóm bạn thân đó. Sự rời đi của mình cũng không ảnh hưởng nhiều đến các bạn, họ vẫn cứ vui vẻ thôi, kể cả khi không có mình, cơ bản là họ không cần mình, và không muốn mình ở trong cái nhóm đó. Với những mối quan hệ khác, nếu có xảy ra xích mích, thì cũng vài phút sau là hòa giải được, nên mình rất yên tâm về khả năng giữ gìn mối quan hệ của mình. Nhưng đến khi mình dành tình cảm chân thành cho những người bạn, thì họ lại rời bỏ mình, xem đó là trò đùa, dù mình cố níu kéo, khóc lóc như thế nào đi nữa.

-Chúng ta không làm bạn được à?
-Được chứ, nhưng không thân nữa thôi…
Năm 2020, mình lần đầu tiên mình thích có người yêu. Mua một vài cuốn sách buồn tình về đọc, biết tới phải lòng với cô đơn, anh ấy đã không nắm tay tôi, dưới trời xanh không có anh vẫn mỉm cười… Mình chưa yêu ai bao giờ, đây là lần đầu sau ngần ấy năm mình muốn có ai đó ở cạnh để chia sẻ với mình, nghe mình khóc, cười, nói nhảm, và không bỏ rơi mình. Mình vẽ lên một hình tượng đẹp đẽ, nhưng mình sẵn sàng xóa bỏ hết nếu lúc đó anh ấy xuất hiện, nhưng chẳng có ai xuất hiện cả. Người từng nói thích mình, mình định đồng ý thì lại có người yêu mới, buồn thật sự!

À… thì ra ai cũng bỏ mình mà đi, chẳng có ai cần mình cả!?

Nhưng mình lại nghĩ tới gia đình, chỉ có họ mới sẵn sàng bên cạnh mình, dù nhiều lúc cãi cọ, mâu thuẫn, chiến tranh lạnh, cạch mặt không nói chuyện, nhưng họ chưa bao giờ để mình đói, chưa bao giờ để mình lạnh, chưa bao giờ ngừng quan tâm và che chở cho mình!

Năm 2020, trải qua vô vàn chuyện, nhận ra bản thân lần đầu trưởng thành, lần đầu làm người lớn, nên cũng phải nói lời xin lỗi. Xin lỗi những người đến bên mình mà mình không trân trọng, xin lỗi vì đã khiến người bực tức vì cái tính khó ưa của mình, xin lỗi vì đã khiến người phải suy nghĩ nhiều, xin lỗi bản thân vì vẫn chưa làm được gì tốt đẹp cả, xin lỗi…vì tôi cũng lần đầu làm người lớn!

Người ta nói trưởng thành giống như việc bạn là một loại trái cây còn đang yên vị trên cành, bỗng nhiên bị ngắt rời khỏi cành, ép cho chín, không một chút phòng thủ, bạn bỗng bị đem vào một thế giới tràn đầy thử thách. Mỗi người chúng ta đều không ngoại lệ, đến một thời điểm nào đó bỗng nhiên nhận ra thế giới của mình có chút khác thay đổi và lớn lên? Vậy bạn có nhận ra thời điểm mà mình trở thành người lớn không? Hiểu được những chênh vênh của tuổi trẻ đó, Cuốn sách “Xin Lỗi, tôi cũng là lần đầu làm người lớn" sẽ giúp các bạn có thêm tự tin, dũng khí để bắt đầu làm “người lớn”.

“Xin lỗi,  tôi cũng là lần đầu làm người lớn” là tập hợp những câu chuyện được kể bởi hai tác giả trẻ Trung Quốc, trong đó có những câu chuyện dài ngắn khác nhau, có những câu chuyện về tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình. Đứng trước cuộc sống này, với những câu chuyện được viết bằng trải nghiệm, hai tác giả chỉ muốn bạn nhìn thấu thế giới của những người trưởng thành, và giúp bạn hiểu được: Đâu là khoảnh khắc mà bạn nhận ra mình phải lớn lên.

Là khi nhận ra tình yêu thời thanh xuân không thể trở lại.

Trong một chương của “Xin Lỗi, tôi cũng là lần đầu làm người lớn”, tác giả đã viết về những rung động của tuổi trẻ, ở thời điểm chênh vênh nhất, lại gặp một người khiến ta muốn ở cạnh. Đó là câu chuyện của Diệp Mộc và Thập Nhất, hai người quen biết nhau, tưởng như hình với bóng, tưởng như không bao giờ rời xa, ở trong tuổi trẻ đó hai người họ dành cho nhau những rung động không thể nói ra, không chắc là tình yêu, nhưng chắc chắn sẽ hơn tình bạn. Nhưng cuối cùng cũng không chiến thắng được việc khi hai người lớn lên, có những hiểu lầm, có cuộc sống riêng, mỗi người mang theo giấc mộng mà trưởng thành, Thập Nhất đi du học, Diệp mộc cũng theo đuổi những dự định của mình.

