Xem thêm

“Những ngã tư và những cột đèn”, cùng mọi tác phẩm khác, lại bị trả vào ngăn kéo. Phải chờ thêm bốn năm sau ngày nhận lại hội tịch, tác phẩm đẩu tiên của Trần Dần mới được xuất bản, năm 1990, là cuốn Bài thơ Việt Bắc.

Trước khi Trần Dần mất hẳn khả năng làm việc, vì bệnh tật, ông đã quay trở lại với ”Những ngã tư và những cột đèn” một lần nữa, lần cuối cùng. Ông chép lại, và sửa chữa chủ yếu về văn phong. Trong nhật ký 1989, ông nhắc nhiều lần về tiểu thuyết này, ông còn muốn viết một tiểu thuyết nữa. Thế rồi một ”Những ngã tư và những cột đèn” khác ra đời, nhưng cũng là lúc ông khép lại nhật ký đời ông, khép lại những Sổ bụi, cùng toàn bộ sáng tác. Đấy là những ngày giao thừa giữa năm 1989 và 1990.

Lần xuất bản thứ nhất này, của ”Những ngã tư và những cột đèn”, sẽ đánh dấu 21 năm nữa, từ ngày bản thảo được sửa chữa. Và 44 năm, sau ngày tiểu thuyết được hoàn thành.

“Những ngã tư và những cột đèn” có thể là một tiểu thuyết về chiến tranh, như lời thông báo của anh nhà văn không tên, ở trang đầu cuốn  sách? Những tình bạn, những tình yêu, đã đi qua chiến tranh, đi qua hòa bình, rồi lại rơi vào chiến tranh, có còn nguyên vẹn? Và những tính cách, thói quen con người, có thể nào không thay đổi cùng hoàn cảnh? Không một cảnh chiến tranh, nhưng hai chữ chiến tranh đi vào tiểu thuyết ngay từ trang một và trôi theo nhật ký, như một ám ảnh, cho đến trang cuối cùng. Chiến tranh do vậy, tồn tại như một bè đệm. Để “con người TOÀN PHẦN và CỤ THỂ vẫn tiếp tục trong chiến tranh. Và mạnh hơn chtến tranh”, Trần Dần kể như vậy, về  ”Những ngã tư và những cột đèn”, trong nhật ký 1989.

Nhưng bản thảo lần thứ hai còn mang thêm một bè đệm khác, cả anh ngụy binh cũ tên Dưỡng, cả anh nhà văn không tên, đều chia nhau cùng một suy tư, về hiện tại, về quá khứ. Họ xử sự với thời gian cùng một cách. Dưỡng tính thời gian theo lối của riêng anh: để gọi tên mùa thu là mùa đông, để ngày tiếp quản tháng Mười trở thành mồng một Tết. Anh nhà văn đi tìm những định nghĩa về thời gian, luôn luôn nhầm lẫn giữa tuần lễ bảy ngày và Chủ nhật. Thời gian của toàn bộ tiểu thuyết di chuyển liên tục, từ 11 năm trước, đến 11 năm sau, rồi lại về 11 năm trước, vậy thì đâu sẽ là hiện tại thực? Dường như những nghi vấn của họ với thời gian, thực chất để đòi những câu hỏi khác về trách nhiệm của người đang sống, đối với hiện tại, và quá khứ.

Trong một trang nhật ký 1989 Trần Dần viết: “Người ta nói nhiều, đến bố cục, chủ đề, í đồ không rõ… Xong người ta bàng hoàng và bảo: in cái này hơn Người người lớp lớp. Vâng, đúng là xa lạ. Tôi tuyên ngôn: tào lao – xông xênh – bàng hoàng. Vô hình, nhưng rõ rệt. Hiện hữu vô hình ấy, là một thực thể. Bàng hoàng ở đó. Bàng hoàng ở những ngã tư. Ai chẳng luôn gặp, những ngã tư. Để rẽ đường nào?” Rồi ở một trang khác, ông lại quay về ”Những ngã tư và những cột đèn”: “Đời lắm ngã tư? Rẽ một ngã tư là trách nhiệm sinh tử, phải cẩn thận, kẻo hối bất kịp. Nhưng cẩn thận, không có nghĩa tính toán, chi li, chi hoe, mà trực cảm mang hết mình, ngửi ngửi ngã tư cẩn trọng rồi hãy rẽ”. 45 năm, kể từ ngày nhà văn bắt đầu chép lại cũng bằng mực tím “250 trang nhật kí, lem nhem mực tím” của anh ngụy binh Dưỡng, cho đến hôm nay, những ngã tư của tiểu thuyết vẫn đóng kín. Đây là “những ngã tư đời láo nháo nốt chân. Láo nháo cột đèn láo nháo đèn” của thế kỷ đã qua. Hôm nay, một ngày năm 2010, chúng mở cửa nằm chờ những bước chân độc giả, để gặp gỡ một thế hệ mới.

