Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu từng có đoạn thơ nổi tiếng về tình yêu như thế này: 

Yêu, là chết trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu:
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.

Đã bao giờ, bạn từng trao trọn con tim của mình, hiến dâng cả cuộc đời mình cho một người, nhưng đổi lại chỉ là sự lừa dối và khổ đau trong tình yêu chưa? Nếu bạn từng điên cuồng si mê một người, yêu say đắm một người đến quên cả chính bản thân mình, bạn có từng nghiêm túc tự hỏi bản thân rằng tại sao bạn lại dành tình yêu này, sự si mê này cho đối phương mà không phải người nào khác? Và liệu rằng, thứ tình yêu mà bạn đang theo đuổi ấy có phải là tình yêu đích thực hay không? Bạn cho rằng tình yêu lứa đôi là điều quan trọng nhất, khi tình yêu sụp đổ, bạn chẳng còn tiếp tục muốn sống nữa chăng? Vậy thì cuốn sách Tâm Lý Học Tình Yêu - Thật lòng hay là đỉnh cao của sự lừa dối? sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn mới, giải mã nguyên do vì sao chúng ta lại cảm thấy đau khổ, dằn vặt, thậm chí như muốn chết đi sống lại sau khi kết thúc một mối tình đầy nước mắt và sự khổ đau. 

Có một câu nói nổi tiếng của Đại thi hào Márquez rằng “Con bướm phải mất 180 triệu năm mới cất cánh bay lên được. Con người cũng phải mất ngần ấy năm mới biết khóc, biết cười và biết chết cho tình yêu.” Tình yêu chính là một khu vườn đầy chứa đầy những hoa thơm trăm sắc, những tiếng chim ríu rít, hương thơm ngọt ngào, quyến rũ khiến con người ta cứ muốn đắm chìm vào nó mãi mãi. Ai ai cũng muốn có một tình yêu hoàn mỹ. Ai cũng muốn được hạnh phúc trong tình yêu. Sự khao khát hạnh phúc càng nhiều thì sự khổ đau càng lớn, sự hy sinh càng vĩ đại. Chúng ta đều biết rằng, thật lòng và chung thủy là điều kiện tiên quyết quyết định sự lâu dài và hạnh phúc trong tình yêu. Bởi vậy mà chúng ta đã dành phần lớn cuộc đời của mình để kiếm tìm một người chung thủy, một người không bao giờ lừa dối và phản bội lại tình yêu của chúng ta nhưng cuối cùng lại không lường trước được rằng, kẻ lừa đảo lớn nhất trong tình yêu lại chính là bản thân mình.


Về tác giả

Vũ Chí Hồng sinh ra và lớn lên ở Hà Bắc, Trung Quốc. Ông là chuyên gia tâm lý học hàng đầu Trung Quốc. Với nền tảng kiến thức uyên bác cùng những kinh nghiệm thực tế quý báu, Vũ Chí Hồng từng là một trong số ít người chủ trì chuyên mục Sức khỏe - Tâm lý của Nhật báo Quảng Châu. Ông là người đứng đầu thành lập trung tâm Tư vấn Tâm lý Vũ Chí Hồng và rất nhiều trung tâm tâm lý lớn ở cả Quảng Châu, Thượng Hải và Bắc Kinh. Cuốn sách Tâm lý học tình yêu - Thật lòng hay là đỉnh cao của sự lừa dối? là tác phẩm thuộc dự án sách về tâm lý học, khẳng định tên tuổi của ông trong lĩnh vực tâm lý, tình cảm của con người. 

Tại sao lại là cuốn sách này?

Thông qua những kiến thức về tâm lý và triết học uyên bác, cuốn sách Tâm lý học tình yêu - Thật lòng hay là đỉnh cao của sự lừa dối? của tác giả Vũ Chí Hồng sẽ lý giải nguyên do vì sao tình yêu của chúng ta khởi đầu là những điều đẹp đẽ đến cuối cùng thứ còn lại chỉ là sự đổ vỡ, nguồn gốc của sự lừa dối lớn nhất trong tình yêu rốt cuộc là bắt nguồn từ đâu? Bằng lăng kính triết học sâu sắc, tâm lý trong tình yêu của con người ta dần được hiện lên qua những phân tích về những nguyên nhân sâu xa của các vấn đề họ gặp phải trong mối quan hệ của từng người với gia đình, tình yêu, hôn nhân và mối quan hệ với cha mẹ…

Cuốn sách Tâm lý học tình yêu - Thật lòng hay là đỉnh cao của sự lừa dối? bao gồm hai tập. Tập đầu tiên xoay quanh vai trò của thời thơ ấu dẫn đến sự hình thành tâm lý và tình cảm của một người trong tương lai. Tập thứ hai xoay quanh những trạng thái tâm lý đa chiều, đa màu sắc của con người trong tình yêu và sự lý giải tạo sao nhiều người lại muốn làm kẻ thứ ba đến như vậy. Ở bài viết này, mình xin phép được chia sẻ về tập một của cuốn sách cùng với sự ngỡ ngàng của bản thân trước những điều mà bao lâu nay mình cứ ngỡ là đã tỏ.

