“Bậc tri giả chân chính nên hành động sau khi đã thấy những tín hiệu đầu tiên, đừng chờ đến cuối ngày”. Ít nhiều năm tháng phục vụ Chúa Trịnh đủ để làm bay biến hết ánh hào quang hình ảnh người võ quan trẻ tuổi dưới ngọn cờ công lý và nhân nghĩa. Trong tình hình này, có hay chi mà cứ tiếp tục hòa điệu giữa mớ bát nháo ấy?

 

Từ giã chức tước, giàu sang…

Việc thân phụ sớm từ trần đã đưa ông theo khuynh hướng lãng tử, chối bỏ tham vọng ngay cả khi con đường công danh rạng rỡ mở ra trước mắt. Nếu thân phụ còn tại thế, ông có dám rời bỏ truyền thống gia tộc của các vị đại công thần của đất nước không? Ông ngoại, người đem đến cho ông lòng yêu thích nghề y là một võ quan cao cấp, thân phụ và thúc phụ (mà người ta nói ông rất giống) đều là thượng thư dưới triều nhà Lê. Thật ra, ông luôn sống theo sở thích của mình, không bận lòng lắm về những ai đang trị vì và đang cầm quyền. Ông sống đúng theo danh xưng Lãn Ông – “Ông Lười”, như ông đã tự chọn, có lẽ ông phải đợi một ngày nào đó để trả giá cho sự tự do ấy chăng? Vì ông ham thích phần việc nhọc nhằn thầm kín là chữa bệnh cho người đời hơn là vinh hoa phú quý, cho dù đó là người giàu có hay nghèo hèn, tốt hay xấu. Nếu đó là số phận bứt ông ra khỏi chốn ẩn cư này, làm sao ông còn mong trốn thoát được?

…Tìm niềm vui bên nghề y…

Với những ý nghĩa đau buồn như vậy, ông không tìm ra được phương thuốc nào hiệu nghiệm hơn bằng sự miệt mài trong công việc và thường xuyên đắm mình biên soạn bộ Bách Khoa, làm như cuộc đời ông chỉ còn tùy thuộc vào nó.

Từ những năm trước đây, khi khởi đầu nghề y với nhiều kết quả, ông đã không ngừng làm cho kiến thức của mình thêm sâu sắc bằng cách đọc kỹ các dược thư, nghiền ngẫm các công trình của người đồng hương Thiền sư Tuệ Tĩnh. Dần dần, để mình không bị lóa mắt trước các phương pháp điều trị của người Trung Hoa mà những đồng nghiệp hay tham khảo, ông không chút ngần ngại đặt phương cách trị bệnh của mình được xây dựng trên nền kiến thức bao la với bầu kinh nghiệm dày dặn gắn liền với trực giác. Ông đã trình bày những quan điểm độc đáo về hệ thống ngũ tạng gốc gồm tim, gan, lá lách, phổi và thận, về những bệnh chứng và cách chữa trị để xây dựng một nền y học mới phù hợp với khí chất, cách dùng và các loại cây thuốc Việt Nam. Kết quả của ba mươi năm nghiên cứu mà ông đã thực hiện được tập hợp trong đại công trình Y tông tâm lĩnh để hiến dâng cho đời.

Một năm kiên trì trôi qua trong việc biên soạn chương bốn tập hai với nhan đề Sự phát hiện những bí ẩn của vũ trụ hoặc Bí ẩn về thận tạng được tiết lộ, cuối cùng ông đã tìm lại được phần nào nguồn thanh thản, nếu không muốn nói là tính vui tươi quen thuộc của mình.

…Đến linh cảm chẳng lành…

Vào giờ thìn trong buổi sáng tháng hai năm Tân Sửu (1781), Soạn chạy nhanh lên ngôi gác khi ông đang pha chế phương thuốc chống rối loạn tiêu hóa.

    -          Thưa ông chủ, có một người mang phong thư từ kinh đô đang đợi cụ ở sân trước!

Nghe Soạn nói xong, nỗi lo lắng trong ông lại bị đánh thức. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục sắp đầy các khay thuốc trước khi ra đón người phái viên.

Phong thư có áp dấu của quan Chánh đường, ông ta là ai? Ông ta cần gì mình vậy?