Kết thúc những rung động của tuổi trẻ trong cuốn sách dành cho thanh xuân này, câu chuyện của họ chỉ dừng lại ở kí ức, khoảng thời gian khi bản thân mỗi người đều vô tư, người này trêu chọc người kia, chúng ta cùng nhau chơi đùa, chỉ có thanh xuân mới là hình tượng đẹp đẽ nhất, là hoài niệm không bao giờ quên. Trở thành người lớn chính là như vậy, nhận ra thanh xuân của mình thật ra rất tươi đẹp, nhưng cuối cùng chỉ là bỏ lỡ, khi đã trưởng thành, sự rung động ấy có lẽ không còn, những gương mặt của thanh xuân thì mãi không thể quên.

“Trong lòng mỗi người đều có một góc nhỏ dành cho một người không thể ở bên mình, dù sau này gặp được người khác tốt hơn vạn lần, góc nhỏ trong tim vẫn luôn có hình bóng người ấy” (Sách Xin lỗi, tôi cũng là lần đầu làm người lớn)

Là biết rằng người bạn bên cạnh mình không thể cùng lớn lên.

Có những người bạn đã từng thân thiết như hình với bóng, cuối cùng lại không thể can dự vào cuộc đời của nhau. Tác giả trong cuốn sách đã kể câu chuyện về tình bạn của nhân vật “Tôi” với người bạn là Bạch Dục, hai người cùng nhau trải qua thời niên thiếu, từ lúc quen biết cho đến lúc thân thiết, cả hai như không thể tách rời, ngồi cùng bàn, ngủ chung, trốn tiết, và cả cùng thích một cô gái. Đó là thứ tình bạn khiến người ta nghĩ quãng đường trưởng thành sau này, họ nhất định sẽ đồng hành cùng nhau.

Nhưng trưởng thành thì không như vậy, như tác giả đã viết: “khi những người bạn bên cạnh từng người rời đi một, chúng ta sẽ nhận ra đó chính là con đường trưởng thành”. Chúng ta chỉ có thể tự mình hồi tưởng lại những chuyện đã cũ, cúi đầu mỉm cười. Nếu có gặp lại cũng chỉ có thể hỏi han vài câu khách sáo, nhưng cuộc đời của mỗi người đã không còn giống nhau, chẳng có cách nào vào.

Câu chuyện này của tác giả có thể khiến bạn hồi tưởng và giật mình phát hiện ra: Đây chính là khoảnh khắc lần đầu làm người lớn, có chút không nỡ, có chút nuối tiếc người bạn đã cùng mình trải nghiệm vô số chuyện. Nhưng biết sao được, đó chính là trưởng thành.

“Khi đánh mất người bạn của một giai đoạn cuộc đời, bạn cũng đừng nên luyến tiếc, bởi cậu ấy vẫn là người chứng kiến một giai đoạn đã qua trong cuộc đời bạn, điều ấy mãi mãi chẳng thay đổi” (Sách Xin lỗi, tôi cũng là lần đầu làm người lớn)

Là tự nhủ mình phải tự trải nghiệm

Khi chúng ta lần đầu đối diện với những khó khăn đều có phần nản chí và muốn buông bỏ, nhưng cũng lại vô cùng ham muốn trải nghiệm, câu chuyện của chính hai anh em tác giả, cùng nhau lớn lên, họ quyết định tách nhau ra để tự mình trải nghiệm một cuộc sống không có nhau. Có chút không quen thuộc, nhưng chúng ta đều phải chọn cách thích ứng, và thay đổi thói quen. Trải qua những mệt mỏi khiến tác giả phải tự nhủ chính bản thân mình rằng: “Xin lỗi nhé, vì đã cho bạn một cuộc sống tệ hại như vậy, tôi không thông minh, sinh ra tầm thường, nên đành từ từ thay đổi. Thật sự xin lỗi, tôi cũng là lần đầu làm người lớn.” Những con người ở đây chẳng ai có kinh nghiệm, chúng ta chỉ có thể từ từ học hỏi, từ từ trải nghiệm khiến mình tốt.

