Dương Thụy là nhà văn nữ được biết đến qua những bài viết trên báo Hoa Học Trò và hiện nay là cây bút khá nổi bật trên văn đàn Việt Nam. Chị đã trở thành nhà văn trẻ hàng best-seller, kể từ khi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay “Oxford thương yêu” và tập truyện ngắn “Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình” cùng hàng loạt các tác phẩm khác được nhiều thế hệ độc giả yêu thích. Lần này, chị đã dành cho lứa tuổi 20 một ấn phẩm đặc biệt, như lời tâm tình, chia sẻ của người chị “đã đi qua tuổi 20 nhiều bỡ ngỡ” và “từng mong có người đi trước chia sẻ với mình những trải nghiệm thực tế”. Các bạn trẻ sẽ cảm thấy có động lực và suy nghĩ tích cực hơn để phấn đấu bằng bạn bằng bè thay vì “ăn bánh GATO” (Ghen ăn tức ở) với thành công của người khác. Các bạn trẻ mới đi làm sẽ tìm ra hướng để giải quyết “tô canh hẹ” mà môi trường công sở đầy bỡ ngỡ đem lại. Mỗi câu chuyện từ chính trải nghiệm của tác giả chính là bài học về cách đối nhân xử thế, về tư duy tích cực để đem lại thành công và hạnh phúc. “Tôi chỉ có một lời khuyên: No pain, No gain. Không trải qua năm tháng vất vả và rèn luyện, thì sẽ không có thành quả. Thay vì ngồi rên rỉ, các bạn hãy hành động, bắt đầu bằng những bài học căn bản nhất. Những cuốn sách chỉ dạy phương pháp căn bản đầy, nhưng mấy ai áp dụng được và thành công? Bởi vì không phải ai cũng biết cố gắng, biết kiên nhẫn, biết làm việc cật lực. Tôi muốn các bạn biết rằng hiện tại tôi vẫn luôn rèn luyện, tôi vẫn phải đọc, phải viết ngoại ngữ mỗi ngày. Tôi cũng không hơn gì các bạn đâu, chẳng qua tôi lớn tuổi hơn các bạn, tôi “trải đời” hơn các bạn, tôi học trước các bạn mười mấy hai mươi năm thôi”. Đó chính là thông điệp trong cuốn sách xinh xắn Tắm Heo & Tắm Tiên của tác giả Dương Thuỵ muốn gửi đến các bạn trẻ.
Xem thêm

Tôi may mắn rơi vào độ tuổi độc giả mà chị Dương Thụy nhắm đến thông qua quyển sách này nên đọc cũng cảm nhận được phần nào điều chị muốn gửi gắm mà không cảm thấy quá khó hiểu, hay bị lên mặt dạy đời. Tuy sách khai thác cùng đề tài với những quyển “Cafe cùng Tony”, “Sống xanh”,… hay một số vlog trên youtube nhưng nhờ giọng văn nhẹ nhàng, tình cảm của tác giả khiến ta đón nhận được những bài học một cách ý nhị, nhẹ nhàng hơn mà cũng sâu sắc thấm thía hơn. Tôi rất mừng vì tác giả cũng đồng quan điểm với mình về việc giới trẻ Việt ngoài một bộ phận “anh hùng bàn phím” trên mạng xã hội thực chất còn rất nhiều người có tài, có tâm, có nội lực và ý chí cầu tiến cao độ không thua kém giới trẻ phương Tây chút nào nhưng tất nhiên, truyền thông (vì lý do khách quan hay vì khẩu vị độc giả) cứ thích khai thác nhiều hơn về mặt tiêu cực khiến nhiều người hay đánh đồng, có cái nhìn phiếm diện về giới trẻ. Tại sao chúng ta lại không nhìn đời bằng con mắt tích cực hơn? Ngoài ra, có 2 bài viết tôi rất ấn tượng từ tiêu đề đến nội dung trong quyển này là “Đừng bao giờ cho ai mượn sách” và “Internet không thay ta đi du lịch”. Nếu bạn thích sách thể loại truyền động lực nhưng không thích kiểu viết phũ phàng hay thô thì lựa chọn quyển sách này của Dương Thụy có thể xem là sáng suốt, theo lời nhà văn: “Mỗi cuốn sách giá chừng hai tô phở mà giúp người ta có một cuộc đời mới vui sống hơn” thì hà cớ gì không thể sắm quyển này để ủng hộ tác giả Dương Thụy nhỉ!