“Những ngã tư và những cột đèn” không phải tác phẩm văn học của Việt Nam được mua bản quyền phát hành đầu tiên, hay được phát hành tại nhiều nơi trên thế giới hơn cả. Nhưng lâu nay, các tác phẩm của Việt Nam xuất bản ở nước ngoài thường theo con đường ngoại giao, để giới thiệu, giao lưu văn hóa, nghệ thuật; hoặc một tác phẩm được nghiên dịch để cứu; dịch xuất phát từ tình cảm cá nhân của một người yêu mến tác phẩm.

Đến ”Những ngã tư và những cột đèn”, cả hai đơn vị xuất bản tại Hàn Quốc và Anh chọn mua bản quyền tác phẩm đều là giao dịch mang tính thị trường, bằng nhu cầu tự thân của những người làm sách.

“Những ngã tư và những cột đèn” được Trần Dần viết năm 1966, sau đó cho đến năm 1988, tác giả mới nhận lại bản thảo viết tay tác phẩm của mình. Tác giả đã chép lại bản thảo, sửa chữa tác phẩm một lần nữa và hoàn thiện tác phẩm vào năm 1990. Trước khi được xuất bản, tác phẩm từng bị nhiều đơn vị từ chối. Năm 2011, Công ty Nhã Nam và NXB Văn Học xuất bản cuốn sách.

Tiểu thuyết của Trần Dần là một tác phẩm trinh thám hấp dẫn, không chỉ lôi cuốn người đọc mà còn mang tới thông điệp về sự lựa chọn. Tác phẩm viết từ lâu nhưng vẫn hiện đại, phù hợp thẩm mỹ đương đại nhờ tính sáng tạo trong văn chương.

Tại thời điểm ra mắt, ”Những ngã tư và những cột đèn” khiến giới văn chương kinh ngạc, vì sự đột khởi của một gương mặt văn chương luôn quyết liệt sáng tạo. Một tác phẩm được viết ra từ nửa thế kỷ trước vẫn đủ sức hấp dẫn, lay động, khiến văn đàn đương thời ngả mũ bái phục.

Tiểu thuyết được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2011, với nhận định của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Trao cho “Những ngã tư và những cột đèn” là khẳng định một cá tính sáng tạo độc đáo, là đề cao một tác phẩm có lối viết khác lạ, là kêu gọi sự đổi mới nghệ thuật phải trở thành một bản năng thường trực trong mỗi người viết”.

Có lẽ, chính chất lượng văn chương, sự sáng tạo nghệ thuật đã khiến ”Những ngã tư và những cột đèn” đi xa đến thế. Cả hai nhà xuất bản tại Hàn Quốc và Anh đều là những đơn vị tìm kiếm, xuất bản những tác phẩm văn học hay của thế giới. Trong đó, IWBOOK Publishing House chuyên xuất bản sách cho người trưởng thành, có định hướng xuất bản nhiều tiểu thuyết hay. Còn OneWorld Publications thành lập từ năm 1986 đến nay, hướng tới xuất bản những cuốn tiểu thuyết “thông minh, đầy thách thức và khác biệt”.

Một cuốn tiểu thuyết sau gần nửa thế kỷ mới được xuất bản, nhưng đọc rất mới, đọc rồi đọc lại vẫn mới, vẫn bất ngờ trước từng trang, vẫn không dễ nắm bắt nội dung, đó là Những ngã tư và những cột đèn của nhà văn Trần Dần.

Chuyện rằng: vào giữa những năm 1960, nhà văn Trần Dần, khi đang trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo của bản thân đã được một vài cán bộ công an hảo tâm tìm cách cho đi thâm nhập một số trại giam do Bộ Công an quản lý đang giam giữ những ngụy quân thời Pháp sau ngày tiếp quản Thủ đô. Kiểu đi như thế gọi là “đi thực tế” để khi về viết văn trên những cứ liệu của thực tế chuyến đi đó. Công thức ở đây là: cơ sở cung cấp tài liệu về một vấn đề cụ thể, nhà văn đi cho thấy, tiếp xúc cho biết, và cái viết ra thường chỉ là một báo cáo, một sơ đồ, dù có được vẽ vời thêm cho có vị văn chương.

Vậy, với Trần Dần, bài toán đặt ra là: viết về hoàn cảnh của những người ngụy quân Pháp ở Hà Nội khi chiến tranh kết thúc, phần thắng thuộc về đội quân cách mạng, với định hướng viết đã rõ ràng là họ phải quy phục chế độ mới.