Hay như câu chuyện của Đặng Dũng trong cuốn sách này, lớn lên trong sự nổi loạn, gây ra nhiều lỗi lầm, cuối cùng trưởng thành rồi cũng chịu bình lặng với cuộc sống, hòa giải với chính mình. Trải qua bao nhiêu sóng gió, Đặng Dũng nhận ra rằng: Mình phải sống thật tốt, chỉ có sống tốt mới có được kết cục tốt nhất.

Mỗi người đều mang theo những câu chuyện khác nhau mà trưởng thành, dù có vất vả nhưng cũng không thể tránh khỏi, hãy biến những vất vả đó trở thành một phần trải nghiệm trong cuộc đời mình:

“Không có kinh nghiệm, không được tự tin, có lúc hoang mang, có lúc mơ hồ, tôi nghĩ đây chính là quá trình mỗi người chúng ta khi trưởng thành đều phải tự mình trải nghiệm”(Sách Xin lỗi, tôi cũng là lần đầu làm người lớn)

Kết:

Tất cả những khoảnh khắc, những câu chuyện được viết trong “Xin lỗi, tôi cũng là lần đầu làm người lớn” đều được kể một cách chân thật, là những câu chuyện quen thuộc chắc chắn bạn đã từng trải qua hoặc sẽ trải qua. Mỗi câu chuyện của hai tác giả này đều dừng lại ở tiếc nuối, không hoàn hảo nhưng lại nhẹ nhõm vô cùng, bởi trưởng thành thì đâu có ai thành thục, bởi vì đều lần đầu làm người lớn. Đây chắc chắn sẽ là cuốn sách sẽ đồng hành cùng bạn trong mỗi trải nghiệm của mình, giúp bạn tự tin và an ủi để bước vào con đường trưởng thành.


Gửi một lời chào đến năm cũ, để bắt đầu cho một khởi đầu mới.

Sau khi biết đến cuộc thi, mình đã nghĩ rất lâu, nếu được bỏ một cuốn sách vào chiếc hộp thời gian, mình sẽ bỏ cuốn gì nhỉ?

Một cuốn sách văn học mà mình tâm đắc, hay một cuốn sách kỹ năng cho mình một chút thay đổi bản thân…Nhưng đến cuối cùng, mình quyết định đặt vào trong đó một cuốn sách có phần nhẹ nhàng “Xin lỗi, tôi cũng là lần đầu làm người lớn”

Mình đọc cuốn sách này vào lúc mình bấp bênh nhất: 20 tuổi, chưa đủ chín chắn, trưởng thành, nhưng cũng không còn bé nhỏ. Mình có những mong muốn dự định nhưng lại bị trì trệ bởi covid (cũng không hẳn, mình chỉ biện minh vì covid thôi). Cuốn sách đã giúp mình hiểu được ra rằng, chúng ta ai cũng là lần đầu làm người lớn, nhất định sẽ có chút không quen, nhưng không sao, cuối cùng chúng ta sẽ vượt qua.

Cuốn sách là những câu chuyện nhỏ kể về quá trình trưởng thành của rất nhiều người, có ấm áp, vui vẻ, có mất mát, có đau thương. Có thứ tình đầu như kẹo ngọt, tình thân như bát cháo ấm, có tình cảm bạn bè khăng khít. Và đôi khi là cả những sự tiếc nuối không nguôi. Tất cả những câu chuyện, những đoạn trích trong đây, mình tưởng như được chính mình trải qua. Đó đều là những trải nghiệm đầu đời khó quên, thêm chút bối rối ở cái tuổi sắp trưởng thành.

“Xin lỗi, tôi cũng là lần đầu làm người lớn", sẽ luôn có những khoảnh khắc thấy lúng túng, luôn có những việc không thể giải quyết được, nhưng không sao, dần dần, chúng ta sẽ tìm ra lối thoát. Hãy tin tôi, cuộc sống ban đầu mà bạn cảm thấy không chinh phục nổi ấy dần dần sẽ trở thành cuộc sống bạn yêu quý, những điều bạn từng không chinh phục được sẽ trở thành những điều bạn khắc khoải nhất. Bạn chỉ cần thuận theo thời gian, đi thẳng về phía trước.”

Đúng vậy, chúng ta không cần sợ hãi, bởi vì ai cũng sẽ có lúc lúng túng, bối rối, và mình cũng vậy. Hiện tại khi đọc cuốn sách này, mình cảm thấy “Ồ, sao lại giống mình như thế”, nhưng bản thân mình của mười năm sau, hai mươi năm sau khi mở chiếc hộp thời gian ra và đọc được cuốn sách này có lẽ sẻ chỉ mỉm cười, đọc nó với tâm thế của những người từng trải và nhớ về những ngày còn ngây dại, những ngày tháng chênh vênh của một năm 2020 thật nhiều khó khăn nhưng cũng thật đặc biệt.

