Ước mơ của tôi là sống được khoảng 110 tuổi. Như vậy, tôi còn cỡ 25 năm nữa. Tôi dự định sẽ nghỉ hưu sau tuổi 95. Vì vậy, mục tiêu hiện tại của tôi là duy trì thể lực và tinh thần bằng mọi giá để có thể viết sách cho đến khi nghỉ hưu. Tính từ bây giờ thì tôi còn mười năm nữa, nếu mỗi năm viết một cuốn thì tôi sẽ viết được thêm mười cuốn nữa. Chỉ cần nghĩ như vậy là tôi đã thấy mãn nguyện và muốn trân trọng từng ngày tháng còn được sống. Tôi sẽ không ngồi yên nhìn thời gian trôi đi một cách phí hoài.

Những dòng tâm sự trên được trích trong cuốn sách Gửi tuổi trẻ thân thương của tác giả Kim Wook – một đóa hoa nở muộn giữa văn đàn của xứ sở Kim Chi. Điều tôi thực sự ấn tượng trong cuốn sách này chính là tinh thần nhiệt huyết, một tình yêu cuộc sống bất chấp tuổi tác của tác giả. Ông vẫn không ngừng nghỉ học hỏi từng ngày, dám thử thách bản thân vào những điều mới mẻ. Nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà văn từ năm 15 tuổi, nhưng đến tận năm 75 tuổi ông mới hoàn thành giấc mơ của đời mình. Tôi đã từng đọc một câu chuyện ý nghĩa trên internet nói về cuộc đương đầu giữa dòng suối và hòn đá, kết quả là dòng suối luôn thắng. Vì sao lại vậy? Đó là bởi sức mạnh của sự bền bỉ đã khiến những hòn đá dù cứng rắn đến mấy, nhưng theo năm tháng cũng sẽ bị dòng nước suối mài mòn. Đừng nản lòng khi con đường ta chọn có nhiều trở ngại và khó khăn, hãy luôn tin rằng phần thưởng ngọt ngào nhất sẽ nằm ở cuối con đường ấy. Hãy bùng cháy khi nhìn những bông hoa đua nở um tùm trong vườn, ganh tị với chúng vì mình chưa thể bừng nở như vậy dù thời gian chẳng còn bao nhiêu. Không ngừng bùng cháy, không ngừng thử thách, đó chính là cuộc sống.

Về tác phẩm

Gửi tuổi trẻ thân thương là những lời tự sự, bộc bạch chân thành nhất về chính cuộc đời đầy thăng trầm của tác giả. Chứa đựng trong cuốn sách không phải là những điều răn dạy cứng nhắc, mà ở đây câu chuyện về những người bạn, người đồng nghiệp và cả của chính tác giả, được truyền tải một cách nhẹ nhàng và đầy yêu thương. Qua thất bại của bản thân, ông muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ hiện nay những thông điệp ý nghĩa của riêng mình. Đối với ông, những hạn chế trong cuộc sống cũng giống như đôi chân ngắn của thằn lằn có thể trở thành vật cản đường nhưng cũng có thể trở thành bước đệm khuyến khích chúng ta tiến hóa bay lên trời cao, vươn xa hơn tất cả những đồng loại bình thường khác: Đôi chân ngắn sẽ sinh ra con thằn lằn mọc cánh.

Dù cho còn nhiều vụng về, nhưng các bạn là những người tuyệt vời nhất

Theo Anatole France tác giả đoạt giải Nobel văn học năm 1921 đã từng nói: “Nếu tôi là Chúa, tôi sẽ đặt tuổi thanh xuân ở cuối cuộc đời con người”

Trong trường hợp ước muốn của ông trở thành sự thật, thì tôi của ngày hôm nay đang hưởng thụ thời kỳ thanh xuân, tôi của ngày hôm nay chính là tuổi trẻ.

Dù đang ở độ tuổi “cổ lai hy” nhưng đọc những dòng trên hẳn ta thấy ngay một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, đam mê cháy bỏng với cuộc sống của tác giả. Dưới những trang ký ức, ông đã tái hiện lại một bầu không khí tràn ngập mùi thuốc súng và bom đạn, những xác người nằm ngổn ngang với những thân thể không lành lặn lay lắt trên đường. Tuổi 20 – cái độ đẹp nhất của chàng sinh viên năm hai khoa Quốc Văn ôm ấp hoài bão trở thành một nhà văn thì lại bị ép phải trở thành quân tình nguyện đến Bắc Triều Tiên. Sau biết bao nhiêu thăng trầm, biến cố của cuộc đời liệu ta có thể thay đổi thế giới khi còn trẻ? Tuổi trẻ quá ngắn ngủi cho việc than thở và chỉ ngồi chờ thời cơ.