Đề bài này không khó đối với ngòi bút Trần Dần. Nếu an phận, viết theo lối trả bài (trả cả ơn nghĩa nữa, nếu có), ông dễ phóng bút viết được nhanh, được trơn tru, nộp quyển, và quên đi nhanh chóng cái viết ra đó. Nhưng ông đã không làm thế, vì nhân cách là văn cách của ông không cho phép làm thế. Trần Dần, nhà văn luôn táo bạo quyết liệt trong từng câu chữ, hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng, trong từng cái viết. Viết, với ông, bao giờ cũng là phải mới, phải khác, phải cách tân. Vì vậy, kết quả chuyến thực tế ấy, dưới tay ông đã thành tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn (“Những ngã tư và những cột đèn”). Trần Dần đã giải được bài toán văn chương một cách xuất sắc.

Câu chuyện của anh ngụy binh Dưỡng và mấy người bạn cùng cảnh ngộ trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô nếu kể ở ngôi thứ ba khéo lắm cũng chỉ được một truyện kể. Trần Dần đã chuyển nó thành ngôi thứ nhất thông qua hình thức cuốn nhật ký của Dưỡng, xen kẽ là lời kể của một vài nhân vật khác có tham dự vào đường dây hoạt động của nhân vật được kể ở ngôi thứ ba. Bằng hình thức này, Dưỡng đã được phát tiết tất cả những suy tư lời lẽ, hành vi của một thanh niên Hà Nội tạm chiếm, của một người lính lái tàu bò, và được bộc bạch tự nhiên nhất toàn bộ trạng thái tâm lý của mình vào một thời điểm hệ trọng của thời cuộc và số phận. Nhưng cái chính ở đây không phải chỉ ở nội dung cuốn nhật ký, mà ở cái cách ghi nhật ký của Dưỡng. Cái cách ghi ấy mới là một nội dung chính của cuốn tiểu thuyết của Trần Dần, nó thể hiện rõ trạng huống của một thành phố từ chiến tranh sang hòa bình và trạng thái của những con người bị mắc kẹt trong trạng huống ấy. 

Còn có thể nói được rất nhiều về và từ cuốn tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” của Trần Dần. Trên đây tôi chỉ nói nhanh nói sơ về giải pháp nghệ thuật mà nhà văn đã đưa ra để thực hiện sáng tạo văn chương của mình. Đấy chính là cách viết nội dung chứ không phải kể nội dung, như nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đã từng chuyển dẫn từ lý thuyết văn học của Nga về. Cho nên không phải câu chuyện kể làm nên nội dung, mà là cách kể câu chuyện, hay hình thức đó cũng chính là nội dung. Điều đáng kinh ngạc là 45 năm trước, trong hoàn cảnh bị vây bủa của bản thân và sự bít bùng của một xã hội thời chiến, Trần Dần đã độc hành mở cho mình một con đường tiểu thuyết mà bây giờ ngoái lại sau lưng ông vẫn hầu như chưa có ai tiếp bước. May mắn bản thảo được giữ lại để bây giờ in ra. Một cuốn tiểu thuyết sau gần nửa thế kỷ mới được xuất bản, nhưng đọc rất mới, đọc rồi đọc lại vẫn mới, vẫn bất ngờ trước từng trang, vẫn không dễ nắm bắt nội dung, đó là “Những ngã tư và những cột đèn”.

Trần Dần là một trong số ít, rất ít, những nhà cách tân lớn của văn chương Việt Nam thế kỷ XX. Phẩm chất nhà cách tân của ông, trước hết và quan trọng nhất, biểu hiện ở ý thức phản kháng thường trực, liên tục trước tất thảy những quy phạm nghệ thuật đang đóng vai trò cái chính thống, cái phổ biến trong nền văn chương đương đại.

Nhưng với tiểu thuyết "Những ngã tư và những cột đèn" - Trần Dần viết xong năm 1966, đầu năm 2011 mới được Nhã Nam và NXB Hội nhà văn công bố - người đọc lại một lần nữa phải ngạc nhiên bởi năng lực đa dạng của “kẻ sáng tạo” ấy, ít nhất là ở phương diện: Trần Dần cũng không “buông tha” cho văn xuôi, và ông đã đẩy ngôn ngữ văn xuôi hư cấu vào một cuộc thử nghiệm lạ lùng.

Câu văn xuôi của Trần Dần ở tác phẩm tiểu thuyết này là kiểu câu rất hiếm gặp trong văn xuôi Việt Nam từ thời có chữ quốc ngữ tới nay. Không phải kiểu câu biền ngẫu như trong văn của Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách hay Nhất Linh (giai đoạn viết Nho phong).