Ông đã buông lỏng nhịp thở - À, thì đó là Quận Huy trước đây là quan Thụ trấn tỉnh này, bệnh nhân nổi tiếng quyền cao chức trọng ngang hàng Tể tướng đã gửi thư cho ông hay tin tức của mình, biểu thị ở đây cũng cùng một thái độ lịch sự cao nhã, như mỗi khi ông đến thăm nha môn. Trước đây, ông đã nhiều lần được mời tới khám bệnh và lúc nào cũng vậy, quan Thự trấn đối xử với ông như một vị thượng khách đặc biệt, mời ông ăn cùng một mâm, ngồi cùng một chiếu. Riêng ông không có chút gì ngạc nhiên vì ông quan này nổi tiếng là luôn tỏ ra khiêm nhường nhã nhặn với các nho sĩ trí thức.

“ Thế là, mặc dù trọng trách hiện nay là quan Chánh đường, ngài Quận Huy đã hạ cố nhớ đến ta, một thầy thuốc với tri thức chưa thật hoàn hảo bị mất hút trong chốn sâu thẳm này”, ông tự nhủ với nỗi chán chường.

Đã từng sống trong cung đình, ông không lạ gì cuộc sống của một đại thần quyền cao chức trọng, vốn là cuộc sống của chính phụ thân ông, là nơi con người khó tiếp cận mà chiếc kiệu thì lúc nào cũng sẵn sàng đưa đến tận Cấm thành. Vậy tại sao hôm nay ông ta lại bỏ thì giờ quý báu dường ấy để viết thư cho ông?

…Cảm giác bất lực…

Từ trong ống tay áo, ông rút ra phong thư của quan Chánh đường rồi nhẩm đọc lại, bị giày vò bởi mối lo âu đang tăng lên, ông cảm thấy như đang bị treo vào sợi dây trên một sự thật ghê tởm. Một điều gì đó hiện lên qua những dòng chữ thanh nhã còn rõ ràng hơn cả ý nghĩa của chúng. Điều gì đó đã làm tối sầm đầu óc u sầu, ném ông vào những mối lo sợ mà nguồn sinh lực của ông đã biến mất. Mắt ông hoảng loạn, những tờ giấy đỏ tươi dán trên các hộp thuốc như phình to ra cho đến lúc trở thành một vệt đỏ ối khủng khiếp. Rồi sau một lúc, những nhãn giấy hồng điều đó trở lại như cũ, hơi thở ông dịu xuống và ánh sáng nhận thức lại nảy sinh. Ông đã hiểu ra.

Điều mà ông lo sợ một cách mơ hồ, đó là mối tai họa, sự đe dọa. Cuộc ra đi này được ghi lại từ các vì sao, tất cả đều là những điềm báo trước về số phận không thể tránh khỏi của ông, nhờ phong thư này mà chứng minh được mối liên quan tai họa của chúng, nếu trong một ngày tới, ông phải bứt ra khỏi gia đình, làng xóm, mất đi sự yên bình và lo lắng cho sự an toàn của mình, tất cả những chuyện đó đều do quan Chánh đường chứ không phải ai khác! Ai, nếu không phải là ông ta đang triệu hồi mình ra kinh đô? Như vậy nỗi lo sợ không một ai hay biết nay đã được chứng minh đầy đủ sự thật. Than ôi!

Cảm giác bị nỗi bất lực xâm chiếm cộng với sự ghê tởm cuộc đời này khiến viễn cảnh ông bị ngụp sâu vào đó lần nữa càng nhân lên gấp bội. Rõ ràng là vinh hoa chỉ đem lại phiền muộn. Đã bao lần ông nhắc lại điều đó với bằng hữu và học trò! Lẽ ra trước đây ông nên viện dẫn một số lý do nào đó để tránh việc đi chữa bệnh cho quan Thự trấn tỉnh nhà. Ông tự than thở “Phải chi biết thận trọng đề phòng trước thì hôm nay ta đã tránh được sự giày vò bởi cái danh tiếng hão!”