Từ quan điểm của một người thuộc thế hệ trước đã trải qua những khoảnh khắc đối diện giữa sự sống và cái chết trong gang tấc, tác giả đã nhận thấy một thực trạng khá phổ biến ở giới trẻ ngày nay đó là lối sống vô cảm họ mang một vẻ mặt thất thần – sống như người mất hồn, dường như họ không biết bản thân cần phải làm gì để sống. Có những bạn trẻ sẵn sàng giết người trong giây phút bốc đồng chỉ vì lòng tự trọng bị tổn thương, nhưng lại chẳng đủ nhiệt huyết để quyết tâm theo đuổi một điều gì đó.

Khảo sát của chính phủ Nhật công bố tháng 3/2019 cho thấy nước này có 613.000 hikikomori ở độ tuổi trung niên - thuật ngữ mô tả những thanh thiếu niên sống khép kín, chui lủi trong phòng ngủ. Trong số những người dưới 40 tuổi, cứ ba người thì có một người trở nên "sống đời cô lập" vì gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hoặc ổn định công việc sau khi học xong.

Gần đây, đài báo đưa tin về vụ việc nhóm nữ sinh có những hành vi du côn, bạo lực ở nhiều nơi với những cảnh xé quần, xé áo, cắt tóc, đánh đập. Người quay lại những video đó là những bạn nam sinh, ngoài chửi bới, cậu ta còn cổ động đầy hứng khởi những hành động đó: “Cởi áo đi, xé áo đi...” Thật bức xúc với những trường hợp thanh niên gặp người bị nạn trên đường, không những không giúp đỡ họ mà còn lăm le hôi của. Tệ hại hơn, khi gần đây tình trạng phạm tội giết người xảy ra ở những độ tuổi còn rất trẻ ngày càng tăng lên.

Dư luận xôn xao về vụ thảm sát, cướp tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). “Kẻ vô cảm” đã giết ba mạng người, đó là thanh niên Lê Văn Luyện, 17 tuổi. Có người đã nói: “Hành vi phạm tội của Lê Văn Luyện là đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất dã man, tàn bạo, vô cảm chưa từng có từ trước tới nay”Ngoài ra, còn có Hồ Nhật Linh,18 tuổi, ngụ tại Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã đâm 95 nhát dao vào thai phụ có bầu 8 tháng tuổi, sau đó vứt xác nạn nhân xuống mương…

Theo tác giả, thế hệ trên được gọi là không còn thuốc chữa – không còn niềm tin vào bất cứ thứ gì ngay cả với bản thân mình, chán nản, luôn mang trong mình nỗi bất an, sợ hãi. Họ sống không biết tới ngày mai, tìm kiếm niềm vui trong những trò chơi điện tử bạo lực, lấy việc gây đau khổ cho người khác làm cách gây chú ý, chứng tỏ cái tôi của mình là “dân anh chị”.

Hãy thừa nhận bản thân chỉ là một người như vậy – vô dụng và không còn thuốc chữa. Có lẽ lúc này bạn đang tự nhủ, không được phép yếu đuối, không được sợ rằng mình sẽ chẳng làm nên trò trống gì, rồi đến trầm cảm mất. Tuy nhiên, dù có cố tự bảo vệ bản thân bằng thứ lòng tự trọng chẳng hề tồn tại kia, bạn cũng không mạnh mẽ hơn đâu. Thà rằng, hãy thừa nhận ngay từ đầu, rằng mình chỉ là một người yếu đuối.