Tập đầu tiên của cuốn sách này được phân thành hai chương đầy súc tích và thấm nhuần tư tưởng của tác giả với chương đầu tiên, tác giả tập trung vào việc làm rõ mệnh đề: Tình yêu là một vòng tuần hoàn. Ở chương thứ hai, tác giả đi sâu vào giải thích nguồn cơn của những cuộc chiến tranh khó tránh trong tình yêu qua việc phân tích những tình huống cụ thể. 

Sự tuần hoàn của tình yêu

Bạn đã bao giờ nghĩ, tình yêu luôn có sự tuần hoàn hay không?  Đã bao giờ bạn gặp một người và phát hiện ra sự thú vị rằng những người tình bước qua đời họ đều có những đặc điểm chung nhất định hay chưa? 

Trong sách, Vũ Chí Hồng có viết rằng Tuần hoàn có hai tầng hàm nghĩa: Tái hiện sự tốt đẹp của thời niên thiếu và sửa chữa những sai lầm của thời niên thiếu. Bạn của ông, người chưa từng học về tâm lý nhưng lại là thiên tài trong lĩnh vực này cũng khẳng định rằng “Thật ra, xu hướng yêu đương chỉ gói gọn trong hai câu tái hiện những điều tốt đẹp của thời niên thiếu và sửa chữa những sai lầm của thời niên thiếu”. Quan điểm này của Vũ Chí Hồng được củng cố qua phát hiện của ông về tướng mạo những cô tình nhân của vị tổng thống Clinton đều có thể phân thành hai loại, một là giống với bà vợi Hillary, hai là giống với cô thực tập sinh Lewinsky trong Nhà Trắng. 

Vòng tuần hoàn tình yêu của Clinton có nghĩa là: Gu phụ nữ của ông ta rất hạn hẹp, dao động giữa Hillary và Lewinsky. Khái niệm Con lắc Clinton được sinh ra từ đó.

Hillary là một người phụ nữ mạnh mẽ. Barbara, mẹ của Clinton cũng là một phụ nữ mạnh mẽ. Vì vậy, Clinton đã không ngừng tìm kiếm những người phụ nữ mạnh mẽ giống như Hillary để tái hiện lại mối quan hệ của ông với mẹ. Lewinsky thì ngược lại, là một “cô gái ngốc nghếch”. Clinton tìm đến một “cô gái ngây thơ” như Lewinsky chính là “phản bội” lại hình tượng mạnh mẽ của những người phụ nữ như vợ và mẹ mình.

Có thể nói, Clinton hết lần này đến lần khác muốn thoát khỏi sự kiểm soát của vợ và mẹ mình. Nếu vậy, tại sao lại tìm tới Hillary? Tại sao tìm kiếm Lewinsky? 

Clinton tìm đến Hillary để hồi tưởng lại vẻ đẹp của người phụ nữ mạnh mẽ Barbara - mẹ của ông. Cả hai người phụ nữ đều tận tâm tận lực yêu chiều Clinton. Người ta nói Hillary là quân sư kiêm CEO của Clinton. Nhưng, sống chung với người phụ nữ mạnh mẽ và kiểm soát quá mức như thế trong thời gian dài sẽ cảm thấy ngột ngạt. Vì thế mà Clinton luôn muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân này. Người phụ nữ giống mẹ không phải là đáp án tình yêu mà Clinton mong muốn, vậy thì, người phụ nữ trái ngược với mẹ chắc hẳn sẽ là đáp án tình yêu ông ta tìm kiếm bấy lâu nay. 