Không phải kiểu câu cụt lủn, cộc lốc của Hoàng Tích Chu. Không phải kiểu câu rõ ràng khúc chiết, mềm mại uyển chuyển của Thạch Lam (mô phỏng ngữ pháp Pháp văn, và có lẽ chính là mẫu hình phổ biến nhất của câu văn tiếng Việt hiện nay).

Một nhịp điệu không bằng phẳng, không cân đối. Nó trúc trắc, gập ghềnh, xô lệch, đầy sự bất ngờ và đầy nỗi bất an, đúng với “tinh thần” của một cuốn tiểu thuyết trinh thám.

Không nên quên cái thực tế rằng Trần Dần là một nhà thơ, một người thơ, trong suốt cuộc đời cầm bút đầy sóng gió của ông. “Chơi” với nhịp điệu, thực ra đó là công việc của nhà thơ nhiều hơn nhà văn xuôi. Và nhịp điệu, ở Những ngã tư và những cột đèn, là cái không chỉ được tạo ra bằng những dấu phẩy “thừa” trong câu. Nó còn được tạo ra bằng sự lặp lại.

Sự lặp lại dễ nhận ra nhất, xét ở cấu trúc tổng thể của tác phẩm, là câu: “Bên này cửa sổ tôi tím: có nhật kí và bản sao nhật kí, có lọ mực tím và bản thảo lem nhem mực tím”. Còn có một kiểu lặp lại khác ở một đôi chỗ trong Những ngã tư và những cột đèn. Không phải lặp lại gián cách, mà lặp lại liên tục giữa các bộ phận của câu và giữa các câu liền kề nhau trong một trường đoạn

"Những ngã tư và những cột đèn là một cuốn sách trinh thám và nó đã sống một cuộc đời lắm gian truân, như Dưỡng (nhân vật chính của tác phẩm). Cuốn sách kể về lính Ngụy dưới góc nhìn của một nhà thơ – một người lính tham gia kháng chiến. Để thu thập được những tư liệu thực tế nhất, Trần Dần đã dành nhiều thời gian phỏng vấn Ngụy binh cũ thời Pháp thuộc. Cuốn sách được hoàn thành vào năm 1966 và phải trải qua một ‘quy trình kiểm duyệt’ kéo dài 22 năm của Sở Công an Hà Nội, trước khi trở về với chủ nhân vào năm 1988. Và chúng ta mất hơn 20 năm nữa, để tác phẩm được ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 2011 (NXB Hội nhà văn và công ty Nhã Nam phát hành).

Cuốn sách là tập hợp những đoạn nhật ký, những cuộc phỏng vấn xoay quanh câu chuyện của Dưỡng, được ghi chép lại bởi một nhà văn. Dưỡng là một tay lính Ngụy may mắn thoát cảnh tù giam nhờ trốn dưới hầm, đợi chờ ‘Ngày tiếp quản Thủ đô’, tức 8H sáng ngày 10/10/1954. Sau khoảnh khắc định mệnh ấy, những lính Ngụy chưa bị bắt sẽ được dung thứ. Tuy vậy, khác với những vọng tưởng của anh về cuộc đời như mới bắt đầu lại, Dưỡng liên tiếp bị cuốn vào những sự kiện khó hiểu, những ‘ngã tư’ mà anh phải vắt cả óc, phải phân thân làm hai, làm ba để đối thoại rồi lựa chọn ngã rẽ. Anh vừa là nạn nhân (?), vừa là tên thám tử tay ngang, cố gắng đi tìm lời giải cho những trò lố đang diễn ra trong cuộc đời mình. Bắt đầu là việc một anh lính bị bắn trong vườn nhà Dưỡng khi đang làm nhiệm vụ theo dõi Ngụy binh. Từ đó, hệ thống nhân vật và những mối liên hệ chằng chịt lần lượt được thêm vào để làm rối tung câu chuyện, khéo léo che đậy một sợi dây sự thật, im lìm ẩn trong mạch chuyện, đợi ngày được bắt lấy.

Với cách kể chuyện đa chủ thể, lồng ghép nhật ký trong nhật ký, Trần Dần thực sự đang ‘chơi’ với chúng ta, những người đọc. Phải chăng ông đang mở lời mời, hãy thử làm một tay thám tử và đi tìm đáp án cuối cùng...

Cái đẹp của Những ngã tư và những cột đèn còn nằm ở những đoạn, trường đoạn miêu tả cảnh và nội tâm nhân vật tài tình...