Linh cảm về một sự việc mà ông nghĩ là không thể nào lẩn tránh được có nghĩa là phải chấp nhận nó. Sự khôn ngoan nhắc nhở ông rằng trước khi báo cho gia đình biết ông đang đợi quan Chánh đương viết tiếp thư. Thế rồi ông kín đáo chuẩn bị cho người nhà biết việc triệu hồi này. Ông tự nhủ “Hơn nữa, chắc ngày Quận Huy đang có một số lý do gì khẩn thiết lắm!”. Suy nghĩ khác đi là xúc phạm đến phép lịch sự cao nhã của viên đại thần này, người vốn hay khen tính hiệu nghiệm về sự chữa bệnh của ta. Chứng cứ là từ khi đi khỏi trấn Nghệ An lúc nào ông ta cũng khỏe mạnh. Lý do cấp thiết này có phải là do khuôn mặt phấn son mỹ miều của một bà phi được sủng ái nhất trong đông đảo các bà không? Hay do đôi mắt thâm quầng vì cơn sốt của cậu con trai yêu quý nhất? Không biết bằng cách nào và do mưu mẹo nào mà tai họa này giáng xuống đầu ông, đó là điều giày vò ông nhất.

…Ký ức về triều đình nhơ nhuốc

Từ khi từ giã vũng nhơ triều đình, ông không còn quan tâm điều gì đã xảy ra trong đó. Mặc dù vậy, nhiều lần, ông nghe người ta nói rằng Chúa Trịnh Sâm xa lánh mọi người trong phủ liêu giữa những bộ sưu tập quý hiếm, thế tử ấu chúa Trịnh Cán, con trai của bà ái phi Đặng Thị Huệ vô cùng kiều diễm và cũng vô cùng quyền thế lên ngôi kế nghiệp, rằng phe cánh của người thừa kế chính đáng thế tử Trịnh Khải bị tước quyền đang sống trong bóng tối đầy thù hận. Thây kệ! Điều đó chả mấy quan trọng với ông! Theo ông, chỉ những tên người thay đổi còn tình hình thì vẫn y như cũ. Toàn là những cuộc tranh chấp xảo trá về quyền lực, giữa các phe phái, của những chiếc bụng nữa. Tóm lại là những cuộc đấu tranh ác liệt trong Cấm thành để cho lên ngôi một thế tử nối nghiệp Chúa Trịnh. Đó là đầu mối của nhiều thủ đoạn trong lòng cuộc sống xa ho và thú ăn chơi trác táng, với bọn thám tử mắt chuồn chuồn lúc nhúc khắp nơi, với bao câu chuyện phun ra chất độc, với nụ cười ẩn giấu dưới lưỡi lê sắc lạnh, với những con người liêm khiết bị xử trảm trước khi được nói và bọn nịnh thần đâu cúi gục và đôi chân đứng thẳng được khen thưởng hậu hĩ…Đó là chuyện thường ngày trong cung đình.

Trước đây ông đã rút lui một cách vội vã và đúng lúc khỏi cái xã hội thối ruỗng đến tận xương tủy ấy. Các bằng hữu đất kinh thành chưa lúc nào hết ngạc nhiên trước sự từ quan quá sớm như vậy [….]

Đó là quyết định trước đây của ông. Chưa bao giờ ông hối tiếc điều ấy!

Từ thời đó đã nảy sinh hai luồng thời vận, một cát, một hung, cả hai đều được sinh ra từ Đấng Quyền năng tối cao. Luồng thứ hai là Bạch Hổ, con cọp trắng độc hại liên tiếp chiến thắng làm cho người ta tưởng chừng như Trời cao không còn quan tâm đến số phận đất nước này. Các cuộc nội chiến chưa đến hồi kết thúc thì các tai họa khác lại nhanh chóng đến thay phiên. Không năm nào mà người dân không đau khổ về bao tai ương thảm khốc, khi không có lụt lội thì lại xảy ra hạn hán, khi vắng bão tố thì sâu bọ côn trùng lại phá hoại mùa màng, gây ra dịch bệnh và đói kém. Bị đói khát cùng kiệt, các tầng lớp nông dân nổi dậy như những bầy ong và hét lớn”Đả đảo nhà Trịnh!”. Các cuộc nổi dậy sớm hình thành rồi cũng sớm tan rã. Người ta nói đó là vì số phận nhà Trịnh chưa đến hồi kết như lời sấm truyền. Trong lúc chờ đợi, những văn bằng, những phẩm trật quan lại được tiếp tục rao bán, gánh nặng sưu thuế bóp cổ giới thương buôn, đất đai rơi vào tay bọn phú hào trong khi kẻ nghèo không có thước đất cắm dùi, rồi bao xác chết chất cao dọc đường với những vong hồn vất vưởng mà khi ngang qua không một ai buồn bố thí một hòn đất nhỏ…

Đó là thế giới thăng trầm mà người ta muốn cho ông ngập đầu vào nữa chăng?