Vì vậy, Clinton đã tìm đến Lewinsky. “Cô gái ngốc nghếch” như Lewinsky sẽ mang lại cho Clinton một cảm nhận khác về vẻ đẹp của phụ nữ. Cô ta sẽ ngưỡng mộ ông và coi ông là người đàn ông vĩ đại nhất trên thế giới. Tất nhiên, một “cô gái ngây thơ” cũng có thể mang lại sự khổ sở cho người đàn ông. Cô ấy sẽ dựa dẫm vào anh ta quá nhiều, và nếu cô ấy quá ngốc, sẽ rất nhàm chán. Nhưng, “cô gái ngốc nghếch” vẫn không phải là câu trả lời cho tình yêu, cho nên người phụ nữ mạnh mẽ đối lập với “cô gái ngốc nghếch” lại một lần nữa trở thành đáp án đúng cho tình yêu mà Clinton tìm kiếm. Do đó, khi Clinton cảm thấy mệt mỏi với “Lewinsky”, con lắc của ông ta sẽ giao động về phía “Hillary”. 

Nếu như bạn cho rằng trên đời này tồn tại một người gọi là “Mr. Right” hoặc “Mrs. Right”, đồng thời bạn cũng không phải là người hướng nội, vậy thì có thể bạn sẽ rơi vào tình trạng “con lắc Clinton”

Cá nhân tôi rất thích phát hiện này của tác giả. Nó làm tôi dường như ngộ ra một điều gì đó. Rằng thì ra, mọi thứ xảy ra trong tình cảm đều có cơ sở nguyên do của nó, và sự phản bội trong tình yêu cũng vậy. 

 Trong mối quan hệ với bố mẹ hoặc những người giám hộ khác, chúng ta chắc chắn sẽ rơi vào thế yếu. Chính vì thế, việc “sửa chữa những sai lầm ở thời niên thiếu” không thể diễn ra một cách tốt đẹp. Nhưng đến khi bắt đầu một mối quan hệ yêu đương, mối quan hệ mà ở đó vị thế của hai người về cơ bản là ngang bằng nhau, ta thường muốn chơi một trò chơi lớn gọi là “thay đổi giấc mơ”.

Thay đổi giấc mơ là nguồn gốc dẫn đến đau khổ trong mối quan hệ yêu đương. Rõ ràng bạn ở cùng người như thế, nhưng lại bắt người ta phải trở thành một người như bạn hằng tưởng tượng.Thậm chí, bạn vốn dĩ không nhìn thấy sự tồn tại chân thực của họ, mà chỉ vô cùng hạnh phúc hoặc vô cùng đau khổ khi phóng chiếu tất cả những “điều tốt nhất” và “điều xấu nhất” lên trên người đối phương. Thật ra, bạn đang yêu một người mà bạn tưởng tượng ra mà thôi.

Mà điều quan trọng hơn là chẳng có ai lại tình nguyện để người khác thay đổi mình cả. Chính vì thế, người yêu của bạn sẽ trở thành người đấu tranh với bạn. Và điều này sẽ tạo thành hàng loạt xung đột trong tình yêu và hôn nhân.

Để hóa giải những xung đột ấy, bạn phải thấy rõ ảo giác của bản thân mình, và nhìn thấy rõ sự tồn tại chân thật của đối phương. Học tập và chung sống với sự tồn tại chân thực của người ấy. 

Tác giả chỉ ra rõ một cuộc tình hoàn chỉnh sẽ trải qua ba giai đoạn theo cách rất logic và khoa học. Nếu bạn thật sự hiểu và chấp nhận rằng, cuộc tình nào cũng sẽ phải trải qua ba giai đoạn ấy, tôi tin rằng bạn sẽ không còn sự đau khổ hay oán trách trong tình yêu nữa. Người ta thường hay nói, tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Vậy một cuộc tình hoàn chỉnh, ắt hẳn là có những bi thương, khổ đau trong ấy.

Một cuộc tình hoàn chỉnh sẽ trải qua ba giai đoạn:

1 + 1 = 1

1 + 1 = 0

1 + 1 = 2

Ở giai đoạn đầu tiên, bạn là tôi, tôi là bạn, cả hai chúng ta dường như hòa vào làm một thể. Đến giai đoạn thứ hai, bạn là nguyên nhân cơ bản của nỗi thống khổ đời tôi, tôi là nỗi đau khổ tồn tại của cuộc đời bạn, hai chúng ta làm sao mà có thể sống chung bên nhau được chứ? Điều này chẳng khác nào một sai lầm lớn! Giai đoạn thứ ba, tôi là tôi, bạn là bạn, nhưng hai chúng ta lại đang ở bên nhau, hơn nữa còn thật sự cảm thấy tôi nên ở cùng bạn.