Tôi khá là mê trinh thám đấy. Tôi thích nhất là phong cách kể truyện của Dan Brown, khá ấn tượng với cách tự sự chặt chẽ của Higashino Keigo. Tôi đến với Những ngã tư và những cột đèn cũng là vô tình thôi. Nhưng tôi đã bị cuốn theo câu chữ của Trần Dần, tôi lặn ngụp trong trang sách và được tận hưởng một trải nghiệm văn chương đáng trân trọng. Cuốn sách sẽ kén người đọc vì ngữ pháp ‘khó xơi’ nhưng sẽ là một ly rượu mạnh cho những độc giả thích trinh thám"

Cái đẹp của “Những ngã tư và những cột đèn” còn nằm ở những đoạn, trường đoạn miêu tả cảnh và nội tâm nhân vật tài tính. Thí dụ như cảm xúc của Dưỡng vào ngày Tiếp quản thủ đô. Đối nghịch với tâm trạng lo âu, chờ đợi của Dưỡng trong cái đêm định mệnh trốn dưới hầm, anh bước ra đường như một kẻ vừa được tái sinh. Với anh ngày đó là Mồng một Tết, trước mắt anh là cờ hoa rợp trời, là dòng người vui mừng cười nói. Anh tưởng tượng ra một ngày Xuân thực sự. Anh đi giữa trời Thu tháng 10, nhưng trong tay lại như có một cành đào. Người ta mừng ngày Giải phóng, anh vui một niềm riêng khi được nếm mùi tự do. Tự do của anh và tự do cũng người trên phố tuy là một nhưng hai.

Một đoạn tả cảnh đậm chất thơ còn nằm ở phân cảnh Dưỡng chia tay Lily. Cái cảnh anh chạy với theo đoàn tàu Nam tiến, cảnh cô Nàng ve vẩy chiếc khăn mùi soa trong đêm, hư hư ảo ảo.

“Tôi chạy theo, tôi gào: “Lily! Lily!” Cánh tay Lily vẫy mạnh. Tàu đã xa, để lại chiếc mùi soa, như cánh bướm trong đêm. Màu trắng, nhạt nhòa. Tôi chạy, đuổi theo chiếc mùi soa, trong bóng tối. Chạy mãi. Thế là hết. Không bao giờ còn gặp Lily nữa. Còi tàu rít, nghe xa lắm rồi.”

Xuất thân là một nhà thơ, nên Trần Dần ít nhiều vẫn đưa vào truyện dài của ông những tính chất của một bài thơ. Đó là những nhịp ngắt câu bằng cách sử dụng dấu phẩy. Khi mới đọc tác phẩm, ta dễ ngán ngẩm vì dấu phẩy được sử dụng rất nhiều, cả ở những nơi không cần thiết. Nhưng đó là chủ ý của tác giả, nhằm dẫn dắt chúng ta đọc tác phẩm theo nhịp điệu của riêng ông. Và cũng là một biện pháp làm tăng sự hồi hộp và nghẹt thở của truyện trinh thám. Với mỗi trường đoạn của tác phẩm, Trần Dần lặp lại hình ảnh anh nhà văn ngồi bên cạnh cửa sổ tím, với lọ mực tím, ngồi chép những dòng nhật ký của Dưỡng.

Tác phẩm hay, bạn đừng bỏ lỡ nhé!

Tôi khá là mê trinh thám đấy. Tôi thích nhất là phong cách kể truyện của Dan Brown, khá ấn tượng với cách tự sự chặt chẽ của Higashino Keigo. Tôi đến với “Những ngã tư và những cột đèn” cũng là vô tình thôi. Nhưng tôi đã bị cuốn theo câu chữ của Trần Dần, tôi lặn ngụp trong trang sách và được tận hưởng một trải nghiệm văn chương đáng trân trọng. Cuốn sách sẽ kén người đọc vì ngữ pháp ‘khó xơi’ nhưng sẽ là một ly rượu mạnh cho những độc giả thích trinh thám.

Nhân vật chính dẫn dắt cốt truyện của tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” là một anh nhà văn vô danh và một anh Ngụy Binh tên Dưỡng, người đã “rửa tay gác kiếm”, ở lại thủ đô những ngày giải phóng tháng 10 năm 1954. Cả hai nhân vật đều có những cách cư xử kỳ lạ với thời gian.

Đối với anh nhà văn, anh thường xuyên trong trạng thái “tôi ngồi một ngày không rõ thứ hai hay chủ nhật” thời gian đối với anh là “những xê dịch lủng củng, lỉnh kỉnh, của các con số” . Nơi làm việc của anh, không gian luôn bị chia thành hai mảng màu ngăn cách nhau bởi cửa sổ. Một bên màu tím, màu của “nhật ký và bản sao nhật ký, của lọ mực và bản thảo lem nhem mực tím”, cũng là màu của những tư tưởng, chiêm nghiệm thoát ly khỏi hiện thực. Bên kia cửa sổ là màu xanh, màu xanh của cây bàng, của căm nhông quân sự, màu xanh của thực tại đang chuyển vần từng ngày từng giờ.