 ______________

 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy 

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv  

Xem thêm

Để viết một cuốn tiểu thuyết dài hơi về một đề tài lịch sử cổ xưa, ngoài các sự kiện, công tích của nhân vật chính, tác giả phải tái hiện được vô số chi tiết - từ cách ăn mặc cho đến lời ăn tiếng nói, dựng lại được không khí một thời đại đã cách xa chúng ta hàng mấy thế kỷ.

Lại nữa, các nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi, Hải Thượng Lãn Ông từ lâu đã sống trong lòng người dân Việt, người đi sau - nhất là một tác giả nước ngoài - không dễ dựng nên tác phẩm mới vừa có sắc thái riêng vừa phản ánh chân thật nhân vật lịch sử và thời đại, được bạn đọc Việt Nam đồng tình tán thưởng.

Về vị thế trong lịch sử, Hải Thượng Lãn Ông không sánh được với Nguyễn Trãi, nhưng có thể nói việc dựng thành tiểu thuyết về danh y Lê Hữu Trác lại có chỗ khó khăn hơn vì cuộc đời ông không bi tráng và lắm nỗi éo le như tác giả Bình Ngô đại cáo. Nếu chỉ dựa vào lịch trình làm nghề thuốc của Hải Thượng rất khó viết nên một cuốn tiểu thuyết hay.

Với kinh nghiệm viết Vạn Xuân và có lẽ cũng tiếp tục tư tưởng Vạn Xuân, tuy Yveline Féray chỉ dựa vào một chuyến “thượng kinh” chữa bệnh của Lê Hữu Trác nhưng qua đó tác giả đã giúp bạn đọc hình dung được sự nhiễu nhương của thế cuộc, những chuyện tranh giành quyền bính của triều đình lúc đó dưới con mắt chứng kiến của vị danh y để rồi thấu hiểu cái hữu hạn của con người và sự huyền nhiệm của mệnh trời!

Không phải ngẫu nhiên mà ngay ở trang đầu tác phẩm, nhà tiểu thuyết đã trích một đoạn trong sách Luận ngữ của Nho giáo: Thầy Tử Cống thưa: “Tử như bất ngôn, tắc tiểu tử hà thuật yên” (nếu phu tử không nói thì đệ tử biết noi theo vào đâu?). Ngài nói rằng: “Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai!” (Trời có nói gì đâu! Bốn mùa chuyển vần, trăm vật sinh nở. Trời có nói gì đâu!).


Nhịp truyện và tình tiết câu chuyện diễn ra quá chậm, lời văn thì lan man dài dòng, tác giả đã làm quá lên nỗi lo lắng khi nhân vật được mời vào Kinh, hay thái độ xem thường sự vinh hoa phú quý, ngay cả việc nhân vật yêu thích cuộc sống ẩn dật cũng nhấn mạnh 1 cách thái quá, lời thoại giữa vợ và nhân vật quá ướt át & cải lương (ông bà đã 60 tuổi), ngoài ra cuộc trò chuyện giữa Lãn Ông và Thế Tử (khoảng 6, 7 tuổi) quá ư là hoành tráng, tôi nghĩ 1 đứa trẻ thông minh đến đâu cũng không thể đối đáp như một người trưởng thành sắc sảo được, ở đây lại còn có cả việc: 1 học trò ngưỡng mộ tài năng của Lê Hữu Trác đến nỗi lập bàn thờ, thờ sống ông tại nhà dù chưa biết mặt, 1 việc rất kiêng kị đối với người Á Đông nói chung và người Việt nam nói riêng, theo tôi biết vào thời đó người dân rất mê tín và kính trọng thần linh, Lê Hữu Trác là 1 người Nho học, nhưng ở đây tác giả miêu tả 1 buổi hầu đồng qua con mắt của nhân vật một cách rất chủ quan và cợt nhã, và còn 1 số lỗi sai ngớ ngẩn về thời gian nữa( có lẽ do người dịch),sau cuốn Madam Nhu thì đây là cuốn thứ 2 tôi đọc về lịch sử Việt Nam mà tác giả người phương Tây, có lẽ lần sau tôi sẻ cân nhắc kĩ trước khi đọc, dù sao cách suy nghĩ của họ vẫn là lối nghĩ Phương Tây, sách dày 318 trang nhưng đọc chưa đến 200 trang thì tôi mất kiên nhẫn, đau đơn quá! Hay tôi là 1 người không biết thưởng thức, hoặc là 1 độc giả quá khó tính!