Thông thường, tình yêu mà chúng ta dành cho nhau chỉ mới ở giai đoạn đầu. Đây là giai đoạn mộng tưởng mà tôi từng nói đến. Tôi đã phóng chiếu một hình tượng hoàn mỹ lên trên con người bạn, và bạn cũng thế, chúng ta cảm thấy tất cả đều thật tuyệt vời. Nhưng, sự thật lại là bạn không hề trông thấy tôi và tôi lại không hề hiểu gì về bạn. 

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn mộng tưởng bị phá hủy: Cuối cùng thì tôi cũng nhìn rõ con người bạn, nhưng sao con người bạn ở trong mộng tưởng của tôi lại khác con người thật của bạn nhiều đến thế? Tôi không thể chấp nhận sự thật ấy, cho nên gây chiến với hy vọng cuộc chiến tranh ấy có thể đưa con người trong mộng tưởng quay về. 

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn chấp nhận con người ở hiện thực. Người chấp nhận con người thật cuối cùng cảm thấy rằng tình yêu đến từ việc hòa hợp với sự tồn tại của người kia thông qua sự tồn tại thật sự của chính mình, là tình yêu thực tế và chân thực nhất. 

Hy vọng tình yêu của các bạn có thể đi đến giai đoạn thứ ba. Đến lúc đó bạn sẽ phát hiện tình yêu là một vòng tuần hoàn. 

Tình yêu sét đánh hay là sự mê hoặc trí mạng?

Tình yêu quả thực là một đề bài rất khó, có thể khiến chúng ta dành cả đời để giải cũng chưa chắc có kết quả. Nó là suối nguồn hạnh phúc lớn nhất, cũng là suối nguồn của khổ đau lớn nhất. Trên đời này, tôi nghĩ cảm xúc chính là thứ mê hoặc lòng người đầy ma mị. Sự vui vẻ hay hạnh phúc, sướng vui, sự khổ đau, tuyệt vọng hay thù hận cay đắng, đều như một hố đen sâu ngút có sức hút khổng lồ xoáy con người ta chìm vào mãi mãi. 

Những người quen với hạnh phúc thời thơ ấu sẽ tiếp tục lặp lại hạnh phúc trong tương lai; những người thường xuyên buồn phiền thời thơ ấu sẽ tiếp tục lặp lại sự buồn phiền đó trong tương lai; những người sống chung với đau khổ thời thơ ấu sẽ kéo dài cuộc sống đau khổ đó trong tương lai.

Chính vì thế, khi bạn nhìn thấy một người bị rơi xuống vực sâu thì cũng đừng cho rằng người đó là nạn nhân. Ngược lại, người ta có thể đang hưởng thụ cái vực sâu đó. Thậm chí, cái vực sâu ấy còn do chính bản thân họ từ đào cho mình.

Về mặt ý thức, tất cả chúng ta đều theo đuổi sự vui vẻ và hạnh phúc. Hơn nữa phải có một triết lý sống tương ứng. Nhưng trong tiềm thức, tất cả chúng ta đều theo đuổi những cảm xúc hoặc cảm giác mà chúng ta hằng quen thuộc. Đó là một sự mê hoặc trí mạng.

Không có cảm giác an toàn đáng sợ thế nào?

Ở phần thứ 2 của tập sách, tôi có ấn tượng với ví dụ của tác giả về cuộc hôn nhân của Trương Bá Chi và Tạ Đình Phong đã bị hủy hoại như thế nào. Bạn đã bao giờ nghe tới “hiệu ứng ếch luộc” chưa? Đó là khi con ếch được đặt trong nồi nước lạnh rồi đun lên từ từ, nó sẽ mãi nằm im trong đó đến khi bị nấu chín. Ngược lại, nếu bạn thả một con ếch vào nồi nước sôi, nó sẽ giãy nảy và nhảy ra ngay. Khi đọc đến ví dụ cuộc hôn nhân của Trương Bá Chi, tôi liền liên tưởng ngay đến hiệu ứng này. 

Trên thực tế, đối với những người mà không có cảm giác an toàn một cách trầm trọng, đột nhiên được rơi vào trong một bể hạnh phúc thật sự thì họ sẽ cảm thấy có cảm giác choáng váng rất lớn, khó có thể tin nổi tình yêu lại đến và sẽ dùng rất nhiều phương thức để khiêu chiến với đối phương, khiến cho đối phương liên tục chứng minh tình yêu của mình, dường như chỉ như vậy thì bản thân mình mới có thể tin đó là tình yêu. Nhưng kết quả của việc làm như vậy rất dễ khiến cho đối phương cảm thấy càng ngày càng mệt mỏi và phiền phức, chán ghét, cuối cùng thì quả thật sẽ không còn yêu nữa.