Còn đối với Dưỡng, anh có cách gọi tên thời gian riêng của mình. Anh gọi mùa thu là mùa đông, để ngày tiếp quản tháng 10 là mồng 1 tết, thời gian với anh là đường tuyến tính vô hạn về hai phía, một phía là quá khứ, một phía là tương lai. “Hiện tại được coi, như biên giới của hai KHÔNG. Cái KHÔNG thứ nhất là dĩ vãng, vốn đã có, bây giờ không có nữa. Cái KHÔNG thứ hai là tương lai, bây giờ chưa có, vì vậy bây giờ cũng không. Hiện tại chính là khoảng sột soạt giữa hai bờ vực ấy, giữa hai cái KHÔNG ấy. Cho nên hiện tại cũng không là gì cả.” Vì vậy mà anh Dưỡng có thói quen ghi nhật ký để khẳng định và lưu giữ những khoảnh khắc của hiện tại, để biến cái KHÔNG thành CÓ.

Thời gian trong “Những ngã tư và những cột đèn” được xê dịch liên tục giữa quá khứ và hiện tại. Nhân vật dẫn truyện cũng được xê dịch liên tục giữa anh nhà văn, Dưỡng, chị Trinh, chị Hòa, anh Thái, cằm nhọn v.v… đem đến cho người đọc cái nhìn đa chiều về các diễn biến, tình tiết của câu truyện. Quá khứ – hiện tại đan xen gây cho tôi cái cảm giác lẫn lộn, mơ hồ giữa 2 thời điểm của câu truyện, đồng thời cũng gây cái cảm giác những ám ảnh, mặc cảm, hậu quả của các hành động, suy nghĩ của các nhân vật trong quá khứ vẫn luôn đeo bám họ ở hiện tại.

Những ngày sau tiếp quản, không nghề nghiệp, bị cộng đồng kỳ thị và nghi ngờ vì quá khứ Ngụy Quân, Dưỡng sống trong những ngày tháng vô định, Dưỡng thường xuyên bù khú với đám bạn Ngụy Quân cũ, làm những việc vô bổ để giết thời gian, với Dưỡng thời gian lúc này chỉ là những cái tíc tắc đều đều, hiện tại là những cái KHÔNG, thứ hai hay chủ nhật cũng chẳng khác gì nhau, Dưỡng gọi “thời gian này là những ngày chua loét và những chủ nhật mắm thối, những tuần lễ khắm và những buổi sáng đi-cũng-dở-ở-cũng-không-xong”. Những ngày tháng vô định ấy Dưỡng bước qua biết bao nhiêu ngã tư, mỗi ngã tư Dưỡng phải đưa ra lựa chọn phải rẽ về hướng nào, tại những ngã tư ấy có ngã tư có cột đèn, có ngã tư thì không, và ngay cả những ngã tư có cột đèn thì cũng có những cột đèn sáng và những cột đèn không sáng. Những ngã tư có những cột đèn sáng dẫn lối làm cho việc đưa ra quyết định về các ngã rẽ dễ dàng hơn, còn với những ngã tư tối om, ta buộc phải theo cảm tính để dấn bước tiếp vào cái khoảng không mịt mù. Những ngã rẽ cuộc đời của Dưỡng phải chăng cũng tương tự như những ngã tư đường mà Dưỡng đã vô định bước qua, có khác là với ngã tư đời anh đã quyết định rẽ là không thể quay lại được, như đường tuyến tính thời gian chỉ có một chiều, vô tận. Vậy nên mới có những người lỡ chọn một ngã rẽ sai là cứ vậy sai mãi, không quay lại được (như Tình Bốp) bạn Dưỡng. Còn như Dưỡng, chỉ một ngã rẽ mù mờ, tại một ngã tư không đèn rọi khiến anh phải trả giá đắt bằng cái chết của bạn mình, của con trai mình. Những lúc chọn sai ngã rẽ người ta thường ước giá như lúc đó ta làm thế này, giá như lúc đó ta không làm thế kia, tuy nhiên đường tuyến tính 1 chiều vô tận ấy là quy luật bất biến, tất cả chúng ta phải tự gánh lấy hậu quả do những lựa chọn sai lầm của mình.