Đọc những dòng trên hẳn ta sẽ thấy một điều nghịch lý ở đây đúng không? Sao tác giả không cổ động chúng ta sống mạnh mẽ, lý trí hơn mà lại bằng một cách ủy mị đến vậy. Việc thừa nhận bản thân yếu đuối không hề làm ta kém cỏi hơn hay đồng nghĩa với việc ta đang bỏ cuộc. Khi hiểu rõ về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, ta sẽ thấy việc thừa nhận mình yếu đuối không hề khiến ta thấp kém. Mà điều đó còn giúp ta nhìn nhận lại bản chất bên trong con người mình. Có một sự thật không thể chối bỏ, trên đời này không ai là hoàn hảo và chính ta cũng vậy. Khi đã chấp nhận, chúng ta mới có thể suy nghĩ một cách tích cực và đón nhận cơ hội thử sức với điều mới biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Khi đã thực sự hiểu rõ chính mình và con đường đang đi, ta mới thấy rằng cuộc sống này thật ý nghĩa biết chừng nào. Hãy sống cuộc đời của ta, làm những điều mà bản thân mong mỏi, cố gắng hoàn thành nó với tất cả nhiệt huyết.

Tuổi trẻ chính là thời gian vẫn còn kịp để liều mình, để thách thức, và dù thất bại hay thành công thì cũng đã có được cho mình những bài học kinh nghiệm tích lũy về sau.


Nhưng, đâu phải lúc nào cũng may mắn tìm ra ngay được điều mà bản thân thực sự muốn làm? Ta thất vọng, chán nản, rồi đổ lỗi cho hoàn cảnh và chính mình. Tác giả Kim Wook cho rằng: Nỗi phiền não lớn nhất của rất nhiều người chính là không biết bản thân nên làm gì. Dù có nỗ lực thế nào cũng chẳng thể tìm ra thứ đó là thứ gì. Dù có đem vấn đề đó ra chia sẻ và tâm sự với người khác để mong mỏi tìm ra câu trả lời, nhưng thật buồn là khó có thể tìm ra đáp án. Giờ đây không phải là lúc ta ngồi yên một chỗ, vắt tay lên trán mà suy tính và đợi chờ thời cơ. Hãy hành động, làm bất kể điều gì mà bản thân thấy hứng thú để khơi dậy lòng nhiệt huyết. Nhiệt huyết không so đo tính toán thiệt hơn. Nhiệt huyết luôn bùng cháy vô điều kiện. Theo Bill Gates – người trở thành tỷ phú ở tuổi 38 cho rằng:

Đam mê và thành công luôn đi cùng với nhau, miễn sao chúng ta phải biết nắm bắt thời cơ và dám đặt chân trên con đường mới. Vì vậy, hãy thử làm việc như thể đang đùa vui nhẹ nhàng. Đừng quá vội vàng “dán nhãn” cho những gì mình đang làm. Hãy cứ đơn giản làm theo chỉ dẫn của trái tim và suy nghĩ của riêng mình.

Giá trị đồng tiền lên ngôi

Trong những chương sách tiếp theo, tác giả viết về những trải nghiệm cá nhân trong quá khứ khi ở độ thanh xuân. Vì có đam mê với những con chữ mà ông quyết tâm kiên trì đi theo con đường đó tới cùng. Thế giới xung quanh ông đổi thay từng ngày, bạn bè sau khi tốt nghiệp mỗi người mỗi ngả, có người chọn du học để thoát ly khỏi đất nước lạc hậu nghèo đói này, có người thì bước vào con đường chính trị.

Những năm 1950, Hàn Quốc là một đất nước nghèo đói. Những công ty truyền thông kiếm sống bằng quảng cáo thường xuyên khốn đốn vì không những không được trả lương đúng hạn mà còn bị trả lắt nhắt suốt nhiều ngày. Bất chấp điều đó, chúng tôi vẫn viết báo, vẫn đi phỏng vấn, là tăng ca như cơm bữa, trau chuốt từng câu từng chữ như thể đang làm thơ.

Dù cho thời điểm đó, nghề viết được xem như là một nghề “chết đói” khi tác giả đã chứng kiến rất nhiều những bạn đồng nghiệp của mình sống trong nghèo đói, bệnh tật, cuộc sống sinh hoạt bi thảm với mức thu nhập thấp nhất, thậm chí đến lúc chết cũng không có được một bữa no đủ, thế vậy mà họ vẫn làm việc với tất cả những gì họ còn sót lại. Những gánh nặng về kinh tế, trách nhiệm với gia đình đè nặng lên vai, liệu ta có còn giữ được những đam mê, nhiệt huyết đó mãi hay không? Khi mà ngày nay, xã hội đề cao giá trị của đồng tiền?