Lúc này, người có cảm giác bất an nghiêm trọng xem ra sẽ cảm thấy bị tổn thương sâu sắc, nhưng nội tâm của họ sẽ lại mơ hồ có một cảm giác thắng lợi: “Tôi đã sớm biết thế giới này làm gì có tình yêu, tình yêu chỉ là lừa gạt người ta mà thôi, bạn xem kìa, đây không phải là bằng chứng xác thực hay sao?”

Một biểu hiện khác về sự không có cảm giác an toàn của Trương Bá Chi là cô ấy đã chỉ trích Tạ Đình Phong “nghiện game”, tức là chơi trò chơi điện tử suốt mà không hề để ý gì đến cô ấy và con cái.

Vấn đề này xem ra có vẻ rất tầm thường, thậm chí còn bị Tra Tiểu Hân - người đầu tiên tiết lộ chuyện Tạ Đình Phong và Trương Bá Chi - lấy làm đề tài châm chọc. Cô ấy nói, anh ấy không phải là đi tìm phụ nữ khác, chỉ là “nghiện game”, đến chuyện này mà cũng không cho phép hay sao?

Nếu như lý giải được sự không có cảm giác an toàn của Trương Bá Chi thì bạn sẽ biết, “nghiện game” mà không chịu gần gũi vợ con, chuyện nhỏ như vậy nhưng lại nghiêm trọng hơn cả việc có mua cổ phần cho cô ấy hay không. 

Bởi vì không có cảm giác an toàn một cách trầm trọng nên những kiểu người như Trương Bá Chi sẽ cực kỳ ỷ lại vào đàn ông về mặt tình cảm, cô ấy không thể nào chịu đựng nổi sự cô độc, cô ấy nhất định phải cảm nhận được cảm giác hai người bên nhau. Mà rõ ràng là có hai người nhưng người còn lại thà chơi trò chơi điện tử chứ không thèm ở bên cô, để cô một mình trong đơn độc, cái cảm giác ấy thật đáng sợ.

Trước đây tôi cũng từng có suy nghĩ rằng phải chăng những cô gái hay có phản ứng mạnh mẽ với việc người yêu của mình chơi game là có hơi thái quá? Rất nhiều cô gái coi trò chơi điện tử là tình địch hàng đầu, thì ra nguyên nhân chính là như vậy. 


Lời kết

Suy cho cùng, tình yêu thật sự là một đề bài khó. Tìm một người người đi bên cạnh ta suốt cuộc đời không nhất thiết phải là một người hoàn mỹ, phải là “Mr. Right” hay “Mrs. Right” của chúng ta. Thậm chí, có lẽ cũng không cần nhất thiết phải là yêu. Chỉ cần có thể cùng chung một con đường, có thể làm bạn trên con đường đó, cùng dắt tay nhau đi, để cả cuộc đời sau này không còn nỗi cô đơn tịch mịch, vậy là đủ. Tâm lý học tình yêu - Thật lòng hay là đỉnh cao của sự lừa dối? thật sự là một cuốn sách hay dành cho tất cả mọi người, cho những ai thật sự muốn tìm được hạnh phúc trong tình yêu, khao khát yêu và khao khát được là chính mình. Cuốn sách giúp bạn thấu hiểu tình yêu và những nguyên do gây nên những vết rạn trong cuộc tình của mình, từ đó có thể xây đắp, vun trồng lên một mối quan hệ thực sự lâu bền và hạnh phúc. 


Review chi tiết bởi: Đặng Trà My - Bookademy


--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:  Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 