Chúng ta, ai rồi cũng sẽ trưởng thành. Mình chỉ hi vọng nhiều năm sau, bản thân có thể hoàn thiện hơn, không cần hơn ai hết, chỉ cần hơn chính mình của ngày hôm qua, có thể sống một cuộc đời vui vẻ, đã là điều hạnh phúc rồi.

“Xin lỗi, tôi cũng lần đầu làm người lớn” là cuốn sách ghi chép lại quá trình trưởng thành của Uyển Tử Văn và Uyển Tử Hào. Những câu chuyện về thanh xuân, cuộc sống, tình bạn được tác giả xây dựng một cách đặc biệt mà ở đó chúng ta đều có thể ngắm nhìn chính bản thân mình. Người lớn cũng từng là những đứa trẻ con không hiểu chuyện, theo thời gian tất cả mọi thứ đều thay đổi. Tất cả chúng ta đều là lần đầu trải nghiệm làm người lớn, bước chân ra xã hội nơi có những bài học trường đời.

“Thanh xuân” luôn là quãng thời gian đáng nhớ nhất đời người, là bài toán tìm mãi không ra đáp án, là bài thơ không thể học thuộc, là những nuối tiếc không thể nói nên là lời. Chúng ta đều phải trải qua một thời như thế đấy, sẽ có rất nhiều khoảnh khắc bạn sẽ muốn níu giữ tuổi trẻ. Nhưng làm sao đây, khi thời gian qua đi con người đều phải lớn lên và trưởng thành. Có những mối quan hệ phải lặng lẽ rời đi, chúng ta phải mất một thời gian mới có thể chấp nhận được. Khi chuyển bước cuộc đời từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, con người cũng sẽ thay đổi, ai rồi cũng có mối bận tâm riêng. Có những người bước vào cuộc sống của chúng ta và họ chỉ nán lại một thời gian ngắn mà thôi cho nên sống là phải biết chấp nhận thực tại. Chấp nhận để nhìn về tương lai và cố gắng hơn nữa.

Ngày trước khi xem phim đến những cảnh quá đau buồn chúng ta thường nghĩ rằng chỉ có trên phim mới còn ngoài đời làm gì có ai thảm đến như vậy. Cho đến một ngày bỗng nhiên chúng ta trở thành nhân vật chính trong tình huống đó, bạn mới nhận ra rằng thật ra cuộc đời cũng chẳng khác phim ảnh là mấy. “Lúc trước tôi luôn không hiểu, tại sao trong phim có rất nhiều tình tiết trớ trêu như vậy? Nhưng giờ tôi đã hiểu tất cả mọi kịch bản đều từ cuộc sống. Nhìn mà xem chẳng phải chuyện nhảm nhí phi lý ấy đã xảy ra với tôi sao?”

Có lẽ câu chuyện làm mình ấn tượng nhất nằm ở chương sách Lá thư trong thùng sữa do Uyển Tử Hào viết, câu chuyện kể cuộc sống tội nghiệp của cô bé tên Thược Dược, để sinh đứa con gái của mình mà mẹ em đã phải đánh đổi bằng cả mạng sống của bà. Thược Dược lớn lên với tình yêu thương của người cha, biết con gái mình phải chịu nhiều thiệt thòi nên ông đã liều mạng kiếm tiền để cho Thược Dược một cuộc sống hạnh phúc hơn. Vào một ngày đẹp trời trong chuyến đi chơi tại Malaysia, khi đi ra biển thì con tàu của hai bố con gặp nạn, không may bố của Thược Dược bị ngã xuống biển. Sau cái chết của người cha, Thược Dược chịu quá nhiều đả kích và tổn thương nên đã bị điếc và được người chú nhận nuôi. Tưởng chừng như bi kịch cuộc sống đã dừng tại đây nhưng không phải, ông trời một lần nữa lại muốn thử thách Thược Dược đó là khi sống cùng gia đình chú thím em luôn phải chịu sự tủi nhục. Cuộc sống những năm cấp ba của Thược Dược cứ thế bình lặng trôi qua từng ngày, là đi học về kí túc xá, rồi cuối tuần về nhà chú thím. Cho đến một ngày, khi đi học về em chợt thấy trong thùng sữa cạnh ngọn đèn đường có một hộp sữa và dưới hộp sữa có một lá thư do Phùng Sơ viết. Cũng từ đó câu chuyện tình yêu chớm nở với Thược Dược, cả hai đều dùng phương thức gửi thư cho nhau để tâm sự những câu chuyện trong cuộc sống. Trải qua bao nhiêu chuyện vui buồn trong thanh xuân những năm cấp ba tươi đẹp ấy, khi bước chân lên thành phố lớn để học Đại học thì cái kết viên mãn đã được vẽ ra trước mắt Thược Dược. Mình cảm động vì tình cảm giản dị mà chân thành của Phong Sơ, cậu không hề học trường câm điếc như đã viết trong thư bày tỏ với Thược Dược, cậu muốn cô gái ấy phải mạnh mẽ sống như bao nhiêu người bình thường khác. Người khuyết tật thì làm sao? Họ cũng là người bình thường như chúng ta mà thôi, ai cũng có quyền được bình đẳng sống và đón nhận tình yêu thương từ cuộc đời này.