Hiện nay, thế giới đã trở thành một nơi mà ta khó có thể chết vì đói. Trước đây, có một món ăn, cháo cám heo, được nấu từ những mẩu thịt thừa của quân đội Mỹ cùng với bột ớt. Thời đi học, chỉ cần mua được một bát cháo cám heo ở Cheonggyecheon bằng tiền lương dành dụm được nhờ dọn dẹp giấy vụn tại xưởng in đến sáng tinh mơ. Là tôi đã cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Có thể ta sẽ nghĩ rằng, thời nay khác nhiều lắm rồi, làm gì còn ai thèm những món cám heo như kia. Khi xưa họ đói khát thật nhưng họ vẫn sống, nỗ lực hết mình với đam mê. Nhưng ngày nay thì sao? Chẳng mấy ai bị chết đói vì thiếu lương thực, cái mà ta đang thiếu là niềm đam mê thực sự với cuộc sống. Ta trải đời như những kẻ “vô hồn” thụ động, vất vưởng tồn tại từ ngày này qua ngày khác.

Chính tác giả cũng đã có lúc “từng buông tay” phó mặc bản thân trôi theo dòng đời chỉ vì những nỗi lo toan trong chuyện cơm áo gạo tiền. Quyết định thôi việc ở chỗ làm yêu thích để tìm đến nơi đảm bảo cho ông chuyện lương bổng và chế độ tốt hơn. Nhưng đổi lại, lòng kiêu hãnh trở thành người đầu tiên đối diện với sự thật cũng là điều xa xỉ. Tôi đã tự thuyết phục rằng mình phải kiếm tiền, chỉ cần người ta trả lương cho mình thì dù dựng chuyện tôi cũng làm. Liệu lý tưởng và sự thật có chiến thắng được sức mạnh của đồng tiền hay không?

Một xã hội không có chỗ cho lòng kiêu hãnh.

Sống là phải va vấp mới có thể trưởng thành. Hẳn từ nhỏ các bạn đã nhiều lần được dạy rằng nếu muốn tốt nghiệp trường đại học danh giá, làm việc ở công ty lớn, kiếm nhiều tiền, lập gia đình và sống sung túc thì phải sẵn sàng vứt bỏ lòng kiêu hãnh bất cứ lúc nào.

Quan điểm của tác giả cho rằng khi để ý xem người khác nhìn mình như thế nào thì bản thân ta sẽ dễ đánh mất đi “cái tôi” vốn có. Những người kiêu hãnh sẽ không bao giờ hành động như vậy, họ không cần phải tô vẽ hay thể hiện bản thân mình ra sao. Họ sẽ chỉ tập trung vào những mục tiêu đang muốn hướng tới.

Càng để ý tới ánh mắt của người khác càng chứng tỏ ta cảm thấy mặc cảm về bản thân. Chúng ta coi yếu đuối là khiêm tốn, giấu giếm việc bị tước đoạt dưới vỏ bọc của đức tính biết nhường nhịn, nói mình rút lui khi bỏ chạy vì không đủ dũng cảm, đóng vai quân tử trong khi không thực sự mong muốn, chúng ta như vậy là vì không có lòng kiêu hãnh, không cảm thấy tự hào về cuộc đời của mình đang sống.

Thời gian trôi đi tựa như tấm vé một chiều, đã đi là không trở lại. Khi 30 ta sẽ thấy tiếc nuối vì thanh xuân đã gần kết thúc, rồi 40 50 tuổi ta nhận ra mình đã già rồi, không muốn mạo hiểm nữa. Cứ thế, chần chừ, không dám thử thách bản thân với những điều mới. Ta giam cầm chính mình trong những giới hạn đó, cuối cùng lại quyết định chẳng làm gì cả. Và khi đến cái tuổi gần đất xa trời, chúng ta cảm thấy hối hận, băn khoăn, vì sao mình lại sống như kẻ ngốc, tại sao khi ấy mình lại không dám thử?