“Sự vinh hoa phù phiếm chỉ đem lại cho con người nỗi phiền muộn mà thôi. Thói khoe khoang không thể sánh được với niềm vui tự giấu mình”. Đó là lời của thầy thuốc đáng kính Lê Hữu Trác thường trao đổi với các bằng hữu.

Mỗi nhà nho đều có lý tưởng sống. Không ai lạ gì một người đã chiếm được bảng vàng qua các kỳ thi tuyển cử quan lại, con trai một vị thượng thư trước đây, đang độ tuổi trưởng thành lại treo ấn võ quan lui về sống ở làng quê thuộc trấn Nghệ An và trở thành một thầy thuốc. Đó là thời kỳ rối ren mà rất đông nho sĩ đã thu mình về ở ẩn nơi làng quê. Từ đó, ngày đêm tiếp nối như thoi đưa, ba mươi năm trôi qua, Lê Hữu Trác không hề tỏ ra luyến tiếc. Trái lại, thời gian dường như chỉ khắc sâu thêm nỗi chán ghét của ông đối với giới quan lại và sự ghê tởm đối với tầng lớp quý tộc, mặc dù chính ông cũng xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc. Xa kinh đô hơn sáu trăm lý, ẩn mình nơi núi non, Lê Hữu Trác sống cuộc đời thanh nhàn và chỉ khao khát làm một người thầy thuốc già được người đời quên lãng. Ngồi buông câu cạnh gác Nghinh Phong, chơi đàn nguyệt, thăm nom người bệnh, dạy dỗ học trò, thưởng thức thú vui gia đình và làm thơ. Ông thường bảo đó là công việc trời định cho mình. Thế nhưng, mọi việc của đời người đều do thiên định và nếu suy ngẫm thì sẽ thấy rõ những gì sắp xảy ra đều có báo trước.

Từ vài tháng qua, nỗi lo lắng và căng thẳng của người thầy thuốc đáng kính không thoát khỏi sự chú ý của học trò và bạn bè, mặc dù ông đã cố giữ kín. Nếu bên ngoài thấy ông không có chút gì thay đổi về thói quen thường ngày thì bên trong ông như đang bị gặm nhấm bởi một nỗi đau thầm kín. Sao không còn thấy tâm trạng tươi vui trước đây của ông? Giờ đây sao ông lại để lộ ra vầng trán đăm chiêu như vậy? Ngại nhắc đến nỗi niềm đau đớn riêng tư của thầy, các học trò và bạn bè không ai dám hé miệng. Nhưng rồi mọi người đều hỏi nhau: "phải chăng ông mắc chứng thấp khớp kinh niên, bệnh lao, phù thũng hoặc bệnh phong. Tóm lại, một trong tứ chứng nan y?". Dù tuổi đã lục tuần, Lê Hữu Trác vẫn giữ được khuôn mặt trẻ trung tươi sáng của một chàng trai, dáng vẻ vững chắc của cây tùng cây bách và người ta cũng thầm thì to nhỏ là ông còn nắm chắc được bí quyết trường sinh bất tử.


“Sự vinh hoa phù phiếm chỉ đem lại cho con người nỗi phiền muộn mà thôi. Thói khoe khoang không thể sánh được với niềm vui tự giấu mình”. Đó là lời của thầy thuốc đáng kính Lê Hữu Trác thường trao đổi với các bằng hữu.