Gấp lại “Những ngã tư và những cột đèn”, tôi không ngờ một cuốn sách với lối viết hiện đại, tình tiết táo bạo, nội dung đầy nút thắt bất ngờ, ngôn ngữ thời thượng mà bây giờ giới trẻ phải chạy dài mới theo kịp lại được viết từ năm 1960, cách đây hơn nửa thế kỷ.

“Những ngã tư và những cột đèn” là ghi chép của một nhà văn về câu chuyện của một anh lính ngụy tên là Dưỡng. Ghi chép được thể hiện dưới nhiều hình thức, lúc thì nhật ký, lúc thì là đoạn phỏng vấn và có cả chính câu chuyện và cảm nghĩ của nhà văn.

Dưỡng là một anh lính ngụy may mắn không bị tù nhờ trốn dưới hầm. Sau ngày tiếp quản thủ đô 10/10/1954, tưởng rằng Dưỡng sẽ có cuộc sống bình thường nhưng anh lại bị cuốn vào một vụ án rất ly kỳ và khó hiểu. Bắt đầu từ việc một anh lính bị bắn trong vườn Dưỡng khi đang làm nhiệm vụ theo dõi ngụy binh, cùng với phong cách điều tra và những mối liên hệ vô cùng phức tạp làm rối tung và che đậy cả sự thật, khiến cho anh Dưỡng đã lâm vào tình cảnh vừa là nghi phạm, vừa là nạn nhân lại vừa là thám tử đi điều tra để tìm câu trả lời cho những chuyện hết sức kỳ lạ mà anh mắc phải.

Trong công cuộc tìm ra sự thật, có những người rất tốt đã giúp đỡ anh, nhưng cũng có những người không biết vì vô tình hay cố ý mà đã làm cho câu chuyện trở nên nghiêm trọng và ngày càng phức tạp một cách hài hước đối với anh Dưỡng.

“Những ngã tư và những cột đèn” là cuốn sách rất là khó tóm tắt nội dung một cách chính xác, bởi lẽ nếu làm như vậy có thể làm lộ những tình tiết hay nhất của cuốn sách làm giảm đi sự hấp dẫn đối với người đọc.

Nếu bạn đọc cuốn sách này và bạn là một người yêu tiếng Việt thì bạn sẽ cảm thấy giống như mình được ăn một món ăn tinh thần rất ngon. Bởi lẽ tác giả Trần Dần là một trong những người đầu tư rất lớn và có sự ảnh hưởng về chuyện cách tân tiếng Việt. Những từ ngữ mà chúng ta đang nói hằng ngày nhiều khi chúng ta không để ý thế nhưng thông qua ngòi bút của Trần Dần thì nó lại mở ra cho mình những chân trời rất mới. Có khi mình phải ồ lên tại sao tiếng Việt có thể đẹp và hay đến như vậy và nó thật kỳ diệu làm sao.

Chỉ với một vài ý rất nhỏ hoặc thậm chí là chỉ một vài chữ thôi thì tác giả Trần Dần cũng đã có thể tách ra thành nhiều ngữ nghĩa, nhìn nó từ rất nhiều hướng khác nhau, giống như một người họa sĩ vẽ bức tranh lập thể vậy… Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách này rất nhiều lần và mỗi lần đọc nó lại mang cho tôi những cảm xúc rất khác nhau để mình thấy yêu Hà Nội hơn, yêu tiếng Việt hơn. Cuốn sách này thực sự khiến tôi cảm thấy phấn khích mỗi khi đọc nó.

Nội dung của cuốn sách này kể về một nhân vật tên là anh Dưỡng làm việc cho chính phủ cũ và gia đình của anh có bà vợ tên là Cốm - một cô gái Hà Nội xưa rất hiền dịu và mẹ Dưỡng là một bà mẹ buôn bán ở chợ Đồng Xuân thương con một cách vô điều kiện... Câu chuyện này vẽ ra đời sống của một gia đình trong thời kỳ Hà Nội đang hình thành một chính quyền mới.

Cuốn sách này cũng vẽ ra một câu chuyện rất thú vị giữa anh Dưỡng và anh Thái công an. Đó là cuộc đối thoại của hai người đàn ông ở hai phía khác nhau, nhìn đối lập nhau. Ban đầu khoảng cách của họ rất xa nhau bởi hai người đàn ông này đại diện cho hai giai cấp một bên là người dân và một bên là chính quyền mới, họ còn đại diện cho hai hệ quy chiếu khác nhau. Xuyên suốt quá trình này những cuộc đối thoại, trò chuyện giữa họ, căng thẳng có, đấu trí có, nhưng cuối cùng, họ nhận thấy rằng việc xích lại gần nhau và đối thoại sẽ luôn là cách làm hay hơn, tốt hơn so với đối đầu. Đối thoại sẽ giúp chúng ta giải quyết được tất cả những vấn đề liên quan đến đời sống của con người. Tất cả những điều được gửi gắm trong cuốn sách này khiến tôi cảm thấy đây là một cuốn sách thực sự xứng đáng để đọc và đáng giá với người Việt Nam.