Mặc cảm tự ti và lòng kiêu hãnh không thể tồn tại song song. Thứ này tồn tại thì thứ kia sẽ không có chỗ đứng. Nếu trong lòng có mặc cảm tự ti thì coi như ta đã bỏ đi lòng kiêu hãnh. Trong thế giới nhỏ bé và chật chội này, ta thường tự đẩy mình đến chân tường không lối thoát, ta mặc định mình sẽ thất bại vì bố mẹ ta không giàu có hoặc ta không đủ thông minh lanh lợi. Chính vì thế ta mặc cảm tự ti mới có thể làm tổn thương ta. Nhưng dù biết mình bị tổn thương, ta vẫn giống như cũ, không thay đổi, trong tất cả mọi chuyện.


Không có bức tường nào không thể vượt qua & nghịch cảnh làm nên con người bạn.

“Ghetto” là một tên gọi khác của Harlem – tên một khu phố ở New York. Có nguồn gốc từ tiếng Hebrew “get” (get có nghĩa là cách ly) và được chuyển thành Ghetto trong tiếng Ý. Vậy cái tên Ghetto có gì mà đặc biệt đến vậy?

Như chúng ta đã biết, người Do Thái - dân tộc được mệnh danh là thông minh nhất trên thế giới. Đây là một lời nhận định được dựa trên các bằng chứng khoa học:

Trong thế kỷ 20, mặc dù người Do Thái chỉ chiếm 2% dân số Mỹ nhưng lại có đến 27% nhà khoa học của nước này đoạt giải Nobel là người Do Thái. Không những thế, khoảng 25% nhà toán học đoạt giải Fields Medal (có giá trị tương tự Nobel trong toán học), 25% số người đoạt giải ACM Turing Award (mảng máy tính), 9/19 nhà vô địch cờ vua... là người Do Thái.Chỉ số IQ trung bình của người Do Thái theo nhiều nghiên cứu là vào khoảng 110 so với mức 100 của toàn cầu. Dù chỉ chênh lệch 10 nhưng tỷ lệ sản sinh thiên tài giữa 2 cấp độ lên tới khoảng 120-150 lần. Số liệu năm 2015 cho thấy người Do Thái chiếm chưa đến 0,2% tổng dân số toàn cầu với khoảng 14,3 triệu người. Tuy nhiên ngay từ thế kỷ 19, khoảng 1/4 số nhà khoa học trên thế giới đã là người Do Thái. Hàng loạt những cái tên như nổi tiếng Albert Einstein, Sigmund Freud, Otto Frisch... đều là người Do Thái.

Tuy vậy, xét về phương diện lịch sử thì dân tộc này là một “dân tộc bất hạnh”. Họ đã từng trải qua rất nhiều những cuộc đấu tranh lâu dài, bị đàn áp cùng cực và hứng chịu những vụ thảm sát kinh hoàng trên nhiều vùng đất khác nhau. Vào thế kỷ 14, khi bệnh dịch hạch lan tràn thì sự phân biệt đối xử với người Do Thái càng trầm trọng hơn.

Thậm chí, họ bị chỉ định sống ở những nơi thật xa nhà thờ. Thời điểm ấy, họ bị giam lỏng và chỉ có thể sinh hoạt trong những khu vực có tường rào bao quanh, nằm tại vùng ngoại ô thành phố. Người Do Thái không thể vượt qua được bức tường ngăn cách đó. Nơi đó chính là ghetto.

Khi dân số ngày một đông đúc “ghetto” càng ngày càng trở nên bí bách và chật hẹp, đáng tiếc là họ không thể mở rộng phạm vi sinh sống. Nhưng may mắn thay, chính nhờ những khó khăn và thiếu thốn đó mà trí tuệ của những con người “thông minh bậc nhất kia” mới phát minh ra phương pháp xây dựng nhiều nhà chồng lên nhau - đó được xem như những căn chung cư đầu tiên trong lịch sử nhân loại. “Cái khó ló cái khôn” họ còn sáng tạo cả mô hình kinh doanh siêu thị để phục vụ các cư dân mua bán tập trung hơn nhằm tối ưu hóa chi phí và lợi nhuận. Cuộc sống khắc nghiệt để có thể sinh tồn, họ đã học cách thích ứng với hoàn cảnh, nhanh chóng thay đổi cuộc sống và giúp họ ngày càng văn minh và tiến bộ hơn.