Mỗi nhà nho đều có lý tưởng sống. Không ai lạ gì một người đã chiếm được bảng vàng qua các kỳ thi tuyển cử quan lại, con trai một vị thượng thư trước đây, đang độ tuổi trưởng thành lại treo ấn võ quan lui về sống ở làng quê thuộc trấn Nghệ An và trở thành một thầy thuốc. Đó là thời kỳ rối ren mà rất đông nho sĩ đã thu mình về ở ẩn nơi làng quê. Từ đó, ngày đêm tiếp nối như thoi đưa, ba mươi năm trôi qua, Lê Hữu Trác không hề tỏ ra luyến tiếc. Trái lại, thời gian dường như chỉ khắc sâu thêm nỗi chán ghét của ông đối với giới quan lại và sự ghê tởm đối với tầng lớp quý tộc, mặc dù chính ông cũng xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc. Xa kinh đô hơn sáu trăm lý [1], ẩn mình nơi núi non, Lê Hữu Trác sống cuộc đời thanh nhàn và chỉ khao khát làm một người thầy thuốc già được người đời quên lãng. Ngồi buông câu cạnh gác Nghinh Phong, chơi đàn nguyệt, thăm nom người bệnh, dạy dỗ học trò, thưởng thức thú vui gia đình và làm thơ. Ông thường bảo đó là công việc trời định cho mình. Thế nhưng, mọi việc của đời người đều do thiên định và nếu suy ngẫm thì sẽ thấy rõ những gì sắp xảy ra đều có báo trước.

Từ vài tháng qua, nỗi lo lắng và căng thẳng của người thầy thuốc đáng kính không thoát khỏi sự chú ý của học trò và bạn bè mặc dù ông đã cố giữ kín. Nếu bên ngoài thấy ông không có chút gì thay đổi về thói quen thường ngày thì bên trong ông như đang bị gặm nhấm bởi một nỗi đau thầm kín. Sao không còn thấy tâm trạng tươi vui trước đây của ông? Giờ đây sao ông lại để lộ ra vầng trán đăm chiêu như vậy? Ngại nhắc đến nỗi niềm đau đớn riêng tư của thầy, các học trò và bạn bè không ai dám hé miệng. Nhưng rồi mọi người đều hỏi nhau: phải chăng ông mắc chứng thấp khớp kinh niên, bệnh lao, phù thũng hoặc bệnh phong. Tóm lại, một trong tứ chứng nan y? Dù tuổi đã lục tuần, Lê Hữu Trác vẫn giữ được khuôn mặt trẻ trung tươi sáng của một chàng trai, dáng vẻ vững chắc của cây tùng cây bách và người ta cũng thầm thì to nhỏ là ông còn nắm chắc được bí quyết trường sinh bất tử.


“Lãn Ông” thuộc một trong những tác phẩm tiểu thuyết tiêu biểu nhất của nhà văn người Pháp tài ba Yveline Féray.

Đây là truyện được tác giả lấy cảm hứng chủ yếu từ lịch sử dân tộc Việt Nam, những sự kiện có liên quan đến cuộc đời và những hoạt động của Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác, đại danh y sư pháp Việt Nam ở thế kỉ 18.

Hẳn là phải có một tình yêu với Việt Nam lắm thì bà Yveline Féray mới có thể sáng tạo được ra tác phẩm này dựa hoàn toàn vào lịch sử của nước ta, không phải nước mẹ ruột của mình. 

Lựa chọn lịch sử làm đề tài sáng tác, lại không phải lịch sử của dân tộc mình là điều không hề đơn giản, nhưng có lẽ chính khó khăn, thách thức ấy đã tạo nguồn động lực cho tác giả trong việc tìm tòi, sáng tạo để đạt đến một phong cách thể hiện mới lạ và độc đáo, vừa đảm bảo tính chân thực lịch sử vừa phát huy được tính hư cấu nghệ thuật của thể loại tiểu thuyết lịch sử. Có thể nói, qua "Lãn Ông", Yveline Féray đã giải quyết mối quan hệ nói trên một cách rất hài hòa, tinh tế và thấu đáo. Bối cảnh nền của tác phẩm vẫn là các sự kiện, biến cố, nhân vật được ghi chép trong chính sử, nhưng cộng thêm yếu tố hư cấu nghệ thuật khéo léo và chừng mực, tất cả đều trở nên vô cùng sắc nét và sinh động.