Trước khi ra mắt cuốn sách này, hai anh em Uyển Tử Văn và Uyển Tử Hào đã phải bỏ qua tám bản thảo, về tên sách họ đã đưa ra gần 40 cái tên. Cuốn sách bao gồm những câu truyện ngắn do hai người cùng viết ra cho nên họ đã trải qua rất nhiều cuộc cãi vã để đưa ra bản thảo và tên sách cuối cùng. “Không chỉ trong việc sáng tác cuốn sách này mà trong cuộc sống cũng vậy. Con người ta luôn phải trải qua chút đả kích và thất bại mới có thể tiến bộ, kiên cường hơn. Gió mưa có thể làm rối loạn tâm trí bạn, mây mù có thể làm mất đi phương hướng của bạn, sấm chớp có thể đánh đổ sự kiên định của bạn, nhưng những thứ ấy đều không thể ảnh hưởng đến con người bạn muốn trở thành.” Đây chính là lời tâm sự của Uyển Tử Hào, chúng ta thấy đó, không việc gì là thực hiện một cách dễ dàng, muốn có được vinh quang thì bạn phải chấp nhận đánh đổi bằng mồ hôi và công sức.

Là một cuốn sách viết cho Tuổi trưởng thành nhưng Xin lỗi, tôi cũng lần đầu làm người lớn mang một màu sắc riêng biệt. Những câu chuyện được vẽ lên một cách chân thật nhất, đó là nơi chúng ta được đắm chìm vào dòng suy tư về tuổi trưởng thành. Mỗi một câu chuyện là một bài học đắt giá dành cho độc giả, những bạn trẻ lần đầu làm người lớn. Có rất nhiều điều mình muốn tâm sự sau khi đọc xong cuốn sách này, có lẽ là vì cảm xúc từ những câu chữ Tác giả đem đến là mình rất xúc động. Họ là người mang sứ mệnh truyền tải năng lượng tích cực đến cho độc giả bằng tất cả tâm huyết và sự trải nghiệm. Đây là một cuốn sách đáng để đọc trong những năm tháng Tuổi trẻ, hy vọng bạn sẽ không bỏ lỡ nó.


Gần đây mình có đọc cuốn “Xin lỗi, tôi cũng lần đầu làm người lớn”, sau khi đọc xong cuốn sách này mình đã rất cảm động. Trước đó không ai dạy chúng ta cách để làm một người trưởng thành có trình độ, tự mỗi người chúng ta đều phải tự trải qua vấp ngã và lớn lên. Mình nhớ ngày kì thi tốt nghiệp kết thúc, giáo viên chủ nhiệm cấp 3 đã nói với cả lớp một câu thế này: Từ hôm nay, các em là người lớn, sẽ không ai quan tâm và bao bọc các em như ở đây nữa, các em sẽ phải đến với xã hội ngoài kia, và nhiều em sẽ phải đối mặt với nó một mình. Các em đừng sợ, vì chúng ta ai cũng sẽ phải lần đầu đối diện với mọi thứ, quên dần chính những khó khăn ấy sẽ dạy các em cách để trở thành một người trưởng thành. 5 năm sau ngày tốt nghiệp, đến hôm nay mình khép lại trang cuối cùng của cuốn sách này mới thấy thấm thía và cảm động vô cùng. Cả mình và bạn có lẽ chúng ta đã là một người trưởng thành, chặng đường chúng ta vừa đi qua đầy khó khăn nhưng chắc hẳn nó mang đến cho mình không ít quả ngọt, có điều có lẽ vẫn phải nói với bản thân lời xin lỗi, xin lỗi vì tôi cũng lần đầu làm người lớn, đã để bản thân suốt thời gian qua chịu khổ rồi.