Tác giả Trần Dần là một nhân vật gây rất nhiều tranh cãi, cuộc đời của ông có rất nhiều biến cố. Sau này, tác giả đã được trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, và bản thân những nhận định xuất hiện nhiều nhất về tác giả này là những giá trị văn học. Văn chương mà tác giả Trần Dần để lại cho thế hệ sau mà theo góc nhìn của tôi đó là những tâm huyết về việc cách tân tiếng Việt của tác giả Trần Dần. Tác giả Trần Dần hay cuốn tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” này đều có số phận long đong lận đận giống nhau nhưng cũng thật may mắn cho bạn đọc Việt Nam khi cuối cùng tác phẩm này có thể ra mắt và tiếp cận được rộng rãi tới các độc giả.

Những ngày làm việc ở nhà liên tục dễ mang tới cảm giác mơ hồ, ý niệm thời gian lẫn lộn như thế lắm, một cảm giác mà Dưỡng, nhân vật chính trong “Những ngã tư và những cột đèn” trải qua xuyên suốt những trang nhật ký của mình, như những khúc điệp được lặp lại đều đặn trên đường tuyến tính thời gian mà tác giả Trần Dần khéo léo xây dựng trong “Những ngã tư và những cột đèn”.

Dưỡng cùng bốn người bạn của mình: Chắt, Ngỡi, Tình bốp, Đoành là những cựu nguỵ binh kẹt giữa hai cuộc chiến tranh, là một người mê trinh thám bị kẹt giữa câu chuyện sặc mùi trinh thám của chính mình, giữa bốn bề thành kiến của cán bộ đối với cựu nguỵ binh, tình yêu thứ nhứt – vợ, tình yêu thứ nhì – người tình, những tình bạn và đáng sợ nhất là những ngã tư với “những cột đèn không điện và những cột điện không đèn”.

Nhà văn Trần Dần chọn một cách tiếp cận và kể chuyện độc đáo khi tung tẩy đan xen trên 2 cột mốc thời gian và để nhật ký của Dưỡng trở thành chất liệu bao gồm cả thực tế, cả cảm xúc, và chấm phết những dấu mốc hiện tại, mà quay lui là bóng lưng của quá khứ còn hướng tới là bóng lưng khác của tương lai. Ở giữa là khuôn mặt hiện tại – mông lung và thách thức.

Có thể gọi “Những ngã tư và những cột đèn” là một tiểu thuyết trinh thám có lẽ cũng không sai lắm. Ngôn từ mới mẻ, sáng tạo, táo bạo và giàu sức gợi, những góc khuất tâm lý được khai thác sâu, đặc biệt những đoạn độc thoại giữa “sọ tôi, tôi và bóng tôi trong gương” của nhân vật Dưỡng, sẽ khiến người đọc khó lòng dứt ra cho đến những dòng cuối cùng.

Hình ảnh “Những ngã tư và những cột đèn” xuất hiện dày đặc trong cuốn tiểu thuyết, những mỗi một lần xuất hiện, là lại ở một cảnh giới xúc cảm khác, thách thức khác, thôi thúc khác.

Bạn bè Dưỡng: người hoà mình vào dòng chảy thời cuộc, người trượt dài trong những mắc mớ cũ, người luồn cúi để tồn tại, người trở thành Cuội của chính mình, chỉ có Dưỡng là loay hoay lâu nhất giữa những ngã tư đời.

Tôi không biết điều gì cứu vớt và dẫn lối con người mạnh mẽ hơn: lương tâm của chính họ hay tình yêu thương của người khác.

Với Dưỡng, dường như anh may mắn có cả hai, khi mọi thứ tưởng chừng sắp bùng nổ thì anh lại được cứu vớt, trong một chấm nhỏ hiện tại nào đó, trên đường tuyến tính thời gian.

Câu hỏi muôn đời của chọn lựa và không chọn lựa, đứng trước những ngã tư, có thể tham khảo lời nhà văn Trần Dần:

“Đời lắm ngã tư? Rẽ một ngã tư là trách nhiệm sinh tử, phải cẩn thận, kẻo hối bất kịp. Nhưng cẩn thận, không có nghĩa tính toán, chi li, chi hoe, mà trực cảm mang hết mình, ngửi ngửi ngã tư cẩn trọng rồi hãy rẽ”.