Xem thêm

Tập 1 cho 3 sao, tập 2 để 4 sao. Nói chung sách tầm 3.8 Sắp hết nửa năm mới đọc xong tựa sách đầu tiên. Mục tiêu khiêm tốn 39q của năm nay nghe chừng cũng xa vời. Trước giờ mình vẫn nghĩ gia đình ảnh hưởng đến 7-80% cuộc đời, đọc bộ này xong càng thấy điều đó và hiểu thêm về chính mình một chút. Có những chỗ cảm thấy tác giả khiên cưỡng, nhưng khi đọc hết thì thấy cần xem lại những đoạn đó và ngẫm lại. Tác giả chịu ảnh hưởng của Freud. Về cơ bản thì hình mẫu cha/mẹ và những năm tháng tuổi thơ ảnh hưởng sâu sắc tới cách chúng ta chọn lựa đối tác yêu và kết hôn. Soi lại chính mình và nhiều người mình quen thì nhiều điều được phân tích trong sách khá là đúng. Ta có thực sự yêu ai đó không hay chỉ yêu những gì ta khoác lên họ? Ta có thể yêu con người thật của ai đó sau khi nhìn ra những ảo tưởng tình yêu hay không? Ta có nhận diện được chính những tổn thương của mình để dám đón nhận người khác bước vào đời ta? "Tất cả chúng ta đều thiếu tự tin trong tình yêu, hoặc có thể nói rằng, tất cả chúng ta đều cảm thấy tự ti trong tình yêu. Do đó, khi chúng ta có cảm giác yêu và được yêu, chúng ta sẽ mơ hồ, và lúc này chúng ta muốn được người khác mang đến sự xác nhận". Điều này lý giải vì sao khi được yêu người ta vừa thấy hạnh phúc lại vừa thấy hạnh phúc đó không thật và cần được chứng minh. Vì thế nhiều người bất an khi người mình yêu vẫn trò chuyện với người khác giới khác, và liên tục cần được nghe, được thấy những điều chứng minh tình yêu đối phương dành cho mình là thật. Những người càng tự ti, càng nhiều tổn thương và tuổi thơ thiếu tình cảm hay gia đình không hạnh phúc thì những biểu hiện này càng rõ - bất chấp tuổi tác và trình độ. Bởi vì tình yêu khiến người ta thấy rõ sự tồn tại của mình hơn (thấy mình đặc biệt) và cũng bởi vậy nên dễ tổn thương hơn. Sự xù lông, lạnh lùng, im lặng... đôi khi là để chờ một cái ôm. Nhưng, việc đòi hỏi sự chứng minh tình yêu ấy theo thời gian sẽ khiến đối phương mệt mỏi và có thể khiến tình yêu tan vỡ. Bởi vì, càng được chứng minh thì thử thách tiếp theo họ dựng lên càng khó khăn hơn. Nhiều người trong số họ không nhận ra mình đang thử thách tình yêu hoặc bị thử thách. Vì thế mà càng yêu lại càng đẩy nhau ra xa. Rốt cuộc, ta vẫn phải quay về với chính mình để hiểu mình trước để có thể mở lòng. Và yêu là chấp nhận cảm xúc của nhau chứ không phải chuyện tranh luận đúng sai. Lâu rồi không chấm điểm: 8-8.3

Một cuộc tình hoàn chỉnh sẽ trải qua ba giai đoạn: 1 + 1 = 1 1 + 1 = 0 1 + 1 = 2 Ở giai đoạn đầu tiên, bạn là tôi, tôi là bạn, cả hai chúng ta dường như hòa vào làm một thể. Đến giai đoạn thứ hai, bạn là nguyên nhân cơ bản của nỗi thống khổ đời tôi, tôi là nỗi đau khổ tồn tại của đời bạn, hai chúng ta làm sao mà có thể sống chung bên nhau được chứ? Điều này chẳng khác nào một sai lầm lớn! Giai đoạn thứ ba, tôi là tôi, bạn là bạn, nhưng hai chúng ta lại đang ở bên nhau, hơn nữa còn thật sự cảm thấy tôi nên ở cùng với bạn. Thông thường, tình yêu mà chúng ta dành cho nhau chỉ mới ở giai đoạn đầu. Tôi đã phóng chiếu một hình tượng hoàn mỹ lên trên con người bạn, và bạn cũng thế, chúng ta cảm thấy tất cả đều thật tuyệt vời. Nhưng, sự thật lại là bạn không hề trông thấy tôi và tôi lại không hề hiểu gì về bạn. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn mộng tưởng bị phá hủy: Cuối cùng thì tôi cũng nhìn rõ con người bạn, nhưng sao con người bạn ở trong mộng tưởng của tôi lại khác con người thật của bạn nhiều đến thế? Tôi không thể chấp nhận nổi sự thực ấy, cho nên gây chiến với hy vọng cuộc chiến tranh ấy có thể đưa con người trong mộng tưởng quay trở về. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn chấp nhận con người ở hiện thực. Người chấp nhận con người thật cuối cùng cảm thấy rằng tình yêu đến từ việc hòa hợp với sự tồn tại thực sự của người kia thông qua sự tồn tại thực sự của chính mình, là tình yêu thực tế và chân thực nhất.