Quả không sai khi nhận định rằng sức mạnh lớn nhất của con người chính là năng lực thích ứng. Dù môi trường xuất hiện sự thay đổi lớn, chúng ta cũng không cảm thấy khó chịu hay bất tiện. Chúng ta đã tiến hóa để có thể sống cùng với sự thay đổi đột ngột và thất thường của môi trường. Như các binh sĩ Carthage của tướng quân Hannibal đều xuất thân từ vùng Tunisia ở châu Phi, nhưng khi vượt qua dãy Alps để tấn công La Mã họ chỉ cần chưa đầy nửa tháng cơ thể đã thích ứng được với cái lạnh giá ở vùng núi này. Hay như những ông lão thuần nông quanh năm vất vả đầu tắt mặt tối với đồng ruộng nhưng họ lại có một sức bền dẻo dai vượt trội hẳn những cầu thủ khúc côn cầu.

Ngày nay, học lực, tuổi tác, bằng cấp, giới tính, ngoại hình chính là “ghetto”. Chúng ta thu hẹp thế giới của mình lại trong những “ghetto đó, giam cầm bản thân qua những tiêu chuẩn mà thế giới đã đặt ra.

Vào năm 20 tuổi phải trở thành sinh viên, trước tuổi 30 phải kiếm được việc làm, khi có việc làm rồi thì trong vòng vài năm phải kết hôn, kết hôn rồi thì phải sinh được một đứa con. Tất cả đều đã được định sẵn từ trước.

Buồn thay, khi con người đang vật vã với những ghetto bên ngoài còn chưa xong, đã phải đối đầu với những ghetto ở bên trong bản thân mình. Chúng ta phân biệt bản thân với người khác, phủ nhận những ai có suy nghĩ khác mình. Chúng ta sống cùng với những người đã bị áp lực của ghetto – thuần hóa và tin tưởng rằng đó là điều tốt nhất. Tác giả Kim Wook viết một đoạn mà tôi cảm thấy chúng khá thú vị như sau:

Trải qua 900 năm, những người đang vận hành thế giới không phải kẻ bên ngoài ghetto, mà chính là những người Do Thái sống trong ghetto. Cho dù có bị đẩy vào cảnh vô hình như không khí, những người Do Thái vẫn ôm giấc mộng vượt qua bức tường đang giam hãm mình, và cuối cùng họ đã trở thành không khí thật sự. Quyền lực, tài lực, sản phẩm và giá trị quan của người Do Thái, dù ta không thể nhìn thấy nhưng chúng đều thẩm thấu vào cuộc sống của chúng ta như không khí. Ngay từ khi sinh ra, chúng ta đã luôn hít thở trong thế giới mà họ tạo ra. Dù không khí chẳng thể nhìn thấu chẳng thể chạm vào nhưng nếu không có nó thì chẳng sinh mạng nào có thể tồn tại được. Ghetto biến người Do Thái thành không khí. Người Do Thái trở thành không khí và điều khiển cuộc sống của chúng ta.

Dẫu cho trong cuộc sống có rất nhiều những ghetto trở ngại chúng ta đến với thành công, nhưng tôi tin chính ghetto là chất xúc tác giúp rèn luyện bản thân chúng ta mạnh mẽ hơn, cứng cáp hơn mỗi ngày. Vì vậy, đừng bao giờ giam hãm bản thân trong những bức tường ghetto, thay vào đó hãy trở thành không khí để thoát khỏi nơi này.

Sống để không hổ thẹn với những ngày đã qua.

Dù cho ta là ai, xuất thân của ta ra sao, theo tác giả có hai thứ quyền hạn và lựa chọn đều được trao công bằng cho tất cả mọi người: Thứ nhất là tuổi già. Ai rồi cũng sẽ già đi, số tuổi tăng lên tỉ lệ thuận với tốc độ lão hóa của cơ thể và rồi sẽ đến gần hơn với cái chết. Thứ hai đó là bộ não. Có người thông minh tài giỏi đạt giải Nobel nhưng có người thì “mù chữ”. Đây có phải là một sự bất công không? Thật ra ngoài những trường hợp mắc các bệnh Alzheimer, chứng ảo giác hay các bệnh rối loạn hệ thần kinh nghiêm trọng cần đến điều trị tại bệnh viện tâm thần thì tất cả chúng ta đều có khả năng suy nghĩ về tương lai. Dù là ai đi chăng nữa thì bên trong não bộ của ta vẫn tồn tại như một thực tế độc lập, khó có thể ép buộc, không thể dùng bạo lực để điều khiển nó được.

Đôi khi ta cứ mãi hối hận không thể buông bỏ được những sai lầm đã qua xảy đến trong quá khứ, cứ mãi day dứt trách cứ chính mình. Tại sao lúc đó không…? Hay giá như mà …Liệu cứ mãi hoài niệm về những điều đó có làm cho ta có thể quay ngược lại thời gian? Mọi thứ sẽ khác chứ? Ôi không đâu! Mọi sự đã vậy rồi, hãy học cách “xả ra” coi đó như một bài học đáng nhớ và rồi bắt đầu lại thôi.

Chỉ cần con người thay đổi thì cuộc đời cũng thay đổi. Khi suy nghĩ thay đổi thì hành động cũng sẽ thay đổi. Hành động thay đổi dẫn đến thói quen hằng ngày cũng thay đổi theo. Thói quen thay đổi dẫn đến những thói quen hằng ngày cũng thay đổi theo. Thói quen thay đổi sẽ làm tính cách biến đổi để thích ứng. Tính cách biến đổi tự động làm con người cũng trở nên khác đi. Con người đã khác thì cuộc đời cũng khác. Như vậy, cuộc đời thay đổi có nghĩa là khi ta đã thoát khỏi bản tính bẩm sinh được định sẵn, và tạo nên một vận mệnh mới sau khi ra đời.


Thay lời kết

Khi viết những dòng này, tác giả đã bước sang tuổi 85, dù cho những con số tuổi tác ngày một tăng dần và sức khỏe cũng ngày một yếu đi. Nhưng đọc những con chữ trong cuốn sách Gửi tuổi trẻ thân thương của tác giả Kim Wook, ta mới nhận thấy tuổi tác chỉ là những con số mà thôi. Hãy sống thật mạnh mẽ để khi sau ta nhìn lại khoảng thời gian đã qua, ta sẽ không cảm thấy hổ thẹn với chính mình.

Chúng ta không được từ bỏ cuộc sống của mình vì bất kỳ một ai. Những chuyện khác có thể nhân nhượng, nhưng riêng chuyện này bạn buộc phải kiên quyết. Lòng tin và dũng khí lựa chọn một con đường riêng, không phải phụ thuộc vào bất cứ điều gì hay ai khác là đặc quyền riêng của tuổi trẻ. Vì thế chỉ những người quyết tâm mới đáng được coi là người trẻ, những ai quyết tâm sẽ có cơ hội nhìn thấy một khởi đầu mới mẻ. 

Review bởi: Bùi Thu Hằng - Bookademy 

Hình Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Thảo - Bookademy

______________  

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Sống một kiếp người, chúng ta trải qua bao nhiêu bước ngoặt, mỗi một giai đoạn là sự tiếp nối của kết quả trước đó mà chúng ta đã làm, bởi thế nên khi còn trẻ chúng ta hãy sử dụng năng lượng, nhiệt huyết của tuổi trẻ để làm những điều thật có ích, để khi về già không phải hối tiếc vì đã bỏ lỡ thanh xuân. “Gửi tuổi trẻ thân thương” của tác giả Kim Wook cuốn sách gửi cho những ai đang còn trẻ hãy phấn đấu, hãy sống hết mình với mục tiêu của mình, với tác giả thì trẻ không hẳn là nằm ở tuổi tác mà nó nằm ở tâm hồn, và cái quan trọng nhất chính là niềm tin không bao giờ được tắt.


Tác giả Kim Wook chính là chứng minh rõ ràng nhất cho quan điểm, nếu bạn không bao giờ từ bỏ ước mơ của mình thì bạn có thể làm được nó dù bạn ở độ tuổi nào đi chăng nữa, ước mơ trở thành nhà văn của ông bắt đầu từ năm ông 15 tuổi thế nhưng đến 75 tuổi ông mới chính thức hoàn thành chinh phục giấc mơ của mình, ông vạch hẳn một ước mơ mình có thể sống đến 110 tuổi, năm ông 95 tuổi sẽ về hưu, ông còn 25 năm nữa và phải bắt đầu duy trì thể lực, trí tuệ, một tư duy sống tích cực không bao giờ từ bỏ, giấc mơ, niềm tin, thử thách trong ông luôn luôn sôi nổi dù đang bước qua tuổi già.